Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 07/2022/TT-BVHTTDL tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp xếp lương viên chức thể dục thể thao

Số hiệu: 07/2022/TT-BVHTTDL Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch Người ký: Nguyễn Văn Hùng
Ngày ban hành: 25/10/2022 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

Mã số chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thể dục thể thao

Ngày 25/10/2022 Bộ trưởng Bộ VHTT&DL ban hành Thông tư 07/2022/TT-BVHTTDL quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành thể dục thể thao.

Theo đó, mã số chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thể dục thể thao bao gồm:

- Huấn luyện viên cao cấp (hạng I) : Mã số: V.10.01.01;

- Huấn luyện viên chính (hạng II): Mã số: V.10.01.02;

- Huấn luyện viên (hạng III): Mã số: V.10.01.03;

- Hướng dẫn viên (hạng IV): Mã số: V.10.01.04.

Bên cạnh đó, quy định tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp của viên chức chuyên ngành thể dục thể thao như sau:

- Tâm huyết với nghề, nhiệt tình, trách nhiệm và bảo đảm yêu cầu về thời gian, chất lượng với công việc được giao.

- Thẳng thắn, trung thực, khách quan, làm việc khoa học, có chính kiến rõ ràng; thái độ lịch sự, khiêm tốn, đúng mực khi tiếp xúc với Nhân dân; tôn trọng đồng nghiệp; có ý thức đấu tranh với những hành vi sai trái, tiêu cực; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

- Có tinh thần đoàn kết, tích cực, chủ động phối hợp tốt với đồng nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

- Có ý thức học tập, rèn luyện nâng cao phẩm chất, trình độ và năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ.

Thông tư 07/2022/TT-BVHTTDL có hiệu lực từ ngày 10/12/2022 và bãi bỏ Thông tư liên tịch 13/2014/TTLT-BVHTTDL-BNV ngày 17/10/2014; Thông tư liên tịch 02/2015/TTLT-BNV-BVHTTDL ngày 26/5/2015.

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO
VÀ DU LỊCH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/2022/TT-BVHTTDL

Hà Nội, ngày 25 tháng 10 năm 2022

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH MÃ SỐ, TIÊU CHUẨN CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP VÀ XẾP LƯƠNG VIÊN CHỨC CHUYÊN NGÀNH THỂ DỤC THỂ THAO

Căn cứ Luật Thể dục, thể thao ngày 29 tháng 11 năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao ngày 14 tháng 6 năm 2018;

Căn cứ Luật Viên chức ngày 15 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật viên chức ngày 25 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;

Căn cứ Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;

Căn cứ Nghị định số 79/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao;

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành thể dục thể thao.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức chuyên ngành thể dục thể thao.

2. Thông tư này áp dụng đối với viên chức chuyên ngành thể dục thể thao làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Mã số chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thể dục thể thao

Chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thể dục thể thao bao gồm:

1. Huấn luyện viên cao cấp (hạng I)

Mã số: V.10.01.01

2. Huấn luyện viên chính (hạng II)

Mã số: V.10.01.02

3. Huấn luyện viên (hạng III)

Mã số: V.10.01.03

4. Hướng dẫn viên (hạng IV)

Mã số: V.10.01.04

Điều 3. Tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp của viên chức chuyên ngành thể dục thể thao

1. Tâm huyết với nghề, nhiệt tình, trách nhiệm và bảo đảm yêu cầu về thời gian, chất lượng với công việc được giao.

2. Thẳng thắn, trung thực, khách quan, làm việc khoa học, có chính kiến rõ ràng; thái độ lịch sự, khiêm tốn, đúng mực khi tiếp xúc với Nhân dân; tôn trọng đồng nghiệp; có ý thức đấu tranh với những hành vi sai trái, tiêu cực; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

3. Có tinh thần đoàn kết, tích cực, chủ động phối hợp tốt với đồng nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

