BỘ CÔNG THƯƠNG - BỘ TÀI CHÍNH
------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------
|
Số: 14/2009/TTLT-BCT-BTC
|
Hà Nội, ngày 23 tháng 06 năm 2009
|
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
HƯỚNG DẪN VIỆC CẤP CHỨNG NHẬN VÀ THỦ TỤC
NHẬP KHẨU, XUẤT KHẨU KIM CƯƠNG THÔ NHẰM THỰC THI CÁC QUY ĐỊNH CỦA QUY CHẾ CHỨNG
NHẬN QUY TRÌNH KIMBERLEY
Căn cứ Nghị
định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm
2007 của Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Quy chế chứng nhận Quy trình Kimberley đối với kim cương thô được ký kết
vào ngày 05 tháng 11 năm 2002 tại Interlaken, Thụy Sĩ;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27
tháng 11 năm 2008 của Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Thực hiện chỉ thị số 1600/2002/CT-QHQT-VPCP ngày 13 tháng 12 năm 2002 của Thủ
tướng Chính phủ về việc Việt Nam tham gia Quy chế Chứng nhận Quy trình
Kimberley đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu kim cương thô;
Bộ Công Thương và Bộ Tài chính hướng dẫn việc cấp chứng nhận và thủ tục nhập
khẩu, xuất khẩu kim cương thô nhằm thực thi các quy định của Quy chế Chứng nhận
Quy trình Kimberley như sau:
I. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư liên
tịch này hướng dẫn việc cấp chứng nhận và thủ tục nhập khẩu, xuất khẩu kim
cương thô nhằm mục đích thực thi các quy định của Quy chế Chứng nhận quy trình Kimberley (sau đây gọi tắt là Quy chế Chứng nhận KP).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp
dụng đối với các thương nhân tham gia kinh doanh hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu
kim cương thô.
Điều 3. Giải thích thuật ngữ
1. Kim cương
xung đột là kim cương thô do các tổ chức phiến loạn hoặc các đồng minh của
tổ chức phiến loạn sử dụng để tài trợ cho các cuộc xung đột chống lại các chính
quyền hợp pháp, như nêu trong những nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an
Liên hợp quốc (HĐBALHQ) đã ban hành từ trước đến nay và hiện vẫn còn hiệu lực,
hoặc trong những nghị quyết tương tự khác của HĐBALHQ mà có thể sẽ được thông
qua trong tương lai, cũng như được nêu và được thừa nhận trong Nghị quyết 55/56
của Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐLHQ), hoặc trong những nghị quyết tương tự
khác của ĐHĐLHQ mà có thể sẽ được thông qua trong tương lai;
2. Nước xuất
xứ (Country of origin) là nước mà kim cương thô được khai thác hoặc chiết
xuất;
3. Nước xuất
khẩu (Country of provenance) là nước thành viên cuối cùng mà từ đó kim
cương thô được xuất khẩu, như được ghi trong chứng từ nhập khẩu;
4. Kim cương
là loại khoáng sản tự nhiên được cấu thành chủ yếu từ các-bon tinh thể nguyên
chất sắp xếp đẳng thước, thang độ cứng Mohs (trầy xước) bằng 10, có trọng lượng
riêng xấp xỉ bằng 3,52 và có chỉ số khúc xạ bằng 2,42;
5. Cơ quan
quản lý xuất khẩu là cơ quan có thẩm quyền hoặc tổ chức được ủy quyền của
nước xuất khẩu có quyền xác nhận vào Giấy chứng nhận quy trình Kimberley;
6. Cơ quan
quản lý nhập khẩu là cơ quan có thẩm quyền hoặc tổ chức được ủy quyền của
nước nhập khẩu thực hiện các thủ tục nhập khẩu và kiểm tra Giấy chứng nhận quy
trình Kimberley kèm theo lô hàng đó;
7. Giấy
chứng nhận quy trình Kimberley (sau đây gọi tắt là Giấy chứng nhận KP) là
tài liệu có thuộc tính chống làm giả có kích thước và định dạng đặc thù, chứng
nhận một lô hàng kim cương thô tuân thủ các yêu cầu của Quy chế Chứng nhận KP;
8. Kiện hàng
là một hoặc nhiều viên kim cương được đóng gói với nhau và không có định dạng
cụ thể;
9. Kiện hàng
tạp xứ là kiện hàng gồm các viên kim cương có nguồn gốc từ hai hay nhiều
nước khác nhau, được trộn lẫn với nhau;
10. Nước
thành viên là một quốc gia hoặc một tổ chức hội nhập kinh tế khu vực mà tại
đó Quy chế Chứng nhận KP có hiệu lực;
11. Tổ chức
hội nhập kinh tế khu vực là một tổ chức bao gồm các quốc gia có chủ quyền
được trao quyền về các vấn đề mà Quy chế Chứng nhận KP điều chỉnh;
12. Kim
cương thô là kim cương chưa được chế tác hoặc chỉ mới được cắt, chẻ, hoặc
để nguyên và thuộc các phân nhóm 7102.10, 7102.21 và 7102.31 trong Hệ thống mã
HS;
13. Lô hàng
là một hoặc nhiều kiện hàng được xuất khẩu hoặc nhập khẩu.
