BỘ TÀI NGUYÊN
VÀ
MÔI TRƯỜNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 990/BTNMT-KTTVBĐKH
V/v Hướng dẫn cập nhật Kế hoạch hành động
ứng phó với biến đổi khí hậu
|
Hà Nội, ngày 24
tháng 3 năm 2014
|
Kính gửi: …………………………………………………………………
Ngày 30 tháng 8 năm 2012 Thủ tướng Chính phủ đã ban
hành Quyết định số 1183/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó
với biến đổi khí hậu giai đoạn 2012-2015, trên cơ sở đó Bộ Tài nguyên và Môi
trường đã ban hành Quyết định số 1651/QĐ-BTNMT ngày 05 tháng 9 năm 2013 phê
duyệt các dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với
biến đổi khí hậu giai đoạn 2012 - 2015 (Chương trình), trong đó các Bộ, ngành,
địa phương cần “Cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của
từng Bộ, ngành, địa phương; rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung các chiến
lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển của từng ngành, từng lĩnh
vực có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu”, làm cơ sở để tiếp tục triển khai
Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trong giai đoạn 2016-2020 và
các năm tiếp theo.
Để thống nhất triển khai nội dung nêu trên, Bộ Tài
nguyên và Môi trường xây dựng và ban hành tài liệu “Hướng dẫn cập nhật Kế hoạch
hành động ứng phó với biến đổi khí hậu” gửi các Bộ, ngành, địa phương nghiên
cứu, vận dụng trong quá trình thực hiện cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó với
biến đổi khí hậu của Bộ, ngành, địa phương mình.
Trong quá trình thực hiện, đề nghị các Bộ, ngành,
địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm đảm bảo đúng
mục tiêu, nội dung và chất lượng của kết quả cập nhật Kế hoạch hành động ứng
phó với biến đổi khí hậu.
Để biết thêm thông tin, đề nghị liên hệ Bộ Tài
nguyên và Môi trường (qua Văn phòng Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với
biến đổi khí hậu), số 10 phố Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Lưu VT, KH, KTTVBĐKH.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trần Hồng Hà
|
HƯỚNG DẪN
CẬP NHẬT KẾ HOẠCH
HÀNH ĐỘNG ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
(Ban hành kèm theo Công văn số 990/BTNMT-KTTVBĐKH ngày 24 tháng 3 năm 2014 của
Bộ Tài nguyên và Môi trường)
Mở đầu
Nhằm góp phần cùng cộng đồng quốc tế chung tay ứng
phó với biến đổi khí hậu, ngày 30 tháng 12 năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban
hành Quyết định số 158/2008/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng
phó với biến đổi khí hậu, theo đó, một trong những mục tiêu quan trọng là xây
dựng Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của từng Bộ, ngành, địa
phương.
Căn cứ Quyết định 158/2008/QĐ-TTg, ngày 13 tháng 10
năm 2009, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 3815/BTNMT-KTTVBĐKH
hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch hành động ứng phó với
biến đổi khí hậu. Đến nay, các Bộ, ngành, địa phương đã xây dựng, ban hành Kế
hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và bước đầu triển khai một số nội
dung nêu trong Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm
2011 - 2015, ngày 30 tháng 8 năm 2012 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết
định số 1183/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến
đổi khí hậu giai đoạn 2012-2015. Trên cơ sở đó, ngày 05 tháng 9 năm 2013 Bộ Tài
nguyên và Môi trường ban hành Quyết định số 1651/QĐ-BTNMT phê duyệt các dự án
thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu,
trong đó các Bộ, ngành, địa phương cần “Cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó
với biến đổi khí hậu của từng Bộ, ngành, địa phương; rà soát, cập nhật, điều
chỉnh, bổ sung các chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển của
từng ngành, từng lĩnh vực có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu”, làm cơ sở để
tiếp tục triển khai Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trong giai
đoạn 2016-2020 và các năm tiếp theo.