4. Có ý thức học tập, rèn luyện nâng cao phẩm chất, trình độ và năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ.

Chương II

TIÊU CHUẨN CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP

Điều 4. Huấn luyện viên cao cấp (hạng I) - Mã số V.10.01.01

1. Nhiệm vụ:

a) Chủ trì xây dựng kế hoạch hoạt động dài hạn, trung hạn, hàng năm về phát triển môn thể thao; kế hoạch, chương trình huấn luyện của đội tuyển, đội tuyển trẻ thể thao quốc gia và đội tuyển thể thao của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ngành;

b) Chủ trì hoặc tham gia tuyển chọn, quản lý vận động viên; trực tiếp huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, thể lực, rèn luyện tâm lý, ý chí cho vận động viên; chỉ đạo vận động viên thuộc phạm vi phụ trách tham gia các giải thi đấu thể thao cấp quốc gia, quốc tế;

c) Chủ trì tổ chức triển khai nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và các phương pháp huấn luyện hiện đại trong công tác tuyển chọn, đào tạo vận động viên;

d) Chịu trách nhiệm thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn, vệ sinh trong tập luyện, thi đấu, kiểm tra y học cho vận động viên;

đ) Chủ động nghiên cứu, cải tiến phương pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác huấn luyện;

e) Dự báo khả năng phát triển thành tích thể thao, khả năng đạt thành tích thi đấu của vận động viên thuộc phạm vi phụ trách;

g) Phối hợp thực hiện công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phẩm chất đạo đức, học tập văn hoá cho vận động viên; quan tâm chăm lo đời sống tinh thần, sức khoẻ, khẩu phần ăn đảm bảo dinh dưỡng theo yêu cầu tập luyện, thi đấu của môn thể thao, điều kiện ở, nghỉ ngơi, giúp vận động viên có sức khỏe tốt để tập luyện và thi đấu.

2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng:

a) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên với ngành hoặc chuyên ngành đào tạo phù hợp với ngành, lĩnh vực thể dục thể thao;

b) Có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thể dục thể thao.

3. Tiêu chuẩn về năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ:

a) Nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thể dục thể thao và phát triển thể thao thành tích cao;

b) Hiểu biết về lý luận và phương pháp giáo dục thể chất, học thuyết huấn luyện thể thao; nắm chắc và thường xuyên cập nhật kỹ thuật, chiến thuật, xu hướng phát triển kỹ thuật, chiến thuật của môn thể thao ở trong nước và trên thế giới;

c) Hiểu biết các kiến thức về giáo dục học, tâm lý học, y sinh học thể dục thể thao, dinh dưỡng, sử dụng thuốc bổ trợ và các quy định về phòng, chống doping trong tập luyện và thi đấu thể thao;

d) Nắm vững và vận dụng đúng các quy định luật thi đấu của môn thể thao; điều lệ, quy chế tổ chức và hoạt động của liên đoàn môn thể thao trong nước và quốc tế;

đ) Biết sơ cứu chấn thương cho vận động viên trong tập luyện và thi đấu thể thao;

e) Có năng lực chỉ đạo và tổ chức phối hợp với đồng nghiệp trong hoạt động chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng công tác huấn luyện thể thao;

g) Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu vị trí việc làm.

4. Yêu cầu đối với viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp huấn luyện viên cao cấp (hạng I):

a) Có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp huấn luyện viên chính (hạng II) hoặc tương đương từ đủ 06 năm trở lên. Trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 01 năm (đủ 12 tháng) đang giữ chức danh nghề nghiệp huấn luyện viên chính (hạng II) tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng;

b) Trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp huấn luyện viên chính (hạng II) hoặc tương đương đã trực tiếp huấn luyện, đào tạo vận động viên đạt ít nhất một trong các thành tích sau: huy chương tại Đại hội thể thao Đông Nam Á, Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á, Đại hội thể thao châu Á, Đại hội thể thao người khuyết tật châu Á, Đại hội Olympic trẻ, các giải vô địch từng môn khu vực Đông Nam Á, châu Á, thế giới hoặc đạt tiêu chuẩn tham dự Đại hội Olympic, Đại hội Paralympic.

