BỘ GIAO THÔNG VẬN
TẢI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 52/2022/TT-BGTVT
|
Hà Nội, ngày 30
tháng 12 năm 2022
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG HÀNG KHÔNG DÂN
DỤNG
Căn cứ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 66/2006/QH11
ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật số 61/2014/QH13 ngày 21 tháng 11 năm 2014 sửa
đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14, ngày 17
tháng 11 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 05/2021/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm
2021 của Chính phủ Về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay;
Căn cứ Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm
2022 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số 56/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm
2022 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của
Bộ Giao thông vận tải;
Theo đề nghị của Cục trưởng
Cục Hàng không Việt Nam và Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường;
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận
tải ban hành Thông tư quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động hàng không
dân dụng.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
a) Thông tư này quy định về bảo
vệ môi trường trong hoạt động hàng không dân dụng tại Việt Nam;
b) Thông tư này không điều chỉnh
về đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, đăng ký môi trường.
2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với tổ
chức, cá nhân có liên quan đến bảo vệ môi trường hoạt động hàng không dân dụng
tại Việt Nam.
Điều 2. Giải
thích từ ngữ
1. Người khai thác cảng hàng
không, sân bay là tổ chức trực tiếp khai thác kết cấu hạ tầng sân bay và các
công trình thiết yếu khác của cảng hàng không, sân bay, trừ các công trình và
cơ sở bảo đảm hoạt động bay do doanh nghiệp bảo đảm hoạt động bay quản lý, khai
thác và được Cục Hàng không Việt Nam cấp Giấy chứng nhận khai thác cảng hàng
không, sân bay.
2. Người khai thác tàu bay là tổ
chức, cá nhân tham gia khai thác tàu bay theo quy định tại Điều
22 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.
3. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ
chuyên ngành hàng không là tổ chức cung cấp dịch vụ bao gồm:
a) Dịch vụ hàng không là dịch vụ
liên quan trực tiếp đến khai thác tàu bay, khai thác vận chuyển hàng không và
hoạt động bay;
b) Dịch vụ phi hàng không là dịch
vụ cung ứng tại cảng hàng không, sân bay, trên tàu bay nhưng không thuộc dịch vụ
hàng không.
4. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ
bảo đảm hoạt động bay là tổ chức cung cấp dịch vụ cần thiết để bảo đảm an toàn,
điều hoà, liên tục và hiệu quả cho hoạt động bay, bao gồm dịch vụ không lưu, dịch
vụ thông tin, dẫn đường, giám sát, dịch vụ khí tượng; dịch vụ thông báo tin tức
hàng không và dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn.
Chương II
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG
HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC TÀU BAY
Điều 3. Tiếng
ồn tàu bay
Tàu bay khai thác tại Việt Nam
phải tuân thủ các yêu cầu sau:
1. Tiếng ồn tàu bay do Tổ chức
hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) quy định tại Phần 2 (Part 2), Quyển 1 (Volume
1), Phụ ước 16 (Annex 16) của Công ước Chi-ca-gô về hàng không dân dụng quốc tế
mà Việt Nam là thành viên.
2. Tiếng ồn tàu bay quy định tại
Phần 21 Bộ quy chế An toàn hàng không dân dụng trong lĩnh vực tàu bay và khai
thác tàu bay do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành.
Điều 4. Khí
thải động cơ tàu bay
Động cơ tàu bay khai thác tại
Việt Nam phải tuân thủ các yêu cầu sau:
1. Các yêu cầu về khí thải tàu
bay do ICAO quy định tại Chương 2 (Chapter 2), Phần 2 (Part 2) và Chương 2
(Chapter 2), Phần 3 (Part 3), Quyển 2 (Volume 2), Phụ ước 16 (Annex 16) của Công
ước Chi-ca-gô về hàng không dân dụng quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
2. Có Giấy chứng nhận loại tàu
bay do Cục Hàng không Việt Nam cấp, công nhận theo quy định tại Bộ quy chế An
toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay do Bộ trưởng Bộ
Giao thông vận tải ban hành.
Điều 5. Bảo
vệ môi trường trong khai thác tàu bay
Người khai thác tàu bay có
trách nhiệm:
1. Tổ chức thực hiện việc thu
gom, phân loại chất thải từ tàu bay.
