Kính gửi:
|
- Thủ trưởng các sở, ban, ngành Thành phố;
- Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức.
|
Sau 05 năm triển khai thực hiện
Nghị quyết số 23/2017/NQ-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2017 của Hội đồng nhân dân
Thành phố Quy định về xử lý các cơ sở trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh không
đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật
phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực. Về cơ bản đã có một số
chuyển biến tích cực trong ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, người
đứng đầu cơ sở đối với công tác đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy được
nâng cao,...Công tác tham mưu triển khai Nghị quyết được thực hiện thường
xuyên, đồng bộ, cơ bản và đầy đủ theo Kế hoạch đã đề ra.
Tuy nhiên, vẫn còn một số cấp ủy,
chính quyền địa phương ở thành phố Thủ Đức và các quận, huyện chưa thật sự quan
tâm chỉ đạo thực hiện quyết liệt các nội dung đã được phân công nhiệm vụ trong
Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết; dẫn đến việc chậm trễ tiến độ, chưa đạt
được hiệu quả cao. Ngoài ra, còn một số sở, ban, ngành được giao nhiệm vụ điều
tra khảo sát không thường xuyên và liên tục; bên cạnh đó việc đánh giá, phân loại,
tổng hợp, theo dõi, hướng dẫn đôn đốc hoặc công tác tham mưu chưa đáp ứng đủ
yêu cầu nên tỉ lệ đạt hiệu quả chưa cao.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu
quả Nghị quyết số 23/2017/NQ-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2017 của Hội đồng nhân
dân Thành phố nhằm hạn chế thấp nhất các thiệt hại do cháy, nổ gây trên địa bàn
Thành phố; đồng thời chủ động các phương án đảm bảo an toàn cho người dân, doanh
nghiệp và tiến tới xử lý dứt điểm các công trình, cơ sở vi phạm các quy định về
an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Xét Tờ trình số
5593/TTr-CATP-PC07 ngày 30 tháng 9 năm 2024 của Công an Thành phố, Ủy ban nhân
dân Thành phố yêu cầu các đơn vị tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện các nội
dung sau:
1. Thủ trưởng
sở, ban, ngành Thành phố có liên quan
- Tiếp tục triển khai thực hiện
có hiệu quả các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xử lý đối với các cơ sở thuộc
Điều 63a Luật phòng cháy và chữa cháy[1] và của Ủy ban nhân dân Thành phố về xử lý các cơ sở trên địa
bàn Thành phố Hồ Chí Minh, không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy được
đưa vào sử dụng trước ngày Luật phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu
lực theo Nghị quyết số 23/2017/NQ-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2017 của Hội đồng
nhân dân Thành phố[2].
- Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch-Kiến
trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương tiếp tục giải quyết các thủ tục
cho phép cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy được đưa vào sử
dụng trước ngày Luật phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực được
phép cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, xây dựng lại theo hướng dẫn của Công an Thành
phố.
- Sở Tài nguyên và Môi trường
chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành Thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện,
thành phố Thủ Đức và các đơn vị liên quan tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân
Thành phố về công tác xử lý đối với các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy
và chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật phòng cháy và chữa cháy số
27/2001/QH10 có hiệu lực; không tổ chức thực hiện, thực hiện không đầy đủ, hoặc
đã bị khiếu nại, khiếu kiện về điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy từ 02
lần trở lên nhưng không có biện pháp khắc phục theo quy định; bắt buộc phải di
dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp quy hoạch và có nguy cơ
cháy, nổ xen cài trong khu dân cư theo Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo xử lý
cơ sở gây ô nhiễm môi trường (ban hành kèm theo Quyết định số 3178/QĐ- UBND
ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Ủy ban nhân dân Thành phố).
- Sở Tài chính hướng dẫn Ủy ban
nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức bố trí nguồn ngân sách để khắc phục các
nội dung không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy của các công trình
thuộc trách nhiệm quản lý.