Điều 5. Huấn luyện viên chính (hạng II) - Mã số V.10.01.02

1. Nhiệm vụ:

a) Chủ trì hoặc tham gia tuyển chọn, quản lý vận động viên; trực tiếp huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, thể lực, rèn luyện tâm lý, ý chí cho vận động viên; chỉ đạo vận động viên thuộc phạm vi phụ trách tham gia các giải thi đấu thể thao từ cấp tỉnh, ngành trở lên;

b) Chủ trì hoặc phối hợp tổ chức thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn, vệ sinh trong tập luyện, thi đấu và kiểm tra y học cho vận động viên;

c) Xây dựng kế hoạch huấn luyện dài hạn và ngắn hạn, chương trình, giáo án huấn luyện đối với các vận động viên đội tuyển, đội tuyển trẻ thể thao của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ngành;

d) Đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác huấn luyện;

đ) Tham gia xây dựng đề tài khoa học hoặc có sáng kiến kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng, thành tích huấn luyện được áp dụng vào thực tiễn công tác đào tạo vận động viên;

e) Phối hợp, quan tâm chăm lo đời sống tinh thần, sức khoẻ, đảm bảo dinh dưỡng theo yêu cầu tập luyện, thi đấu của môn thể thao; điều kiện nghỉ ngơi và học tập văn hoá cho vận động viên;

g) Chăm lo công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phẩm chất đạo đức cho vận động viên; xây dựng tập thể vận động viên đoàn kết;

h) Dự báo khả năng phát triển thành tích thể thao, khả năng đạt thành tích thi đấu của vận động viên thuộc phạm vi phụ trách.

2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng:

a) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên với ngành hoặc chuyên ngành đào tạo phù hợp với ngành, lĩnh vực thể dục thể thao;

b) Có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thể dục thể thao.

3. Tiêu chuẩn về năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ:

a) Nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thể dục thể thao và phát triển thể thao thành tích cao;

b) Hiểu biết kiến thức cơ bản về lý luận, phương pháp giáo dục thể chất, học thuyết huấn luyện thể thao, kỹ thuật, chiến thuật và xu hướng phát triển kỹ thuật, chiến thuật của môn thể thao ở trong nước và trên thế giới; các kiến thức về giáo dục học, tâm lý học, y sinh học thể dục thể thao, dinh dưỡng, các quy định về phòng, chống doping trong tập luyện và thi đấu thể thao;

c) Nắm vững và vận dụng đúng các quy định luật thi đấu của môn thể thao; điều lệ, quy chế tổ chức và hoạt động của liên đoàn môn thể thao trong nước và quốc tế;

d) Biết sơ cứu chấn thương cho vận động viên trong tập luyện và thi đấu thể thao;

đ) Tổ chức phối hợp với đồng nghiệp trong hoạt động chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng công tác huấn luyện thể thao;

e) Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu vị trí việc làm.

4. Yêu cầu đối với viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp huấn luyện viên chính (hạng II):

a) Có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp huấn luyện viên (hạng III) hoặc tương đương từ đủ 09 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc). Trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 01 năm (đủ 12 tháng) đang giữ chức danh nghề nghiệp huấn luyện viên (hạng III) tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng;

b) Trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp huấn luyện viên (hạng III) hoặc tương đương đã trực tiếp huấn luyện, đào tạo vận động viên đạt ít nhất một trong các thành tích sau: huy chương tại Đại hội thể thao toàn quốc; các giải vô địch quốc gia; cup quốc gia; giải vô địch trẻ từng môn châu Á, thế giới hoặc thành tích quy định tại điểm b, khoản 4, Điều 4 Thông tư này.

Điều 6. Huấn luyện viên (hạng III) - Mã số V.10.01.03

1. Nhiệm vụ:

a) Chủ trì hoặc tham gia xây dựng kế hoạch huấn luyện dài hạn và ngắn hạn, chương trình, giáo án huấn luyện phù hợp với đặc điểm tâm - sinh lý, lứa tuổi, giới tính, khả năng vận động của vận động viên;

b) Trực tiếp huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, thể lực, rèn luyện tâm lý, ý chí cho vận động viên theo chương trình, kế hoạch được phê duyệt; chỉ đạo vận động viên thuộc phạm vi phụ trách tham gia các giải thi đấu thể thao;

c) Tham gia tuyển chọn năng khiếu thể thao thuộc môn thể thao chuyên sâu được phân công phụ trách;

d) Tham gia công tác nghiên cứu khoa học thể dục thể thao hoặc có sáng kiến nhằm nâng cao chất lượng, thành tích huấn luyện, đào tạo vận động viên;

đ) Phối hợp tổ chức thực hiện các quy định về bảo đảm dinh dưỡng, vệ sinh, an toàn trong tập luyện, thi đấu; chăm sóc sức khoẻ, điều kiện ăn, ở, nghỉ ngơi và học tập văn hoá cho vận động viên;

e) Chăm lo công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phẩm chất đạo đức cho vận động viên.