2. Sử dụng hóa chất diệt côn
trùng và vệ sinh trong tàu bay tuân thủ quy định tại Danh mục hóa chất, chế phẩm
diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế được phép đăng ký để sử
dụng, được phép đăng ký nhưng hạn chế sử dụng và cấm sử dụng tại Việt Nam do Bộ
Y tế ban hành.
Điều 6. Kiểm
soát, giảm thiểu khí thải, tiếng ồn từ hoạt động của tàu bay
1. Người khai thác tàu bay có
trách nhiệm:
a) Áp dụng các giải pháp công
nghệ trong khai thác tàu bay nhằm giảm thiểu khí thải, tiếng ồn từ tàu bay;
b) Phối hợp với người khai thác
cảng hàng không, sân bay, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đảm bảo hoạt động bay tối
ưu thời gian khởi hành, thời gian cất cánh nhằm giảm thiểu thời gian tàu bay nổ
máy chờ trên bãi đỗ, đường lăn, đường cất hạ cánh;
c) Phối hợp với người khai thác
cảng hàng không, sân bay, các đơn vị cung cấp dịch vụ mặt đất tại cảng hàng
không sân bay tăng cường sử dụng thiết bị hỗ trợ mặt đất, hạn chế tối đa sử dụng
động cơ phụ tàu bay khi tàu bay đậu tại cảng hàng không, sân bay trừ các yếu tố
liên quan đến an ninh, an toàn hàng không.
2. Người khai thác cảng hàng
không, sân bay có trách nhiệm phối hợp với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đảm bảo
hoạt động bay, người khai thác tàu bay giảm thiều thời gian hoạt động của động
cơ tàu bay trong khu bay.
3. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ
đảm bảo hoạt động bay có trách nhiệm tối ưu hóa đường bay, phương thức bay, quỹ
đạo cất hạ cánh nhằm giảm thiểu thời gian bay, tiếng ồn, khí thải từ tàu bay.
Chương
III
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TẠI CẢNG
HÀNG KHÔNG, SÂN BAY
Điều 7. Hạ
tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường tại cảng hàng không, sân bay
1. Hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi
trường của cảng hàng không, sân bay bao gồm:
a) Hệ thống thu gom, lưu giữ, vận
chuyển chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải
nguy hại; hệ thống thu gom, xử lý, thoát nước thải.
b) Quan trắc môi trường lĩnh vực
hàng không;
c) Các công trình bảo vệ môi
trường lĩnh vực hàng không.
2. Hệ thống thu gom, xử lý,
thoát nước thải trong phạm vi cảng hàng không và sân bay phải đảm bảo chất lượng
nước thải sau khi xử lý trước khi xả vào nguồn tiếp nhận đáp ứng Quy chuẩn kỹ
thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải
công nghiệp.
3. Hệ thống, thu gom, lưu giữ,
vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn thông thường, chất thải nguy
hại trong phạm vi cảng hàng không, sân bay phải được xây dựng, vận hành đảm bảo
các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường.
4. Người khai thác cảng hàng
không, sân bay chịu trách nhiệm xây dựng, bảo trì và duy trì hoạt động của hạ tầng
kỹ thuật bảo vệ môi trường của cảng hàng không, sân bay.
5. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ
chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không sân bay chịu trách nhiệm xây dựng hạ
tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường trong phạm vi hoạt động của mình, đảm bảo đồng
bộ với hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường của cảng hàng không, sân bay.
Điều 8. Bản
đồ tiếng ồn cảng hàng không, sân bay
1. Người khai thác cảng hàng
không, sân bay tại cảng hàng không, sân bay có vị trí nằm liền kề khu vực dân
cư sinh sống có trách nhiệm:
a) Xây dựng bản đồ tiếng ồn cảng
hàng không, sân bay theo hướng dẫn của ICAO tại phần 9911 (Doc 9911) Phụ lục ước
16 (Annex 16) Quyển 1 (Volume 1) về phương pháp, trình tự thực hiện; trong đó
đường đẳng âm trong bản đồ tiếng ồn cảng hàng không, sân bay được lấy tương ứng
với các mức giới hạn đối với các công trình công cộng, dân sinh theo Quy chuẩn
kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành, tiêu chuẩn
an toàn lao động do Bộ Y tế ban hành;
b) Gửi bản đồ tiếng ồn đã xây dựng
đến Cục Hàng không Việt Nam, Cảng vụ hàng không và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
theo quy định tại khoản 14 Điều 6 Nghị định 05/2021/NĐ-CP
ngày 25 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về quản lý, khai thác cảng hàng không,
sân bay.
