Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị định 151/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ

Số hiệu: 151/2024/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Trần Hồng Hà
Ngày ban hành: 15/11/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

Hướng dẫn thi hành một số nội dung của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024

Ngày 15/11/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 151/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024.

Hướng dẫn thi hành một số nội dung của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024

Nghị định 151/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ gồm:

- Giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

- Cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; việc thu thập, quản lý, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

- Quản lý, lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên và trình tự, thủ tục cấp mới, cấp lại, thu hồi giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên.

- Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với xe ô tô kinh doanh vận tải; lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe đối với xe ô tô chở người từ 08 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) kinh doanh vận tải, xe ô tô đầu kéo, xe cứu thương, xe cứu hộ giao thông; điều kiện hoạt động của phương tiện giao thông thông minh; điều kiện hoạt động của xe thô sơ.

- Màu sơn của xe ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh.

- Trường hợp cần thiết phải có người, phương tiện hỗ trợ lái xe, cảnh báo cho người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ khác và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông đối với xe quá khổ giới hạn, xe quá tải trọng, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng lưu hành trên đường bộ.

- Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với ô tô của người nước ngoài đăng ký tại nước ngoài có tay lái ở bên phải tham gia giao thông tại Việt Nam; xe cơ giới nước ngoài do người nước ngoài đưa vào Việt Nam du lịch.

Ngoài ra, Nghị định 151/2024/NĐ-CP còn ban hành kèm theo các Phụ lục về:

Phụ lục I: Yêu cầu kỹ thuật thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên;

Phụ lục II: Biểu mẫu liên quan đến cấp giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên;

Phụ lục III: Biểu mẫu liên quan đến cấp giấy phép hoạt động phương tiện giao thông thông minh;

Phụ lục IV: Biểu mẫu liên quan đến chấp thuận doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam tổ chức cho người nước ngoài đưa xe cơ giới nước ngoài vào Việt Nam du lịch; tổ chức, cá nhân đưa xe ô tô có tay lái ở bên phải vào tham gia giao thông tại Việt Nam không phải mục đích du lịch.

Xem chi tiết nội dung tại Nghị định 151/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 01/01/2025.

 

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 151/2024/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 2024

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU VÀ BIỆN PHÁP THI HÀNH LUẬT TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ ngày 27 tháng 6 năm 2024;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ bao gồm:

1. Điều 6 về giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

2. Khoản 3 Điều 7 về Cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; việc thu thập, quản lý, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

3. Khoản 6 Điều 27 về quản lý, lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên và trình tự, thủ tục cấp mới, cấp lại, thu hồi giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên.

4. Khoản 5 Điều 35 về lắp thiết bị giám sát hành trình đối với xe ô tô kinh doanh vận tải; lắp thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe đối với xe ô tô chở người từ 08 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) kinh doanh vận tải, xe ô tô đầu kéo, xe cứu thương, xe cứu hộ giao thông đường bộ; cấp phép hoạt động đối với phương tiện giao thông thông minh; điều kiện hoạt động của xe thô sơ.

5. Điểm a khoản 1 Điều 46 về màu sơn của xe ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh.

6. Điểm đ khoản 4 Điều 52 về trường hợp cần thiết phải có người, phương tiện hỗ trợ lái xe, cảnh báo cho người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ khác và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông đường bộ đối với xe quá khổ giới hạn, xe quá tải trọng, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng lưu hành trên đường bộ.

7. Khoản 4 Điều 55 về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối với xe ô tô của người nước ngoài đăng ký tại nước ngoài có tay lái ở bên phải tham gia giao thông tại Việt Nam; xe cơ giới nước ngoài do người nước ngoài đưa vào Việt Nam du lịch.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài liên quan đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 3. Phụ lục kèm theo Nghị định

1. Phụ lục I: Yêu cầu kỹ thuật thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên.

2. Phụ lục II: Biểu mẫu liên quan đến cấp giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên.

3. Phụ lục III: Biểu mẫu liên quan đến cấp giấy phép hoạt động phương tiện giao thông thông minh.

4. Phụ lục IV: Biểu mẫu liên quan đến chấp thuận doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam tổ chức cho người nước ngoài đưa xe cơ giới nước ngoài vào Việt Nam du lịch; tổ chức, cá nhân đưa xe ô tô có tay lái ở bên phải vào tham gia giao thông tại Việt Nam không phải mục đích du lịch.

Chương II

GIÁO DỤC KIẾN THỨC PHÁP LUẬT VỀ TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Điều 4. Nội dung giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong các cơ sở giáo dục

1. Nội dung giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối với trẻ em tại cơ sở giáo dục mầm non bao gồm:

a) Nhận biết loại phương tiện giao thông đường bộ;

b) Nhận biết đèn tín hiệu giao thông, ý nghĩa tín hiệu đèn và một số biển báo hiệu đường bộ thường gặp;

c) An toàn khi đi bộ, trên các phương tiện giao thông đường bộ;

d) Biết đội mũ bảo hiểm đúng cách;

đ) Nơi vui chơi an toàn;

e) Những nguy hiểm, hậu quả khi không tuân thủ quy định an toàn giao thông đường bộ.

2. Nội dung giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối với học sinh tiểu học bao gồm:

a) Nhận biết hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; tín hiệu đèn giao thông; biển báo hiệu đường bộ thường gặp;

b) Một số quy tắc giao thông đường bộ thường gặp; nhận biết được sự cần thiết phải tuân thủ quy tắc giao thông đường bộ;

c) Đi qua đường bộ an toàn;

d) Chọn và đội mũ bảo hiểm đúng cách;

đ) Lên, xuống xe đạp, xe gắn máy, xe mô tô an toàn;

e) Làm quen với xe đạp và cách điều khiển xe đạp an toàn;

g) Một số kỹ năng phòng tránh tai nạn giao thông đường bộ.

3. Nội dung giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối với học sinh trung học cơ sở bao gồm:

a) Quy tắc giao thông đường bộ;

b) Nhận biết và chấp hành báo hiệu đường bộ;

c) Đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn và cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông đường bộ;

d) An toàn khi ngồi trên xe cơ giới;

đ) Cách điều khiển xe đạp, xe đạp điện an toàn;

e) Phòng ngừa rủi ro, hậu quả của tai nạn giao thông và xử lý sự cố giao thông.

4. Nội dung giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối với học sinh trung học phổ thông, học sinh cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm:

a) Quy tắc giao thông đường bộ; báo hiệu đường bộ; tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới;

b) Dự đoán và phòng tránh nguy hiểm;

c) Cách điều khiển xe gắn máy an toàn.

Điều 5. Hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn cho học sinh bắt đầu vào học trung học phổ thông và cơ sở giáo dục nghề nghiệp

1. Nội dung hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn bao gồm:

a) Phương pháp nhận biết và xử lý các tình huống nguy hiểm khi lái xe;

b) Cấu tạo và chức năng của các bộ phận xe gắn máy, phương pháp bảo dưỡng xe, kiểm tra xe an toàn;

c) Văn hóa tham gia giao thông; trách nhiệm của người điều khiển xe cơ giới; cứu giúp người bị tai nạn giao thông;

d) Cách khởi động và tắt máy, cách sử dụng ga, phanh, thay đổi số, sử dụng các thiết bị bảo hộ;

đ) Tư thế lên ngồi lái xe, xuống xe an toàn;

e) Khởi hành, điều chỉnh tốc độ phù hợp, dừng xe an toàn;

g) Lái xe theo 04 hình mẫu bao gồm: đi qua hình số 8, đi qua vạch đường thẳng, đi qua đường có vạch cản, đi qua đường gồ ghề;

h) Các nội dung khác có liên quan.

2. Học sinh thực hành lái xe gắn máy an toàn theo quy định tại điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g khoản 1 Điều này.

3. Thời gian hướng dẫn và đánh giá kỹ năng lái xe gắn máy an toàn theo hướng dẫn của cơ quan Cảnh sát giao thông trực tiếp thực hiện phù hợp với yêu cầu thực tiễn tại cơ sở giáo dục và bảo đảm nội dung hướng dẫn quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 6. Trách nhiệm hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn cho học sinh

1. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng chương trình giảng dạy, tài liệu hướng dẫn thực hành kỹ năng lái xe gắn máy an toàn bảo đảm phù hợp với đối tượng, nội dung quy định tại Điều 5 của Nghị định này.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, chỉ đạo cơ quan quản lý trường trung học phổ thông chuẩn bị cơ sở vật chất, phương tiện xe gắn máy để phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn.

3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, chỉ đạo cơ quan quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuẩn bị cơ sở vật chất, phương tiện xe gắn máy để phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn.

4. Trách nhiệm của trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp:

a) Tổ chức cho học sinh, gia đình học sinh ký cam kết chấp hành quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bao gồm các nội dung: học sinh không điều khiển xe mô tô khi chưa đủ điều kiện theo quy định, không điều khiển xe gắn máy khi chưa hoàn thành chương trình hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn; gia đình học sinh không giao xe cho học sinh điều khiển khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật;

b) Phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh thường xuyên nhắc nhở con em mình thực hiện đúng cam kết đã ký và thường xuyên trao đổi, nắm bắt thông tin với gia đình học sinh việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của học sinh khi tham gia giao thông;

c) Đưa nội dung chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ là một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại hạnh kiểm đối với học sinh.

5. Trách nhiệm của gia đình học sinh:

a) Phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan thực hiện giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn cho học sinh;

b) Không giao xe cho con em mình điều khiển khi chưa đủ điều kiện theo quy định;

c) Thường xuyên nhắc nhở con em mình thực hiện đúng cam kết đã ký và thường xuyên trao đổi, nắm bắt thông tin với nhà trường việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của học sinh khi tham gia giao thông.

Điều 7. Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc xây dựng, tích hợp, lồng ghép, tổ chức hoạt động dạy học về kiến thức pháp luật và quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan căn cứ quy định tại Điều 4 của Nghị định này có trách nhiệm:

a) Xây dựng chương trình giảng dạy kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ phù hợp với từng cấp học;

b) Xây dựng tài liệu, tích hợp, lồng ghép kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ vào chương trình chính khóa giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở;

c) Xây dựng môn học kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo nội dung kiến thức quy định tại khoản 4 Điều 4 của Nghị định này đối với cấp trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hoạt động dạy học kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông; đưa nội dung chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ là một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại hạnh kiểm đối với học sinh.

Điều 8. Trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc tổ chức hoạt động dạy học về kiến thức pháp luật và quản lý việc chấp- hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp

1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hoạt động dạy học kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo nội dung kiến thức quy định tại khoản 4 Điều 4 của Nghị định này.

2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo cơ sở giáo dục nghề nghiệp đưa nội dung chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ là một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại hạnh kiểm đối với học sinh.

Chương III

CƠ SỞ DỮ LIỆU VỀ TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ; THU THẬP, QUẢN LÝ, KHAI THÁC, KẾT NỐI, CHIA SẺ THÔNG TIN TRONG CƠ SỞ DỮ LIỆU VỀ TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Điều 9. Nguyên tắc xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng, kết nối, chia sẻ Cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ

1. Cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ được xây dựng thống nhất trên toàn quốc, dùng chung cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trừ cơ sở dữ liệu liên quan đến lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

2. Cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ được cập nhật đầy đủ, chính xác và kịp thời; duy trì hoạt động liên tục, ổn định, thông suốt, đáp ứng yêu cầu khai thác và sử dụng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

3. Cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ được lưu trữ bảo đảm theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

4. Việc xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng, kết nối, chia sẻ Cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ tuân thủ các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, xử lý vi phạm hành chính, công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, giao dịch điện tử, bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Điều 10. Xây dựng Cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và cơ sở dữ liệu chuyên ngành

1. Cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ được xây dựng phù hợp khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam; tuân thủ các quy định pháp luật chuyên ngành có liên quan.

2. Các bộ, ngành có trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, kết nối, chia sẻ thông tin theo quy định của pháp luật với Cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an xây dựng, quản lý, phục vụ công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

3. Trách nhiệm xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành:

a) Bộ Công an có trách nhiệm xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu sau đây: Cơ sở dữ liệu về đăng ký, quản lý xe cơ giới, xe máy chuyên dùng (trừ xe quân sự); Cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông đường bộ; Cơ sở dữ liệu về hành trình của phương tiện giao thông đường bộ, hình ảnh người lái xe (trừ xe quân sự); Cơ sở dữ liệu về quản lý thời gian điều khiển phương tiện của người lái xe (trừ xe quân sự); Cơ sở dữ liệu về đăng kiểm xe cơ giới, xe máy chuyên dùng trong Công an nhân dân; Cơ sở dữ liệu về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ trong Công an nhân dân; Cơ sở dữ liệu về người điều khiển xe cơ giới, xe máy chuyên dùng trong Công an nhân dân;

b) Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu sau đây; Cơ sở dữ liệu về đăng kiểm xe cơ giới, xe máy chuyên dùng (trừ xe quân sự, xe công an); Cơ sở dữ liệu về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (trừ dữ liệu về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật của lực lượng quân đội, công an); Cơ sở dữ liệu về người điều khiển xe cơ giới, xe máy chuyên dùng (trừ dữ liệu về người điều khiển xe cơ giới, xe máy chuyên dùng của lực lượng quân đội, công an);

c) Bộ Tài chính có trách nhiệm xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu sau đây: Cơ sở dữ liệu về xe xuất khẩu, nhập khẩu; Cơ sở dữ liệu về hóa đơn mua bán xe; Cơ sở dữ liệu về lệ phí trước bạ xe;

d) Bộ Quốc phòng có trách nhiệm xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng sau đây: Cơ sở dữ liệu về đăng ký, kiểm định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng; Cơ sở dữ liệu về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ; Cơ sở dữ liệu về người điều khiển xe cơ giới, xe máy chuyên dùng; Cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông đường bộ; Cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ;

đ) Bộ Y tế có trách nhiệm xây dựng, quản lý Cơ sở dữ liệu về sức khỏe của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng.

Điều 11. Thông tin trong Cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ

1. Thông tin về đăng ký, quản lý xe cơ giới, xe máy chuyên dùng:

a) Thông tin về chủ sở hữu xe cơ giới, xe máy chuyên dùng:

Đối với cá nhân: họ, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; số định danh cá nhân; số điện thoại (nếu có); quốc tịch; nơi thường trú; nơi tạm trú, nơi ở hiện tại, địa chỉ đăng ký xe.

