Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị định 150/2006/NĐ-CP hướng dẫn Pháp lệnh Cựu chiến binh

Số hiệu: 150/2006/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành: 12/12/2006 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 150/2006/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 12 tháng 12 năm 2006

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU PHÁP LỆNH CỰU CHIẾN BINH

­CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh Cựu chiến binh ngày 07 tháng 10 năm 2005;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, sau khi thống nhất ý kiến với Ban chấp hành Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam,

NGHỊ ĐỊNH :

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Pháp lệnh Cựu chiến binh về Cựu chiến binh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với Cựu chiến binh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

Điều 2. Cựu chiến binh

Cựu chiến binh theo quy định tại Điều 2 Pháp lệnh Cựu chiến binh là công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đã tham gia đơn vị vũ trang chiến đấu chống ngoại xâm giải phóng dân tộc, làm nhiệm vụ quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đã nghỉ hưu, chuyển ngành, phục viên, xuất ngũ, cụ thể như sau:

1. Cán bộ, chiến sĩ quy định tại khoản 1 Điều 2 Pháp lệnh Cựu chiến binh đã tham gia các đơn vị vũ trang do Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức trước cách mạng Tháng 8 năm 1945 như Đội tự vệ đỏ, du kích Ba Tơ, du kích Bắc Sơn, Cứu quốc quân, Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân và các đơn vị vũ trang khác do Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức và lãnh đạo.

2. Cán bộ, chiến sĩ quy định tại khoản 2 Điều 2 Pháp lệnh Cựu chiến binh gồm sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội nhân dân Việt Nam thuộc bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, bộ đội biên phòng, biệt động đã tham gia kháng chiến chống ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 trở về trước (ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng).

3. Cựu chiến binh đã tham gia chiến đấu chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc quy định tại khoản 3 Điều 2 Pháp lệnh Cựu chiến binh gồm:

a) Đội viên đội công tác vũ trang trong vùng địch tạm chiếm ở miền Bắc từ ngày 20 tháng 7 năm 1954 về trước (ngày ký kết Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam và Đông Dương);

b) Cán bộ, chiến sĩ dân quân, tự vệ, du kích tập trung ở miền Bắc từ ngày 27 tháng 01 năm 1973 trở về trước (ngày ký Hiệp định Pari chấm dứt chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc);

c) Cán bộ, chiến sĩ dân quân, tự vệ, du kích tập trung ở miền Nam từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 trở về trước.

4. Công nhân viên quốc phòng quy định tại khoản 4 Điều 2 Pháp lệnh Cựu chiến binh đã tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu chống ngoại xâm từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 về trước.

5. Cán bộ, chiến sĩ quy định tại khoản 5 Điều 2 Pháp lệnh Cựu chiến binh gồm:

a) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân viên quốc phòng thuộc quân đội nhân dân Việt Nam, cán bộ, chiến sĩ dân quân, tự vệ đã tham gia chiến đấu, làm nhiệm vụ quốc tế, trực tiếp phục vụ chiến đấu trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;

b) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đã hoàn thành nhiệm vụ tại ngũ trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ tổ quốc đã phục viên, nghỉ hưu, chuyển ngành.

6. Những đối tượng quy định tại Điều 2 Pháp lệnh Cựu chiến binh và được cụ thể tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 2 của Nghị định này không được công nhận là Cựu chiến binh trong các trường hợp sau:

a) Người đầu hàng địch; phản bội; người vi phạm kỷ luật bị tước danh hiệu quân nhân; công nhân viên quốc phòng bị kỷ luật buộc thôi việc;

b) Người bị kết án tù mà chưa được xoá án tích.

