BỘ
KHOA HỌC VÀ
CÔNG NGHỆ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1548/BKHCN-KHTC
V/v: Hướng dẫn xây dựng khung kế hoạch
KH&CN 5 năm 2011-2015
|
Hà
Nội, ngày 26 tháng 06 năm 2009
|
Kính
gửi:
|
- Các Bộ, Cơ quan ngang Bộ, Cơ
quan thuộc Chính phủ;
- Các Tập đoàn kinh tế, Tổng Công ty 91;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
|
Thực hiện Chỉ thị số
751/CT-TTg ngày 03 tháng 06 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế
hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015, Bộ Khoa học và Công nghệ hướng
dẫn các Bộ, Cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ, Các Tập đoàn kinh tế, Tổng
Công ty 91, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây
gọi chung là các Bộ, Ngành, Địa phương) tổ chức việc đánh giá tình hình thực hiện
kế hoạch KH&CN 5 năm 2006-2010 và xây dựng kế hoạch KH&CN 5 năm
2011-2015 như sau:
I. Đánh giá tình
hình thực hiện kế hoạch KH&CN 5 năm 2006-2010
Trên cơ sở báo cáo
đánh giá giữa kỳ tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng về
phát triển kinh tế xã hội, báo cáo đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện Nghị
quyết Đại hội Đảng của các ngành các cấp về kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm
2006-2010 (trong đó có KH&CN), Chiến lược phát triển KH&CN đến năm
2010, Chiến lược hoặc định hướng phát triển của các ngành, lĩnh vực và Quy hoạch
phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, các Bộ, Ngành, Địa phương tổ chức
đánh giá toàn diện việc thực hiện kế hoạch KH&CN theo các mặt sau đây:
1. Đánh giá từng nội
dung hoạt động KH&CN, trong đó chú ý đánh giá kết quả và hiệu quả thực hiện
các nhiệm vụ KH&CN cấp nhà nước, trong đó có các Chương trình KH&CN trọng
điểm cấp nhà nước được Thủ tướng giao chủ trì tổ chức thực hiện, các nhiệm vụ
KH&CN trọng tâm của Bộ, ngành, địa phương, nhiệm vụ thuộc nội dung của
Chương trình phối hợp công tác giữa các Bộ, Ngành, Địa phương với Bộ KH&CN
và nhiệm vụ mới phát sinh ở một số Bộ, Ngành, Địa phương và bắt đầu tổ chức triển
khai thực hiện từ năm 2006 đến năm 2010; các nội dung về Tiêu chuẩn – Đo lường
– Chất lượng, sở hữu trí tuệ v.v…
2. Đánh giá việc thực
hiện Chỉ thị, Nghị quyết, Nghị định, Quyết định của các cơ quan Đảng và Nhà nước
như: Quyết định số 444/QĐ-TTg ngày 26 tháng 5 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về
việc phê duyệt Đề án triển khai thực hiện Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong
thương mại; Quyết định số 68/2005/QĐ-TTg ngày 04 tháng 04 năm 2005 của Thủ tướng
Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của
doanh nghiệp, Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2005 của Chính phủ
quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ
công lập, Nghị định số 80/2007/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về
doanh nghiệp khoa học và công nghệ v.v…
3. Đối với các doanh
nghiệp thuộc Bộ hoặc Tập đoàn, Tổng Công ty 91 ngoài phần đánh giá hoạt động
KH&CN nói chung thì một số doanh nghiệp được giao chủ trì các dự án
KH&CN có quy mô lớn (máy biến áp, tàu thủy 100.000 tấn, xi măng lò quay, thủy
điện nhỏ) cần đánh giá tổng thể (về tình hình triển khai dự án, kết quả thực hiện
mục tiêu, nội dung, sản phẩm, hiệu quả) của cả giai đoạn từ khi bắt đầu đến thời
điểm báo cáo.
4. Việc đánh giá cần
làm rõ và lượng hóa các kết quả nổi bật của từng nội dung hoạt động KH&CN
trong 5 năm 2006-2010, nêu những tồn tại, vướng mắc cần khắc phục để có thể rút
kinh nghiệm về việc tổ chức điều hành các hoạt động KH&CN trong quá trình
thực hiện, đề xuất các giải pháp bảo đảm hiệu quả của hoạt động KH&CN trong
những năm tiếp theo.
