Kính gửi:
|
- Chánh thanh tra
các Bộ, ngành Trung ương;
- Chánh thanh tra
các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương.
|
Ngày 10/10/2011,
Văn phòng Chính phủ có văn bản số 7086/VPCP- KNTN thông báo ý kiến của Thủ tướng
Chính phủ về việc phê duyệt Định hướng chương trình công tác thanh tra năm
2012; trên cơ sở ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ hướng dẫn
thanh tra các Bộ, ngành Trung ương và thanh tra các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương xây dựng kế hoạch công tác thanh tra năm 2012 như sau:
I. MỤC TIÊU CHUNG
1. Thanh tra việc quản lý nhà nước, thực hiện chính
sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của các ngành, các cấp, các tổ chức, cá
nhân, trong đó:
- Đổi mới công
tác thanh tra hành chính, chủ động và linh hoạt trong triển khai các cuộc thanh
tra theo chương trình, kế hoạch; triển khai kịp thời các cuộc thanh tra đột xuất
được giao; quan tâm đến việc “thanh tra lại” theo quy định của Luật Thanh tra
năm 2010.
- Đổi mới hoạt động
thanh tra chuyên ngành trên các lĩnh vực (gắn với đổi mới tổ chức cơ quan thanh
tra chuyên ngành), tập trung thanh tra đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân
trong việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn, kỹ thuật,
quy tắc quản lý thuộc ngành lĩnh vực quản lý và các lĩnh vực có nhiều vi phạm
và dư luận đặc biệt quan tâm.
2. Thực hiện tốt công tác tiếp dân, xử lý đơn thư, giải
quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết kịp thời các vụ việc mới phát sinh, nhất là
các vụ việc đông người, vượt cấp; giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, bức
xúc, kéo dài, góp phần giữ ổn định an ninh trật tự, tạo điều kiện cho phát triển
kinh tế - xã hội.
3. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa
tham nhũng; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử
lý các vụ việc tham nhũng góp phần thực hiện tốt mục tiêu ngăn chặn và đẩy lùi tham
nhũng.
4. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về thanh tra,
giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, nhất là việc nắm tình
hình, tham mưu đề xuất thanh tra. Xây dựng kế hoạch thanh tra trách nhiệm thực
hiện pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham
nhũng có trọng tâm, trọng điểm gắn với xử lý sau thanh tra, giải quyết các vụ
việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, tồn đọng, kéo dài và phối hợp
trong xử lý các vụ việc tiêu cực, tham nhũng.
II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH
NĂM 2012
1. Công tác
thanh
tra
a) Thanh tra Bộ, ngành Trung ương:
- Tiến hành thanh tra công tác quản lý nhà nước và việc chấp hành chính
sách pháp luật của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ, ngành Trung ương, phấn đấu
thanh tra từ 20 -30% số cơ quan, đơn vị trực thuộc. Đối với các bộ đa ngành, đa
lĩnh vực thì chọn 01 nội dung quan trọng để thanh tra diện rộng nhằm chấn chỉnh
quản lý, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và hoàn thiện thể chế trên lĩnh vực
được thanh tra.
- Đẩy mạnh hoạt động thanh tra việc chấp hành pháp luật và xử lý vi phạm
hành chính của các tổ chức, cá nhân trên các lĩnh vực chuyên ngành, tập trung
vào các lĩnh vực: bảo vệ môi trường, khám chữa bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm,
gia súc, gia cầm, bảo vệ thực vật, đo lường chất lượng sản phẩm, nhãn hiệu hàng
hoá, xây dựng nhà ở, công trình, quản lý sử dụng vật liệu nổ, chất thải y tế,
an toàn bức xạ, hành lang an toàn giao thông đường bộ, hoạt động quảng cáo, bản
quyền tác giả, in ấn, xuất bản, văn hoá phẩm, bảo hiểm xã hội, giáo dục phổ
thông, đào tạo đại học, sau đại học, dạy nghề, lao động việc làm, thuế, hải
quan, chứng khoán, ngân hàng; kinh doanh điện, xăng dầu, dược phẩm, bất động sản,
ngoại tệ, vàng, phân bón, hàng nông sản, thuỷ sản và trên các lĩnh vực dư luận
quan tâm.
b) Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Tập trung thanh tra trách nhiệm về quản lý nhà nước, quản lý kinh tế
xã hội của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã thuộc
tỉnh, nội dung thanh tra phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các nội
dung quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản; quản lý đầu tư xây dựng; tài
chính ngân sách, đầu tư mua sắm công.
- Thanh tra các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa
bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tập trung thanh tra các dự án, công
trình sử dụng vốn lớn ngân sách nhà nước, các chương trình mục tiêu quốc gia,
các dự án phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo.