Điều 4. Kim cương thô bị cấm nhập khẩu, cấm xuất khẩu
Nghiêm cấm việc
nhập khẩu, xuất khẩu kim cương xung đột.
Điều 5. Điều kiện nhập khẩu, xuất khẩu kim cương thô
1. Thương nhân
chỉ được phép nhập khẩu, xuất khẩu kim cương thô với các nước thành viên của
Quy chế Chứng nhận KP (Phụ lục I). Trong trường hợp danh sách các nước thành
viên của Quy chế Chứng nhận KP có sự thay đổi, Bộ Công Thương có trách nhiệm
cập nhật, sửa đổi và bổ sung.
2. Các lô hàng
kim cương thô chỉ được phép xuất khẩu tới nước thành viên khi có Giấy chứng
nhận KP (Phụ lục II) hợp lệ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
3. Các lô hàng
kim cương thô chỉ được phép nhập khẩu từ nước thành viên khi có Giấy Chứng nhận
KP hợp lệ do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu là thành viên cấp.
4. Các lô hàng
kim cương thô nhập khẩu, xuất khẩu phải được vận chuyển trong các công-ten-nơ
chống trộm cắp và dấu niêm phong không bị phá.
Điều 6. Quá cảnh lô hàng kim cương thô
Thương nhân
không phải xuất trình Giấy chứng nhận KP và không phải thực hiện bất cứ thủ tục
nào quy định tại Mục II hoặc Mục III của Thông tư này khi lô hàng kim cương thô
quá cảnh qua lãnh thổ của Việt Nam nhưng phải tuân thủ quy định của pháp luật
Việt Nam về quá cảnh hàng hóa.
Điều 7. Cơ quan xác nhận nhập khẩu và cấp Giấy chứng nhận KP
Cơ quan xác
nhận nhập khẩu cho các lô hàng kim cương thô nhập khẩu và cấp Giấy chứng nhận
KP cho các lô hàng kim cương thô xuất khẩu là Phòng quản lý xuất nhập khẩu khu
vực trực thuộc Bộ Công Thương tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi
tắt là Phòng quản lý xuất nhập khẩu). Thông tin chi tiết của các Phòng quản lý
xuất nhập khẩu được quy định tại Phụ lục III.
Điều 8. Trách nhiệm của người nhập khẩu và người xuất khẩu kim cương
thô
Người nhập khẩu
và người xuất khẩu kim cương thô có trách nhiệm:
1. Lập và nộp
hồ sơ thương nhân cho Phòng quản lý xuất nhập khẩu;
2. Lập và nộp
đầy đủ hồ sơ đề nghị xác nhận nhập khẩu hoặc đề nghị cấp Giấy chứng nhận KP cho
Phòng quản lý xuất nhập khẩu;
3. Chứng minh
kim cương thô nhập khẩu được nhập khẩu từ các nước thành viên của Quy chế Chứng
nhận KP, kim cương thô xuất khẩu được xuất khẩu tới các nước thành viên của Quy
chế Chứng nhận KP và tạo điều kiện thuận lợi cho các Phòng quản lý xuất nhập
khẩu trong việc xác minh xuất xứ hàng hóa;
4. Chịu trách
nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của nội dung khai trong hồ
sơ thương nhân và hồ sơ đề nghị xác nhận nhập khẩu hoặc đề nghị cấp Giấy chứng
nhận KP cũng như xuất xứ của hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu, kể cả trong trường
hợp ủy quyền;
5. Báo cáo kịp
thời cho Phòng quản lý xuất nhập khẩu tại nơi thương nhân đã đề nghị cấp Giấy
chứng nhận KP về những lô hàng bị nước nhập khẩu từ chối mặc dù đã được cấp
Giấy chứng nhận KP của Việt Nam (nếu có);
6. Lưu trữ
chứng từ mua, bán, xuất khẩu, nhập khẩu, liệt kê tên của khách mua hoặc người
bán, số giấy phép của khách mua hoặc người bán, số lượng và giá trị kim cương
đã bán, xuất khẩu hoặc mua, nhập khẩu và các chứng từ khác trong thời hạn năm
(05) năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.
Điều 9. Trách nhiệm của Phòng quản lý xuất nhập khẩu
Phòng quản lý
xuất nhập khẩu có trách nhiệm:
1. Hướng dẫn
thương nhân nếu được yêu cầu;
2. Tiếp nhận,
kiểm tra hồ sơ thương nhân và hồ sơ đề nghị xác nhận nhập khẩu hoặc hồ sơ đề
nghị cấp Giấy chứng nhận KP;
3. Xác minh
thực tế xuất xứ của sản phẩm khi cần thiết;
4. Xác nhận
nhập khẩu và cấp Giấy chứng nhận KP;
5. Lưu trữ hồ
sơ xác nhận nhập khẩu hoặc cấp Giấy chứng nhận KP trong thời hạn năm (05) năm;
6. Lưu trữ tất
cả các thông tin chi tiết về những lô hàng kim cương thô xuất khẩu, nhập khẩu
trong cơ sở dữ liệu máy vi tính;
7. Gửi mẫu chữ
ký của những người được ủy quyền ký Giấy chứng nhận KP và mẫu con dấu của Phòng
quản lý xuất nhập khẩu cho Bộ Công Thương (Vụ Xuất Nhập khẩu) theo quy định của
Bộ Công Thương;
8. Giải quyết
các khiếu nại về Giấy chứng nhận KP theo thẩm quyền;
9. Giữ bí mật
hồ sơ, tài liệu liên quan đến Giấy chứng nhận KP;
10. Trao đổi
các thông tin liên quan đến việc đăng ký hồ sơ thương nhân và các vấn đề khác
có liên quan đến việc xác nhận nhập khẩu hoặc cấp Giấy chứng nhận KP;
11. Thực hiện
chế độ báo cáo và các yêu cầu khác theo quy định của Bộ Công Thương.