7. Việc xác nhận cựu chiến binh:

a) Việc xác nhận Cựu chiến binh được căn cứ vào hồ sơ khi họ đã hoàn thành nhiệm vụ tại ngũ, xuất ngũ, phục viên, nghỉ hưu tại địa phương, do cơ quan quân sự xã, phường, thị trấn nơi Cựu chiến binh đang cư trú chủ trì, phối hợp với Hội Cựu chiến binh cùng cấp xác nhận;

b) Trường hợp hồ sơ bị thất lạc, việc xác nhận là Cựu chiến binh do cơ quan quân sự cấp xã nơi họ nhập ngũ phối hợp với Hội Cựu chiến binh cùng cấp xem xét xác minh lời khai của họ và lập danh sách để Ủy ban nhân dân nơi họ nhập ngũ xác nhận;

c) Việc xác nhận là Cựu chiến binh trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị căn cứ vào hồ sơ khi tiếp nhận Cựu chiến binh về cơ quan, tổ chức, đơn vị và do cơ quan, tổ chức, đơn vị đó xác nhận.

8. Việc kết nạp hội viên Hội Cựu chiến binh Việt Nam thực hiện theo quy định của Điều lệ Hội Cựu chiến binh Việt Nam và hướng dẫn của Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

Điều 3. Ngày truyền thống của Cựu chiến binh

1. Ngày 6 tháng 12 hàng năm là ngày truyền thống cựu chiến binh.

2. Ngày truyền thống của Cựu chiến binh nhằm:

a) Tôn vinh, biểu dương sự cống hiến to lớn của Cựu chiến binh trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm giải phóng dân tộc, làm nhiệm vụ quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta;

b) Động viên các thế hệ Cựu chiến binh giữ vững và phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực tham gia cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; gương mẫu trong cuộc sống, là tấm gương sáng trong giáo dục cho thế hệ trẻ.

3. Kịp thời tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày truyền thống của cựu chiến binh; tuyên truyền về cựu chiến binh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam; tổ chức gặp mặt, thăm hỏi Cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn và những hoạt động khác để động viên, giúp đỡ Cựu chiến binh.

Chương 2:

CỰU CHIẾN BINH

Điều 4. Chính sách đối với Cựu chiến binh

1. Cựu chiến binh được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đóng góp tiền, tài sản để đầu tư xây dựng nhà tình nghĩa, cơ sở dịch vụ chăm sóc, trung tâm điều trị và phục hồi sức khoẻ, câu lạc bộ văn hoá, thể thao, thể dục dưỡng sinh đối với Cựu chiến binh và tài trợ cho các hoạt động giúp đỡ Cựu chiến binh ở cộng đồng dân cư hoặc trung tâm điều trị, phục hồi sức khoẻ.

3. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị và công dân căn cứ vào điều kiện cụ thể hỗ trợ Cựu chiến binh tổ chức tham quan du lịch, nghỉ ngơi, điều dưỡng.

Điều 5. Quyền lợi của Cựu chiến binh

1. Cựu chiến binh thuộc đối tượng người có công với cách mạng được hưởng các chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật về ưu đãi đối với người có công với cách mạng.

2. Cựu chiến binh được ưu tiên tạo việc làm, giao đất, giao rừng, giao mặt nước để sản xuất, kinh doanh và tham gia các dự án phát triển kinh tế - xã hội:

a) Trình tự, thủ tục, thẩm quyền giao đất, giao rừng, giao mặt nước thực hiện theo quy hoạch của Trung ương, địa phương và quy định của pháp luật về đất đai;

b) Khi được giao đất, giao rừng, giao mặt nước Cựu chiến binh có trách nhiệm quản lý, khai thác, sử dụng theo quy định của pháp luật;

3. Nhà nước khuyến khích Cựu chiến binh thành lập các hợp tác xã, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, doanh nghiệp để nhận đất, rừng, mặt nước, tham gia các dự án phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của pháp luật.

4. Cựu chiến binh trong độ tuổi lao động được ưu tiên: học nghề, tạo việc làm, tuyển dụng vào làm việc ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị phù hợp với sức khoẻ và chuyên môn đào tạo, xuất khẩu lao động.

