BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
5350/QĐ-BNN-TCCB
|
Hà Nội, ngày 15
tháng 12 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CỤC KIỂM
LÂM TRỰC THUỘC TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP
ngày 26/11/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 119/2006/NĐ-CP
ngày 16/10/2006 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động Kiểm lâm;
Căn cứ Quyết định số
59/2014/QĐ-TTg ngày 22/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Lâm nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 1920/QĐ-TTg
ngày 24/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Kiện toàn tổ chức,
nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Kiểm lâm giai đoạn 2014-2020;
Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng
cục Lâm nghiệp tại Văn bản số 1828/TTr-TCLN-VP ngày 19/11/2014 về ban hành quyết định quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Kiểm Lâm;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ
chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Vị trí và
chức năng
1. Cục Kiểm lâm là tổ chức trực thuộc
Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chức năng
tham mưu, giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp quản lý nhà nước về bảo vệ rừng
và tổ chức thực thi pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng và quản lý lâm sản thuộc
phạm vi quản lý nhà nước của Tổng cục theo phân cấp, ủy quyền của Tổng cục trưởng.
2. Cục Kiểm lâm có tư cách pháp nhân,
có con dấu và tài khoản riêng, có kinh phí hoạt động theo quy định của pháp luật.
3. Trụ sở của Cục đặt tại thành phố
Hà Nội.
Điều 2. Nhiệm vụ
và quyền hạn
1. Trình Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm
nghiệp:
a) Dự án luật, dự thảo nghị quyết của
Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban
Thường vụ Quốc hội; dự thảo nghị định, nghị quyết của Chính phủ; dự thảo quyết
định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; cơ chế, chính sách và các văn bản khác về
quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và quản lý lâm sản theo phân công của Tổng cục trưởng Tổng
cục Lâm nghiệp.
b) Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch
phát triển dài hạn, năm năm, trung hạn, hàng năm; các chương trình, dự án, đề án, công trình thuộc
phạm vi quản lý của Cục theo
phân công của Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp.
c) Tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ
thuật quốc gia, quy phạm kỹ thuật và định mức kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành
thuộc phạm vi quản lý của Cục theo phân công của Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm
nghiệp.
2. Ban hành văn bản hướng dẫn chuyên
môn, nghiệp vụ thuộc phạm vi quản lý của Cục.
3. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo
dục pháp luật chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của Cục.
4. Hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực
hiện các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch,
kế hoạch, chương trình, đề án, dự án thuộc phạm vi quản lý của Cục.
5. Về quản lý bảo vệ rừng:
a) Trình Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm
nghiệp:
- Việc tổ chức, xây dựng lực lượng
chuyên ngành phòng cháy, chữa cháy rừng và bảo vệ rừng; chế độ quản lý, duy trì
hoạt động của lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng và bảo vệ rừng;
- Về huy động lực lượng, phương tiện
của các cơ quan kiểm lâm và các Bộ, ngành, địa phương trong những trường hợp cần thiết.
b) Thường trực công tác bảo vệ rừng,
phòng cháy, chữa cháy rừng.
c) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện
chính sách, pháp luật về bảo vệ phát triển rừng và quản lý lâm sản theo quy định.
d) Hướng dẫn, kiểm tra việc giao rừng,
cho thuê rừng; kiểm kê rừng, đất lâm nghiệp; theo dõi diễn biến rừng, tài
nguyên rừng; nương rẫy; bảo vệ rừng; quản lý lâm sản.
đ) Hướng dẫn, kiểm tra, tổ chức thực
hiện công tác cảnh báo, dự báo nguy cơ cháy rừng, phát hiện sớm lửa rừng và
phòng cháy, chữa cháy rừng.
e) Phối hợp với cơ quan bảo vệ thực vật
trong phòng, trừ sinh vật hại rừng.
6. Về bảo vệ động vật rừng, thực vật
rừng:
Hướng dẫn, kiểm tra hoạt động gây
nuôi, trồng cấy động vật rừng, thực vật rừng theo quy định.
7. Về kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật:
a) Thực hiện xử lý vi phạm hành
chính; khởi tố vụ án hình sự vi phạm pháp luật bảo vệ và phát triển rừng theo
quy định của pháp luật.
b) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện
các hoạt động xử lý vi phạm hành chính; điều tra hình sự các hành vi vi phạm
pháp luật về quản lý rừng, bảo
vệ rừng và quản lý lâm sản của các cơ quan kiểm lâm địa phương theo quy định của
pháp luật.
c) Hướng dẫn, kiểm tra, giải quyết
khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của tổ chức, công dân trong lĩnh vực quản lý rừng,
bảo vệ rừng, quản lý lâm sản; tổ chức
việc tiếp công dân theo quy định của
pháp luật.
d) Tổ chức, thực hiện công tác phòng,
chống tiêu cực trong lực lượng Kiểm lâm.
8. Về xây dựng lực lượng kiểm lâm:
a) Trình Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm
nghiệp về mua sắm, trang cấp vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ, phương tiện cho
lực lượng kiểm lâm và các lực lượng bảo vệ rừng.
b) Hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý sử
dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ của lực lượng kiểm lâm trong phạm vi cả
nước.
c) Hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý
và sử dụng trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu, cờ hiệu, thẻ Kiểm lâm;
trang thiết bị chuyên dùng đối với lực lượng Kiểm lâm theo quy định.
d) Tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ cho
lực lượng Kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng.