Đối với tổ chức: tên tổ chức; tên người đại diện hợp pháp; địa chỉ; mã số thuế hoặc quyết định thành lập hoặc số định danh của tổ chức (nếu có); số điện thoại;

b) Thông tin về phương tiện theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;

c) Thông tin về đăng ký, quản lý xe: biển số xe; màu biển số xe; số, ngày, tháng, năm cấp, cơ quan cấp chứng nhận đăng ký xe; thời hạn đăng ký xe; trạng thái đăng ký xe; trạng thái xe; số, ngày, tháng, năm cấp, cơ quan cấp chứng nhận nguồn gốc xe; số, ngày, tháng, năm cấp, cơ quan cấp chứng nhận quyền sở hữu; số, ngày, tháng, năm cấp, cơ quan cấp chứng từ lệ phí trước bạ, số tiền lệ phí trước bạ; loại xe ưu tiên, số, thời hạn sử dụng, cơ quan cấp giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên.

2. Thông tin về đăng kiểm xe cơ giới, xe máy chuyên dùng:

a) Thông số kỹ thuật của xe: loại xe; nhãn hiệu; số loại; màu sơn; số máy; số khung; số chỗ ngồi; số chỗ đứng; số chỗ nằm; khối lượng hàng cho phép chở; khối lượng toàn bộ; khối lượng kéo theo, khối lượng bản thân; dung tích xi lanh; công suất; loại năng lượng; năm sản xuất; nước sản xuất; chiều dài cơ sở; kích thước bao; kích thước thùng; công thức bánh xe; vết bánh xe; số lượng lốp, kích cỡ lốp và các thông số kỹ thuật khác của xe; thông tin của xe trước và sau cải tạo;

b) Thông tin quản lý đăng kiểm: biển số xe; màu biển số; số, ngày, tháng, năm cấp, cơ quan cấp chứng nhận đăng ký xe (nếu có); số, ngày, tháng, năm cấp, cơ quan cấp chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, cải tạo; số, ngày, tháng, năm cấp, cơ quan cấp chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe tham gia giao thông; chu kỳ kiểm định xe; niên hạn sử dụng; số, ngày, tháng, năm cấp, cơ quan cấp tờ khai hải quan hoặc doanh nghiệp cấp phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng.

3. Thông tin về hóa đơn liên quan đến mua bán xe cơ giới, xe máy chuyên dùng: số, ngày, tháng, năm xuất hóa đơn; tên, mã số thuế, địa chỉ, số điện thoại của người bán hàng; tên, địa chỉ của người mua hàng; tên hàng hóa.

4. Thông tin về lệ phí trước bạ xe cơ giới, xe máy chuyên dùng: số, ngày, tháng, năm cấp, cơ quan cấp chứng từ lệ phí trước bạ; giá trị tài sản tính lệ phí trước bạ; số tiền lệ phí trước bạ; thông tin về người nộp lệ phí trước bạ quy định tại điểm a khoản 1 Điều này và thông số kỹ thuật của xe quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.

5. Thông tin về nguồn gốc xe nhập khẩu, xuất khẩu: số, ngày, tháng, năm cấp, cơ quan cấp tờ khai hải quan; cơ quan, doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu; cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu và thông số kỹ thuật của xe nhập khẩu, xuất khẩu quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.

6. Thông tin về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ:

a) Họ, tên; số định danh cá nhân; ngày, tháng, năm sinh; quốc tịch; nơi cư trú; số giấy phép lái xe; xác nhận hoàn thành khóa đào tạo; cơ sở đào tạo lái xe; hạng xe đào tạo; khoá đào tạo; ngày, tháng, năm trúng tuyển; cơ quan sát hạch; địa điểm tổ chức sát hạch (trung tâm sát hạch hoặc sân tập lái dùng để sát hạch); ngày, tháng, năm cấp, đổi, cấp lại giấy phép lái xe; cơ quan cấp, đổi, cấp lại giấy phép lái xe; hạng giấy phép lái xe; thời hạn sử dụng của giấy phép lái xe; số phôi giấy phép lái xe;

b) Họ, tên; ngày, tháng, năm sinh; khóa đào tạo; thời gian hoàn thành khóa học; kết quả kiểm tra cấp chứng chỉ; ngày, tháng, năm đạt kết quả kiểm tra cấp chứng chỉ; số chứng chỉ; ngày, tháng, năm cấp chứng chỉ; cơ sở đào tạo và cấp chứng chỉ; ngày, tháng, năm đổi, cấp lại chứng chỉ; cơ quan đổi, cấp lại chứng chỉ.

7. Thông tin về người điều khiển xe cơ giới, xe máy chuyên dùng: họ, tên; số định danh cá nhân; ngày, tháng, năm sinh; quốc tịch; nơi cư trú; số giấy phép lái xe, hạng giấy phép lái xe, cơ quan cấp giấy phép lái xe, số chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, cơ sở đào tạo và cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ; thông tin về kết quả khám sức khỏe của người điều khiển phương tiện.

8. Thông tin về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ sở hữu xe cơ giới, xe máy chuyên dùng:

a) Thông tin về chủ sở hữu xe cơ giới, xe máy chuyên dùng:

Đối với cá nhân: họ, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; số định danh cá nhân; số điện thoại (nếu có); quốc tịch; nơi thường trú; nơi tạm trú, nơi ở hiện tại, địa chỉ đăng ký xe.

Đối với tổ chức: tên tổ chức; tên người đại diện hợp pháp; địa chỉ; mã số thuế hoặc quyết định thành lập hoặc số định danh của tổ chức (nếu có); số điện thoại;

b) Thông tin về xe cơ giới: biển số xe hoặc số khung, số máy, loại xe, trọng tải (đối với xe ô tô), số chỗ ngồi (đối với xe ô tô), mục đích sử dụng xe (đối với xe ô tô), nhãn hiệu, dung tích, màu sơn, năm sản xuất;

c) Thông tin về doanh nghiệp bảo hiểm: tên, địa chỉ, số điện thoại đường dây nóng;

d) Mức trách nhiệm bảo hiểm dân sự đối với bên thứ ba và hành khách;

đ) Trách nhiệm của chủ xe cơ giới, người lái xe khi xảy ra tai nạn;

e) Thời hạn bảo hiểm, số giấy chứng nhận bảo hiểm, phí bảo hiểm, thời hạn thanh toán phí bảo hiểm, ngày, tháng, năm cấp đơn, nơi cấp đơn, người cấp đơn (nếu có);

g) Thông tin bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; thông tin tai nạn, xử phạt vi phạm hành chính, đăng ký, đăng kiểm liên quan tới xe cơ giới thu thập được thông qua kết nối với cơ sở dữ liệu của Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải.

9. Thông tin về xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ:

Thông tin trong Cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ bảo đảm yêu cầu chung theo quy định của Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính và yêu cầu sau đây:

a) Thông tin về đối tượng vi phạm:

Đối với cá nhân: họ, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; nghề nghiệp; nơi ở hiện tại; số định danh cá nhân, hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế (đối với người nước ngoài); ngày, tháng, năm cấp, nơi cấp.

Đối với tổ chức: tên của tổ chức; địa chỉ trụ sở chính; mã số doanh nghiệp; số giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, doanh nghiệp hoặc giấy phép thành lập, đăng ký hoạt động; ngày, tháng, năm cấp, nơi cấp; người đại diện theo pháp luật, giới tính, chức danh;

b) Thông tin về phương tiện vi phạm: biển số xe, màu sơn, loại xe;

c) Thông tin về hành vi vi phạm: hành vi vi phạm, thời gian vi phạm, địa điểm vi phạm; quy định tại văn bản quy phạm pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ;

d) Thông tin về hình thức xử phạt: tình tiết tăng nặng (nếu có); tình tiết giảm nhẹ (nếu có); hình thức xử phạt chính; tổng mức tiền phạt; hình thức xử phạt bổ sung (nếu có); biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có); thời hạn thi hành;

đ) Thông tin về biện pháp quản lý trừ điểm giấy phép lái xe: họ, tên người được cấp giấy phép lái xe; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; nghề nghiệp; nơi ở hiện tại; số định danh cá nhân, hộ chiếu; số giấy phép lái xe; hạng giấy phép lái xe; số điểm hiện có, số điểm bị trừ, số điểm còn lại; thời gian phục hồi điểm (đối với trường hợp bị trừ hết điểm);

e) Cơ quan của người ra quyết định xử phạt, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe; họ, tên, chức vụ của người ra quyết định xử phạt, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe.

10. Thông tin về hành trình của phương tiện giao thông đường bộ, hình ảnh người lái xe:

a) Thông tin về phương tiện: biển số xe, loại xe, màu sơn, nhãn hiệu, số loại, năm sản xuất; số, ngày, tháng, năm cấp, ngày, tháng, năm hết hạn của giấy chứng nhận kiểm định; thông tin về đơn vị kinh doanh vận tải, đơn vị cứu thương, cứu hộ giao thông, chủ xe;

b) Thông tin về hành trình: thời gian hành trình; lộ trình; tốc độ; quãng đường; vị trí phương tiện;

c) Thông tin về người lái xe: họ, tên; ngày, tháng, năm sinh; địa chỉ; giấy phép lái xe; dữ liệu hình ảnh người lái xe; lịch sử vi phạm của người lái xe;

d) Thông tin về hành vi vi phạm giao thông, tai nạn giao thông; biện pháp xử lý.

11. Thông tin về quản lý thời gian điều khiển phương tiện của người lái xe: thời gian; đơn vị kinh doanh vận tải; biển số xe; họ, tên lái xe; số giấy phép lái xe; loại hình hoạt động; thời điểm bắt đầu; thời điểm kết thúc; thời gian lái xe.

12. Thông tin về tai nạn giao thông đường bộ:

a) Thông tin về hậu quả thiệt hại: số vụ, số người chết, số người bị thương, tài sản bị thiệt hại, phân loại tai nạn giao thông, hệ số an toàn giao thông đường bộ;

b) Thông tin về kết quả điều tra, giải quyết: số vụ xử lý hành chính, số vụ xử lý hình sự;

c) Thông tin về thời gian, địa điểm, cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ;

d) Thông tin về phương tiện tai nạn: biển số xe; số loại; loại xe; nhãn hiệu; màu sơn; số máy; số khung; dung tích xi lanh hoặc công suất; số chỗ ngồi, chỗ đứng, chỗ nằm; nguồn gốc; số giấy chứng nhận đăng ký xe; hạn sử dụng; số, ngày, tháng, năm cấp, ngày, tháng, năm hết hạn giấy chứng nhận kiểm định;

đ) Thông tin về người: họ, tên; ngày, tháng, năm sinh; số định danh cá nhân, hộ chiếu, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế (áp dụng đối với người nước ngoài), nơi cư trú, giới tính (nam, nữ), quốc tịch, dân tộc, nghề nghiệp, số điện thoại (nếu có); tình trạng thương tích; người điều khiển phương tiện, người liên quan; người bị nạn; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

e) Thông tin hồ sơ về vụ tai nạn: biên bản khám nghiệm hiện trường; sơ đồ hiện trường; bản ảnh hiện trường; biên bản khám nghiệm phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông; biên bản lấy lời khai; tài liệu chứng minh hậu quả thiệt hại; tài liệu liên quan đến phương tiện và người điều khiển phương tiện; các tài liệu khác có liên quan;

g) Thông tin về diễn biến, nguyên nhân, điều kiện xảy ra vụ tai nạn giao thông đường bộ;

h) Thông tin về kiến nghị tổ chức giao thông tại nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông đường bộ.

13. Thông tin về sức khỏe của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng: họ, tên; số định danh cá nhân; ngày, tháng, năm sinh; hành nghề lái xe ô tô hoặc không hành nghề lái xe ô tô; nơi làm việc (đối với người hành nghề lái xe ô tô); nơi khám sức khỏe; thời gian khám sức khỏe; kết quả khám lâm sàng; kết quả khám cận lâm sàng; kết luận về sức khỏe của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng.

Điều 12. Thu thập thông tin trong Cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ

1. Thông tin quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 11 của Nghị định này được thu thập từ:

a) Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;

b) Cơ sở dữ liệu về đăng kiểm xe cơ giới, xe máy chuyên dùng do Bộ Giao thông vận tải xây dựng, quản lý;

c) Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính;

d) Cơ sở dữ liệu về đăng ký, quản lý xe cơ giới, xe máy chuyên dùng do Bộ Công an xây dựng, quản lý;

đ) Cơ sở dữ liệu khác có liên quan đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

2. Thông tin quy định tại khoản 6 Điều 11 của Nghị định này được thu thập từ:

a) Cơ sở dữ liệu về đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Giao thông vận tải xây dựng, quản lý;

b) Cơ sở dữ liệu về đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong Công an nhân dân do Bộ Công an xây dựng, quản lý;

c) Cơ sở dữ liệu quy định tại điểm a, điểm đ khoản 1 Điều này.

3. Thông tin quy định tại khoản 7 Điều 11 của Nghị định này được thu thập từ:

a) Cơ sở dữ liệu quy định tại điểm a, điểm đ khoản 1; điểm a, điểm b khoản 2 Điều này;

b) Cơ sở dữ liệu về sức khỏe của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng do Bộ Y tế xây dựng, quản lý.

4. Thông tin quy định tại khoản 8 Điều 11 của Nghị định này được thu thập từ:

a) Cơ sở dữ liệu quy định tại điểm a, điểm d, điểm đ khoản 1 Điều này;

b) Cơ sở dữ liệu về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới theo quy định của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

5. Thông tin quy định tại khoản 9 Điều 11 của Nghị định này được thu thập từ:

a) Cơ sở dữ liệu quy định tại điểm a, điểm b, điểm d, điểm đ khoản 1; điểm a, điểm b khoản 2; điểm b khoản 4 Điều này;

b) Cơ sở dữ liệu về hành trình của phương tiện giao thông đường bộ, hình ảnh người lái xe;

c) Cơ sở dữ liệu về quản lý thời gian điều khiển phương tiện của người lái xe;

d) Cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông đường bộ;

đ) Cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

6. Thông tin quy định tại khoản 10 Điều 11 của Nghị định này được thu thập từ cơ sở dữ liệu quy định tại điểm a, điểm b, điểm d, điểm đ khoản 1; điểm a, điểm b khoản 2; điểm b, điểm d, điểm đ khoản 5 Điều này.

