Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 1676/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu: 1676/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Trần Hồng Hà
Ngày ban hành: 25/12/2023 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1676/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 25 tháng 12 năm 2023

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỈNH SƠN LA THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 15 tháng 6 năm 2018; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10 tháng 02 tháng 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chấp lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09 tháng 01 năm 2023 của Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch; Nghị định số 58/2023/NĐ-CP ngày 12 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch;

Căn cứ Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 61/20222/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chấp lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030;

Căn cứ Quyết định số 624/QĐ-TTg ngày 08 tháng 05 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Báo cáo thẩm định số 6911/BC-HĐTĐ ngày 24 tháng 8 năm 2023 của Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh về hồ sơ Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La tại Tờ trình số 218/TTr-UBND ngày 11 tháng 12 năm 2023 về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 9111/BKHĐT-QLQH ngày 01 tháng 11 năm 2023 về việc tổng hợp ý kiến rà soát hồ sơ Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với những nội dung sau:

I. PHẠM VI, RANH GIỚI QUY HOẠCH

1. Phạm vi

Phạm vi quy hoạch bao gồm toàn bộ lãnh thổ tỉnh Sơn La với 12 đơn vị hành chính cấp huyện: Thành phố Sơn La và 11 huyện (Vân Hồ, Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Mường La, Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Sông Mã, Sốp Cộp, Phù Yên và Bắc Yên).

2. Ranh giới lập quy hoạch

Ranh giới tọa độ địa lý từ 20º39’ đến 22º02’ vĩ độ Bắc; từ 103º11’ đến 105º02’ kinh độ Đông.

- Phía Bắc và Tây Bắc giáp tỉnh Yên Bái, tỉnh Lai Châu;

- Phía Đông giáp tỉnh Phú Thọ, tỉnh Hòa Bình;

- Phía Tây giáp tỉnh Điện Biên;

- Phía Nam giáp tỉnh Thanh Hóa và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

II. QUAN ĐIỂM, TẦM NHÌN, MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN; CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM; ĐỘT PHÁ PHÁT TRIỂN

1. Quan điểm phát triển

a) Phát triển tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng của các quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi phía Bắc.

b) Phát triển kinh tế theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, toàn diện, nhanh và bền vững; chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng với công nghiệp năng lượng, khai khoáng, chế biến, chế tạo là nền tảng, các ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn, giá trị gia tăng cao và du lịch là mũi nhọn đột phá.

c) Phát triển xã hội văn minh, thân thiện trên cơ sở đảm bảo các chỉ tiêu và kết cấu hạ tầng xã hội; trong đó sắp xếp lại hệ thống đô thị, các điểm dân cư nông thôn trên cơ sở ưu tiên phát triển các đô thị lớn có sức hút lớn, có nhiều việc làm và dịch vụ xã hội, gắn với các khu, điểm kinh tế chuyên ngành, tạo lực kéo đẩy mạnh, nhằm đẩy nhanh tốc độ và mức độ đô thị hóa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đô thị; sắp xếp và bảo tồn hệ thống các điểm dân cư nông thôn theo hướng nông thôn mới và đề cao sắc thái dân tộc; bảo tồn di sản văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với xóa đói giảm nghèo.

d) Tổ chức không gian chiến lược cho các hoạt động kinh tế - xã hội gắn với các định hướng phát triển quan trọng đã được xác lập, đồng thời đề xuất các yếu tố mới trên cơ sở phát triển kinh tế - xã hội toàn diện trong mối quan hệ mật thiết với các vùng xung quanh trong sự phân công hợp tác cùng có lợi. Trong đó cần làm rõ sự gắn kết với sự phát triển kinh tế - xã hội của các vùng chức năng với các hành lang kinh tế của tỉnh, vùng nhằm thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng; tạo đột phá phát huy các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh từng địa phương của tỉnh, gắn kết với vùng trung du và miền núi phía Bắc; tập trung đầu tư phát triển và quản lý đô thị theo hướng xanh, thông minh, tiết kiệm tài nguyên năng lượng và bản sắc rõ ràng …nhằm đảm bảo các nguyên tắc: Gần tương ứng, cân đối lãnh thổ, kết hợp các chuyên ngành theo lãnh thổ, có tập trung có phân tán, phù hợp với môi trường và quốc phòng, an ninh nhằm đảm bảo phát triển ổn định và bền vững.

đ) Phát triển kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng gắn với bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên thiên nhiên, khai thác và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên, giữ vững cân bằng sinh thái; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu hướng tới một nền kinh tế xanh, tuần hoàn và thân thiện với môi trường. Khai thác sử dụng tổng hợp tài nguyên nước, tiết kiệm, hiệu quả, kết hợp hài hòa lợi ích và đảm bảo công bằng, hợp lý; phù hợp với khả năng nguồn nước, tôn trọng quy luật tự nhiên với điều kiện thực tế, không gây suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.

e) Gắn phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tăng cường quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường quan hệ hữu nghị, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại. Tăng cường liên kết phát triển hợp tác với các tỉnh, thành phố, các vùng trong nước, khu vực và quốc tế.

2. Mục tiêu phát triển đến năm 2030

a) Mục tiêu tổng quát

- Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Sơn La trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và công bằng. Phấn đấu đưa tỉnh trở thành một trong những tỉnh phát triển khá của vùng trung du và miền núi phía Bắc, là trung tâm của tiểu vùng Tây Bắc; trọng điểm du lịch của vùng biên giới Việt Nam - Lào và vùng trung du miền núi phía Bắc; trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp của vùng trung du miền núi phía Bắc. Kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế - xã hội lớn của vùng, cả nước, khu vực quốc tế thuộc tiểu vùng Mê Công, các nước láng giềng và ASEAN. Tăng cường công tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại; bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, góp phần phát triển vùng và đất nước.

- Phát triển Sơn La tiếp tục trở thành tỉnh phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, bao gồm: Công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, đô thị và nông thôn. Trong đó, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử; đô thị thông minh và nông thôn mới giàu bản sắc là trọng tâm; công nghiệp hướng xanh và hệ thống đô thị có quy mô lớn là mối quan tâm hàng đầu. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; có mối quan hệ liên kết phát triển mật thiết với các tỉnh lân cận trong vùng và cả nước; bền vững về môi trường sinh thái, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

b) Mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030

- Về kinh tế:

+ Tốc độ tăng trưởng bình quân cả giai đoạn 2021-2030 đạt trên 8%.

+ Cơ cấu kinh tế giai đoạn 2021-2025: Ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản khoảng 20-21%, công nghiệp - xây dựng khoảng 30-31% và dịch vụ khoảng 40-41%. Cơ cấu kinh tế giai đoạn 2026-2030: Ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản khoảng 17-18%, công nghiệp - xây dựng khoảng 32-33% và dịch vụ khoảng 43-44%.

+ GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt trên 60 triệu đồng/người, đến năm 2030 đạt khoảng 100 -120 triệu đồng/người.

+ Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đến năm 2025 đạt trên 6.250 tỷ đồng và đến năm 2030 đạt trên 8.000 tỷ đồng.

+ Tổng vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2021-2025 đạt trên 120.000 tỷ đồng và giai đoạn 2026-2030 đạt trên 150.000 tỷ đồng.

+ Kinh tế số đến năm 2025 đạt khoảng 10-15% GRDP và đến năm 2030 đạt 20-30% GRDP.

+ Tỷ lệ đô thị hoá trên địa bàn toàn tỉnh đến năm 2025 đạt khoảng 20,6% và đến năm 2030 đạt khoảng 25,8%.

- Về văn hóa - xã hội:

+ Chỉ số phát triển con người (HDI) đạt 0,7.

+ Tuổi thọ trung bình người dân đạt trên 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe đạt trên 68 năm.

+ Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm trung bình 2-3%/năm.

+ Tối thiểu 80,8% xã đạt chuẩn nông thôn mới; tiếp tục duy trì thành phố Sơn La hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, ít nhất có 03 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2030.

+ Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 đạt trên 60%, đến năm 2030 đạt trên 70%. Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đến năm 2025 đạt khoảng 30%, đến năm 2030 đạt trên 40%.

+ Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đến năm 2025: Mầm non đạt 70%, tiểu học đạt 72%, trung học cơ sở đạt 76%, trung học phổ thông đạt 88%; đến năm 2030: Mầm non đạt 80%, tiểu học đạt 82%, trung học cơ sở đạt 86%, trung học phổ thông đạt 98%.

+ Số bác sỹ/10.000 dân đến năm 2025 đạt 9 bác sỹ và đến năm 2030 đạt 9,5 bác sỹ; Số giường bệnh/10.000 dân đến năm 2025 đạt 31 giường bệnh và đến năm 2030 đạt 32 giường bệnh.

+ Tỷ lệ xã, phường, thị trấn và bản, tiểu khu, tổ dân phố có nhà văn hóa đến năm 2025 đạt 100%; phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ nhà văn hoá đạt chuẩn theo quy định đạt khoảng 60%. Xây dựng các công trình văn hóa, thể thao đạt chuẩn quốc gia và quốc tế tại các huyện, thị xã, thành phố phát triển du lịch đảm bảo đáp ứng điều kiện tổ chức các sự kiện văn hóa thể thao và du lịch quốc tế.

+ Tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch đến năm 2025 đạt trên 94%; đến năm 2030 đạt trên 96%.

+ Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn đến năm 2025 đạt khoảng 50%, đến năm 2030 đạt khoảng 60%.

- Về môi trường:

+ Tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2025 đạt 48,5% và đến năm 2030 đạt ổn định 50%.

+ Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom xử lý đạt 98%.

+ Chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom xử lý đạt 93%.

+ Chất thải nguy hại được thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định đạt trên 98%.

+ Chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ chôn lấp trực tiếp trên tổng lượng chất thải được thu gom dưới 50%.

+ Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định đạt trên 50% đối với đô thị loại II trở lên; trên 20% đối với đô thị còn lại.

+ Tỷ lệ khu công nghiệp, cụm công nghiệp đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường đạt 100%.

- Về quốc phòng, an ninh:

+ Bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới; bảo đảm trật tự an toàn xã hội, tiếp tục củng cố vững chắc khu vực phòng thủ tỉnh, xây dựng toàn diện thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận biên phòng toàn dân. Kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng và bảo đảm an ninh. Tăng cường công tác đối ngoại biên phòng, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

+ Xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện, nâng cao chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Phấn đấu đến năm 2030, 100% xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, trường học đạt tiêu chuẩn không có ma túy; 100% cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, khu dân cư xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh trật tự”.

c) Tầm nhìn đến năm 2050

Đến năm 2050, Sơn La là một cực phát triển quan trọng của vùng Tây Bắc; có hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ và hiện đại; nền tảng kinh tế có đủ sức cạnh tranh với các tỉnh khác trong khu vực và cả nước. Hệ thống đô thị phát triển có trọng điểm với định hướng hình thành các đô thị lớn gắn với các đường vành đai xanh đô thị, làm đầu kéo cho phát triển kinh tế - xã hội, cân đối lãnh thổ trên cơ sở khai thác các lợi thế của các vùng núi cao, vùng lòng hồ sông Đà và cao nguyên Mộc Châu vào mục đích phát triển nông nghiệp và du lịch. Nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững và công bằng; tăng trưởng với nhịp độ tăng dần đều; đáp ứng các chỉ tiêu xã hội ngày càng tốt hơn; sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực tăng trưởng; có không gian sản xuất và sinh hoạt xã hội hướng xanh, thích nghi với biến đổi khí hậu; có môi trường đầu tư năng động; an ninh chính trị, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

3. Các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển

a) Các nhiệm vụ trọng tâm

- Nâng cao hiệu quả tận dụng các cam kết kinh tế quốc tế, trong đó có hợp tác FTA. Đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn đầu tư, viện trợ phát triển chính thức, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và các nguồn đầu tư khác kết hợp với nội lực của địa phương.

- Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường giao thông huyết mạch quan trọng kết nối trung tâm vùng, trọng điểm như: Dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc CT03 (Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên), dự án cảng hàng không Nà Sản…; phát triển các kho tàng, bến bãi, bến thủy,… nhằm gia tăng năng lực vận tải, giao thương hàng hóa và dịch vụ.

- Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư để thu hút đầu tư vào Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu; khu du lịch lòng hồ thuỷ điện Sơn La; khu công nghiệp Mai Sơn, khu công nghiệp Vân Hồ và các khu, cụm kinh tế chuyên ngành khác; trong đó tập trung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mộc Châu với nhiều sản phẩm du lịch độc đáo tạo sức thu hút khách trong nước và quốc tế; nghiên cứu thành lập hai khu kinh tế Lóng Sập và Chiềng Khương. Tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến sâu gắn với xây dựng thương hiệu, khai thác tốt thế mạnh về năng lượng tái tạo. Tiếp tục hình thành và phát triển các khu du lịch, đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, thể dục thể thao, giáo dục đào tạo, dịch vụ khác… nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư xã hội và tạo lập động lực phát triển.

- Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đẩy mạnh liên kết; tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với đẩy mạnh thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Ổn định dân cư, tăng cường bảo tồn và phát huy giá trị sinh thái rừng, bảo vệ vốn rừng, xã hội hóa nghề rừng.

- Đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ giáo dục, văn hóa, y tế và chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn lao động chất lượng cao. Thúc đẩy phát triển, ứng dụng tiến bộ khoa học và đổi mới công nghệ vào các ngành, lĩnh vực trọng tâm để tạo ra sự bứt phá của một số công nghệ cao có tác động tích cực đến sức cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.

- Hoàn thiện hệ thống hạ tầng các đô thị theo hướng hình thành các đô thị lớn, có mối liên kết chặt chẽ với nhau nhằm đẩy mạnh đô thị hóa. Đầu tư phát triển các đô thị trọng điểm như: Thành phố Sơn La trở thành đô thị xanh, đô thị thông minh và hướng tới đạt các tiêu chí đô thị loại I sau năm 2030; thành lập thị xã Mộc Châu đạt tiêu chí đô thị loại IV vào năm 2025. Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với đô thị hóa nông thôn và các chương trình giảm nghèo, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường bản sắc, hình ảnh, thương hiệu đặc thù của các khu vực dân cư gắn với các dân tộc trong tỉnh.

- Tăng cường kiểm soát các khu vực cần bảo tồn, khu vực nhạy cảm về môi trường, ngăn ngừa các hiểm họa thiên tai và các thảm họa khác do con người gây ra.

- Tăng cường cải cách hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ tốt phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị và nông thôn.

b) Đột phá phát triển

- Đột phá ở các ngành, lĩnh vực kinh tế:

+ Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với công nghiệp chế biến.

+ Đẩy mạnh phát triển du lịch với nhiều loại hình, sản phẩm dịch vụ với trọng tâm là du lịch sinh thái, nông nghiệp; du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh; du lịch cộng đồng; du lịch chuyên đề khác (ẩm thực, thể thao, trang phục, festival..). Tập trung phát triển hạ tầng Khu du lịch quốc gia Mộc Châu.

+ Phát triển kinh tế đô thị - công nghiệp - dịch vụ dựa trên tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại các khu vực trọng điểm (đô thị, các khu, cụm công nghiệp - đô thị - dịch vụ).

- Phát triển các chuỗi sản phẩm chủ lực của tỉnh trong liên kết vùng, bao gồm:

+ Chuỗi giá trị ngành hàng nông, lâm nghiệp, thủy sản chủ lực gắn với công nghiệp chế biến: (i) sản phẩm cây công nghiệp (cà phê, chè, mía đường, mắc ca); (ii) sản phẩm rau, củ, quả gắn với công nghiệp chế biến; (iii) sản phẩm chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; (iv) sản phẩm dược liệu, dược phẩm.

+ Chuỗi giá trị năng lượng tái tạo: Thủy điện, năng lượng gió và mặt trời.

+ Chuỗi giá trị ngành hàng khai khoáng: (i) Nhóm khoáng sản kim loại; (ii) nhóm khoáng chất công nghiệp; (iii) nhóm khoáng sản nhiên liệu.

- Đột phá về không gian lãnh thổ:

+ Phát triển 02 trung tâm đô thị: (i) vùng đô thị trung tâm tỉnh (thành phố Sơn La - Hát Lót); (ii) trung tâm đô thị phía Đông Nam (Mộc Châu - Vân Hồ).

+ Phát triển 03 hành lang kinh tế động lực chủ đạo: (i) hành lang quốc lộ 6 và cao tốc Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên; (ii) hành lang quốc lộ 279D - quốc lộ 4G; (iii) hành lang quốc lộ 43.

- Đột phá các nền tảng phát triển khác:

+ Nguồn lực dân số, lao động và văn hóa: Đào tạo và sát hạch cấp chứng chỉ cho lao động; cung cấp một hệ thống chăm sóc sức khỏe hiệu quả hơn; phát huy giá trị văn hóa toàn diện theo hướng văn minh, giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc.

+ Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tái cơ cấu nền kinh tế và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương. Quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh và phát triển các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, thực hiện hiệu quả, toàn diện các mục tiêu chuyển đổi số trên cả ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, trọng tâm là nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).

+ Cơ sở hạ tầng đồng bộ: Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, trong đó đảm bảo các khu công nghiệp, đô thị, vùng nông nghiệp và nông thôn có đủ các thiết chế về văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục.... Xây dựng hạ tầng phòng chống thiên tai, xử lý chất thải và nước thải; nâng cấp hạ tầng thông tin viễn thông đáp ứng yêu cầu phát triển.

+ Đổi mới và hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, lãnh đạo và điều hành theo hướng: Tăng cường vai trò kiến tạo của các cơ quan quản lý nhà nước; cải thiện mạnh mẽ chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cải thiện môi trường đầu tư; thu hút đầu tư và thu hút nhân tài.

III. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC QUAN TRỌNG, PHƯƠNG ÁN TỒ CHỨC HOẠT ĐỘNG KINH TẾ - XÃ HỘI

1. Phương hướng phát triển ngành quan trọng

a) Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản

- Mục tiêu phát triển: Xây dựng ngành theo hướng nền kinh tế nông nghiệp sản xuất hàng hóa có giá trị cao, hiện đại, bền vững; tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng có tiềm năng, lợi thế, có sản lượng lớn; gắn kết với các ngành khác nhằm tạo lập sự hỗ trợ lẫn nhau về cung ứng và tiêu thụ sản phẩm, máy móc, vật tư...; gắn với phát triển nông thôn nhằm nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế của nông dân, tạo nhiều việc làm, giảm nghèo bền vững. Phấn đấu tăng trưởng ngành giai đoạn 2021 - 2025 đạt khoảng 5,5 - 6,5%; giai đoạn 2026 - 2030 đạt khoảng 3,5 - 4,5%.

- Phương hướng phát triển:

+ Về phương thức, kỹ thuật canh tác: Phát triển nông lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển canh tác nông nghiệp hữu cơ; phát triển nông nghiệp tuần hoàn.

+ Về lĩnh vực trồng trọt: Phát triển nông sản thế mạnh, tham gia vào chuỗi giá trị nông nghiệp quốc gia như: Cà phê, chè, mía đường, mắc ca, cây ăn quả, rau, dược liệu; phát triển nhóm sản phẩm tham gia vào chuỗi giá trị nông nghiệp phục vụ tại chỗ như: Cây thực phẩm (rau, củ, quả, hoa, nấm...), cây lương thực (lúa gạo, ngô, khoai, sắn...), cây ăn quả khác phục vụ tiêu dùng tại chỗ hoặc làm thức ăn cho chăn nuôi gia cầm, gia súc, đại gia súc, nuôi trồng thủy sản…; phát triển nhóm sản phẩm khác.

+ Về lĩnh vực chăn nuôi: Phát triển nhân giống vật nuôi cho các đàn gia súc, gia cầm trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao; phát triển đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung gắn với công nghiệp chế biến và tiêu thụ, xuất khẩu trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế của địa phương; phát triển chăn nuôi theo vùng kinh tế, phát triển chăn nuôi đại gia súc tại các xã khu vực III và bản đặc biệt khó khăn phù hợp với đặc điểm và lợi thế của địa phương; phát triển công nghiệp chế biến từ sản phẩm chăn nuôi; phát triển dịch vụ hỗ trợ ngành chăn nuôi; phát triển chăn nuôi với việc thực hiện 04 đề án về quy trình tuần hoàn cho phát triển lĩnh vực chăn nuôi theo chiến lược chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

+ Về lĩnh vực lâm nghiệp: Tập trung phát triển trồng rừng sản xuất; cải thiện sinh kế cho cộng đồng các dân tộc thiểu số và những đối tượng khác được hưởng lợi thông qua phí dịch vụ môi trường rừng; tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách đầu tư bảo vệ, phát triển rừng, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững; phát triển 3 loại rừng toàn diện cả về kinh tế, xã hội và môi trường; đảm bảo quản lý tốt vốn rừng hiện có, duy trì ổn định mức tăng độ che phủ rừng và nâng cao chất lượng phòng hộ đầu nguồn của rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và an ninh môi trường, nguồn sinh thủy cho các công trình thủy điện quốc gia trên sông Đà và các công trình thủy điện vừa và nhỏ; duy trì quản lý bảo vệ tốt diện tích rừng; cải thiện sinh kế của người làm nghề rừng thông qua xã hội hoá và đa dạng hoá các hoạt động lâm nghiệp; tạo công ăn việc làm, nâng cao nhận thức, năng lực và mức sống của người dân để từng bước tạo cho người dân có thu nhập đáng kể từ nghề rừng; gia tăng giá trị về môi trường từ hoạt động lâm nghiệp.

+ Về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản: Tăng cường củng cố, đầu tư xây dựng mới các cơ sở sản xuất giống thủy sản đảm bảo chất lượng và đủ giống đáp ứng nhu cầu sản xuất. Chủ động và ưu tiên phát triển giống các đối tượng nuôi chủ lực, giá trị kinh tế cao, các loài mới có tiềm năng và đa dạng sinh học. Khuyến khích phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, giảm giá thành sản xuất, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nâng cao năng lực quản lý và sản xuất nuôi trồng thủy sản theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong quản lý, sản xuất giống, vật tư thủy sản, phòng trừ dịch bệnh, nuôi trồng thủy sản. Nâng cao sản lượng và chất lượng thủy sản trên các hồ vừa và lớn, cũng như các thủy vực nhỏ khác theo hướng thủy sản nuôi trồng chất lượng cao, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

b) Ngành công nghiệp

- Mục tiêu phát triển: Tập trung ưu tiên thu hút đầu tư phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, làng nghề và thu hút các dự án sản xuất công nghiệp có lợi thế của từng địa phương, trọng tâm là phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm, dược liệu, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác và chế biến khoáng sản, công nghiệp sử dụng nhiều lao động, tiểu thủ công nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong sản xuất công nghiệp; giảm tỷ trọng thô, tăng tỷ trọng sản xuất chế biến sâu, công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, sản xuất theo công nghệ tuần hoàn, xanh, sạch, bền vững. Phấn đấu tăng trưởng ngành giai đoạn 2021-2030 đạt bình quân từ 11%/năm trở lên.

- Phương hướng phát triển:

+ Về công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản và dược liệu: Tập trung vào các ngành hàng có tiềm năng lợi thế về vùng nguyên liệu như chế biến chè, cà phê, mía đường, mắc ca, sắn, rau, quả, sữa, thịt, cá và dược liệu gắn với các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn của tỉnh và cả vùng trung du và miền núi phía Bắc, tiến tới hình thành các cụm ngành sản xuất chuyên môn hóa, đáp ứng tốt các quy định, tiêu chuẩn xuất khẩu. Khuyến khích phát triển mới, mở rộng quy mô các cơ sở chế biến rau, quả quy mô tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề với các sản phẩm đặc sản của địa phương, sản phẩm OCOP; khuyến khích phát triển hình thành, nâng cấp các cơ sở bảo quản, sơ chế, chế biến, chiết xuất dược phẩm, dược liệu trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố bảo đảm theo các tiêu chuẩn trong nước và tiêu chuẩn quốc tế gắn với các vùng trồng dược liệu tập trung, các dược liệu có lợi thế trên địa bàn như: Sa nhân, hồi, quế, hà thủ ô, sâm, xả, gừng, sơn tra,… Phát triển công nghiệp hỗ trợ, phụ trợ để thúc đẩy lĩnh vực đột phá trong nông nghiệp như chuỗi sản xuất và chế biến phân bón hữu cơ - sinh hóa phẩm an toàn phục vụ trồng trọt; chế biến thức ăn chăn nuôi theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp hiện đại.

