VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 274/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 12
tháng 7 năm 2023
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH TẠI BUỔI LÀM
VIỆC VỚI HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM
Ngày 13 tháng 6 năm 2023, tại
Trụ sở Hội Nhà báo Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm và chủ
trì buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí
Cách mạng Việt Nam (21/6/192 - 21/6/2023). Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Thông tin và
Truyền thông; Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch
Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân dân; Tổng Giám đốc Đài Truyền hình
Việt Nam; Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam và lãnh đạo Văn phòng Chính phủ;
đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam qua
các thời kỳ. Sau khi nghe báo cáo của Hội Nhà báo Việt Nam, phát biểu của đại
biểu dự họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kết luận như sau:
1. Báo chí là công cụ tuyên truyền trên mặt trận tư tưởng văn
hóa của Đảng, Nhà nước là phương tiện thông tin thiết yếu, là “món ăn” tinh thần
không thể thiếu trong đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của
người dân. Hội Nhà báo Việt Nam có vai trò quan trọng trong đoàn kết, tập hợp,
nâng cao bản lĩnh chính trị, bồi dưỡng nghiệp vụ, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp
của những người làm báo, góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận
trong xã hội. Nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, thay mặt
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao, nhiệt liệt biểu dương những thành
tích, sự đóng góp quan trọng của Hội Nhà báo Việt Nam và những cống hiến của những
người làm báo trên cả nước.
Trong suốt 73 năm xây dựng và
trưởng thành (21/4/1950 - 21/4/2023), Hội Nhà báo Việt Nam đã không ngừng phát
triển về tổ chức và lực lượng, trưởng thành về mọi mặt, có nhiều đóng góp xứng
đáng vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc; luôn bám sát đường lối, chính sách của
Đảng, pháp luật của Nhà nước và Điều lệ của Hội để thực hiện chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn được giao.
Trong cuộc chiến chống đại dịch
Covid-19, báo chí đã thể hiện vai trò quan trọng, tạo đồng thuận, chia sẻ trong
Nhân dân về các biện pháp chống dịch, tiêm chủng; đồng cảm, tương thân, tương
ái, giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn do dịch bệnh; kịp thời phản ánh hiện thực
sinh động của cuộc sống, những thành tựu, nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và
toàn quân với tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc; những điểm sáng về tăng trưởng,
phục hồi kinh tế sau đại dịch, nhiều chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà
nước đi vào cuộc sống; tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, khơi dậy niềm
tin trong Nhân dân.
2. Tuy nhiên hoạt động báo chí vẫn còn tồn tại, hạn chế ở một số
cơ quan báo chí và người làm báo; vẫn còn tình trạng “báo hóa” tạp chí,
trang tin điện tử tổng hợp; có biểu hiện “tư nhân hóa báo chí”; nội dung
bạo lực, chạy theo thị trường, thiếu tính định hướng, thiếu tính giáo dục và
nhân văn; vấn đề tin giả, tin sai sự thật chưa giảm…
3. Thời gian tới, để báo chí Việt Nam thực sự cách mạng, chuyên
nghiệp, nhân văn, hiện đại, Hội Nhà báo Việt Nam cần tiếp tục phát huy vai trò
quan trọng của mình, cùng với các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai một
số nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
a) Đẩy mạnh hoạt động tập hợp lực
lượng, xây dựng đội ngũ những người làm báo, chú trọng bồi dưỡng, nâng cao, rèn
luyện phẩm chất chính trị, tư tưởng, năng lực, trình độ chuyên môn cho hội viên
để “phụng sự Tổ quốc”, “phụng sự nhân dân”, “phụng sự giai cấp
và nhân loại” như lời Bác Hồ kính yêu từng căn dặn. Chung sức, đồng lòng tập
trung xây dựng và phát triển đội ngũ người làm báo nhạy bén về chính trị, nhạy
cảm về kinh tế, hiểu biết về khoa học và công nghệ; chấn chỉnh những “lệch
chuẩn” về đạo đức nghề nghiệp; giữ vững “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”,
thúc đẩy giá trị nhân văn trong hoạt động báo chí. Bảo vệ quyền, lợi ích chính
đáng, hợp pháp của hội viên trong thực thi nhiệm vụ, đồng thời xử lý nghiêm những
vi phạm, nhất là việc lợi dụng báo chí để đi ngược lại mục tiêu, lý tưởng của Đảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước và lợi ích của Nhân dân.
b) Tiếp tục quán triệt và thực
hiện có hiệu quả mục tiêu xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp,
nhân văn và hiện đại theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Báo chí phải
đồng hành cùng dân tộc, làm tốt hơn nữa chức năng định hướng tư tưởng, là vũ
khí sắc bén bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc.