Để thống nhất triển khai nội dung nêu trên, Bộ Tài
nguyên và Môi trường xây dựng và ban hành “Hướng dẫn cập nhật Kế hoạch hành
động ứng phó với biến đổi khí hậu” như sau:
1. Căn cứ
- Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2013
của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu,
tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường;
- Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 05 tháng 12 năm
2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu;
- Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25 tháng 9 năm
2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh;
- Quyết định số 1474/QĐ-TTg ngày 05 tháng 10 năm
2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với
biến đổi khí hậu;
- Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 04 tháng 10 năm
2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Tiêu chí đánh giá dự án ưu tiên theo
Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu;
- Quyết định số 1183/QĐ-TTg ngày 30 tháng 8 năm
2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó
với biến đổi khí hậu giai đoạn 2012-2015;
- Quyết định số 1651/QĐ-BTNMT ngày 05 tháng 9 năm
2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt các dự án thành phần thuộc
Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2012-2015;
- Kết quả cập nhật Kịch bản biến đổi khí hậu, nước
biển dâng cho Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố tháng 3 năm 2012);
- Các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển
của quốc gia, ngành, vùng, địa phương đến năm 2020 và các năm tiếp theo.
(Sau đây gọi tắt là các văn bản liên quan đến biến
đổi khí hậu)
2. Mục tiêu
- Xác định được các tác động nghiêm trọng của biến
đổi khí hậu, nước biển dâng đến quá trình phát triển của ngành, lĩnh vực và địa
phương; các giải pháp ưu tiên nhằm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, lộ
trình triển khai và nguồn lực thực hiện cho giai đoạn đến năm 2015, 2016 - 2020
và sau năm 2020;
- Các chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch
phát triển của quốc gia, ngành, vùng, địa phương được rà soát, điều chỉnh, bổ
sung yếu tố biến đổi khí hậu.
3. Yêu cầu
Nội dung của Kế hoạch hành động ứng phó với biến
đổi khí hậu (bản cập nhật) cần đảm bảo các yêu cầu sau:
- Có sự tham gia của các bên liên quan, đặc biệt là
cộng đồng dân cư địa phương;
- Phù hợp với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch,
chương trình phát triển kinh tế xã hội ngắn hạn, trung hạn và dài hạn của quốc
gia, của ngành, lĩnh vực và địa phương;
- Đặt ra các ưu tiên rõ ràng đối với các giải pháp,
các hoạt động cụ thể của từng Bộ, ngành, địa phương trong ứng phó với biến đổi
khí hậu;
- Có lồng ghép các giải pháp ứng phó với biến đổi
khí hậu với các chương trình, đề án, dự án khác của Bộ, ngành, địa phương;
- Đảm bảo tính khả thi về thời gian, nguồn lực thực
hiện, tính hiệu quả và kết quả đầu ra;
- Đảm bảo khả năng kiểm tra, giám sát, đánh giá quá
trình thực hiện cũng như kết quả cuối cùng.
4. Nội dung
4.1. Rà soát các văn bản liên quan đến biến đổi khí
hậu và Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Bộ, ngành, địa
phương đã được ban hành nhằm xác định các nội dung có liên quan cần điều chỉnh,
bổ sung, bao gồm:
- Cụ thể hóa các thách thức và cơ hội của biến đổi
khí hậu đối với từng ngành, từng lĩnh vực, từng khu vực.
- Cụ thể hóa quan điểm, cách tiếp cận và định hướng
ưu tiên trong ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh đối với từng
ngành, từng lĩnh vực, từng khu vực.
- Cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, giải
pháp tổ chức thực hiện, trong đó:
+ Xác định các tác động nghiêm trọng của biến đổi
khí hậu, nước biển dâng đến quá trình phát triển của ngành, lĩnh vực và địa
phương trên cơ sở kết quả đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến từng
ngành, từng lĩnh vực, từng khu vực do các Bộ, ngành, địa phương thực hiện trong
giai đoạn 2010-2013.
+ Xác định mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu
của Bộ, ngành, địa phương mình.
+ Lựa chọn các giải pháp trọng tâm để ứng phó với
biến đổi khí hậu và đưa ra danh mục các nhiệm vụ, dự án cụ thể nhằm ứng phó
hiệu quả với biến đổi khí hậu (xếp theo thứ tự ưu tiên).