2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng:

a) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên với ngành hoặc chuyên ngành đào tạo phù hợp với ngành, lĩnh vực thể dục thể thao;

b) Có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thể dục thể thao.

3. Tiêu chuẩn về năng lực, chuyên môn nghiệp vụ:

a) Nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thể dục thể thao và phát triển thể thao thành tích cao;

b) Hiểu biết luật, điều lệ thi đấu để vận dụng chỉ đạo trong tập luyện, thi đấu thể thao;

c) Có kiến thức cơ bản về lý luận và phương pháp giáo dục thể chất; nắm chắc các kỹ thuật, chiến thuật cơ bản của môn thể thao;

d) Hiểu biết các nguyên lý cơ bản về giáo dục học, tâm lý học và y sinh học thể dục thể thao và vận dụng vào công tác huấn luyện các vận động viên có lứa tuổi, giới tính, trình độ khác nhau;

đ) Biết sơ cứu chấn thương cho vận động viên trong tập luyện và thi đấu thể thao;

e) Có khả năng ứng dụng tiến bộ khoa học để nâng cao hiệu quả công tác huấn luyện;

g) Hiểu biết các quy định về phòng, chống Doping trong tập luyện và thi đấu thể thao;

h) Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu vị trí việc làm.

4. Yêu cầu đối với viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp huấn luyện viên (hạng III):

Có thời gian công tác giữ chức danh nghề nghiệp hướng dẫn viên (hạng IV) hoặc tương đương từ đủ 03 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc). Trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 01 năm (đủ 12 tháng) đang giữ chức danh nghề nghiệp hướng dẫn viên (hạng IV) tính đến ngày hết hạn thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

Điều 7. Hướng dẫn viên (hạng IV) - Mã số: V.10.01.04

1. Nhiệm vụ:

a) Xây dựng chương trình, kế hoạch, nội dung và các tài liệu hướng dẫn hoạt động tập luyện, thi đấu thể dục thể thao phù hợp với từng đối tượng người tập;

b) Trực tiếp tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các hoạt động thể dục thể thao; hướng dẫn tập luyện thể dục, thi đấu và biểu diễn thể thao theo đúng phương pháp;

c) Bảo đảm an toàn cho người tập luyện thể dục, thi đấu và biểu diễn thể thao;

d) Tham gia tổ chức các hoạt động thể dục thể thao trong các dịp lễ, hội ở địa phương, đơn vị;

đ) Phát hiện năng khiếu thể thao để giới thiệu với đơn vị sự nghiệp thể dục thể thao, các cơ sở đào tạo vận động viên.

2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng:

Tốt nghiệp trung cấp thể dục thể thao trở lên. Trường hợp có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thể dục thể thao.

3. Tiêu chuẩn về năng lực, chuyên môn nghiệp vụ:

a) Hiểu biết chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của ngành về phát triển thể dục thể thao quần chúng;

b) Có kiến thức về nội dung, phương pháp vận động nhân dân tham gia tập luyện thể dục thể thao;

c) Hiểu biết về nguyên tắc, phương pháp giáo dục thể chất, các kỹ thuật, chiến thuật cơ bản, luật thi đấu, phương pháp tổ chức và thi đấu của môn thể thao; hướng dẫn tập luyện thể dục, thi đấu và biểu diễn thể thao;

d) Có kiến thức về y học, dinh dưỡng và công tác vệ sinh, an toàn trong hoạt động thể dục thể thao.

Chương III

XẾP LƯƠNG CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP VIÊN CHỨC CHUYÊN NGÀNH THỂ DỤC THỂ THAO

Điều 8. Nguyên tắc xếp lương theo chức danh nghề nghiệp đối với viên chức chuyên ngành thể dục thể thao

1. Việc bổ nhiệm và xếp lương vào các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thể dục thể thao quy định tại Thông tư này phải căn cứ vào vị trí việc làm, chức trách, nhiệm vụ đang đảm nhận và chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức.

2. Khi bổ nhiệm và xếp lương vào các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thể dục thể thao tương ứng không được kết hợp nâng bậc lương hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.