+ Về công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng: Tiếp tục thực hiện dự án đã được cấp giấy phép khai thác, cấp phép thăm dò, khai thác (đối với các mỏ ở khu vực đã được khoanh định) và theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được duyệt; đảm bảo hiệu quả, bền vững, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Sử dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến, sử dụng hiệu quả tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu; thân thiện môi trường; sản phẩm có chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, có khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

+ Về công nghiệp năng lượng tái tạo: Triển khai thực hiện các dự án công nghiệp năng lượng tái tạo trên cơ sở đảm bảo phù hợp với Quy hoạch và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phát triển thêm một số dự án thủy điện nhỏ có tiềm năng, ít ảnh hưởng đến môi trường. Tận dụng các nguồn nguyên liệu từ gỗ trồng tại khu vực rừng sản xuất, phế phụ phẩm trong quá trình sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản, rác thải công nghiệp và rác thải sinh hoạt để phát triển các dự án điện sinh khối, điện từ chất thải rắn. Nghiên cứu đầu tư phát triển một số dự án điện gió trên cơ sở đảm bảo hiệu quả kinh tế - kỹ thuật, môi trường, phù hợp với khả năng truyền tải; nghiên cứu phát triển các dự án điện mặt trời trên lòng hồ thủy điện Sơn La, thủy điện Hòa Bình...; nghiên cứu, đánh giá tiềm năng phát triển một số thủy điện tích năng trên địa bàn các huyện Vân Hồ, Phù Yên và Bắc Yên.

c) Các ngành, lĩnh vực dịch vụ

- Về du lịch:

+ Mục tiêu phát triển: Phát triển du lịch theo hướng bền vững và đa dạng hóa sản phẩm, phấn đấu đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp 10%-13% GRDP của tỉnh; đón khoảng 12.200 nghìn lượt khách (trong đó khoảng 365 nghìn lượt khách quốc tế và 11.835 nghìn lượt khách nội địa); trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn của vùng trung du và miền núi phía Bắc, cả nước và quốc tế. Đẩy mạnh hình thành và xây dựng hạ tầng dịch vụ tại các khu du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và đồng bộ; thúc đẩy đào tạo nhân lực và chuyển đổi số trong ngành du lịch; phát triển du lịch thông minh vận hành hiệu quả trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại và nền tảng công nghệ số. Phát triển du lịch bền vững, hạn chế các tác động đến môi trường, hệ sinh thái, gắn với phát huy các giá trị văn hoá, tự nhiên đặc trưng của tỉnh Sơn La; tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển; góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh, an toàn xã hội và an ninh quốc phòng.

+ Phương hướng phát triển: Hoàn chỉnh 05 loại sản phẩm du lịch (du lịch sinh thái, nông nghiệp; du lịch văn hoá, lịch sử; du lịch cộng đồng; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí và sức khỏe; du lịch chuyên đề với hạ tầng đồng bộ, hiện đại). Tiếp tục kế thừa phát triển 03 trọng điểm về du lịch: Thành phố Sơn La và phụ cận; Khu du lịch quốc gia Mộc Châu gắn với vùng du lịch Mộc Châu và phụ cận; Khu du lịch quốc gia lòng hồ sông Đà. Phát triển các tuyến du lịch nội tỉnh, liên tỉnh và quốc tế. Phát triển các dịch vụ thiết yếu phục vụ du lịch: lữ hành, vận tải, lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí… và xúc tiến quảng bá du lịch; phát triển kinh tế ban đêm.

- Về thương mại:

+ Mục tiêu phát triển: Phấn đấu giai đoạn 2021-2030 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt tốc độ tăng bình quân từ 9,5-10,5 %/năm trở lên; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trao đổi qua các cơ sở bán lẻ hiện đại chiếm khoảng 15-20%; kim ngạch xuất khẩu đến năm 2030 đạt 400 triệu USD; doanh thu trao đổi qua thương mại điện tử chiếm khoảng 5-7%; trên 20-25% số doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực thương mại tham gia các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước.

+ Phương hướng phát triển: Phát triển thương mại trở thành cầu nối vững chắc giữa sản xuất với tiêu dùng, đóng vai trò quan trọng trong định hướng, dẫn dắt cho sản xuất phát triển theo tín hiệu của thị trường, từng bước phát triển thương mại ổn định và bền vững. Thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển hệ thống bán buôn, bán lẻ trên địa bàn; hiện đại hóa ngành thương mại, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư các loại hình dịch vụ phân phối chất lượng cao, quy mô lớn, hiện đại; phát triển các dịch vụ phụ trợ như bảo quản, lưu kho, sắp xếp và phân loại hàng hóa khối lượng lớn. Phát triển đa dạng phương thức và hình thức tổ chức, kinh doanh thương mại trong tỉnh. Phát triển các mặt hàng đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, các mặt hàng có lợi thế, tiềm năng của tỉnh. Phát triển thị trường thương mại điện tử. Hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại được hiện đại hóa trên phạm vi toàn tỉnh, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, phòng chống cháy nổ...

- Vận tải và logistic:

Quy hoạch 02 trung tâm logistics tại các khu vực: huyện Mộc Châu gắn với tuyến quốc lộ 6, đường bộ cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu; huyện Mai Sơn gắn với Khu công nghiệp Mai Sơn và Cảng hàng không Nà Sản. Tại các cửa ngõ, các huyện, thị xã, thành phố quy hoạch, bố trí ít nhất 01 cụm kho thương mại phục vụ cho việc dự trữ, tập kết, phân luồng hàng hóa.

- Dịch vụ tài chính - ngân hàng, bảo hiểm:

Phát triển dịch vụ tài chính - ngân hàng gắn với hội nhập thị trường tài chính, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm gắn với thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0; khuyến khích các doanh nghiệp có đủ điều kiện phát hành cổ phiếu tham gia niêm yết trên thị trường chứng khoán tập trung và các công ty chứng khoán tăng quy mô, phạm vi hoạt động nghiệp vụ kinh doanh dịch vụ; nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

d) Phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực khác

- Giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp:

+ Xây dựng tỉnh Sơn La trở thành một trong những trung tâm giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của khu vực Tây Bắc và các tỉnh Bắc Lào.

+ Rà soát, sắp xếp, hoàn thiện và phát triển hệ thống giáo dục, đào tạo với nhiều phương thức, hướng tới đào tạo chất lượng cao, liên cấp, có hàm lượng ứng dụng công nghệ cao, thực hành cao, tiệm cận với yêu cầu quốc gia; đẩy mạnh chuyển đổi số, nhằm từng bước đạt được nền giáo dục thông minh.

+ Hoàn chỉnh hệ thống cơ sở vật chất, đẩy mạnh xã hội hóa trong giáo dục, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông và chất lượng của đội ngũ giáo viên. Từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên đủ số lượng, cơ cấu, đạt chuẩn về trình độ, năng lực, phẩm chất, đạo đức nhà giáo.

+ Phát triển giáo dục nghề nghiệp gắn kết chặt chẽ với quy hoạch, phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chú trọng xây dựng các ngành nghề đào tạo chất lượng cao, duy trì và phát triển các ngành nghề truyền thống của địa phương.

+ Đầu tư ngân sách nhà nước có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên dành quỹ đất và bố trí những địa điểm thuận tiện nhất cho xây dựng, mở rộng và phát triển các cơ sở giáo dục - đào tạo đến năm 2030 và các năm tiếp theo.

- Y tế:

Hoàn chỉnh và hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế; nâng cao chất lượng, vai trò và trách nhiệm của viên chức y tế; chuyển đổi số, ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh. Nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các bệnh viện, ưu tiên đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại, tiên tiến ở các bệnh viện tuyến tỉnh. Phấn đấu đến năm 2030 đáp ứng 32 giường/vạn dân (trong đó giường bệnh tư nhân đạt 15%); Hoàn chỉnh y tế công cộng gắn với trung tâm kiểm soát bệnh tật và y tế cơ sở; đảm bảo số bác sĩ/10.000 dân đạt 9,5 bác sĩ; 1,5 dược sĩ đại học/10.000 dân; 19 điều dưỡng/10.000 dân; 100% số trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sĩ làm việc; trên 95% số trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia.

- Văn hoá, thể thao:

Nâng cấp và hoàn chỉnh hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở từ cấp tỉnh đến huyện, xã; chuyển đổi số, xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đến năm 2030, hoàn chỉnh thiết chế văn hóa thể thao cấp tỉnh hiện có; 100% cấp huyện có trung tâm văn hoá thể thao; trên 80% dân số vùng sâu, vùng xa, biên giới và 80% các xã vùng dân tộc thiểu số được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa. Xây dựng các khu thi đấu thể thao đạt chuẩn quốc gia và quốc tế tại các huyện, thị xã, thành phố là trọng điểm phát triển du lịch.

Hình thành một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Sơn La; các bản truyền thống được bảo tồn và phát huy; phấn đấu 70% di tích được xếp hạng và phân cấp quản lý; 70% di tích được tu bổ, tôn tạo; 70% di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được xây dựng đề án, chương trình bảo vệ và phát huy giá trị.

- Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo:

Phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ với việc tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phát triển các ngành công nghệ ưu tiên như công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ chế biến y, dược. Phát triển tài sản trí tuệ gắn với chương trình “mỗi xã một sản phẩm”; đầu tư trang bị hệ thống chuẩn đo lường địa phương nhằm tăng cường công tác kiểm tra nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; nâng cao năng lực ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ trong nước và khu vực để phát triển các sản phẩm chủ lực có tính cạnh tranh cao của tỉnh. Phát triển thị trường khoa học và công nghệ, sàn giao dịch công nghệ; các hoạt động dịch vụ khoa học và công nghệ và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

- An sinh xã hội:

Thực hiện tốt chế độ, chính sách và huy động xã hội hóa nguồn lực chăm lo người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, chương trình, đề án, dự án về giảm nghèo, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, phòng, chống tệ nạn xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.

- Quốc phòng, an ninh:

Xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh toàn diện, có sức mạnh tổng hợp và trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, không để bị động, bất ngờ và xử lý kịp thời, hiệu quả mọi tình huống, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

2. Phương án tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội

- Tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội

Tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo mô hình tổ chức không gian phát triển “bốn vùng kinh tế, hai cực tăng trưởng, sáu hành lang phát triển”, trong đó:

+ Bốn vùng kinh tế gồm: (i) vùng đô thị và quốc lộ 6 gồm thành phố Sơn La, huyện Mai Sơn và huyện Thuận Châu, là vùng động lực chủ đạo của tỉnh với thành phố Sơn La là cực trung tâm của tỉnh; (ii) vùng cao nguyên Mộc Châu và phụ cận bao gồm huyện Mộc Châu, Vân Hồ và Yên Châu, là vùng động lực chủ đạo của tỉnh và được xác định là cực đối trọng phát triển với cực trung tâm thành phố Sơn La; (iii) vùng lòng hồ và lưu vực sông Đà bao gồm các huyện Quỳnh Nhai, Mường La, Bắc Yên, Phù Yên, là vùng động lực thứ cấp của tỉnh; các thị trấn Ít Ong, Quỳnh Nhai, Phù Yên, Bắc Yên và khu du lịch lòng hồ sông Đà được xác định là cực vệ tinh của tỉnh; (iv) vùng cao biên giới bao gồm huyện Sông Mã và Sốp Cộp, là vùng động lực thứ cấp của tỉnh; cực tăng trưởng của vùng là thị trấn Sông Mã, thị trấn Sốp Cộp và cửa khẩu Chiềng Khương là cực vệ tinh của tỉnh.

+ Phát triển hai cực tăng trưởng gồm: (i) vùng đô thị trung tâm tỉnh (thành phố Sơn La - Hát Lót) với thành phố Sơn La là hạt nhân và các đô thị đối trọng, vệ tinh, đô thị cửa ngõ như các thị trấn Hát Lót, Thuận Châu, Yên Châu, Ít Ong và Sông Mã; đây là cực có vị thế chủ đạo, đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh; (ii) trung tâm đô thị phía Đông Nam (đô thị Mộc Châu và thị trấn Vân Hồ) với hạt nhân là đô thị Mộc Châu (phạm vi toàn huyện) gắn với Khu du lịch quốc gia Mộc Châu và các vùng phụ cận; là trung tâm du lịch dịch vụ và có tiềm năng phát triển thành trung tâm du lịch lớn của vùng Tây Bắc với tính chất nông nghiệp - du lịch và hành chính - dịch vụ - công nghiệp.

+ Sáu hành lang phát triển, trong đó:

Phát triển 03 hành lang động lực chủ đạo: (i) hành lang quốc lộ 6 và cao tốc Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên đi qua địa bàn các huyện và thị trấn từ Mai Châu (tỉnh Hòa Bình) - thị trấn Vân Hồ, Mộc Châu - thị trấn Yên Châu - thị trấn Hát Lót - thành phố Sơn La - thị trấn Thuận Châu - thành phố Điện Biên (tỉnh Điện Biên), có vai trò kết nối tỉnh Sơn La với các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Hòa Bình, Điện Biên … là trục hành lang có vị trí đặc biệt quan trọng, có ảnh hưởng và đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; (ii) hành lang quốc lộ 279D và quốc lộ 4G đi qua các huyện và thị trấn từ Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) - thị trấn Ít Ong (Mường La) - thành phố Sơn La - thị trấn Sông Mã - thị trấn Sốp Cộp - Sầm Nưa (Lào), giúp kết nối thuận lợi phía Đông Bắc (tỉnh Yên Bái) và Tây Nam (Lào), có tiềm năng lớn về phát triển du lịch, năng lượng; (iii) hành lang quốc lộ 43 kết nối và đi qua các huyện và thị trấn từ Yên Lập (tỉnh Phú Thọ) - Phù Yên - Mộc Châu - Lóng Sập - Lào là hành lang kinh tế từ Khu kinh tế cửa khẩu Lóng Sập giao cắt với đường huyết mạch quốc gia (quốc lộ 6 và cao tốc Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên), thuận lợi về giao thương liên vùng quốc gia và quốc tế, là nơi có lợi thế phát triển thương mại, du lịch, công nghiệp chế biến và dịch vụ logistics.

Phát triển 03 hành lang động lực thứ cấp: (i) hành lang sông Đà đi qua các huyện và thị trấn từ Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình) - thị trấn Phù Yên - thị trấn Bắc Yên - thị trấn Mường La - thị trấn Quỳnh Nhai - thị trấn Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên); (ii) hành lang sông Mã đi qua các huyện và thị trấn từ cửa khẩu Chiềng Khương - thị trấn Sông Mã - thị trấn Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên); (iii) hành lang cao tốc (Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên) và quốc lộ 279 đi qua các huyện và thị trấn từ thành phố Điện Biên (tỉnh Điện Biên) - thị trấn Thuận Châu - Quỳnh Nhai - Mường La - Sơn La có vai trò kết nối các địa phương với tỉnh Điện Biên và tỉnh Sơn La.

- Xác định các khu vực hạn chế phát triển

Gồm 05 khu vực: (i) khu vực biên giới (274,065 km đường biên giới và 17 xã biên giới); (ii) khu dự trữ thiên nhiên, hành lang đa dạng sinh học; (iii) khu vực vùng lõi, vùng đệm các khu di tích lịch sử, di sản văn hóa; (iv) hành lang bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật; (v) các khu vực đặc thù khác thuộc quyền quản lý an ninh quốc phòng hoặc quy định đặc biệt thuộc danh mục bảo vệ bí mật của nhà nước.

- Xác định khu vực khuyến khích phát triển

Là những khu vực còn lại ngoài 05 khu vực hạn chế phát triển nêu trên, trong đó đặc biệt khuyến khích phát triển 02 vùng: Vùng đô thị và quốc lộ 6; vùng cao nguyên Mộc Châu và phụ cận là những vùng liên huyện mang tính động lực chủ đạo trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

IV. PHƯƠNG ÁN QUY HOẠCH HỆ THỐNG ĐÔ THỊ VÀ TỔ CHỨC LÃNH THỔ KHU VỰC NÔNG THÔN

1. Định hướng sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thời kỳ 2023 - 2030

Đến năm 2025: Thực hiện sắp xếp đối với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có đồng thời cả 02 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định; đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% quy định; đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% quy định.

Đến năm 2030: Thực hiện sắp xếp đối với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn lại có đồng thời cả 02 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% quy định; đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 200% quy định; đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 300% quy định.

Tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số của đơn vị hành chính thực hiện theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. Việc lập và thực hiện quy hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 ngoài tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số cần phải tính đến kết quả sắp xếp giai đoạn trước, đơn vị hành chính ổn định từ lâu, có vị trí biệt lập, có các yếu tố đặc thù và các đơn vị hành chính nông thôn đã được quy hoạch thành đơn vị hành chính đô thị.

Phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030 thực hiện theo phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Sơn La được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc xác định phạm vi, ranh giới địa lý cụ thể các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sẽ được thực hiện theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

2. Phương án quy hoạch hệ thống đô thị

- Định hướng đến năm 2025: Toàn tỉnh có 16 đô thị (01 đô thị loại II, 2 đô thị loại IV, 13 đô thị loại V), tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 20,6%. Phát triển các đô thị gắn với 04 vùng kinh tế của tỉnh, trong đó tập trung ưu tiên nguồn lực phát triển 02 trung tâm đô thị: Trung tâm đô thị của tỉnh (Thành phố Sơn La - Hát Lót) gắn với vùng đô thị và quốc lộ 6, Trung tâm đô thị phía Đông Nam (Mộc Châu - Vân Hồ) gắn với vùng cao nguyên Mộc Châu và phụ cận.

- Giai đoạn 2026 - 2030: Toàn tỉnh có 17 đô thị (01 đô thị loại II, 06 đô thị loại IV, 10 đô thị loại V). Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt khoảng 25,8%. Tiếp tục nâng cao chất lượng đô thị và phát triển gắn với 04 vùng kinh tế của tỉnh.

- Tầm nhìn đến năm 2050: Toàn tỉnh có 25 đô thị (01 đô thị loại I; 01 đô thị loại II; 05 đô thị loại III; 10 đô thị loại IV; 08 đô thị loại V); tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt khoảng 62,7%.

(Chi tiết tại phụ lục I)

- Đô thị trọng tâm: Thành phố Sơn La là đô thị tỉnh lỵ, trung tâm chính trị, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học kỹ thuật, thương mại, tài chính và là vùng kinh tế động lực của tỉnh; có vị trí chiến lược quan trọng về an ninh, quốc phòng và giá trị đặc biệt về kinh tế chính trị đối với khu vực.

Xây dựng và phát triển thành phố Sơn La trở thành cực tăng trưởng, hạt nhân quan trọng của vùng trung du và miền núi phía Bắc; là đô thị phát triển xanh, nhanh, thông minh, hiện đại, mang bản sắc văn hóa các dân tộc đặc thù tiểu vùng Tây Bắc; là một trong những trung tâm của tiểu vùng Tây Bắc về các chức năng: thương mại, y tế, giáo dục đào tạo, văn hóa, du lịch, thể dục thể thao, khoa học kỹ thuật... Phấn đấu thành phố Sơn La đạt đô thị loại I sau năm 2030.

3. Phương án tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn

Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La gắn với công tác xây dựng nông thôn mới, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quá trình đô thị hóa của tỉnh; phù hợp với điều kiện tự nhiên, sinh thái của từng vùng, địa phương trong tỉnh. Quy hoạch xây dựng các điểm dân cư nông thôn theo hướng tập trung, gắn với các vùng sản xuất nông, lâm ngư nghiệp chuyên ngành hoặc vùng nông nghiệp ngoại thành, ngoại thị. Phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng gắn với du lịch, tổ chức các lễ hội du lịch, các hoạt động du lịch kết hợp quảng bá những mặt hàng nông sản đặc trưng, tiêu biểu của địa phương.

Xây dựng nông thôn theo hướng cải tạo chỉnh trang các giá trị hiện hữu; đầu tư theo chiều sâu về hạ tầng dịch vụ kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo bộ tiêu chí nông thôn mới, trên cơ sở duy trì sự ổn định của hệ thống khu dân cư có sẵn, bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa xã, bản; sắp xếp lại các điểm dân cư trong khu vực có độ rủi ro thiên tai cao, nhất là sạt lở đất, lũ quét. Từng bước nâng cao chất lượng, môi trường sống nông thôn, đảm bảo yêu cầu phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đối với trung tâm xã, bản cần được đảm bảo không gian phù hợp cho sinh hoạt cộng đồng chung và bố trí đủ hạ tầng dịch vụ sản xuất và sinh hoạt. Đối với các điểm dân cư nông thôn cần được đầu tư hạ tầng kỹ thuật phù hợp với sản xuất và sinh hoạt; cải tạo nhà ở kiên cố và bền vững hướng bảo tồn sắc thái truyền thống. Các khu vực sản xuất cần bố trí tiện lợi với các điểm dân cư theo nguyên tắc “gần tương ứng” đảm bảo việc di chuyển, canh tác. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng sản xuất cần bố trí tiện ích cho việc sản xuất và đời sống của dân cư nông thôn, là động lực thúc đẩy phát triển trong vùng nông thôn. Phát triển nông thôn gắn với bảo vệ các giá trị văn hóa, cảnh quan và môi trường.

V. PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CÁC KHU CHỨC NĂNG

1. Phương án phát triển hệ thống khu kinh tế

- Giai đoạn 2021 - 2030 hình thành và phát triển 02 khu kinh tế cửa khẩu (Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lóng Sập và Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Chiềng Khương) theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, trở thành trung tâm thương mại - dịch vụ, trung tâm logistics của tỉnh với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi với các cơ chế chính sách khuyến khích và ưu đãi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bảo vệ chủ quyền và an ninh biên giới.

Quy hoạch khu kinh tế đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm theo hướng tiết kiệm và hiệu quả, tránh gây lãng phí nguồn lực, nhất là tài nguyên đất, tài nguyên rừng. Khu kinh tế cửa khẩu dự kiến được tổ chức thành các khu chức năng gồm: khu công nghiệp, khu du lịch, khu đô thị, khu dân cư và các khu chức năng khác phù hợp với quy định của pháp luật và đặc điểm của địa phương. Quy mô, vị trí từng khu chức năng sẽ được cụ thể hóa trong quy hoạch chung xây dựng và quy hoạch chi tiết khu kinh tế.

- Giai đoạn 2031 - 2050: Định hướng mở rộng phạm vi Khu kinh tế cửa khẩu Lóng Sập gồm các xã Lóng Sập, Chiềng Sơn, Chiềng Khừa huyện Mộc Châu và một phần xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ; Khu kinh tế cửa khẩu Chiềng Khương gồm xã Mường Cai, xã Mường Hung, xã Mường Sai, xã Chiềng Khương thuộc huyện Sông Mã để đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển của tỉnh, phù hợp với không gian kinh tế - xã hội, đồng thời đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa, giao thương kinh tế xã hội.

2. Phương án phát triển các khu công nghiệp

- Giai đoạn 2021 - 2030: Phát triển 02 khu công nghiệp, gồm khu công nghiệp Mai Sơn; khu công nghiệp Vân Hồ.

- Giai đoạn 2031 - 2050: Mở rộng diện tích khu công nghiệp Mai Sơn thêm 162 ha; bổ sung 03 khu công nghiệp mới gồm khu công nghiệp Yên Châu (huyện Yên Châu), khu công nghiệp Chiềng Khương (huyện Sông Mã), khu công nghiệp Lóng Sập (huyện Mộc Châu).

(Chi tiết tại phụ lục II)

3. Phương án phát triển các cụm công nghiệp

- Giai đoạn 2021- 2030: Tiếp tục duy trì và phát triển 02 cụm công nghiệp đang hoạt động (Mộc Châu, Gia Phù); bổ sung 13 cụm công nghiệp (Hoàng Văn Thụ, Tông Cọ, Mường Giàng, Chiềng Bằng, Lóng Luông, Sặp Vạt, Mường Bon, Cò Nòi, Huy Tân, Phiêng Ban, Nà Nghịu, Mường La, Tân Lang).

- Giai đoạn 2031 - 2050: Duy trì, khai thác có hiệu quả diện tích đất đã giao cho chủ đầu tư hạ tầng và các doanh nghiệp sản xuất quản lý, sử dụng. Phát triển thêm 06 cụm công nghiệp (Phổng Lái, Mường Chùm, Phiêng Khoài, Song Pe, Mường Và, Song Khủa).

(Chi tiết tại phụ lục III)

4. Phương án phát triển các vùng, khu sản xuất nông nghiệp tập trung

- Hình thành các khu vực sản xuất nông nghiệp tập trung tại các khu vực thuận lợi về điều kiện tự nhiên và hạ tầng tại từng địa bàn. Phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung phục vụ các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh Sơn La: Vùng trồng sắn, mía, rau các loại, cà phê, chè, vùng trồng cây ăn quả (nhãn, xoài, cây có múi, dứa...), vùng nuôi bò sữa, vùng chăn nuôi gia súc (trâu, bò thịt, lợn thịt), vùng chăn nuôi gia cầm (gà, thuỷ cầm).