+ Xây dựng lộ trình triển khai và nguồn lực thực
hiện Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu theo từng giai đoạn (đến
năm 2015, 2016 - 2020 và sau năm 2020), gồm bộ máy tổ chức, nhân lực, nguồn
vốn, bao gồm vốn trung ương, vốn địa phương, vốn huy động tài trợ quốc tế, vốn
xã hội hóa (bao gồm cả vốn huy động từ khu vực tư nhân), vốn lồng ghép từ các
chương trình, dự án khác...
4.2. Rà soát các chiến lược, chương trình, quy
hoạch, kế hoạch phát triển của quốc gia, ngành, vùng, địa phương (do Bộ, ngành,
địa phương ban hành hoặc chủ trì trình các cấp có thẩm quyền ban hành) nhằm
lồng ghép các yếu tố biến đổi khí hậu vào các chiến lược, chương trình, quy
hoạch, kế hoạch phát triển đã ban hành cũng như các chiến lược, quy hoạch, kế
hoạch phát triển có kế hoạch ban hành. Các bước thực hiện như sau:
- Bước 1: Tổng hợp danh mục các chiến lược, chương
trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển do Bộ, ngành, địa phương đã ban hành hoặc
chủ trì trình các cấp có thẩm quyền ban hành cũng như danh mục các chiến lược, chương
trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển do Bộ, ngành, địa phương có kế hoạch ban
hành hoặc chủ trì trình các cấp có thẩm quyền để ban hành.
- Bước 2: Rà soát, đánh giá mối quan hệ giữa các
yếu tố biến đổi khí hậu với từng nội dung của chiến lược, chương trình, quy
hoạch, kế hoạch phát triển để xác định mức độ liên quan và sự cần thiết để xem
có nhất thiết phải tiến hành lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu vào chiến lược,
chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển hay không. Cụ thể như sau:
+ Xác định xem các ngành, các lĩnh vực, các khu vực
có bị tác động bởi biến đổi khí hậu không? Các hoạt động phát triển có làm giảm
khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu hoặc bỏ lỡ các cơ hội do biến đổi khí
hậu mang lại hay không.
+ Xác định xem các ngành, các lĩnh vực có khả năng
giảm nhẹ phát thải khí nhà kính hay không? Do Việt Nam không thuộc nhóm các
nước bắt buộc phải giảm nhẹ phát thải khí nhà kính nên việc thực hiện các biện
pháp giảm nhẹ cần lưu ý nguyên tắc sau: (1) Mức giảm nhẹ khí nhà kính dựa trên
cơ sở tự nguyện, được thực hiện trong khả năng có thể của ngành, địa phương và
tùy thuộc vào mức độ hỗ trợ tài chính của các nước và tổ chức quốc tế; (2) các
biện pháp giảm nhẹ khí nhà kính đồng thời mang lại lợi ích kinh tế và cơ hội
phát triển cho ngành, địa phương.
Nếu giữa các yếu tố biến đổi khí hậu và các chiến
lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển không có mối quan hệ thì
không phải thực hiện lồng ghép.
- Bước 3: Lựa chọn các biện pháp ứng phó với biến
đổi khí hậu để thực hiện lồng ghép, bao gồm:
+ Xác định và liệt kê toàn bộ các biện pháp thích
ứng với biến đổi khí hậu có liên quan đến nội dung của các chiến lược, chương
trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển, bao gồm cả các biện pháp thích ứng cấp
bách trước mắt và lâu dài có liên quan đến các chiến lược, chương trình, quy
hoạch, kế hoạch phát triển. Trên cơ sở đó, lựa chọn các biện pháp thích ứng tối
ưu, phù hợp với nguồn lực, công nghệ, kỹ thuật, đảm bảo tính bền vững, không
hối tiếc.
+ Xác định và liệt kê toàn bộ các biện pháp giảm
nhẹ khí nhà kính có liên quan đến nội dung của các chiến lược, chương trình,
quy hoạch, kế hoạch phát triển. Trên cơ sở đó, lựa chọn các biện pháp giảm nhẹ
khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia, điều kiện của vùng, địa phương.
Đối với những lĩnh vực vừa cần thực hiện các biện
pháp thích ứng nhưng đồng thời có nhiều tiềm năng giảm nhẹ khí nhà kính cần lựa
chọn biện pháp thích ứng và giảm nhẹ hài hòa và tối ưu nhất.
