Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 1109/LS-QHLS Loại văn bản: Công văn
Nơi ban hành: Cục Lãnh sự Người ký: Vũ Việt Anh
Ngày ban hành: 12/04/2019 Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ NGOẠI GIAO
CỤC LÃNH SỰ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1109/LS-QHLS
V/v phối hợp xử lý các vụ việc liên quan đến người nước ngoài tại địa phương.

Hà Nội, ngày 12 tháng 4 năm 2019

Kính gửi:

- Văn phòng Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Sở Ngoại vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an.

Cùng với xu thế hội nhập và phát triển, số lượng người nước ngoài đến Việt Nam thăm quan, du lịch, học tập, làm việc và cư trú... ngày càng tăng, dần đến phát sinh nhiều vụ việc liên quan đến người nước ngoài tại địa phương, trong đó có việc xử lý người nước ngoài vi phạm pháp luật (bị bắt giữ, tạm giam...) và người nước ngoài bị tai nạn/ tử vong (do tai nạn giao thông/ lao động, đuối nước...).

Về vấn đề này, Cục Lãnh sự đã có một số văn bản hướng dẫn địa phương thực hiện công tác phối hợp (công văn số 0595/CV-LS-QHLS ngày 02/4/2007 về phối hợp xử lý người nước ngoài chết tại địa phương; công văn số 2737/CV-LS-QHLS-m ngày 15/10/2009 đề nghị thông báo kịp thời các trường hợp công dân nước ngoài bị tai nạn, chết, bị bắt, giam giữ và tạo điều kiện cho Cơ quan đại diện nước ngoài thăm lãnh sự; công văn số 1309/LS-QHLS ngày 23/4/2018 về xử lý thi hài người nước ngoài tử vong tại địa phương...). Thời gian gần đây, trong trao đổi với các cơ quan liên quan, Cục Lãnh sự nhận thấy vẫn còn tình trạng cơ quan chức năng địa phương thu giữ hộ chiếu của người nước ngoài; việc giải quyết thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự còn chưa kịp thời; quy trình trao đổi với Cơ quan đại diện nước ngoài (sau đây gọi tắt là CQĐD) về việc giám định pháp y và xử lý các trường hợp đặc biệt còn chưa thống nhất.

Để tăng cường cơ chế phối hợp và giải quyết tốt hơn các vụ việc liên quan đến người nước ngoài xảy ra tại địa phương, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các cơ quan liên quan và trong bối cảnh nhiều quy định của pháp luật Việt Nam đã thay đổi, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao xin đề nghị Quý Cơ quan lưu ý một số điểm như sau:

I - Cơ chế phối hợp và nội dung thông tin

1. Cơ chế phối hợp

- Điều 36 Công ước Viên năm 1963 về Quan hệ Lãnh sự quy định, cơ quan chức năng của Nước tiếp nhận có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ quan lãnh sự nước ngoài biết trong khu vực lãnh sự có công dân nước họ đang bị bắt giữ, tạm giam chờ xét xử hoặc bị tạm giữ dưới bất kỳ hình thức nào. Ngoài ra, theo các thỏa thuận, hiệp định của Việt Nam với các nước về lãnh sự, cơ quan chức năng Việt Nam có trách nhiệm thông báo cho Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao để thông báo ngay cho các CQĐD khi công dân nước ngoài bị bắt giữ, tạm giam trong vòng 72 giờ (Hoa Kỳ), 03 ngày (Ô-xtơ -rây-li-a) hay trong thời gian sớm nhất có thể (Trung Quốc, Hàn Quốc)... Bên cạnh đó, căn cứ nhiều văn bản quy phạm pháp luật của ta, cơ quan chức năng có trách nhiệm thông báo và phối hợp với Bộ Ngoại giao thu xếp, tạo thuận lợi để CQĐD được đi thăm lãnh sự khi có công dân nước ngoài bị bắt, giam giữ...[1]

- Trên cơ sở đó, Cục Lãnh sự trân trọng đề nghị Quý Cơ quan thông báo kịp thời cho CQĐD (đối với các cơ quan ngoại vụ địa phương được ủy quyền liên lạc trực tiếp với CQĐD) những vụ việc lãnh sự thông thường liên quan đến người nước ngoài trên địa bàn tỉnh như bị tai nạn, tử vong, mất hộ chiếu, vi phạm pháp luật Việt Nam bị giam giữ (trừ thăm lãnh sự vẫn thông qua Bộ Ngoại giao);[2] đồng thời thông báo cho Bộ Ngoại giao, qua Cục Lãnh sự đối với các tỉnh thành phía Bắc từ tỉnh Thừa Thiên Huế trở ra; hoặc Sở Ngoại vụ Tp. Hồ Chí Minh đối với các tỉnh thành phía Nam từ tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng trở vào[3] khi có sự việc liên quan đến người nước ngoài xảy ra tại địa phương để cùng phối hợp giải quyết.