- Xây dựng và hình thành 01 khu, 25 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

(Chi tiết tại phụ lục IV)

5. Phương án phát triển không gian du lịch

- Huyện Mộc Châu - Vân Hồ: Xây dựng và phát triển du lịch huyện Mộc Châu - Vân Hồ gắn với Khu du lịch quốc gia Mộc Châu.

- Thành phố Sơn La: Là không gian du lịch đô thị - di sản - nghỉ dưỡng, ẩm thực cuối tuần gắn với ưu thế về di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La.

- Huyện Yên Châu: Phát triển khu di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia đặc biệt Việt Nam - Lào với các điểm du lịch trên địa bàn.

- Huyện Quỳnh Nhai - Mường La: Xây dựng khu du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La là khu du lịch cấp tỉnh.

- Huyện Bắc Yên: Phát triển khu du lịch Tà Xùa và các vùng phụ cận là khu du lịch cấp tỉnh.

- Huyện Thuận Châu: Kế thừa và phát triển khu du lịch Đèo Pha Đin là khu du lịch cấp tỉnh.

- Huyện Mường La: Phát triển khu du lịch Ngọc Chiến là khu du lịch cấp tỉnh.

(Chi tiết tại phụ lục V)

6. Phương án phát triển khu nghiên cứu, đào tạo

Quy hoạch xây dựng khu nghiên cứu, đào tạo trên cơ sở định hướng phát triển tỉnh Sơn La là trung tâm giáo dục của vùng Tây Bắc, trong đó Trường đại học Tây Bắc là trọng điểm phát triển. Tập trung nguồn lực để xây dựng cơ sở vật của Trường đại học Tây Bắc và các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.

7. Phương án phát triển các khu bảo tồn; khu vực cần được bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh

Đối với các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh hiện hữu cần được trùng tu, tôn tạo, xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan trong khuôn viên từng di tích, tạo khoảng đệm an toàn bên ngoài để bảo vệ di tích theo quy định. Đối với các di tích lịch sử - văn hóa là phế tích cần nghiên cứu khôi phục lại ít nhất một phần di tích theo nguyên mẫu, di dời các vật cản, xây dựng hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ cảnh quan, tạo khoảng đệm an toàn bên ngoài để bảo vệ di tích theo quy định. Chú trọng việc bảo tồn các hòn núi, triền núi tự nhiên, giữ cấu trúc dáng vẻ, cảnh quan vốn có trong phạm vi bảo vệ di tích.

Triển khai công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi một số di tích đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh, ưu tiên các di tích xếp hạng quốc gia, trọng điểm cấp tỉnh; hoàn thiện hồ sơ nghiên cứu, khảo sát và công nhận xếp hạng các di tích trong danh mục kiểm kê (di tích chưa xếp hạng); đẩy mạnh công tác số hóa di sản.

8. Khu quân sự, an ninh

Việc bố trí, xây dựng các công trình quốc phòng, an ninh trên địa bàn được thực hiện theo các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành xây dựng trụ sở làm việc, sinh hoạt cho công an xã trên địa bàn tỉnh.

9. Phương án phát triển các khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn

Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề đối với các loại ngành hàng thủ công mỹ nghệ. Khuyến khích đầu tư xây dựng các khu chức năng, các khu cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Phát triển du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp, khai thác và giữ gìn tài nguyên thiên nhiên, khai thác và bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc.

Tập trung triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; nâng cao dân trí và thu nhập của dân cư; từng bước thu hẹp khoảng cách về mức sống ở khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn với các khu vực phát triển của tỉnh.

VI. PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG KỸ THUẬT

1. Phương án phát triển mạng lưới giao thông

a) Mạng đường bộ

- Các tuyến cao tốc, quốc lộ thực hiện theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đối với các đoạn tuyến quốc lộ đi qua khu vực đô thị, trường hợp cần thiết sẽ xây dựng hệ thống đường song hành để đảm bảo không làm ảnh hưởng đến năng lực thông hành của các quốc lộ.

- Đường tỉnh: Bao gồm 38 tuyến; đầu tư nâng cấp hệ thống đường tỉnh tối thiểu 15% đạt cấp IV, các tuyến còn lại đạt cấp V. Nâng cấp một số tuyến đường lên đường tỉnh, xây dựng mới một số tuyến đường tỉnh có tính chất đặc biệt quan trọng, có tính kết nối và có nhu cầu vận tải cao.

- Đường đô thị: Xây dựng hệ thống đường gom, đường trục chính đô thị theo quy hoạch được duyệt. Xây dựng tuyến đường vành đai thành phố Sơn La - thị trấn Mai Sơn có quy mô tối thiểu cấp IV-III.

(Chi tiết tại phụ lục VI)

b) Mạng đường thủy nội địa

Định hướng phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy đảm bảo tuân thủ theo Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; theo đó trên địa bàn tỉnh có 01 tuyến đường thủy nội địa quốc gia Sông Đà đạt cấp III.

Hệ thống cảng, bến thủy nội địa: Quy hoạch 203 cảng và bến thủy nội địa (bao gồm: 18 cảng; 67 bến hàng hóa, bến khách ngang sông; 118 bến khách ngang sông). Giai đoạn đến năm 2030 tập trung đầu tư nâng cấp cải tạo các cảng, bến thủy nội địa chính hiện có (cảng Bản Két, cảng Tà Hộc, cảng Vạn Yên; cảng Pá Uôn) và xây dựng các bến thủy nội địa mới.

c) Công trình hạ tầng giao thông khác

- Bến xe: Quy hoạch tổng số 74 bến xe khách các loại (trong đó: cải tạo, nâng cấp 11 bến xe khách hiện có và xây dựng mới thêm 63 bến xe khách).

- Hệ thống giao thông tĩnh: Thực hiện theo quy hoạch xây dựng đô thị và quy hoạch xây dựng nông thôn được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

d) Đường hàng không

- Cảng hàng không Nà Sản: Thực hiện theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; theo đó, Cảng hàng không Nà Sản là cảng hàng không nội địa cấp 4C (theo ICAO) và là sân bay quân sự cấp I. Công suất đến năm 2030 dự kiến là 1,0 triệu HK/năm, đến năm 2050 là 2,0 triệu HK/năm.

- Sân bay chuyên dùng Mộc Châu: Nghiên cứu xây dựng sân bay Mộc Châu theo hướng là sân bay chuyên dùng khi có đủ điều kiện, vị trí dự kiến ở xã Tân Lập, huyện Mộc Châu; phục vụ mục tiêu phát triển du lịch.

2. Phương án phát triển mạng lưới cấp điện

a) Phương án phát triển nguồn điện

Tiếp tục thực hiện các dự án đã được quy hoạch trong thời kỳ trước và các dự án trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của pháp luật về điện lực và quy định của pháp luật về đầu tư.

Nghiên cứu các nguồn điện tiềm năng về thủy điện, điện gió, điện sinh khối, điện đồng phát, điện rác, điện mặt trời, thủy điện tích năng, …phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh, tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước,… và các quy định khác có liên quan, báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép triển khai thực hiện khi đảm bảo yêu cầu.

b) Phương án phát triển lưới điện truyền tải, lưới điện phân phối

Tiếp tục xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo các trạm biến áp và đường dây truyền tải 500kV, 220kV và 110kV, các đường dây trung thế, hạ thế kết nối với các nguồn điện mới đáp ứng nhu cầu phụ tải, đặc biệt là tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị mới; từng bước ngầm hóa mạng lưới điện trung và hạ thế hiện có phù hợp với từng khu vực.

(Chi tiết tại phụ lục VII, VIII)

3. Phương án phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông

- Phát triển bưu chính trở thành hạ tầng thiết yếu của phát triển kinh tế - xã hội và của nền kinh tế số, đặc biệt là của thương mại điện tử; mở rộng hệ sinh thái dịch vụ, mở rộng không gian hoạt động mới; thúc đẩy phát triển Chính quyền số, xã hội số. Xây dựng Trung tâm bưu chính vùng tại Sơn La có tích hợp các giải pháp công nghệ hiện đại. Mạng bưu chính cấp tỉnh đảm bảo bán kính phục vụ bình quân của mạng bưu chính công cộng tối đa 3 km/điểm phục vụ; trang bị hệ thống hiện đại hóa mạng bưu chính KT1, bảo đảm an toàn, an ninh cho mạng bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước.

- Phát triển hạ tầng mạng băng rộng, hạ tầng cáp quang; hạ tầng mạng thông tin di động trên địa bàn tỉnh. Phổ cập điện thoại di động thông minh, tăng cường phối hợp, chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động. Duy trì phát triển mạng truyền số liệu chuyên dùng của tỉnh. Chuyển đổi IPv6 cho các hệ thống thông tin trên địa bàn tỉnh. Các công nghệ hiện đại như điện toán đám mây (Cloud Computing), kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (BigData), chuỗi khối (Blockchain)... được ứng dụng sâu rộng. Hoàn thành xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP).

- Xây dựng hoàn chỉnh cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh liên kết cổng dịch vụ công quốc gia; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Chính quyền điện tử. Xây dựng đô thị thông minh tỉnh Sơn La; xây dựng phát triển Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh. Triển khai, duy trì hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng (SOC) tỉnh kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu với Hệ thống giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Duy trì triển khai các hoạt động giám sát, đánh giá, bảo vệ, ứng cứu các hệ thống thông tin của tỉnh theo mô hình 04 lớp.

- Phát triển hạ tầng truyền dẫn, phát sóng phát thanh số, nâng cao chất lượng, mở rộng phạm vi phủ sóng theo công nghệ tương tự để bảo đảm thực hiện liên tục các nhiệm vụ chính trị. Triển khai các phương thức phát thanh, truyền hình intennet, các ứng dụng trên các thiết bị thông minh... Đảm bảo người dân trong tỉnh được thu, xem các kênh chương trình truyền hình thiết yếu phát sóng trên hạ tầng truyền hình số mặt đất và từ vệ tinh.

- Phát triển mạng lưới thông tin cơ sở và thông tin điện tử hiện đại, đồng bộ và thống nhất từ cấp tỉnh, cấp huyện đến xã, phường, thị trấn trong một hệ sinh thái thông tin đa ngành, đa lĩnh vực, tương tác và phản ánh nhanh nhạy trước những tác động của đời sống kinh tế - xã hội, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ đất nước.

- Phát triển các cơ quan báo chí của tỉnh theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số. Phát triển hoạt động xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đáp ứng nhu cầu về xuất bản phẩm của nhân dân. Thu hút các nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm theo quy định của pháp luật, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phát triển nền tảng xuất bản phẩm điện tử dùng chung; phát triển mạng lưới xuất bản phẩm trên cơ sở hạ tầng bưu chính, viễn thông.

- Đổi mới công tác thông tin đối ngoại theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, sát thực tiễn, phù hợp với nhu cầu trao đổi, tiếp cận thông tin của các đối tượng khác nhau; tiếp tục mở rộng việc sử dụng ngôn ngữ phổ biến và đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số trong công tác thông tin đối ngoại. Tăng cường hiệu quả đấu tranh, phản bác luận điệu sai trái, xuyên tạc, thù địch chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ.

4. Phương án phát triển mạng lưới thủy lợi, cấp nước

a) Phương án phát triển mạng lưới thủy lợi

Phát triển thuỷ lợi theo hướng hiện đại, chủ động cấp, thoát nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh và các ngành kinh tế khác, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm an ninh nguồn nước, lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh, bảo đảm an ninh lương thực và phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hoá, nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; phù hợp với phương án phân vùng, quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi, quy hoạch vùng, quy hoạch thủy lợi có liên quan.

Duy trì, cải tạo, nâng cấp hệ thống hiện hữu và xây dựng bổ sung cho các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung; nâng cấp bổ sung, mở rộng và làm mới công trình đầu mối theo 04 vùng kinh tế của tỉnh: (i) vùng đô thị và quốc lộ 6: xây mới, nâng cấp cải tạo sửa chữa 146 công trình thủy lợi; (ii) vùng cao nguyên Mộc Châu và phụ cận: xây mới, nâng cấp cải tạo sửa chữa 142 công trình thủy lợi; (iii) vùng lòng hồ và lưu vực Sông Đà: xây mới, nâng cấp cải tạo sửa chữa 208 công trình thủy lợi; (iv) vùng cao biên giới: xây mới, nâng cấp cải tạo sửa chữa 109 công trình thủy lợi.

b) Phương án phát triển hệ thống cấp nước

- Tổng nhu cầu cấp nước tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 356.155 m3/ngđ, trong đó: Tổng nhu cầu dùng nước sinh hoạt đô thị khoảng 77.934 m3/ngđ; tổng nhu cầu dùng nước công nghiệp khoảng 17.190 m3/ngđ; tổng nhu cầu dùng nước sinh hoạt nông thôn và khu vực ngoại thị của thành phố Sơn La khoảng 261.030 m3/ngđ.

- Nguồn nước: Nước mặt khoảng 8.649.030.000 m3; nước ngầm khoảng 3.980.445 m3.

- Phân vùng cấp nước và công trình đầu mối cấp nước:

+ Các khu vực thuận lợi về nguồn nước: Định hướng tiếp tục sử dụng nguồn nước từ các nhà máy nước hiện có; đầu tư mở rộng hoặc xây mới các nhà máy nước theo kế hoạch, quy hoạch phát triển cấp nước của địa phương.

+ Các khu vực ít thuận lợi về nguồn nước: Định hướng cải tạo, nâng cấp các nhà máy nước hiện có với giải pháp phù hợp; đối với nhu cầu phát triển cấp nước tăng thêm theo từng giai đoạn quy hoạch: đầu tư mở rộng mạng đường ống cấp nước và kết nối, sử dụng nguồn nước từ nhà máy nước quy mô vùng.

+ Các khu vực khó khăn về nguồn nước: Định hướng đầu tư mở rộng mạng lưới đường ống cấp nước và kết nối, sử dụng nguồn nước từ nhà máy nước quy mô vùng; đối với khu vực đô thị, khu vực dân cư nông thôn chưa kết nối được với nhà máy nước quy mô vùng: cải tạo nhà máy nước phân tán hiện hữu.

- Phát triển hạ tầng cấp nước:

+ Cấp nước đô thị: Mở rộng, nâng cấp các nhà máy nước hiện có; xây dựng mới cho các thị xã, thị trấn còn thiếu.

+ Cấp nước nông thôn: Bảo tồn các hệ thống đang có và xây mới hệ thống cấp nước tại các xã chưa có.

+ Cấp nước công nghiệp: Xây dựng hệ thống riêng hoặc đấu nối với các đô thị khi có điều kiện.

+ Mạng lưới cấp nước: Cải tạo, nâng cấp mạng lưới hiện có; xây mới những nơi còn thiếu; kết nối các nhà máy cấp nước dạng mạch vòng đến nơi sử dụng; hạn chế mạng hở.

- Cấp nước chữa cháy: Tận dụng các sông hồ, ao để cấp nước chữa cháy; có đường cho xe chữa cháy tới lấy nước. Dọc theo các đường phố phải bố trí các họng lấy nước chữa cháy (trụ nổi hoặc họng ngầm dưới mặt đất) đảm bảo khoảng cách quy định.

5. Phương án phát triển mạng lưới thoát nước, xử lý nước thải

a) Phương án bố trí mạng lưới thoát nước mưa

- Các khu đô thị mới: Xây dựng hệ thống thoát nước riêng nhằm tái sử dụng nước mưa, tiết kiệm trong đầu tư xử lý nước thải. Đối với đô thị cũ, cải tạo, xây dựng hệ thống thoát nước chung và chọn giải pháp hiệu quả, thích hợp.

- Khu vực ngoại thành, dân cư nông thôn: Sử dụng hệ thống thoát nước chung, nước thải sinh hoạt qua xử lý sơ bộ trước khi xả vào hệ thống thoát nước chung; trong dài hạn, xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải riêng biệt ở khu vực tập trung dân cư mật độ cao.

b) Phương án bố trí mạng lưới thoát nước thải

- Tổng lưu lượng nước thải đến năm 2030 ước tính khoảng 284.924 m3/ngđ, trong đó đô thị khoảng 62.348 m3/ngđ; công nghiệp khoảng 13.752 m3/ngđ; nông thôn khoảng 208.824 m3/ngđ.

- Phương án bố trí các khu xử lý nước thải: Khu vực đô thị, khu du lịch và các khu dịch vụ được xây dựng hệ thống thoát nước thải riêng, xử lý nước thải tập trung; các khu, cụm công nghiệp xây dựng hệ thống thoát nước thải riêng, mỗi khu, cụm có 2 cấp xử lý (xử lý cục bộ và xử lý thứ cấp); khu vực nông thôn xây dựng hệ thống thoát thải riêng, xử lý phân tán, sử dụng bể xử lý nước thải cho từng thôn.

- Định hướng về công nghệ xử lý: Áp dụng một số công nghệ sinh học xử lý tiên tiến, hiện đại.

6. Phương án phát triển các khu xử lý chất thải, nghĩa trang

a) Phương án phát triển các khu xử lý chất thải rắn

Xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng xử lý chất thải rắn bảo đảm xử lý toàn bộ chất thải phát sinh được thu gom, hướng đến việc xử lý chất thải rắn tập trung cấp tỉnh, liên huyện và vùng huyện. Chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn bằng phương pháp xử lý sinh học có thu hồi sinh khối hoặc đốt và hướng tới sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại đảm bảo các tiêu chí về môi trường, giảm thể tích chôn lấp; xử lý triệt để các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh gây ô nhiễm.

(Chi tiết tại phụ lục IX)

b) Phương án phát triển các khu nghĩa trang

Cải tạo, nâng cấp các nghĩa trang nhân dân, nghĩa trang hiện hữu có cơ sở hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan, môi trường phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật và định hướng phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; xây dựng mới nghĩa trang theo hướng công viên nghĩa trang văn minh, hiện đại, đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh, tín ngưỡng của Nhân dân; khuyến khích người dân sử dụng hỏa táng; quy hoạch nghĩa trang nhân dân thành phố Sơn La có lò hỏa táng, nghĩa trang nhân dân huyện Mộc Châu thành nghĩa trang liên huyện.

7. Phương án phát triển hạ tầng phòng cháy chữa cháy

- Bố trí mạng lưới trụ sở, doanh trại, công trình phục vụ phòng cháy chữa cháy với bán kính phục vụ tối đa là 03 km đối với khu vực trung tâm đô thị và 05 km đối với các khu vực khác.

Giai đoạn 2021 - 2030: Củng cố kiện toàn, nâng cao năng lực của 02 đội cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ hiện có thuộc Công an huyện Phù Yên, Mai Sơn; thành lập mới 10 đội cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ thuộc Công an huyện Yên Châu, Mộc Châu, Vân Hồ, Bắc Yên, Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Sông Mã, Sốp Cộp, Mường La và Thành phố Sơn La.

Giai đoạn 2031 - 2050: Phát triển 14 đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khu vực thuộc phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh.

- Hệ thống cấp nước phục vụ phòng cháy chữa cháy: 100% các khu đô thị, khu công nghiệp phải được quy hoạch hệ thống cấp nước chữa cháy và đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.

- Hệ thống giao thông phục vụ phòng cháy chữa cháy: Đảm bảo hệ thống hạ tầng giao thông kết nối thuận lợi giữa đơn vị phòng cháy chữa cháy với các khu dân cư, khu đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp…; đảm bảo theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn phòng cháy chữa cháy cho nhà và công trình.

- Hệ thống thông tin liên lạc phục vụ phòng cháy chữa cháy: Đầu tư lắp đặt các trung tâm thông tin liên lạc chỉ huy điều hành phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ của các cấp trên phạm vi toàn tỉnh. Xây dựng hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về phòng cháy chữa cháy, truyền tin báo sự cố và thống nhất áp dụng trên phạm vi toàn tỉnh. Ứng dụng Internet và các phần mềm mạng xã hội phục vụ nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy. Xây dựng đề án đầu tư hệ thống tiếp nhận xử lý thông tin đồng bộ với hệ thống chỉ huy điều hành chữa cháy và cứu nạn cứu hộ của tỉnh, kết nối với Cục cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Bộ Công an.

VII. PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG XÃ HỘI

1. Phương án phát triển mạng lưới cơ sở y tế

Đến năm 2030, toàn tỉnh có 38 cơ sở khám chữa bệnh các cấp, trong đó tiếp tục đầu tư, nâng cấp mở rộng quy mô 09 cơ sở bệnh viện tuyến tỉnh; duy trì 11 bệnh viện đa khoa huyện (hạng II) hiện có; quy hoạch mới Bệnh viện đa khoa thành phố Sơn La là bệnh viện hạng II (quy mô 150 giường), Bệnh viện đa khoa Vân Hồ (quy mô 150 giường). Duy trì, nâng cấp cơ sở hạ tầng các trung tâm y tế cấp huyện hiện có, xây dựng mới trụ sở làm việc các trung tâm y tế huyện Yên Châu, Phù Yên, Sông Mã; đảm bảo mỗi huyện, thị xã, thành phố có 01 trung tâm y tế trực thuộc. Cải tạo, nâng cấp 204 trạm y tế xã, phường, thị trấn hiện hữu; đảm bảo 100% các đơn vị hành chính cấp xã có ít nhất 01 trạm y tế. Hình thành và phát triển ít nhất 04 bệnh viện ngoài công lập. Nâng cấp trạm xá công an tỉnh lên bệnh viện hạng IV.

(Chi tiết tại phụ lục X)

2. Phương án phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo

Quy mô mạng lưới hệ thống hạ tầng giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông được bố trí đáp ứng nhu cầu của xã hội theo hướng khuyến khích, hỗ trợ việc thành lập trường ngoài công lập, ưu tiên ở các khu vực tập trung đông dân cư (đô thị, nông thôn, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế và khu vực đặc thù khác…). Đến năm 2030 có 238 trường mầm non, 262 trường trường tiểu học, 229 trường trung học cơ sở, 50 trường trung học phổ thông. Duy trì hệ thống 12 trường phổ thông dân tộc nội trú, đảm bảo mỗi huyện, thị xã, thành phố có 01 trường nội trú có cấp trung học phổ thông; 37 trường phổ thông dân tộc bán trú (05 trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học; 32 trường phổ thông dân tộc bán trú liên cấp tiểu học và trung học cơ sở).

Duy trì, phát huy vai trò của các trung tâm giáo dục thường xuyên gồm 01 trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh; 11 trung tâm giáo dục thường xuyên huyện. Xúc tiến xây dựng trung tâm học tập cộng đồng; phấn đấu đến năm 2030, 100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh có trung tâm học tập cộng đồng. Hoàn thành xây dựng 01 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập trên địa bàn thành phố Sơn La, nghiên cứu thành lập 01 cơ sở tại khu vực huyện Mộc Châu.

Củng cố mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, duy trì phát triển 03 trường cao đẳng hiện có; mở rộng cơ sở Trường Cao đẳng Y tế Sơn La để đảm bảo quy mô đào tạo và phát triển theo nhu cầu. Phân bổ đất đai cho 28 cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập tại các huyện, thị xã, thành phố. Đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo, mở rộng quy mô và lĩnh vực đào tạo của Trường Đại học Tây Bắc.

(Chi tiết tại phụ lục XI)

4. Phương án phát triển thiết chế văn hóa, thể thao

- Cấp tỉnh: Đến năm 2030 có đủ các loại hình thiết chế văn hóa, thể thao gồm trung tâm văn hóa (hoặc trung tâm văn hóa - nghệ thuật, trung tâm văn hoá - điện ảnh); trung tâm hoạt động thanh, thiếu nhi; nhà văn hóa lao động; bảo tàng; thư viện; rạp hát; trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao (hoặc khu liên hợp thể thao).

- Cấp huyện: Chỉnh trang, xây mới các thiết chế còn thiếu. Phấn đấu đến năm 2030 có đủ các loại hình thiết chế văn hóa gồm trung tâm văn hóa thể thao huyện (quy mô trung bình 500 chỗ); thư viện (quy mô trung bình 10.000 đầu sách); trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi (quy mô trung bình 500 chỗ); nhà văn hóa lao động (quy mô trung bình 500 chỗ).

- Cấp xã: Rà soát nâng cấp chất lượng nhà văn hóa - thể thao cấp xã, thôn đạt chuẩn. Phấn đấu đến năm 2030 hoàn thiện các thiết chế văn hoá, thể thao cấp xã gồm nhà văn hóa xã, trung tâm thể thao xã, trạm bưu điện thư viện văn hóa xã; các thiết chế này được bố trí quy hoạch xây dựng ở trung tâm các xã.

- Cấp bản: Phấn đấu đến năm 2030 có đủ 03 loại hình thiết chế văn hóa gồm: nhà văn hóa bản; sân thể thao bản; trạm bưu điện - thư viện - văn hóa bản.