5. Cựu chiến binh thuộc diện nghèo theo chuẩn do Chính phủ quy định được:

a) Ưu tiên cấp thẻ bảo hiểm y tế và khám chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế;

b) Ưu tiên vay các nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng chính sách - xã hội để sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm xoá đói, giảm nghèo; chính quyền địa phương, Ngân hàng chính sách - xã hội có trách nhiệm tạo điều kiện để Cựu chiến binh được vay vốn ưu đãi theo quy định của pháp luật.

6. Cựu chiến binh đã tham gia kháng chiến từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 trở về trước không thuộc diện bảo hiểm y tế bắt buộc, được Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh theo các quy định và chế độ bảo hiểm y tế hiện hành.

7. Cựu chiến binh cô đơn, không nơi nương tựa, không có nguồn thu nhập khi hết tuổi lao động được Hội Cựu chiến binh cơ sở đề nghị, chính quyền địa phương xác nhận thì được ưu tiên tiếp nhận vào nuôi dưỡng, chăm sóc tại các trung tâm nuôi dưỡng xã hội.

8. Cựu chiến binh khi chết được chính quyền, cơ quan, đơn vị, đoàn thể địa phương phối hợp với Hội Cựu chiến binh và gia đình tổ chức tang lễ. Nghi thức tổ chức và phân cấp tổ chức tang lễ, mai táng phí, các chế độ, chính sách khác thực hiện theo quy định hiện hành do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Quốc phòng, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam và các cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện.

9. Cựu chiến binh trong biên chế làm công tác Hội Cựu chiến binh được Hội cử đi đào tạo, bồi dưỡng theo quy định hiện hành, được tham gia thi tuyển vào các trường đào tạo của trung ương, địa phương để nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Hội. Kinh phí đào tạo do ngân sách Nhà nước bảo đảm theo chế độ đào tạo cán bộ, công chức hiện hành.

10. Cựu chiến binh được hưởng các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật.

Chương 3:

HỘI CỰU CHIẾN BINH VIỆT NAM

Điều 6. Nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Hội Cựu chiến binh Việt Nam

Nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Hội Cựu chiến binh Việt Nam được thực hiện theo Điều 9 Pháp lệnh Cựu chiến binh.

Điều 7. Tổ chức của Hội Cựu chiến binh Việt Nam

1. Hội Cựu chiến binh Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, được tổ chức từ Trung ương đến cơ sở gồm:

a) Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam;

b) Hội Cựu chiến binh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

c) Hội Cựu chiến binh huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

d) Hội Cựu chiến binh xã, phường, thị trấn.

2. Tổ chức, biên chế bộ máy giúp việc của Hội Cựu chiến binh các cấp do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quy định.

3. Hội Cựu chiến binh trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị được tổ chức như sau:

a) Hội Cựu chiến binh ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị Trung ương mà tổ chức Đảng thuộc Đảng uỷ khối cơ quan Trung ương thì tổ chức Hội Cựu chiến binh đó trực thuộc Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam;

b) Hội Cựu chiến binh ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị mà tổ chức Đảng thuộc cấp uỷ địa phương thì tổ chức Hội Cựu chiến binh đó trực thuộc Hội Cựu chiến binh cùng cấp đồng thời chịu sự chỉ đạo thống nhất về nghiệp vụ của Hội Cựu chiến binh cấp trên.

Điều 8. Nhiệm vụ của Hội Cựu chiến binh Việt Nam

1. Nhiệm vụ, hoạt động của Hội Cựu chiến binh Việt Nam thực hiện theo quy định tại Điều 11 Pháp lệnh Cựu chiến binh.

2. Hội Cựu chiến binh Việt Nam có nhiệm vụ vận động, tập hợp quân nhân đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trở về, tiếp tục phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” tham gia câu lạc bộ, Ban Liên lạc cựu quân nhân và các hoạt động khác theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Pháp lệnh Cựu chiến binh.

Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam phối hợp với Bộ Quốc phòng hướng dẫn các cấp Hội và cơ quan quân sự địa phương thống nhất thực hiện.