2. Cục Hàng không Việt Nam có
trách nhiệm:
a) Căn cứ điều kiện kinh tế xã
hội và khả năng thực hiện của cảng hàng không, sân bay xác định danh mục cảng
hàng không, sân bay cần xây dựng; cập nhật bản đồ tiếng ồn ứng với từng giai đoạn
và thông báo cho Người khai thác cảng hàng không, sân bay biết, thực hiện;
b) Kiểm tra, giám sát việc xây
dựng bản đồ tiếng ồn cảng hàng không, sân bay theo quy định của Thông tư này.
Điều 9. Kiểm
soát tiếng ồn tại cảng hàng không, sân bay
1. Người khai thác cảng hàng
không, sân bay có trách nhiệm xây dựng, áp dụng các giải pháp hạn chế tiếng ồn
tàu bay hoạt động tại khu vực cảng hàng không, sân bay và khu vực lân cận bao gồm:
a) Phối hợp với doanh nghiệp
cung cấp dịch vụ đảm bảo hoạt động bay, người khai thác tàu bay giảm thiều thời
gian hoạt động của động cơ tàu bay trong khu bay;
b) Khu vực thử động cơ tàu bay
độc lập phải có biện pháp giảm âm, giảm thiểu tối đa tiếng ồn tới các khu vực
lân cận và người lao động (trừ sân đỗ tàu bay gắn liền với cơ sở bảo dưỡng tàu
bay).
2. Người quản lý, khai thác sân
đỗ tàu bay phục vụ bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay có trách nhiệm lựa chọn, bố trí
khu vực thử động cơ tàu bay gây ồn ít nhất đến người lao động, khu vực lân cận.
Điều 10.
Kiểm soát bụi, khí thải tại cảng hàng không, sân bay
1. Người khai thác cảng hàng
không, sân bay có trách nhiệm thiết lập các tuyến giao thông nội cảng hợp lý nhằm
giảm thiểu quãng đường hoạt động của phương tiện, thiết bị hoạt động trong khu
vực cảng, sân bay.
2. Tổ chức khai thác hệ thống
phương tiện, trang thiết bị hoạt động tại cảng hàng không, sân bay có trách nhiệm
xây dựng, áp dụng các giải pháp giảm thiểu khí thải bao gồm:
a) Bảo dưỡng định kỳ hệ thống
phương tiện, trang thiết bị sử dụng;
b) Hạn chế hoạt động của động
cơ khi phương tiện, thiết bị tạm dừng hoạt động;
c) Áp dụng tốc độ, chế độ tăng
tốc hợp lý khi phương tiện, thiết bị hoạt động tại cảng hàng không, sân bay;
d) Khuyến khích sử dụng nguồn cấp
điện, thiết bị điều hòa không khí trên mặt đất bằng thiết bị sử dụng năng lượng
tiết kiệm và hiệu quả hoặc sử dụng nhiên liệu sạch;
đ) Có kế hoạch thay thế, tiến đến
loại trừ việc sử dụng các thiết bị làm lạnh có sử dụng chất làm lạnh nhóm HCFC
(Hydrochlorofluorocarbon).
3. Cơ sở bảo dưỡng tàu bay có
trách nhiệm áp dụng các biện pháp giảm thiểu khí thải động cơ tàu bay trong quá
trình thử nghiệm động cơ tàu bay.
4. Chủ đầu tư xây dựng, cải tạo,
nâng cấp, bảo trì, sửa chữa công trình, lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị
trong khu vực cảng hàng không, sân bay phải có các biện pháp đảm bảo các yêu cầu
về kiểm soát bụi, khí thải, không làm phát tán bụi, gây ô nhiễm không khí trong
quá trình thi công.
Điều 11.