- Thiết chế văn hóa thể thao khu chế xuất, khu công nghiệp: Định hướng đến 2030 xây dựng nhà văn hóa - thể thao tại Khu công nghiệp Mai Sơn, đồng thời xây dựng nhà văn hóa tại các khu công nghiệp theo quy hoạch (Vân Hồ, Lóng Sập, Chiềng Khương).

(Chi tiết tại phụ lục XII)

5. Phương án phát triển mạng lưới khoa học công nghệ

Tập trung nguồn lực, đầu tư tăng cường tiềm lực Khu ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ về nông, lâm nghiệp tại Mộc Châu. Đầu tư nâng cao năng lực kiểm định, hiệu chuẩn đo lường và xây dựng Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thành Trung tâm của vùng Tây Bắc. Giai đoạn đến năm 2050, phát triển các tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập trong các tập đoàn, tổng công ty và các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh.

6. Phương án phát triển hạ tầng thương mại

Hình thành, phát triển các loại hình, cơ sở hạ tầng thương mại theo quy định trên địa bàn tỉnh đảm bảo đáp ứng cung cầu thị trường của từng khu vực, từng thời kỳ; đảm bảo nhu cầu cung ứng sản xuất, tiêu dùng của người dân, hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, nhà nước và người dân.

Tăng cường kêu gọi và thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư mới các cơ sở dịch vụ, thương mại, triển lãm, hội chợ…Tiếp tục đầu tư, cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang các loại hình, cơ sở hiện có trên địa bàn tỉnh.

(Chi tiết tại Phụ lục XIII)

7. Phương án phát triển cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng

Nâng quy mô tiếp nhận điều dưỡng người có công lên 150 người/lượt điều dưỡng. Phát triển hệ thống cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng đủ quy mô, năng lực, đáp ứng yêu cầu chăm sóc người có công với cách mạng; nâng cao chất lượng dịch vụ nuôi dưỡng, điều dưỡng và chăm lo toàn diện cả về thể chất và tinh thần đối với người có công.

8. Phương án phát triển cơ sở trợ giúp xã hội

- Đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh có ít nhất 03 cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục hướng nghiệp, phục hồi chức năng cho các đối tượng bảo trợ xã hội. Củng cố, nâng cấp hệ thống cơ sở bảo trợ xã hội hiện có, khuyến khích phát triển các hình thức chăm sóc thay thế tại cộng đồng và các mô hình cung cấp dịch vụ nuôi dưỡng, chăm sóc đối tượng xã hội, bảo trợ xã hội, chăm sóc người cao tuổi để giảm tải áp lực đối với hệ thống cơ sở xã hội công lập.

- Duy trì 01 cơ sở điều trị cai nghiện ma túy tỉnh và 02 cơ sở vệ tinh huyện Sông Mã, huyện Thuận Châu. Thành lập thêm 01 cơ sở cai nghiện ma túy vệ tinh mới tại khu vực Mộc Châu - Vân Hồ - Yên Châu.

- Duy trì 01 Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Sơn La, gồm 01 trụ sở chính tại thành phố Sơn La và 02 văn phòng đại diện tại Mộc Châu và Phù Yên. Tiếp tục huy động vốn đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác phát triển thị trường lao động, tư vấn giới thiệu việc làm, thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

VIII. PHƯƠNG ÁN PHÂN BỔ, KHOANH VÙNG ĐẤT ĐAI

Nguồn lực đất đai phải được điều tra, đánh giá, thống kê, kiểm kê, sử dụng hiệu quả, hợp lý, tiết kiệm, bền vững; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh; phát triển giáo dục; văn hoá, thể thao; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh. Đảm bảo việc bố trí sử dụng đất hợp lý trên cơ sở cân đối nhu cầu sử dụng đất của các ngành, các lĩnh vực phù hợp với chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia thời kỳ 2021-2030.

Đến năm 2030, diện tích tự nhiên của tỉnh Sơn La là 1.410.889 ha, trong đó: đất nông nghiệp khoảng 1.241.856 ha; đất phi nông nghiệp khoảng 76.242 ha; đất chưa sử dụng khoảng 92.791 ha.

(Chi tiết tại Phụ lục XIV)

IX. PHƯƠNG ÁN QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG LIÊN HUYỆN, VÙNG HUYỆN

1. Quy hoạch xây dựng các vùng liên huyện

- Vùng đô thị và quốc lộ 6 (gồm thành phố Sơn La và phụ cận), bao gồm thành phố Sơn La, huyện Mai Sơn và huyện Thuận Châu: Đây là vùng phát triển năng động, giữ vai trò quan trọng hàng đầu đối với phát triển kinh tế tỉnh; là vùng có đầu mối giao thông quan trọng với nhiều phương thức vận tải (đường bộ, đường thủy), có hệ thống kết cấu hạ tầng đang từng bước được đầu tư đồng bộ, hiện đại, nguồn nhân lực phát triển năng động, có trình độ cao, đóng góp lớn vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

- Vùng cao nguyên Mộc Châu và phụ cận, bao gồm các huyện Mộc Châu, Vân Hồ và huyện Yên Châu: Đây là vùng có tiềm năng tự nhiên lớn; có giao thông liên vùng quan trọng. Các đô thị chính tập trung ở đô thị Mộc Châu, đô thị Vân Hồ, thị trấn Yên Châu..., các điểm dân cư tập trung chủ yếu ở các khu vực phát triển đô thị.

- Vùng lòng hồ và lưu vực sông Đà, bao gồm các huyện Quỳnh Nhai, Mường La, Bắc Yên, Phù Yên: Đây là vùng có tiềm năng tự nhiên lớn; là vùng có giao thông liên vùng quan trọng. Các đô thị chính tập trung ở khu vực thị trấn Ít Ong (Mường La), thị trấn Quỳnh Nhai, thị trấn Phù Yên, thị trấn Bắc Yên..., các điểm dân cư tập trung chủ yếu ở các khu vực phát triển đô thị.

- Vùng cao biên giới, bao gồm các huyện Sông Mã và Sốp Cộp: Đây là khu vực tuyến đầu trong chiến lược an ninh quốc phòng, bảo vệ vững chắc lãnh thổ, chủ quyền của đất nước; là cửa ngõ (cửa khẩu) giao lưu mở rộng mối quan hệ, hợp tác quốc tế phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật, an ninh, quốc phòng…; là vùng bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ rừng, trồng rừng và phát triển rừng, khai thác nguồn lợi từ rừng; khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng; phát triển sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản. Các đô thị chính tập trung ở khu vực thị trấn Sông Mã, thị trấn Sốp Cộp..., các điểm dân cư tập trung chủ yếu ở các khu vực phát triển đô thị.

2. Quy hoạch xây dựng vùng huyện

a) Vùng huyện Mộc Châu: Là hạt nhân của trung tâm đô thị phía Đông Nam tỉnh Sơn La, nằm trên hành lang kinh tế động lực chủ đạo của tỉnh, là khu vực trọng điểm về phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ của tỉnh. Đến năm 2025 là thị xã trực thuộc tỉnh Sơn La; đến năm 2030 phát triển trở thành trung tâm du lịch trọng điểm quốc gia và là trung tâm chế biến hàng hóa nông sản chất lượng cao, thủ phủ du lịch của vùng Tây Bắc; đồng thời là một đô thị phát triển của vùng trung du và miền núi phía Bắc. Định hướng phát triển 03 ngành, lĩnh vực kinh tế chủ lực là nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, du lịch.

b) Vùng huyện Vân Hồ: Là cửa ngõ của vùng Tây Bắc; là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, trung tâm du lịch sinh thái, nhân văn, nghỉ dưỡng nằm trong tổng thể khu du lịch quốc gia Mộc Châu. Định hướng phát triển 03 ngành, lĩnh vực kinh tế chủ lực là nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, du lịch.

c) Vùng huyện Yên Châu: Định hướng phát triển trở thành vùng nguyên liệu chủ lực phục vụ cho các trung tâm chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh và địa phương; định hướng phát triển 03 ngành, lĩnh vực kinh tế chủ lực là nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, du lịch.

d) Vùng huyện Mai Sơn: Nằm trong cụm tam giác kinh tế thành phố Sơn La - Mai Sơn - Mường La, có điều kiện phát triển toàn diện về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Phấn đấu trở thành trung tâm phát triển công nghiệp của tỉnh, trọng tâm là chế biến nông sản có công nghệ hiện đại và sản xuất nông nghiệp hữu cơ ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại có năng suất và chất lượng cao kết hợp với du lịch. Phát triển đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp.

đ) Vùng huyện Thuận Châu: Là huyện phát triển công nghiệp, nông nghiệp theo hướng hàng hóa chất lượng cao, tạo ra sản phẩm phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước; là khu vực bảo tồn văn hóa, hỗ trợ mạnh mẽ cho thành phố Sơn La phát triển đô thị và kinh tế. Các ngành kinh tế quan trọng bao gồm công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, du lịch.

e) Vùng huyện Phù Yên: Là vựa lúa chính gắn với cánh đồng Mường Tấc - 01 trong 04 cánh đồng màu mỡ nhất của Tây Bắc; là khu bảo tồn đa dạng sinh học, đầu nguồn sông Đà; là cửa ngõ, trung tâm kinh tế phía Đông Bắc tỉnh Sơn La gắn với dịch vụ thương mại, giao thương kết nối liên tỉnh, liên vùng. Phát triển huyện với 02 trụ cột chính: công nghiệp, bao gồm khai khoáng và chế biến khoáng sản; công nghiệp hàng tiêu dùng và công nghiệp chế biến nông sản; dịch vụ gắn liền với sản xuất công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch. Bên cạnh đó chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa và chất lượng cao.

g) Vùng huyện Mường La: Là khu vực bảo tồn đa dạng sinh học, đầu nguồn sông Đà và là trung tâm thủy điện của tỉnh, cung cấp phần lớn điện năng hòa lưới điện quốc gia và phục vụ nhu cầu nội tỉnh; là vùng nông lâm ngư nghiệp công nghệ cao và du lịch tổng hợp của tỉnh cũng như của vùng lòng hồ dọc sông Đà; đồng thời là khu vực bảo tồn văn hóa, phát triển kinh tế ổn định đời sống cư dân vùng cao, tái định cư thủy điện. Tập trung phát triển huyện với 03 trụ cột chính: công nghiệp năng lượng; nông nghiệp sạch, công nghệ cao gắn với chế biến và du lịch.

h) Vùng huyện Quỳnh Nhai: Là trung tâm du lịch, thủy sản chất lượng cao, khu vực nông lâm nghiệp của tỉnh cũng như của vùng lòng hồ dọc sông Đà; là khu vực bảo tồn văn hóa, phát triển kinh tế ổn định đời sống dân cư vùng cao, tái định cư thủy điện. Phát triển du lịch và thủy sản chất lượng cao; trong đó kỳ vọng trở thành khu du lịch quốc gia có quy mô lớn. Phát triển thủy sản hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến, giá trị cao. Phát triển với các mũi nhọn: nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ ứng dụng công nghệ cao gắn với cây trồng giá trị cao như dược liệu, macca, cây ăn quả, gia súc và công nghiệp chế biến gắn với cụm công nghiệp Quỳnh Nhai được triển khai trong thời gian tới.

i) Vùng huyện Bắc Yên: Là khu vực bảo tồn đa dạng sinh học, đầu nguồn sông Đà; là huyện phát triển nông lâm nghiệp sạch, sản xuất hàng hóa và đặc sản gắn với thương hiệu chè Tà Xùa, phát triển thủy điện và du lịch khám phá mới lạ của tỉnh Sơn La; là khu vực bảo tồn văn hóa, phát triển kinh tế ổn định đời sống dân cư vùng cao. Huyện có vai trò kết nối và bổ trợ cho vùng trong phát triển kinh tế, phát triển du lịch, bảo tồn và phát huy văn hóa, đồng thời là một trong những vệ tinh của khu du lịch quốc gia Mộc Châu, khu du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La; phát triển gắn với những thành tựu trong nông nghiệp sạch, du lịch nghỉ dưỡng, khám phá.

k) Vùng huyện Sông Mã: Là huyện vùng cao, biên giới của tỉnh Sơn La có vị trí rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ an ninh quốc phòng của tỉnh; là huyện có nhiều nguồn gen động, thực vật quý hiếm tạo nên một quần thể sinh học đa dạng và thuận lợi phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng… gắn với khu kinh tế cửa khẩu Chiềng Khương. Định hướng phát triển 03 ngành, lĩnh vực kinh tế chủ lực là nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, du lịch; khai thác thế mạnh các mặt hàng chế biến nông, lâm sản.

l) Vùng huyện Sốp Cộp: Là huyện vùng cao biên giới của tỉnh, trung tâm giao lưu văn hóa - xã hội của vùng biên giới Việt - Lào, gắn liền với giữ vững an ninh quốc phòng; là khu vực bảo tồn nhiều loài động thực vật rừng có nguồn gen quý hiếm. Phát triển chăn nuôi đại gia súc; phát triển du lịch sinh thái, du lịch thăm quan, khai thác tiềm năng đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên, các danh thắng lịch sử - tín ngưỡng, bản sắc văn hoá bản địa trong vùng. Phát triển theo hướng bền vững với cơ cấu kinh tế nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.

X. PHƯƠNG ÁN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC; KHAI THÁC, SỬ DỤNG, BẢO VỆ TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN; PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

1. Phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh

a) Phương án phân vùng môi trường

Phân vùng môi trường tỉnh Sơn La theo 04 vùng sau: (i) vùng đô thị và quốc lộ 6; (ii) vùng cao nguyên Mộc Châu và phụ cận; (iii) vùng lòng hồ và lưu vực Sông Đà; (iv) vùng cao biên giới. Đồng thời, trong mỗi vùng trên, phân vùng chi tiết phù hợp với định hướng trong quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia gồm có: (i) vùng bảo vệ nghiêm ngặt; (ii) vùng hạn chế phát thải; (iii) vùng khác, trong đó:

- Vùng bảo vệ nghiêm ngặt, gồm: Khu dân cư tập trung ở đô thị (bao gồm: nội thành, nội thị của các đô thị đặc biệt, loại I, loại II, loại III); nguồn nước mặt được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt; khu bảo tồn thiên nhiên về đa dạng sinh học, lâm nghiệp và thủy sản; vùng lõi của di sản thiên nhiên.

- Vùng hạn chế phát thải, gồm: vùng đệm của các vùng bảo vệ nghiêm ngặt; vùng đất ngập nước quan trọng; hành lang bảo vệ nguồn nước mặt được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt; khu dân cư tập trung là nội thành, nội thị của các đô thị loại IV, loại V; khu vui chơi giải trí dưới nước theo quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh; khu vực có yếu tố nhạy cảm về môi trường dễ bị tổn thương trước tác động của ô nhiễm môi trường khác cần được bảo vệ.

- Vùng khác: Các vùng còn lại.

b) Phương án bảo tồn đa dạng sinh học, sinh cảnh quan trọng, khu bảo tồn thiên nhiên

- Các khu vực bảo tồn, gồm: 05 khu dự trữ thiên nhiên Mường La, Tà Xùa, Xuân Nha, Copia, Sốp Cộp; 02 khu bảo vệ cảnh quan rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và rừng lịch sử Đền thờ vua Lê Thái Tông.

- Phương án bảo tồn: Bảo vệ an toàn hệ động thực vật hiện có; cân bằng sinh thái nhằm tăng độ che phủ rừng, tăng chất lượng rừng, bảo vệ nguồn nước; phát triển du lịch sinh thái; xây dựng hành lang đa dạng sinh học khu dự trữ thiên nhiên Tà Xùa và Mường La, Mường La và Mù Cang Chải.

(Chi tiết tại phụ lục XV)

c) Phương án về điểm, tần suất quan trắc môi trường

Phát triển cơ sở hạ tầng, thiết bị, mạng lưới quan trắc cho môi trường đất, nước, không khí, trầm tích và đa dạng sinh học để đánh giá hiện trạng và theo dõi diễn biến chất lượng môi trường, kịp thời cung cấp thông tin, dữ liệu và nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo chất lượng môi trường phục vụ công tác quản lý và bảo vệ môi trường.

d) Về phát triển bền vững rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất và phát triển kết cấu hạ tầng lâm nghiệp

Thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững diện tích rừng hiện có, trọng tâm là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng gắn với phát triển du lịch sinh thái và nghiên cứu, bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao năng suất chất lượng rừng.

Sử dụng có hiệu quả và bền vững tài nguyên rừng theo tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững. Phấn đấu toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao và cho thuê đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư hướng đến cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập và làm giàu từ rừng.

Đầu tư đồng bộ, hiện đại hóa cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

2. Phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên khoáng sản

- Đối với các mỏ đã được cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản: tiếp tục quy hoạch theo trữ lượng của mỏ, xem xét gia hạn giấy phép khi mỏ vẫn còn trữ lượng, đóng cửa mỏ khi hết trữ lượng và hết hạn giấy phép. Đối với các mỏ khai thác không hiệu quả: thực hiện rà soát theo quy định, tiến hành thu hồi và đóng cửa mỏ, bảo vệ khoáng sản. Đối với các mỏ khi có nguy cơ xảy ra sự cố mất an toàn trong khai thác, gây ô nhiễm môi trường, sự cố về môi trường: đình chỉ hoạt động khai thác, quyết định thu hồi giấy phép và đóng cửa mỏ để bảo vệ môi trường.

- Đưa vào khai thác đối với các mỏ khoáng sản đã có trong danh mục được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm đáp ứng yêu cầu nguyên liệu cho cả nước. Công bố đưa vào quy hoạch đối với khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ được Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định để đáp ứng yêu cầu sản xuất tại chỗ.

- Đối với khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường sẽ khai thác, chế biến ở các khu vực có tiềm năng về tài nguyên, trữ lượng khoáng sản theo nhu cầu của thị trường; tiến độ khai thác phù hợp với nhu cầu của từng địa phương, khu vực đồng thời khai thác phải gắn với bảo vệ môi trường và an sinh xã hội.

- Thu hút đầu tư đối với các mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh Sơn La đã được quy hoạch và đang tiếp tục quy hoạch nhưng chưa có nhà đầu tư quan tâm. Thu hút các nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm đầu tư các nhà máy chế biến khoáng sản, chế biến sâu khoáng sản đối với các loại khoáng sản như: đồng, sắt, niken, … trên địa bàn tỉnh đã được quy hoạch theo quy định của pháp luật.

- Tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ chặt chẽ, tránh tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra đối với khu vực mỏ, quặng, khoáng sản chưa được điều tra đánh giá cũng như các mỏ khoáng sản chưa được cấp phép hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

(Chi tiết tại phụ lục XVI)

3. Phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra

Quản lý, bảo vệ để khai thác hiệu quả, ổn định, lâu dài nguồn nước mặt, nước dưới đất đáp ứng phân bổ đủ lượng nước cho các vùng, đảm bảo hài hòa, hợp lý giữa các ngành, tổ chức, cá nhân; ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt, các hoạt động sản xuất có giá trị cao.

Đẩy mạnh công tác điều tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học - kỹ thuật và chuyển giao công nghệ về bảo vệ, khai thác, sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước, ưu tiên những vùng đang và có nguy cơ thiếu nước, những khu vực có nhu cầu khai thác nước tăng mạnh trong kỳ quy hoạch; xây dựng các dự án xử lý nước thải, hành lang bảo vệ nguồn nước, vùng bảo hộ vệ sinh, vùng cấm, hạn chế khai thác, các chương trình giám sát, quan trắc tài nguyên nước đáp ứng các mục tiêu chất lượng nước; quản lý việc xây dựng các công trình khai thác, sử dụng nước để đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu vào mùa cạn trên sông, đảm bảo khả năng tiếp nhận nước thải đối với nguồn nước và giới hạn mực nước cho phép khai thác nước dưới đất trên từng tiểu vùng quy hoạch; xây dựng, vận hành hiệu quả các công trình điều tiết, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo an ninh lâu dài về tài nguyên nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

4. Phương án phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu

- Chủ động ứng phó có hiệu quả với các tác động bất lợi của thiên tai, hạn hán, thiếu nước, ngập, sụt lún, sạt lở bờ sông, kết hợp hài hoà giữa giải pháp công trình và giải pháp phi công trình. Bảo đảm an toàn trước các tác động bất lợi do thiên tai liên quan đến nước gây ra cho các đô thị, khu dân cư, hoạt động sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu. Chủ động phòng tránh thích nghi với ngập úng, bảo vệ dân cư ở các lưu vực sông, bảo đảm sản xuất.

- Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, chống các loại thiên tai thường xuyên xảy ra như lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng, hạn hán và thích ứng với biến đổi khí hậu. Di dân, tái định cư cho người dân nằm trong vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng thiên tai, nhất là tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

- Xây dựng và thực hiện phương án phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó có phân vùng rủi ro đối với từng loại thiên tai trên địa bàn và xác định các khu vực ưu tiên phòng, chống đối với từng loại thiên tai.

XI. DANH MỤC DỰ ÁN DỰ KIẾN ƯU TIÊN THỰC HIỆN

Trên cơ sở định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực trọng điểm, xác định các dự án lớn, có tính chất quan trọng, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội để đầu tư và thu hút đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ.

(Chi tiết tại Phụ lục XVII)

XII. GIẢI PHÁP, NGUỒN LỰC THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Giải pháp về huy động vốn đầu tư

Sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, tạo đột phá, các dự án tạo động lực lan tỏa, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước; mở rộng các hình thức đầu tư, khuyến khích đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đồng thời tăng cường xúc tiến đầu tư trong và ngoài ngước để thu hút các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và các dự án sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

2. Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực

- Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; quan tâm đào tạo và thu hút lao động chất lượng cao đáp ứng nhu cầu lao động trên địa bàn tỉnh.

- Chú trọng công tác dự báo nhu cầu thị trường nhân lực, nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để định hướng đào tạo đối với các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường liên kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp sử dụng lao động, triển khai đào tạo theo hình thức đặt hàng; nghiên cứu chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng học nghề để thu hút, điều chỉnh cơ cấu đào tạo.

- Xây dựng hệ thống mạng lưới thông tin thị trường lao động, phát triển sàn giao dịch việc làm, kết nối thông tin thị trường lao động.

3. Giải pháp về môi trường, khoa học và công nghệ

a) Tăng trưởng xanh và bảo vệ môi trường:

- Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa nền kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ. Thúc đẩy phát triển các cụm ngành kinh tế gắn kết chặt chẽ với các hoạt động tăng trưởng xanh, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, hữu cơ bền vững. Hạn chế các ngành kinh tế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường; phát triển các ngành sản xuất xanh mới.

- Thực hiện đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững, tạo lập văn hóa tiêu dùng bền vững trong bối cảnh hội nhập với thế giới.

- Tăng cường năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, tăng cường và đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường; rà soát, chấn chỉnh, tăng cường chất lượng, hiệu lực, hiệu quả các công cụ, biện pháp quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, phát triển khoa học công nghệ về bảo vệ môi trường. Tiếp tục quan tâm xây dựng các dự án ưu tiên về bảo vệ môi trường.

b) Về giải pháp phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo:

- Hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống; thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp khoa học và công nghệ, từng bước hình thành các khu công nghệ cao, trung tâm đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và vùng. Tăng tỷ lệ thương mại hóa các sản phẩm khoa học và công nghệ, đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ.

- Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và chính quyền các cấp để triển khai thực hiện chuyển đổi số; kiện toàn tổ chức, bộ máy, đơn vị chuyên trách đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công nghệ thông tin để thực hiện các nhiệm vụ quản lý, vận hành, giám sát các hệ thống quản lý, thông tin, cơ sở dữ liệu tập trung của tỉnh. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân trong việc tiếp cận, sử dụng nội dung số; đồng hành và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển hạ tầng viễn thông băng thông rộng...

c) Giải pháp về năng lượng tiết kiệm và hiệu quả:

Tăng cường vai trò quản lý nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, nông nghiệp; chiếu sáng công cộng; trong các tòa nhà; trong kinh doanh, dịch vụ, quảng cáo và trong sinh hoạt.

4. Giải pháp về cơ chế, chính sách liên kết phát triển

- Có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ lực, vùng khó khăn của tỉnh. Thường xuyên rà soát các thủ tục hành chính, xây dựng phát triển chính quyền điện tử; nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp.

- Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình hợp tác trong nước và quốc tế. Chủ động triển khai các hoạt động đẩy mạnh liên kết vùng, nhất là với các địa phương trong vùng trung du và miền núi phía Bắc; phối hợp với các địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông cấp vùng kết nối các đô thị, hợp tác phát triển thương mại, du lịch, xuất khẩu, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ; hình thành các chuỗi giá trị, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương cùng phát triển.

5. Giải pháp về quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn

- Nghiên cứu các mô hình và thực tiễn quản lý phát triển nông thôn và đô thị để nâng cao năng lực quản lý và thực thi của chính quyền; ứng dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong quản lý phát triển đô thị và nông thôn nhằm đảm bảo sự phát triển hiện đại, văn minh và thân thiện với môi trường.

