BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2574/BTNMT-TCQLĐĐ
V/v thực
hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg
|
Hà Nội, ngày 28 tháng 6
năm 2016
|
Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương
Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04 tháng 4 năm
2016 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 112/2015/QH13 ngày 27
tháng 11 năm 2015 của Quốc hội về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ
nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp,
ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng (dưới đây gọi
là Chỉ thị số 11/CT-TTg); để rà soát, tổng hợp nhu cầu khối lượng công việc và
kinh phí xác định ranh giới, cắm mốc giới, đo đạc, lập bản đồ địa chính và hồ
sơ ranh giới sử dụng đất; thực hiện thủ tục cho thuê đất, xác định giá đất, thu
tiền thuê đất; cấp Giấy chứng nhận đối với phần đất các công ty nông, lâm nghiệp
giữ lại khi thực hiện sắp xếp theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 12
năm 2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt
động của công ty nông, lâm nghiệp (dưới đây gọi là Nghị định số
118/2014/NĐ-CP); xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phương án hỗ trợ kinh phí
cho các địa phương thực hiện và để có thông tin, số liệu phục vụ xây dựng Đề án
tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc
doanh, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương thực hiện một số công việc sau:
1. Tập trung chỉ đạo để hoàn thành trong năm 2016 nhiệm
vụ lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất; đo đạc, lập bản đồ địa chính và cấp Giấy chứng
nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (dưới
đây gọi là Giấy chứng nhận) đối với phần đất các công ty nông, lâm nghiệp giữ lại
khi thực hiện sắp xếp theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP.
2. Tổng hợp khối lượng công việc và kinh phí xác định
ranh giới, cắm mốc giới, đo đạc, lập bản đồ địa chính và hồ sơ ranh giới sử dụng
đất; thực hiện thủ tục cho thuê đất, xác định giá đất, thu tiền thuê đất; cấp
Giấy chứng nhận đối với các công ty nông, lâm nghiệp giữ lại khi thực hiện sắp
xếp theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, nội dung gồm:
- Khối lượng và kinh phí theo Thiết kế kỹ thuật - Dự
toán lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất; đo đạc, lập bản đồ địa chính và cấp Giấy
chứng nhận đã phê duyệt, nội dung tổng hợp theo mẫu Biểu số 01 kèm theo Công
văn này;
- Tình hình bố trí kinh phí và giải ngân (gồm kinh
phí Trung ương hỗ trợ và kinh phí địa phương), nội dung tổng hợp theo mẫu Biểu
số 02 kèm theo Công văn này.
- Các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai
thực hiện.
3. Thu thập đầy đủ thông tin, đối tượng, số liệu hiện
trạng đối với đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh, gồm: Vườn Quốc
gia; Ban Quản lý rừng; các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc
diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, các tổ chức sự nghiệp khác
và hộ gia đình, cá nhân sử dụng, quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm
trường quốc doanh khi thực hiện sắp xếp lại theo quy định tại Nghị định số
170/2004/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và
phát triển nông trường quốc doanh; Nghị định số 200/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 12
năm 2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh.
Nội dung bao gồm:
- Xác định tên đơn vị sử dụng đất và cơ quan chủ quản
(đối với đơn vị sử dụng đất là công ty nông, lâm nghiệp, đơn vị sự nghiệp khác
hình thành trong quá trình sắp xếp nông, lâm trường quốc doanh); đối với đất do
hộ gia đình cá nhân sử dụng thì xác định chung vào nhóm hộ gia đình, cá nhân;
- Hiện trạng quản lý, sử dụng đất theo loại đất và
theo trạng thái pháp lý như: sử dụng đúng mục đích, sử dụng không đúng mục
đích, không sử dụng; giao khoán, cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết, hợp
tác đầu tư và bị lấn, bị chiếm, đang có tranh chấp...;
- Hiện trạng tư liệu hồ sơ ranh giới sử dụng đất, bản
đồ địa chính; tình hình giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận, lập hồ sơ
địa chính;
- Nhu cầu hoàn thiện hồ sơ ranh giới sử dụng đất, lập
bản đồ địa chính; giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận, lập hồ sơ địa
chính.
Các nội dung trên tổng hợp theo mẫu Biểu số 03, 04, 05
kèm theo Công văn này.
4. Triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án
tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc
doanh nêu tại Khoản 3 của Công văn này (dưới đây gọi là Đề án) ở địa phương,
bao gồm:
- Điều tra, khảo sát thực địa, thu thập thông tin, số
liệu, tư liệu phục vụ xây dựng Đề án, hoàn thành trước ngày 15 tháng 7 năm
2016;
- Xây dựng và trình duyệt Đề án, hoàn thành trước
ngày 15 tháng 11 năm 2016. Nội dung chính của Đề án gồm:
+ Việc tổng hợp, thống kê chi tiết, lập hệ thống biểu
thống kê hiện trạng quản lý, sử dụng đất theo loại đất và theo trạng thái pháp
lý như: sử dụng đúng mục đích, sử dụng không đúng mục đích, không sử dụng; giao
khoán, cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư và bị lấn, bị
chiếm, đang có tranh chấp...;
+ Công tác rà soát, xác định ranh giới, cắm mốc ranh
giới, đo đạc, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất;
+ Công tác đo đạc lập bản đồ địa chính chi tiết, xác
định chính xác vị trí, diện tích theo từng loại đất và theo trạng thái pháp lý
sử dụng đúng mục đích, sử dụng không đúng mục đích, không sử dụng; giao khoán,
cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư và bị lấn, bị chiếm,
đang có tranh chấp...;
+ Công tác giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận,
lập hồ sơ địa chính;
+ Việc tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng đất và thống
kê chi tiết hiện trạng quản lý, sử dụng đất; đánh giá thực trạng tình hình quản
lý, sử dụng đất; đề xuất các giải pháp, chính sách để xử lý những tồn tại, bất
cập trong quản lý, sử dụng đất và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng
đất trên phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
+ Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính
sách pháp luật đất đai trên phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
+ Trên cơ sở kết quả thực hiện Đề án, tổng hợp tình
hình quản lý, sử dụng đất và thống kê chi tiết hiện trạng quản lý, sử dụng đất;
đánh giá thực trạng tình hình quản lý, sử dụng đất; đề xuất các giải pháp,
chính sách để xử lý những tồn tại, bất cập trong quản lý, sử dụng đất và tăng
cường hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đối với đất đai có nguồn gốc từ các
nông, lâm trường quốc doanh tại địa phương;
+ Công tác tổ chức thực hiện Đề án.
- Tổ chức thực hiện Đề án.
Trên cơ sở Đề án của địa phương được duyệt, đối với
nhiệm vụ về rà soát xác định ranh giới, cắm mốc ranh giới, lập hồ sơ ranh giới
sử dụng đất, đo đạc lập bản đồ địa chính, cấp Giấy chứng nhận, lập hồ sơ địa
chính, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức lập Thiết kế kỹ thuật - Dự toán, lấy
ý kiến của Tổng cục Quản lý đất đai đối với Thiết kế kỹ thuật - Dự toán và
trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt Thiết kế
kỹ thuật - Dự toán để triển khai thực hiện.
- Tổng kết Đề án.
Đề cương chi tiết xây dựng, giải pháp tổ chức thực hiện
Đề án, Bộ Tài nguyên và Môi trường giao Tổng cục Quản lý đất đai có hướng dẫn
riêng.
Các nội dung công việc trên đây gửi về Bộ Tài nguyên
và Môi trường (qua Tổng cục Quản lý đất đai) theo địa chỉ: Số 10, Tôn Thất Thuyết,
quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội; email: DATT@monre.gov.vn; điện thoại: 04
36290204 để tổng hợp chung, trong đó: nội dung nêu tại Điểm 1, 2 và 3 của Công
văn này được lập thành báo cáo và gửi về trước ngày 20 tháng 7 năm 2016; Đề án
và Quyết định phê duyệt Đề án của địa phương lập theo hướng dẫn tại Điểm 4 của
Công văn này gửi về trước ngày 15 tháng 11 năm 2016.
Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương triển khai thực hiện, hoàn thành và gửi báo cáo, Đề án đúng tiến độ
thời gian nêu trên./.
Nơi nhận:
- Như
trên;
- Bộ trưởng Trần Hồng Hà (để b/c);
- Các Sở TN&MT (để triển khai thực hiện);
- Lưu VT, VP (TH), TCQLĐĐ (140b).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Thị Phương Hoa
|
FILE ĐƯỢC
ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|