Kiểm soát nước thải tại cảng hàng không, sân bay
1. Người khai thác cảng hàng
không có trách nhiệm:
a) Đảm bảo các quy định về hệ
thống thu gom, xử lý, thoát nước thải quy định tại Điều 7 của
Thông tư này;
b) Hướng dẫn các doanh nghiệp
cung cấp dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay thực hiện
việc thu gom, xử lý, quan trắc giám sát chất lượng nước thải đáp ứng yêu cầu về
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải trước khi xả ra ngoài. Trong quá trình
hoạt động có biện pháp ngăn chặn rò rỉ trực tiếp hoặc gián tiếp nhiên liệu, dầu
mỡ, hóa chất phát tán ra khu vực xung quanh;
c) Khi có cảnh báo của cơ quan
kiểm dịch y tế quốc tế tại cảng hàng không, sân bay về dịch bệnh truyền nhiễm
nguy hiểm thì phải tổ chức khử trùng nước thải từ tàu bay theo quy định trước
khi xử lý.
2. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ
chuyên ngành hàng không có trách nhiệm:
a) Tuân thủ yêu cầu về Quy chuẩn
kỹ thuật quốc gia về nước thải trước khi xả ra ngoài;
b) Đấu nối hệ thống thoát nước
thải vào hệ thống thoát nước thải chung của cảng hàng không sân bay hoặc đấu nối
vào mạng lưới thoát nước của địa phương khi được chấp thuận.
3. Cơ sở bảo dưỡng tàu bay, bảo
dưỡng phương tiện, trang thiết bị tại cảng hàng không, sân bay có trách nhiệm
xây dựng, áp dụng các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước, bao gồm:
a) Ngăn chặn rò rỉ trực tiếp hoặc
gián tiếp nhiên liệu, dầu mỡ, hóa chất ra khu vực cảng hàng không, sân bay
trong quá trình bảo dưỡng tàu bay, trong quá trình khai thác, bảo dưỡng hệ thống
phương tiện và trang thiết bị;
b) Phân tách dầu mỡ lẫn trong
nước thải từ hoạt động bảo dưỡng tàu bay, phương tiện, trang thiết bị trước khi
xả thải vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải của cảng hàng không, sân bay;
c) Thực hiện bảo dưỡng, rửa tàu
bay, phương tiện, trang thiết bị tại khu vực có hệ thống thu gom và phân tách dầu
mỡ khỏi nước thải.
4. Người khai thác tàu bay có
trách nhiệm xử lý hoặc chuyển giao cho đơn vị có chức năng về thu gom, xử lý chất
thải lỏng từ tàu bay; đảm bảo chất thải lỏng từ tàu bay được xử lý đáp ứng các
quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
Điều 12.
Kiểm soát chất thải rắn sinh hoạt tại cảng hàng không, sân bay
1. Người khai thác cảng hàng
không, sân bay; doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyên ngành hàng không có phát
sinh chất thải rắn sinh hoạt tại cảng hàng không, sân bay có trách nhiệm:
a) Xây dựng, thực hiện quy định
về phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải rắn theo quy định
pháp luật về quản lý chất thải rắn của Luật bảo
vệ môi trường 2020;
b) Bố trí điểm tập kết phù hợp
đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; có biện pháp kiểm soát đảm bảo yêu cầu về
môi trường tại các vị trí lưu trữ, thu gom, trong quá trình vận chuyển hoặc tại
các vị trí xử lý;
c) Khi có cảnh báo của cơ quan
kiểm dịch y tế quốc tế tại cảng hàng không, sân bay về dịch bệnh truyền nhiễm
nguy hiểm thì phải tổ chức khử trùng chất thải rắn từ tàu bay theo quy định trước
khi xử lý.
2. Người khai thác cảng hàng
không, sân bay; doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyên ngành hàng không có trách
nhiệm lắp đặt các thiết bị đựng, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nhà ga
hành khách; có hướng dẫn bỏ rác, phân loại rác để thực hiện phân loại tại nguồn.
3. Người khai thác cảng hàng
không, sân bay, người khai thác tàu bay, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyên
ngành hàng không có trách nhiệm hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần
trong sản xuất, cung cấp dịch vụ; thu gom, phân loại, tái chế, tái sử dụng chất
thải nhựa dùng một lần; có trách nhiệm thực hiện các giải pháp giảm thiểu, tái
sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa. Chất thải nhựa phát sinh trong quá
trình hoạt động phải được thu gom, phân loại, chuyển giao cho cơ sở có chức
năng tái chế và xử lý.
4. Việc thu gom, vận chuyển chất
thải rắn tại cảng hàng không, sân bay phải áp dụng biện pháp ngăn ngừa việc
phát thải bụi, rơi vãi.