- Kiểm soát chặt quỹ đất rừng, tài nguyên - môi trường rừng và tỷ lệ bao phủ rừng; cân bằng và chuyển hóa một phần quỹ đất nông nghiệp hiện có trong đô thị sang đất xây dựng để đáp ứng tiêu chí phát triển đô thị và nhu cầu tăng trưởng kinh tế. Tổ chức thực hiện tốt việc kiểm soát gia tăng dân số tạm trú, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai, hồ sơ địa chính theo mô hình hiện đại, tập trung, thống nhất, mang tính tích hợp. Tiếp tục thực hiện lộ trình di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp ra ngoài trung tâm các đô thị. Không cấp phép xây dựng công trình nhà ở cao tầng tại trung tâm các đô thị khi chưa hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, xã hội của khu vực dự án theo quy hoạch được phê duyệt.

6. Giải pháp về đảm bảo quốc phòng, an ninh, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi phát triển

- Kiểm soát chặt chẽ quỹ đất phục vụ quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh; quỹ đất rừng, tài nguyên - môi trường rừng và tỷ lệ bao phủ rừng, đặc biệt là lưu vực sông Đà, sông Mã.

- Chú trọng phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng tại khu vực biên giới; nâng cao hiệu quả hợp tác hữu nghị với các địa phương thuộc Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào trên các mặt kinh tế, đối ngoại, an ninh, quốc phòng.

- Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, đoàn thể trong công tác bảo đảm an toàn, trật tự trên các lĩnh vực dân tộc, tôn giáo, bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, an ninh kinh tế, an ninh mạng, an ninh thông tin truyền thông, bảo vệ bí mật nhà nước.

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, góp phần từng bước xây dựng xã hội trật tự kỷ cương, an toàn, lành mạnh; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

7. Giải pháp tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch

- Tổ chức công bố, công khai quy hoạch bằng nhiều hình thức khác nhau, tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, tổ chức giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, lợi thế của địa phương với các nhà đầu tư trong và ngoài nước; giới thiệu các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư, tập trung kêu gọi đầu tư các dự án trọng điểm.

- Thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới quy hoạch chung, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và các quy hoạch khác theo quy định của pháp luật về quy hoạch theo hướng đồng bộ.

- Triển khai xây dựng kế hoạch hành động, thường xuyên cập nhật, cụ thể hóa các nội dung quy hoạch thành các kế hoạch 5 năm, hằng năm. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chương trình, kế hoạch phát triển bảo đảm phù hợp với quy hoạch được duyệt; định kỳ đánh giá, giám sát việc thực hiện quy hoạch theo quy định.

XIII. CÁC BẢN ĐỒ QUY HOẠCH VÀ CƠ SỞ DỮ LIỆU

Chi tiết danh mục sơ đồ, bản đồ Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Phụ lục XVIII.

Điều 2. Tổ chức thực hiện Quy hoạch

1. Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phê duyệt tại Quyết định này là căn cứ để triển khai lập các quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh Sơn La theo quy định của pháp luật có liên quan.

2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La

a) Hoàn thiện hồ sơ quy hoạch để thống nhất với Quyết định phê duyệt quy hoạch; cập nhật cơ sở dữ liệu hồ sơ quy hoạch vào hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch theo quy định tại khoản 20 Điều 1 Nghị định số 58/2023/NĐ-CP ngày 12 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ.

b) Tổ chức công bố, công khai Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

c) Xây dựng, trình ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tổ chức thực hiện quy hoạch gắn với chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; định kỳ tổ chức đánh giá thực hiện quy hoạch, rà soát điều chỉnh quy hoạch theo quy định của pháp luật; nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý quy hoạch.

d) Nghiên cứu xây dựng và ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp với yêu cầu phát triển và quy định của pháp luật để huy động các nguồn lực thực hiện quy hoạch.

đ) Thực hiện các yêu cầu, nội dung bảo vệ môi trường khi triển khai các dự án thực hiện Quy hoạch, bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, góp phần phát triển bền vững; tổ chức quan trắc, giám sát, quản lý môi trường; lưu giữ cơ sở dữ liệu, chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường phục vụ quá trình chuyển đổi số trong quá trình thực hiện Quy hoạch.

e) Thực hiện rà soát nội dung Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng được quyết định hoặc phê duyệt và kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt điều chỉnh trong trường hợp có nội dung mâu thuẫn so với quy hoạch cấp cao hơn theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội.

3. Việc chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư và triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn, bao gồm cả các dự án chưa được xác định trong các phương án phát triển ngành, lĩnh vực, phương án phát triển các khu chức năng, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và danh mục dự án dự kiến ưu tiên thực hiện ban hành kèm theo Quyết định này phải phù hợp với các nội dung quy định tại Điều 1 Quyết định này và phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch khác có liên quan; đồng thời, người chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư phải chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về quyết định của mình.

Trong quá trình nghiên cứu, triển khai các dự án cụ thể, cơ quan có thẩm quyền chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về việc xác định vị trí, diện tích, quy mô, công suất, phân kỳ đầu tư phù hợp với tiến độ, tình hình thực tế và phải bảo đảm thực hiện đầy đủ, đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền và các quy định pháp luật có liên quan.

Việc triển khai các dự án sau khi Quy hoạch tỉnh được phê duyệt phải đảm bảo phù hợp với các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất theo Quyết định số 326/QĐ- TTg ngày 09 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025 và các quyết định điều chỉnh, bổ sung (nếu có) của cấp có thẩm quyền.

Đối với các dự án được phân kỳ đầu tư sau năm 2030, trường hợp có nhu cầu đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và huy động được nguồn lực thì báo cáo cấp có thẩm quyền chấp thuận cho đầu tư sớm hơn.

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La chịu trách nhiệm trước pháp luật về: (i) tính chính xác của các nội dung, thông tin, dữ liệu, số liệu, tài liệu, hệ thống sơ đồ, bản đồ, cơ sở dữ liệu trong hồ sơ quy hoạch; bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về bí mật nhà nước và pháp luật có liên quan khác; (ii) phụ lục các phương án phát triển ngành, lĩnh vực, phương án phát triển các khu chức năng, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội và danh mục dự án dự kiến ưu tiên thực hiện trong thời kỳ quy hoạch được ban hành kèm theo Quyết định này; bảo đảm tính đồng bộ, không chồng lấn, xung đột giữa các nội dung của các phương án phát triển ngành, lĩnh vực, bảo đảm phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn và các quy định pháp luật có liên quan; (iii) nội dung tiếp thu, giải trình, bảo lưu ý kiến của các bộ, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong quá trình tham gia ý kiến, thẩm định và rà soát hồ sơ quy hoạch; (iv) thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các cam kết nêu tại Tờ trình số 218/TTr- UBND ngày 11 tháng 12 năm 2023; (v) đối với các dự án đang xử lý theo các kết luận thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán, thi hành bản án thuộc danh mục dự án dự kiến ưu tiên thực hiện (nếu có): chỉ được triển khai sau khi đã thực hiện đầy đủ các nội dung theo các kết luận thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán, bản án và được cấp có thẩm quyền chấp thuận, bảo đảm phù hợp các quy định hiện hành.

5. Các bộ, cơ quan liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La trong quá trình thực hiện Quy hoạch; phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La trong việc nghiên cứu, xây dựng hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp nhằm huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện Quy hoạch.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Tỉnh ủy Sơn La;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, QHĐP (3b) Đ.Minh.

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Trần Hồng Hà

PHỤ LỤC I

PHƯƠNG ÁN QUY HOẠCH HỆ THỐNG ĐÔ THỊ TỈNH SƠN LA THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1676/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Tên đô thị

Loại đô thị

Giai đoạn 2021-2025

Giai đoạn 2026-2030

Giai đoạn 2030-2050

I

Đô thị tỉnh lỵ

Thành phố Sơn La (mở rộng)

II

II

I

II

Đô thị Huyện lỵ

1

Đô thị Mộc Châu (phạm vi toàn bộ địa giới hành chính huyện)

IV

IV

II

2

Thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn

IV

IV

III

3

Thị trấn Sông Mã (mở rộng), huyện Sông Mã

V

IV

III

4

Thị trấn Phù Yên (mở rộng), huyện Phù Yên

V

IV

III

5

Đô thị Ít Ong, huyện Mường La

V

IV

III

6

Thị trấn Thuận Châu (mở rộng), huyện Thuận Châu

V

IV

III

7

Thị trấn Bắc Yên (mở rộng), huyện Bắc Yên

V

V

IV

8

Thị trấn Yên Châu (mở rộng), huyện Yên Châu

V

V

IV

9

Thị trấn Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp

V

V

IV

10

Thị trấn Quỳnh Nhai (mở rộng), huyện Quỳnh Nhai

V

V

IV

11

Thị trấn Vân Hồ, huyện Vân Hồ

V

V

IV

III

Các đô thị khác

1

Đô thị Gia Phù, huyện Phù Yên

V

V

IV

2

Đô thị Phiêng Khoài, huyện Yên Châu

V

V

IV

3

Đô thị Tông Lạnh, huyện Thuận Châu

V

V

IV

4

Đô thị Chiềng Khương, huyện Sông Mã

V

V

IV

5

Đô thị Ngọc Chiến, huyện Mường La

-

V

IV

6

Đô thị Mường Bú, huyện Mường La

-

-

V

7

Đô thị Chiềng Yên, huyện Vân Hồ

-

-

V

8

Đô thị Tô Múa, huyện Vân Hồ

-

-

V

9

Đô thị Co Mạ, huyện Thuận Châu

-

-

V

10

Đô thị Phổng Lái, huyện Thuận Châu

-

-

V

11

Đô thị Mường Lầm, huyện Sông Mã

-

-

V

12

Đô thị Mường Cơi, huyện Phù Yên

-

-

V

13

Đô thị Chiềng Mai, huyện Mai Sơn

-

-

V

Ghi chú:

- Phạm vi, ranh giới dự kiến của các đô thị được xác định cụ thể trong nhiệm vụ lập quy

hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng vùng huyện theo quy định của pháp luật;

- Việc phân loại đô thị phải đảm bảo phù hợp với Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia./.

PHỤ LỤC II

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TỈNH SƠN LA THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1676/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Tên khu công nghiệp

Địa điểm dự kiến

Hiện trạng

Diện tích dự kiến (ha)

Đến năm 2025

Đến năm 2030

Đến năm 2050

1

Khu công nghiệp Mai Sơn

Xã Mường Bằng, huyện Mai Sơn

63,7

150,0

150

312,0

2

Khu công nghiệp Vân Hồ

Bản Thuông Cuông, xã Vân Hồ

216,65

216,65

216,65

3

Khu công nghiệp Yên Châu

Xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu

0,00

0,00

117,0

4

Khu công nghiệp Lóng Sập

Gắn với KKT Lóng Sập sau khi mở rộng

0,00

0,00

200-300

5

Khu công nghiệp Chiềng Khương

Xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã

0,00

0,00

150,0

Ghi chú:

- Tên, vị trí, quy mô và phạm vi ranh giới các khu công nghiệp sẽ được xác định chính xác trong quá trình quy hoạch xây dựng, lập, phê duyệt dự án đầu tư;

- Đối với phần diện tích quy hoạch nằm ngoài chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp được phân bổ theo Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ triển khai thực hiện sau khi cấp có thẩm quyền phân bổ thêm chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp./.

PHỤ LỤC III

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CÁC CỤM CÔNG NGHIỆP TỈNH SƠN LA THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1676/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Tên cụm công nghiệp

Địa điểm dự kiến

Diện tích dự kiến (ha)

I

Các cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động

1

Cụm công nghiệp Gia Phù

Xã Gia Phù, huyện Phù Yên

38,1

2

Cụm công nghiệp Mộc Châu

Tiểu khu Bó Bun, thị trấn Nông Trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu

25,25

II

Các cụm công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030

1

Cụm công nghiệp Hoàng Văn Thụ

Bản Hoàng Văn Thụ, xã Hua La, thành phố Sơn La

60,0

2

Cụm công nghiệp Tông Cọ

Bản Sen To, xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu

38,0

3

Cụm công nghiệp Chiềng Bằng

Bản Lọng Đán, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai

50,0

4

Cụm công nghiệp Lóng Luông

Bản Co Chàm, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ

50,0

5

Cụm công nghiệp Sặp Vạt

Xã Sặp Vạt huyện Yên Châu

15,0

6

Cụm công nghiệp Cò Nòi

Xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn

75,0

7

Cụm công nghiệp Huy Tân

Xã Huy Tân, huyện Phù Yên

20,0

8

Cụm công nghiệp Tân Lang

Xã Tân Lang, huyện Phù Yên

15,0

9

Cụm công nghiệp Phiêng Ban

Xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên

20,0

10

Cụm công nghiệp Mường Bon

Bản Xa Căn, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn

70,0

11

Cụm công nghiệp Nà Nghịu

Bản Xum Côn, Bản Mé, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã

50,0

12

Cụm công nghiệp Mường La

Thị trấn Ít Ong, huyện Mường La

30,0

13

Cụm công nghiệp Mường Giàng

Khu Phiêng Xía, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai

32,0

III

Các cụm công nghiệp thành lập mới giai đoạn 2031 - 2050

1

Cụm công nghiệp Mường Chùm

Bản Nà Thướn và bản Nong Chạy xã Mường Chùm, huyện Mường La

50,0

2

Cụm công nghiệp Phiêng Khoài

Xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu

70,0

3

Cụm công nghiệp Song Pe

Xã Song Pe, huyện Bắc Yên

27,0

4

Cụm công nghiệp Song Khủa

Bản Song Hưng, xã Song Khủa, huyện Vân Hồ

70,0

5

Cụm công nghiệp Phổng Lái

Bản Kiến Xương, xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu

50,0

6

Cụm công nghiệp Mường Và

Xã Mường Và, huyện Sốp Cộp

20,0

TỔNG CỘNG

875,35

Ghi chú: Việc đầu tư các dự án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn phải phù hợp với nhu cầu thực tế và căn cứ theo chỉ tiêu sử dụng đất trong thời kỳ 2021 - 2030 và sau năm 2030 được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tên, quy mô và phạm vi ranh giới các cụm công nghiệp sẽ được xác định chính xác trong quá trình lập quy hoạch xây dựng và lập dự án đầu tư./.

PHỤ LỤC IV

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CÁC KHU, VÙNG NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO TỈNH SƠN LA THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1676/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Tên khu, vùng

Đến năm 2030

Số khu, vùng

Diện tích dự kiến (ha)

Tổng

26

6.950

A

Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Sơn La tại huyện Mộc Châu

1

200

B

Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

I

Trồng trọt

18

1

Vùng cà phê thành phố Sơn La

300

2

Vùng mận Mộc Châu

300

3

Vùng chè Mộc Châu - Vân Hồ

500

4

Vùng sản xuất hoa Mộc Châu - Vân Hồ

100

5

Vùng mận Yên Châu

300

6

Vùng chè Phổng Lái

300

7

Vùng cà phê Thuận Châu

300

8

Vùng cà phê Mai Sơn

500

9

Vùng Na Mai Sơn

300

10

Vùng cây ăn quả có múi Mai Sơn

300

11

Vùng nhãn Sông Mã

1.000

12

Vùng cây ăn quả có múi Sốp Cộp

300

13

Vùng xoài Mường La

300

14

Vùng cây ăn quả có múi Phù Yên

350

15

Vùng sản xuất rau an toàn Mộc Châu - Vân Hồ

300

16

Vùng xoài Yên Châu - Mai Sơn

500

17

Vùng nhãn Mai Sơn -Yên Châu

500

18

Vùng sản xuất rau an toàn Mai Sơn - Yên Châu

300

II

Chăn nuôi

7

1

Vùng nuôi bò sữa Mộc Châu

2

Vùng chăn nuôi lợn Vân Hồ

3

Vùng chăn nuôi đại gia súc Thuận Châu

4

Vùng chăn nuôi đại gia súc Sông Mã

5

Vùng chăn nuôi đại gia súc Sốp Cộp

6

Vùng chăn nuôi đại gia súc Mai Sơn

7

Vùng chăn nuôi đại gia súc Bắc Yên

Ghi chú: Tên, quy mô diện tích của khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ được xác định chính xác trong đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong quyết định công nhận vùng.

PHỤ LỤC V

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CÁC KHU, ĐIỂM DU LỊCH TỈNH SƠN LA THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1676/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Tên khu, điểm du lịch

Diện tích dự kiến (ha)

A

Khu du lịch cấp quốc gia

Khu du lịch quốc gia Mộc Châu

205.405

B

Khu du lịch cấp tỉnh

1

Khu du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La (tiềm năng phát triển thành Khu du lịch quốc gia giai đoạn 2031-2050)

1.332,6

2

Khu du lịch sinh thái Tà Xùa (Bắc Yên)

13.000

3

Khu du lịch Đèo Pha Đin

1.200

4

Khu du lịch Ngọc Chiến

21.219,5

5

Khu du lịch rừng Thông bản Áng

62,0

C

Các điểm du lịch

Các điểm du lịch tại các vị trí tiềm năng khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định

Ghi chú: Tên, quy mô và phạm vi ranh giới các khu, cụm, điểm du lịch sẽ được xác định chính xác trong quá trình lập quy hoạch xây dựng và triển khai dự án đầu tư.

PHỤ LỤC VI

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI GIAO THÔNG TỈNH SƠN LA THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1676/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Tên đường

Điểm đầu

Điểm cuối

Chiều dài dự kiến (Km)

Quy mô dự kiến (cấp/làn xe)

I

Mạng lưới đường cao tốc

231,0

Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên

Ranh giới tỉnh Hòa Bình và tỉnh Sơn La

Ranh giới tỉnh Sơn La và tỉnh Điện Biên

231,0

4 làn xe

-

Hòa Bình - Mộc Châu

Ranh giới tỉnh Hòa Bình và tỉnh Sơn La

QL.43 (xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu)

31,0

4 làn xe

-

Mộc Châu - TP. Sơn La

QL.43 (xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu)

Thành phố Sơn La

105,0

4 làn xe

-

TP. Sơn La - Điện Biên

Thành phố Sơn La

Ranh giới tỉnh Sơn La và tỉnh Điện Biên

95,0

4 làn xe

II

Mạng lưới quốc lộ

1.172,9

1

QL.6

Lóng Luông, Vân Hồ

Phổng Lái, Thuận Châu

213,3

III, 2-6 làn xe

2

QL4G

QL.6, thành phố Sơn La (Ngã ba Chiềng Sinh)

Cửa khẩu Nậm Lạnh

154

IV-III, 2-4 làn xe

3

QL.6B

QL.6, Chiềng Pấc Thuận Châu

QL.279, Phiêng Lanh, Quỳnh Nhai

33,0

IV, 2 làn xe

4

QL.6C

QL.6, Tà Làng, Yên Châu

QL.6, Cò Nòi, Mai Sơn

69,2

IV, 2 làn xe

Bao gồm nhánh kết nối đến khu di tích lịch sử quốc gia Việt Nam - Lào (Kim Chung - Lao Khô)

5

QL.12

Bó Sinh, Sông Mã

QL.4G, thị trấn Sông Mã

50,3

IV-III, 2-4 làn xe

6

QL32B

Ngã Hai, Phù Yên

QL.37, Mường Cơi, huyện Phù Yên

11,0

IV, 2-4 làn xe

7

QL.37

Đèo Lũng Lô, Phù Yên

QL.4G, thị trấn Sông Mã

182,5

IV-III, 2-4 làn xe

8

QL.43

QL.37, Gia Phù, Phù Yên

Cửa khẩu Lóng Sập, Mộc Châu

112,9

IV-III, 2-4 làn xe

9

QL.279

Đèo Cáp Na, Quỳnh Nhai

Đèo Minh Thắng, Quỳnh Nhai

55,2

IV-III, 2-4 làn xe

10

QL.279D

Huổi Quảng, Mường La

QL.6, TP. Sơn La

77,5

IV, 2 làn xe

11

QL. 279C

Km64/ĐT.105, ranh giới Sơn La và Điện Biên

Km122/QL.4G, Sốp Cộp, Sơn La

64,0

IV-III, 2-4 làn xe

12

QL.32D

Km50, ĐT.112, Xím Vàng, Bắc Yên (ranh giới giữa Yên Bái - Sơn La)

Mường Bang, Phù Yên, kết nối đến Km83+880, ĐT.433 (ranh giới giữa Sơn La - Sơn La)

101,0

IV, 2-4 làn xe

13

QL.16

QL.43, Chiềng Sơn, Mộc Châu

Tân Xuân, Vân Hồ (ranh giữa tỉnh Sơn La với Thanh Hóa)

49,0

IV, 2 làn xe

III

Mạng lưới đường tỉnh

1.719,7

1

ĐT.101

QL.16, Tân Xuân, Vân Hồ

Bến Hang Miếng, Quang Minh, Vân Hồ

72,5

V-III, 2 làn xe

2

ĐT.101B

QL.43, Phiêng Luông, Mộc Châu

Chiềng Yên, Vân Hồ

48

V, 2 làn xe

3

ĐT.101C

ĐT.101, Tô Múa, Vân Hồ

Liên Hòa, Vân Hồ

25

V, 2 làn xe

4

ĐT.102

QL.43, Mường Sang, Mộc Châu

QL.6C, Lóng Phiêng, Yên Châu

42

V, 2 làn xe

5

ĐT.103

QL.6, Chiềng Sàng, Yên Châu

Cửa khẩu Nà Cài, Yên Châu

32,0

V, 2 làn xe

6

ĐT.103B

QL.6, Thị trấn Yên Châu

QL.6C, Phiêng Khoài, Yên Châu

13,0

V, 2 làn xe

7

ĐT.104

QL.43, TT Nông Trường Mộc Châu

ĐT.120, Chiềng Sại, Bắc Yên

61

V-III, 2 làn xe

8

ĐT.105

Thị trấn Sốp Cộp

Mốc D187

38

V, 2 làn xe

9

ĐT.105B

ĐT.115, Chiềng Khoong, Sông Mã

QL.279C, Mường Lèo, Sốp Cộp

56

V, 2 làn xe

10

ĐT.106

QL.279, Mường Giôn, Quỳnh Nhai

Chiềng Lao, Mường La

54,7

V, 2 làn xe

11

ĐT.107

QL.279, Mường Giôn, Quỳnh Nhai

Chiềng Khay, Quỳnh Nhai (tiếp giáp Than Uyên, Lai Châu)

23,9

V, 2 làn xe

12

ĐT.107B

QL.279, Pá Ma Pha Khinh, Quỳnh Nhai

Cà Nàng, Quỳnh Nhai (tiếp giáp Nậm Hăn, Sìn Hồ, Lai Châu)

52

V, 2 làn xe

13

ĐT.107C

ĐT.107, Chiềng Khay, Quỳnh Nhai

Kết nối sang xã Nậm Sỏ, Tân Uyên

23,7

V, 2 làn xe

14

ĐT.107D

ĐT.107B, Cà Nàng, Quỳnh Nhai

ĐT.107C, Chiềng Khay, Quỳnh Nhai

20

V, 2 làn xe

15

ĐT.108

QL.6, Thị trấn Thuận Châu

Mường Bám, Thuận Châu (tiếp giáp Điện Biên)

68

V, 2 làn xe

16

ĐT.108B

ĐT.108, Co Mạ, Thuận Châu

QL.12, Bó Sinh, Sông Mã

30

V, 2 làn xe

17

ĐT.109

QL.279D, Thị trấn Ít Ong, Mường La

Ngọc Chiến, Mường La (tiếp giáp Mù Cang Chải, Yên Bái)

36

IV, 2 làn xe

18

ĐT.110

QL.6. Thị trấn Hát Lót, Mai Sơn

QL.279D, Mường Bú, Mường La

38,4

IV, 2 làn xe

19

ĐT.110B

ĐT.110, Nà Bó, Mai Sơn

ĐT.111, Chim Vàn, Bắc Yên

22

V, 2 làn xe

20

ĐT.110C

ĐT.110, Hát Lót, Mai Sơn

QL.279D, Mường Bú, Mường La

29,5

V, 2 làn xe

21

ĐT.111

QL.37, Phiêng Ban, Bắc Yên

QL.279D, Ít Ong, Mường La

83,2

IV, 2 làn xe

22

ĐT.112

QL.37, Thị trấn Phù Yên, Phù Yên

QL.32D, Tà Xùa, Bắc Yên

46,5

V, 2 làn xe

23

ĐT.113

QL.37, Nà Nghịu, Sông Mã

ĐT.108B, Co Mạ, Thuận Châu

46,5

V, 2 làn xe

24

ĐT.114

QL.32B, Tân Lang, Phù Yên

QL.32D, Tường Phong, Phù Yên

79,5

V, 2 làn xe

25

ĐT.115

QL.4G, Huổi Một, Sông Mã

Cửa khẩu Chiềng Khương

40,0

V, 2 làn xe

26

ĐT.116

QL.279D, Mường Bú, Mường La

QL.6B, Tông Cọ, Thuận Châu

38,8

V, 2 làn xe

27

ĐT.116B

ĐT.116, Bó Mười, Thuận Châu

QL.6B, Chiềng Khoang, Quỳnh Nhai

26,3

V, 2 làn xe

28

ĐT.117

QL.4G, Chiềng Ban, Mai Sơn

QL.6, Mường É, Thuận Châu

77

V, 2 làn xe

29

ĐT.117B

QL.6, TP.Sơn La

QL.37, Phiêng Cằm, Mai Sơn

61,0

V, 2 làn xe

30

ĐT.117C

QL.6, Muổi Nọi, Thuận Châu

QL.279C, Púng Bánh, Sốp Cộp

63,4

V, 2 làn xe

31

ĐT.118

QL.279D, Chiềng Xôm, TP. Sơn La

QL.37, Cò Nòi, Mai Sơn

47

III, 2 làn xe

32

ĐT.119

QL.6, Phổng Lái, Thuận Châu

QL.279, Mường Giàng, Quỳnh Nhai

14

V, 2 làn xe

33

ĐT.120

QL.6, Chiềng Đông, Yên Châu

QL.43, Tường Tiến, Phù Yên

54

V, 2 làn xe

34

ĐT.120B

QL.37, Thị trấn Bắc Yên, Bắc Yên

ĐT.120, Đá Đỏ, Phù Yên

39

V, 2 làn xe

35

ĐT.120C

QL.6, Thị trấn Yên Châu, Yên Châu

QL.37, Cầu Tạ Khoa, Bắc Yên

32

V, 2 làn xe

36

ĐT.121

Cao tốc CT.03, Chiềng Mai, Mai Sơn

KCN Mai Sơn

12

III, 2 làn xe

37

ĐT.122

Quỳnh Nhai

Phù Yên

120

IV, 2 làn xe

38

ĐT.123

ĐT.113, Chiềng Phung, Sông Mã

QL.279C, Mường Lèo, Sốp Cộp

53,8

V, 2 làn xe

IV

Đường vành đai đô thị

123,44

VĐ 1

Vành đai thành phố Sơn La - thị trấn Hát Lót

123,44

IV-III, 2 làn xe

Ghi chú:

- Đối với cao tốc, quốc lộ thực hiện theo quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, đến năm 2050 đã được phê duyệt;

- Chiều dài xây dựng sẽ xác định cụ thể trong quá trình lập dự án, đối với các đoạn đường qua đô thị, quy mô xây dựng thực hiện theo quy hoạch đô thị;

- Quy mô các tuyến đường trong quy hoạch là quy mô dự kiến. Trong quá trình chuẩn bị đầu tư dự án, tùy theo nhu cầu vận tải sẽ xác định quy mô thực tế của tuyến đường; đồng thời, tùy theo nhu cầu vận tải và khả năng huy động nguồn lực sẽ quyết định phân kỳ đầu tư để bảo đảm hiệu quả đầu tư dự án;

- Trong quá trình thực hiện quy hoạch, tùy theo nhu cầu vận tải, khả năng huy động nguồn lực sẽ nghiên cứu đầu tư các đoạn tuyến tránh đô thị, khu vực đèo dốc nguy hiểm, vị trí không thể mở rộng.