2. Nội dung thông tin

- Trong công hàm/ công văn gửi các cơ quan nói trên, đề nghị Quý Cơ quan cung cấp đầy đủ các thông tin như: họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, quốc tịch; số hộ chiếu hoặc các giấy tờ tùy thân khác (nếu có); thời gian nhập cảnh, mục đích nhập cảnh Việt Nam; thời gian, địa điểm, nguyên nhân tai nạn/ tử vong; họ tên, địa chỉ thân nhân của người bị nạn ở nước ngoài (nếu có). Để tạo thuận lợi cho phía nước ngoài xác minh nhân thân/quốc tịch, đề nghị Quý Cơ quan gửi kèm công hàm/ công văn thông báo bản chụp giấy tờ tùy thân của người bị nạn.

- Lưu ý: Theo Quy định tại Chỉ thị số 21/2000/CT-TTg ngày 16/10/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc thông báo và tiếp xúc lãnh sự đối với công dân nước ngoài và người Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài bị bắt, tạm giữ, tạm giam hoặc đang thi hành án phạt tù tại Việt Nam, các cơ quan chức năng không thu giữ hộ chiếu của công dân nước ngoài, người Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam.

- Trường hợp hộ chiếu đó được coi là vật chứng của vụ án đang được tiến hành điều tra cần thu giữ hoặc trường hợp cần áp dụng biện pháp ngăn chặn xuất cảnh, việc thu giữ hộ chiếu của người nước ngoài là cần thiết, song Bộ Công an, Bộ Quốc phòng va Bộ Ngoại giao cần thống nhất biện pháp xử lý sao cho vừa đảm bảo thi hành luật pháp của ta, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế theo hướng chuyển giao hộ chiếu đó cho CQĐD nước ngoài tại Việt Nam.[4]

II - Một số điểm cần chú ý về việc phối hợp xử lý thi hài người nước ngoài bị tai nạn/ tử vong tại địa phương

1. Về việc giám định pháp y

- Trường hợp đã xác định được nguyên nhân tai nạn/ tử vong, đề nghị Quý Cơ quan phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương lập biên bản có chữ ký của người làm chứng và cơ quan giám định.

- Trường hợp chưa xác định được nguyên nhân tai nạn/ tử vong (có nghi vấn..đề nghị Quý Cơ quan lưu ý không tiến hành mô tử thi khi chưa có ý kiến của CQĐD/ thân nhân của người bị nạn mà cần phải đợi ý kiến của CQĐD/ thân nhân đồng ý việc mổ tử thi để giám định pháp y. Khi có ý kiến của CQĐD/ thân nhân đồng ý mổ tử thi, cơ quan pháp y hoặc y tế của địa phương tiến hành thủ tục pháp y và có kết luận cụ thể về nguyên nhân tử vong.

- Trường hợp CQĐD/ thân nhân có yêu cầu (bằng văn bản) đề nghị không mổ tử thi để khám nghiệm, trên cơ sở tinh thần nhân đạo, đề nghị Quý Cơ quan phối hợp với các cơ quan chức năng xem xét và đáp ứng thuận lợi yêu cầu của họ, nếu đã xác định được nguyên nhân tử vong, không có gì nghi vấn.

- Trong luật pháp và thực tiễn, các nước đều không chấp nhận hoặc cho phép CQĐD/ thân nhân tham dự vào việc mô tử thi và giám định pháp y. Tuy nhiên, nêu CQĐD có đề nghị bằng công hàm, tùy từng trường hợp cụ thể, Quý Cơ quan trao đổi với các cơ quan chức năng xem xét chấp nhận đề nghị, tuy nhiên chỉ trong trường hợp nguyên nhân tử vong đã được xác định rõ ràng (không có nghi vấn...) và họ chỉ được quan sát.

- Đối với Biên bản khám nghiệm tử thi và Biên bản giám định pháp y, đề nghị Quý Cơ quan chuyển đến Cục Lãnh sự hoặc Sở Ngoại vụ Tp. Hồ Chí Minh để chuyển cho CQĐD.