Điều 10. Trách nhiệm của cơ quan Hải quan
Cơ quan Hải
quan có trách nhiệm:
1. Làm thủ tục
hải quan xuất khẩu, nhập khẩu kim cương thô theo quy định;
2. Lưu trữ hồ
sơ của các lô hàng kim cương thô nhập khẩu và xuất khẩu trong thời hạn năm (05)
năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan;
3. Lưu trữ tất
cả các thông tin chi tiết về những lô hàng kim cương thô trong cơ sở dữ liệu
máy vi tính;
4. Phối hợp với
Bộ Công Thương giải quyết các vụ việc phát sinh trong quá trình quản lý nhập
khẩu và xuất khẩu kim cương thô.
Điều 11. Đăng ký hồ sơ thương nhân
1. Người đề
nghị xác nhận nhập khẩu đối với các lô hàng kim cương thô nhập khẩu và đề nghị
cấp Giấy chứng nhận KP đối với các lô hàng kim cương thô xuất khẩu lần đầu tiên
chỉ được xem xét giải quyết các thủ tục nêu trên sau khi đã hoàn thành thủ tục
đăng ký hồ sơ thương nhân. Hồ sơ thương nhân bao gồm:
a. Đăng ký mẫu
chữ ký của người được ủy quyền ký đơn đề nghị xác nhận nhập khẩu và đơn đề nghị
cấp Giấy chứng nhận KP và con dấu của thương nhân (Phụ lục IV);
b. Giấy chứng
nhận đăng ký kinh doanh của thương nhân (bản sao có dấu sao y bản chính);
c. Giấy chứng
nhận đăng ký mã số thuế (bản sao có dấu sao y bản chính);
d. Danh mục các
cơ sở sản xuất, gia công của thương nhân (Phụ lục V);
đ. Địa chỉ,
quốc tịch và/hoặc nơi cư trú của thương nhân.
2. Mọi thay đổi
trong hồ sơ thương nhân phải được thông báo cho các Phòng quản lý xuất nhập
khẩu nơi đã đăng ký trước khi đề nghị xác nhận nhập khẩu và đề nghị cấp Giấy
chứng nhận KP. Trong trường hợp không có thay đổi gì, hồ sơ thương nhân vẫn
phải được cập nhật hai (02) năm một lần.
3. Trong trường
hợp đề nghị xác nhận nhập khẩu và đề nghị cấp Giấy chứng nhận KP tại nơi khác
với nơi đã đăng ký hồ sơ thương nhân trước đây, người đề nghị xác nhận nhập
khẩu và đề nghị cấp Giấy chứng nhận KP phải cung cấp những lý do thích hợp bằng
văn bản nêu rõ lý do không đề nghị xác nhận nhập khẩu và đề nghị cấp Giấy chứng
nhận KP tại nơi đã đăng ký hồ sơ thương nhân trước đó. Sau khi được chấp nhận
đăng ký hồ sơ thương nhân tại Phòng quản lý xuất nhập khẩu khác với nơi đăng ký
hồ sơ thương nhân trước đó, thương nhân phải đăng ký mới hồ sơ thương nhân.
II. THỦ TỤC NHẬP KHẨU KIM CƯƠNG THÔ
Điều 12. Thủ tục nhập khẩu kim cương thô tại cơ quan Hải quan
1. Đối với
thương nhân
Thương nhân khi
làm thủ tục nhập khẩu kim cương thô phải nộp cho cơ quan Hải quan những giấy tờ
sau:
a. Bản gốc Giấy chứng nhận KP do cơ quan có thẩm quyền của nước
thành viên xuất khẩu cấp và hai (02) bản sao có chữ ký và đóng dấu xác nhận sao
y bản chính của người đứng đầu hoặc người được ủy quyền của thương nhân;
b. Các giấy tờ
khác theo quy định của pháp luật về Hải quan.
