Kính
gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương.
Thực
hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc
xin phòng COVID-19, Bộ Y tế đã gửi nhiều Công điện, văn bản đến Tỉnh ủy, Ủy ban
nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường tiếp nhận
và triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19. Đồng thời, Bộ Y tế đã xây dựng, ban
hành các hướng dẫn tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Nhằm
tăng cường vận động người dân tham gia tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, Bộ Y
tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền
thông chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các ban ngành liên quan khẩn trương triển
khai công tác truyền thông về tiêm vắc xin phòng COVID-19, cụ thể như sau:
1. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “Đi từng
ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để đảm bảo không bỏ sót đối tượng cần tiêm
chủng, lồng ghép truyền thông vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ,
đúng lịch.
2. Thống nhất quan điểm truyền thông “Tiêm vắc xin phòng
COVID-19 là tiêm vắc xin phòng chống dịch COVID-19”, để vận động người dân chủ
động tham gia tiêm vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ, đúng lịch.
3. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Y
tế tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phân công nhiệm vụ, huy động sự
tham gia của tất cả các sở ban ngành, đoàn thể thực hiện công tác truyền thông
vận động người dân từ 12 tuổi trở lên đi tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 3, người
dân thuộc đối tượng có nguy cơ cao theo hướng dẫn của Bộ Y tế đi tiêm mũi 4 và đưa
trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi đi tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo khuyến cáo của
ngành y tế.
4. Tăng cường công tác truyền thông vận động người dân tham
gia tiêm vắc xin phòng COVID-19, cụ thể như sau:
4.1.
Nội dung truyền thông:
- Thời
gian qua, tình hình dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát nhưng còn diễn biến phức
tạp, khó lường, khó dự báo, xuất hiện biến chủng mới, vắc xin giảm khả năng miễn
dịch theo thời gian. Vắc xin là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng, chống dịch
COVID-19. Vì vậy cần tiếp tục tiêm vắc xin các mũi 3, mũi 4 (mũi nhắc lại) và
tiêm vắc xin cho trẻ em theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
-
Truyền thông về hướng dẫn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19: tiêm nhắc lại mũi
3 cho người từ 12 tuổi trở lên, tiêm mũi 4 cho người có nguy cơ cao và tiêm vắc
xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế
tại công văn số 3309/BYT-DP ngày 23/6/2022 về hướng dẫn tiêm vắc xin phòng
COVID-19.
Tải
infographic truyền thông của công văn 3309/BYT-DP tại link:
https://1drv.ms/u/s!Amm0pPafka61hM5tPwosAbYT12agZw?e=aXTNRG
-
Truyền thông về hiệu quả của vắc xin phòng COVID-19 trong phòng, chống dịch: giảm
tỷ lệ mắc COVID-19 phải nhập viện, giảm tỷ lệ mắc COVID-19 diễn biến nặng, giảm
tử vong do COVID-19. Xin gửi kèm theo Thông tin báo chí tại buổi gặp mặt báo
chí của Bộ Y tế cung cấp thông tin về tiêm vắc xin phòng COVID-19 ngày
27/6/2022 tại Phụ lục kèm theo.
- Các
tài liệu truyền thông về vắc xin phòng COVID-19 đã được Bộ Y tế biên soạn, xây
dựng và cập nhật thường xuyên trên Kho dữ liệu điện tử truyền thông COVID-19.
Tài liệu truyền thông về vắc xin phòng COVID-19 tại link:
https://1drv.ms/u/s!Amm0pPafka615U3FFFQKtq3itPOV?e=wb8xvG
- Căn
cứ nội dung, thông điệp, tài liệu truyền thông của Bộ Y tế, các tỉnh, thành phố
lựa chọn nội dung, xây dựng các thông điệp phù hợp tình hình địa phương.
4.2.
Hình thức truyền thông
- Căn
cứ tình hình địa phương để đa dạng hóa các hình thức truyền thông phù hợp để
triển khai mạnh mẽ công tác truyền thông về tiêm chủng vắc xin COVID-19 trên địa
bàn.