2. Công tác bảo quản thi hài

- Trường hợp địa phương không có điều kiện kỹ thuật để bảo quản thi hài, cơ quan ngoại vụ hướng dẫn chính quyền địa phương chuyển thi hài đến cơ sở y tế hoặc nhà tang lễ có thiết bị bảo quản để lưu giữ.

- Thời hạn bảo quản thi hài tại địa phương là 07 ngày kể từ ngày tử vong; sau thời hạn này, nếu CQĐD không có ý kiến hoặc không có người đến nhận thi hài, các cơ quan chức năng địa phương tiến hành thủ tục mai táng hoặc hỏa táng phù hợp với pháp luật Việt Nam và điều kiện của địa phương.[5]

- Đối với những trường hợp nhạy cảm và tùy điều kiện lưu giữ thi hài tại địa phương, cơ quan ngoại vụ địa phương có thể gửi thông báo cho CQĐD lần 2 (thêm thời hạn 07 ngày), đồng gửi Cục Lãnh sự/ Sở Ngoại vụ Tp. Hồ Chí Minh để phối hợp. Nếu sau thời hạn này mà CQĐD/ thân nhân không có ý kiến hoặc không có người đến nhận thi hài, cơ quan chức năng địa phương tiến hành thủ tục mai táng hoặc hỏa táng phù hợp với pháp luật Việt Nam và điều kiện của địa phương.

- Về chi phí bảo quản thi hài: cơ quan ngoại vụ địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu cho lãnh đạo địa phương phương án xử lý phù hợp với điều kiện của địa phương, tránh để kéo dài gây tốn kém và ảnh hưởng đến môi trường cũng như đảm bảo về đối ngoại. Trường hợp CQĐD có yêu cầu đề nghị bảo quản lâu hơn thời hạn 07 ngày thì CQĐD phải đảm bảo về việc thanh toán các chi phí lưu giữ thi hài.

3. Đăng ký khai tử

- UBND cấp huyện nơi cư trú cuối cùng của người chết thực hiện việc đăng ký khai tử cho người nước ngoài hoặc công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài chết tại Việt Nam. Trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng của người chết, UBND cấp huyện nơi người đó chết hoặc nơi phát hiện thi thể người chết thực hiện việc đăng ký khai tử.[6]

- Sau khi đăng ký khai tử, UBND cấp huyện thông báo bằng văn bản kèm theo Trích lục khai tử cho Bộ Ngoại giao để thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của nước mà người chết là công dân.[7] Tuy nhiên thực tế cho thấy quy định này còn bất cập: nhiều trường hợp CQĐD không có thông tin về vụ việc tử vong tại địa phương do không phụ trách công tác lãnh sự tại các tỉnh, thành phố liên quan. Vì vậy, để phối hợp tốt hơn, cơ quan ngoại vụ tham mưu chính quyền địa phương gửi thông báo Trích lục khai tử của người nước ngoài tử vong tại địa phương cho Bộ Ngoại giao thông qua Cục Lãnh sự hoặc Sở Ngoại vụ Tp. Hồ Chí Minh.

- Trường hợp Giấy chứng tử, Trích lục khai tử hoặc giấy tờ khác có liên quan cần sử dụng ở nước ngoài, đề nghị Quý Cơ quan hướng dẫn cho thân nhân, cơ quan/ tổ chức chịu trách nhiệm bảo lãnh cho người bị nạn tại Việt Nam đến Phòng Công chứng Nhà nước để dịch ra tiếng nước ngoài thông dụng, sau đó đến Cục Lãnh sự/ Sở Ngoại vụ Tp. Hồ Chí Minh để làm thủ tục hợp pháp hóa - chứng nhận lãnh sự (trừ những nước đã ký Hiệp định tương trợ tư pháp với nước ta có quy định được miễn thủ tục này).

4. Đưa thi hài/ di hài xuất cảnh về nước liên quan hoặc chôn cất tại địa phương

- Trường hợp thân nhân hoặc CQĐD có nguyện vọng đưa thi hài của người tử vong về nước, đề nghị Quý Cơ quan hướng dẫn họ liên hệ với cơ quan y tế của tỉnh, thành phố để tiến hành thủ tục ướp xác, đưa vào quan tài kẽm, niêm phong, kiểm dịch y tế để chuyển về nước và chịu mọi chi phí.