7. Thông tin quy định tại khoản 11 Điều 11 của Nghị định này được thu thập từ cơ sở dữ liệu quy định tại điểm a, điểm d, điểm đ khoản 1; điểm a, điểm b khoản 2; điểm c khoản 5 Điều này.

8. Thông tin quy định tại khoản 12 Điều 11 của Nghị định này được thu thập từ cơ sở dữ liệu quy định tại điểm a, điểm b, điểm d, điểm đ khoản 1; điểm b khoản 4; điểm b, điểm d khoản 5 Điều này.

9. Thông tin quy định tại khoản 13 Điều 11 của Nghị định này được thu thập từ:

a) Cơ sở dữ liệu quy định tại điểm a, điểm đ khoản 1 Điều này;

b) Cơ sở dữ liệu về sức khỏe của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng do Bộ Y tế xây dựng, quản lý.

Điều 13. Cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ

1. Cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ bao gồm các hoạt động bổ sung và điều chỉnh thông tin từ các nguồn sau:

a) Kết quả của quá trình thực hiện các thủ tục hành chính, xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và các hoạt động nghiệp vụ khác có liên quan;

b) Kết quả sửa đổi, bổ sung của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có thay đổi thông tin hoặc phát hiện các thông tin trong Cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ chưa đầy đủ, chưa chính xác;

c) Nguồn khác theo quy định của pháp luật.

2. Cơ quan trực tiếp xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quy định tại khoản 3 Điều 10 của Nghị định này có trách nhiệm bổ sung, điều chỉnh thông tin trong cơ sở dữ liệu do mình quản lý và đồng bộ với Cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật về kết nối và chia sẻ dữ liệu.

Điều 14. Kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ

1. Việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa Cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và các cơ sở dữ liệu khác được thực hiện theo quy định của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và quy định của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số trong cơ quan nhà nước và các quy định khác có liên quan.

2. Khi được kết nối, chia sẻ Cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, cơ quan quản lý nhà nước căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện việc khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động quản lý nhà nước theo quy định.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khai thác các thông tin trong Cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ được chia sẻ trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, các ứng dụng của lực lượng Cảnh sát giao thông trên môi trường điện tử và các hình thức khai thác khác theo quy định của pháp luật.

Điều 15. Quản lý Cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ

1. Cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ được quản lý tập trung, thống nhất tại Bộ Công an.

2. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an xây dựng, quản lý Cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật.

3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm quản lý nhà nước về Cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo thẩm quyền.

Điều 16. Kinh phí bảo đảm xây dựng, khai thác, vận hành, sử dụng, bảo trì, bảo dưỡng, nâng cấp Cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ

1. Đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và địa phương, kinh phí bảo đảm xây dựng, khai thác, vận hành, sử dụng, bảo trì, bảo dưỡng, nâng cấp Cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ thực hiện theo quy định của Chính phủ về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật khác có liên quan.

2. Kinh phí bảo đảm xây dựng, khai thác, vận hành, sử dụng, bảo trì, bảo dưỡng, nâng cấp Cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ cấp cho Bộ Công an từ ngân sách nhà nước theo quy định và nguồn kinh phí từ các khoản thu tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tiền đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách nhà nước và nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.

Chương IV

QUẢN LÝ, LẮP ĐẶT, SỬ DỤNG THIẾT BỊ PHÁT TÍN HIỆU CỦA XE ƯU TIÊN; TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CẤP, THU HỒI GIẤY PHÉP SỬ DỤNG THIẾT BỊ PHÁT TÍN HIỆU CỦA XE ƯU TIÊN

Điều 17. Thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên

1. Thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên bao gồm: đèn phát tín hiệu ưu tiên, còi phát tín hiệu ưu tiên, cờ hiệu ưu tiên.

2. Lắp đặt thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên:

a) Xe ô tô: đèn phát tín hiệu ưu tiên lắp đặt trên nóc xe; còi phát tín hiệu ưu tiên lắp đặt ở trong xe hoặc trên nóc xe; cờ hiệu ưu tiên lắp đặt ở đầu xe phía bên trái của người lái xe;

b) Xe mô tô: đèn phát tín hiệu ưu tiên lắp đặt ở thanh chống đổ; còi phát tín hiệu ưu tiên lắp đặt ở phía trước đầu xe; cờ hiệu ưu tiên lắp đặt ở đầu xe, phía bên trái của người lái xe;

c) Đối với xe của lực lượng công an, xe của lực lượng kiểm sát đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, xe Cảnh sát giao thông dẫn đường khi lắp đặt đèn phát tín hiệu ưu tiên thì phần đèn phát sáng màu đỏ ở phía bên trái, phần đèn phát sáng màu xanh ở phía bên phải của người lái xe.

3. Quản lý thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên:

a) Xe ưu tiên khi lắp đặt thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên phải có giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên do cơ quan có thẩm quyền cấp;

b) Cơ quan, tổ chức, cá nhân chỉ được lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên trên các loại xe quy định tại Điều 18 của Nghị định này.

4. Hoạt động kinh doanh thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên phải bảo đảm điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật.

Điều 18. Xe được lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên

1. Xe chữa cháy của Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và xe chữa cháy của các lực lượng khác được huy động đi làm nhiệm vụ chữa cháy.

2. Xe của lực lượng quân sự đi làm nhiệm vụ khẩn cấp bao gồm: xe quân sự đi thực hiện nhiệm vụ chỉ huy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, chỉ huy tác chiến, thông tin làm nhiệm vụ hoả tốc, chỉ huy đoàn hành quân, xe làm nhiệm vụ kiểm soát quân sự, kiểm tra xe quân sự, bảo vệ đoàn; xe thực hiện nhiệm vụ bắt, khám xét hoặc thực hiện hoạt động điều tra khác, áp giải bị can, bị cáo, phạm nhân; tham gia phòng, chống khủng bố.

3. Xe của lực lượng công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp bao gồm: xe Cảnh sát giao thông đi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, chỉ huy, điều khiển, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông; xe đi làm nhiệm vụ cảnh vệ; xe đi làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ; xe thực hiện nhiệm vụ bắt, khám xét hoặc thực hiện hoạt động điều tra khác, áp giải bị can, bị cáo, phạm nhân; xe thông tin làm nhiệm vụ hỏa tốc; xe đi làm nhiệm vụ chống biểu tình, bạo loạn, giải tán đám đông gây rối trật tự công cộng; xe đi làm nhiệm vụ phòng, chống khủng bố, giải cứu con tin.

4. Xe của lực lượng kiểm sát đi làm nhiệm vụ khẩn cấp bao gồm: xe đi làm nhiệm vụ bắt, khám xét hoặc thực hiện hoạt động điều tra khác.

5. Xe Cảnh sát giao thông dẫn đường.

6. Xe cứu thương đi làm nhiệm vụ cấp cứu.

7. Xe hộ đê đi làm nhiệm vụ; xe đi làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh.

8. Xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật bao gồm: xe phục vụ Ban chỉ đạo, xe phục vụ các lực lượng chức năng được huy động tham gia thực hiện nhiệm vụ khi tình trạng khẩn cấp được ban bố.

Điều 19. Tín hiệu, yêu cầu kỹ thuật đối với thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên

1. Tín hiệu, yêu cầu kỹ thuật đối với thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên bao gồm:

a) Đối với đèn phát tín hiệu ưu tiên, tín hiệu được sử dụng: đèn nhấp nháy màu đỏ, đèn nhấp nháy màu xanh, đèn nhấp nháy màu xanh và đỏ theo yêu cầu kỹ thuật quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị định này;

b) Đối với còi phát tín hiệu ưu tiên, tín hiệu được sử dụng theo yêu cầu kỹ thuật quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị định này;

c) Đối với cờ hiệu ưu tiên, yêu cầu kỹ thuật thực hiện theo quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị định này.

2. Tín hiệu được sử dụng đối với thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên:

a) Tín hiệu xe chữa cháy của Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và xe chữa cháy của các lực lượng khác được huy động đi làm nhiệm vụ chữa cháy bao gồm: tín hiệu đèn nhấp nháy màu đỏ, tín hiệu còi ưu tiên;

b) Tín hiệu xe của lực lượng quân sự đi làm nhiệm vụ khẩn cấp bao gồm: tín hiệu đèn nhấp nháy màu đỏ, tín hiệu còi ưu tiên, cờ hiệu quân sự;

c) Tín hiệu xe của lực lượng công an, xe của lực lượng kiểm sát đi làm nhiệm vụ khẩn cấp bao gồm: tín hiệu đèn nhấp nháy màu xanh và đỏ, tín hiệu còi ưu tiên;

d) Tín hiệu xe Cảnh sát giao thông dẫn đường bao gồm: tín hiệu đèn nhấp nháy màu xanh và đỏ, tín hiệu còi ưu tiên, cờ hiệu công an;

đ) Tín hiệu xe cứu thương đi làm nhiệm vụ cấp cứu bao gồm: tín hiệu đèn; nhấp nháy màu đỏ, tín hiệu còi ưu tiên;

e) Tín hiệu xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh, xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật: tín hiệu đèn nhấp nháy màu xanh.

Điều 20. Hồ sơ đề nghị cấp mới, cấp lại giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên

1. Hồ sơ đề nghị cấp mới:

Cơ quan, tổ chức gửi 01 bộ hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 23 của Nghị định này bao gồm:

a) Văn bản đề nghị cấp giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên theo Mẫu số 02b Phụ lục II kèm theo Nghị định này;

b) Đối với trường hợp quy định tại khoản 6, khoản 7 và khoản 8 Điều 18 của Nghị định này: văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, các tài liệu khác chứng minh cơ quan, tổ chức đủ điều kiện được sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên.

Trường hợp tài liệu chứng minh có thể khai thác qua cơ sở dữ liệu được kết nối, chia sẻ với cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thì cơ quan, tổ chức không phải cung cấp khi làm thủ tục.

2. Đối với xe cứu thương chỉ được cấp giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên khi bảo đảm quy định về tiêu chuẩn và sử dụng xe cứu thương theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

3. Trường hợp giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên bị hư hỏng, bị mất hoặc hết thời hạn sử dụng, cơ quan, tổ chức sử dụng xe ưu tiên có văn bản đề nghị cấp lại giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên theo Mẫu số 02b Phụ lục II kèm theo Nghị định này.

Điều 21. Trình tự, thủ tục cấp mới, cấp lại giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên

1. Cơ quan, tổ chức gửi hồ sơ, văn bản đề nghị quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 20 của Nghị định này thông qua một trong các hình thức sau: trực tuyến tại Cổng dịch vụ công; qua dịch vụ bưu chính; nộp trực tiếp cho cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 23 của Nghị định này.

2. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ, văn bản đề nghị hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ, văn bản có trách nhiệm xem xét cấp mới, cấp lại giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên cho cơ quan, tổ chức sử dụng xe ưu tiên; trường hợp không đủ điều kiện cấp phép thì phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.

3. Trường hợp trong tình trạng khẩn cấp theo quy định tại khoản 8 Điều 18 của Nghị định này, cơ quan, tổ chức đề nghị cấp giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên có thể trao đổi trước với cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 23 của Nghị định này bằng các hình thức phù hợp để được cấp phép theo quy định và ngay sau đó phải gửi hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 20 của Nghị định này.

4. Trường hợp giải quyết hồ sơ trực tiếp, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên có trách nhiệm cập nhật thông tin trong giấy phép vào cơ sở dữ liệu để quản lý giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên.

Điều 22. Giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên

1. Hình thức, nội dung giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên theo Mẫu số 02a Phụ lục II kèm theo Nghị định này.

2. Thời hạn của giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên:

a) Không quá 05 năm kể từ ngày cấp và không được quá ngày hết niên hạn sử dụng của phương tiện;

b) Giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên cấp cho xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp quy định tại khoản 8 Điều 18 của Nghị định này hết hiệu lực ngay sau khi kết thúc tình trạng khẩn cấp.

3. Giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên bị thu hồi thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Xe ưu tiên bị hư hỏng không thể khắc phục, sửa chữa, hết niên hạn sử dụng;

b) Xe ưu tiên chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc thanh lý;

c) Giấy phép cấp không đúng đối tượng, hết thời hạn sử dụng;

d) Sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên không đúng mục đích; sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên không đúng với giấy phép được cấp.

4. Cơ quan, tổ chức đã được cấp giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên có trách nhiệm giao nộp giấy phép thuộc trường hợp bị thu hồi quy định tại khoản 3 Điều này cho cơ quan có thẩm quyền đã cấp trước đó để thu hồi.

Điều 23. Thẩm quyền cấp mới, cấp lại, thu hồi giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên

1. Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cấp mới, cấp lại, thu hồi giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên cho các đối tượng thuộc bộ, ngành, cơ quan ở trung ương, trừ xe của lực lượng quân sự đi làm nhiệm vụ khẩn cấp.

2. Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp mới, cấp lại, thu hồi giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên cho các đối tượng thuộc cơ quan, đơn vị, tổ chức tại địa phương, trừ xe của lực lượng quân sự đi làm nhiệm vụ khẩn cấp.

3. Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng cấp mới, cấp lại, thu hồi giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên cho xe của lực lượng quân sự đi làm nhiệm vụ khẩn cấp.

4. Cơ quan có thẩm quyền cấp, thu hồi giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên có trách nhiệm thống kê, theo dõi công tác cấp, thu hồi giấy phép theo Mẫu số 02c Phụ lục II kèm theo Nghị định này.

Điều 24. Trách nhiệm quản lý, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên

1. Bộ Công an chỉ đạo đơn vị chức năng thực hiện việc quản lý, lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên; cấp, thu hồi giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên quy định tại Nghị định này, trừ xe ưu tiên thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.

2. Bộ Quốc phòng chỉ đạo đơn vị chức năng thực hiện việc quản lý, lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên; cấp, thu hồi giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.

3. Cơ quan, tổ chức được cấp giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên định kỳ hằng năm (trước ngày 15 tháng 12) thống kê gửi cơ quan có thẩm quyền đã cấp giấy phép sử dụng trước đó về thực trạng quản lý, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên theo Mẫu số 02d Phụ lục II kèm theo Nghị định này để quản lý.