3. Tổ chức chăm lo, giúp đỡ Cựu chiến binh nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, phát triển kinh tế gia đình, xoá đói giảm nghèo, làm giầu hợp pháp, tổ chức các hoạt động tình nghĩa để Cựu chiến binh tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống theo quy định tại khoản 4 Điều 11 Pháp lệnh Cựu chiến binh.

4. Hội Cựu chiến binh có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Cựu chiến binh quy định tại khoản 5 Điều 11 Pháp lệnh Cựu chiến binh; Cựu chiến binh được hưởng các dịch vụ tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí theo quy định hiện hành. Văn phòng trợ giúp pháp lý của Hội Cựu chiến binh và các tổ chức trợ giúp pháp lý khác có trách nhiệm tư vấn, hướng dẫn, thực hiện trợ giúp pháp lý cho Cựu chiến binh theo quy định của pháp luật.

5. Hoạt động đối ngoại nhân dân của Hội Cựu chiến binh Việt Nam theo quy định tại khoản 6 Điều 11 Pháp lệnh Cựu chiến binh và thực hiện theo quy định hiện hành.

Điều 9. Kinh phí, tài sản của Hội Cựu chiến binh Việt Nam

1. Kinh phí của Hội Cựu chiến binh các cấp gồm:

a) Ngân sách nhà nước bảo đảm;

b) Hội phí do hội viên đóng góp;

c) Các nguồn thu hợp pháp khác của Hội.

2. Tài sản của Hội Cựu chiến binh gồm:

a) Tài sản Nhà nước giao;

b) Tài sản do cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài tặng, cho;

3. Kinh phí, tài sản của Hội Cựu chiến binh được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật.

a) Kinh phí của Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam và của Hội Cựu chiến binh các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương do ngân sách Trung ương đảm bảo.

b) Kinh phí của Hội Cựu chiến binh cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và của Hội cựu chiến binh các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương do ngân sách địa phương đảm bảo.

Việc lập dự toán, chấp hành, quyết toán kinh phí, ngân sách đảm bảo cho hoạt động của Hội Cựu chiến binh các cấp thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.

c) Kinh phí hoạt động của Hội cựu chiến binh trong các doanh nghiệp Nhà nước do doanh nghiệp Nhà nước đảm bảo và được hạch toán vào chi phí của doanh nghiệp.

4. Trường hợp thực hiện nhiệm vụ mới theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền mà chưa được cấp kinh phí, Hội Cựu chiến binh các cấp lập dự toán kinh phí bổ sung, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét và bổ sung kinh phí để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Điều 10. Chính sách, chế độ đối với Cựu chiến binh đang làm công tác Hội Cựu chiến binh

1. Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh chuyên trách ở cơ quan, tổ chức, đơn vị, hàng tháng ngoài tiền lương hiện hưởng, được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo như người giữ chức vụ lãnh đạo cùng cấp của các đoàn thể chính trị - xã hội khác.

2. Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh làm công tác kiêm nhiệm ở cơ quan, tổ chức, đơn vị, hàng tháng ngoài tiền lương hiện hưởng, được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm như người giữ chức vụ lãnh đạo cùng cấp của các đoàn thể chính trị - xã hội khác.

3. Cựu chiến binh được bầu cử, bổ nhiệm, tuyển dụng làm công tác Hội Cựu chiến binh từ Trung ương đến cấp huyện không hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức hàng tháng:

a) Cựu chiến binh được bầu cử, bổ nhiệm từ Trung ương đến cấp huyện được hưởng lương theo quy định hiện hành và phụ cấp chức vụ lãnh đạo như cán bộ các đoàn thể chính trị - xã hội khác cùng cấp. Việc đóng bảo hiểm và thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định hiện hành;

b) Người được tuyển dụng trong chỉ tiêu biên chế đang làm công tác Hội Cựu chiến binh được hưởng lương theo quy định hiện hành. Việc đóng bảo hiểm và thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định hiện hành.