9. Tổ chức chỉ đạo công tác điều tra cơ bản và quản lý cơ sở dữ
liệu chuyên ngành về quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và quản lý
lâm sản.
10. Về khoa học công nghệ:
a) Trình Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm
nghiệp:
- Chương trình, đề tài nghiên cứu
khoa học, ứng dụng tiến bộ công nghệ, kỹ thuật trong lĩnh vực quản lý của Cục.
- Đặt hàng cho các tổ chức, cá nhân
thực hiện; nghiệm thu, quản lý kết quả và chỉ đạo triển khai kết quả nghiên cứu,
ứng dụng tiến bộ công nghệ, kỹ thuật thuộc phạm vi quản lý của Cục.
b) Quản lý thông tin khoa học công
nghệ về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và quản lý lâm sản.
11. Về hợp tác quốc tế:
a) Trình Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm
nghiệp các chương trình, dự án hợp tác quốc tế về chuyên ngành, lĩnh vực thuộc
phạm vi quản lý của Cục.
b) Tổ chức thực hiện các điều ước, thỏa
thuận quốc tế, các chương trình, dự án quốc tế tài trợ theo phân công, phân cấp
của Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp và quy định pháp luật.
c) Thực hiện Hiệp định ASEAN về ô nhiễm
khói mù xuyên biên giới theo phân công, phân cấp của Tổng cục trưởng Tổng cục
Lâm nghiệp.
12. Thực hiện nhiệm vụ về cải cách
hành chính trong lĩnh vực kiểm lâm theo kế hoạch cải cách hành chính của Tổng cục
Lâm nghiệp và của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
13. Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế
công chức, số lượng việc làm viên chức; quản lý tài chính, tài sản, phương tiện,
trang thiết bị và các nguồn lực khác theo quy định của pháp luật; thực hiện chế
độ tiền lương, các chính sách, chế độ, thi đua khen thưởng, kỷ luật, thực hành
tiết kiệm, phòng chống lãng phí; phòng chống tham nhũng theo quy định của pháp
luật.
14. Tổ chức thực hiện các dịch vụ
công thuộc lĩnh vực quản lý của Cục theo quy định.
15. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo
phân công của Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp.
Điều 3. Cơ cấu tổ
chức
1. Văn phòng Cục.
2. Phòng Quản lý bảo vệ rừng.
3. Phòng Tổ chức và xây dựng lực lượng.
4. Phòng Điều tra, xử lý vi phạm về
lâm nghiệp.
5. Đội Kiểm lâm đặc nhiệm.
6. Chi cục Kiểm lâm vùng I, trụ sở đặt
tại tỉnh Quảng Ninh (trên cơ sở tổ chức lại Kiểm lâm vùng I).
7. Chi cục Kiểm
lâm vùng II, trụ sở đặt tại tỉnh Thanh Hóa (trên cơ sở tổ chức lại và điều chỉnh
phạm vi hoạt động của Kiểm lâm vùng II).
8. Chi cục Kiểm lâm vùng III, trụ sở
đặt tại thành phố Hồ Chí Minh (trên cơ sở tổ chức lại và điều chỉnh phạm vi hoạt
động của Kiểm lâm Vùng III).
9. Chi cục Kiểm lâm vùng IV, trụ sở đặt
tại tỉnh Đắk Lắk (trên cơ sở tổ chức lại và điều chỉnh phạm vi hoạt động của Kiểm
lâm vùng II và Kiểm lâm vùng III).
Các tổ chức quy định từ Khoản 1 đến
Khoản 5 là các tổ chức giúp Cục trưởng Cục Kiểm lâm thực hiện chức năng quản lý
nhà nước về Kiểm lâm.
Các tổ chức quy định từ Khoản 6 đến
Khoản 9 là các tổ chức có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản riêng và kinh
phí hoạt động theo quy định. Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của các tổ chức này theo quy
định.
Điều 4. Lãnh đạo
Cục Kiểm lâm
1. Cục Kiểm lâm có Cục trưởng và các
Phó Cục trưởng; các Phòng có Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng; các Chi cục có Chi
cục trưởng, Phó Chi cục trưởng.
2. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Cục trưởng,
các Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm; cấp
trưởng, cấp phó các đơn vị
thuộc Cục Kiểm lâm theo quy định của pháp luật và phân cấp thẩm
quyền quản lý của Bộ
trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
3. Cục trưởng điều hành hoạt động của
Cục, chịu trách nhiệm trước Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp và trước pháp
luật về hoạt động của Cục; Phó Cục trưởng giúp Cục trưởng theo dõi, chỉ đạo một
số mặt công tác theo sự phân công của
Cục trưởng và chịu trách nhiệm trước Cục trưởng, trước pháp luật về nhiệm vụ được
phân công.
Điều 5. Hiệu lực
thi hành
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể
từ ngày ký ban hành, bãi bỏ Quyết định số 38/QĐ-TCLN-VP ngày 22/4/2010 của Tổng
cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Cục Kiểm lâm.
Điều 6. Trách nhiệm
thi hành
Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ
chức cán bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Cục trưởng Cục Kiểm lâm và Thủ
trưởng các cơ quan, đơn vị có
liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 6;
- Bộ trưởng;
- Các Thứ trưởng;
- Bộ Nội vụ;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Lưu: VT, TCCB.
|
BỘ TRƯỞNG
Cao Đức Phát
|