- Đài Truyền hình Thành phố,
các cơ quan báo, đài trên địa bàn Thành phố tiếp tục thông tin về nội dung Nghị
quyết số 23/2017/NQ-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2017 của Hội đồng nhân dân Thành phố
Quy định về xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy
trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được đưa vào sử dụng trước ngày Luật phòng
cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực. Trong đó, tập trung nêu rõ chính
sách của Thành phố là "tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân ổn định
hoạt động sản xuất, kinh doanh lâu dài, hạn chế việc gián đoạn kinh doanh, sản
xuất của cơ sở; đảm bảo thực hiện quản lý nhà nước về phòng cháy và chữa cháy
theo hướng ổn định, phát triển phù hợp với quy hoạch". Việc thông tin,
tuyên truyền phải thể hiện nhiều lần, thường xuyên qua nhiều hình thức nhất là
trong các "giờ vàng" của Đài truyền hình để góp phần ngăn ngừa và
phòng chống cháy, nổ.
2. Ủy ban
nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức
- Tiếp tục hướng dẫn các cơ
quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện các giải pháp khắc phục đối với từng
nội dung không đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định của khoản
2, Điều 4 Nghị quyết số 23/2017/NQ-HĐND. Trong đó tập trung 04 giải pháp: khoảng
cách phòng cháy chống cháy, giải pháp ngăn cháy, lối thoát nạn, giao thông phục
vụ chữa cháy và lắp đặt hệ thống phòng cháy, chữa cháy.
- Thực hiện công tác kiểm tra
và xác nhận kết quả khắc phục của chủ cơ sở theo hướng không yêu cầu thẩm duyệt,
kiểm tra kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với các cơ sở thuộc
danh mục quy định tại Phụ lục V, ban hành kèm theo Nghị định số 50/2024/NĐ-CP
ngày 10 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ, cụ thể như sau:
+ Đối với các cơ sở không thuộc
diện thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy theo Nghị định số
50/2024/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ, tiếp tục phối hợp với cơ
quan chuyên môn chủ động khảo sát, hướng dẫn, đề xuất phương án thực hiện phù hợp
đối với từng cơ sở theo các giải pháp quy định tại Nghị quyết số
23/2017/NQ-HĐND (thời gian thực hiện xong trong năm 2024).
+ Đối với các cơ sở không hoặc
khó có khả năng khắc phục các nội dung không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy, chữa
cháy tiếp tục khảo sát, đánh giá cụ thể các nội dung không đảm bảo yêu cầu về
phòng cháy, chữa cháy; tuyên truyền, hướng dẫn cơ sở chuyển đổi công năng phù hợp
với quy mô, tính chất hoạt động của cơ sở, tự nguyện di dời, bắt buộc phải di dời
theo quy định (thời gian thực hiện xong trong năm 2024).
+ Đối với các cơ sở là cơ quan
nhà nước trực thuộc quận, huyện, thành phố Thủ Đức lập dự toán cụ thể từng công
trình, bố trí nguồn ngân sách và lập Kế hoạch triển khai thực hiện chi tiết;
nêu rõ thời gian thực hiện và hoàn thành việc cải tạo đối với từng cơ sở nhằm
khắc phục các nội dung không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy của các
cơ sở thuộc trách nhiệm quản lý như: trường học, bệnh viện, bảo tàng, trụ sở cơ
quan, chợ, chung cư cũ, nhà tập thể,… (thời gian thực hiện xong trong năm
2024).
+ Đối với những cơ sở xây dựng
không có giấy phép, sai phép, không phù hợp quy hoạch hướng dẫn thì những cơ sở
này tổ chức thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy nhằm
đảm bảo an toàn trong quá trình hoạt động. Khi các cơ sở đã thực hiện đầy đủ
các giải pháp theo Nghị quyết số 23/2017/NQ-HĐND, Ủy ban nhân dân quận, huyện,
thành phố Thủ Đức có trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố để chỉ đạo
các sở, ban, ngành liên quan phối hợp giải quyết dứt điểm những vấn đề liên
quan đối với những cơ sở này (thời gian thực hiện xong trong năm 2024).