2. Đối với cơ
quan Hải quan
a. Kiểm tra lô
hàng kim cương thô để xác định rằng tình trạng bao bì nguyên vẹn, nguyên chì và
nguyên niêm phong;
b. Kiểm tra chi
tiết hồ sơ và thực tế hàng hóa để đảm bảo rằng lô hàng kim cương thô nhập khẩu
phù hợp với thông tin trong Giấy chứng nhận KP và thông tin do cơ quan có thẩm
quyền của nước xuất khẩu cung cấp (nếu có);
c. Lưu một (01)
bản sao Giấy chứng nhận KP có chữ ký và đóng dấu xác nhận sao y bản chính của
người đứng đầu hoặc người được ủy quyền của thương nhân trong bộ hồ sơ hải quan
nhập khẩu;
d. Trong vòng
ba (03) ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan cho lô hàng kim
cương thô nhập khẩu, cơ quan Hải quan sẽ cấp Giấy xác nhận kim cương thô nhập
khẩu gồm ba (03) bản theo mẫu quy định tại Phụ lục VI của Thông tư này. Một
(01) bản gửi cho Phòng quản lý xuất nhập khẩu khu vực, một (01) bản lưu hồ sơ
hàng nhập khẩu của cơ quan Hải quan, một (01) bản gửi cho thương nhân. Cơ quan
Hải quan sẽ gửi một bản thông báo bằng thư điện tử tới địa chỉ giao dịch thư
điện tử của Phòng quản lý xuất nhập khẩu khu vực (theo Phụ lục III đính kèm) và
địa chỉ [email protected] với nội dung về Giấy chứng nhận KP và Giấy xác
nhận kim cương thô nhập khẩu. Thư điện tử bao gồm những thông tin chi tiết như
trọng lượng, trị giá, nước xuất xứ, nước xuất khẩu, người xuất khẩu, người nhập
khẩu và số hiệu của Giấy chứng nhận KP.
Điều 13. Thủ tục xác nhận nhập khẩu tại Phòng quản lý xuất nhập khẩu
1. Đối với
thương nhân
Trong vòng ba
(03) ngày làm việc kể từ ngày được cơ quan Hải quan cấp Giấy xác nhận kim cương
thô nhập khẩu, thương nhân nhập khẩu kim cương thô phải xác nhận nhập khẩu tại
Phòng quản lý xuất nhập khẩu và phải nộp các giấy tờ sau:
a. Đơn đề nghị
xác nhận nhập khẩu kim cương thô. Thương nhân phải cam kết trong đơn là kim
cương thô nhập khẩu không phải là kim cương xung đột (bản chính có chữ ký và
đóng dấu của người đứng đầu hoặc người được ủy quyền của thương nhân);
b. Giấy chứng
nhận KP gồm một (01) bản gốc và ba (03) bản sao;
c. Giấy xác
nhận kim cương thô nhập khẩu do cơ quan Hải quan cấp;
d. Tờ khai Hải
quan nhập khẩu có xác nhận đã hoàn thành thủ tục hải quan (bản sao có chữ ký và
đóng dấu xác nhận sao y bản chính của người đứng đầu hoặc người được ủy quyền
của thương nhân, hoặc có chữ ký và đóng dấu của cơ quan công chứng đồng thời có
kèm bản chính để đối chiếu).
2. Đối với
Phòng quản lý xuất nhập khẩu
a. Sau khi nhận
được các giấy tờ nêu tại khoản 1 Điều 13 và thư điện tử của cơ quan Hải quan,
các Phòng quản lý xuất nhập khẩu, trong thời hạn ba (03) ngày làm việc kể từ
ngày nhận được các giấy tờ nêu trên cùng với email của cơ quan Hải quan đầy đủ
và hợp lệ, có trách nhiệm xác nhận nhập khẩu vào phần bên phải của Giấy chứng
nhận KP và ba (03) bản sao này;
b. Đối với ba
(03) bản sao Giấy chứng nhận KP, sau khi xác nhận, Phòng quản lý xuất nhập khẩu
lưu một (01) bản, một (01) bản gửi về Vụ Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) và một
(01) bản gửi cho thương nhân. Bản gốc Giấy chứng nhận KP được Phòng quản lý
xuất nhập khẩu cắt làm hai phần, phần xác nhận nhập khẩu gửi cho cơ quan cấp
Giấy chứng nhận KP của nước xuất khẩu, phần xác nhận của nước xuất khẩu lưu trữ
tại Phòng quản lý xuất nhập khẩu để tham chiếu khi cấp Giấy chứng nhận KP cho
các lô hàng xuất khẩu của thương nhân;
c. Trong vòng
ba (03) ngày làm việc kể từ ngày xác nhận nhập khẩu vào Giấy chứng nhận KP (bản
gốc), Phòng quản lý xuất nhập khẩu thông báo bằng thư điện tử tới cơ quan có
thẩm quyền của nước xuất khẩu nội dung Giấy chứng nhận KP đã xác nhận nhập khẩu
đồng thời gửi cho Vụ Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương theo địa chỉ:
[email protected] để theo dõi. Thư điện tử bao gồm các thông tin về trọng
lượng, trị giá, nước xuất xứ hoặc nước xuất khẩu, người xuất khẩu và số hiệu
Giấy chứng nhận KP.