Chương V

CẤP PHÉP HOẠT ĐỘNG ĐỐI VỚI PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG THÔNG MINH, ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG CỦA XE THÔ SƠ VÀ LẮP THIẾT BỊ GIÁM SÁT HÀNH TRÌNH, THIẾT BỊ GHI NHẬN HÌNH ẢNH NGƯỜI LÁI XE

Điều 25. Cấp phép hoạt động đối với phương tiện giao thông thông minh

1. Phương tiện giao thông thông minh là xe cơ giới quy định tại khoản 4 Điều 34 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Việc phân loại phương tiện giao thông thông minh cho phép tự động hóa một phần hoặc toàn bộ, chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện giao thông thông minh thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

2. Hồ sơ đề nghị cấp phép hoạt động bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động theo Mẫu số 03a Phụ lục III kèm theo Nghị định này;

b) Chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định.

3. Trình tự, thủ tục cấp phép hoạt động:

a) Cơ quan, tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu phương tiện chuẩn bị 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này và nộp cho cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động thông qua một trong các hình thức sau: nộp trực tuyến tại Cổng dịch vụ công; qua dịch vụ bưu chính; nộp trực tiếp;

b) Cơ quan cấp phép hoạt động có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tra cứu dữ liệu đăng ký xe trên hệ thống đăng ký, quản lý xe và đối chiếu với thông tin trong đơn đề nghị của chủ sở hữu; trường hợp hồ sơ hợp lệ thì cấp giấy phép hoạt động theo Mẫu số 03b Phụ lục III kèm theo Nghị định này. Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện thì có văn bản trả lời, nêu rõ lý do;

c) Giấy phép hoạt động phương tiện giao thông thông minh bị hư hỏng thì được đổi, bị mất được cấp lại.

Chủ sở hữu phương tiện hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật có đơn đề nghị đổi, cấp lại giấy phép hoạt động theo Mẫu số 03 a Phụ lục III kèm theo Nghị định này gửi cơ quan có thẩm quyền đã cấp giấy phép trước đó thông qua một trong các hình thức quy định tại điểm a khoản này đề nghị đổi, cấp lại. Trong thời gian 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị, cơ quan có thẩm quyền xem xét đổi, cấp lại giấy phép hoạt động; trường hợp không đủ điều kiện đổi, cấp lại thì có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.

4. Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cấp giấy phép hoạt động đối với phương tiện giao thông thông minh, trừ phương tiện giao thông thông minh phục vụ mục đích quốc phòng do Cục Xe - Máy, Bộ Quốc phòng cấp giấy phép hoạt động.

5. Phương tiện giao thông thông minh bị thu hồi giấy phép hoạt động thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Hết niên hạn sử dụng hoặc không được phép lưu hành;

b) Hỏng không sử dụng được;

c) Bị thải bỏ, bị mất không tìm được;

d) Đã cấp giấy phép hoạt động nhưng phát hiện hồ sơ bị làm giả để được cấp giấy phép; giấy phép cấp không đúng thẩm quyền.

6. Chủ sở hữu phương tiện hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật có trách nhiệm giao nộp giấy phép hoạt động phương tiện giao thông thông minh thuộc trường hợp bị thu hồi theo quy định tại khoản 5 Điều này cho cơ quan có thẩm quyền đã cấp trước đó để thu hồi.

Điều 26. Điều kiện hoạt động của xe thô sơ

1. Điều kiện hoạt động của xe thô sơ quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm e khoản 2 Điều 34 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ bao gồm:

a) Hệ thống, bộ phận hãm có hiệu lực;

b) Có bộ phận phát âm thanh cảnh báo (còi, chuông);

c) Có đèn chiếu sáng hoặc tấm phản quang phía trước; phía sau phải có đèn tín hiệu hoặc tấm phản quang.

Trường hợp có quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với phương tiện xe thô sơ quy định tại khoản này thì thực hiện theo quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

2. Đối với xe thô sơ quy định tại điểm d, điểm đ khoản 2 Điều 34 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có tấm phản quang hoặc thiết bị phát sáng vào ban đêm để nhận biết.

Điều 27. Thiết bị giám sát hành trình lắp trên xe ô tô kinh doanh vận tải, xe ô tô đầu kéo, xe cứu thương, xe cứu hộ giao thông đường bộ

1. Xe ô tô kinh doanh vận tải, xe ô tô đầu kéo, xe cứu thương, xe cứu hộ giao thông đường bộ phải lắp thiết bị giám sát hành trình bảo đảm yêu cầu kỹ thuật theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe.

2. Thông tin, dữ liệu thu thập từ thiết bị giám sát hành trình lắp trên xe ô tô kinh doanh vận tải, xe ô tô đầu kéo, xe cứu thương, xe cứu hộ giao thông đường bộ phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông đường bộ và xử lý hành vi vi phạm pháp luật, quản lý nhà nước về vận tải đường bộ và được kết nối, chia sẻ với Bộ Giao thông vận tải (Cục Đường bộ Việt Nam), Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan có liên quan theo quy định của pháp luật.

Điều 28. Thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe lắp trên xe ô tô chở người từ 08 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) kinh doanh vận tải, xe ô tô đầu kéo, xe cứu thương, xe cứu hộ giao thông đường bộ

Xe ô tô chở người từ 08 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) kinh doanh vận tải, xe ô tô đầu kéo, xe cứu thương, xe cứu hộ giao thông đường bộ phải lắp thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe bảo đảm yêu cầu kỹ thuật theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe.

Điều 29. Quản lý, sử dụng thiết bị, truyền dẫn, cung cấp, cập nhật, lưu trữ, sử dụng dữ liệu thu thập từ thiết bị giám sát hành trình, thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe

Việc quản lý, sử dụng thiết bị, truyền dẫn, cung cấp, cập nhật, lưu trữ, sử dụng dữ liệu thu thập từ thiết bị giám sát hành trình, thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, vận hành, sử dụng hệ thống quản lý dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe.

Điều 30. Màu sơn của xe ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh

1. Xe ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh quy định tại điểm a khoản 1 Điều 46 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ phải được sơn màu vàng đậm phủ bên ngoài thân xe; mặt trước và hai cạnh bên xe phía trên cửa sổ phải có biển báo dấu hiệu nhận biết là xe chuyên dùng chở trẻ em mầm non, học sinh.

2. Xe ô tô kinh doanh vận tải kết hợp với hoạt động đưa đón trẻ em mầm non, học sinh quy định tại khoản 2 Điều 46 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ phải có biển báo dấu hiệu nhận biết là xe chở trẻ em mầm non, học sinh đặt ở mặt trước và hai cạnh bên xe phía trên cửa sổ.

Điều 31. Hỗ trợ lái xe, cảnh báo cho người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông đường bộ trong trường hợp cần thiết đối với xe quá khổ giới hạn, xe quá tải trọng, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng lưu hành trên đường bộ

1. Trường hợp phải thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn giao thông đường bộ bao gồm:

a) Khi lưu hành xe quá khổ giới hạn, xe quá tải trọng, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ có một trong các kích thước bao ngoài của xe, bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe có chiều rộng lớn hơn 3,5 mét hoặc chiều dài lớn hơn 25 mét;

b) Khi lưu hành xe qua vị trí công trình đường bộ phải gia cường, đoạn đường bộ bị che khuất tầm nhìn, đoạn đường hai chiều mà mỗi chiều chỉ có một làn xe chạy hoặc đoạn đường một chiều có một làn xe chạy mà các phương tiện khác khó tránh, vượt xe;

c) Khi lưu hành xe trên các đoạn đường đang bị hư hỏng, xuống cấp, sự cố bất khả kháng.

2. Biện pháp bảo đảm an toàn giao thông bao gồm:

a) Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép lưu hành xe quá khổ giới hạn, xe quá tải trọng, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng phải bố trí người, phương tiện hỗ trợ lái xe, cảnh báo cho người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ khác;

b) Phương tiện di chuyển bảo đảm an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Chương VI

BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ ĐỐI VỚI XE Ô TÔ CỦA NGƯỜI NƯỚC NGOÀI ĐĂNG KÝ TẠI NƯỚC NGOÀI CÓ TAY LÁI Ở BÊN PHẢI THAM GIA GIAO THÔNG TẠI VIỆT NAM; XE CƠ GIỚI NƯỚC NGOÀI DO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI ĐƯA VÀO VIỆT NAM DU LỊCH

Điều 32. Xe cơ giới nước ngoài và người nước ngoài điều khiển phương tiện tham gia giao thông tại Việt Nam

1. Xe cơ giới nước ngoài do người nước ngoài đưa vào Việt Nam du lịch bao gồm: xe ô tô chở người có tay lái ở bên phải hoặc có tay lái ở bên trái chở người đến 08 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), xe ô tô nhà ở lưu động; xe mô tô hai bánh.

2. Xe ô tô của người nước ngoài có tay lái ở bên phải tham gia giao thông tại Việt Nam không phải mục đích du lịch là xe ô tô chở người.

3. Điều kiện chung đối với xe cơ giới nước ngoài và người nước ngoài tham gia giao thông tại Việt Nam:

a) Có văn bản chấp thuận được tổ chức cho người nước ngoài đưa xe cơ giới nước ngoài vào tham gia giao thông tại Việt Nam;

b) Phải thông qua doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam làm thủ tục đề nghị chấp thuận đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này;

c) Phải có công hàm của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế liên Chính phủ tại Việt Nam đề nghị và nêu rõ lý do cho phương tiện tham gia giao thông tại Việt Nam đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Điều kiện đối với xe cơ giới nước ngoài tham gia giao thông tại Việt Nam:

a) Có giấy đăng ký xe và gắn biển số xe do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đăng ký xe cấp và còn hiệu lực;

b) Có giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới hoặc giấy tờ tương đương do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đăng ký xe cấp còn hiệu lực đối với xe ô tô.

5. Điều kiện đối với người nước ngoài điều khiển xe cơ giới nước ngoài tham gia giao thông tại Việt Nam:

a) Có hộ chiếu, thị thực hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, giấy tờ có giá trị cư trú tại Việt Nam, trừ trường hợp được miễn thị thực và không thuộc trường hợp chưa cho nhập cảnh theo quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Trường hợp người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì hộ chiếu phải còn thời hạn sử dụng ít nhất 06 tháng; người nước ngoài sử dụng thị thực điện tử phải nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế do Chính phủ quyết định theo quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam;

b) Có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển, có giá trị sử dụng trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam và còn hiệu lực.

6. Thực hiện thủ tục hải quan, nhập cảnh, xuất cảnh, thời hạn được phép tham gia giao thông tại Việt Nam:

a) Chỉ được tạm nhập, tái xuất qua các cửa khẩu quốc tế đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận;

b) Phải làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh theo quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam;

c) Phải làm thủ tục hải quan, tạm nhập, tái xuất theo quy định của pháp luật hải quan ngay tại cửa khẩu nhập cảnh, xuất cảnh;

d) Thời hạn tối đa được phép tham gia giao thông tại Việt Nam không quá thời hạn thị thực nhập cảnh được cấp hoặc miễn thị thực nhập cảnh cho người nước ngoài vào Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam kể từ ngày được chấp thuận.

Trường hợp người nước ngoài, xe cơ giới nước ngoài không thể ra khỏi lãnh thổ Việt Nam do xảy ra sự cố không thể lường trước được và không thể khắc phục ngay được mặc dù đã áp dụng biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép thì được lưu lại Việt Nam thêm không quá 10 ngày và phải thực hiện thủ tục theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 33 của Nghị định này.

Điều 33. Chấp thuận doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam được tổ chức cho người nước ngoài đưa xe cơ giới nước ngoài vào Việt Nam du lịch hoặc tổ chức, cá nhân đưa xe ô tô có tay lái ở bên phải vào tham gia giao thông tại Việt Nam không phải mục đích du lịch

1. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam tổ chức cho người nước ngoài đưa xe cơ giới nước ngoài vào Việt Nam du lịch theo quy định tại khoản 1 Điều 32 của Nghị định này gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị đến Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an thông qua một trong các hình thức sau: trực tuyến tại Cổng dịch vụ công Bộ Công an; qua dịch vụ bưu chính; nộp trực tiếp. Hồ sơ bao gồm:

a) Văn bản đề nghị chấp thuận kèm theo danh sách người điều khiển và thông tin về xe cơ giới theo Mẫu số 04a Phụ lục IV kèm theo Nghị định này;

b) Bản sao giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam lần đầu xin chấp thuận được tổ chức cho khách du lịch nước ngoài đưa xe cơ giới nước ngoài vào tham gia giao thông tại Việt Nam. Trường hợp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế được khai thác thông qua kết nối, chia sẻ thì gửi văn bản quy định tại điểm a khoản này.

2. Tổ chức, cá nhân đưa xe ô tô có tay lái bên phải vào tham gia giao thông tại Việt Nam không phải mục đích du lịch theo quy định tại khoản 2 Điều 32 của Nghị định này gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị đến Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an thông qua một trong các hình thức sau: trực tuyến tại Cổng dịch vụ công Bộ Công an; qua dịch vụ bưu chính; nộp trực tiếp. Hồ sơ bao gồm:

a) Công hàm của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế liên Chính phủ tại Việt Nam đề nghị và nêu rõ lý do cho phương tiện tham gia giao thông tại Việt Nam đối với trường hợp tổ chức, cá nhân đưa xe ô tô có tay lái ở bên phải vào tham gia giao thông tại Việt Nam không phải mục đích du lịch;

b) Văn bản đề nghị chấp thuận kèm theo danh sách người điều khiển và thông tin về xe cơ giới theo Mẫu số 04a Phụ lục IV kèm theo Nghị định này.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an có văn bản trả lời chấp thuận hoặc không chấp thuận, cụ thể:

a) Trường hợp chấp thuận thì trả kết quả theo Mẫu số 04b Phụ lục IV kèm theo Nghị định này, gửi trực tiếp hoặc trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính cho tổ chức, cá nhân đã gửi hồ sơ trước đó, đồng thời gửi văn bản chấp thuận đến các đơn vị chức năng thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan để phối hợp quản lý;

b) Trường hợp từ chối, không chấp thuận phải có văn bản trả lời theo Mẫu số 04c Phụ lục IV kèm theo Nghị định này, gửi trực tiếp hoặc trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính cho tổ chức, cá nhân đã gửi hồ sơ trước đó.