Điều 13.
Kiểm soát chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại tại cảng
hàng không, sân bay
1. Người khai thác cảng hàng
không, sân bay, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyên ngành hàng không phát sinh
chất thải rắn công nghiệp thông thường có trách nhiệm:
a) Thực hiện phân loại tại nguồn
chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy định khoản 2 Điều
81 của Luật Bảo vệ môi trường;
b) Xử lý hoặc chuyển giao cho
các cơ sở xử lý theo quy định tại Điều 82 của Luật Bảo vệ môi
trường;
c) Trường hợp phát sinh chất thải
rắn công nghiệp thông thường có lẫn chất thải nguy hại mà không thực hiện phân
loại hoặc không thể phân loại được thì phải được quản lý theo quy định về chất
thải nguy hại của Luật Bảo vệ môi trường.
2. Không được xử lý chất thải
nguy hại trong khu vực cảng hàng không sân bay. Trường hợp phát sinh chất thải
nguy hại thì phải thực hiện khai báo, phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển,
xử lý theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
Điều 14.
Phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường tại cảng hàng không, sân bay
1. Người khai thác cảng hàng
không, sân bay có trách nhiệm xây dựng, áp dụng các biện pháp phòng ngừa và ứng
phó sự cố môi trường tại cảng hàng không, sân bay bao gồm:
a) Tự ban hành và tổ chức thực
hiện kế hoạch phòng ngừa, quy trình ứng phó sự cố môi trường tại cảng hàng
không, sân bay và chịu trách nhiệm chính trong việc điều hành xử lý sự cố môi
trường;
b) Lắp đặt, trang bị các thiết
bị, dụng cụ, phương tiện ứng phó sự cố môi trường chung và hướng dẫn doanh nghiệp
cung cấp dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay lắp đặt,
trang bị các thiết bị, dụng cụ, phương tiện ứng phó sự cố môi trường đồng bộ với
thiết bị, dụng cụ, phương tiện ứng phó sự cố môi trường của cảng hàng không,
sân bay;
c) Đào tạo, huấn luyện, xây dựng
lực lượng tại chỗ ứng phó sự cố môi trường;
d) Tuân thủ quy định về an toàn
lao động, thực hiện chế độ kiểm tra thường xuyên;
đ) Có trách nhiệm thực hiện hoặc
đề nghị cơ quan có thẩm quyền thực hiện kịp thời biện pháp để loại trừ nguyên
nhân gây ra sự cố khi phát hiện có dấu hiệu sự cố môi trường;
e) Thực hiện các quy định chung
về phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường tại Điều 121 Luật Bảo vệ
môi trường.
2. Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó
sự cố môi trường của cảng hàng không, sân bay bao gồm các nội dung:
a) Khái quát các hoạt động sản
xuất, kinh doanh, dịch vụ tại cảng hàng không, sân bay; dự báo khả năng gây ra
sự cố môi trường; sơ đồ các khu vực chịu ảnh hưởng của sự cố môi trường; tên và
số điện thoại liên lạc của tổ chức, cá nhân là đầu mối trong trường hợp có sự cố
môi trường;
b) Kịch bản xử lý sự cố môi trường
tại cảng hàng không, sân bay: quản lý hiện trường; làm sạch dầu tràn, hóa chất
rò rỉ; danh mục vật liệu nguy hại có thể rò rỉ tại hiện trường; thiết bị khẩn
nguy tại hiện trường; các thông số môi trường cần quan trắc; quy trình giám
sát, xử lý và hoàn nguyên môi trường.