-
Tăng cường truyền thông sâu rộng trên các phương tiện truyền thông của địa
phương thông qua các bài viết, tin, ảnh, phóng sự, chương trình truyền hình,
phát thanh, tọa đàm, giao lưu trực tuyến trên báo điện tử, trả lời của chuyên
gia...; tiếp sóng, phát lại các tọa đàm, phóng sự, giao lưu chuyên gia do Trung
ương tổ chức.
-
Tăng cường truyền thông trên mạng xã hội (Facebook, Zalo, Youtube, TikTok,…), sử
dụng các trang mạng xã hội của địa phương để truyền thông sâu rộng đến các nhóm
đối tượng; truyền thông qua tin nhắn SMS trên điện thoại di động để vận động
người dân tham gia tiêm chủng an toàn.
- Đẩy
mạnh truyền thông vận động người dân biết, hiểu và thực hiện tiêm vắc xin
COVID-19 để phòng chống dịch; chú trọng sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể,
các tổ chức chính trị - xã hội trong tổ chức các chiến dịch truyền thông, các
hoạt động truyền thông trực tiếp tại cộng đồng đến các nhóm đối tượng đích.
Đề
nghị các tỉnh, thành phố khẩn trương tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả về Bộ
Y tế (qua Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng) theo quy định.
Trân
trọng cám ơn./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- PTTg Chính phủ Vũ Đức Đam(để báo cáo);
- Thứ trưởng phụ trách Đỗ Xuân Tuyên (để báo cáo);
- Các đồng chí Thứ trưởng;
- Các Vụ/Cục, Tổng cục, Thanh tra, VP Bộ;
- Các Viện: VSDT Trung ương (CTTCMRQG), Pasteur; TP.HCM, Pasteur Nha Trang,
VSDT Tây Nguyên;
- Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương;
- Lưu VT, TT-KT.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Thị Liên Hương
|
PHỤ LỤC
NỘI DUNG TRUYỀN THÔNG TĂNG CƯỜNG
TIÊM CHỦNG VẮC XIN PHÒNG COVID-19
(Kèm theo công văn số 3465/BYT-TT-KT ngày tháng 06 năm 2022)
THÔNG TIN BÁO CHÍ
Tăng cường tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19
1. Tiêm nhắc lại vắc xin phòng COVID-19 mũi 3, mũi 4 để duy
trì bền vững hiệu quả phòng, chống dịch COVID-19
Khả
năng bảo vệ của vắc xin khi chỉ tiêm liều cơ bản: Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật
(CDC) Hoa Kỳ khuyến cáo tiêm nhắc lại vắc xin phòng COVID-19 để ngăn ngừa và
phòng, chống dịch COVID-19. Các nghiên cứu trên thế giới đã ghi nhận hiệu quả bảo
vệ của mũi tiêm cơ bản vắc xin phòng COVID-19 giảm dần theo thời gian trong
vòng 6 tháng sau khi tiêm và trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới. Đối
với biến chủng Omicron, hiệu quả bảo vệ giảm rất nhanh do nồng độ kháng thể cần
thiết để trung hòa vi rút ở mức cao hơn so với các biến chủng vi rút SARS-COV-2
trước đây. Do vậy những người đã tiêm mũi cơ bản nếu không tiêm mũi nhắc vẫn có
nguy cơ mắc bệnh.
Khả
năng tái nhiễm ở những người đã từng mắc COVID-19 và nguy cơ xuất hiện các biến
chủng mới: Người đã từng mắc COVID-19 vẫn
có khả năng bị tái nhiễm và mắc các biến chứng của bệnh, bao gồm cả trẻ em và
người lớn. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy người tái nhiễm vẫn có nguy cơ mắc
bệnh mức độ nghiêm trọng và phải điều trị hồi sức tích cực. Cũng cần lưu ý, mặc
dù số mắc và tử vong do COVID-19 trên toàn cầu có xu hướng giảm, tuy nhiên, ở một
số khu vực dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, xuất hiện các biến chủng mới.
Hiện nay nhiều quốc gia đã dỡ bỏ một phần hoặc hoàn toàn các biện pháp phòng chống
dịch nên nguy cơ dịch quay trở lại là hoàn toàn có thể. Trong tuần từ 23-29/5,
so với tuần trước đó: tổng số ca mắc mới tại khu vực Châu Mỹ tăng 9%, khu vực
Trung Đông tăng 1%; tổng số ca tử vong tại khu vực Tây Thái Bình Dương (trong
đó có Việt Nam) tăng 18%, khu vực Châu Phi tăng 15%, khu vực Châu Mỹ tăng 13%.