Các trường hợp từ chối, không chấp thuận việc doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế của Việt Nam tổ chức cho người nước ngoài đưa xe cơ giới nước ngoài vào Việt Nam du lịch, tổ chức, cá nhân đưa xe ô tô có tay lái ở bên phải vào tham gia giao thông tại Việt Nam bao gồm: không bảo đảm điều kiện theo quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 32 của Nghị định này; vi phạm nội dung trong văn bản đã được chấp thuận trước đó; chưa thực hiện xong yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết vụ việc vi phạm pháp luật hoặc tai nạn giao thông của người nước ngoài, sự cố liên quan đến xe cơ giới nước ngoài gây ra trước đó; nhân thân người nước ngoài hoặc hoạt động, lộ trình tuyến đường, thời gian hoạt động của người nước ngoài nếu vào Việt Nam có nguy cơ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

4. Đối với trường hợp thay đổi lộ trình, tuyến đường di chuyển hoặc thời gian người nước ngoài, xe cơ giới nước ngoài xuất cảnh chậm so với thời gian đã xác định trong văn bản chấp thuận hoặc quá thời gian lưu trú tối đa tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam:

a) Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam tổ chức cho người nước ngoài, xe cơ giới nước ngoài đưa vào Việt Nam du lịch hoặc tổ chức, cá nhân đưa xe ô tô có tay lái ở bên phải vào tham gia giao thông tại Việt Nam không phải mục đích du lịch trước khi thực hiện nếu có thay đổi lộ trình, tuyến đường di chuyển hoặc thời gian người, phương tiện xuất cảnh chậm so với thời gian đã xác định trong văn bản chấp thuận hoặc quá thời gian lưu trú tối đa tại Việt Nam thì phải có văn bản theo Mẫu số 04d Phụ lục IV kèm theo Nghị định này gửi đến cơ quan có thẩm quyền đã cấp phép trước đó thông qua một trong các hình thức sau: trực tuyến tại Cổng dịch vụ công Bộ Công an; qua dịch vụ bưu chính; nộp trực tiếp;

b) Cơ quan có thẩm quyền cấp phép sau khi nhận được văn bản đề nghị, có văn bản trả lời chấp thuận hoặc không chấp thuận theo Mẫu số 04đ Phụ lục IV kèm theo Nghị định này; đồng thời gửi văn bản chấp thuận đến các đơn vị chức năng thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan để phối hợp quản lý;

c) Trường hợp xảy ra sự cố ảnh hưởng đến thời gian xuất cảnh chậm hơn so với thời gian đã xác định trong văn bản chấp thuận hoặc quá thời gian lưu trú tối đa tại Việt Nam, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam, tổ chức, cá nhân trao đổi ngay với cơ quan có thẩm quyền đã cấp phép trước đó bằng hình thức thông tin phù hợp và liên hệ ngay với cơ quan Công an nơi xảy ra sự cố; sau khi khắc phục sự cố, có văn bản theo Mẫu số 04e Phụ lục IV kèm theo Nghị định gửi cơ quan có thẩm quyền đã cấp phép trước đó.

5. Giải quyết vi phạm đối với trường hợp đã có văn bản chấp thuận doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam tổ chức cho người nước ngoài đưa xe cơ giới nước ngoài vào Việt Nam du lịch; tổ chức, cá nhân đưa xe ô tô có tay lái ở bên phải vào tham gia giao thông tại Việt Nam không phải mục đích du lịch:

a) Trường hợp vi phạm nội dung trong văn bản đã được chấp thuận thì cơ quan có thẩm quyền đã cấp phép trước đó đình chỉ hoạt động tổ chức cho người nước ngoài đưa xe cơ giới nước ngoài vào Việt Nam theo Mẫu số 04c Phụ lục IV kèm theo Nghị định này và từ chối chấp thuận các đoàn khác của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày vi phạm đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam, tổ chức, cá nhân đã vi phạm trước đó;

b) Trường hợp có người nước ngoài vi phạm các quy định pháp luật Việt Nam mà chưa thực hiện xong yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết vụ việc vi phạm thì cơ quan có thẩm quyền đã cấp phép trước đó đình chỉ hoạt động tổ chức cho người nước ngoài đưa xe cơ giới nước ngoài vào Việt Nam theo Mẫu số 04c Phụ lục IV kèm theo Nghị định này đến khi giải quyết xong vụ việc vi phạm.

Điều 34. Người nước ngoài điều khiển xe cơ giới nước ngoài khi tham gia giao thông tại Việt Nam

1. Người nước ngoài điều khiển xe cơ giới nước ngoài khi tham gia giao thông tại Việt Nam phải đi theo đoàn và có người điều khiển phương tiện đi phía trước để hướng dẫn trong quá trình tham gia giao thông tại Việt Nam. Phương tiện được sử dụng để hướng dẫn là xe ô tô hoặc mô tô phù hợp với phương tiện được sử dụng trong đoàn.

2. Được tham gia giao thông trên các tuyến đường, đoạn đường và thời gian lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam tại văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.

3. Khi điều khiển xe cơ giới nước ngoài tham gia giao thông, người nước ngoài phải chấp hành đúng quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Việt Nam; mang theo và xuất trình khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu các giấy tờ sau:

a) Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, giấy tờ liên quan đến cư trú tại Việt Nam;

b) Giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển, có giá trị sử dụng trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam và còn hiệu lực;

c) Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới hoặc giấy tờ tương đương do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đăng ký xe cấp còn hiệu lực (đối với xe ô tô);

d) Giấy đăng ký xe do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đăng ký xe cấp và còn hiệu lực;

đ) Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới có giá trị tại Việt Nam;

e) Tờ khai hải quan phương tiện vận tải đường bộ tạm nhập, tái xuất.

Điều 35. Trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam; tổ chức, cá nhân đưa xe ô tô có tay lái ở bên phải vào tham gia giao thông tại Việt Nam không phải mục đích du lịch

1. Thực hiện thủ tục mời, bảo lãnh người nước ngoài điều khiển xe cơ giới nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam, trừ trường hợp được miễn thị thực; thực hiện các quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và pháp luật khác có liên quan.

2. Tổ chức thực hiện việc đưa xe cơ giới nước ngoài vào tham gia giao thông tại Việt Nam và đưa xe cơ giới nước ngoài ra khỏi lãnh thổ Việt Nam theo đúng quy định; bố trí phương tiện, người điều khiển phương tiện hướng dẫn giao thông cho xe cơ giới nước ngoài trong quá trình tham gia giao thông tại Việt Nam; gắn logo nhận diện hoặc cắm cờ có biểu tượng của doanh nghiệp hoặc tổ chức, cá nhân liên quan trên các xe của đoàn.

3. Chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự trong quá trình xe cơ giới nước ngoài tham gia giao thông tại Việt Nam. Quản lý người nước ngoài hoạt động theo đúng chương trình, di chuyển theo đúng tuyến, lộ trình đã đăng ký; phối hợp khai báo tạm trú theo quy định của pháp luật.

4. Chậm nhất sau 10 ngày kể từ ngày kết thúc chương trình, có văn bản gửi cơ quan có thẩm quyền đã cấp phép trước đó về kết quả tổ chức cho người nước ngoài đưa xe cơ giới nước ngoài vào tham gia giao thông tại Việt Nam theo Mẫu số 04e Phụ lục IV kèm theo Nghị định này.

5. Chịu trách nhiệm tổ chức xử lý và giải quyết các chi phí phát sinh do vi phạm pháp luật hoặc tai nạn giao thông của người nước ngoài điều khiển xe cơ giới nước ngoài, sự cố xe cơ giới nước ngoài gây ra hoặc liên quan trong quá trình tham gia giao thông tại Việt Nam.

6. Chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp của giấy tờ, thông tin của người nước ngoài và xe cơ giới nước ngoài tại văn bản gửi cơ quan có thẩm quyền cấp phép và giấy tờ quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 32 của Nghị định này.

Điều 36. Trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong quản lý đối với người nước ngoài điều khiển xe cơ giới nước ngoài tham gia giao thông tại Việt Nam

1. Bộ Công an có trách nhiệm:

a) Chủ trì tổ chức kiểm tra, kiểm soát xuất cảnh, nhập cảnh tại các cửa khẩu thuộc phạm vi quản lý; thực hiện thủ tục cấp thị thực, cấp chứng nhận tạm trú cho người nước ngoài nhập cảnh theo quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam;

b) Phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính trong việc giải quyết các thủ tục tạm nhập, tái xuất đối với xe cơ giới nước ngoài vào tham gia giao thông tại Việt Nam;

c) Kiểm tra, xử lý vi phạm đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc tổ chức cho người nước ngoài điều khiển xe cơ giới nước ngoài tham gia giao thông tại Việt Nam; người nước ngoài điều khiển xe cơ giới nước ngoài khi tham gia giao thông tại Việt Nam;

d) Thông báo đến Bộ Quốc phòng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải và cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế liên Chính phủ tại Việt Nam về vi phạm pháp luật hoặc tai nạn giao thông của người nước ngoài điều khiển xe cơ giới nước ngoài, sự cố liên quan đến xe cơ giới nước ngoài gây ra hoặc liên quan trong quá trình tham gia giao thông tại Việt Nam.

2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm:

a) Hướng dẫn tổ chức, cá nhân liên quan đưa xe cơ giới nước ngoài vào tham gia giao thông tại Việt Nam theo quy định tại Nghị định này;

b) Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính tổ chức, quản lý hoạt động của người nước ngoài, xe cơ giới nước ngoài đưa vào Việt Nam;

c) Phối hợp với các đơn vị, địa phương và doanh nghiệp nghiên cứu xây dựng các chương trình, tuyến, cung đường di chuyển bằng đường bộ cho khách du lịch nước ngoài.

3. Bộ Quốc phòng có trách nhiệm chủ trì tổ chức kiểm tra, kiểm soát xuất cảnh, nhập cảnh tại các cửa khẩu thuộc phạm vi quản lý; thực hiện thủ tục biên phòng, cấp, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ thị thực, cấp chứng nhận tạm trú cho người nước ngoài nhập cảnh theo quy định của pháp luật; phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu giám sát phương tiện thực hiện thủ tục tạm nhập, tái xuất theo quy định của pháp luật.

4. Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong việc thực hiện thủ tục tạm nhập, tái xuất xe cơ giới nước ngoài đưa vào Việt Nam theo quy định của pháp luật.

5. Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam trong việc tổ chức, quản lý hoạt động của người nước ngoài, xe cơ giới nước ngoài đưa vào Việt Nam.

6. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương thực hiện việc quản lý, kiểm tra hoạt động của người nước ngoài, xe cơ giới nước ngoài đưa vào Việt Nam theo quy định; thông báo đến Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải và cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế liên Chính phủ tại Việt Nam về vi phạm pháp luật hoặc tai nạn giao thông của người nước ngoài điều khiển xe cơ giới nước ngoài, sự cố liên quan đến xe cơ giới nước ngoài gây ra hoặc liên quan quá trình tham gia giao thông tại Việt Nam.

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 37. Quy định chuyển tiếp

1. Giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên được cấp trước ngày Nghị định này có hiệu lực cho các đối tượng quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 5 Điều 18 của Nghị định này thì có giá trị theo thời hạn ghi trên giấy phép; giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên được cấp trước ngày Nghị định này có hiệu lực cho các đối tượng quy định tại khoản 6, khoản 7, khoản 8 Điều 18 của Nghị định này thì cơ quan, tổ chức đã được cấp giấy phép trước đó thực hiện trình tự, thủ tục đề nghị cấp mới giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên theo quy định tại Chương IV của Nghị định này.

2. Đối với trường hợp cơ quan có thẩm quyền đã chấp thuận doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam được tổ chức cho người nước ngoài đưa xe cơ giới nước ngoài vào Việt Nam du lịch hoặc tổ chức, cá nhân đưa xe ô tô của người nước ngoài đăng ký tại nước ngoài có tay lái ở bên phải tham gia giao thông tại Việt Nam không phải mục đích du lịch trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện chương trình theo văn bản đã chấp thuận.

Điều 38. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.

2. Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, bãi bỏ các văn bản, điều, khoản trong các văn bản và các quy định sau đây:

a) Nghị định số 109/2009/NĐ-CP ngày 01 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ quy định tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, Nghị định số 30/2024/NĐ-CP ngày 07 tháng 3 năm 2024 của Chính phủ quy định về quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đăng ký tại nước ngoài, do người nước ngoài đưa vào Việt Nam du lịch, Nghị định số 80/2009/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ quy định xe ô tô của người nước ngoài đăng ký tại nước ngoài có tay lái bên phải tham gia giao thông tại Việt Nam;

b) Điều 12, khoản 2 Điều 13, khoản 2 Điều 14, khoản 13 Điều 22, khoản 9 Điều 23, khoản 3 Điều 26, khoản 5, khoản 8 Điều 34 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 47/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2022 của Chính phủ, Nghị định số 41/2024/NĐ-CP ngày 16 tháng 4 năm 2024 của Chính phủ);

c) Cụm từ “Thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô” quy định tại khoản 4, cụm từ “Cung cấp, quản lý và sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô; cung cấp, quản lý và sử dụng dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe ô tô kinh doanh vận tải;” quy định tại điểm c khoản 5, cụm từ “, trong đó có hệ thống xử lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô” quy định tại khoản 7 Điều 23; cụm từ “thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô và” quy định tại khoản 1 Điều 27; cụm từ “, trong đó có hệ thống xử lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô” quy định tại khoản 3 Điều 30, Điều 32 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (đã được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Nghị định số 47/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2022 của Chính phủ và Nghị định số 41/2024/NĐ-CP ngày 16 tháng 4 năm 2024 của Chính phủ).