III. THỦ TỤC XUẤT KHẨU KIM CƯƠNG THÔ
Điều 14. Thủ tục cấp Giấy chứng nhận KP
1. Đối với thương nhân
Thương nhân khi
làm thủ tục đề nghị Giấy chứng nhận KP đối với các lô hàng kim cương thô xuất
khẩu phải nộp cho Phòng quản lý xuất nhập khẩu những giấy tờ sau:
a. Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận KP. Trong đơn thương nhân cam kết
kim cương thô xuất khẩu không phải là kim cương xung đột (bản chính có chữ ký
và đóng dấu của người đứng đầu hoặc người được ủy quyền của thương nhân);
b. Giấy chứng
nhận KP xuất khẩu đã khai hoàn chỉnh theo hướng dẫn tại Phụ lục VII gồm một
(01) bản gốc và ba (03) bản sao;
c. Giấy chứng
nhận KP nhập khẩu đã được Phòng quản lý xuất nhập khẩu xác nhận nhập khẩu;
d. Tờ khai hải
quan xuất khẩu đã hoàn thành thủ tục hải quan (bản sao có chữ ký và đóng dấu
xác nhận sao y bản chính của người đứng đầu hoặc người được ủy quyền của thương
nhân đồng thời có kèm bản chính để đối chiếu);
đ. Vận tải đơn
(bản sao có chữ ký và đóng dấu xác nhận sao y bản chính của người đứng đầu hoặc
người được ủy quyền của thương nhân đồng thời có kèm bản chính để đối chiếu);
e. Hóa đơn
thương mại (bản sao có chữ ký và đóng dấu xác nhận sao y bản chính của người
đứng đầu hoặc người được ủy quyền của thương nhân đồng thời có kèm bản chính để
đối chiếu);
g. Phiếu đóng
gói (bản sao có chữ ký và đóng dấu xác nhận sao y bản chính của người đứng đầu
hoặc người được ủy quyền của thương nhân đồng thời có kèm bản chính để đối chiếu);
h. Hợp đồng gia
công và định mức gia công đã đăng ký với cơ quan Hải quan (bản sao có chữ ký và
đóng dấu xác nhận sao y bản chính của người đứng đầu hoặc người được ủy quyền
của thương nhân đồng thời có kèm bản chính để đối chiếu);
Trong trường
hợp có lý do chính đáng, thương nhân có thể nộp sau Tờ khai hải quan xuất khẩu
đã hoàn thành thủ tục hải quan và Vận tải đơn nhưng không quá mười lăm (15)
ngày làm việc kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận KP.
2. Đối với
Phòng quản lý xuất nhập khẩu
a. Phòng quản
lý xuất nhập khẩu cấp Giấy chứng nhận KP cho thương nhân trong vòng ba (03)
ngày làm việc kể từ thời điểm chấp nhận bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận KP
đầy đủ và hợp lệ.
b. Một bộ Giấy
chứng nhận KP bao gồm một (01) bản gốc và ba (03) bản sao. Mỗi Giấy chứng nhận
KP mang số tham chiếu riêng.
c. Bản gốc Giấy
chứng nhận KP do thương nhân gửi cho Người nhập khẩu để nộp cho cơ quan có thẩm
quyền của nước thành viên nhập khẩu. Một (01) bản sao do Phòng quản lý xuất
nhập khẩu lưu. Hai (02) bản sao còn lại giao cho thương nhân giữ. Trong trường
hợp do yêu cầu của nước thành viên nhập khẩu, thương nhân có thể đề nghị Phòng
quản lý xuất nhập khẩu cấp nhiều hơn ba (03) bản sao.
d. Trong trường
hợp cần thiết, Phòng quản lý xuất nhập khẩu cũng có thể tiến hành kiểm tra tại
nơi sản xuất nếu thấy rằng việc kiểm tra trên hồ sơ là chưa đủ căn cứ để Giấy
chứng nhận KP hoặc phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật đối với các Giấy
chứng nhận KP đã cấp trước đó. Kết quả kiểm tra này phải được ghi biên bản.
Biên bản phải được cán bộ kiểm tra, người đề nghị cấp Giấy chứng nhận KP ký.
Trong trường hợp người đề nghị cấp Giấy chứng nhận KP không ký vào biên bản,
cán bộ kiểm tra sẽ ký xác nhận sau khi nêu rõ lý do. Thời hạn cấp Giấy chứng
nhận KP đối với trường hợp này không quá năm (05) ngày làm việc kể từ ngày
người đề nghị cấp nộp hồ sơ đầy đủ.
đ. Trong vòng
ba (03) ngày làm việc kể từ ngày thương nhân nộp tờ khai hải quan xuất khẩu đã
hoàn thành thủ tục hải quan, Phòng quản lý xuất nhập khẩu thông báo bằng thư
điện tử tới cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu nội dung Giấy chứng nhận
KP đã cấp, đồng thời gửi cho Vụ Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương theo địa chỉ:
[email protected] để theo dõi. Thư điện tử bao gồm các thông tin về trọng
lượng, trị giá, nước xuất xứ hoặc nước xuất khẩu, người nhập khẩu, số hiệu Giấy
chứng nhận KP.
Điều 15. Thủ tục xuất khẩu kim cương thô tại cơ quan Hải quan
1. Đối với
thương nhân
Thương nhân khi
làm thủ tục xuất khẩu kim cương thô phải nộp cho cơ quan Hải quan những giấy tờ
sau:
a. Bản gốc và
một (01) bản sao Giấy chứng nhận KP do Phòng quản lý xuất nhập khẩu cấp.
b. Các giấy tờ
khác theo quy định của pháp luật về Hải quan.