Những con số này có thể chưa phản ánh hết tình hình thực tế vì nhiều quốc gia
đã giảm đáng kể việc yêu cầu xét nghiệm cũng như công tác báo cáo không còn được
chú trọng như giai đoạn trước. Bên cạnh đó, số ca mắc COVID-19 ở trẻ em có xu
hướng tăng lên tại một số quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ.
Hội
chứng hậu COVID-19: là một trong những hội
chứng có biểu hiện triệu chứng đa dạng, phức tạp nhất và vẫn đang tiếp tục được
nghiên cứu trên thế giới. Hậu COVID-19 có thể biểu hiện ở nhiều cơ quan như: hô
hấp, tim mạch, tâm thần kinh, tiêu hóa, nội tiết, thận, da...trong thời gian
dài có thể khiến sức khỏe con người bị suy giảm, ảnh hưởng đến khả năng quay trở
lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội bình thường của người bệnh. Theo
thông báo trong tháng 6/2022 của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương, khoảng 60%
trường hợp mắc bệnh bị hậu COVID-19 và 30% phải nhập viện điều trị hậu
COVID-19.
Hiệu
quả của liều tiêm nhắc lại: Tiêm mũi nhắc
vắc xin COVID-19 sẽ làm gia tăng nồng độ kháng thể bảo vệ, qua đó giúp cho cơ
thể được bảo vệ trước nguy cơ mắc COVID-19, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm số ca tiến
triển bệnh nặng và ca tử vong do COVID-19. Theo kết quả của một số nghiên cứu gần
đây, những người đã tiêm vắc xin liều cơ bản và bị mắc COVID-19, miễn dịch bắt
đầu giảm ở tuần 10-19 sau tiêm. Nếu những người này được tiêm nhắc vắc xin
phòng COVID-19 thì sẽ khôi phục khả năng miễn dịch, duy trì hiệu lực bảo vệ trước
nguy cơ nhiễm vi rút SARS-COV-2. Kết quả nghiên cứu tại Pháp cho thấy nếu được
tiêm liều nhắc, những người này được bảo vệ khỏi tái nhiễm vi rút lên đến 81%.
Kết quả nghiên cứu tại Hoa Kỳ cho thấy, những người từng mắc COVID-19 nếu chỉ
tiêm 2 liều thì hiệu quả phòng nhập viện do tái nhiễm là 34,6%, nhưng nếu được
tiêm liều nhắc thì hiệu quả này lên đến 67,6%.
Việc
tiêm các mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) vắc xin phòng COVID-19 là cần thiết nhằm bảo
vệ người đi tiêm không bị mắc bệnh, đặc biệt là tránh nguy cơ bị bệnh nặng và tử
vong do COVID-19 trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới. Bộ Y tế đã có hướng dẫn 3309/BYT-DP ngày 23/6/2022 về việc
tiêm nhắc mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên và cho trẻ từ 12 đến dưới
18 tuổi (tiêm nhắc mũi 3). Hiện nay đã có nhiều quốc gia trên thế giới triển
khai lịch tiêm nhắc vắc xin phòng COVID-19 cho người lớn và trẻ vị thành niên.
Triển
khai tiêm nhắc vắc xin phòng COVID-19 tại Việt Nam
Tại
Việt Nam, chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 được triển khai rộng khắp
hơn 1 năm qua với trên 228 triệu mũi tiêm đã được tiêm chủng, công tác đảm bảo
an toàn tiêm chủng luôn được ưu tiên tại tất cả các cơ sở y tế, góp phần hiệu
quả trong công tác phòng, chống dịch, giúp giảm rõ rệt ca mắc bệnh, nhập viện,
nặng và tử vong. Mặc dù số ca mắc và tử vong do COVID-19 trên cả nước hiện nay
đã có xu hướng giảm rõ rệt nhưng các địa phương vẫn tiếp tục ghi nhận những trường
hợp phải điều trị tại bệnh viện do tình trạng mắc bệnh nặng và vẫn ghi nhận các
ca tử vong do COVID-19; nhiều người phải điều trị những biến chứng hậu
COVID-19.