- Trường hợp chỉ đưa di hài (lọ tro) của người chết ra khỏi Việt Nam về nước liên quan, đề nghị Quý Cơ quan hướng dẫn cho thân nhân hoặc cơ quan/ tổ chức chịu trách nhiệm bảo lãnh cho người bị nạn tại Việt Nam liên hệ với cơ quan kiểm dịch y tế và hải quan của ta để được hướng dẫn cụ thể về mặt thủ tục.

- Trường hợp thân nhân người quá cố là người Việt Nam đề nghị được chôn cất thi hài người chết (mang hộ chiếu nước ngoài, phần lớn là người cao tuổi, già yếu, bệnh tật...) đã về nước và tử vong tại địa phương, đề nghị Quý Cơ quan tạo điều kiện thuận lợi đông thời có báo cáo với UBND địa phương để xem xét, giải quyết phù hợp với các quy định và phong tục tập quán của ta.

III - Một số trường hợp đặc biệt

1. Người nước ngoài bị tạm giữ, tạm giam tử vong

- Trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam chết là người nước ngoài thì cơ quan đang thụ lý vụ án có trách nhiệm thông báo cho cơ quan lãnh sự và thân nhân, người đại diện hợp pháp của người đó.[8]

- Người nước ngoài bị tạm giữ, tạm giam chết thì giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, theo thỏa thuận quốc tế hoặc thỏa thuận trực tiếp giữa Việt Nam và nước có người bị tạm giữ, tạm giam chết tùy trường hợp cụ thể. Trường hợp chưa có điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế tương ứng hoặc giữa Việt Nam và nước có người bị tạm giam, tạm giữ chết không thỏa thuận thống nhất được về giải quyết trường hợp cụ thể, hoặc không xác định được quốc tịch của người chết thì giải quyết như đối với người Việt Nam bị tạm giữ, tạm giam chết.[9]

2. Tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến người nước ngoài

- Khi xảy ra vụ tai nạn giao thông liên quan đến người và phương tiện giao thông đường bộ của nước ngoài thì thực hiện theo trình tự điều tra, giải quyết tai nạn giao thông được quy định tại Chương II Quyết định số 18/2007/QĐ-BCA(C11) ngày 05/01/2007 của Bộ Công an ban hành Quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ.[10]

- Đồng thời áp dụng Thông tư liên bộ số 01/TTLB ngày 08/9/1988 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao hướng dẫn việc điều tra, xử lý các vụ vi phạm luật lệ giao thông đường bộ do người, phương tiện giao thông nước ngoài gây ra, hoặc áp dụng theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.[11]

- Trường hợp vụ việc nghiêm trọng, xảy ra chết người, bị thương nặng, đề nghị Quý Cơ quan thông báo ngay cho CQĐD, đông gửi Cục Lãnh sự/ Sở Ngoại vụ Tp. Hồ Chí Minh để phối hợp, xử lý kịp thời.

3. Phát hiện xác chết trôi dạt vào vùng biển địa phương nghi là người nước ngoài

- Gần đây, nhiều địa phương phản ánh còn lúng túng khi phát hiện xác người nước ngoài trôi dạt vào bờ (Thái Bình, Hà Tĩnh...), trường hợp này khó xác minh nhân thân do không có giấy tờ tùy thân hoặc tình trạng thi thể bị phân hủy nặng. Do đó ngay khi phát hiện thi thể nghi là người nước ngoài, đề nghị Quý Cơ quan phối hợp với cơ quan ngoại vụ địa phương thông báo cho Cục Lãnh sự/ Sở Ngoại vụ Tp. Hồ Chí Minh để thông báo CQĐD nước ngoài phối hợp xác minh.

- Trong thời gian chờ xác minh, cơ quan chức năng địa phương tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám ngoài tử thi, tiến hành thu thập các mẫu vật liên quan có thể xác định danh tính của nạn nhân thông qua phương pháp phân tích ADN (tóc, móng tay...), lập biên bản trước khi bàn giao thi thể cho chính quyền địa phương.

- Trường hợp CQĐD và thân nhân có ý kiến đề nghị phía địa phương hỗ trợ việc xác minh huyết thống của người chết và thân nhân gia đình (thông qua xét nghiệm ADN), Quý Cơ quan tạo điều kiện hỗ trợ CQĐD/ thân nhân người chết tiến hành xác minh và khi có kết quả gửi Cục Lãnh sự/ Sở Ngoại vụ Tp. Hồ Chí Minh để thông báo cho CQĐD và thân nhân gia đình được biết, đồng thời hỗ trợ gia đình nạn nhân hoàn tất các thủ tục liên quan theo quy định.