+ Đối với các đối tượng là nhà
chung cư không có ban quản trị, ban quản lý: đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố
bổ sung ngân sách nhà nước kết hợp xã hội hóa với người dân cư trú tại chung cư
để tiến hành các giải pháp đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy theo Nghị quyết
số 23/2017/NQ-HĐND.
+ Riêng các chung cư quá thời
gian sử dụng đã có kế hoạch giải tỏa, xây mới, Ủy ban nhân dân quận, huyện,
thành phố Thủ Đức phối hợp với Sở Xây dựng tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành
phố chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan nhanh chóng thực hiện; tránh tình trạng
quy hoạch “treo” kéo dài không đảm bảo các điều kiện an toàn nói chung và phòng
cháy, chữa cháy nói riêng. Trong khi chờ giải tỏa phải trang bị phương tiện chữa
cháy, cứu nạn, cứu hộ, kiểm tra và cải tạo hệ thống điện (thời gian thực hiện
xong trong năm 2024).
+ Đối với những cơ sở còn lại
phải tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện; xác định thời gian các cơ
sở thực hiện các nội dung, giải pháp của Nghị quyết số 23/2017/NQ-HĐND; báo cáo
cụ thể về Ủy ban nhân dân Thành phố (qua Công an Thành phố) để tổng hợp báo cáo
theo quy định (thời gian thực hiện xong trong năm 2024).
3. Công an
Thành phố
- Hướng dẫn các bước quy trình,
trình tự, thủ tục, kiểm tra, xác nhận kết quả khắc phục của chủ cơ sở theo hướng
không yêu cầu thẩm duyệt, kiểm tra kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa
cháy đối với các cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục V (ban hành kèm theo
Nghị định số 50/2024/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ).
- Tiếp tục hướng dẫn các cơ
quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện các giải pháp khắc phục đối với từng
nội dung không đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định của khoản
2, Điều 4, Nghị quyết số 23/2017/NQ-HĐND. Trong đó tập trung 04 giải pháp: khoảng
cách phòng cháy, chống cháy, giải pháp ngăn cháy, lối thoát nạn, giao thông phục
vụ chữa cháy và lắp đặt hệ thống phòng cháy, chữa cháy.
- Tiếp tục phối hợp với các đơn
vị liên quan thực hiện công tác hướng dẫn, tuyên truyền, vận động các cơ sở thuộc
diện điều chỉnh của Nghị quyết số 23/2017/NQ- HĐND; chủ động cải tạo, sửa chữa,
lắp đặt bổ sung các hệ thống phòng cháy, chữa cháy hoặc giảm quy mô, thay đổi
công năng hoạt động phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của cơ sở và tự
nguyện di dời.
- Công an Thành phố kiểm tra,
giám sát công tác phòng cháy chữa cháy trên địa bàn Thành phố; đôn đốc, hướng dẫn,
giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện; tổng hợp báo cáo
kết quả và đề xuất các giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban,
ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức và các đơn vị liên quan
nghiêm túc triển khai thực hiện./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Văn phòng Chính phủ;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- Bộ Công an (V01, C07);
- Các cơ quan TW trên địa bàn TP;
- Văn phòng Thành ủy;
- Công an Thành phố;
- Các cơ quan báo, đài TP;
- VPUB: CVP, các PVP;
- Các Phòng NCTH, Phòng NCPC;
- Lưu: VT, (NCPC/Nh).
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Dương Ngọc Hải
|
[1]
Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 08/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ: Ban hành Kế hoạch
triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa
cháy.
[2]
Quyết định số 2098/QĐ-UBND ngày 16/5/2018 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban
hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 23/2017/NQ-HĐND của Hội đồng
nhân dân thành phố; Văn bản số 4244/UBND-NCPC ngày 15/10/2019 của Ủy ban nhân
dân Thành phố về việc tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số
23/2017/NQ-HĐND; Văn bản số 4031/UBND-NCPC ngày 19/10/2020 của Ủy ban nhân dân
Thành phố về việc tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 23/2017/NQ-HĐND.