II. Về dự kiến
khung kế hoạch KH&CN 5 năm 2011-2015
Căn cứ định hướng chiến
lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước và những nhiệm vụ phát triển
KH&CN đến năm 2020 nêu trong văn bản số 234-TB/TW ngày 01 tháng 04 năm
2009, thông báo kết luận của Bộ Chính trị về báo cáo kiểm điểm tình hình thực
hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) về KH&CN và nhiệm vụ, giải pháp
phát triển KH&CN từ nay đến năm 2020, các Bộ, Ngành, Địa phương cần dựa vào
mục tiêu lấy KH&CN là quốc sách hàng đầu và phấn đấu đến năm 2020 nước ta
có nền KH&CN với nhiều lĩnh vực tiên tiến và hiện đại, đáp ứng yêu cầu của
sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế để xác
định lộ trình và mục tiêu cụ thể do Bộ, Ngành, Địa phương mình của 5 năm giai
đoạn 2011-2015.
Việc đổi mới mạnh mẽ
hoạt động KH&CN cần bám sát các định hướng phát triển và các nhiệm vụ chủ yếu
sau đây:
1. Nâng cao chất lượng
tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Khai thác lợi thế, thế
mạnh của các ngành, lĩnh vực, các vùng để chú trọng phát triển các sản phẩm có
giá trị gia tăng cao; áp dụng công nghệ cao để giảm thiểu chi phí và nâng cao
chất lượng, tăng giá trị sản phẩm và sức cạnh tranh của sản phẩm.
2. Phát triển công
nghiệp trên cơ sở đổi mới công nghệ; tạo bước tiến rõ rệt về chất lượng, hiệu
quả và sức cạnh tranh của một số ngành và sản phẩm công nghiệp; tăng nhanh hàm
lượng công nghệ, giảm mức tiêu hao năng lượng và vật tư nguyên liệu trong sản
phẩm;
3. Tăng cường nghiên
cứu, phổ biến và ứng dụng chuyển giao KH&CN để phục vụ trực tiếp cho tiến
trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chú trọng các ngành sử dụng công
nghệ cao.
4. Thực hiện đồng bộ
việc nâng cao năng lực KH&CN có trọng tâm, trọng điểm và đồng bộ về cơ sở vật
chất và nhân lực gắn với việc nâng cao hiệu quả sử dụng đổi mới mạnh mẽ tổ chức,
cơ chế quản lý nhà nước và cơ chế hoạt động KH&CN theo hướng lấy mục tiêu
và hiệu quả ứng dụng làm chủ đạo; đẩy mạnh phát triển thị trường công nghệ,
hình thành cơ chế liên kết hữu cơ, cùng có lợi giữa KH&CN với đào tạo và sản
xuất kinh doanh.
5. Trong lĩnh vực
khoa học xã hội, cần tập trung tổng kết thực tiễn, dự báo xu hướng phát triển,
cung cấp luận cứ cho việc xây dựng đường lối, chính sách đổi mới cơ chế quản lý
phát triển đất nước trong giai đoạn mới;
6. Đẩy mạnh hoạt động
nghiên cứu ứng dụng gắn với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của từng
ngành, từng lĩnh vực, từng sản phẩm, trực tiếp là nhu cầu của các doanh nghiệp
và các cơ sở ứng dụng khác.
7. Xây dựng chương
trình đổi mới công nghệ quốc gia theo hướng chủ yếu là nắm bắt, thích nghi, đổi
mới, nâng cao, kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu phát triển trong nước với chuyển
giao công nghệ nước ngoài, trước hết là đối với những ngành, lĩnh vực chủ lực,
mũi nhọn;
8. Ưu tiên phát triển
công nghệ cao, đồng thời sử dụng hợp lý công nghệ sử dụng nhiều lao động; hình
thành một số cơ sở nghiên cứu triển khai, một số viện công nghệ đầu ngành mạnh
gắn với các cơ sở sản xuất mạnh, đủ sức tiếp thu, cải tiến công nghệ tiên tiến
của thế giới và sáng tạo công nghệ mới;
9. Hoàn thiện cơ chế
chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, trong đó ưu tiên hỗ
trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Có chính sách ưu tiên cho nghiên cứu, ứng
dụng KH&CN vào trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp nông thôn (trước hết
là giống, công nghệ sau thu hoạch, chế biến, bảo quản…) nhằm hình thành nền
công nghiệp hàng hóa có chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh cao.