3. Hoạt động triển khai kế hoạch
ứng phó sự cố môi trường tại cảng hàng không, sân bay được thực hiện như sau:
a) Thiết lập vùng nguy hiểm và
cách ly những người không có trách nhiệm ứng phó sự cố môi trường khỏi khu vực
nguy hiểm;
b) Thông báo cho Cảng vụ hàng
không, Cục Hàng không Việt Nam để phối hợp giải quyết, đồng thời thông báo kịp
thời đến Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện và Ủy
ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra sự cố theo quy định;
c) Thông báo, cung cấp thông
tin về sự cố môi trường cho cộng đồng để phòng, tránh các tác động xấu từ sự cố
môi trường cho cộng đồng để phòng, tránh các tác động xấu từ môi trường;
d) Tiếp cận vùng nguy hiểm theo
hướng gió để giảm thiểu tiếp xúc với hơi, khí độc hại;
đ) Sử dụng biển báo, nhãn sản
phẩm trên thùng chứa, đơn hàng để xác định, cung cấp thông tin về hóa chất bị
rò rỉ cho người có trách nhiệm ứng phó;
e) Đánh giá sự cố môi trường
theo đặc điểm: có lửa hay không có lửa, có hiện tượng tràn hoặc rò rỉ nhiên liệu
hay không, tình hình thời tiết, địa hình, những nguy cơ đối với người, tài sản,
môi trường;
g) Thực hành ứng phó sự cố môi
trường: áp dụng phương pháp ứng phó thích hợp; thiết lập đường dây liên lạc;
thiết lập tuyến điều hành ứng phó; tổ chức phối hợp ứng phó đồng bộ;
h) Báo cáo chi tiết toàn bộ kết
quả ứng phó sự cố môi trường về Cục Hàng không Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải.
4. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ
chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay có khả năng xảy ra sự cố
môi trường có trách nhiệm:
a) Xây dựng và tổ chức thực hiện
kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường của mình, đảm bảo phù hợp với kế
hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường của Người khai thác cảng hàng không,
sân bay;
b) Thực hiện các biện pháp khẩn
cấp để đảm bảo an toàn cho người và tài sản trong khu vực mình quản lý khi có sự
cố môi trường; tổ chức cứu người, tài sản và kịp thời thông báo cho Người khai
thác cảng hàng không, sân bay và Cảng vụ hàng không để phối hợp xử lý.
5. Kế hoạch ứng phó sự cố môi
trường quy định tại Điều này được lồng ghép, tích hợp phê duyệt cùng với kế hoạch
ứng phó với sự cố khác.
6. Cục Hàng không Việt nam có
trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra năng lực phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ sự cố môi
trường ứng phó sự cố môi trường tại các cảng hàng không, sân bay.
7. Cảng vụ hàng không có trách
nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi
trường tại cảng hàng không, sân bay.
Điều 15.
Yêu cầu đối với việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, trang thiết bị có khả năng
bức xạ tại cảng hàng không, sân bay
1. Thuốc bảo vệ thực vật được sử
dụng để phun rải từ tàu bay, sử dụng tại cảng hàng không, sân bay phải tuân thủ
quy định về tại Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, hạn chế sử dụng,
cấm sử dụng ở Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.
2. Trang thiết bị bức xạ và hạt
nhân sử dụng tại cảng hàng không, sân bay phải thực hiện theo quy định pháp luật
về an toàn bức xạ và an toàn lao động theo quy định của Bộ Y tế.
Điều 16.
Báo cáo công tác bảo vệ môi trường tại các cảng hàng không, sân bay
1. Nội dung báo cáo công tác bảo
vệ môi trường tại các cảng hàng không sân bay theo quy định tại Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ
trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và theo quy định tại Phụ
lục ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Người khai thác cảng hàng
không, sân bay, người khai thác tàu bay, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyên
ngành hàng không có trách nhiệm xây dựng báo cáo theo nội dung nêu tại khoản 1
Điều này gửi Cảng vụ hàng không để tổng hợp báo cáo Cục Hàng không Việt Nam.
3. Cục Hàng không Việt Nam có
trách nhiệm xây dựng các báo cáo về công tác bảo vệ môi trường tại các cảng
hàng không sân bay gửi Bộ Giao thông vận tải khi có yêu cầu.
Điều 17. Hồ
sơ công tác bảo vệ môi trường
Người khai thác cảng hàng
không, sân bay; người khai thác tàu bay; doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyên
ngành hàng không có trách nhiệm lập và tự quản lý hồ sơ liên quan đến công tác bảo
vệ môi trường của đơn vị mình bao gồm:
1. Giấy phép môi trường, Đăng
ký môi trường, Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo đối
tượng quy định tại Luật bảo vệ môi trường.
2. Các tài liệu yêu cầu về tiếng
ồn theo quy định của Thông tư này.
3. Các tài liệu về chuyển giao
chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy
hại, chất thải lỏng với cơ sở thu gom, vận chuyển, xử lý.
4. Hồ sơ quan trắc, kết quả
quan trắc môi trường (nếu có).