Bám sát các nhiệm vụ chính trị của đất nước, cơ quan, địa phương, đơn vị để phản
ánh, nhất là 06 nhiệm vụ trọng tâm, 03 đột phá chiến lược.
c) Các cơ quan báo chí, các cấp
hội nhà báo, cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Tăng cường thông
tin xây dựng, phản biện xã hội để đưa đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật
của Nhà nước vào thực tiễn, “đưa ý Đảng đến gần dân hơn”. Tập trung phát
hiện những vấn đề nóng, nhạy cảm, mới xuất hiện, các nút thắt, điểm nghẽn; đi
vào định hướng, gợi mở giải pháp tháo gỡ những vấn đề khó, phức tạp trong nước
và quốc tế.
Đẩy mạnh tuyên truyền về văn
hóa tương xứng với tuyên truyền về kinh tế, chính trị, xã hội theo 06 nhiệm vụ
và 04 nhóm giải pháp mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu tại Hội
nghị văn hóa toàn quốc năm 2021; tăng cường chất lượng các tác phẩm báo chí, bảo
đảm tính chiến đấu cao, giá trị nhân văn sâu sắc, tác động mạnh cả về lý trí và
cảm xúc của công chúng; từ đó định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội, củng cố
niềm tin vững chắc của Nhân dân với Đảng và Nhà nước.
d) Báo chí phải đi đầu trong
phát hiện, biểu dương những nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt, cách làm
hay, mô hình tiên tiến, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực,
tạo động lực, truyền cảm hứng, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, xã hội. Làm tốt
vai trò giám sát, phản biện; cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, trung thực,
minh bạch. Đẩy mạnh đấu tranh bảo vệ chân lý, lẽ phải, người lương thiện; chống
lại những suy nghĩ và hành động sai trái, nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng,
chính trị, đạo đức, lối sống; tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực,
lãng phí.
đ) Đẩy mạnh chuyển đổi số báo
chí gắn với kinh tế số và kinh tế báo chí truyền thông. Bám sát các xu hướng tất
yếu trong báo chí, truyền thông thế giới để đổi mới và làm tốt vai trò dẫn dắt,
định hướng dư luận xã hội.
e) Báo chí phải góp phần vào
công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao
năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên; xây dựng cơ
quan hành chính các cấp hiệu lực, hiệu quả, đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực,
uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực,
lãng phí; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.
g) Tăng cường bồi dưỡng chính
trị, chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ phóng viên, nhà
báo. Quán triệt, thực hiện nghiêm Luật Báo chí, 10 điều Quy định đạo đức người
làm báo Việt Nam; tiếp tục hoàn thiện pháp luật về báo chí, bảo đảm quyền tự do
báo chí, theo quy định của pháp luật và bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp và các
lợi ích chính đáng của người làm báo. Tập trung xây dựng tổ chức đảng trong các
cơ quan báo chí trong sạch, vững mạnh.
h) Báo chí phát huy hơn nữa
tinh thần cách mạng để tiếp tục truyền tải những chủ trương, chính sách lớn của
Đảng, Nhà nước đến với Nhân dân và phản ánh nguyện vọng của Nhân dân, nhất là
những chính sách tác động lớn, chủ trương đổi mới trong lĩnh vực kinh tế, giáo
dục, hạ tầng, y tế, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đối với vùng
sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, chủ trương đại đoàn kết dân tộc…
Hội Nhà báo Việt Nam cần chủ động
thúc đẩy đổi mới sáng tạo về nội dung, cách làm truyền thông chính sách một
cách chủ động, kịp thời, phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả định hướng thông
tin, dư luận. Tổng kết giải báo chí quốc gia để đề xuất đổi mới, nâng tầm và
nâng cao chất lượng giải thưởng.
