Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị định 80/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 73/2016/NĐ-CP 98/2013/NĐ-CP

Số hiệu: 80/2019/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
Ngày ban hành: 01/11/2019 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Điều kiện thực hiện hoạt động phụ trợ bảo hiểm đối với cá nhân

Ngày 01/11/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 80/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 73/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm.

Theo đó, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm là bộ phận cấu thành của hoạt động kinh doanh bảo hiểm được ghi nhận tại Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2019.

Cá nhân trực tiếp thực hiện một số các hoạt động phụ trợ bảo hiểm phải đáp ứng các điều kiện sau về văn bằng, chứng chỉ:

+ Hoạt động tư vấn bảo hiểm: Có văn bằng từ đại học trở lên chuyên ngành bảo hiểm hoặc từ đại học trở lên chuyên ngành khác và có chứng chỉ về tư vấn bảo hiểm.

+ Hoạt động đánh giá rủi ro bảo hiểm: Có văn bằng từ đại học trở lên chuyên ngành bảo hiểm hoặc từ đại học trở lên chuyên ngành khác và có chứng chỉ về đánh giá rủi ro bảo hiểm.

+ Hoạt động hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm phải đáp ứng điều kiện có văn bằng từ cao đẳng trở lên và có chứng chỉ về hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm.

Luật gia Bùi Tường Vũ, Giám đốc THƯ VIỆN PHÁP LUẬT cho biết: “Việc quy định chặt chẽ về bằng cấp, trình độ của các cá nhân tham gia sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; các hoạt động phụ trợ sẽ diễn ra một cách hiệu quả, đảm bảo an toàn cho khách hàng”.

Xem thêm chi tiết về điều kiện đối với cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động tính toán bảo hiểm, giám định tổn thất bảo hiểm tại Nghị định 80/2019/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày ban hành).

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 80/2019/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 01 tháng 11 năm 2019

NGHỊ ĐỊNH

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 73/2016/NĐ-CP NGÀY 01 THÁNG 7 NĂM 2016 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH LUẬT KINH DOANH BẢO HIỂM VÀ LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT KINH DOANH BẢO HIỂM; NGHỊ ĐỊNH SỐ 98/2013/NĐ-CP NGÀY 28 THÁNG 8 NĂM 2013 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRỌNG LĨNH VỰC KINH DOANH BẢO HIỂM, KINH DOANH XỔ SỐ ĐÃ ĐƯỢC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 48/2018/NĐ-CP NGÀY 21 THÁNG 3 NĂM 2018 CỦA CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Kinh doanh bảo hiểm ngày 09 tháng 12 năm 2000;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm ngày 24 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Luật Phòng, chống rửa tiền ngày 18 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật Phòng, chống khủng bố ngày 12 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểmLuật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm; Nghị định số 98/2013/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 48/2018/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểmLuật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm

1. Sửa đổi, bổ sung Điều 1 như sau:

“1. Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểmLuật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm:

a) Thành lập và hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe, doanh nghiệp tái bảo hiểm (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp bảo hiểm), chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài (sau đây gọi tắt là chi nhánh nước ngoài), doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới, văn phòng đại diện của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài và quỹ bảo vệ người được bảo hiểm;

b) Chế độ quản lý tài chính đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm;

c) Điều kiện đối với cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động phụ trợ bảo hiểm trong tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; tiêu chuẩn trong lĩnh vực phụ trợ bảo hiểm; bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho việc cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới; giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

2. Nghị định này áp dụng đối với:

a) Doanh nghiệp bảo hiểm;

b) Chi nhánh nước ngoài;

c) Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, đại lý bảo hiểm;

d) Cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm;

đ) Cá nhân, tổ chức khác có liên quan.”

2. Bổ sung khoản 3a sau khoản 3 Điều 21 như sau:

“3a. Hồ sơ đề nghị thay đổi nội dung hoạt động phụ trợ bảo hiểm bao gồm tài liệu quy định tại điểm a, điểm b và điểm đ khoản 3 Điều này.”

3. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 32 như sau:

“b) Thuê tổ chức cung cấp dịch vụ tính toán bảo hiểm đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 93b được bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệkhoản 3 Điều 89a của Nghị định này để thực hiện nhiệm vụ của chuyên gia tính toán dự phòng và khả năng thanh toán theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Trong trường hợp thuê tổ chức cung cấp dịch vụ tính toán bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài phải thông báo cho Bộ Tài chính về tổ chức cung cấp dịch vụ tính toán bảo hiểm, cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động tính toán bảo hiểm trong tổ chức và thời hạn của hợp đồng cung cấp dịch vụ tính toán bảo hiểm.”

4. Bổ sung khoản 1a sau khoản 1 Điều 68 như sau:

“1a. Doanh thu cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm: Thu từ việc cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm quy định tại điểm b khoản 2 Điều 93 a được bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ.”

5. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1, bổ sung khoản 1a sau khoản 1 Điều 69 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 69 như sau:

“1. Chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm: Là số tiền phải chi, phải trích phát sinh trong kỳ sau khi đã trừ các khoản phải thu để giảm chi phát sinh trong kỳ.

a) Số tiền phải chi, phải trích phát sinh trong kỳ bao gồm:

- Bồi thường bảo hiểm gốc đối với bảo hiểm phi nhân thọ; trả tiền bảo hiểm đối với bảo hiểm nhân thọ;

- Chi bồi thường nhận tái bảo hiểm;

- Trích lập dự phòng nghiệp vụ;

- Chi hoa hồng bảo hiểm;

- Chi cho doanh nghiệp môi giới bảo hiểm bao gồm: Chi hoa hồng môi giới bảo hiểm và các khoản chi khác theo quy định;

- Chi giám định tổn thất;

- Chi phí thu đòi người thứ ba bồi hoàn;

- Chi xử lý hàng bồi thường 100%;

- Chi phí quản lý hợp đồng (leading fee) của công ty bảo hiểm đứng đầu trong trường hợp đồng bảo hiểm (nếu các bên có văn bản thỏa thuận về khoản chi này);

- Chi quản lý đại lý bảo hiểm bao gồm: Chi đào tạo ban đầu và thi cấp chứng chỉ đại lý, chi đào tạo nâng cao kiến thức cho đại lý, chi tuyển dụng đại lý, chi khen thưởng đại lý và chi hỗ trợ đại lý;

- Chi đề phòng, hạn chế rủi ro, tổn thất;

- Chi đánh giá rủi ro của đối tượng bảo hiểm;

- Chi sử dụng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm bao gồm: chi tư vấn bảo hiểm, chi đánh giá rủi ro bảo hiểm, chi tính toán bảo hiểm, chi giám định tổn thất bảo hiểm, chi hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm;

- Các khoản chi phí, trích lập khác theo quy định pháp luật.”

b) Bổ sung khoản 1a sau khoản 1 Điều 69 như sau:

“1a. Chi phí cho việc cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.”

6. Sửa đổi, bổ sung khoản 1, bổ sung khoản 1a sau khoản 1 Điều 71 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 71 như sau:

“1. Doanh thu hoạt động môi giới bảo hiểm:

Thu hoa hồng môi giới bảo hiểm từ phí bảo hiểm thu được đối với các nội dung hoạt động quy định tại Điều 90 Luật Kinh doanh bảo hiểm.”

b) Bổ sung khoản 1a sau khoản 1 Điều 71 như sau:

“1a. Doanh thu cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm: Thu từ việc cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm quy định tại điểm b khoản 2 Điều 93a được bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ.”

7. Sửa đổi, bổ sung khoản 1, bổ sung khoản 1a sau khoản 1 Điều 72 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 72 như sau:

“1. Chi phí hoạt động môi giới bảo hiểm:

a) Chi hoạt động môi giới bảo hiểm;

b) Chi mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp;

c) Chi sử dụng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm bao gồm: chi tư vấn bảo hiểm, chi đánh giá rủi ro bảo hiểm, chi tính toán bảo hiểm, chi giám định tổn thất bảo hiểm, chi hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm;

d) Các khoản chi phí, trích lập khác theo quy định pháp luật.”

b) Bổ sung khoản 1a sau khoản 1 Điều 72 như sau:

“1a. Chi phí cho việc cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.”

8. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 80 như sau:

“1. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm có trách nhiệm lập và gửi các báo cáo tài chính, báo cáo thống kê, báo cáo nghiệp vụ, báo cáo sử dụng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm định kỳ, đột xuất; tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm có trách nhiệm lập và gửi báo cáo tình hình cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm và báo cáo danh sách cá nhân trực tiếp thực hiện từng loại hình hoạt động phụ trợ bảo hiểm trong tổ chức định kỳ, đột xuất theo quy định pháp luật hiện hành và hướng dẫn của Bộ Tài chính.”

9. Bổ sung Chương Va vào sau Chương V như sau:

“Chương Va

DỊCH VỤ PHỤ TRỢ BẢO HIỂM

Điều 89a. Điều kiện văn bằng, chứng chỉ, tiêu chuẩn đối với cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động phụ trợ bảo hiểm trong tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm

1. Cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động tư vấn bảo hiểm phải đáp ứng một trong các điều kiện về văn bằng, chứng chỉ như sau:

a) Có văn bằng từ đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm.

b) Có văn bằng từ đại học trở lên về chuyên ngành khác và chứng chỉ về tư vấn bảo hiểm.

2. Cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động đánh giá rủi ro bảo hiểm phải đáp ứng một trong các điều kiện về văn bằng, chứng chỉ như sau:

a) Có văn bằng từ đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm.

b) Có văn bằng từ đại học trở lên về chuyên ngành khác và chứng chỉ về đánh giá rủi ro bảo hiểm.

3. Điều kiện, tiêu chuẩn đối với cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động tính toán bảo hiểm như sau:

a) Cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động tính toán bảo hiểm đối với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 31 Nghị định này.

b) Cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động tính toán bảo hiểm đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn tại điểm b và điểm d khoản 1 Điều 32 Nghị định này.

4. Cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động giám định tổn thất bảo hiểm phải đáp ứng các điều kiện về văn bằng, chứng chỉ, tiêu chuẩn như sau:

a) Có văn bằng từ cao đẳng trở lên phù hợp với lĩnh vực giám định;

b) Có chứng chỉ về giám định tổn thất bảo hiểm;

c) Có ít nhất ba năm công tác trong lĩnh vực giám định.

5. Cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm phải đáp ứng các điều kiện về văn bằng, chứng chỉ như sau:

a) Có văn bằng từ cao đẳng trở lên;

b) Có chứng chỉ về hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm.

Điều 89b. Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho việc cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm

Cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho việc cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Mức trách nhiệm bảo hiểm nghề nghiệp được xác định theo thỏa thuận trong hợp đồng cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm cho từng loại hình dịch vụ phụ trợ bảo hiểm cung cấp.

Điều 89c. Tiêu chuẩn trong lĩnh vực phụ trợ bảo hiểm

1. Tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải xây dựng, triển khai và giám sát việc thực hiện tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

2. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm sử dụng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải xây dựng, triển khai và giám sát việc thực hiện tiêu chuẩn lựa chọn, sử dụng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm sử dụng tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam thì tổ chức nước ngoài phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:

a) Được phép cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới theo quy định của pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ nơi tổ chức đóng trụ sở chính;

b) Đang hoạt động hợp pháp ít nhất 10 năm tính tới thời điểm cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam;

c) Không vi phạm các quy định pháp luật về cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm nơi tổ chức đóng trụ sở chính trong thời hạn 03 năm liền kề trước năm cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam;

d) Hoạt động kinh doanh có lãi trong 03 năm tài chính liền kề trước năm cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam.

10. Sửa đổi, bổ sung tên chương VI như sau:

“Chương VI

CUNG CẤP VÀ SỬ DỤNG DỊCH VỤ BẢO HIỂM, MÔI GIỚI BẢO HIỂM, PHỤ TRỢ BẢO HIỂM QUA BIÊN GIỚI”

11. Sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 3 Điều 90 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 90 như sau:

“1. Đối tượng cung cấp dịch vụ bảo hiểm, môi giới bảo hiểm qua biên giới (sau đây gọi là cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới) là doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài có trụ sở chính tại quốc gia mà Việt Nam và quốc gia đó đã ký kết các điều ước quốc tế về thương mại trong đó có thỏa thuận về cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam.