Điều 39. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, CN. pvc

TM. CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Trần Hồng Hà

 

PHỤ LỤC I

YÊU CẦU KỸ THUẬT THIẾT BỊ PHÁT TÍN HIỆU CỦA XE ƯU TIÊN
(Kèm theo Nghị định số 151/2024/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2024 của Chính phủ)

1. Yêu cầu kỹ thuật đèn phát tín hiệu ưu tiên

a) Đối với xe ô tô

TT

Loại xe ưu tiên

Màu sắc

Đèn đơn

Đèn kép

Tốc độ quay của chao đèn hoặc tần số chớp (vòng hoặc lần/phút)

Công suất (W)

Cường độ sáng (cd)

Công suất (W)

Cường độ sáng (cd)

1

Xe chữa cháy

Đỏ

18,9 ÷ 60,5

≥10,8

36 ÷ 280

≥21,6

60÷240

2

Xe của lực lượng quân sự làm nhiệm vụ khẩn cấp

Đỏ

18,9 ÷ 60,5

≥10,8

36÷280

≥21,6

60 ÷ 240

3

Xe của lực lượng công an làm nhiệm vụ khẩn cấp

Xanh- Đỏ

18,9 ÷ 60,5

≥10,8

36 ÷ 280

≥21,6

60 ÷ 240

4

Xe của lực lượng kiểm sát làm nhiệm vụ khẩn cấp

Xanh - Đỏ

18,9 ÷ 60,5

≥10,8

36 ÷ 280

≥21,6

60 ÷ 240

5

Xe Cảnh sát giao thông dẫn đường

Xanh - Đỏ

18,9 ÷ 60,5

≥10,8

36 ÷ 280

≥21,6

60 ÷ 240

6

Xe cứu thương

Đỏ

18,9 ÷ 60,5

≥10,8

36 ÷ 280

≥21,6

60 ÷ 240

7

Xe hộ đê, xe làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh, xe làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật

Xanh

18,9 ÷ 60,5

≥10,8

36 ÷ 280

≥21,6

60 ÷ 240

b) Đối với xe mô tô

TT

Loại xe ưu tiên

Màu sắc

Đèn đơn

Tốc độ quay của chao đèn hoặc tần số chớp (vòng hoặc lần/phút)

Công suất (W)

Cường độ sáng (cd)

1

Xe chữa cháy

Đỏ

16 ÷ 60,5

≥10,8

60 ÷ 240


2

Xe của lực lượng quân sự làm nhiệm vụ khẩn cấp

Đỏ

16 ÷ 60,5

≥10,8

60 ÷ 240

3

Xe của lực lượng công an làm nhiệm vụ khẩn cấp

Xanh-Đỏ

16 ÷ 60,5

≥10,8

60 ÷ 240

4

Xe Cảnh sát giao thông dẫn đường

Xanh - Đỏ

16 ÷ 60,5

≥10,8

60 ÷ 240

c) Loại đèn và hình dạng

 

Loại đèn

Hình dạng

1

Đèn đơn

Đèn phát tín hiệu ưu tiên dạng hình tròn

Đèn phát tín hiệu ưu tiên dạng hình trụ

2

Đèn kép

Đèn phát tín hiệu ưu tiên dạng hộp chữ nhật có từ 02 cụm đèn trở lên

2. Yêu cầu kỹ thuật còi phát tín hiệu ưu tiên

a) Đối với xe ô tô

TT

Loại xe ưu tiên

Tần số điều chế
(Hz)

Công suất ra
(W)

Cường độ âm thanh
(dB)

Chu kỳ còi phát ra
(lần/phút)

Chế độ còi ưu tiên

1

Xe chữa cháy

500 ÷ 1600

100 ÷ 200

125 ÷ 135

90 ± 10%

WAIL

2

Xe của lực lượng quân sự làm nhiệm vụ khẩn cấp

500 ÷ 1600

100 ÷ 200

125 ÷ 135

180 ± 10%

YELP

3

Xe của lực lượng công an làm nhiệm vụ khẩn cấp

500 ÷ 1600

100 ÷ 200

125 ÷ 135

120 ± 10%

SIREN

4

Xe của lực lượng kiểm sát làm nhiệm vụ khẩn cấp

500 ÷ 1600

100 ÷ 200

125 ÷ 135

180 ± 10%

WOOP

5

Xe Cảnh sát giao thông dẫn đường

500 ÷ 1600

100 ÷ 200

125 ÷ 135

210 ± 10%

PIERCER

6

Xe cứu thương

500 ÷ 1600

100 ÷ 200

125 ÷ 135

60 ± 10%

HI-LO

b) Đối với xe mô tô

TT

Loại xe ưu tiên

Tần số điều chế
(Hz)

Công suất ra
(W)

Cường độ âm thanh
(dB)

Chu kỳ còi phát ra (lần/phút)

Chế độ còi ưu tiên

1

Xe chữa cháy

500 ÷ 1600

50 ± 10%

120 ÷ 125

90 ± 10%

WAIL

2

Xe của lực lượng quân sự làm nhiệm vụ khẩn cấp

500 ÷ 1600

50 ± 10%

120 ÷ 125

180 ± 10%

YELP

3

Xe của lực lượng công an làm nhiệm vụ khẩn cấp

500 ÷ 1600

50 ± 10%

120 ÷ 125

120 ± 10%

SIREN

4

Xe Cảnh sát giao thông dẫn đường

500 ÷ 1600

50 ± 10%

120 ÷ 125

210 ± 10%

PIERCER

3. Yêu cầu kỹ thuật cờ hiệu ưu tiên

a) Cờ hiệu quân sự

Cờ hình tam giác cân, cạnh đáy rộng 23 cm, đường cao 37 cm, nền cờ màu đỏ, giữa cờ có hình quân hiệu và mũi tên màu vàng, hai bên cạnh có tua vàng dài 3,5 cm; cán cờ cao 50 cm, đường kính cán cờ 1,5 cm.

b) Cờ hiệu công an

Cờ hình tam giác cân, cạnh đáy rộng 27 cm, đường cao 37 cm, hai cạnh bên may tua màu vàng dài 4 cm, nền cờ màu xanh lục, giữa nền cờ thêu hình mũi tên dài 23,5 cm, đầu mũi tên dài 5 cm rộng 3 cm, bản mũi tên rộng 0,5 cm, đầu mũi tên cách đường may nẹp luồn cán cờ 2 cm, giữa thân mũi tên thêu hình Công an hiệu, mũi tên và Công an hiệu màu vàng; cán cờ cao 50 cm, đường kính cán cờ 1,5 cm./.

 

PHỤ LỤC II

BIỂU MẪU LIÊN QUAN ĐẾN CẤP GIẤY PHÉP SỬ DỤNG THIẾT BỊ PHÁT TÍN HIỆU CỦA XE ƯU TIÊN
(Kèm theo Nghị định số 151/2024/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2024 của Chính phủ)

Mẫu số 02a

Giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên

Mẫu số 02b

Văn bản đề nghị cấp mới/cấp lại giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên

Mẫu số 02c

Sổ thống kê, theo dõi công tác cấp, thu hồi giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên

Mẫu số 02d

Báo cáo việc quản lý, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên

 

Mẫu số 02a. Giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên

1. Mặt trước

…..(1)……
……(2)……

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

 

GIẤY PHÉP

SỬ DỤNG THIẾT BỊ PHÁT TÍN HIỆU CỦA XE ƯU TIÊN

Cấp cho xe ô tô (mô tô), biển số xe: ...............................................................

Cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng: ................................................................

Nhãn hiệu: .............................. Số loại: ………………… Màu sơn: …………………….

Loại xe ưu tiên: .................................................(3)..........................................

Thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên được sử dụng: .................(4).................

 

 

........, ngày........tháng........năm......
THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ
(Ký, đóng dấu)

Số giấy phép: ..............................

Có giá trị đến: .............................

 

2. Mặt sau

1. Xe ưu tiên khi tham gia giao thông phải mang theo Giấy phép này.

2. Tín hiệu ưu tiên chỉ được sử dụng khi đi làm nhiệm vụ theo quy định.

3. Giao nộp Giấy phép cho cơ quan có thẩm quyền đã cấp trước đó đối với trường hợp phải thu hồi theo quy định của pháp luật.

4. Không sử dụng Giấy phép sai mục đích.

Ghi chú:

(1) Tên cơ quan chủ quản trực tiếp;

(2) Tên cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép;

(3) Ghi loại xe ưu tiên theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ;

(4) Ghi thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên được sử dụng; màu của tín hiệu đèn ưu tiên.

__________________________

Giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên: kích thước 85,6x53,98 mm, in trên nền giấy màu hồng, hoa văn hình Quốc huy; dòng chữ “GIẤY PHÉP SỬ DỤNG THIẾT BỊ PHÁT TÍN HIỆU CỦA XE ƯU TIÊN” màu đỏ.

 

Mẫu số 02b. Văn bản đề nghị cấp mới/cấp lại giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên

……(1)…….
.…..(2)……
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ………

V/v đề nghị cấp mới/cấp lại giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên

……., ngày … tháng … năm ……

 

Kính gửi: ..................................(3)…………………………….

1. Tên cơ quan, tổ chức: .....................................................................................

- Số định danh: ..................................(4)……………………..…………………….;

- Địa chỉ: ..............................................................................................................

2. Người làm thủ tục: …………………..……… Số định danh: ....................................

Email: ................................................. Số điện thoại liên hệ: …………………………..

3. Đề nghị cấp mới/cấp lại Giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên cho xe ô tô/mô tô, biển số xe: ....................

- Lý do cấp lại (nếu thực hiện cấp lại): ........................................................;

- Mục đích sử dụng xe: ................................................................................;

- Thời gian đề nghị cấp phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên:

......................................................................................................................;

- Tài liệu kèm theo: ..................................(5)…………………………………………….

4. Nhận giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp bằng hình thức (trực tiếp/dịch vụ bưu chính):

.......................................................................................................................

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- ……;
- Lưu: …..

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN, TỔ CHỨC
(Ký số hoặc ký ghi rõ họ tên, đóng dấu nếu là tổ chức)

Ghi chú:

(1) Tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có);

(2) Tên cơ quan, tổ chức đề nghị cấp giấy phép;

(3) Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép;

(4) Trường hợp cơ quan, tổ chức chưa được cấp số định danh thì ghi số quyết định thành lập hoặc số quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ hoặc số giấy phép hoạt động;

(5) Văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, các tài liệu khác chứng minh cơ quan, tổ chức được sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên thuộc các đối tượng theo quy định tại khoản 6, khoản 7, khoản 8 Điều 18 của Nghị định này.

 

Mẫu số 02c. Sổ thống kê, theo dõi công tác cấp, thu hồi giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên

…..(1)……
……(2)……
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

SỔ THỐNG KÊ, THEO DÕI CÔNG TÁC CẤP, THU HỒI
GIẤY PHÉP SỬ DỤNG THIẾT BỊ PHÁT TÍN HIỆU CỦA XE ƯU TIÊN

STT

quan, tổ chức

Biển số xe

Loại xe
(ô tô/ mô tô)

Mục đích sử dụng

Hình thức cấp
(cấp mới/ cấp lại)

Giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên

Phương thức giải quyết TTHC (DVC/trực tiếp)

Lãnh đạo duyệt, ký giấy phép

Thu hồi giấy phép
(3)

Số giấy phép

Ngày cấp

Ngày hết hạn

1

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

...

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


CÁN BỘ THỐNG KÊ
(Ký, ghi rõ họ tên)

........, ngày........tháng........năm......
THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN
(Ký tên, đóng dấu)

Ghi chú:

(1) Tên cơ quan chủ quản trực tiếp;

(2) Tên cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép;

(3) Ghi thời điểm, người đại diện cơ quan, tổ chức giao nộp giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên.

 

Mẫu số 02d. Báo cáo việc quản lý, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên

……(1)…….
.…..(2)……
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ………

……., ngày … tháng … năm ……

 

BÁO CÁO

Việc quản lý, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên

..................(2)……….. báo cáo về việc quản lý, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên năm ......... như sau:

1. Tổng số xe đã lắp đặt thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên thuộc quyền quản lý, sử dụng: ........................ xe.

- Số xe đã được cấp giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên: ………….

- Số xe chưa được cấp giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên: ............ Lý do: ...............................

2. Tổng số giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên đã giao nộp cho cơ quan có thẩm quyền (nếu có): ................

Lý do giao nộp: .................................

3. Thông tin về tình trạng phương tiện, thiết bị phát tín hiệu được cấp giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên như sau:

STT

Biển số xe

Loại xe

Giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên

Mục đích sử dụng

Thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên được sử dụng

Tình trạng sử dụng (tình trạng phương tiện, thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên, giấy phép...)

Ghi chú

Ô tô

Mô tô

Số giấy phép

Ngày cấp

Ngày hết hạn

1

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Nơi nhận:
- ……(3)…..;
- ……;
- Lưu: …..

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN, TỔ CHỨC
(Ký tên, đóng dấu)

Ghi chú:

(1) Tên cơ quan, tổ chức chủ quản trực tiếp (nếu có);

(2) Tên cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng xe ưu tiên;

(3) Tên cơ quan đã cấp giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên trước đó.

 

PHỤ LỤC III

BIỂU MẪU LIÊN QUAN ĐẾN CẤP GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG THÔNG MINH

(Kèm theo Nghị định số 151/2024/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2024 của Chính phủ)

Mẫu số 03a

Đơn đề nghị cấp/đổi/cấp lại giấy phép hoạt động phương tiện giao thông thông minh

Mẫu số 03b

Giấy phép hoạt động phương tiện giao thông thông minh

Mẫu số 03a. Đơn đề nghị cấp/đổi/cấp lại giấy phép hoạt động phương tiện giao thông thông minh

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP/ĐỔI/CẤP LẠI GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG
PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG THÔNG MINH

Kính gửi: Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an.

1. Tên chủ sở hữu phương tiện: ....................................................................

- Địa chỉ: .........................................................................................................

- Số định danh cá nhân/số hộ chiếu/mã số thuế: ..........................................

cấp ngày ...... tháng ..... năm ............. cơ quan cấp: .....................................

- Quốc tịch (đối với cá nhân): .........................................................................

- Điện thoại: .............................................. email: ……………………………………….

Có phương tiện giao thông thông minh, đặc điểm như sau:

- Biển số: ……………………………………………… màu biển số: ……………………

- Nhãn hiệu: ............................................ số loại: ……………………………………….

- Loại xe: ............................................. dung tích: ......................................................

- Số máy: ………………………………………… số khung: …………………………….

- Màu sơn: ......................................... số chỗ: ……………………………………………

Các thông tin, tính năng kỹ thuật và trang bị khác: ………………………………………

2. Đề nghị cấp mới □ đổi □ cấp lại □ giấy phép hoạt động phương tiện giao thông thông minh cho phép tự động hóa một phần □ toàn bộ □

- Phạm vi hoạt động: .......................................................................................