PHỤ LỤC VII

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN NGUỒN ĐIỆN TỈNH SƠN LA THỜI KỲ 2021- 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1676/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

I. CÁC DỰ ÁN ĐANG VẬN HÀNH

TT

Nhà máy điện

Địa điểm

Công suất (MW)

Ghi chú

A

Thủy điện nhỏ

1

Chiềng Ngàm

huyện Thuận Châu

1,8

2

Suối Sập 2

huyện Phù Yên

14,4

3

Mường Sang 1

huyện Mộc Châu

2,4

4

Suối Tân 1

huyện Vân Hồ

2,5

5

Nậm Pia

huyện Mường La

15

6

Nậm Chiến 2

huyện Mường La

32

7

Nậm Chim 1

huyện Bắc Yên

16

8

Nậm Công 4

huyện Sông Mã

10

9

Nậm Sọi

huyện Sông Mã

10

10

Chiềng Công 1

huyện Mường La

6,4

11

Chiềng Công 2

huyện Mường La

5,25

12

Nậm Công 3

huyện Sông Mã

8

13

Nậm Khốt

huyện Mường La

11

14

Nậm Chanh

Thành phố Sơn La

2,1

15

Suối Sập 3

huyện Phù Yên

14

16

Nậm La

huyện Mường La

27

17

Suối Sập 1

huyện Phù Yên

19,5

18

Tà Cọ

huyện Sông Mã

30

19

Nậm Hồng 2

huyện Mường La

8

20

Nậm Hồng 1

huyện Mường La

8

21

Chiềng Ngàm Thượng

huyện Thuận Châu

10

22

Háng Đồng A1

huyện Bắc Yên

8,4

23

Pá Chiến

huyện Mường La

22

24

Suối Lừm 1

huyện Bắc Yên

20

25

Tà Niết

huyện Mộc Châu

3,6

26

Nậm Giôn

huyện Quỳnh Nhai

20

27

Nậm Xá

huyện Mường La

9,6

28

Nậm Chim 1A

huyện Bắc Yên

10

29

Tắt Ngoẵng

huyện Mộc Châu

7

30

Suối Tân 2

huyện Vân Hồ

4

31

Suối Lừm 3

huyện Bắc Yên

14

32

Nậm Chim 2

huyện Bắc Yên

14

33

Háng Đồng A

huyện Bắc Yên

16

34

To Buông

huyện Yên Châu

8

35

Nậm Hóa 2

huyện Thuận Châu

8

36

Nậm Bú

huyện Mường La

7,2

37

Đông Khùa

huyện Yên Châu

2,1

38

Sập Việt

huyện Yên Châu

23,4

39

Keo Bắc

huyện Sông Mã

1,8

40

Xím Vàng 2

huyện Bắc Yên

18

Có tiềm năng, nghiên cứu mở rộng, nâng công suất lên 36 MW khi đủ điều kiện

41

Mường Sang 2

huyện Mộc Châu

4,6

42

Nậm Chiến 3

huyện Mường La

3,1

43

Nậm Pia 1

huyện Mường La

6,8

44

Sơ Vin

huyện Vân Hồ

2,8

45

Nậm Trai 4

huyện Mường La

12

46

Nậm Công 5

huyện Sông Mã

4

47

Mường Hung

huyện Sông Mã

24

48

Nậm Chim 1B

huyện Bắc Yên

10

49

Mường Sang 3

huyện Mộc Châu

6

50

Xuân Nha

huyện Vân Hồ

6

51

Mường Bang

huyện Phù Yên

16

52

Hồng Ngài

huyện Bắc Yên

10

53

Ngọc Chiến

huyện Mường La

12

Có tiềm năng, nghiên cứu mở rộng, nâng công suất lên 16 MW khi đủ điều kiện

54

Chiềng Muôn

huyện Mường La

13,2

Có tiềm năng, nghiên cứu mở rộng, nâng công suất lên 15 MW khi đủ điều kiện

55

Phiêng Côn

huyện Bắc Yên

15

56

Suối Sập 2A

huyện Bắc Yên

49,6

57

Nậm Công 3A

huyện Sông Mã

4,5

Có tiềm năng, nghiên cứu mở rộng, nâng công suất lên 5 MW khi đủ điều kiện

B

Điện sinh khối

Điện sinh khối mía đường Sơn La

huyện Mai Sơn

9

Tiếp tục nghiên cứu tiềm năng để nâng công suất lên 25MW khi có đủ điều kiện theo quy định

II. CÁC DỰ ÁN THỦY ĐIỆN ĐÃ ĐƯỢC QUY HOẠCH GIAI ĐOẠN 2011 - 2020 ĐANG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐƯỢC ĐƯA VÀO GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

TT

Nhà máy điện

Địa điểm

Công suất dự kiến (MW)

Ghi chú

1

Nậm Hóa 1

huyện Thuận Châu

18

2

Háng Đồng B

huyện Bắc Yên

28

3

Nậm Pàn 5

huyện Mường La

28

4

Bó Sinh

huyện Sông Mã

24

III. CÁC DỰ ÁN THỦY ĐIỆN ĐÃ ĐƯỢC QUY HOẠCH GIAI ĐOẠN 2011 - 2020 CHƯA TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐƯỢC ĐƯA VÀO GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

TT

Nhà máy điện

Địa điểm

Công suất dự kiến (MW)

Ghi chú

1

Mường Lầm

huyện Sông Mã

18

2

Nậm Trai 3

huyện Mường La

9

3

Chiềng Hắc 1

huyện Mộc Châu

8

4

Chiềng Hắc 2

huyện Yên Châu

5

5

Suối Lèo

huyện Phù Yên

5

6

Quang Huy

huyện Phù Yên

12

7

Nậm Ty

huyện Sông Mã

6

8

Suối Chiến

huyện Mường La

5

Có tiềm năng, nghiên cứu mở rộng, nâng công suất lên 6,5 MW khi đủ điều kiện

9

Nậm Pàn 6

huyện Mường La

5,6

10

Suối Lừm 1A

huyện Bắc Yên

7,5

11

Suối Bé

huyện Bắc Yên

10

Có tiềm năng, nghiên cứu mở rộng, nâng công suất lên 13,5 MW khi đủ điều kiện

12

Xím Vàng

huyện Bắc Yên

7

Có tiềm năng, nghiên cứu mở rộng, nâng công suất lên 11 MW khi đủ điều kiện

13

Xím Vàng 3

huyện Bắc Yên

6

Có tiềm năng, nghiên cứu mở rộng, nâng công suất lên 10,3 MW khi đủ điều kiện

14

Thủy điện Suối Lừm 1 Mở rộng

huyện Bắc Yên

20

Có tiềm năng, nghiên cứu mở rộng, nâng công suất lên 30 MW khi đủ điều kiện

15

Thủy điện Suối Tân 3

huyện Vân Hồ

15

IV. CÁC NGUỒN ĐIỆN TIỀM NĂNG

TT

Nhà máy điện

Địa điểm

Công suất dự kiến (MW)

A

Thủy điện

340,5

1

Nậm Hét 2

huyện Thuận Châu

15

2

Nậm Hét 1

huyện Thuận Châu

13

3

Chiềng Khương

huyện Sông Mã

20

4

Yên Hưng

huyện Sông Mã

12

5

Chiềng Cang

huyện Sông Mã

19

6

Chiềng Khoong

huyện Sông Mã

17

7

Mường Bằng

huyện Mai Sơn

10,2

8

Suối Khừa

huyện Mộc Châu

17

9

Suối Phiêng

huyện Mộc Châu

12,3

10

Huổi Luông

huyện Yên Châu

11,6

11

Nậm Sọi 1

huyện Sông Mã

11,6

12

Nậm Sọi 3

huyện Sông Mã

10

13

Nậm Sọi 4

huyện Sông Mã

10

14

Chiềng Sơ

huyện Sông Mã

11

15

Nà Nghịu

huyện Sông Mã

12

16

Suối Quanh

huyện Vân Hồ

6,5

17

Nậm Pừn 1

huyện Sốp Cộp

7

18

Nậm Pừn 2

huyện Sốp Cộp

7,2

19

Suối Lạt

huyện Phù Yên

5

20

Suối Ngang

huyện Phù Yên

6

21

Suối Gà

huyện Phù Yên

5

22

Làng Sáng

huyện Bắc Yên

6,5

23

Nậm Chim 3

huyện Bắc Yên

5

24

Nậm Chim A

huyện Bắc Yên

8

25

Nậm Trai 5

huyện Mường La

10

26

Chiềng Ngàm Hạ

huyện Thuận Châu

5

27

Nậm Ngùa

huyện Quỳnh Nhai

10,4

28

Nậm Khăn

huyện Quỳnh Nhai

10,2

29

Nậm Ty Thượng

huyện Sông Mã

15

30

Nậm Ty 2

huyện Sông Mã

6

31

Suối Bé 1

huyện Bắc Yên

6

32

Các thủy điện trên các hồ thủy lợi, hồ chứa nước; các thủy điện siêu nhỏ cung cấp điện cho phụ tải tại chỗ, phụ tải khu vực

20

B

Các dự án điện gió

2.837

1

Điện gió Tà Xùa

huyện Bắc Yên

72

2

Điện gió Hồng Ngài

huyện Bắc Yên

108

3

Điện gió Mộc Châu

huyện Mộc Châu

110

4

Điện gió Mai Sơn

huyện Mai Sơn

128

5

Điện gió Risen Phù Yên

huyện Phù Yên

100

6

Điện gió Thiên Vũ Bắc Yên

huyện Bắc Yên

100

7

Điện gió Háng Đồng

huyện Bắc Yên

48

8

Điện gió Bắc Yên 1

huyện Bắc Yên

150

9

Điện gió Phù Yên

huyện Phù Yên

99

10

Điện Gió Phù Yên 1

huyện Phù Yên

300

11

Điện Gió Phù Yên 2

huyện Phù Yên

150

12

Điện gió Mường La 1

huyện Mường La

222

13

Điện gió Mường La 2

huyện Mường La

120

14

Điện Gió Mai Sơn 2

huyện Mai Sơn

300

15

Điện gió Mường Sam

huyện Sốp Cộp

280

16

Điện gió Tây Phù Yên

huyện Phù Yên

100

17

Điện gió Bắc Yên 2

huyện Bắc Yên

150

18

Điện gió Sông Mã

huyện Sông Mã

300

19

Các dự án điện gió tiềm năng khác

trên địa bàn tỉnh

C

Các dự án điện mặt trời

996

1

Yên Châu 1

huyện Yên Châu

48

2

Yên Châu 2

huyện Yên Châu

48

3

Yên Châu 3

huyện Yên Châu

30

4

Sông Mã 1

huyện Sông Mã

75

5

Sông Mã 2

huyện Sông Mã

75

6

Thuận Châu 1

huyện Thuận Châu

40

7

Mai Sơn 1

huyện Mai Sơn

35

8

Mường La 1

huyện Mường La

40

9

Bắc Yên 1

huyện Bắc Yên

55

10

Bắc Yên 2

huyện Bắc Yên

50

11

Các dự án điện mặt trời khác có tiềm năng

500

D

Các dự án điện sinh khối

25

Điện sinh khối Quỳnh Nhai

huyện Quỳnh Nhai

25

Đ

Các dự án điện rác

7

1

Điện rác thành phố Sơn La

Thành phố Sơn La và phụ cận

4

2

Điện rác Mộc Châu

Đô thị Mộc Châu và phụ cận

3

Ghi chú:

- Việc đầu tư các dự án đã được quy hoạch giai đoạn 2011 - 2020 phải căn cứ vào Quy hoạch và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Các dự án thủy điện đang vận hành, đang triển khai hoặc đã có trong quy hoạch giai đoạn 2011 - 2020 chỉ được điều chỉnh quy mô, công suất khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định;

- Đối với các nguồn điện tiềm năng: Tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng về hiệu quả kinh tế, kỹ thuật, môi trường, dân cư, nhu cầu hệ thống, thời điểm xuất hiện,… để báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép trước khi thực hiện khi đảm bảo quy định. Việc đầu tư các dự án nguồn điện tiềm năng chỉ được thực hiện khi bảo đảm phù hợp với Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với các điều kiện, tiêu chí, luận chứng theo Quy hoạch điện VIII và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định pháp luật có liên quan;

- Việc đầu tư các dự án thủy điện nhỏ phải được xem xét đánh giá kỹ lưỡng về tác động môi trường, đời sống dân sinh, diện tích chiếm đất,…; phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh, tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước,… và các quy định khác có liên quan;

- Tên, vị trí, quy mô, diện tích, tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư của các công trình nêu trên sẽ được xác định cụ thể trong giai đoạn lập kế hoạch, phê duyệt hoặc quyết định chủ trương đầu tư thực hiện dự án./.

PHỤ LỤC VIII

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN LƯỚI ĐIỆN TRUYỀN TẢI, LƯỚI ĐIỆN PHÂN PHỐI TỈNH SƠN LA THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN 2050
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1676/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

I. Phương án phát triển trạm biến áp và đường dây điện 500KV, 200KV

1. Phương án phát triển trạm biến áp

TT

Tên Trạm biến áp

Công suất dự kiến (KVA)

Ghi chú

1

Mường La

500

Cải tạo

2

Suối Sập 2A

200

Xây mới, giải phóng công suất thủy điện theo văn bản số 136/TTg-CN ngày 29/01/2021

3

Phù Yên

375

Xây mới, cấp điện phụ tải chuyên dùng

4

Mộc Châu

250

Xây mới

5

Sông Mã

250

Xây mới, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực

6

Sơn La 1

500

Xây mới, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực

2. Phương án phát triển đường dây điện

TT

Tên Đường dây

Số mạch x Km

Ghi chú

1

Nâng khả năng tải Sơn La - Việt Trì

1 x 167

Cải tạo, nâng khả năng tải

2

500kV Sơn La - Điện Biên

2 x 133

Xây mới, đấu nối TBA 220kV Điện Biên

3

Nâng khả năng tải 500kV Sơn La - Sơn La

1 x 41

Cải tạo, nâng khả năng tải, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực

4

Nâng khả năng tải 500kV Sơn La - Mường La

1 x 21

Cải tạo, nâng khả năng tải, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực

5

Nâng khả năng tải Mường La - Sơn La

1 x 32

Cải tạo, nâng khả năng tải, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực

6

Suối Sập 2A - Rẽ Sơn La - Việt Trì

2 x 5

Xây mới, giải phóng công suất thủy điện theo văn bản số 136/TTg-CN ngày 29/01/2021

7

Phù Yên - Rẽ Sơn La -Việt Trì

2 x 7

Xây mới, đấu nối TBA 220kV Phù Yên (Cấp điện phụ tải chuyên dùng)

8

Mộc Châu - Rẽ nối thủy điện Trung Sơn

2 x 35

Xây mới, đấu nối TBA 220kV Mộc Châu

9

Sông Mã - Sơn La 500kV

2 x 83

Xây mới, giải phóng công suất các nhà máy điện

10

Sơn La 1 - Rẽ Sơn La - Suối Sập 2A

2 x 4

Cải tạo, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực

II. Phương án phát triển trạm biến áp và đường dây điện 110kV, 35kV

1. Phương án phát triển trạm biến áp 110kV, 35kV

TT

Tên công trình

Quy mô công suất (MVA)

Cấp điện áp (kV)

Ghi chú

Hiện trạng

Giai đoạn đến 2025

Giai đoạn đến 2030

Giai đoạn đến 2050

I

Huyện Vân Hồ

1

TBA Vân Hồ

25

50

80

110/35/22

Xây dựng mới

2

TBA KCN Vân Hồ

25

50

110/35/22

Xây dựng mới

II

Huyện Mộc Châu

1

TBA Mộc Châu

50

50

80

80

110/35/22

Nâng công suất

2

TBA Mộc Châu 2

40

80

110/35/22

Xây dựng mới

3

TBA Mộc Châu 3

80

110/35/22

Xây dựng mới

III

Huyện Yên Châu

1

TBA Yên Châu

25

25

50

80

110/35/22

Nâng công suất

2

TBA Yên Châu 2

80

110/35/22

Xây dựng mới

IV

Huyện Mai Sơn

1

TBA Mai Sơn

40

80

80

166

110/35/22

Nâng công suất

2

TBA KCN Mai Sơn

40

80

110/35/22

Xây dựng mới

3

TBA Nà Sản

80

110/35/22

Xây dựng mới

4

TBA Mai Sơn 2

80

110/35/22

Xây dựng mới

5

TBA ĐSK Mía đường Sơn La

30

30

Theo quy mô khi lập dự án

Xây dựng mới

V

TP. Sơn La

1

TBA Sơn La

80

80

80

80

110/35/22

2

TBA Sơn La 2

25

65

80

80

110/35/22

Nâng công suất

3

TBA Sơn La 3

80

110/35/22

Xây dựng mới

VI

Huyện Thuận Châu

1

TBA Thuận Châu

16

25

50

80

110/35/22

Nâng công suất

2

TBA Thuận Châu 2

80

110/35/22

Xây dựng mới

VII

Huyện Quỳnh Nhai

1

TBA Quỳnh Nhai

25

50

110/35/22

Xây dựng mới

2

TBA ĐSK Quỳnh Nhai

30

30

110/35/22

Xây dựng mới

VIII

Huyện Mường La

1

TBA Mường La

80

80

80

80

110/35/22

2

TBA Mường La 2

80

110/35/22

Xây dựng mới

IX

Huyện Bắc Yên

1

TBA Bắc Yên

25

25

50

110/35/22

Xây dựng mới

2

TBA 110kV Niken

50

50

110/35/22

Xây dựng mới

X

Huyện Phù Yên

1

TBA Phù Yên

32

41

50

80

110/35/22

Nâng công suất

2

TBA Phù Yên 2

80

110/35/22

Xây dựng mới

XI

Huyện Sông Mã

1

TBA Sông Mã

25

50

50

50

110/35/22

Nâng công suất

2

TBA Chiềng Khương

40

80

110/35/22

Xây dựng mới

3

TBA Sông Mã 2

80

110/35/22

Xây dựng mới

XII

Huyện Sốp Cộp

1

TBA Sốp Cộp

50

110/35/22

Xây dựng mới

2

Các TBA nâng áp các nhà máy điện

Theo quy mô khi lập dự án

Xây dựng mới

Tổng cộng

373

546

955

2126

2. Phương án phát triển đường dây điện 110kV

TT

Tên công trình

Ghi chú

I

Nâng cấp, cải tạo đường dây 110 kV

1

Rẽ Nậm Công 4

Xóa T

2

Rẽ Tắt Ngoẵng

Xóa T

3

Cải tạo đường dây từ VT 74 lộ 176 - TĐ Suối lừm 3

Nâng cao khả năng truyền tải

4

Cải tạo đường dây từ T220kV Sơn La - T110kV Yên Châu - T110kV Mộc Châu

Nâng cao khả năng truyền tải

5

Cải tạo đường dây TĐ Nậm Công 4 - T220kV Sơn La

Nâng cao khả năng truyền tải

6

Cải tạo đường dây TĐ Tà Cọ - Sông Mã - TĐ Nậm Công 4

Nâng cao khả năng truyền tải

7

Cải tạo đường dây nhánh rẽ TĐ Mường Hung

Nâng tiết diện

8

Cải tạo các đường dây 110kV hiện hữu

Nâng cao khả năng truyền tải

II

Xây dựng mới đường dây 110kV

1

Rẽ TBA Vân Hồ

Đấu chuyển tiếp ĐZ 110kV Mộc Châu - Mai Châu

2

Rẽ TBA KCN Vân Hồ

xã Vân Hồ

3

Rẽ TBA Mộc Châu 2

xã Mường Sang

4

Rẽ TBA Mộc Châu 3

xã Tân Lập

5

Rẽ TBA Yên Châu

Đấu chuyển tiếp ĐZ 110kV Sập Việt - To Buông

6

Rẽ TBA Yên Châu 2

huyện Yên Châu

7

Rẽ TBA Nà Sản

xã Chiềng Mung

8

Rẽ TBA Mai Sơn 2

xã Bình Minh

9

Rẽ TBA KCN Mai Sơn

xã Mường Bon, KCN Mai Sơn

10

XM Mai Sơn - T110 Mai Sơn

huyện Mai Sơn, xóa T đấu nối trạm XM Mai Sơn

11

Rẽ TBA Sơn La 2

Đấu chuyển tiếp ĐZ 110kV Sơn La - Thuận Châu

12

Rẽ TBA Sơn La 3

phường Chiềng Ngần

13

Rẽ TBA Thuận Châu 2

xã Chiềng Pấc

14

Rẽ TBA Quỳnh Nhai

Đấu chuyển tiếp ĐZ 110kV Sơn La - Tuần Giáo

15

Rẽ TBA Mường La 2

xã Mường Bú

16

Rẽ TBA Phù Yên 2

xã Mường Thải

17

Rẽ TBA Bắc Yên

Đấu về trạm Phù Yên

18

Rẽ TBA 110kV Niken Bắc Yên

xã Tạ Khoa, Bắc Yên

19

Rẽ TBA Chiềng Khương

xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã

20

Rẽ TBA Sông Mã 2

xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã

21

Rẽ TBA Sốp Cộp

Đấu chuyển tiếp ĐZ 110kV TĐ Nậm Pừn - Tà Cọ

22

Xuất tuyến 110kV sau trạm 220kV Sông Mã

Huyện Sông Mã + Sốp Cộp

23

Xuất tuyến 110kV sau trạm 220kV Mộc Châu

Huyện Mộc Châu + Vân Hồ

24

Xuất tuyến 110kV sau trạm 220kV Sơn La 1

Huyện Mai Sơn

25

TBA Mai Sơn - TBA Yên Châu

Giải tỏa công suất nhà máy điện

26

TBA Yên Châu - Vân Hồ (mạch 2)