Đối tượng cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới là cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm qua biên giới, tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới (doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và tổ chức khác có tư cách pháp nhân) theo quy định tại các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên trong đó có thỏa thuận về cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới.”

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 90 như sau:

“3. Các dịch vụ tái bảo hiểm, bảo hiểm hàng hải quốc tế, bảo hiểm hàng không quốc tế, môi giới tái bảo hiểm quốc tế thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành và thông lệ tốt nhất”.

12. Bổ sung Điều 91 a sau Điều 91 như sau:

“Điều 91 a. Điều kiện cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới

1. Cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 93b được bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ.

2. Tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam phải đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 93b được bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ.”

13. Sửa đổi, bổ sung Điều 92 như sau:

“Điều 92. Phương thức thực hiện cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam

1. Doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài khi cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam phải thực hiện thông qua doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam.

2. Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam phải môi giới cho doanh nghiệp bảo hiểm hoặc chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam.

3. Cá nhân, tổ chức nước ngoài được phép cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm tại Việt Nam.

Cá nhân, tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới cho các cá nhân, tổ chức không phải là doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm tại Việt Nam thì phải hợp tác với tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam”.

14. Sửa đổi, bổ sung Điều 93 như sau:

“Điều 93. Trách nhiệm của đối tượng cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới

1. Cung cấp cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được cấp Giấy phép tại Việt Nam có tham gia vào quá trình cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới theo quy định tại Điều 92 Nghị định này các tài liệu chứng minh đáp ứng các điều kiện cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới theo quy định tại Điều 91 Nghị định này.

Cung cấp cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm tại Việt Nam sử dụng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới, tổ chức trong nước tham gia vào quá trình cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới các tài liệu chứng minh cá nhân, tổ chức nước ngoài đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 91 a Nghị định này.

2. Cá nhân, tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam có trách nhiệm thực hiện quy định về cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm tại Điều 93 a được bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ.

3. Trong thời hạn 120 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới gửi cho Bộ Tài chính báo cáo tài chính của năm trước liền kề có xác nhận của tổ chức kiểm toán độc lập và văn bản nhận xét của cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm nước ngoài nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính về tình hình thực hiện các quy định pháp luật của doanh nghiệp.

4. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới; cá nhân, tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới có trách nhiệm nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác có liên quan đến việc cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam theo quy định pháp luật về thuế.”

15. Sửa đổi, bổ sung Điều 94 như sau:

“Điều 94. Trách nhiệm của các đối tượng liên quan đến việc cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới

Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được cấp Giấy phép tại Việt Nam, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm tham gia cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới theo quy định tại Điều 92 Nghị định này có các trách nhiệm sau:

1. Lưu giữ các tài liệu chứng minh đối tượng cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam mà mình cùng tham gia cung cấp bảo hiểm đáp ứng điều kiện theo quy định tại Điều 91 Nghị định này; lưu giữ các tài liệu chứng minh cá nhân, tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam đáp ứng điều kiện theo quy định tại Điều 91a Nghị định này và cung cấp cho cơ quan chức năng khi được yêu cầu.

2. Hằng quý, báo cáo Bộ Tài chính việc tham gia cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới, việc sử dụng và tham gia cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới thực hiện trong kỳ tại Việt Nam trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc quý. Mẫu báo cáo do Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định.

3. Sử dụng hoặc tham gia cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới với cá nhân, tổ chức nước ngoài đáp ứng điều kiện theo quy định tại Điều 91a Nghị định này.”

16. Sửa đổi, bổ sung khoản 1, bổ sung khoản 14 Điều 110 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 110 như sau:

“1. Hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; xây dựng các chính sách, chế độ liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam”.

b) Bổ sung khoản 14 Điều 110 như sau:

“14. Quản lý, giám sát hoạt động phụ trợ bảo hiểm như sau:

a) Quản lý, giám sát hoạt động cung cấp và sử dụng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.

b) Giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm của cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm thông qua việc chấp hành quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, trách nhiệm, điều kiện cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

c) Giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới của cá nhân, tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm tại Việt Nam thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.”