10. Quan tâm đúng mức
đến phát triển nghiên cứu cơ bản có trọng tâm, trọng điểm, gắn với nhu cầu đất
nước, với nghiên cứu ứng dụng KH&CN.
11. Khẩn trương hình
thành hệ thống đánh giá kết quả và hiệu quả hoạt động KH&CN. Thực hiện
nghiêm túc các quy định về quyền sở hữu trí tuệ.
12. Triển khai thực
hiện đồng bộ các quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất
lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Đo lường; các Chương trình, Đề án theo các Quyết
định của Thủ tướng Chính phủ nhằm thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN
giai đoạn 2011-2020.
III. Một số lưu ý
đối với việc đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch KH&CN 5 năm 2006-2010 và
xây dựng khung kế hoạch KH&CN 5 năm 2011-2015
1. Việc tổ chức đánh
giá tình hình thực hiện kế hoạch KH&CN 5 năm 2006-2010 phải huy động được sự
tham gia và phối hợp của các đơn vị chủ yếu trong Bộ, Ngành, Địa phương để đảm
bảo nâng cao chất lượng báo cáo tổng kết. Trong khả năng cao nhất, cần có các
chỉ tiêu, chỉ số đánh giá cụ thể để minh họa cho các nhận xét, kết luận hay ý
kiến được nêu ra trong báo cáo đánh giá.
2. Các đề xuất trong
khung kế hoạch KH&CN 5 năm 2011-2015 cần đáp ứng một cách tối đa, các định
hướng phát triển và nhiệm vụ chủ yếu nêu trên. Đồng thời phù hợp với chiến lược,
quy hoạch phát triển của Bộ, Ngành, Địa phương.
Việc đề xuất kế hoạch
cần phải gắn kết với khả năng cân đối nguồn lực (nhân lực, vật lực, tài lực) để
đảm bảo tính khả thi và hiệu quả sử dụng nguồn lực và khả năng thực hiện của
các ngành, các cấp và sự phát triển bền vững trong giai đoạn tới.
3. Trong quá trình
xây dựng kế hoạch 5 năm về KH&CN, cần chú ý tổ chức lấy ý kiến các cơ quan
nghiên cứu, các trường đại học, các tổ chức phi chính phủ, các nhà đầu tư và
doanh nghiệp, các nhà tài trợ và các chuyên gia trong, ngoài nước v.v…
IV. Tiến độ triển
khai xây dựng khung kế hoạch KH&CN 5 năm 2011-2015
Để đáp ứng yêu cầu tổng
hợp và gửi dự thảo báo cáo chung cho toàn ngành KH&CN đến Bộ Kế hoạch và Đầu
tư trước 30 tháng 7 năm 2009, Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị các Bộ, Ngành, Địa
phương khẩn trương tổ chức thực hiện việc xây dựng kế hoạch theo các tiến độ
sau đây:
1. Hoàn thành và gửi
dự thảo Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch KH&CN 5 năm 2006-2010
và khung kế hoạch KH&CN của Bộ, Ngành, Địa phương mình về Bộ Khoa học và
Công nghệ trước ngày 20/7/2009.
2. Trong nửa đầu
tháng 7/2009, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ lựa chọn và tổ chức các buổi làm việc
với một số Bộ, ngành, địa phương để thống nhất nhận định đánh giá, bổ sung các
số liệu cần thiết về hoạt động KH&CN giai đoạn 5 năm 2006-2010, trên cơ sở
đó đề xuất định hướng hoạt động KH&CN giai đoạn 5 năm 2011-2015 nhằm đáp ứng
yêu cầu nêu ra trong Chỉ thị số 751/CT-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2009 của Thủ tướng
Chính phủ.
3. Dự kiến khoảng
tháng 10-11/2009 sẽ có hướng dẫn chi tiết hơn để xây dựng kế hoạch và dự toán
ngân sách cho hoạt động KH&CN 5 năm 2011-2015 và năm 2011.
Bộ Khoa học và Công
nghệ trân trọng đề nghị các Bộ, Ngành, Địa phương sớm tổ chức thực hiện việc
đánh giá và xây dựng khung kế hoạch 5 năm về KH&CN 2011-2015 theo đúng tinh
thần và tiến độ nêu trên.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu: VT, Vụ KHTC.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trần Quốc Thắng
|