- Triển khai thanh tra chuyên đề diện rộng việc thực hiện Đề án kiên cố
hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008 – 2011 theo hướng
dẫn của Thanh tra Chính phủ.
- Thanh tra lại các kết luận của thanh tra sở, thanh tra huyện khi có đủ
cơ sở theo quy định của Luật Thanh tra năm 2010.
c) Thanh tra các cấp, các ngành tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra
việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra; triển khai
kịp thời các cuộc thanh tra do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước giao; chủ động
nắm tình hình, phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật để phục vụ cho công tác
thanh tra đột xuất.
2. Về
giải
quyết khiếu nại, tố cáo
- Tiếp tục thực hiện Thông báo Kết luận số 130/TB-TW ngày 10/01/2008 của
Bộ Chính trị. Triển khai có hiệu quả, theo đúng nội dung, tiến độ yêu cầu của Đề
án Đổi mới công tác tiếp dân (Quyết định số 858/QĐ-TTg).
- Thực hiện tốt công tác tiếp dân định kỳ và tiếp dân thường xuyên, xử
lý gọn các đơn thư khiếu nại, đơn tố cáo tiếp nhận được, khắc phục việc chuyển
đơn lòng vòng, hướng dẫn không đúng quy định. Tập trung giải quyết khiếu nại, tố
cáo, phấn đấu đạt tỉ lệ trên 85% đối với các vụ việc mới phát sinh; 80% số vụ
việc tồn đọng, kéo dài.
- Thực hiện tốt các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố
cáo có hiệu lực pháp luật và tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong giải quyết khiếu
nại, tố cáo.
3. Công tác
phòng, chống tham nhũng
- Tập trung công tác tuyên truyền để nâng cao vai trò đồng thuận của xã
hội trong công tác phòng, chống tham nhũng; tiếp tục thực hiện Đề án đưa nội
dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng; tiếp
tục hoàn thiện cơ chế chính sách về phòng, chống tham nhũng, tổng kết 5 năm thi
hành Luật Phòng, chống tham nhũng.
- Tăng cường các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, gắn phòng chống tham
nhũng với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.
- Nâng cao chất lượng hiệu quả trong việc nắm bắt tình hình, phát hiện
tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao: đầu tư xây dựng,
đất đai, thu ngân sách (thuế, hải quan), mua sắm công…
- Thanh tra, kiểm tra, xác minh làm rõ các đơn thư tố cáo tham nhũng, phối
hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong phát hiện, xử lý tham nhũng.
- Tiếp tục thực hiện Kế hoạch của Chính phủ thực hiện Công ước của Liên
Hợp quốc về chống tham nhũng, Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng.
- Các Bộ, ngành liên quan tham gia đầy đủ các hoạt động hợp tác quốc tế
và đối thoại về phòng, chống tham nhũng (khi có yêu cầu).
4. Công tác xây dựng ngành thanh tra.
- Tập trung hoàn thiện hệ thống tổ chức thanh tra để đáp ứng yêu cầu của
Luật Thanh tra năm 2010 và các Nghị định hướng dẫn thi hành.
- Phối hợp có hiệu quả với Thanh tra Chính phủ để đẩy nhanh tiến độ và
nâng cao chất lượng xây dựng và hoàn thiện thể chế về công tác thanh tra, khiếu
nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng.
- Thanh tra các cấp, các ngành có biện pháp nâng cao chất lượng đội ngũ
cán bộ làm công tác thanh tra; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ
thanh tra, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra.
- Thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo và việc tổng kết rút kinh nghiệm
về công tác ngành Thanh tra.
Sau khi xây dựng Kế hoạch công tác thanh tra năm 2012, Chánh thanh tra
các Bộ, ngành Trung ương, Chánh thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
trình Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành Trung ương, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương xem xét, quyết định phê duyệt và gửi về Thanh tra Chính phủ 02
bản (01 bản gửi Văn phòng; 01 bản gửi cục, vụ phụ trách địa bàn, lĩnh vực).
Trên cơ sở Kế hoạch đã được phê duyệt, Chánh thanh tra các Bộ, ngành, tỉnh,
thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện kịp thời, đồng thời khẩn trương hướng dẫn
các cơ quan, đơn vị thanh tra trực thuộc, bảo đảm phù hợp với hướng dẫn của
Thanh tra Chính phủ và tình hình thực tế của Bộ, ngành, địa phương.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc kịp thời phản ánh về Văn
phòng Thanh tra Chính phủ để được hướng dẫn cụ thể./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Lãnh đạo TTCP;
- Các cục, vụ, đơn vị thuộc TTCP;
- Lưu: VT, TH.
|
TỔNG THANH TRA
Huỳnh Phong Tranh
|