Điều 9. Cách xếp lương

1. Các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thể dục thể thao quy định tại Thông tư này được áp dụng Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (Bảng 3) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, cụ thể như sau:

a) Chức danh nghề nghiệp huấn luyện viên cao cấp (hạng I) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1), từ hệ số lương 6,2 đến hệ số lương 8,0;

b) Chức danh nghề nghiệp huấn luyện viên chính (hạng II) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 1 (A2.1), từ hệ số lương 4,4 đến hệ số lương 6,78;

c) Chức danh nghề nghiệp huấn luyện viên (hạng III) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;

d) Chức danh nghề nghiệp hướng dẫn viên (hạng IV) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại B, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06.

2. Sau khi hết thời gian tập sự theo quy định và được cấp có thẩm quyền quản lý viên chức quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thể dục thể thao thì thực hiện xếp bậc lương theo chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm như sau:

a) Trường hợp viên chức khi tuyển dụng có trình độ đào tạo tiến sĩ phù hợp với vị trí việc làm, được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp huấn luyện viên (hạng III): xếp bậc 3, hệ số lương 3,00 (viên chức loại A1);

b) Trường hợp viên chức khi tuyển dụng có trình độ đào tạo thạc sĩ phù hợp với vị trí việc làm, được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp huấn luyện viên (hạng III): xếp bậc 2, hệ số lương 2,67 (viên chức loại A1);

c) Trường hợp viên chức khi tuyển dụng có trình độ đào tạo đại học phù hợp với vị trí việc làm, được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp huấn luyện viên (hạng III) xếp bậc 1, hệ số lương 2,34 (viên chức loại A1);

d) Trường hợp viên chức khi tuyển dụng có trình độ đào tạo cao đẳng phù hợp với vị trí việc làm, được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp hướng dẫn viên (hạng IV): xếp bậc 2, hệ số lương 2,06 (viên chức loại B);

đ) Trường hợp viên chức khi tuyển dụng có trình độ đào tạo trung cấp phù hợp với vị trí việc làm, được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp hướng dẫn viên (hạng IV): xếp bậc 1, hệ số lương 1,86 (viên chức loại B).

3. Việc chuyển xếp lương đối với viên chức từ chức danh nghề nghiệp hiện giữ sang chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thể dục thể thao quy định tại Thông tư này thực hiện theo hướng dẫn tại Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 10. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này là căn cứ để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức chuyên ngành thể dục thể thao làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

2. Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập trực tiếp quản lý, sử dụng viên chức có trách nhiệm rà soát các vị trí việc làm của đơn vị; quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền bổ nhiệm các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thể dục thể thao theo thẩm quyền phân cấp.

3. Các cơ sở, tổ chức, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập được áp dụng các quy định tại Thông tư này để tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ người làm việc về chuyên ngành thể dục thể thao.

Điều 11. Điều khoản chuyển tiếp

1. Viên chức đã được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp chuyên ngành thể dục thể thao theo quy định của pháp luật từ trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì được xác định là đáp ứng quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thể dục thể thao quy định tại Thông tư này tương ứng với chức danh nghề nghiệp đã được bổ nhiệm.

2. Viên chức đã có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của các hạng viên chức chuyên ngành thể dục thể thao trước ngày 30 tháng 6 năm 2022 theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được xác định là đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thể dục thể thao để xét chuyển chức danh nghề nghiệp, tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp và không phải học chương trình bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thể dục thể thao quy định tại Thông tư này.

Điều 12. Hiệu lực thi hành và trách nhiệm tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 12 năm 2022.

2. Bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật sau kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực:

a) Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BVHTTDL-BNV ngày 17 tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thể dục thể thao;

b) Thông tư liên tịch số 02/2015/TTLT-BNV-BVHTTDL ngày 26 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn bổ nhiệm và xếp lương viên chức chuyên ngành thể dục thể thao.

3. Trường hợp các văn bản dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo các văn bản mới đó.

4. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

5. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.


Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng Bộ VHTTDL;
- Các Tổng cục, Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL;
- Sở VHTTDL, Sở VHTT, Sở VHTTTTDL;
- Công báo, Cổng TTĐT Chính phủ: Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật;
- Cổng TTĐT Bộ VHTTDL;
- Lưu: VT, TCTDTT.MT.300.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Hùng

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 07/2022/TT-BVHTTDL ngày 25/10/2022 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành thể dục thể thao do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


10.977

DMCA.com Protection Status
IP: 18.218.71.21
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!