Kính
gửi:
|
- Công ty TNHH Điện tử Canon Việt
Nam;
(Đường 206, khu B, KCN Phố Nối A, Lạc Hồng, Văn Lâm, Hưng Yên)
- Công ty Cổ phần Đại Kim;
(Số 2 đường Kim Giang, quận Thanh Xuân, Hà Nội)
- Công ty TNHH Daiwa Plastics Thăng Long;
(Lô K8, KCN Thăng Long, xã Võng La, Đông Anh, Hà Nội)
- Công ty TNHH Yura Việt Nam;
(Lô CN15, CN16 phân khu phía Đông KCN Phú Thái, xã Kim Lương, Kim Thành, Hải
Dương)
- Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên;
(KCN Yên Bình, phường Đồng Tiến, thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên)
- Công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng.
(Lô E, KCN Tràng Duệ, xã Hồng Phong, An Dương, Hải Phòng)
|
Trả lời vướng mắc của Công ty TNHH
Canon Việt Nam, Công ty TNHH Samsung Electronic Việt Nam Thái Nguyên, Công ty Cổ
phần Đại Kim, Công ty TNHH Daiwa Plastics Thăng Long, Công ty TNHH Yura Việt
Nam, Công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng về thuế nhập khẩu, thuế giá trị
gia tăng (GTGT) áp dụng đối với khuôn mẫu của doanh nghiệp chế xuất (DNCX) cho
doanh nghiệp nội địa thuê mượn, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
1. Về thủ tục hải
quan
Căn cứ khoản 4 Điều 3
Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14 quy định về khu vực hải quan
riêng: "Khu vực hải quan riêng là khu vực địa lý xác định trên lãnh thổ
Việt Nam được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế
mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; có quan hệ mua
bán, trao đổi hàng hóa với phần lãnh thổ còn lại và nước ngoài là quan hệ xuất
khẩu, nhập khẩu".
Căn cứ Điều 41 Luật Quản
lý ngoại thương số 05/2017/QH14 quy định:
"1. Trừ trường hợp kinh doanh
tạm nhập, tái xuất quy định tại Điều 39 của Luật này, thương nhân được tạm nhập
vào Việt Nam hàng hóa không thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu;
hàng hóa không thuộc diện tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu theo hợp đồng
với nước ngoài để phục vụ mục đích bảo hành, bảo dưỡng, thuê, mượn hoặc để sử dụng
vì mục đích khác trong một khoảng thời gian nhất định rồi tái xuất chính hàng
hóa đó ra khỏi Việt Nam.
…
3. Thời hạn tạm nhập, tái xuất thực
hiện theo thỏa thuận của thương nhân với bên đối tác và đăng ký với cơ quan hải
quan nơi làm thủ tục tạm nhập.
4. Hàng hóa tạm nhập, tái xuất khi
tiêu thụ nội địa phải thực hiện theo quy định về quản lý nhập khẩu hàng hóa của
Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan...".
Căn cứ khoản 1 Điều 57
Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14 quy định: "Áp dụng
biện pháp quản lý ngoại thương đối với hàng hóa đưa từ khu vực hải quan riêng
vào nội địa như đối với hàng hóa đưa từ nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam".
Căn cứ khoản 1 Điều 4
Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 quy định: "Khu
phi thuế quan là khu vực kinh tế nằm trong lãnh thổ Việt Nam, được thành lập
theo quy định của pháp luật, có ranh giới địa lý xác định, ngăn cách với khu vực
bên ngoài bằng hàng rào cứng, bảo đảm điều kiện cho hoạt động kiểm tra, giám
sát, kiểm soát hải quan của cơ quan hải quan và các cơ quan có liên quan đối với
hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và phương tiện, hành khách xuất cảnh, nhập cảnh; quan
hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa khu phi thuế quan với bên ngoài là quan hệ
xuất khẩu, nhập khẩu".
Căn cứ khoản 1 Điều 30
Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định: "Khu
chế xuất, doanh nghiệp chế xuất được áp dụng quy định đối với khu vực hải quan
riêng, khu phi thuế quan trừ các quy định riêng áp dụng đối với khu phi thuế
quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu".