4. Về các đề
xuất, kiến nghị của Hội Nhà báo Việt Nam:
a) Về hoàn thiện quy định
pháp luật:
- Giao Bộ Thông tin và Truyền
thông chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, rà soát, đề xuất sửa đổi,
bổ sung quy định liên quan tới hoạt động báo chí như Nghị định số 60/2021/NĐ-CP
của Chính phủ ngày 21 tháng 06 năm 2021 quy định cơ chế tự chủ tài chính của
đơn vị sự nghiệp công lập (hoàn thiện trong năm 2023).
- Giao Bộ Thông tin và Truyền
thông và các bộ, ngành liên quan rà soát, sửa đổi các quy định, tiêu chuẩn,
tiêu chí về định mức kinh tế - kỹ thuật thuộc lĩnh vực báo chí, phát thanh,
truyền hình phù hợp với yêu cầu phát triển chung của đất nước và của ngành báo
chí (hoàn thiện trong Quý III năm 2023).
b) Về Quy hoạch và phát triển
báo chí toàn quốc: Giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với
các bộ liên quan rà soát, đề xuất xây dựng, hoàn thiện chính sách để việc thực
hiện quy hoạch báo chí hợp lý, hiệu quả hơn, đi vào thực chất, phù hợp với xu
thế phát triển.
c) Về hạ tầng công nghệ
thông tin: Giao Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan
liên quan hỗ trợ bảo đảm hạ tầng số cho các cơ quan báo chí, tăng cường ứng dụng
mạnh mẽ công nghệ thông tin. Xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng trong công
tác chuyển đổi số quốc gia nói chung và chuyển đổi số trong hoạt động báo chí
nói riêng, để cơ quan báo chí phải là một trong những cơ quan tiên phong về
chuyển đổi số.
d) Về đào tạo nguồn nhân lực:
Giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo
Việt Nam nghiên cứu, đề xuất xây dựng kế hoạch, rà soát chương trình đào tạo
nguồn nhân lực phục vụ mục tiêu ngành, lĩnh vực báo chí; đẩy mạnh đào tạo, đào
tạo lại hàng năm cho hội viên, nhà báo, phóng viên về kỹ năng làm báo trong kỷ
nguyên số, ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động báo chí. Tiếp tục mở rộng hợp
tác quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực cho các cơ quan báo chí.
đ) Về cơ sở vật chất cho các
cơ quan báo chí: Giao Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất cơ chế huy động
như hợp tác công - tư trong tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ quan báo chí;
huy động được sức mạnh của xã hội; chống tiêu cực, tham nhũng.
e) Về tài chính cho các cơ quan
báo chí: Bố trí tài chính theo hướng đặt hàng, giao nhiệm vụ, cân đối nguồn
lực chung cho hoạt động báo chí. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ
Tài chính xây dựng cơ chế bảo đảm hoạt động của các cơ quan báo chí minh bạch,
công khai, hiệu quả, nằm trong tổng thể chung của các cơ quan trong hệ thống
chính trị.
g) Về chế độ, chính sách cho
người làm công tác tại Hội Nhà báo Việt Nam và Hội nhà báo tại các tỉnh, thành
phố trực thuộc trung ương: Giao Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ
Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, xử lý kiến nghị của Hội Nhà báo Việt Nam
theo thẩm quyền và quy định hiện hành; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ
tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
h) Về triển khai Kế hoạch
hành động hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam
(21/6/2025): Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành và phát triển
của Báo chí Cách mạng Việt Nam. Giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối
hợp với Hội Nhà báo Việt Nam căn cứ Kế hoạch kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách
mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025) do Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành để
xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, đảm bảo ý nghĩa, thiết thực và hiệu quả;
trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
Văn phòng Chính phủ thông báo để
các Bộ, cơ quan, địa phương biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Hội Nhà báo Việt Nam;
- VPCP: BTCN, PCN Nguyễn Sỹ Hiệp, PCN Nguyễn Xuân Thành, Trợ lý của TTg, các
PTTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, CN, TKBT, TCCV, TH, Cục KSTT,
- Lưu: VT, KGVX(2). va
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Nguyễn Sỹ Hiệp
|