Trong
thời gian qua, ngành y tế các cấp đang nỗ lực, cố gắng hoàn thành mục tiêu triển
khai tiêm nhắc lần 1 (mũi 3) đồng thời với triển khai tiêm nhắc lần 2 (mũi 4) từ
tháng 5/2022 theo chỉ đạo của Chính phủ. Tại các điểm tiêm chủng luôn đảm bảo
tính sẵn có của vắc xin COVID-19. Ngành y tế tại các địa phương đã nỗ lực đưa vắc
xin đến gần với người dân. Người đi tiêm chủng có thể tiếp cận vắc xin ở các điểm
tiêm chủng tại trạm y tế, các điểm tiêm chủng lưu động (tại trường học, nhà
máy, thôn bản…) và tiêm chủng tại nhà để đảm bảo độ bao phủ mũi tiêm nhắc lại
(mũi 3, mũi 4) vắc xin phòng COVID-19. Có những điểm tiêm chủng mở 24/7 thuận
tiện cho người dân đến tiêm chủng, nhất là khi người dân đã quay trở lại đi
làm, đi học. Đồng thời ngành y tế và chính quyền các cấp cũng đã nỗ lực truyền
thông vận động người dân đi tiêm chủng mũi nhắc lại.
Tuy
nhiên, song song với việc Việt Nam kiểm soát tốt sự lây lan dịch bệnh, cuộc sống
người dân trở lại bình thường, hiện nay đã xuất hiện tâm lý chủ quan, từ chối
không đi tiêm vắc xin tại nhiều địa phương. Nhiều người dân đã mắc COVID-19
không đồng ý tiêm các mũi vắc xin tiếp theo do nghĩ đã được miễn dịch bảo vệ,
cho rằng liều bổ sung, liều nhắc lại là không cần thiết. Bên cạnh đó, cả nước có
hơn 15 triệu người (khoảng 22,3%) đã tiêm mũi bổ sung vắc xin phòng COVID-19,
nhiều người trong số này không muốn tiêm mũi nhắc tiếp theo. Theo hướng dẫn của
Bộ Y tế, liều tiêm bổ sung thuộc liều tiêm cơ bản và không phải là liều tiêm nhắc.
Tiêm
nhắc mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi: ngày 17/6/2022, Bộ Y tế hướng dẫn triển khai tiêm nhắc vắc
xin phòng COVID-19 mũi 3 cho trẻ em 12 đến dưới 18 tuổi. Tiếp theo, tại Công
văn 3309/BYT-DP ngày 23/6/2022, Bộ Y tế hướng dẫn chi tiết về tiêm liều nhắc lại
(mũi 3) vắc xin phòng COVID-19 cho nhóm tuổi này. Theo đó, tiêm nhắc mũi 3 cho
trẻ từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã tiêm đủ liều cơ bản (Mũi 1 và Mũi 2) bằng vắc
xin Pfizer đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho lứa tuổi này, với liều 0,3 ml
tương tự liều cơ bản của người từ 12 tuổi trở lên. Mũi nhắc (mũi 3) được tiêm
ít nhất là 5 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản (Mũi 2). Nếu người trong độ
tuổi từ 12 đến dưới 18 tuổi đã mắc COVID-19 thì sẽ tiêm mũi nhắc (mũi 3) sau
khi mắc COVID-19 là 3 tháng và đảm bảo khoảng cách với mũi cuối cùng của liều
cơ bản ít nhất 5 tháng. Các địa phương đang xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các
điều kiện cần thiết để sớm triển khai tiêm chủng mũi 3 (mũi nhắc lại) vắc xin
phòng COVID-19 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi. Một số địa phương đã bắt đầu triển
khai kế hoạch tiêm trong tuần vừa qua, toàn quốc có hơn 160 ngàn trẻ trong độ
tuổi này được tiêm mũi 3 an toàn.
Công
tác đảm bảo an toàn tiêm chủng luôn được ưu tiên tại tất cả các cơ sở y tế. Phản
ứng sau tiêm mũi 3 ghi nhận được chủ yếu là các phản ứng thông thường như sưng
đau tại chỗ tiêm, sốt, ớn lạnh, đau đầu, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi... tương tự
như sau tiêm 2 mũi cơ bản. Phản ứng nặng sau tiêm chủng mũi 3 rất thấp, được
ghi nhận với tỷ lệ khoảng 3 trường hợp trong 10 triệu mũi tiêm.