5. Các kết quả kiểm tra về công
tác bảo vệ môi trường của cơ quan có thẩm quyền (nếu có).
6. Kế hoạch phòng ngừa ứng phó
sự cố môi trường (nếu có).
7. Các báo cáo công tác bảo vệ
môi trường theo Điều 16 của Thông tư này.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 18. Tổ
chức thực hiện
1. Cục Hàng không Việt Nam có
trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.
2. Cảng vụ hàng không có trách
nhiệm giám sát việc tuân thủ các quy định của Thông tư này tại các cảng hàng
không, sân bay.
Điều 19.
Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực kể
từ ngày 1 tháng 3 năm 2023 và thay thế Thông tư số 53/2012/TT-BGTVT
ngày 25 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về bảo vệ
môi trường trong hoạt động hàng không dân dụng.
2. Bãi bỏ
Điều 1 Thông tư số 28/2020/TT-BGTVT ngày
29 tháng 10 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số
điều của các Thông tư quy định về chế độ báo cáo định kỳ trong lĩnh vực hàng
không.
3. Trường hợp các văn bản viện
dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì áp dụng các quy định tại
các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.
4. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh
Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Giám đốc Cảng
vụ hàng không, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, Cơ quan ngang Bộ; Cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương;
- Các Thứ trưởng Bộ GTVT;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
- Cổng Thông tin điện tử Bộ Giao thông vận tải;
- Báo Giao thông, Tạp chí GTVT;
- Lưu: VT, KHCN&MT, PC.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Lê Anh Tuấn
|
PHỤ LỤC
MẪU BÁO CÁO CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG
HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 52/2022/TT-BGTVT ngày 30 tháng 12 năm 2022 của
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
TÊN CƠ QUAN,
ĐƠN VỊ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
/BCMT-......
|
.........., ngày
... tháng ... năm ...
|
BÁO
CÁO
CÔNG
TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG
Năm
.........
Kính
gửi :................................................
I. Thông tin chung
1. Tên cơ quan, đơn vị:......................................................................................
2. Loại hình dịch vụ hàng không/phi
hàng không cung cấp:…………………
3. Địa chỉ hoạt động:.........................................................................................
4. Điện thoại:
........................
Fax/email/Web:.......................................
5. Sản lượng thông qua cảng
hàng không trong năm:.....................................
6. Số lượng cán bộ theo dõi
công tác môi trường (ghi cụ thể tên, đơn vị công tác, trình độ, chuyên ngành
đào tạo, số điện thoại liên lạc).
II. Tình hình, kết quả thực
hiện công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động hàng không dân dụng
1. Việc thực hiện các quy định
pháp luật về bảo vệ môi trường (theo quy định Thông tư này).
a) Kết quả thực hiện các biện
pháp giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn, chất thải
b) Tài liệu về bản đồ tiếng
ồn, các chính sách giảm thiểu tiếng ồn đã thực hiện tại cảng hàng không,
sân bay
c) Các biện pháp quản lý chất thải
rắn, chất thải nguy hại đã thực hiện (khối lượng, quy trình quản lý, đánh
giá kết quả thực hiện)
d) Các biện pháp quản lý chất
thải rắn, lỏng từ tàu bay (khối lượng, quy trình quản lý, đánh giá kết quả
thực hiện)
2. Tài chính dành cho công tác
bảo vệ môi trường (nếu có).
3. Danh mục Hồ sơ công tác bảo
vệ môi trường (theo quy định Thông tư này).
4. Báo cáo về tiêu thụ nhiên
liệu đối với các phương tiện, thiết bị (mặt đất) hoạt động tại cảng hàng
không, sân bay (nếu có):
TT
|
Loại thiết bị
|
Số lượng
|
Loại nhiên liệu sử dụng
|
Lượng nhiên liệu đã tiêu thụ trong năm
|
|
|
|
|
|
|
Tổng cộng
|
|
|
|
5. Các nội dung khác
III. Kết quả quan trắc môi
trường (nếu có)
Gồm: sơ đồ vị trí và kết quả
quan trắc.
IV. Kết luận, kiến nghị
đề xuất
………………………………………………………………………………..
………………………………………………………………………………..
Nơi nhận:
- ............
- ...........
- Lưu:..... VT
|
CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI
KÝ
(Chữ ký của người có thẩm quyền, dấu/chữ ký số của cơ quan, đơn vị)
Họ và tên
|