Căn cứ Điều 50 Nghị định
08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản
23 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ quy định về
thủ tục hải quan đối với thiết bị, máy móc, phương tiện thi công, phương tiện vận
chuyển, khuôn, mẫu tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập để sản xuất, thi công
xây dựng, lắp đặt công trình, thực hiện dự án, thử nghiệm như sau:
“...2. Hồ sơ hải quan đối với thiết
bị, máy móc, phương tiện thi công, phương tiện vận chuyển, khuôn, mẫu tạm xuất
- tái nhập:
a) Tờ khai hải quan theo mẫu do Bộ
Tài chính ban hành;
b) Giấy phép xuất khẩu, văn bản
thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật có liên
quan: 01 bản chính.
3. Địa điểm làm thủ tục hải quan:
Thực hiện tại Chi cục Hải quan cửa khẩu, Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh hoặc
Chi cục Hải quan nơi có cơ sở sản xuất, dự án. Đối với máy móc, thiết bị, dụng cụ,
phương tiện vận chuyển tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập để phục vụ hợp
đồng gia công, sản xuất xuất khẩu, hoạt động của doanh nghiệp chế xuất thì thực
hiện thủ tục tại Chi cục Hải quan thuận tiện.
4. Thủ tục hải quan thực hiện theo
quy định tại Mục 5 Chương này.
5. Thời hạn tạm nhập - tái xuất, tạm
xuất - tái nhập thực hiện theo thỏa thuận của thương nhân với bên đối tác và
đăng ký với cơ quan hải quan. Trường hợp cần kéo dài thời hạn tạm nhập, tạm xuất
để sản xuất, thi công xây dựng, lắp đặt công trình, thực hiện dự án, thử nghiệm
theo thỏa thuận với bên đối tác thì người khai hải quan có văn bản thông báo
cho Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tạm nhập, tạm xuất.
Trường hợp quá thời hạn tạm nhập,
tạm xuất mà người khai hải quan chưa tái xuất, tái nhập thì bị xử lý theo quy định
của pháp luật.
6. Trường hợp doanh nghiệp tạm nhập,
tạm xuất có văn bản đề nghị bán, cho, tặng máy móc, thiết bị, phương tiện thi
công, phương tiện vận chuyển, khuôn, mẫu tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập
để sản xuất, thi công công trình, thi công xây dựng, lắp đặt công trình thực hiện
dự án, thử nghiệm thì phải làm thủ tục hải quan theo quy định tại Mục 5 Chương
này.”
Căn cứ các quy định nêu trên, trường
hợp doanh nghiệp chế xuất cho doanh nghiệp trong nước mượn khuôn để phục vụ sản
xuất ra sản phẩm cho chính doanh nghiệp chế xuất thì doanh nghiệp chế xuất mở tờ
khai tạm xuất, doanh nghiệp nội địa mở tờ khai tạm nhập; sau khi kết thúc hợp đồng
mượn, doanh nghiệp nội địa thực hiện thủ tục tái xuất, doanh nghiệp chế xuất thực
hiện thủ tục tái nhập lại số khuôn, mẫu này.
2. Về thuế nhập
khẩu
Căn cứ khoản 2 Điều 2
Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 quy định: "Hàng
hóa xuất khẩu từ thị trường trong nước vào khu phi thuế quan, hàng hóa nhập khẩu
từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước" thuộc đối tượng chịu
thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Căn cứ điểm a khoản 9 Điều
16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 quy định: “Máy
móc, thiết bị tạm nhập, tái xuất để thử nghiệm, nghiên cứu phát triển sản phẩm;
máy móc, thiết bị, dụng cụ nghề nghiệp tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập để
phục vụ công việc trong thời hạn nhất định hoặc phục vụ gia công cho thương
nhân nước ngoài, trừ trường hợp máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận
chuyển của các tổ chức, cá nhân được phép tạm nhập, tái xuất để thực
hiện các dự án đầu tư, thi công xây dựng, lắp đặt công trình, phục vụ sản xuất”
được miễn thuế nhập khẩu.