- Bước 4: Lồng ghép các yếu tố biến đổi khí hậu vào
các chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển. Các biện pháp
thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ khí nhà kính sau khi đã xác định,
cần phải được lồng ghép vào các văn bản chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế
hoạch phát triển. Bước này được thực hiện trên cơ sở các nguyên tắc sau:
- Đưa được mục tiêu của ứng phó với biến đổi khí
hậu trở thành (hoặc vào trong) mục tiêu của chiến lược, chương trình, quy
hoạch, kế hoạch phát triển.
- Các vấn đề biến đổi khí hậu được tích hợp vào
chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển phải tương thích, hài
hòa với các vấn đề khác.
Trong quá trình tích hợp, cần so sánh, cân nhắc mức
độ ưu tiên của vấn đề biến đổi khí hậu được tích hợp với các vấn đề chính trong
chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển (Bên cạnh mục tiêu
ứng phó với biến đổi khí hậu vẫn còn nhiều mục tiêu kinh tế - xã hội khác và có
nhiều mục tiêu mâu thuẫn với mục tiêu phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến
đổi khí hậu).
Sau khi hoàn thành các bước nêu trên, tiến hành
hoàn thiện các chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển của
quốc gia, ngành, vùng, địa phương có lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu, gửi các
cơ quan liên quan và Bộ Tài nguyên và Môi trường để thẩm định theo quy định
trước khi ban hành hoặc trình có cấp có thẩm quyền ban hành, làm cơ sở để triển
khai áp dụng thực hiện trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2016 -
2020) và các giai đoạn tiếp theo.
5. Sản phẩm
Sau khi hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu và nội
dung nêu trên, các Bộ, ngành, địa phương gửi Kế hoạch hành động ứng phó với
biến đổi khí hậu (kết quả cập nhật) về Bộ Tài nguyên và Môi trường (qua Cục Khí
tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu), số 10 Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội.
Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu
(kết quả cập nhật), gồm các nội dung sau:
5.1. Thách thức và cơ hội của biến đổi khí hậu (đối
với từng ngành, từng lĩnh vực, từng khu vực).
5.2. Quan điểm, cách tiếp cận và định hướng ưu tiên
trong ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh (đối với từng ngành,
lĩnh vực, khu vực).
5.3. Mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp thực
hiện.
5.3.1. Các tác động nghiêm trọng của biến đổi khí
hậu, nước biển dâng (trên cơ sở kết quả đánh giá tác động của biến đổi khí
hậu đến từng ngành, từng lĩnh vực, từng khu vực do các Bộ, ngành, địa phương
thực hiện trong giai đoạn 2010-2013).
5.3.2. Mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu.
5.3.3. Các giải pháp trọng tâm để ứng phó với biến
đổi khí hậu.
5.3.4. Danh mục các nhiệm vụ, dự án ứng phó với
biến đổi khí hậu (xếp theo thứ tự ưu tiên).
5.3.5. Lộ trình triển khai và nguồn lực thực hiện
Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu theo từng giai đoạn (đến năm
2015, 2016 - 2020 và sau năm 2020), gồm bộ máy tổ chức, nhân lực, nguồn vốn,
bao gồm vốn trung ương, vốn địa phương, vốn huy động tài trợ quốc tế, vốn xã
hội hóa (bao gồm cả vốn huy động từ khu vực tư nhân), vốn lồng ghép từ các
chương trình, dự án khác,...
5.4. Kết quả lồng ghép yếu tố biến đổi khí hậu vào
các chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển.
5.4.1. Danh mục các chiến lược, chương trình, quy
hoạch, kế hoạch phát triển do Bộ, ngành, địa phương ban hành/có kế hoạch ban
hành hoặc chủ trì trình các cấp có thẩm quyền ban hành/có kế hoạch ban hành.
5.4.2. Danh mục các chiến lược, chương trình, quy
hoạch, kế hoạch phát triển do Bộ, ngành, địa phương ban hành/có kế hoạch ban
hành hoặc chủ trì trình các cấp có thẩm quyền ban hành/có kế hoạch ban hành cần
lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu (nêu rõ nội dung lồng ghép).
5.4.3. Quyết định (hoặc dự thảo Quyết định) ban
hành từng chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển của quốc
gia, ngành, vùng, địa phương có lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu.