BỘ TÀI CHÍNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 13244/BTC-PC
Về việc triển khai Luật thực hành tiết kiệm,
chống lãng phí và các văn bản hướng dẫn
|
Hà Nội, ngày 19
tháng 09 năm 2014
|
Kính gửi:
|
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính
phủ;
- Cơ quan Nhà nước khác ở Trung ương;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương;
- Các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty 91.
|
Căn cứ Luật Thực hành tiết kiệm, chống
lãng phí (sửa đổi), ngày 08/09/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số
84/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hành tiết kiệm, chống
lãng phí (sau đây gọi là Nghị định 84/2014/NĐ-CP).
Nhằm đẩy mạnh công tác thực hành tiết
kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan, tổ chức, đồng thời nâng cao nhận thức,
trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về thực hành tiết kiệm,
chống lãng phí (sau đây gọi là THTK,CLP); tạo điều kiện để Luật, Nghị định số
84/2014/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành đi vào cuộc sống; Bộ Tài chính
đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan nhà nước
khác ở Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty 91 (sau đây
gọi là Bộ, ngành, địa phương) trong phạm vi, lĩnh vực quản lý được phân công,
thực hiện nghiêm các quy định của Luật THTK,CLP và các văn bản hướng dẫn, trong
đó cần tập trung thực hiện một số nội dung sau:
I. Tăng cường chỉ đạo, tổ chức, thực
hiện công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí:
1. Chỉ đạo rà soát, đối chiếu các văn
bản quy phạm pháp luật có liên quan đến các quy định của Luật THTK,CLP, Nghị định
số 84/2014/NĐ-CP , chỉ đạo, hướng dẫn sửa đổi, bổ sung, ban hành theo thẩm quyền
hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành; bãi bỏ các quy định không phù hợp trong
phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý, trọng tâm tập trung vào rà soát, lập danh mục
các định mức, tiêu chuẩn, chế độ, định mức kinh tế-kỹ thuật còn thiếu hoặc
không phù hợp trong các lĩnh vực chuyên ngành.
2. Tổ chức triển khai toàn diện công
tác THTK,CLP trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý, trong đó tập trung vào:
a) Thực hiện nghiêm các quy định của
Luật THTK,CLP, Nghị định số 84/2014/NĐ-CP trong các lĩnh vực sử dụng ngân sách
nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong
khu vực nhà nước, quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên và hoạt động sản xuất,
kinh doanh của tổ chức, hộ gia đình và cá nhân.
b) Nâng cao trách nhiệm của người đứng
đầu của cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện kiểm tra, kịp thời làm rõ lãng
phí khi có thông tin phát hiện để xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân
trong phạm vi quản lý có hành vi lãng phí.
c) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm
tra việc xây dựng và thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
(gọi chung là Chương trình THTK, CLP); thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các
quy định của pháp luật về THTK,CLP và việc thực hiện Chương trình THTK, CLP
trong phạm vi quản lý.
d) Đẩy mạnh thực hiện công khai trong
THTK,CLP, đặc biệt là công khai các hành vi lãng phí và kết quả xử lý hành vi
lãng phí;
3. Tiếp tục chỉ đạo tuyên truyền, phổ
biến pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thông qua tổ chức các chương
trình tập huấn, sinh hoạt chuyên đề hoặc phổ biến thông tin pháp luật về THTK,
CLP trên các phương tiện thông tin đại chúng, Cổng thông tin điện tử hoặc Trang
thông tin điện tử..., đặc biệt chú trọng thực hiện các Kết luận, Chỉ thị, Nghị
quyết của Trung ương Đảng và của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về THTK, CLP và
các quy định liên quan đến THTK, CLP mới ban hành như: Luật thực hành tiết kiệm,
chống lãng phí, Nghị định số 84/2014/NĐ-CP , trong đó:
a) Thực hiện việc bồi dưỡng kiến thức
pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, cán bộ, công chức, viên chức để
làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về THTK, CLP.
b) Tổ chức phổ biến sâu rộng trong
nhân dân để nâng cao nhận thức về tiết kiệm, chống lãng phí, thực hiện Chương
trình THTK, CLP trong dân cư, đồng thời làm tốt vai trò giám sát của các cấp,
các ngành trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
c) Đăng tải, cập nhật kịp thời trên Cổng
thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử của cơ quan các tài liệu phổ biến,
giáo dục pháp luật về THTK, CLP do Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng
và phát hành.
II. Xây dựng và
thực hiện Chương trình THTK, CLP năm 2015 và các năm tiếp theo
1. Xây dựng Chương trình THTK, CLP:
a) Các Bộ, ngành, địa phương chủ động
triển khai xây dựng, ban hành Chương trình THTK, CLP năm 2015 và các năm tiếp
theo trên cơ sở các nhiệm vụ trọng tâm, trọng yếu của ngành, lĩnh vực và của địa
phương, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, Chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực,
kế hoạch phát triển của địa phương năm 2015 và các năm tiếp theo. Đồng thời, thực
hiện công khai Chương trình THTK, CLP theo quy định tại khoản 3
Điều 5 Nghị định số 84/2014/NĐ-CP chậm nhất sau 02 ngày làm việc kể từ ngày
Chương trình THTK,CLP được ban hành.
b) Chương trình THTK, CLP của Bộ,
ngành, địa phương cần xác định rõ:
- Các nhiệm vụ trọng tâm của ngành,
lĩnh vực, địa phương năm 2015 gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;
- Xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu tiết
kiệm và yêu cầu chống lãng phí (chỉ tiêu tiết kiệm chung của ngành, lĩnh vực, địa
phương), dự kiến số giao chỉ tiêu tiết kiệm và yêu cầu chống lãng phí cho các
đơn vị thuộc, trực thuộc.
+ Đối với các Bộ quản lý ngành thuộc
các lĩnh vực được quy định tại Luật THTK, CLP, khi xây dựng, ban hành và thực
hiện Chương trình THTK, CLP cần đưa ra các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm và yêu
cầu chống lãng phí cụ thể trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ quản lý ngành
trên phạm vi cả nước, làm cơ sở cho việc kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện
và tổng hợp báo cáo Chính phủ, Quốc hội (THTK, CLP trong quản lý, sử dụng ngân
sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước; quản lý, khai thác sử dụng tài
nguyên; THTK, CLP trong quản lý lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà
nước...).
+ Đối với các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương khi xây dựng, ban hành và thực hiện Chương trình THTK, CLP cần
đưa ra các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm và yêu cầu chống lãng phí cụ thể trong
quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn
nhà nước, tài sản nhà nước; quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên; THTK, CLP
trong quản lý lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước...của địa
phương và mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm và yêu cầu chống lãng phí trong việc tổ
chức, quản lý hoạt động lễ hội và trong hoạt động sản xuất, tiêu dùng của nhân
dân trên địa bàn, làm cơ sở cho việc kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện và tổng
hợp báo cáo Chính phủ, Quốc hội.
- Về các chỉ tiêu tiết kiệm năm 2015,
lưu ý một số nội dung sau:
+ Đối với THTK,CLP trong lĩnh vực đầu
tư xây dựng cơ bản: rà soát các dự án, đặt chỉ tiêu cắt giảm các dự án không thực
sự cần thiết đầu tư; số kinh phí tiết kiệm do đấu thầu theo quy định; Số kinh
phí tiết kiệm được qua thẩm tra, thẩm định quyết toán;...
+ Đối với tiết kiệm năng lượng: Cần
rà soát, đưa ra chỉ tiêu tiết kiệm phù hợp với khả năng của Bộ, ngành, địa
phương.
+ Đối với phương tiện đi lại: Tăng cường
quản lý đối với số phương tiện đi lại hiện có; xác định rõ số lượng phương tiện
đi lại không đúng chế độ, vượt quá tiêu chuẩn (tổng số tiền) từ đó có kế hoạch điều
chuyển, sắp xếp lại (tổng số tiền), số lượng phương tiện cần thanh lý.
+ Đối với
các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước: rà soát có chỉ tiêu
kế hoạch cắt giảm chi phí sản xuất, trong đó tập trung cắt giảm chi phí quản
lý, tiết kiệm năng lượng để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
+ Đối với tiết kiệm chi thường xuyên:
thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên (không kể tiền lương và các khoản có
tính chất lương) để tạo nguồn cải cách tiền lương theo Chỉ thị số 14/CT-TTg
ngày 14/6/2014. Ngoài ra, đối với các khoản chi thường xuyên khác, các Bộ,
ngành, địa phương dự kiến giao cụ thể chỉ tiêu tiết kiệm cho các đơn vị thuộc,
trực thuộc căn cứ vào các nhiệm vụ chi cụ thể (công tác phí, hội nghị, hội thảo,
văn phòng phẩm…).
- Đề ra các biện pháp cụ thể, tiến độ
thực hiện bảo đảm thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm và yêu cầu chống lãng
phí đề ra;
- Xác định rõ trách nhiệm tổ chức thực
hiện các biện pháp THTK, CLP để đạt được mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra.
2. Tổ chức thực hiện Chương trình
THTK,CLP
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ,
cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan, tổ chức khác ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban
nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm thực hiện nghiêm
theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 84/2014/NĐ-CP , trong đó cần tập trung
vào:
a) Tổ chức triển khai thực hiện nhiệm
vụ được giao trong Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính
phủ và Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của cơ quan, đơn vị
mình.
b) Tổ chức triển khai các biện pháp
thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó tập trung và các giải pháp để đạt
được mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm và yêu cầu chống lãng phí của các nhiệm vụ trọng
tâm, trọng điểm trong từng giai đoạn.
c) Chỉ đạo, giám sát, kiểm tra các cơ
quan, tổ chức, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước trực thuộc thực hiện
chỉ tiêu tiết kiệm đã đăng ký; hàng năm tổng hợp gửi Bộ Tài chính để tổng hợp
trong báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
III. Báo cáo kết
quả THTK, CLP năm 2014 và các năm tiếp theo
Báo cáo kết quả THTK,CLP được thực hiện
theo quy định tại Luật THTK,CLP, Nghị định số 84/2014/NĐ-CP. Đối với kết quả
THTK, CLP năm 2014, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương gửi Bộ Tài chính (Thanh
tra Tài chính) trước ngày 28/2/2015 để tổng hợp trình Chính phủ, báo cáo Quốc hội.
Đồng thời, thực hiện công khai kết quả thực hành tiết kiệm và hành vi lãng phí
theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Nghị định số 84/2014/NĐ-CP và
Điều 5 Luật THTK,CLP.
Các Bộ, ngành, địa phương cần chủ động
và thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình, kết quả THTK, CLP trong phạm vi,
lĩnh vực, địa bàn quản lý theo chức năng nhiệm vụ và thẩm quyền được giao. Thực
hiện báo cáo đột xuất về tình hình, kết quả THTK, CLP theo yêu cầu của cấp có
thẩm quyền.
Để thực hiện tốt Luật THTK, CLP đề
nghị các Bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện theo các quy định của Luật.
Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về
Bộ Tài chính để hướng dẫn./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng (để báo cáo);
- Thứ trưởng Trương Chí Trung;
- Thanh tra Bộ, Vụ ĐT, Vụ NSNN, Vụ HCSN;
- Lưu: VT, PC.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trương Chí Trung
|