2. Đối với cơ
quan Hải quan
a. Kiểm tra chi
tiết hồ sơ và thực tế hàng hóa để đảm bảo rằng lô hàng kim cương thô xuất khẩu
phù hợp với thông tin trong Giấy chứng nhận KP;
b. Sau khi kiểm
tra đối chiếu, cơ quan Hải quan trả lại bản gốc cho thương nhân và lưu bản sao
Giấy chứng nhận KP trong bộ hồ sơ hải quan xuất khẩu;
c. Trong vòng
ba (03) ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan cho lô hàng kim
cương thô xuất khẩu, cơ quan Hải quan sẽ gửi một bản thông báo bằng thư điện tử
tới địa chỉ giao dịch thư điện tử của Phòng quản lý xuất nhập khẩu và địa chỉ
[email protected] với nội dung về Giấy chứng nhận KP. Thư điện tử bao gồm
những thông tin chi tiết như trọng lượng, trị giá, nước xuất xứ, người xuất
khẩu, người nhập khẩu và số hiệu của Giấy chứng nhận KP.
Điều 16. Hiệu lực của Giấy chứng nhận KP
Giấy chứng nhận
KP có hiệu lực trong vòng hai (02) tháng kể từ ngày cấp. Trong trường hợp lô
hàng kim cương thô đã được cấp Giấy chứng nhận KP nhưng chưa được xuất khẩu
trong khoảng thời gian đó, thương nhân phải trả lại Giấy chứng nhận KP cho
Phòng quản lý xuất nhập khẩu nơi đã cấp Giấy chứng nhận KP đó.
IV. CÁC QUY ĐỊNH KHÁC
Điều 17. Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Công Thương
Bộ Công Thương,
cơ quan đầu mối quản lý xuất khẩu, nhập khẩu kim cương thô, có nhiệm vụ và
quyền hạn sau:
1. Hướng dẫn,
kiểm tra việc xác nhận nhập khẩu hoặc cấp Giấy chứng nhận KP để đảm bảo việc
xác nhận nhập khẩu và cấp Giấy chứng nhận KP được thực hiện đúng quy định.
2. Thông báo
cho các nước thành viên, thông qua nước chủ tịch, mẫu và đặc điểm Giấy Chứng
nhận KP của Việt Nam; mẫu chữ ký của cán bộ và con dấu của Phòng quản lý xuất
nhập khẩu được ủy quyền cấp Giấy Chứng nhận KP;
3. Chuyển mẫu
chữ ký của cán bộ và con dấu của cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận KP
của các nước thành viên cho Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan);
4. Cung cấp cho
các nước thành viên khác, thông qua nước chủ tịch, các thông tin bằng tiếng Anh
về các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam liên quan đến việc thực thi các
quy định của Quy chế Chứng nhận KP, đồng thời cập nhật những thông tin đó khi
được yêu cầu;
5. Tổng hợp và
sẵn sàng cung cấp cho các nước thành viên khác, thông qua nước chủ tịch, số
liệu thống kê phù hợp với các nguyên tắc quy định tại Quy chế Chứng nhận KP;
6. Trao đổi
kinh nghiệm và các thông tin liên quan khác, kể cả thông tin và kinh nghiệm về
việc tự đánh giá, để đạt được hiệu quả tối ưu trong các trường hợp cụ thể khi
thực thi các quy định của Quy chế chứng nhận KP;
7. Ưu tiên xem
xét các yêu cầu từ các nước thành viên khác về việc hỗ trợ tăng cường thực hiện
Quy chế Chứng nhận KP trong phạm vi lãnh thổ của các nước đó;
8. Thông báo
cho nước thành viên khác, thông qua nước chủ tịch, nếu thấy rằng văn bản quy
phạm pháp luật của nước đó không đảm bảo việc loại trừ kim cương xung đột trong
hoạt động xuất khẩu tại nước thành viên đó;
9. Hợp tác với
các nước thành viên khác để giải quyết những vấn đề phát sinh từ những tình
huống không lường trước có thể dẫn đến việc không đáp ứng được các yêu cầu tối
thiểu về ban hành hoặc chấp nhận Giấy chứng nhận KP, đồng thời thông báo cho
tất cả các nước thành viên khác khi gặp phải những vấn đề đó và các biện pháp
giải quyết;
10. Hợp tác
chặt chẽ với các cơ quan hành pháp và các cơ quan Hải quan của các nước thành
viên;
11. Thông báo
tên của các cá nhân hay công ty bị kết án do vi phạm các quy định của Quy chế
Chứng nhận KP cho tất cả các nước thành viên khác thông qua nước chủ tịch;
12. Khuyến
khích việc mua bán kim cương thô bằng việc sử dụng hệ thống ngân hàng chính
thức và chứng minh được bằng các tài liệu có thể thẩm tra.
Điều 18. Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Tài chính
1. Hướng dẫn
thủ tục hải quan và kiểm tra hải quan các lô hàng kim cương thô xuất nhập khẩu
theo quy định;
2. Hướng dẫn và
thực hiện chế độ báo cáo về tình hình xuất nhập khẩu kim cương thô;
3. Giải quyết
các vướng mắc phát sinh và giải quyết các khiếu nại có liên quan đến việc xuất
nhập khẩu kim cương thô;
4. Hợp tác với
các cơ quan có thẩm quyền trong nước và nước ngoài, các tổ chức quốc tế trong
việc điều tra xác minh về kim cương thô xuất nhập khẩu;
5. Phối hợp
triển khai thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của nước thành viên.