- Thời gian hoạt động: .....................................................................................

- Mục đích hoạt động: ....................................................................................

3. Tài liệu gửi kèm theo đơn: (1) ....................................................................

Chúng tôi/tôi xin cam đoan về nội dung khai trên và xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của phương tiện giao thông thông minh./.

 

 

......(2)…..., ngày........tháng........năm......
.………(3)…………
(Ký số hoặc ký ghi rõ họ tên, đóng dấu nếu là tổ chức)

__________________________

Ghi chú:

(1) Chứng nhận đăng ký xe; chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện giao thông thông minh theo quy định và các tài liệu liên quan khác;

(2) Tên địa danh.

(3) Chủ sở hữu phương tiện hoặc người được ủy quyền

 

Mẫu số 03b. Giấy phép hoạt động phương tiện giao thông thông minh

BỘ CÔNG AN
CỤC CẢNH SÁT GIAO THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ……./GP….

Hà Nội, ngày … tháng … năm ……

 

GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG
PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG THÔNG MINH

Cấp cho phương tiện giao thông thông minh:

- Cho phép tự động hóa một phần □

- Cho phép tự động hóa toàn bộ □

1. Chủ sở hữu phương tiện: ...................................................................

- Địa chỉ: .................................................................................................

- Số định danh cá nhân/số hộ chiếu/mã số thuế: ..................................

ngày cấp ………./………../……….. cơ quan cấp: ...........................................

2. Đặc điểm phương tiện:

- Biển số: ……………………………………………… màu biển số: …………………….

- Nhãn hiệu: ............................................ số loại: ……………………………………….

- Loại xe: ............................................. dung tích: ........................................................

- Số máy: ………………………………………… số khung: ………………………………

- Màu sơn: ......................................... số chỗ: ……………………………………………

3. Các thông tin, tính năng kỹ thuật và trang bị khác: ..................................

........................................................................................................................

4. Mục đích hoạt động: .................................................................................

.......................................................................................................................

5. Phạm vi hoạt động: ...................................................................................

6. Thời gian hoạt động: .................................................................................

7. Hồ sơ đăng ký phương tiện đang lưu trữ tại: .....................(1)..................

 

 

CỤC TRƯỞNG
(Ký số hoặc ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

Ghi chú: 01 bản lưu tại cơ quan cấp phép; 01 bản giao cho chủ phương tiện;

(1) Tên cơ quan đăng ký xe.

 

PHỤ LỤC IV

BIỂU MẪU LIÊN QUAN ĐẾN CHẤP THUẬN DOANH NGHIỆP KINH DOANH DỊCH VỤ LỮ HÀNH QUỐC TẾ CỦA VIỆT NAM TỔ CHỨC CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI ĐƯA XE CƠ GIỚI NƯỚC NGOÀI VÀO VIỆT NAM DU LỊCH; TỔ CHỨC, CÁ NHÂN ĐƯA XE Ô TÔ CÓ TAY LÁI Ở BÊN PHẢI VÀO THAM GIA GIAO THÔNG TẠI VIỆT NAM KHÔNG PHẢI MỤC ĐÍCH DU LỊCH
(Kèm theo Nghị định số 151/2024/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2024 của Chính phủ)

Mẫu số 04a

Văn bản đề nghị chấp thuận doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam tổ chức cho người nước ngoài đưa xe cơ giới nước ngoài vào Việt Nam du lịch; tổ chức, cá nhân đưa xe ô tô có tay lái ở bên phải vào tham gia giao thông tại Việt Nam không phải mục đích du lịch

Mẫu số 04b

Văn bản chấp thuận doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam tổ chức cho người nước ngoài đưa xe cơ giới nước ngoài vào Việt Nam du lịch; tổ chức, cá nhân đưa xe ô tô có tay lái ở bên phải vào tham gia giao thông tại Việt Nam không phải mục đích du lịch

Mẫu số 04c

Văn bản không chấp thuận hoặc đình chỉ hoạt động tổ chức cho người nước ngoài đưa xe cơ giới nước ngoài vào Việt Nam du lịch đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam; tổ chức, cá nhân đưa xe ô tô có tay lái ở bên phải vào tham gia giao thông tại Việt Nam không phải mục đích du lịch

Mẫu số 04d

Văn bản đề nghị thay đổi lộ trình, tuyến đường di chuyển hoặc thời gian người, phương tiện xuất cảnh chậm so với văn bản chấp thuận hoặc quá thời gian lưu trú tối đa tại Việt Nam

Mẫu số 04đ

Văn bản chấp thuận hoặc không chấp thuận doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam tổ chức cho người nước ngoài đưa xe cơ giới nước ngoài vào Việt Nam du lịch; tổ chức, cá nhân đưa xe ô tô có tay lái ở bên phải vào tham gia giao thông tại Việt Nam không phải mục đích du lịch được thay đổi lộ trình, tuyến đường di chuyển, thời gian phương tiện xuất cảnh chậm so với văn bản chấp thuận hoặc quá thời gian lưu trú tối đa tại Việt Nam

Mẫu số 04e

Báo cáo kết quả doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam tổ chức cho người nước ngoài đưa xe cơ giới nước ngoài vào Việt Nam du lịch hoặc tổ chức, cá nhân đưa xe ô tô có tay lái ở bên phải vào tham gia giao thông tại Việt Nam không phải mục đích du lịch

 

Mẫu số 04a. Văn bản đề nghị chấp thuận doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam tổ chức cho người nước ngoài đưa xe cơ giới nước ngoài vào Việt Nam du lịch; tổ chức, cá nhân đưa xe ô tô có tay lái ở bên phải vào tham gia giao thông tại Việt Nam không phải mục đích du lịch

……..(1)……….
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ….(2)…..
Về việc ….(3)…..

……., ngày … tháng … năm ……

 

Kính gửi: Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an.

1. Thông tin .....................................(1)......................................

- Tên doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam hoặc tổ chức, cá nhân: ................................................................................;

- Địa chỉ: .........................................................................................;

- Số điện thoại: ……………………………… số fax/email: .......................;

- Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế (đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam): số giấy phép: ..................... ngày cấp: ...............;

Cơ quan cấp: ...................................................................

2. Hướng dẫn viên, người điều khiển và phương tiện được sử dụng hướng dẫn giao thông của doanh nghiệp hoặc tổ chức, cá nhân:

- Họ tên hướng dẫn viên: ............................ số điện thoại: .......................;

- Họ tên người điều khiển phương tiện được sử dụng hướng dẫn giao thông: ............................................ số điện thoại: ................................;

- Phương tiện được sử dụng hướng dẫn giao thông khi tham gia giao thông (loại xe, biển số xe): ...................................................................

3. Đề nghị chấp thuận doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam tổ chức cho người nước ngoài đưa xe cơ giới nước ngoài vào Việt Nam du lịch; tổ chức, cá nhân đưa xe ô tô có tay lái ở bên phải vào tham gia giao thông tại Việt Nam không phải mục đích du lịch:

a) Quốc gia của người nước ngoài: ………………………………………………;

b) Số lượng xe cơ giới: .....................................................................;

c) Số lượng người: ...........................................................................;

d) Cửa khẩu nhập cảnh: ...................................................................;

đ) Cửa khẩu xuất cảnh: ...................................................................;

e) Ngày nhập cảnh: .........................................................................;

g) Ngày xuất cảnh: ..........................................................................;

h) Lộ trình (hành trình) của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông tại Việt Nam (từ khi nhập cảnh đến khi xuất cảnh):

- Ngày 1: cửa khẩu nhập cảnh - tuyến đường đi (quốc lộ, tỉnh lộ ... thuộc tỉnh, thành phố) - nơi dừng nghỉ cuối ngày 1 (địa chỉ dự kiến lưu trú);

- Ngày 2: tuyến đường đi (quốc lộ, tỉnh lộ ... thuộc tỉnh, thành phố) - nơi dừng nghỉ cuối ngày 2 (địa chỉ lưu trú);

- Các ngày tiếp theo tham gia giao thông tại Việt Nam nội dung tương tự như ngày 2;

- Ngày xuất cảnh: tuyến đường đi (quốc lộ, tỉnh lộ ... thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) - cửa khẩu xuất cảnh;

i) Danh sách chi tiết người điều khiển phương tiện, số giấy phép lái xe, nhãn hiệu phương tiện, biển số xe, màu sơn, số khung, số máy, số hiệu Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới hoặc giấy tờ tương đương do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đăng ký xe cấp còn hiệu lực đối với xe ô tô.

4. Biện pháp doanh nghiệp hoặc tổ chức, cá nhân thực hiện để bảo đảm an toàn:

- Bố trí phương tiện được sử dụng hướng dẫn giao thông, hướng dẫn pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ cho người nước ngoài khi tham gia giao thông tại Việt Nam;

- Bảo đảm người nước ngoài thực hiện các quy định về an ninh, trật tự, an toàn giao thông và các quy định khác có liên quan của pháp luật;

- Thực hiện nghiêm việc phòng chống các dịch bệnh theo quy định của Bộ Y tế và của địa phương nơi đoàn đến, đi qua.

..........(1).......... cam kết sẽ thực hiện đúng các nội dung nêu trên và các quy định liên quan trong quá trình tổ chức cho người nước ngoài đưa xe cơ giới nước ngoài tham gia giao thông tại Việt Nam.

Đề nghị Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an xem xét, chấp thuận./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- …..(4)…;
- …………;
- Lưu: …..

DOANH NGHIỆP HOẶC
TỔ CHỨC, CÁ NHÂN
(Ký số hoặc ký ghi rõ họ tên, đóng dấu nếu là doanh nghiệp, tổ chức)

 

DANH SÁCH NGƯỜI VÀ XE CƠ GIỚI NƯỚC NGOÀI

(Kèm theo văn bản số ... ngày ... tháng .... năm ... đề nghị chấp thuận doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam tổ chức cho người nước ngoài đưa xe cơ giới nước ngoài vào Việt Nam du lịch; tổ chức, cá nhân đưa xe ô tô có tay lái ở bên phải vào tham gia giao thông tại Việt Nam không phải mục đích du lịch)

Số TT

Tên người điều khiển xe cơ giới

Số hộ chiếu

Số giấy phép lái xe

Biển số xe

Nhãn hiệu

Số khung

Số máy

Màu sơn

Số hiệu giấy chứng nhận kiểm định ATKT&BVMT đối với xe ô tô hoặc giấy tờ tương đương do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đăng ký xe cấp còn hiệu lực

Ghi chú

1

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

...

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

DOANH NGHIỆP HOẶC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN
(Ký số hoặc ký ghi rõ họ tên, đóng dấu nếu là doanh nghiệp, tổ chức)

Ghi chú: Ghi tên tổ chức ban hành văn bản; số, ký hiệu của văn bản; tên loại và trích yếu nội dung văn bản nếu là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam hoặc tổ chức đưa xe ô tô có tay lái ở bên phải vào tham gia giao thông tại Việt Nam không phải mục đích du lịch;

(1) Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam tổ chức cho người nước ngoài đưa xe cơ giới nước ngoài vào Việt Nam du lịch; tổ chức, cá nhân đưa xe ô tô có tay lái ở bên phải vào tham gia giao thông tại Việt Nam không phải mục đích du lịch;

(2) Số, ký hiệu văn bản của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam hoặc tổ chức đề nghị đưa xe ô tô có tay lái ở bên phải vào tham gia giao thông tại Việt Nam không phải mục đích du lịch;

(3) Chấp thuận doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam tổ chức cho người nước ngoài đưa xe cơ giới nước ngoài vào Việt Nam du lịch; tổ chức, cá nhân đưa xe ô tô có tay lái ở bên phải vào tham gia giao thông tại Việt Nam không phải mục đích du lịch;

(4) Các đơn vị chức năng thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan.

 

Mẫu số 04b. Văn bản chấp thuận doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam tổ chức cho người nước ngoài đưa xe cơ giới nước ngoài vào Việt Nam du lịch; tổ chức, cá nhân đưa xe ô tô có tay lái ở bên phải vào tham gia giao thông tại Việt Nam không phải mục đích du lịch

BỘ CÔNG AN
CỤC CẢNH SÁT GIAO THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ………
Về việc …..(1)…..

……., ngày … tháng … năm ……

 

Kính gửi:

- ......................(2)...........................;

- Công an các đơn vị, địa phương: ...............

Cục Cảnh sát giao thông nhận được văn bản số ............................ của ......................(2)..................... về việc đề nghị chấp thuận doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam tổ chức cho người nước ngoài đưa xe cơ giới nước ngoài vào Việt Nam du lịch hoặc tổ chức, cá nhân đưa xe ô tô có tay lái ở bên phải vào tham gia giao thông tại Việt Nam không phải mục đích du lịch. Về vấn đề này, Cục Cảnh sát giao thông có ý kiến như sau:

1. Chấp thuận việc ..............(2).......... tổ chức cho người nước ngoài đưa xe cơ giới nước ngoài vào Việt Nam với các nội dung sau:

- Thời gian: ......................................................................................;

- Số lượng xe cơ giới: ......................................................................;

- Số lượng người: ............................................................................;

- Nhập cảnh: cửa khẩu ...........;

- Xuất cảnh: cửa khẩu ............;

- Phạm vi và lộ trình: cửa khẩu ..... - tuyến đường .......... - cửa khẩu .........;

- Hướng dẫn viên, người điều khiển và phương tiện được sử dụng hướng dẫn giao thông của ..............(2).......... (họ tên hướng dẫn viên, số điện thoại; họ tên người điều khiển phương tiện được sử dụng hướng dẫn giao thông, số điện thoại; loại xe, biển số xe được sử dụng hướng dẫn giao thông).

2. Yêu cầu ..............(2).......... chịu trách nhiệm thực hiện đúng các nội dung chấp thuận tại văn bản này và văn bản số ........... của..............(2).......... Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày đoàn xuất cảnh, ..............(2).......... có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện gửi Cục Cảnh sát giao thông theo quy định.

3. Trường hợp xảy ra sự cố thì ..............(2).......... báo cáo ngay với Cục Cảnh sát giao thông và liên hệ với cơ quan công an nơi xảy ra sự cố.