Tình
hình triển khai tiêm nhắc lần 2 (mũi 4):
thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 3724/VPCPKGVX ngày
15/6/2022 về việc đẩy nhanh tiêm vắc xin phòng COVID-19, nhất là mũi 3, mũi 4
và hoàn thành tiêm đủ 2 mũi cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, ngày 23/6/2022, Bộ Y
tế ban hành văn bản 3309/BYT-DP , trong đó hướng dẫn triển khai tiêm vắc xin
phòng COVID-19 liều nhắc lại lần 2 (mũi 4) cho các đối tượng người từ 50 tuổi
trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng;
và người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19 như
cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu (lực lượng quân đội, công an, giáo viên, người
làm việc trong lĩnh vực giao thông vận tải, người cung cấp dịch vụ thiết yếu,
người làm việc tại các cơ sở dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị,
chợ), công nhân, người làm việc tại các khu công nghiệp. Cập nhật đến ngày
23/6/2022 số người đã tiêm nhắc lần 2 - mũi 4 trên toàn quốc là hơn 2,8 triệu
người, đảm bảo an toàn tiêm chủng.
Thành
công trong khống chế dịch COVID-19 tại Việt Nam trong thời gian qua là rất đáng
ghi nhận nhưng có thể là chưa đủ để bảo vệ người dân trước nguy cơ bệnh quay trở
lại trong thời gian sắp tới. Khi chưa khống chế hoàn toàn được dịch COVID-19 và
vẫn còn nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới của vi rút SARS-COV2, liều tiêm nhắc
lại thực sự cần thiết giúp duy trì khả năng bảo vệ trước nguy cơ mắc bệnh, chuyển
bệnh nặng và tử vong do COVID-19.
(Một số thông tin về hiệu quả của vắc xin phòng COVID-19
trong giảm nguy cơ mắc bệnh nặng, tử vong do COVID-19 xem tại Phụ lục kèm
theo).
Để
bảo vệ sức khoẻ của mình, của gia đình và cộng đồng trước nguy cơ dịch COVID-19
bùng phát trở lại, Bộ Y tế khuyến cáo người dân tích cực ủng hộ và chủ động đi
tiêm nhắc lại các mũi vắc xin phòng COVID-19.
2. Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12
tuổi để bảo vệ sức khoẻ trẻ em và cộng đồng
Tại
Việt Nam, mặc dù số mắc và tử vong do COVID-19 ở trẻ em thấp hơn so với người lớn,
các biểu hiện khi mắc bệnh thường nhẹ hơn, nhiều trường hợp không có triệu chứng
nhưng hậu quả của COVID-19 cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe các em. Tại
Việt Nam, đã ghi nhận hàng trăm trường hợp trẻ em mắc hội chứng MIS-C với các
biểu hiện viêm đa hệ thống đồng thời ở nhiều cơ quan như tim, phổi, thận, hệ
tiêu hóa, não, da, mắt… sau khi mắc COVID-19, có thể tiến triển nặng, thậm chí
có trường hợp tử vong. Ngoài ra, trẻ cũng có thể gặp phải hội chứng hậu
COVID-19 với các dấu hiệu bất thường kéo dài về sức khỏe như mệt mỏi, đau đầu,
rối loạn giấc ngủ, mất tập trung, đau cơ… ảnh hưởng lớn đến khả năng học tập và
vui chơi của trẻ, và có thể có những hậu quả lâu dài đối với quá trình phát triển
của trẻ, cần tiếp tục theo dõi, điều trị. Trẻ mắc COVID-19 mức độ nhẹ trước đó
có thể vẫn mắc hậu COVID-19 và hội chứng MIS-C mức độ nặng.