4. Chủ tịch Hội Cựu chiến binh cấp xã, phường, thị trấn được hưởng lương, phụ cấp theo quy định tại Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ xã, phường, thị trấn; Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ quy định về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh cấp xã, phường, thị trấn được hưởng phụ cấp như Phó Chủ tịch đoàn thể chính trị - xã hội khác và do ngân sách địa phương đảm bảo.

Chủ tịch, Phó chủ tịch, cán bộ thuộc biên chế của Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Hội Cựu chiến binh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Hội Cựu chiến binh huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh được hưởng lương và các chế độ chính sách theo quy định hiện hành.

5. Cựu chiến binh đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp bệnh binh đảm nhiệm chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh cấp xã, phường, thị trấn; Cựu chiến binh tham gia công tác tại cơ quan Hội Cựu chiến binh từ cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trở lên, khi thôi làm công tác hội, cứ mỗi năm (đủ 12 tháng) được hưởng trợ cấp một lần bằng nửa (1/2) tháng lương theo mức lương hiện lĩnh tại cấp Hội mà Cựu chiến binh đang công tác.

Chương 4:

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC ĐỐI VỚI CỰU CHIẾN BINH, HỘI CỰU CHIẾN BINH VIỆT NAM

Điều 11. Trách nhiệm của Chính phủ

1. Trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình, Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chế độ, chính sách đối với cựu chiến binh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

2. Chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ ban hành và hướng dẫn thực hiện các chính sách về cựu chiến binh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam theo các lĩnh vực được phân công.

3. Định kỳ hàng năm có chương trình làm việc với Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam để nghe báo cáo tình hình hoạt động, những kiến nghị, đề xuất của Hội Cựu chiến binh Việt Nam về các vấn đề liên quan đến cựu chiến binh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

Điều 12. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế và các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, các cơ quan chức năng nghiên cứu, xây dựng, hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách, đảm bảo quyền lợi đối với cựu chiến binh.

2. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đảm bảo ngân sách đã được phê duyệt, cơ sở vật chất, phương tiện theo quy định của nhà nước để Hội Cựu chiến binh Việt Nam hoạt động có hiệu quả.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam hướng dẫn việc thực hiện các chính sách về giao đất, giao rừng, giao mặt nước cho cựu chiến binh.

4. Bộ Ngoại giao phối hợp với Trung ương Hội Cựu chiến binh và các cơ quan chức năng hướng dẫn, tạo điều kiện để Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam thực hiện công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế theo quy định hiện hành.

5. Bộ Tư pháp phối hợp với Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; tư vấn, trợ giúp pháp lý đối với Cựu chiến binh theo quy định của pháp luật.

6. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện để cựu chiến binh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ.

Điều 13. Trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp

1. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm đảm bảo kinh phí để Hội Cựu chiến binh cùng cấp hoạt động; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cựu chiến binh; tạo điều kiện để Hội Cựu chiến binh, cựu chiến binh tham gia các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

2. Định kỳ 6 tháng Ủy ban nhân dân các cấp làm việc với Hội Cựu chiến binh cùng cấp để nghe báo cáo về công tác của Hội và giải quyết các đề xuất, kiến nghị liên quan đến cựu chiến binh, Hội Cựu chiến binh.

Điều 14. Quan hệ phối hợp hoạt động thực hiện nhiệm vụ giữa cơ quan, tổ chức, đơn vị với Hội Cựu chiến binh các cấp

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan, tổ chức, đơn vị phối hợp với Hội Cựu chiến binh các cấp thực hiện nhiệm vụ theo chương trình.

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 16. Tổ chức thực hiện

Ban chấp hành Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang bộ liên quan hướng dẫn thực hiện Nghị định này.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh các cấp, các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
cơ quan thuộc Chính phủ;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- BQL KKTCKQT Bờ Y;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Học viện Hành chính Quốc gia;
- VPCP: BTCN, các PCN,
Website Chính phủ, Ban Điều hành 112,
Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, V.III

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị định 150/2006/NĐ-CP ngày 12/12/2006 Hướng dẫn Pháp lệnh Cựu chiến binh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


117.259

DMCA.com Protection Status
IP: 18.117.232.108
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!