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2013/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 48/2018/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ

1. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 2 như sau:

“1. Cá nhân, tổ chức Việt Nam, cá nhân, tổ chức nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số quy định tại Nghị định này.

Tổ chức là đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số theo quy định của Nghị định này bao gồm: Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe, doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, văn phòng đại diện của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, văn phòng đại diện của doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, văn phòng đại diện của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài, đại lý bảo hiểm là tổ chức, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm (doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và tổ chức khác có tư cách pháp nhân), doanh nghiệp kinh doanh xổ số, đại lý xổ số là tổ chức và các tổ chức khác có liên quan quy định tại Nghị định này.”

2. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1, bổ sung điểm c khoản 1, sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 3 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 3 như sau:

“b) Phạt tiền;

Mức xử phạt bằng tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này là mức xử phạt đối với cá nhân trừ trường hợp quy định tại Điều 13, khoản 4 Điều 18, Điều 21, điểm b khoản 1 Điều 21a, Điều 22, khoản 3, khoản 4 Điều 24, điểm b, điểm c khoản 1 và điểm c khoản 2 Điều 25a, Điều 32a, Điều 34, khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 36, khoản 2 Điều 40, khoản 2 Điều 41, Điều 42, Điều 43, Điều 44, Điều 45, khoản 3 Điều 46, Điều 48, Điều 49, Điều 50 và khoản 2 Điều 51 của Nghị định này chỉ áp dụng để xử phạt đối với tổ chức.

Mức xử phạt bằng tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân cho cùng hành vi vi phạm.

Mức phạt tiền đối với cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số tối đa là 100.000.000 đồng, đối với tổ chức tối đa là 200.000.000 đồng.”

b) Bổ sung điểm c khoản 1 Điều 3 như sau:

“c) Đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm có thời hạn.”

c) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 3 như sau:

“a) Đối với lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm:

Tước quyền sử dụng Chứng chỉ đại lý bảo hiểm có thời hạn; tước quyền sử dụng Chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm có thời hạn;

Đình chỉ hoạt động có thời hạn một phần nội dung, phạm vi liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm trong Giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài;

Đình chỉ hoạt động đại lý bảo hiểm có thời hạn;

Đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm có thời hạn;

Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.”

3. Bổ sung Điều 21a sau Điều 21 như sau:

“Điều 21a. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới đối với cá nhân, tổ chức nước ngoài

1. Phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức nước ngoài thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với trường hợp cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam nhưng không phải là công dân tại quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam có cam kết mở cửa thị trường đối với dịch vụ tư vấn bảo hiểm qua biên giới.

b) Phạt tiền từ 180.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với trường hợp tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam không có trụ sở chính tại quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam có cam kết mở cửa thị trường đối với dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới.

2. Đình chỉ cá nhân, tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm từ 03 tháng đến 06 tháng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam không đáp ứng điều kiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 93b được bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ.

b) Cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm không đúng loại hình dịch vụ phụ trợ bảo hiểm được phép cung cấp theo quy định pháp luật.

3. Trong thời gian bị đình chỉ cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại khoản 2 Điều này, cá nhân, tổ chức nước ngoài tiếp tục có hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này sẽ bị đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam từ 06 đến 12 tháng.

4. Sửa đổi, bổ sung tên Mục 4 Chương II như sau:

“Mục 4

HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH, HÌNH THỨC XỬ PHẠT VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG MÔI GIỚI, ĐẠI LÝ BẢO HIỂM, PHỤ TRỢ BẢO HIỂM VÀ VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN”

5. Bổ sung Điều 25a sau Điều 25 như sau:

“Điều 25a. Xử phạt đối với các hành vi vi phạm cùng cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm của cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm khi cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm như sau:

a) Không giữ bí mật thông tin khách hàng hoặc sử dụng thông tin khách hàng không đúng mục đích hoặc cung cấp thông tin cho bên thứ ba mà không có sự chấp thuận của khách hàng, trừ trường hợp cung cấp theo quy định pháp luật;

b) Tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm cung cấp dịch vụ giám định tổn thất bảo hiểm và hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm cho hợp đồng bảo hiểm mà tổ chức đó đồng thời là bên mua bảo hiểm hoặc người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng;

c) Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm cung cấp dịch vụ giám định tổn thất bảo hiểm cho hợp đồng bảo hiểm mà doanh nghiệp đó thực hiện thu xếp giao kết hợp đồng bảo hiểm;

d) Không thực hiện đúng quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực dịch vụ phụ trợ bảo hiểm;

đ) Hợp đồng cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm không được lập bằng văn bản.

2. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm khi cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm như sau:

a) Cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm không đúng loại hình dịch vụ phụ trợ bảo hiểm được quyền cung cấp;

b) Cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm không đáp ứng điều kiện cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm theo quy định pháp luật;

c) Tổ chức không có tư cách pháp nhân cung cấp một trong các dịch vụ phụ trợ bảo hiểm sau: đánh giá rủi ro bảo hiểm, tính toán bảo hiểm, giám định tổn thất bảo hiểm, hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng Chứng chỉ về tư vấn bảo hiểm từ 01 đến 03 tháng đối với cá nhân có hành vi vi phạm tại điểm a khoản 2 Điều này;

b) Đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm từ 01 đến 03 tháng đối với cá nhân có hành vi vi phạm tại điểm b khoản 2 Điều này;

Đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm từ 01 đến 03 tháng đối với tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm có hành vi vi phạm tại điểm a, b khoản 2 Điều này.

6. Bổ sung Mục 7a sau mục 7 như sau:

“Mục 7a

HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ PHÒNG CHỐNG RỬA TIỀN, CHỐNG TÀI TRỢ KHỦNG BỐ TRONG LĨNH VỰC KINH DOANH BẢO HIỂM NHÂN THỌ

Điều 32a. Xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ

1. Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ thực hiện hành vi vi phạm quy định về nhận biết và cập nhật thông tin khách hàng thì bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không cập nhật thông tin nhận biết khách hàng theo quy định tại Điều 8 và Điều 10 Luật Phòng, chống rửa tiền;

b) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi không ban hành quy trình quản lý rủi ro các giao dịch liên quan tới công nghệ mới theo quy định tại Điều 15 Luật Phòng, chống rửa tiền;

c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng, biện pháp đánh giá tăng cường quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 12 Luật Phòng, chống rửa tiền;

d) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi không xây dựng quy định phân loại khách hàng, không phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro về rửa tiền theo quy định của pháp luật;

đ) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi không ban hành và tuân thủ quy định nội bộ về phòng chống rửa tiền; không thực hiện kiểm toán nội bộ về phòng chống rửa tiền;

e) Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi không có hệ thống quản lý rủi ro để xác định khách hàng nước ngoài là cá nhân có ảnh hưởng chính trị theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 13 Luật Phòng, chống rửa tiền.

2. Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ thực hiện hành vi vi phạm quy định về các hành vi bị cấm trong phòng, chống rửa tiền thì bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi cản trở việc cung cấp thông tin phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền và phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi không cung cấp thông tin phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Phòng, chống rửa tiền;

b) Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoặc tạo điều kiện thực hiện hành vi rửa tiền chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

3. Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ thực hiện hành vi vi phạm quy định về chống tài trợ khủng bố như sau:

a) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không áp dụng các biện pháp nhận biết, cập nhật thông tin nhận biết khách hàng theo quy định tại Điều 34 Luật Phòng, chống khủng bố;

b) Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi không tố giác tài trợ khủng bố.

Điều 3. Điều khoản thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 11 năm 2019.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KTTH (2).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

Decree No. 80/2019/ND-CP dated November 01, 2019 on amending Decree 73/2016/ND-CP details of implementation of the Law on Insurance Business and the Law on Amendments to a number of Articles of the Law on Insurance Business; the Government’s Decree No. 98/2013/ND-CP providing for the sanctioning of administrative violations against regulations on insurance business and lottery business amended by the Government’s Decree No. 48/2018/ND-CP
Văn bản này đang cập nhật Nội dung => Bạn vui lòng "Tải về" để xem.

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị định 80/2019/NĐ-CP ngày 01/11/2019 sửa đổi Nghị định 73/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi; Nghị định 98/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số đã được sửa đổi theo Nghị định 48/2018/NĐ-CP

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


34.203

DMCA.com Protection Status
IP: 18.227.114.218
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!