4. Đề nghị công an các đơn vị, địa phương: thực hiện nhiệm vụ quản lý, kiểm tra người nước ngoài và xe cơ giới nước ngoài đưa vào Việt Nam du lịch hoặc tổ chức, cá nhân đưa xe ô tô có tay lái ở bên phải vào tham gia giao thông tại Việt Nam không phải mục đích du lịch trong suốt quá trình lưu trú, hoạt động trên phạm vi và các tuyến đường thuộc địa bàn địa phương; phân công, bố trí lực lượng trực tiếp kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật khi đoàn kết thúc hoạt động trên địa bàn địa phương, có báo cáo kết quả gửi về Cục Cảnh sát giao thông để theo dõi./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- ….(3)….;
- ……..…;
- Lưu VT: …..

CỤC TRƯỞNG
(Ký tên, đóng dấu)

 

DANH SÁCH NGƯỜI VÀ XE CƠ GIỚI NƯỚC NGOÀI

(Kèm theo văn bản số ...../.... ngày .../..../........ của Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an chấp thuận doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam tổ chức cho người nước ngoài đưa xe cơ giới nước ngoài vào Việt Nam du lịch; tổ chức, cá nhân đưa xe ô tô có tay lái ở bên phải vào tham gia giao thông tại Việt Nam không phải mục đích du lịch)

Số TT

Tên người điều khiển xe cơ giới

Số hộ chiếu

Số giấy phép lái xe

Biển số xe

Nhãn hiệu

Số khung

Số máy

Màu sơn

Số hiệu giấy chứng nhận kiểm định ATKT&BVMT đối với xe ô tô hoặc giấy tờ tương đương do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đăng ký xe cấp còn hiệu lực

Ghi chú

1

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ghi chú:

(1) Chấp thuận doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam tổ chức cho người nước ngoài đưa xe cơ giới nước ngoài vào Việt Nam du lịch; tổ chức, cá nhân đưa xe ô tô có tay lái ở bên phải vào tham gia giao thông tại Việt Nam không phải mục đích du lịch;

(2) Tên doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam tổ chức cho người nước ngoài đưa xe cơ giới nước ngoài vào Việt Nam du lịch; tổ chức, cá nhân đưa xe ô tô có tay lái ở bên phải vào tham gia giao thông tại Việt Nam không phải mục đích du lịch;

(3) Các đơn vị chức năng thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan.

 

Mẫu số 04c. Văn bản không chấp thuận hoặc đình chỉ hoạt động tổ chức cho người nước ngoài đưa xe cơ giới nước ngoài vào Việt Nam du lịch đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam; tổ chức, cá nhân đưa xe ô tô có tay lái ở bên phải vào tham gia giao thông tại Việt Nam không phải mục đích du lịch

BỘ CÔNG AN
CỤC CẢNH SÁT GIAO THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ………
Về việc …..(1)…..

……., ngày … tháng … năm ……

 

Kính gửi: ........................(2)..........................

Về việc tổ chức cho người nước ngoài đưa xe cơ giới nước ngoài vào Việt Nam du lịch hoặc tổ chức, cá nhân đưa xe ô tô có tay lái ở bên phải vào tham gia giao thông tại Việt Nam không phải mục đích du lịch theo ……………….(3)............, Cục Cảnh sát giao thông có ý kiến như sau:

1. ........................(4)………………. hoặc …………………..(5)……………………

2. Lý do không chấp thuận hoặc đình chỉ hoạt động: …………………….

3. Yêu cầu ............(2).......... chịu trách nhiệm thực hiện đúng nội dung tại văn bản này của Cục Cảnh sát giao thông./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- ….(6)….;
- ……..…;
- Lưu VT: …..

CỤC TRƯỞNG
(Ký tên, đóng dấu)

Ghi chú:

(1) Không chấp thuận hoặc đình chỉ hoạt động tổ chức cho người nước ngoài đưa xe cơ giới nước ngoài vào Việt Nam du lịch đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam; tổ chức, cá nhân đưa xe ô tô có tay lái ở bên phải vào tham gia giao thông tại Việt Nam không phải mục đích du lịch;

(2) Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam tổ chức cho người nước ngoài đưa xe cơ giới nước ngoài vào Việt Nam du lịch; tổ chức, cá nhân đưa xe ô tô có tay lái ở bên phải vào tham gia giao thông tại Việt Nam không phải mục đích du lịch;

(3) Văn bản đề nghị chấp thuận doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam tổ chức cho người nước ngoài đưa xe cơ giới nước ngoài vào Việt Nam du lịch, tổ chức, cá nhân đưa xe ô tô có tay lái ở bên phải vào tham gia giao thông tại Việt Nam không phải mục đích du lịch hoặc văn bản chấp thuận của Cục Cảnh sát giao thông cho người nước ngoài đưa xe cơ giới nước ngoài vào Việt Nam du lịch, tổ chức, cá nhân đưa xe ô tô có tay lái ở bên phải vào tham gia giao thông tại Việt Nam không phải mục đích du lịch;

(4) Không chấp thuận doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam tổ chức cho người nước ngoài đưa xe cơ giới nước ngoài vào Việt Nam du lịch hoặc tổ chức, cá nhân đưa xe ô tô có tay lái ở bên phải vào tham gia giao thông tại Việt Nam không phải mục đích du lịch;

(5) Đình chỉ hoạt động đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam hoặc tổ chức, cá nhân đưa xe ô tô có tay lái ở bên phải vào tham gia giao thông tại Việt Nam không phải mục đích du lịch đã có chấp thuận trước đó;

(6) Các đơn vị chức năng thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan.

 

Mẫu số 04d. Văn bản đề nghị thay đổi lộ trình, tuyến đường di chuyển hoặc thời gian người, phương tiện xuất cảnh chậm so với văn bản chấp thuận hoặc quá thời gian lưu trú tối đa tại Việt Nam

……..(1)……….
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ….(2)…..
Về việc …..(3)….

……., ngày … tháng … năm ……

 

Kính gửi: Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an.

Tên: .......................................................(1) ........................................................

- Địa chỉ: .............................................................................................................;

- Số điện thoại: ....................................... số fax/email: .......................................

Ngày ... tháng ... năm ...., Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an đã có văn bản số .......... chấp thuận việc tổ chức cho người nước ngoài đưa xe cơ giới nước ngoài vào Việt Nam du lịch hoặc tổ chức, cá nhân đưa xe ô tô có tay lái ở bên phải vào tham gia giao thông tại Việt Nam không phải mục đích du lịch.

Nay .....(1) .... đề nghị Cục Cảnh sát giao thông cho phép thay đổi nội dung đã được chấp thuận tại văn bản số: .... ngày ... tháng ... năm... của Cục Cảnh sát giao thông, như sau:

- Nội dung tại văn bản đã chấp thuận: .........................................................;

- Nội dung đề nghị thay đổi: .........................................................................;

- Lý do đề nghị: ......................................(4)...................................................;

……(1) .... cam kết sẽ thực hiện đúng các nội dung nêu trên và các quy định pháp luật có liên quan.

Đề nghị Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an xem xét, chấp thuận./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- ….(5)….;
- ……..…;
- Lưu: …..

DOANH NGHIỆP HOẶC
TỔ CHỨC, CÁ NHÂN
(Ký số hoặc ký ghi rõ họ tên, đóng dấu nếu là doanh nghiệp, tổ chức)

Ghi chú: Ghi tên tổ chức ban hành văn bản; số, ký hiệu của văn bản; tên loại và trích yếu nội dung văn bản nếu là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam hoặc tổ chức đưa xe ô tô có tay lái ở bên phải vào tham gia giao thông tại Việt Nam không phải mục đích du lịch;

(1) Tên doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam tổ chức cho người nước ngoài đưa xe cơ giới nước ngoài vào Việt Nam du lịch; tổ chức, cá nhân đưa xe ô tô có tay lái ở bên phải vào tham gia giao thông tại Việt Nam không phải mục đích du lịch;

(2) Số, ký hiệu văn bản của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam hoặc tổ chức đề nghị đưa xe ô tô có tay lái ở bên phải vào tham gia giao thông tại Việt Nam không phải mục đích du lịch;

(3) Đề nghị thay đổi lộ trình, tuyến đường di chuyển hoặc thời gian phương tiện xuất cảnh chậm so với văn bản chấp thuận hoặc quá thời gian lưu trú tối đa tại Việt Nam;

(4) Lý do thay đổi lộ trình, tuyến đường di chuyển hoặc thời gian phương tiện xuất cảnh chậm so với văn bản chấp thuận hoặc quá thời gian lưu trú tối đa tại Việt Nam, ghi rõ trường hợp người nước ngoài, xe cơ giới nước ngoài không thể ra khỏi lãnh thổ Việt Nam;

(5) Các đơn vị chức năng thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan.

 

Mẫu số 04đ. Văn bản chấp thuận hoặc không chấp thuận doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam tổ chức cho người nước ngoài đưa xe cơ giới nước ngoài vào Việt Nam du lịch; tổ chức, cá nhân đưa xe ô tô có tay lái ở bên phải vào tham gia giao thông tại Việt Nam không phải mục đích du lịch được thay đổi lộ trình, tuyến đường di chuyển, thời gian phương tiện xuất cảnh chậm so với văn bản chấp thuận hoặc quá thời gian lưu trú tối đa tại Việt Nam

BỘ CÔNG AN
CỤC CẢNH SÁT GIAO THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ………
Về việc …..(1)…..

……., ngày … tháng … năm ……

 

Kính gửi: ..................................(2)…………………………….

Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an nhận được văn bản số ............ của .........(2)…………….. về việc đề nghị cho phép thay đổi nội dung đã được chấp thuận tại văn bản số: ............. ngày ... tháng ... năm ... của Cục Cảnh sát giao thông, về vấn đề này, Cục Cảnh sát giao thông có ý kiến như sau:

1. Chấp thuận hoặc không chấp thuận việc..............................(2)…………………… được thay đổi nội dung đề nghị so với văn bản số: ............... ngày ........... tháng ........ năm ........ của Cục Cảnh sát giao thông, cụ thể như sau:

- Nội dung tại văn bản đã chấp thuận: .........................................................;

- Nội dung đề nghị thay đổi: .........................................................................;

- Lý do (nếu không chấp thuận): ...................................................................;

2. Yêu cầu .............(2)............ chịu trách nhiệm thực hiện đúng các nội dung tại văn bản này của Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an và văn bản số ....................... của ...............(2)................./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- ….(3)….;
- ……..…;
- Lưu VT, …..

CỤC TRƯỞNG
(Ký tên, đóng dấu)

Ghi chú:

(1) Chấp thuận hoặc không chấp thuận đề nghị thay đổi lộ trình, tuyến đường di chuyển hoặc thời gian phương tiện xuất cảnh chậm so với văn bản chấp thuận hoặc quá thời gian lưu trú tối đa tại Việt Nam;

(2) Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam tổ chức cho người nước ngoài đưa xe cơ giới nước ngoài vào Việt Nam du lịch; tổ chức, cá nhân đưa xe ô tô có tay lái ở bên phải vào tham gia giao thông tại Việt Nam không phải mục đích du lịch;

(3) Các đơn vị chức năng thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan.

 

Mẫu số 04e. Báo cáo kết quả doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam tổ chức cho người nước ngoài đưa xe cơ giới nước ngoài vào Việt Nam du lịch hoặc tổ chức, cá nhân đưa xe ô tô có tay lái ở bên phải vào tham gia giao thông tại Việt Nam không phải mục đích du lịch

……..(1)……….
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ….(2)…..

……., ngày … tháng … năm ……

 

BÁO CÁO KẾT QUẢ

Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam tổ chức cho người nước ngoài đưa xe cơ giới nước ngoài vào Việt Nam du lịch hoặc tổ chức, cá nhân đưa xe ô tô có tay lái ở bên phải vào tham gia giao thông tại Việt Nam không phải mục đích du lịch

Kính gửi: Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an

Ngày ..... tháng ...... năm ...., ........ (1) ......... đã được Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an chấp thuận tổ chức cho người nước ngoài đưa xe cơ giới nước ngoài tham gia giao thông tại Việt Nam tại văn bản số: .............................

................(1).................. báo cáo kết quả tổ chức cho người nước ngoài đưa xe cơ giới nước ngoài tham gia giao thông tại Việt Nam như sau:

1. Số lượng phương tiện: ...........................................................................;

2. Số lượng người điều khiển phương tiện: ..............................................;

3. Cửa khẩu nhập cảnh: ............................................................................;

4. Cửa khẩu xuất cảnh: .............................................................................;

5. Ngày nhập cảnh: ...................................................................................;

6. Ngày xuất cảnh: ....................................................................................

7. Kết quả thực hiện bảo đảm an toàn cho đoàn:

- Việc bố trí người, phương tiện sử dụng hướng dẫn giao thông, hướng dẫn pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ cho người nước ngoài tham gia giao thông tại Việt Nam;

- Việc bảo đảm người nước ngoài thực hiện đúng quy định về an ninh, trật tự, an toàn giao thông và các quy định khác có liên quan của pháp luật Việt Nam;

- Việc thực hiện nghiêm việc phòng, chống các dịch bệnh theo quy định nơi đoàn đến, đi qua;

- Kết quả giải quyết sự cố (nếu có):......................................

8. Đề xuất, kiến nghị (nếu có)./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- ….(3)….;
- ……..…;
- Lưu: …..

DOANH NGHIỆP HOẶC
TỔ CHỨC, CÁ NHÂN
(Ký số hoặc ký ghi rõ họ tên, đóng dấu nếu là doanh nghiệp, tổ chức)

Ghi chú: Ghi tên tổ chức ban hành văn bản; số, ký hiệu của văn bản; tên loại và trích yếu nội dung văn bản nếu là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam hoặc tổ chức đưa xe ô tô có tay lái ở bên phải vào tham gia giao thông tại Việt Nam không phải mục đích du lịch;

(1) Tên doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam tổ chức cho người nước ngoài đưa xe cơ giới nước ngoài vào Việt Nam du lịch, tổ chức, cá nhân đưa xe ô tô có tay lái ở bên phải vào tham gia giao thông tại Việt Nam không phải mục đích du lịch;

(2) Số, ký hiệu văn bản của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Việt Nam hoặc tổ chức đề nghị đưa xe ô tô có tay lái ở bên phải vào tham gia giao thông tại Việt Nam không phải mục đích du lịch;

(3) Các đơn vị chức năng thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị định 151/2024/NĐ-CP ngày 15/11/2024 hướng dẫn Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


8.935

DMCA.com Protection Status
IP: 18.227.105.110
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!