Giải tỏa công suất nhà máy điện

27

T220kV Mường La - T110kV Bắc Yên

Đảm bảo N-1 cho TBA Bắc Yên, Phù Yên

28

T110kV Mộc Châu 3 - T110kV Bắc Yên

Liên kết lưới điện 110kV

29

TĐ Nậm Hồng - T220kV Mường La

Giải tỏa công suất thủy điện

30

TĐ Mường Lầm - TĐ Tà Cọ

Hoàn thiện mạng lưới 110kV liên lạc, giải tỏa công suất nguồn điện

31

TĐ Bó Sinh - Thuận Châu

Đấu nối thủy điện

32

TĐ Mường Lầm - TĐ Bó Sinh

Đấu nối thủy điện

33

Đấu nối thủy điện Suối Lừm 1 mở rộng

Suối Lừm 1 mở rộng - TBA 220 Mường La

34

Đấu nối thủy điện Suối Tân 3

Chuyển tiếp trên đường dây 10kV Mộc Châu - Sơn La

35

Đấu nối thủy điện Quang Huy

Chuyển tiếp trên đường dây 110kV Phù Yên - Ba Khe

36

Đấu nối thủy điện Nậm Trai 3

Thanh cái TBA 110kV Mường La

37

Đấu nối thủy điện Suối Lừm 1A

Thanh cái 110kV TĐ Suối Lừm 1

38

Đấu nối thủy điện Suối Bé

Thanh cái 110kV Phù Yên (Mở rộng ngăn lộ 110kV tại trạm Phù Yên)

39

Đấu nối thủy điện Xím Vàng 3

Xím Vàng 3 - Suối Lừm 1 mở rộng - thanh cái 110kV TBA 220kV Mường La

40

Đấu nối thủy điện Nậm Hét 1

Chuyển tiếp trên đường dây 110kV Sơn La - Tuần Giáo

41

Đấu nối thủy điện Nậm Hét 2

Chuyển tiếp trên đường dây 110kV Sơn La - Tuần Giáo

42

Đấu nối thủy điện Chiềng Khương

Thanh cái 110kV TBA 220kV Sơn La

43

Đấu nối thủy điện Yên Hưng

Chuyển tiếp đường dây 110kV Tà Cọ - Thuận Châu

44

Đấu nối thủy điện Chiềng Cang

Thanh cái 110kV TĐ Chiềng Khương

45

Đấu nối thủy điện Chiềng Khoong

Thanh cái 110kV TĐ Chiềng Cang

46

Đấu nối thủy điện Mường Bằng

Chuyển tiếp đường dây 110kV từ TBA 220kV Sơn La - TBA 110kV Sơn La

47

Đấu nối thủy điện Suối Khừa

Thanh cái 110kV NMTĐ Tắt Ngoẵng

48

Đấu nối thủy điện Suối Phiêng

Đấu nối cụm thủy điện Huổi Luông, Suối Phiêng về TBA 110kV Mộc Châu hoặc TBA 110kV thủy điện Hồng Ngài

49

Đấu nối thủy điện Huổi Luông

50

Đấu nối thủy điện Nậm Sọi 1

Thanh cái TBA 110kV Nậm Sọi 4

51

Đấu nối thủy điện Nậm Sọi 3

Thanh cái TBA 110kV Nậm Sọi 4

52

Đấu nối thủy điện Nậm Sọi 4

Chuyển tiếp đường dây 110kV

Chiềng Khoong -Chiềng Cang hoặc xây dựng đường dây 35 kV đấu nối TBA 110kV Tà Cọ

53

Đấu nối thủy điện Chiềng Sơ

Chuyển tiếp đường dây 110kV Sông Mã - Yên Hưng

54

Đấu nối thủy điện Nà Nghịu

Chuyển tiếp vào ĐZ 110kV Sông Mã - Chiềng Sơ

55

Đấu nối thủy điện Suối Quanh

Chuyển tiếp đường dây 110kV Mộc Châu - Mai Châu

56

Đấu nối cụm thủy điện Nậm Pừn 1, Nậm Pừn 2

TBA 110kV Tà Cọ hoặc trạm 220kV Sông Mã

57

Đấu nối cụm thủy điện Suối Lạt, Suối Ngang, Suối Bé 1

Chuyển tiếp đường dây 110kV Phù Yên -Ba Khe

58

Đấu nối thủy điện Nậm Ty 2

Chuyển tiếp đường dây 110kV Sông Mã - Thuận Châu

59

Đấu nối thủy điện Nậm Ty Thượng

Đấu chuyển tiếp ĐZ 110kV Bó Sinh - Thuận Châu

60

Đấu nối điện gió Tà Xùa

Đấu nối thanh cái 110kV TBA 220 kV HaTaCo Bắc Yên

61

Đấu nối điện gió Háng Đồng

Đấu nối thanh cái 110kV TBA 110kV TĐ Suối Sập 1

62

Đấu nối điện gió Phù Yên

Đấu nối thanh cái 110kV TBA 220 kV HaTaCo Bắc Yên

63

Đấu nối điện gió Mộc Châu

Thanh cái trạm 110kV Mộc Châu

64

Đấu nối điện sinh khối mía đường Sơn La

Đường dây 110kV (35kV) phục vụ truyền tải điện sinh khối Mía đường Sơn La

65

Đấu nối điện sinh khối Quỳnh Nhai

Đường dây 110kV (35kV) phục vụ truyền tải điện sinh khối Quỳnh Nhai

66

Đấu nối điện gió Bắc Yên 2

TBA điện gió Tà Xùa

67

Đấu nối các dự án nguồn điện khác

3. Phương án phát triển đường dây điện 35kV

TT

Tên công trình

Ghi chú

1

Xây dựng mới các xuất tuyến trung áp sau các TBA 110kV cấp điện cho các phụ tải

Toàn tỉnh

2

Xây dựng mới các đường dây mạch vòng trung áp, đấu nối các trạm biến áp phân phối, chuyên dùng và các nhà máy điện phát điện trung áp

Toàn tỉnh

3

Cải tạo, nâng cấp các đường dây trung áp

Nâng cao năng lực cấp điện

4

Đấu nối thủy điện Chiềng Hắc 1

Thanh cái 35kV trạm 110kV Yên Châu

5

Đấu nối thủy điện Chiềng Hắc 2

Đấu nối đường dây 35kV Chiềng Hắc 1 - trạm 110kV Yên Châu

6

Đấu nối thủy điện Suối Lèo

Lộ 375 của TBA 110kV Phù Yên

7

Đấu nối thủy điện Nậm Ty

Lộ 373 Sông Mã đi lộ 371 Thuận Châu

8

Đấu nối thủy điện Nậm Pàn 6

Đường dây 35kV lộ 374 E17.2 (Sơn La)

9

Đấu nối thủy điện Xím Vàng

Thanh cái 35kV TBA 110kV Xím Vàng 3

10

Đấu nối thủy điện Suối Gà

Thanh cái 35kV (6kV) Trạm 110kV Mường Bang

11

Đấu nối thủy điện Nậm Chim 3

Đấu nối TBA 110kV Nậm Chim 2

12

Đấu nối thủy điện Hang Chú

Đấu nối TBA 110kV Nậm Chim 3

13

Đấu nối thủy điện Nậm Trai 5

Đấu nối vào ĐZ 35kV mạch kép 379;381 Trạm 110kV Mường La

14

Đấu nối thủy điện Chiềng Ngàm Hạ

Đấu nối lộ 375 E17.4 TBA 110kV Thuận Châu

15

Đấu nối thủy điện Nậm Ngùa

ĐZ 35kV đấu nối lưới điện khu vực

16

Đấu nối thủy điện Nậm Khăn

ĐZ 35kV đấu nối lưới điện khu vực

17

Đấu nối nhà máy điện Sinh khối Mía đường Sơn La

Đấu nối vào thanh cái 35 kV trạm 110 kV Mai Sơn

18

Đấu nối thủy điện Nậm Khốt 2

Đường dây 35kV Ngọc Chiến - Trạm 110 Mường La

19

Đấu nối các dự án nguồn điện khác

Ghi chú:

- Việc đầu tư các trạm biến áp và tuyến đường dây 500kV và 220kV phải căn cứ vào Quy hoạch và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch liên quan được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Tiến độ, quy mô và vị trí của các trạm biến áp, sẽ được chuẩn xác trong quá trình xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, phụ thuộc vào tiềm năng phát triển nguồn điện và cấu hình lưới điện trong thực tế;

- Tiến độ, vị trí, quy mô của các đường dây sẽ được chuẩn xác trong quá trình xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, phụ thuộc vào tiềm năng phát triển nguồn điện và cấu hình lưới điện trong thực tế. Chiều dài đường dây sẽ được chuẩn xác trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư./.

PHỤ LỤC IX

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CÁC KHU XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN TỈNH SƠN LA THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1676/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Tên khu xử lý chất thải

Địa điểm dự kiến

Công suất dự kiến (tấn/ngày)

1

Khu liên hợp xử lý chất thải rắn thành phố Sơn La

Thành phố Sơn La

158,4

2

Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn huyện Thuận Châu và Quỳnh Nhai

Huyện Thuận Châu

107

3

Khu xử lý chất thải rắn huyện Thuận Châu

Huyện Thuận Châu

20

4

Khu xử lý chất thải rắn huyện Mường La

Huyện Mường La

50

5

Khu xử lý chất thải rắn huyện Bắc Yên

Huyện Bắc Yên

24

6

Khu xử lý chất thải rắn huyện Phù Yên

Huyện Phù Yên

60

7

Khu xử lý chất thải rắn huyện Mộc Châu

Huyện Mộc Châu

75

8

Khu xử lý chất thải rắn huyện Yên Châu

Huyện Yên CHâu

36

9

Khu xử lý chất thải rắn huyện Mai Sơn

Huyện Mai Sơn

90

10

Khu xử lý chất thải rắn huyện Sông Mã

Huyện Sông Mã

69

11

Khu xử lý chất thải rắn huyện Sốp Cộp

Huyện Sốp Cộp

23

12

Khu xử lý chất thải rắn huyện Vân Hồ

Huyện Vân Hồ

21,5

13

Nhà máy xử lý chất thải rắn Công nghiệp Vân Hồ

Huyện Vân Hồ

22

Ghi chú: Tên, quy mô, địa điểm, diện tích đất sử dụng của các dự án sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ./.

PHỤ LỤC X

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI CƠ SỞ Y TẾ TỈNH SƠN LA THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1676/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Cơ sở y tế

Đến năm 2030

Ghi chú

Số lượng

Số giường

Diện tích đất dự kiến (ha)

I

Cơ sở tuyến tỉnh

9

2690

27,71

1

Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La

1

1000

14,5

Nâng cấp mở rộng quy mô và hiện đại trang thiết bị y tế

2

Bệnh viện đa khoa khu vực Mộc Châu

1

500

4,5

Nâng cấp thành bệnh viện đa khoa khu vực hạng I cấp tỉnh. Mở rộng quy mô diện tích

3

Bệnh viện Phổi

1

150

1,04

Nâng cấp, đầu tư cơ sở hạ tầng, mở rộng quy mô tại các bệnh viện chuyên khoa.

4

Bệnh viện Phục hồi chức năng

1

250

0,58

5

Bệnh viện Y dược cổ truyền

1

350

1,28

6

Bệnh viện Phong và Da liễu

1

120

1,11

7

Bệnh viện Nội tiết

1

120

1,47

8

Bệnh viện Tâm thần

1

100

2,43

9

Bệnh viện Mắt

1

100

0,80

10

Y tế dự phòng: Trung tâm kiểm soát bệnh tật; Trung tâm Giám định Y khoa; Trung tâm kiểm nghiệm; Trung tâm pháp Y

4

II

Cơ sở tuyến huyện

24

2350

39,77

1

Bệnh viện đa khoa huyện

12

1.1

Bệnh viện đa khoa thành phố Sơn La (II)

1

150

1,44

1.2

Bệnh viện đa khoa huyện Bắc Yên (II)

1

140

5,23

1.3

Bệnh viện đa khoa huyện Quỳnh Nhai (II)

1

130

2,94

1.4

Bệnh viện đa khoa huyện Vân Hồ (II)

1

150

10

1.5

Bệnh viện đa khoa huyện Thuận Châu (II)

1

300

1,61

1.6

Bệnh viện đa khoa huyện Yên Châu (II)

1

160

2,5

1.7

Bệnh viện đa khoa huyện Sông Mã (II)

1

200

3,63

1.8

Bệnh viện đa khoa huyện Phù Yên (II)

1

230

1,16

1.9

Bệnh viện đa khoa huyện Mai Sơn (II)

1

250

2,62

1.10

Bệnh viện đa khoa huyện Sốp Cộp (II)

1

120

2,09

1.11

Bệnh viện đa khoa Thảo Nguyên (II)

1

320

1,3

1.12

Bệnh viện đa khoa huyện Mường La (II)

1

200

1,55

2

Trung tâm y tế huyện

12

3,7

III

Cơ sở y tế ngoài công lập

4

800

1

Bệnh viện đa khoa Cuộc sống

1

200

1,68

Duy trì vị trí hiện tại, mở rộng quy mô số giường

2

Bệnh viện đa khoa khu đô thị Đông Phù Yên

1

200

2,58

Xây mới

3

Cơ sở y tế tư nhân 1

1

200

2,5

Xây mới

4

Cơ sở y tế tư nhân 2

1

200

2,5

Xây mới

IV

Cơ sở y tế ngành dọc

Bệnh viện Công an tỉnh

1

100

2,00

Ghi chú: Tên, quy mô, địa điểm, diện tích đất sử dụng của các dự án sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ./.

PHỤ LỤC XI

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI CƠ SỞ GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO TỈNH SƠN LA THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1676/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Phương án phát triển

Số trường

Ghi chú

I

Giáo dục phổ thông

50

1

Trường phổ thông dân tộc nội trú

12

2

Trường THPT, Liên cấp THCS-THPT, Liên cấp TH-THCS-THPT

35

3

Trường THPT, Liên cấp THCS-THPT, Liên cấp TH-THCS-THPT ngoài công lập

03

II

Giáo dục hòa nhập

Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập

02

III

Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên

1

Cơ sở công lập

1.1

Trường Cao đẳng Sơn La

1

1.2

Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghệ

1

1.3

Trường Cao đẳng Y tế Sơn La

1

Mở rộng cơ sở trường Cao đẳng Y tế Sơn La

1.4

Trung tâm Giáo dục thường xuyên

12

Nâng cấp các trung tâm giáo dục thường xuyên huyện theo hướng gắn với Trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp

2

Cơ sở ngoài công lập

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp

28

Thu hút đầu tư, xây dựng mới

IV

Giáo dục đại học

Trường Đại học Tây Bắc

1

Ghi chú: Tên, quy mô, địa điểm, diện tích đất sử dụng của các dự án sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ./.

PHỤ LỤC XII

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN THIẾT CHẾ VĂN HÓA, THỂ THAO TỈNH SƠN LA THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1676/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Tên các thiết chế

Đến năm 2030

Ghi chú

Số lượng (công trình)

Diện tích đất dự kiến (ha)

A

Công trình cấp tỉnh

I

Công trình văn hóa

1

Trung tâm văn hoá - Điện ảnh

1

1,2

Mở rộng quy mô, nâng cấp cải tạo các khu chức năng

2

Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh

1

1,46

Duy trì quy mô hiện tại, nâng cấp cơ sở vật chất

Cung thiếu nhi

1

Trung tâm thanh thiếu niên

1

3

Nhà văn hoá lao động

1

1

Tại thành phố Sơn La

4

Bảo tàng tỉnh

1

1,02

Tại thành phố Sơn La

5

Thư viện

1

0,5

Tại thành phố Sơn La

6

Rạp hát tỉnh Sơn La (1.200 chỗ)

1

0,88

Tại thành phố Sơn La

II

Công trình thể thao

1

Trung tâm thể dục thể thao tỉnh (tại bản Thẳm, Phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La)

1

13,31

Nâng cấp, cải tạo, xây mới khu chức năng.

2

Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao (tổ 8 phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La)

1

Nâng cấp, cải tạo, xây mới khu chức năng.

B

Công trình cấp huyện

I

Công trình văn hóa

Bổ sung các thiết chế văn hóa còn thiếu ở các huyện chưa có, rà soát nâng cấp chất lượng thiết chế văn hóa ở những huyện đã có hạ tầng.

1

Trung tâm văn hóa - thể thao (hoặc trung tâm truyền thông văn hoá)

12

12

2

Thư viện cấp huyện

12

1,8

3

Cung văn hóa lao động hoặc nhà văn hóa lao động

4

1,8

4

Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi

6

2,7

II

Công trình thể thao

42

35,4

1

Trung tâm thể dục thể thao

12

3,6

Xây dựng mở rộng các thiết chế thể thao, chỉnh trang sân thể thao thành sân vận động cơ bản tại các huyện.

2

Sân vận động (2,0 ha)

12

24

3

Nhà tập luyện và thi đấu (500-1.000) chỗ

12

6

4

Bể bơi có mái (3.000m2)

6

1,8

Ghi chú: Tên, quy mô, địa điểm, diện tích đất sử dụng của các dự án sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ./.

PHỤ LỤC XIII

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG THƯƠNG MẠI TỈNH SƠN LA THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1676/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Tên công trình

Địa điểm dự kiến

Quy mô dự kiến

Ghi chú

I

Chợ

1

Chợ đầu mối nông sản Mai Sơn

Xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn

Hạng I

Xây mới

2

Chợ đầu mối thành phố Sơn La

Xã Hua La, thành phố Sơn La

Hạng I

Xây mới

3

Chợ đầu mối nông sản Mộc Châu

Thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu

Hạng II

Xây mới

4

Chợ Noong Đúc

Phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La

Hạng II

Xây mới

5

Chợ trung tâm huyện Vân Hồ

Lô số 31 quy hoạch Khu trung tâm hành chính, chính trị huyện Vân Hồ

Hạng II

Xây mới

6

Chợ trung tâm huyện Yên Châu

Thị trấn Yên Châu, huyện Yên Châu

Hạng II

Xây mới

7

Chợ trung tâm huyện Mường La

Tiểu khu 5, thị trấn Ít Ong, huyện Mường La

Hạng II

Xây mới

9

Chợ trung tâm huyện Sông Mã

Thị trấn Sông Mã, huyện Sông Mã

Hạng II

Xây mới

10

Chợ trung tâm huyện Mai Sơn

Thị trấn Mai Sơn, huyện Mai Sơn

Hạng II

Xây mới

11

Chợ trung tâm huyện Bắc Yên

Thị trấn Bắc Yên, huyện Bắc Yên

Hạng II

Xây mới

12

Chợ dân sinh tại các khu dân cư mới, xã, phường, thị trấn

Tại các khu dân cư mới, xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Hạng III

Xây mới

II

Trung tâm Hội chợ triển lãm

Trung tâm hội chợ triển lãm tỉnh Sơn La

Thành phố Sơn La

Hạng II

Xây mới

III

Trung tâm thương mại

1

Trung tâm thương mại thành phố Sơn La

Phường Chiềng Sinh, Tp Sơn La

Hạng III

Xây mới

2

Trung tâm thương mại huyện Mai Sơn

Thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn

Hạng III

Xây mới

3

Trung tâm thương mại huyện Thuận Châu

Thị trấn Thuận Châu, huyện Thuận Châu

Hạng III

Xây mới

4

Trung tâm thương mại huyện Sông Mã

Thị trấn Sông Mã, huyện Sông Mã

Hạng III

Xây mới

5

Trung tâm thương mại huyện Mường La

Tiểu khu 2, thị trấn Ít Ong

Hạng III

Xây mới

6

Trung tâm thương mại huyện Phù Yên

Thị trấn Phù Yên, huyện Phù Yên

Hạng III

Xây mới

7

Trung tâm thương mại huyện Mộc Châu

Thị trấn Mộc Châu

Hạng III

Xây mới

8

Khu thương mại dịch vụ, siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi.

Trung tâm các huyện, các xã trên địa bàn tỉnh

Xây mới

IV

Trung tâm logisgics

1

Trung tâm logistics Mai Sơn

Gần Khu Công nghiệp Mai Sơn và Cảng hàng không Nà Sản

Hạng II

Xây mới

2

Trung tâm logistics Mộc Châu

Huyện Mộc Châu

Hạng II

Xây mới

IV

Cửa hàng xăng dầu

Cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu

Tại các xã, ưu tiên các xã chưa có cửa hàng xăng dầu trên địa bàn toàn tỉnh.

Hạng III

Xây mới

Ghi chú: Tên, quy mô, địa điểm, diện tích đất sử dụng của các dự án sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ./

PHỤ LỤC XIV

CHỈ TIÊU SỬ DỤNG ĐẤT TỈNH SƠN LA THỜI KỲ 2021-2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1676/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Chỉ tiêu sử dụng đất

Diện tích cấp quốc gia phân bổ (ha)

Quy hoạch đến năm 2030 (ha)

I

Loại đất

Tổng diện tích tự nhiên

1.410.889*

1

Đất nông nghiệp

NNP

1.241.950

1.241.856

Trong đó:

1.1

Đất trồng lúa

LUA

40.659

40.659

Trong đó: Đất chuyên trồng lúa nước

LUC

12.712

12.712

1.2

Đất trồng cây lâu năm

CLN

120.375

1.3

Đất rừng phòng hộ

RPH

334.100

334.100

1.4

Đất rừng đặc dụng

RDD

87.831

87.831

1.5

Đất rừng sản xuất

RSX

272.810

272.810

Trong đó: Đất có rừng sản xuất là rừng tự nhiên

RSN

247.158

247.158

2

Đất phi nông nghiệp

PNN

76.242

76.242

Trong đó:

2.1

Đất quốc phòng

CQP

2.697

2.697

2.2

Đất an ninh (**)

CAN

549

657

2.3

Đất khu công nghiệp

SKK

366

366

2.4

Đất cụm công nghiệp

SKN

588

2.5

Đất thương mại, dịch vụ

TMD

1.842

2.6

Đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp

SKC

1.078

2.7

Đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản

SKS

2.730

2.8

Đất phát triển hạ tầng cấp quốc gia

DHT

42.899

42.899

Trong đó:

-

Đất giao thông

DGT

13.272

13.272

-

Đất thủy lợi

DTL

1.533

-

Đất xây dựng cơ sở văn hóa

DVH

360

360

-

Đất xây dựng cơ sở y tế

DYT

148

148

-

Đất xây dựng cơ sở giáo dục - đào tạo

DGD

1.189

1.189

-

Đất xây dựng cơ sở thể dục - thể thao

DTT

139

139

-

Đất công trình năng lượng

DNL

26.046

26.046

-

Đất bưu chính viễn thông

DBV

33

33

2.9

Đất xây dựng kho dữ trữ Quốc gia

DKG

8

8

2.10

Đất có di tích lịch sử - văn hóa

DDT

121

121

2.11

Đất bãi thải, xử lý chất thải

DRA

180

180

2.12

Đất cơ sở tôn giáo

TON

98

2.13

Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng

NTD

3.485

2.14

Đất danh lam thắng cảnh

DDL

4

2.15

Đất ở tại nông thôn

ONT

8.203

2.16

Đất ở tại đô thị

ODT

2.402

2.17

Đất xây dựng trụ sở cơ quan

TSC

254

2.18

Đất xây dựng trụ sở của tổ chức sự nghiệp

DTS

53

2.19

Đất xây dựng cơ sở ngoại giao

DNG

3

Đất chưa sử dụng

CSD

92.791

92.791

II

Khu chức năng***

1

Đất khu kinh tế

KKT

19.610

19.610

2

Đất đô thị

KDT

34.203

34.203

3

Đất khu sản xuất nông nghiệp

KNN

133.087

4

Khu lâm nghiệp

KLN

694.741

5

Khu du lịch

KDL

242.157

6

Khu bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học

KBT

88.085

7

Khu phát triển công nghiệp

KPC

954

8

Khu đô thị

DTC

3.798

9

Khu thương mại - dịch vụ

KTM

1.842

10

Khu dân cư nông thôn

DNT

40.485

Ghi chú:

(*) Diện tích tự nhiên của tỉnh Sơn La xác định thấp hơn diện tích cấp quốc gia phân bổ là do tỉnh Sơn La và tỉnh Hòa Bình đã hiệp thương thống nhất tuyến địa giới hành chính giữa tỉnh Sơn La và tỉnh Hoà Bình tại biên bản ngày 22/12/2021. Tỉnh Sơn La và tỉnh Hòa Bình tiếp tục thống nhất triển khai các thủ tục trình cấp có thẩm quyền đảm bảo quy định;

(**) Theo Quyết định số 95/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ: Quy hoạch 306 vị trí đất với tổng diện tích là 657 ha;

(***) Không tính vào tổng diện tích tự nhiên;

- Việc triển khai các dự án sau khi Quy hoạch tỉnh được phê duyệt phải bảo đảm phù hợp với chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất 2021 - 2030 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025 đã phân bổ cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ và các quyết định điều chỉnh, bổ sung (nếu có) của cấp có thẩm quyền;

- Trong quá trình triển khai thực hiện, chỉ tiêu đất quốc phòng, đất an ninh được điều chỉnh phù hợp với quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh được cấp có thẩm quyền phê duyệt./.