Căn cứ điểm đ khoản 1
Điều 19 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 quy định hoàn
thuế đối với trường hợp: "Người nộp thuế đã nộp thuế đối với máy móc,
thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển của các tổ chức, cá nhân được phép tạm
nhập, tái xuất, trừ trường hợp đi thuê để thực hiện các dự án đầu tư,
thi công xây dựng, lắp đặt công trình, phục vụ sản xuất, khi tái xuất ra
nước ngoài hoặc xuất vào khu phi thuế quan".
Căn cứ khoản 9 Điều 1
Thông tư 60/2019/TT-BTC ngày 30/8/2019 của Bộ Tài chính quy định: “Đối với
hàng hóa nhập khẩu là hàng đi thuê, trị giá hải quan là trị giá khai báo được
xác định trên cơ sở giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán để thuê
hàng hóa và các khoản chi phí khác mà người đi thuê phải trả để đưa hàng hóa đến
cửa khẩu nhập đầu tiên, phù hợp với chứng từ, tài liệu có liên quan đến hàng
hóa đi thuê.
Đối với hàng hóa nhập khẩu là hàng
đi mượn, trị giá hải quan là toàn bộ các chi phí mà người đi mượn phải trả để
đưa hàng hóa đến cửa khẩu nhập đầu tiên, phù hợp với các chứng từ, tài liệu có
liên quan đến hàng hóa đi mượn".
Căn cứ quy định nêu trên trường hợp
doanh nghiệp nội địa thuê, mượn khuôn mẫu của doanh nghiệp chế xuất theo hợp đồng
thuê, mượn để phục vụ sản xuất thì doanh nghiệp nội địa không được miễn thuế nhập
khẩu theo quy định tại điểm a khoản 9 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu,
thuế nhập khẩu số 107/2016/QH12, doanh nghiệp nội địa phải kê khai nộp thuế
nhập khẩu khi tạm nhập và không thuộc các trường hợp được hoàn thuế nhập khẩu
đã nộp khi tái xuất theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 19 Luật
Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 do là trường hợp đi thuê,
mượn. Trị giá tính thuế nhập khẩu đối với hàng hóa đi thuê, mượn thực hiện theo
quy định tại khoản 9 Điều 1 Thông tư 60/2019/TT-BTC của Bộ
Tài chính.
3. Về thuế GTGT
Căn cứ khoản 20 Điều
5 Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12 quy định: "...hàng tạm nhập khẩu,
tái xuất khẩu; hàng tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu..."; thuộc đối tượng
không chịu thuế GTGT.
Căn cứ quy định nêu trên, đối với
khuôn mẫu của doanh nghiệp nội địa đi thuê của doanh nghiệp chế xuất, doanh
nghiệp nội địa đã đăng ký tờ khai theo loại hình tạm nhập thì không thuộc đối
tượng chịu thuế GTGT.
Trường hợp đã hết thời hạn cho thuê
nhưng doanh nghiệp nội địa tiếp tục sử dụng, không tái xuất thì doanh nghiệp nội
địa phải kê khai, nộp thuế GTGT.
Trường hợp trong quá trình sử dụng
khuôn mẫu bị hư hỏng không thể tái xuất, buộc phải tiêu hủy và đã thực hiện thủ
tục tiêu hủy theo quy định của pháp luật thì doanh nghiệp nội địa không phải kê
khai nộp thuế GTGT đối với số khuôn mẫu này.
Tổng cục Hải quan trả lời để Công ty
TNHH Điện tử Canon Việt Nam, Công ty Cổ phần Đại Kim, Công ty TNHH Daiwa
Plastics Thăng Long, Công ty TNHH Yura Việt Nam và Công ty TNHH Samsung
Electronics Việt Nam Thái Nguyên, Công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng được
biết./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Lãnh đạo BTC (để b/c);
- Vụ CST, Vụ PC, Thanh tra (BTC),
- Tổng cục Thuế;
- Các đơn vị thuộc và trực thuộc TCHQ (để t/h);
- Lưu: VT, TXNK (3b).
|
KT.
TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG
Lưu Mạnh Tưởng
|