Điều 19. Chế độ báo cáo cập nhật thông tin
1. Các Phòng
quản lý xuất nhập khẩu phải thực hiện chế độ cập nhật thông tin hàng quý theo
mẫu do Bộ Công Thương quy định về tình hình xác nhận nhập khẩu và cấp Giấy
chứng nhận KP và gửi về Vụ Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương bằng thư điện tử tới
địa chỉ: [email protected].
2. Bộ Tài chính
thực hiện chế độ cập nhật thông tin hàng quý về tình hình nhập khẩu, xuất khẩu
các lô hàng kim cương thô theo mẫu do Bộ Công Thương quy định và gửi về Bộ Công
Thương bằng thư điện tử tới địa chỉ: [email protected].
3. Căn cứ số
liệu các Phòng quản lý xuất nhập khẩu và Bộ Tài chính cung cấp, Bộ Công Thương
tổng hợp số liệu và báo cáo Nhóm công tác về số liệu của Quy chế Chứng nhận KP.
V. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Thông tư này có
hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành.
Thông tư này
thay thế Thông tư số 11/2002/TT-TM-XNK ngày
26 tháng 12 năm 2002 của Bộ Thương mại hướng dẫn việc quản lý xuất nhập khẩu
kim cương thô và các Quyết định, văn bản hướng dẫn có liên quan nhằm sửa đổi,
bổ sung Thông tư số 11/2002/TT-TM-XNK.
Trong quá trình
thực hiện nếu có phát sinh vướng mắc, tùy vào tính chất vụ việc, các tổ chức,
cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Công Thương hoặc Bộ Tài chính theo các địa chỉ
sau để giải quyết:
Bộ Công Thương
(Vụ Xuất Nhập khẩu)
54 Hai Bà
Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Điện thoại:
04.2.2205444
Fax:
04.2.2202525
Bộ Tài chính
(Tổng cục Hải quan, Vụ Giám sát quản lý)
162 Nguyễn Văn
Cừ, quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại:
04.3.8720121
Fax:
04.3.8725909
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG
Đỗ Hoàng Anh Tuấn
|
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Thành Biên
|
Nơi
nhận:
- Ban Bí thư Trung
ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Kiểm toán nhà nước;
- Cục kiểm tra Văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Website Bộ Công Thương;
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng Bộ Công Thương;
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng Bộ Tài chính;
- Phòng QLXNK khu vực Hà Nội, Phòng QLXNK khu vực TP. Hồ Chí Minh;
- Vụ Pháp chế Bộ Công Thương;
- Vụ Pháp chế Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, XNK (10).
|
|
PHỤ LỤC I
DANH SÁCH CÁC NƯỚC THÀNH VIÊN CỦA
QUY CHẾ CHỨNG NHẬN QUY TRÌNH KIMBERLEY
(Kèm theo Thông tư liên tịch số 14/2009/TTLT-BCT-BTC
ngày 23 tháng 6 năm 2009 của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính hướng dẫn việc cấp
chứng nhận và thủ tục nhập khẩu, xuất khẩu kim cương thô nhằm thực thi các quy
định của Quy chế Chứng nhận Quy trình Kimberley)
TT
|
Tên nước thành viên
|
Chữ viết tắt
|
1
|
Angola
|
AO
|
2
|
Armenia
|
AM
|
3
|
Australia
|
AU
|
4
|
Bangladesh
|
BD
|
5
|
Belarus
|
BY
|
6
|
Botswana
|
BW
|
7
|
Brazil
|
BR
|
8
|
Canada
|
CA
|
9
|
Central
African Republic
|
CF
|
10
|
China, People’s Republic of
|
CN
|
11
|
Congo, Democratic Republic of
|
CD
|
12
|
Congo, Republic of
|
CG
|
13
|
Croatia
|
HR
|
14
|
European
Community
|
EC
|
15
|
Ghana
|
GH
|
16
|
Guinea
|
GN
|
17
|
Guyana
|
GY
|
18
|
India
|
IN
|
19
|
Indonesia
|
ID
|
20
|
Israel
|
IL
|
21
|
Japan
|
JP
|
22
|
Korea, Republic of
|
KR
|
23
|
Lao,
Democratic Republic of
|
LA
|
24
|
Lebanon
|
LB
|
25
|
Lesotho
|
LS
|
26
|
Liberia
|
LR
|
27
|
Malaysia
|
MY
|
28
|
Mauritius
|
MU
|
29
|
Mexico
|
MX
|
30
|
Namibia
|
NA
|
31
|
New Zealand
|
NZ
|
32
|
Norway
|
NO
|
33
|
Russian
Federation
|
RU
|
34
|
Sierra Leone
|
SL
|
35
|
Singapore
|
SG
|
36
|
South Africa
|
ZA
|
37
|
Sri Lanka
|
LK
|
38
|
Switzerland
|
CH
|
39
|
Tanzania
|
TZ
|
40
|
Thailand
|
TH
|
41
|
Togo
|
TG
|
42
|
Turkey
|
TR
|
43
|
Ukraine
|
UA
|
44
|
United Arab
Emirates
|
AE
|
45
|
United States
of America
|
US
|
46
|
Vietnam
|
VN
|
47
|
Zimbabwe
|
ZW
|
48
|
Chinese Taipei
|
TW
|
PHỤ LỤC II
MẪU GIẤY CHỨNG NHẬN QUY TRÌNH
KIMBERLEY
(Kèm theo Thông tư liên tịch số 14/2009/TTLT-BCT-BTC
ngày 23 tháng 6 năm 2009 của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính hướng dẫn việc cấp
chứng nhận và thủ tục nhập khẩu, xuất khẩu kim cương thô nhằm thực thi các quy
định của Quy chế Chứng nhận Quy trình Kimberley)
1. Phần bên
trái Giấy chứng nhận KP
THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Number: VN…
KIMBERLEY PROCESS CERTIFICATE
The rough
diamonds in this shipment have been handled in accordance with the provisions
of the Kimberley Process Certification Scheme for rough diamonds
Country of
Origin: ………………………… Number of Parcels: ………………………
Country of
Provenance: …………………. ………………….