PHỤ LỤC XV

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CÁC KHU VỰC BẢO TỒN TỈNH SƠN LA THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1676/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Tên gọi

Diện tích dự kiến (ha)

Địa điểm dự kiến

I

Khu dự trữ thiên nhiên

1

Khu dự trữ thiên nhiên Mường La

18.836,10

Trên địa bàn các xã Hua Trai, Ngọc Chiến và Nậm Păm của huyện Mường La

2

Khu dự trữ thiên nhiên Tà Xùa

16.959,60

Trên địa bàn các xã: Háng Đồng, Tà Xùa (Bắc Yên), Suối Tọ, Mường Thải (Phù Yên).

3

Khu dự trữ thiên nhiên Xuân Nha

18.172,50

Trên địa bàn các xã: Chiềng Xuân, Tân Xuân, Xuân Nha (huyện Vân Hồ), Chiềng Sơn, (huyện Mộc Châu).

4

Khu dự trữ thiên nhiên Copia

16.337,7

Trên địa bàn các xã: Co Mạ, Long Hẹ, Chiềng Bôm (huyện Thuận Châu).

5

Khu dự trữ thiên nhiên Sốp Cộp

17.464,56

Trên địa bàn các xã: Nậm Mằn, Huổi Một, Mường Cai (huyện Sông Mã), Púng Bánh, Sốp Cộp, Dồm Cang (huyện Sốp Cộp).

II

Khu bảo vệ cảnh quan

1

Khu bảo vệ cảnh quan Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

268,70

Thuộc bản Nhọt, xã Gia Phù thuộc huyện Phù Yên.

2

Khu bảo vệ cảnh quan rừng lịch sử đền Thờ vua Lê Thái Tông

15,8

Thuộc Tổ 3, phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La

PHỤ LỤC XVI

PHƯƠNG ÁN BẢO VỆ, THĂM DÒ, KHAI THÁC VÀ SỬ DỤNG KHOÁNG SẢN TỈNH SƠN LA THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN 2050
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1676/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Mỏ khoáng sản

Số lượng khu vực thăm dò, khai thác dự kiến

I

Khoáng sản thuộc thẩm quyền quy hoạch của Trung ương

28

1

Chưa cấp phép

19

2

Đã cấp phép

9

II

Khoáng sản thuộc thẩm quyền quản lý của tỉnh

1

Khoáng sản đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường

53

2

Khoáng sản đá làm nguyên liệu sản xuất cát

13

3

Khoáng sản cát, sỏi trên sông, suối

53

4

Khoáng sản đất sét làm gạch ngói

12

5

Đất san lấp

31

6

Mỏ khoáng sản đã được khoanh định phân tán nhỏ lẻ

17

III

Các mỏ tiềm năng tiếp tục nghiên cứu đưa vào khai thác khi có đủ điều kiện

80

1

Các mỏ nghiên cứu để khoanh định khu vực có khoáng sản phân tán nhỏ lẻ

11

2

Các mỏ nghiên cứu tổ chức điều tra cơ bản địa chất

7

3

Các mỏ chưa được điều tra đánh giá được khoanh định bảo vệ khoáng sản chưa khai thác

62

Ghi chú: Trong quá trình thực hiện quy hoạch, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La rà soát, bảo đảm phù hợp với Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các quy hoạch, quy định khác có liên quan; bảo đảm không chồng lấn với khu vực khoáng sản đã được cấp có thẩm quyền cấp phép; thực hiện điều chỉnh, bổ sung theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh số lượng, ranh giới, quy mô, công suất, lộ trình khai thác, mục tiêu sử dụng (nếu cần) bảo đảm phù hợp với thực tiễn của địa phương và các quy định hiện hành./.

PHỤ LỤC XVII

DANH MỤC DỰ ÁN DỰ KIẾN ƯU TIÊN THỰC HIỆN TỈNH SƠN LA THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1676/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Tên dự án

Dự kiến địa điểm đầu tư

I

HẠ TẦNG GIAO THÔNG

1

Đường bộ cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, đoạn qua tỉnh Sơn La

Các huyện: Vân Hồ, Mộc Châu

2

Đường bộ cao tốc Mộc Châu- Thành phố Sơn La

Các huyện: Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn, thành phố Sơn La

3

Cảng hàng không Nà Sản

Huyện Mai Sơn

4

Sân bay chuyên dùng Mộc Châu (phục vụ phát triển du lịch)

Huyện Mộc Châu

5

Cảng Vạn Yên

Huyện Phù Yên

6

Cảng Tà Hộc

Huyện Mai Sơn

7

Dự án đường đôi nội thị từ Chiềng Sinh đến Nà Sản

Thành phố Sơn La, huyện Mai Sơn

8

Cải tạo, nâng cấp ĐT.101 (Vân Hồ - Mường Tè), huyện Vân Hồ

Huyện Vân Hồ

9

Cải tạo, nâng cấp ĐT.104 (Mộc Châu - Tân Hợp), huyện Mộc Châu

Huyện Mộc Châu

10

Cải tạo, nâng cấp ĐT.112 (Bắc Yên - Làng Chếu), huyện Bắc Yên

Huyện Bắc Yên

11

Cải tạo, nâng cấp ĐT.102 (Mường Lát - Mộc Châu), tỉnh Sơn La

Các huyện: Vân Hồ, Mộc Châu

12

Cải tạo, nâng cấp ĐT.105 (Sốp Cộp - Mường Lói), huyện Sốp Cộp

Huyện Sốp Cộp

13

Cải tạo, nâng cấp ĐT.105A (Sốp Cộp - Cửa khẩu Nậm Lạnh), huyện Sốp Cộp

Huyện Sốp Cộp

14

Đường tỉnh 118 (Chiềng Xôm - Chiềng Ngần - Mường Bằng - Cò Nòi)

Thành phố Sơn La, huyện Mai Sơn

15

ĐT.120C (Yên Châu - Tạ Khoa)

Các huyện: Yên Châu, Bắc Yên

16

Đường tránh thị trấn Phù Yên

Huyện Phù Yên

17

Đường Nậm Mằn, huyện Sông Mã - Púng Bánh, huyện Sốp Cộp

Các huyện Sông Mã, Sốp Cộp

18

Cải tạo, nâng cấp đường Chiềng Đông - Mường Lựm - Đá Đỏ - Tường Tiến

Các huyện: Yên Châu, Bắc Yên, Phù Yên

19

Đường Phù Yên - Quang Huy - Suối Tọ - Háng Đồng - Tà Xùa

Các huyện: Phù Yên, Bắc Yên

20

Đầu tư xây dựng đường Tân Hợp - Chiềng Sại

Huyện Mộc Châu

21

Đầu tư xây dựng đường Suối Bàng - Liên Hòa - Quang Minh - Mường Men - Chiềng Yên

Huyện Vân Hồ

22

Đầu tư xây dựng đường Bó Sinh - Mường Bám - É Tòng - Mường É, huyện Thuận Châu

Huyện Thuận Châu

23

Đầu tư xây dựng đường Hua Trai - Ngọc Chiến, huyện Mường La

Huyện Mường La

24

Đầu tư xây dựng đường Mường Và - Nậm Lạnh - Mường Lèo, huyện Sốp Cộp

Huyện Sốp Cộp

25

Đầu tư xây dựng đường Nậm Mằn - Đứa Mòn - Chiềng En - Pú Bẩu, huyện Sông Mã

Huyện Sông Mã

26

Đường vành đai đô thị thành phố Sơn La - thị trấn Mai Sơn, tỉnh Sơn La

Thành phố Sơn La, huyện Mai Sơn

II

HẠ TẦNG KHU CÔNG NGHIỆP, KHU KINH TẾ

1

Hạ tầng Khu kinh tế Lóng Sập

Xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu

2

Hạ tầng Khu kinh tế Chiềng Khương

Xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã

3

Hạ tầng Khu công nghiệp Mai Sơn

Xã Mường Bằng, huyện Mai Sơn

4

Hạ tầng Khu công nghiệp Vân Hồ

Xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ

5

Hạ tầng các Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh

Các huyện, thành phố

III

HẠ TẦNG PHỤC VỤ SẢN XUẤT KINH DOANH

1

Nhà máy chế biến chè công nghệ cao

Thị trấn Nông trường, huyện Mộc Châu

2

Nhà máy May

Quy hoạch cụm công nghiệp Hoàng Văn Thụ, TP.Sơn La

3

Nhà máy giầy - da

Quy hoạch cụm công nghiệp Hoàng Văn Thụ, TP.Sơn La

4

Dự án sơ chế, chế biến cà phê không gây ô nhiễm môi trường

Quy hoạch cụm công nghiệp Hoàng Văn Thụ

5

Nhà máy chế biến quả và dược liệu

Huyện Yên Châu

6

Dự án xây dựng cơ sở đóng mới, sửa chữa tầu thuyền

Xã Chiềng Bằng, xã Mường Giàng của huyện Quỳnh Nhai

7

Dự án tổ hợp chế biến thủy sản, nông sản, chế biến thức ăn gia súc, thức ăn nuôi thủy sản

Khu Phiêng Xía, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai

8

Nhà máy chế biến sâu cà phê

Huyện Thuận Châu

9

Nhà máy chế biến cà phê nhân

Huyện Thuận Châu

10

Nhà máy chế biến sắn

Huyện Thuận Châu

11

Nhà máy chế biến tinh bột sắn

Xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu/ huyện Sông Mã

12

Xí nghiệp giầy da

Huyện Thuận Châu

13

Nhà máy sản xuất chè công nghệ cao

Huyện Thuận Châu

14

Nhà máy chế biến hạt mắc ca

Huyện Quỳnh Nhai và một số huyện có vùng nguyên liệu

15

Các cơ sở, nhà máy bảo quản, chế biến rau, quả

Gắn với vùng nguyên liệu

IV

HẠ TẦNG THỦY LỢI, HỒ CHỨA, KÈ CHỐNG SẠT LỞ

1

Dự án kè chống sạt lở tại các khu đô thị trên địa bàn tỉnh

Các huyện, thành phố

2

Hệ thống kênh mương hạ tầng thủy lợi Nà Sản.

Huyện Mai Sơn

3

Dự án hồ Tà Phình 1+2

Huyện Mộc Châu

4

Dự án hồ Chiềng Đi

Huyện Mộc Châu

5

Dự án hồ Km 67

Huyện Mộc Châu

6

Dự án hồ Cò Chịa

Huyện Yên Châu

7

Dự án hồ Bằng Mặn

Huyện Thuận Châu

8

Tưới ẩm cho cây công nghiệp xã Chiềng Ngần, khai thác hồ Bản Mòng

Thành phố Sơn La

V

HẠ TẦNG THƯƠNG MẠI, DỊCH VỤ, DU LỊCH

1

Bãi đỗ xe và kho vận (tại các khu vực có điểm đấu nối từ Trung tâm thành phố với đường Quốc lộ 6 và 02 đầu tuyến vào thành phố )

05 điểm tại Chiềng Cọ, Hua La, Chiềng Sinh, TP.Sơn La

2

Xây dựng, nâng cấp hệ thống bến xe, trạm dừng nghỉ Mộc Châu

Huyện Mộc Châu

3

Dự án xây dựng và khai thác các bến xe khách, xe buýt tại các xã Mường Giôn, Chiềng Khay, Chiềng Khoang

Các xã: Mường Giôn, Chiềng Khay, Chiềng Khoang của huyện Quỳnh Nhai

4

Xây dựng, khai thác các bến xe khách, xe buýt, bến tàu thủy phục vụ du lịch (sông Đà).

Huyện Mộc Châu

5

Xây dựng, khai thác bến thủy nội địa

Các xã: Mường Chiên, Pá Ma Pha Khinh, Mường Giàng, Chiềng Bằng, Chiềng Khoang của huyện Quỳnh Nhai

6

Xây dựng các chợ đầu mối nông sản

Thành phố Sơn La, huyện Mộc Châu, huyện Mai Sơn

9

Chợ trung tâm huyện Vân Hồ

Xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ

10

Chợ Noong Đúc, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La

Phường Chiềng Sinh, TP.Sơn La

11

Trung tâm thương mại

Các huyện, thành phố

12

Dự án đầu tư khu thương mại dịch vụ, cửa hàng tiện ích, siêu thị mini tại trung tâm các xã

Các xã trên địa bàn tỉnh

13

Trung tâm hội chợ triển lãm

TP Sơn La

14

Trung tâm Logistics

Các huyện: Mộc Châu, Vân Hồ, Mai Sơn

15

Cửa hàng xăng dầu

Các xã chưa có cửa hàng xăng dầu trên địa bàn toàn tỉnh

16

Hạ tầng dịch vụ du lịch đỉnh Pha Luông

Huyện Mộc Châu

17

Khu trung tâm du lịch sinh thái thị trấn Nông trường Mộc Châu

Thị trấn Nông trường, huyện Mộc Châu

18

Khu du lịch sinh thái bảo tồn chè Mộc Châu

Huyện Mộc Châu

19

Đầu tư hạ tầng dịch vụ du lịch thị trấn Bắc Yên

Huyện Bắc Yên

20

Khu du lịch đèo Pha Đin

Huyện Thuận Châu

21

Khu du lịch tâm linh đền Hang Miếng

Xã Quang Minh, huyện Vân Hồ

22

Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng phức hợp thác Nàng tiên, thác Chiềng Khoa

Xã Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ

23

Khu du lịch thương mại

Xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ

24

Du lịch sinh thái hồ bản Mòng

Bản Mòng, xã Hua La, TP. Sơn La

25

Khu du lịch khoáng nóng nản Mòng, thành phố Sơn La

Bản Mòng, xã Hua La, thành phố Sơn La

26

Dự án Khu vui chơi giải trí và du lịch sinh thái Hồ Tiền Phong

Huyện Mai Sơn

27

Các dự án phát triển du lịch cộng đồng

Các huyện, thành phố

28

Khu du lịch sinh thái Hồ Mường Lựm

Xã Mường Lựm, huyện Yên Châu

29

Phát triển du lịch bản Thín Khá

Xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu

30

Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí Ngọc Chiến, huyện Mường La

Xã Ngọc Chiến, huyện Mường La

31

Dự án phát triển du lịch sinh thái vùng lòng hồ thủy điện Sơn La

Thị trấn Ít Ong, huyện Mường La

32

Dự án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, dịch vụ vui chơi, giải trí trên lòng hồ thủy điện Sơn La địa phận huyện Quỳnh Nhai

Các xã: Mường Giàng, Chiềng Ơn, Pá Ma Pha Khinh, Mường Chiên của huyện Quỳnh Nhai

33

Dự án khai thác hang động, xây dựng khu nghỉ dưỡng suối nước nóng; du lịch văn hóa, cộng đồng, sinh thái xã Mường Chiên

Xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai

34

Dự án phát triển khu du lịch sinh thái vùng lòng hồ thủy điện Sơn La

Các đảo trên lòng hồ thủy điện Sơn la

35

Dự án khu du lịch văn hóa tâm linh

Xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai

36

Dự án khai thác phát triển du lịch các hang động, đỉnh Khâu Pùm - Chiềng Khay; du lịch văn hóa, cộng đồng, sinh thái gắn với nông nghiệp nông thôn xã Chiềng Khay

Xã Chiềng Khay, huyện Quỳnh Nhai

37

Đầu tư Khu du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La trở thành Khu du lịch quốc gia sau năm 2030

Các huyện: Quỳnh Nhai, Mường La

38

Du lịch khu di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp, rừng bản Nhọt xã Gia Phù, huyện Phù Yên

Xã Gia Phù, huyện Phù Yên

39

Du lịch đồi thông Nong Cốp

Xã Quang Huy, huyện Phù Yên

40

Khu nhà ở, thương mại dịch vụ và khu khách sạn ngã ba Quốc lộ 6 - Quốc lộ 43

Thị trấn Nông trường, huyện Mộc Châu

41

Khu đô thị, du lịch sinh thái Suối Vân Hồ

Tểu khu Sao Đỏ 1, Sao Đỏ 2, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ

42

Khu nhà ở hỗn hợp và trung tâm thương mại Vân Hồ

Xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ

43

Khu dân cư sinh thái kết hợp du lịch bền vững

Xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ

44

Khu biệt thự nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái Đồi mây Vân Hồ

Xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ

45

Khu biệt thự và sân golf public

Bản Xồm Lồm, xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu

46

Khu nghỉ dưỡng và dịch vụ sân golf xã Mường Sang

Xã Mường Sang, huyện Mộc Châu

47

Khu nghỉ dưỡng và dịch vụ sân golf xã Chiềng Sơn

Xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu

48

Khu nghỉ dưỡng và dịch vụ sân golf xã Tân Hợp

Xã Tân Hợp (xã Tân Lập + Tân Hợp), huyện Mộc Châu

49

Khu nghỉ dưỡng dịch vụ sân golf và khu tham quan, vui chơi, giải trí xã Hua Păng

Xã Hua Păng, huyện Mộc Châu

VI

HẠ TẦNG VĂN HÓA, XÃ HỘI

1

Hạ tầng kỹ thuật khung xây dựng khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La

Huyện Mộc Châu

2

Khu Liên hợp thể thao huyện Mộc Châu

Huyện Mộc Châu

3

Dự án đầu tư xây dựng bệnh viện đa khoa hạng II TP Sơn La

TP Sơn La

4

Dự án bệnh viện đa khoa khu vực Mộc Châu

Huyện Mộc Châu

5

Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

TP Sơn La

6

Đầu tư nâng cao năng lực đo lường thử nghiệm và kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh Sơn La

Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường tỉnh Sơn La

7

Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Sơn La

Thành phố Sơn La, Sông Mã, Thuận Châu, Yên Châu, Phù Yên…

8

Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh

Thành phố Sơn La

9

Trung tâm điều dưỡng và phục hồi chức năng bệnh nhân tâm thân

Thành phố Sơn La

10

Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh

Thành phố Sơn La

11

Dự án bổ sung cơ sở vật chất cho Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh

Thành phố Sơn La

12

Cải tạo, nâng cấp Trường trung học phổ thông Tô Hiệu thành phố Sơn La

Thành phố Sơn La

13

Trường trung học phổ thông Mường Giôn

Huyện Quỳnh Nhai

14

Trường Cao đẳng Sơn La

Thành phố Sơn La

15

Bệnh viện chất lượng cao

Xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn

16

Trường Mầm non tư thục, trường Tiểu học, Trung học cơ sở dọc Quốc lộ 6

Các huyện dọc trục Quốc lộ 6 trên địa bàn

17

Trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông chất lượng cao

Thị trấn Phù Yên

18

Nhà hát biểu diễn nghệ thuật tỉnh Sơn La

Thành phố Sơn La

19

Bảo tàng tổng hợp tỉnh Sơn La

Thành phố Sơn La

20

Rạp chiếu phim tỉnh Sơn La

Thành phố Sơn La

21

Trung tâm thể dục thể thao tỉnh Sơn La (giai đoạn II)

Thành phố Sơn La

22

Trường trung học phổ thông Chiềng Lao

Huyện Mường La

23

Trường tiểu học, trung học cơ sở chất lượng cao Ít Ong

Huyện Mường La

24

Đầu tư hạ tầng dịch vụ du lịch thị trấn Ít Ong gắn với du lịch lòng hồ và du lịch Ngọc Chiến

Thị trấn Ít Ong, huyện Mường La

VII

HẠ TẦNG CẤP, THOÁT NƯỚC

1

Dự án cấp nước sạch đô thị

Các huyện, thành phố

2

Dự án cấp nước sạch nông thôn

Các xã trên địa bàn tỉnh

3

Hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt

Các huyện, thành phố

4

Dự án xử lý nước thải đô thị (Sốp Cộp, Sông Mã, Chiềng Khương)

Các huyện: Sốp Cộp, Sông Mã

VIII

HẠ TẦNG KHU ĐÔ THỊ, KHU DÂN CƯ

Xây dựng các khu đô thị, khu dân cư

Các huyện, thành phố

IX

HẠ TẦNG XỬ LÝ MÔI TRƯỜNG

1

Nhà máy xử lý môi trường huyện Mộc Châu

Xã Mường Sang, huyện Mộc Châu

2

Dự án khu xử lý chất thải rắn cho các khu đô thị

Các khu đô thị trên địa bàn toàn tỉnh

3

Công viên nghĩa trang tại thành phố Sơn La

Bản Nà Ngần, bản Ka Láp và bản Phường, xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La

4

Thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nước thải sinh hoạt tại nông thôn

Các xã: Hua La, Chiềng Đen, Chiềng Ngần, Chiềng Cọ, Chiềng Xôm của thành phố Sơn La

5

Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, tái chế rác thải theo công nghệ hiện đại

Huyện Mai Sơn

6

Dự án đầu tư xây dựng Khu xử lý rác thải sinh hoạt huyện Quỳnh Nhai

Xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai

7

Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt; tái chế rác thải theo công nghệ hiện đại

Huyện Phù Yên

X

HẠ TẦNG NÔNG, LÂM NGHIỆP

1

Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Sơn La

Xã Tân Lập, Mường Sang, huyện Mộc Châu

2

Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Các huyện, thành phố

3

Xây dựng các mô hình sản xuất nông sản, thủy sản ứng dụng công nghệ cao

Các huyện, thành phố

4

Nghiên cứu, ứng dụng, hỗ trợ giống cây trồng nông nghiệp, lâm nghiệp

Các huyện, thành phố

5

Nghiên cứu, ứng dụng, hỗ trợ giống vật nuôi, thủy sản

Các huyện, thành phố

6

Trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ

Huyện Mộc Châu

7

Dự án phát triển vùng nguyên liệu cây lâm nghiệp lấy gỗ, tre

Huyện Mộc Châu

8

Chăn nuôi bò thịt tập trung

Xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ

XI

HẠ TẦNG QUỐC PHÒNG, AN NINH

1

Dự án Nhà tạm giữ Công an thành phố Sơn La

Thành phố Sơn La

2

Trụ sở làm việc Công an thành phố Sơn La

Thành phố Sơn La

3

Trung tâm huấn luyện và đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn đặc biệt tinh nhuệ theo đề án số 10 của Bộ Công an

Thành phố Sơn La

4

Đội Cảnh sát PCCC&CNCH thuộc Công an thành phố Sơn La

Thành phố Sơn La

5

Trại tạm giam mới Công an tỉnh

Thành phố Sơn La

6

Bệnh xá/bệnh viện Công an tỉnh Sơn La

Thành phố Sơn La

Ghi chú:

- Đối với các dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư và các dự án đang xử lý theo các kết luận thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán, thi hành bản án (nếu có): Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La rà soát, cam kết không hợp thức hóa các sai phạm và chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, trước Thủ tướng Chính phủ về quá trình lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương và quyết định đầu tư dự án; đối với các dự án đang xử lý theo các kết luận thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán, thi hành bản án: chỉ được triển khai sau khi đã thực hiện đầy đủ các nội dung theo kết luận thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán, bản án và được cấp có thẩm quyền chấp thuận, bảo đảm phù hợp với các quy định hiện hành.

- Tên, quy mô và phạm vi ranh giới các dự án sẽ được xác định chính xác trong quá trình lập quy hoạch xây dựng và lập dự án đầu tư.

- Các công trình, dự án đã được xác định ở quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng đầu tư trên địa bàn tỉnh thực hiện theo Quy hoạch cấp quốc gia và Quy hoạch vùng được phê duyệt./.

PHỤ LỤC XVIII

DANH MỤC BẢN ĐỒ QUY HOẠCH TỈNH SƠN LA THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1676/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Tên bản đồ

Tỷ lệ

1

Sơ đồ phương án quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

1:100.000

2

Sơ đồ phương án tổ chức không gian và phân vùng chức năng tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

1:100.000

3

Sơ đồ phương án phát triển kết cấu hạ tầng xã hội tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

1:100.000

4

Sơ đồ phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

1:100.000

5

Sơ đồ phương án phân bổ và khoanh vùng các chỉ tiêu sử dụng đất tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

1:100.000

6

Sơ đồ phương án thăm dò, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

1:100.000

7

Sơ đồ phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phòng, chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

1:100.000

8

Sơ đồ phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

1:100.000

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 1676/QĐ-TTg ngày 25/12/2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


4.969

DMCA.com Protection Status
IP: 18.190.239.38
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!