Công
tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em có ý nghĩa quan trọng, trước
tiên để bảo vệ sức khỏe cho trẻ em trước bối cảnh dịch COVID-19 vẫn tiếp tục
lây lan. Tiêm vắc xin COVID-19 giúp trẻ tránh mắc bệnh, tránh các hậu quả
lâu dài của bệnh, giúp trẻ đến trường an toàn, tham gia các hoạt động xã hội và
phát triển khỏe mạnh. Đồng thời, tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em
trong lứa tuổi này nhằm tăng độ bao phủ vắc xin phòng COVID-19 trong cộng đồng,
giảm lây lan cho những người xung quanh, góp phần tích cực để thích ứng an
toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. (xem thêm thông tin về hiệu
quả của vắc xin phòng COVID-19 đối với trẻ em tại Phụ lục).
Tại
các địa phương, tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi thực
hiện theo hình thức tiêm chủng chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng cố định tại
trạm y tế xã/phường, bệnh viện, điểm tiêm lưu động và trường học với 2 loại vắc
xin là Moderna và Pfizer. Các điểm tiêm chủng đều sẵn sàng để tiêm chủng vắc
xin phòng COVID-19 cho mọi trẻ em trong độ tuổi.
Tính
đến ngày 23/6/2022, cả nước có hơn 5,4 triệu trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi (48,1%)
được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin phòng COVID-19 và hơn 1,4 triệu trẻ đã hoàn
thành 2 mũi tiêm an toàn. Phản ứng thông thường sau tiêm vắc xin phòng COVID-19
ở trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi được ghi nhận với tỷ lệ khoảng 0,4%, thấp hơn so
với khuyến cáo của nhà sản xuất, với các triệu chứng như: sưng đau tại chỗ
tiêm, sốt, ớn lạnh, đau đầu, mệt mỏi...và thường tự hết sau vài ngày.
Hãy
chung tay đưa trẻ trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi đi tiêm vắc xin phòng
COVID-19 an toàn, đúng lịch theo hướng dẫn của cán bộ y tế!
Thông
tin liên hệ: Chương trình Tiêm chủng mở rộng, số điện thoại
02438.213.764.
Phụ lục của Thông tin báo
chí
Một số thông tin về hiệu
quả của vắc xin phòng COVID-19 trong giảm nguy cơ mắc bệnh nặng, tử vong do
COVID-19 đối với người lớn và trẻ em
1. Hiệu quả của vắc xin trong phòng ngừa diễn biến nặng và
tử vong do COVID-19
Các bằng
chứng khoa học cho đến hiện nay đã chỉ ra rằng, hiệu quả bảo vệ của vắc xin để
phòng mắc COVID-19 là trên 50%.
Cụ thể,
một nghiên cứu gần đây do Tạp chí y khoa hàng đầu thế giới NEJM công bố, cho thấy
hiệu quả bảo vệ sau tiêm mũi thứ 4 có thể ghi nhận ở cả 5 cấp độ của bệnh, bao
gồm hiệu quả bảo vệ khỏi mắc bệnh, mắc bệnh có triệu chứng, mắc bệnh phải nhập
viện, mắc bệnh nhập viện thể nặng nguy kịch và mắc bệnh dẫn đến tử vong, cụ thể
như sau:
- Hiệu
quả bảo vệ khỏi mắc COVID-19 là 52%;
- Hiệu
quả bảo vệ khỏi mắc ở thể nhẹ có triệu chứng là 61%;
- Hiệu
quả bảo vệ khỏi nguy cơ nhập viện do mắc COVID-19 là 72%;
- Hiệu
quả bảo vệ khỏi mắc COVID-19 ở thể nặng, nguy kịch là 64%;
- Hiệu
quả bảo vệ khỏi nguy cơ tử vong do mắc COVID-19 là 76%.
(Ori
M, Jacob G.W, et al. Fourth Dose of BNT162b2 mRNA Covid-19 Vaccine in a
Nationwide Setting. Thư New England Journal of Medicine. 2022)
Tại
Việt Nam, Hệ thống quản lý điều trị COVID-19 của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ
Y tế ghi nhận: Trong số 32.212 trường hợp tử vong do COVID-19 có tới 52,8% số tử
vong là chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19; 29.8% đã tiêm 1 mũi hoặc 2 mũi vắc
xin và chỉ có 7,3% đã tiêm 3 mũi. Số liệu này một lần nữa khẳng định tính cần
thiết phải thực hiện tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) cho những người đã hoàn
thành 2 mũi tiêm cơ bản.