Name and
address of exporter: …………… Name and address of exporter: ……………
HS
classification
|
Carat
|
Value
(US$)
|
7102.10
|
|
|
7102.21
|
|
|
7102.31
|
|
|
THIS CERTIFICATE
Issued on: …………………………. Expires on: ………………………………..
……………………………………………………………
Signature of Authorised Officer/ Official Stamp
2. Phần bên
phải Giấy chứng nhận KP
THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Number: VN…
KIMBERLEY
PROCESS CERTIFICATE
IMPORT CONFIRMATION
It is hereby certified that the rough diamonds in this shipment
exported
From ……………………
Were
accepted for import
Into ………………………
By ………………………….
On ………………………….
And that the import has been checked and verified in compliance with
the provisions of the Kimberley Process Certification Scheme for rough
diamonds.
HS
classification
|
Carat
|
Value
(US$)
|
7102.10
|
|
|
7102.21
|
|
|
7102.31
|
|
|
Signature of Authorised Officer
Stamp of Importing Authority
PHỤ LỤC III
DANH SÁCH CÁC TỔ CHỨC ĐƯỢC ỦY QUYỀN
XÁC NHẬN NHẬP KHẨU VÀ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUY TRÌNH KIMBERLEY
(Kèm theo Thông tư liên tịch số 14/2009/TTLT-BCT-BTC
ngày 23 tháng 6 năm 2009 của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính hướng dẫn việc cấp
chứng nhận và thủ tục nhập khẩu, xuất khẩu kim cương thô nhằm thực thi các quy
định của Quy chế Chứng nhận Quy trình Kimberley)
1. Phòng
Quản lý xuất nhập khẩu khu vực Hà Nội
Địa chỉ: 21 Ngô
Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Số điện thoại:
04.2.2205459
Số fax:
04.2.2205552
Địa chỉ email:
[email protected]
2. Phòng Quản
lý xuất nhập khẩu khu vực thành phố Hồ Chí Minh
Địa chỉ: 35-37 Bến
Chương Dương, Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh
Số điện thoại:
08.3.8294569
Số fax:
08.3.8217280
Địa chỉ email:
[email protected]
PHỤ LỤC IV
ĐĂNG KÝ MẪU CHỮ KÝ CỦA NGƯỜI ĐƯỢC ỦY
QUYỀN KÝ ĐƠN ĐỀ NGHỊ XÁC NHẬN NHẬP KHẨU VÀ ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN KP
VÀ CON DẤU CỦA THƯƠNG NHÂN
(Kèm theo Thông tư liên tịch số 14/2009/TTLT-BCT-BTC
ngày 23 tháng 6 năm 2009 của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính hướng dẫn việc cấp
chứng nhận và thủ tục nhập khẩu, xuất khẩu kim cương thô nhằm thực thi các quy
định của Quy chế Chứng nhận Quy trình Kimberley)
………………, ngày …. tháng …... năm ………..
Kính gửi:
…………………………………… (tên của Phòng Quản lý xuất nhập khẩu)
Công ty:
……………………………………………………………… (tên doanh nghiệp)
Địa chỉ: ………………………………………………………
(địa chỉ của doanh nghiệp)
Điện thoại:
…………………….. Fax: ……………………... Email: ……………………..
1. Đề nghị được
đăng ký các cá nhân của doanh nghiệp có tên, mẫu chữ ký và dấu dưới đây:
TT
|
Họ và tên
|
Chức vụ
|
Mẫu chữ ký
|
Mẫu dấu
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
có thẩm quyền
hoặc được ủy quyền ký trên Đơn đề nghị xác nhận nhập khẩu và đơn đề nghị cấp
Giấy chứng nhận KP.
2. Đăng ký các
cá nhân có tên dưới đây:
TT
|
Họ và tên
|
Chức danh
|
Phòng (Công ty)
|
Số Chứng minh thư
|
|
…
|
|
|
|
được ủy quyền
tới liên hệ xác nhận nhập khẩu và đề nghị cấp Giấy chứng nhận KP tại … (tên
của Phòng Quản lý xuất nhập khẩu).
Tôi xin chịu
mọi trách nhiệm trước pháp luật về việc đăng ký, ủy quyền này.
|
CÔNG TY ………………….
(Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp)
(Ký tên, đóng dấu)
|