IV - Thông tin liên hệ

Trong quá trình phối hợp xử lý các vụ việc liên quan đến người nước ngoài tại địa phương, đề nghị Quý Cơ quan liên hệ với các cơ quan sau đây để trao đổi thêm hoặc được hướng dẫn cụ thể:

a. Địa chỉ liên hệ của Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao:

- Trong giờ làm việc: Số 40 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội; Điện thoại: (024) 3 845 2293 hoặc (024) 3 799 3118; Fax: (024) 3 799 3505;

- Ngoài giờ làm việc: Trực ban Bộ Ngoại giao, số 01 Tôn Thất Đàm, Ba Đình, Hà Nội; Điện thoại (024) 3 845 2980 hoặc (024) 3 822 3055 (đề nghị thông báo cho Cục Lãnh sự).

b. Địa chỉ liên hệ của Sở Ngoại vụ Tp. Hồ Chí Minh:

- Trong giờ làm việc: Số 06 Alexandre de Rhodes, Quận 01, Tp. Hồ Chí Minh; Điện thoại: (08) 3 8224224; Fax: (08) 3 825 1436; (08) 3 829 7785;

- Ngoài giờ làm việc: Điện thoại số (08) 3 822 3055.

Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao xin trao đổi và mong luôn nhân được sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời của các Quý Cơ quan.

Xin chân thành cảm ơn./.


Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu: VP, LS, H.

CỤC TRƯỞNG




Vũ Việt Anh



[1] Mục 1, Chỉ thị số 21/2000/CT-TTg ngày 16/10/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc thông báo và tiếp xúc lãnh sự đối với công dân nước ngoài và người Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài bị bắt, tạm giữ, tạm giam hoặc đang thi hành án phạt tù tại Việt Nam; Điều 116 Bộ Luật Tổ tụng Hình sự 2015 quy định trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận người bị giữ, bị bắt là công dân nước ngoài thì phải thông báo cho cơ quan ngoại giao của Việt Nam để thông báo cho CQĐD ngoại giao của nước có công dân bị giữ, bị bắt.

[2] Căn cứ công văn số 4968/BNG - LS ngày 07/12/2017: cơ quan ngoại vụ địa phương được ủy quyền trực tiếp trao đổi với CQĐDNN tại Việt Nam trong các vụ việc lãnh sự thông thường liên quan đến người nưác ngoài trên địa bàn tỉnh như bị tai nạn, tử vong, mất hộ chiếu, vi phạm pháp luật Việt Nam bị giam giữ (trừ thăm lãnh sự vẫn thông qua Bộ Ngoại giao).

[3] Căn cứ Quyết định số 3663/QĐ-NG ngày 19/12/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Ngoại vụ Tp. Hồ Chí Minh: Sở Ngoại vụ Tp. Hồ Chí Minh là đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thực hiện quản lý nhà nước về công tác đối ngoại và triển khai các nhiệm vụ đối ngoại theo ủy quyền của Bộ trưởng tại các tỉnh, thành từ tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trở vào phía Nam.

[4] Mục 7, Chỉ thị số 21/2000/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thông báo và tiếp xúc lãnh sự đối với công dân nước ngoài và người Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài bị bắt, tạm giữ, tạm giam hoặc đang thi hành án phạt tù tại Việt Nam.

[5] Khoản 1, Điều 18 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH12 ngày 21/11/2007 và Điểm a, Khoản 1, Mục III, Thông tư số 02/2009/TT-BYT ngày 26/5/2009 của Bộ Y tế hướng dẫn vệ sinh trong hoạt động mai táng và hỏa táng, có tính đến đặc thù của việc xử lý thi hài người nước ngoài.

[6] Điều 51 Luật Hộ tịch 2014 về Thẩm quyền đăng ký khai tử.

[7] Khoản 3 Điều 52 Luật Hộ tịch 2014 về Thủ tục đăng ký khai tử.

[8] Khoản 01 Điều 26 Luật Thi hành tạm giam, tạm giữ 2015.

[9] Khoản 04 Điều 26 Luật Thi hành tạm giam, tạm giữ 2015.

[10] Khoản 01 Điều 23 Quyết định 18/2007/QĐ-BCA (C11).

[11] Khoản 01 Điều 23, Quyết định 18/2007/QĐ-BCA (C11).

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Công văn 1109/LS-QHLS ngày 12/04/2019 phối hợp xử lý các vụ việc liên quan đến người nước ngoài tại địa phương do Cục Lãnh sự ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


932

DMCA.com Protection Status
IP: 18.222.184.184
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!