Bên cạnh
đó, các nghiên cứu trên thế giới và trong đó có nghiên cứu của Việt Nam cũng chỉ
ra kháng thể kháng SARS-CoV-2 sau tiêm mũi 3 sẽ suy giảm đáng kể khoảng 15 tuần
sau khi tiêm, đặc biệt là kháng thể kháng biến chủng OMICRON. Do vậy việc tiêm
mũi 4 đặc biệt hữu ích đối với những người:
- Người
từ 50 tuổi trở lên;
- Người
từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng;
- Người
từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19 như cán bộ y
tế, cán bộ tuyến đầu (lực lượng công an, quân đội, giáo viên, người làm việc
trong lĩnh vực giao thông vận tải, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người làm
việc tại các cơ sở dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ), công
nhân, người làm việc các khu công nghiệp.
Với
tình hình dịch COVID-19 hiện nay ở Việt Nam và việc triển khai tiêm mũi 3 đạt tỷ
lệ trên 65% ở người từ 18 tuổi trở lên, rất cần thiết và là thời điểm phù hợp để
tiêm nhắc mũi thứ 4.
2. Thông tin, bằng chứng khoa học về lợi ích bảo vệ của vắc
xin phòng COVID-19 bảo vệ trẻ khỏi Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C)
Có thể
thấy, trẻ em mắc COVID-19 thường nhẹ hơn so với người lớn, nguy cơ tử vong cũng
ít hơn. Số liệu theo dõi tử vong do COVID-19 ở trẻ từ 0 đến dưới 18 tuổi của Cục
Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế cho thấy: số tử vong ở độ tuổi này mặc dù thấp,
chỉ chiếm 0,59% trên tổng số tử vong chung của cả nước; tuy nhiên, một trong những
vấn đề lo ngại với trẻ em sau mắc COVID-19 là Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ
em (MIS-C), đây là hội chứng với diễn biến bệnh cảnh rất nặng, tổn thương từ 2
cơ quan trở lên như: da niêm mạc, tiêu hóa, tim mạch, thận, hô hấp, huyết học,
thần kinh…
Bên cạnh
nhiều nghiên cứu trên y văn thế giới thì gần đây, Hiệp hội Y khoa Hoa kỳ đã ghi
nhận bằng chứng khoa học từ nghiên cứu của Đan Mạch với gần 600 nghìn trẻ em và
thanh thiếu niên bị nhiễm COVID-19. Kết quả nghiên cứu cho thấy vắc xin phòng
COVID-19 có hiệu quả làm giảm nguy cơ mắc MIS-C ở nhóm đã tiêm vắc xin, với tỷ
lệ cứ 1 triệu trẻ mắc COVID-19 chỉ có 3 trẻ mắc MIS-C; thấp hơn 15 lần so với
nhóm chưa tiêm vắc xin COVID-19 với tỷ lệ 1 triệu trẻ mắc COVID-19 có tới 45 trẻ
mắc MIS-C. Hiệu quả bảo vệ của vắc xin để ngăn ngừa hội chứng MIS-C ở trẻ em
nhiễm COVID-19 lên tới trên 90%.
(Mette
H, Laura E, et al. Risk and Phenotype of Multisystem Inflammatory Syndrome in
Vaccinated and Unvaccinated Danish Children Before and During the Omicron Wave.
JAMA Pediatrics. 2022)
Như vậy,
nếu ước tính ở TP. Hồ Chí Minh có 900.000 trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, nếu tất
cả được tiêm vắc xin phòng COVID-19 thì số mắc COVID-19 bị MIS-C chỉ là 1 đến 2
trường hợp so với con số là 40 trường hợp nếu tất cả số trẻ này không được tiêm
vắc xin.
Nói về
Hội chứng MIS-C, chỉ tính riêng tại Bệnh viện Nhi đồng 1 - TP. Hồ Chí Minh
trong gần 1 năm qua đã tiếp nhận và điều trị 153 ca; trong đó số chưa được tiêm
vắc xin phòng COVID-19 là 149 ca, chiếm tới 97,4%. Tại Bệnh viện Nhi Trung
ương, đến nay cũng đã tiếp nhận và điều trị 369 trẻ em bị MIS-C, hầu hết trong
số này là những trẻ chưa được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
Thông
tin liên hệ: Ts.Bs. Vương Ánh Dương,
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế.