VIỆN
KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
******
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******
|
Số: 03/VKS
Trích yếu: v/v Hướng dẫn thống nhất đường lối
xử lý một số trường hợp cụ thể thuộc các tội phạm về ma túy
|
Hà
Nội, ngày 03 tháng 01 năm 2000
|
Kính
gửi:
|
- Các viện kiểm sát nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương
- Viện kiểm sát quân sự Trung ương
- Các đơn vị: vụ 2C; VKSXXPT 1, 2, 3; Vụ 3.
|
Để chủ động tháo gỡ những khó khăn,
vướng mắc khi việc áp dụng quy định của Chương VIIa BLHS và Thông tư liên tịch
số 01, 02 và giải quyết các vụ án về ma túy, VKSNDTC đã tổ chức cuộc Hội thảo cấp
chuyên viên liên ngành với sự tham gia của đại diện các đơn vị liên quan thuộc
Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Y tế và
đại diện của 8 VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hội nghị thống nhất
nhận định những vướng mắc đã được nêu ra trong Hội nghị có nguồn gốc từ những
quy định của một số điều luật thuộc Chương VIIa BLHS, một số điểm hướng dẫn thuộc
Thông tư liên tịch số 01, 02, nên đề nghị VKSNDTC có văn bản kiến nghị với Quốc
hội, liên ngành Trung ương nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp với thực tế của cuộc
đấu tranh phòng chống các tội phạm về ma túy và sớm có văn bản hướng dẫn trong
ngành Kiểm sát những vấn đề đã được Hội nghị thống nhất.
Trong khi chưa có hướng dẫn mới của
liên ngành Trung ương, khi áp dụng các Thông tư liên tịch số 01, 02 để giải quyết
các vụ án về ma túy, VKS các cấp cần nhận thức và áp dụng thống nhất một những
vấn đề sau:
1. Về tội danh:
a. Về tội tổ chức sử dụng trái phép
chất ma túy
Căn cứ theo quy định của Điều 185 (i) BLHS và hướng dẫn của Thông tư 02 thì: Người phạm
tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy bao gồm các đối tượng phạm tội là người
không nghiện ma túy, và những người nghiện ma túy, nên khi giải quyết những vụ
án thuộc loại tội này trước hết cần phải xác định được bản chất của sự việc. Đó
thực chất là việc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy hay chỉ là những người
nghiện ma túy tụ tập với nhau sử dụng trái phép chất ma túy?
Đối với những người nghiện ma túy
có quan hệ quen biết tụ tập nhau để sử dụng trái phép chất ma túy. Nguồn ma túy
và dụng cụ tiêm chích là do góp tiền mua hoặc luân phiên nhau bỏ tiền mua (nay
người này, mai người khác), địa điểm tụ tập sử dụng ma túy không cố định, thì
chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 185 (i) BLHS nếu
đối tượng nào trong số họ có thêm một trong các điều kiện quy định tại tiết g điểm 2 thông tư liên tịch số 02.
b. Về tội sử dụng trái phép chất ma
túy
Chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối
với những người sử dụng trái phép chất ma túy về tội danh theo Điều
185 (l) BLHS khi họ có đủ 2 điều kiện luật định mà còn tiếp tục sử dụng
trái phép chất ma túy.
Điều kiện “đã được giáo dục nhiều lần”
phải được thể hiện trong hồ sơ vụ án và được tính kể từ khi thi hành xong quyết
định xử lý hành chính bằng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc do Chủ tịch
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định, theo quy định của Điều 74
và 75 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.
c. Về tội cưỡng bức, lôi kéo người
khác sử dụng trái phép chất ma túy
Để có thể truy cứu TNHS đối với người
có hành vi cưỡng bức, lôi kéo theo quy định của Điều 185 (m)
thì người bị cưỡng bức, lôi kéo phải được xác định là người không có nhu cầu sử
dụng trái phép chất ma túy.
d. Về tội chứa chấp việc sử dụng
trái phép chất ma túy
Theo quy định của Thông tư 02 thì
người chứa chấp phải biết người khác là đối tượng sử dụng trái phép chất ma
túy, nhưng khi họ mượn hoặc thuê địa điểm để trực tiếp sử dụng trái phép chất
ma túy nhằm thỏa mãn nhu cầu của họ, mà vẫn cho họ mượn hoặc thuê, thì phải chịu
trách nhiệm hình sự theo Điều 185 (k) BLHS.
đ. Về tội mua bán trái phép chất ma
túy
Theo quy định của Thông tư liên tịch
số 01, 02 thì chỉ truy tố tội mua bán trái phép chất ma túy khi chứng minh được
động cơ, mục đích là để bán hoặc thanh toán, trao đổi.
Nếu không chứng minh được mục đích
bán trái phép, nhưng số lượng chất ma túy thu được từ họ lớn hơn mức cho phép xử
lý bằng biện pháp hành chính, thì theo thông tư liên tịch số 01, 02 phải truy tố
họ về hành vi tàng trữ hoặc vận chuyển trái phép chất ma túy.
* Xử lý đối với người bán ma túy
trái phép nhưng còn có những hành vi khác như sau:
- Nếu sau khi mua ma túy người nghiện
lên cơn nghiện và mượn luôn địa điểm của người bán để hút, chích. Dụng cụ là của
người nghiện mang theo thì ngoài việc truy tố người bán về tội “mua bán trái
phép chất ma túy” còn phải truy tố người bán thêm về tội “chứa chấp việc sử dụng
trái phép chất ma túy” theo Điều 185 (k), nếu đó là lần đầu
tiên. Hoặc phải truy tố về tội “tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” nếu hành
vi đó được lặp đi, lặp lại nhiều lần.
- Nếu sau khi bán, người bán cho
người nghiện sử dụng tại địa điểm của mình, dụng cụ chích, hút là của người bán
thì dù là lần đầu tiên cũng phải truy tố thêm tội “tổ chức sử dụng trái phép chất
ma túy” theo Điều 185 (i) BLHS.
2. Về chất ma túy, trọng lượng
chất ma túy, giám định chất ma túy:
Để đảm bảo tính khách quan, khoa học
trong đấu tranh chống tội phạm và tránh những vi phạm không đáng có, trong từng
vụ án có thu giữ được chất ma túy cần phải giám định về chất ma túy, trọng lượng
ma túy trước khi quyết định xử lý cụ thể.
Với đối tượng làm giả chất ma túy để
buôn bán, trao đổi khi xử lý bằng biện pháp hình sự, thì xem xét trách nhiệm
hình sự về hành vi lừa đảo để chiếm đoạt tài sản của công dân theo quy định của
Điều 157 BLHS. Nếu khi giám định các chất làm giả ma túy đó
có hàm lượng ma túy, mặc dù tỷ lệ ma túy thấp vẫn phải xử lý đối tượng đó theo
các điều luật tương ứng thuộc Chương VIIa BLHS - Các tội phạm về ma túy.
3. Về các tình tiết theo luật định:
a. Tình tiết “phạm tội nhiều lần”
Trường hợp khi bị can khai ra các lần
phạm tội trước đó, nếu không xác định được, mà chỉ căn cứ vào lời khai nhận tội
của bị can thì chưa đủ cơ sở để xử lý và áp dụng tình tiết này. Lời khai nhận tội
của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ khi nó phù hợp với các chứng
cứ khác trong vụ án.
b. Tình tiết “tái phạm, tái phạm
nguy hiểm”
Theo hướng dẫn của tiết
b điểm 4 mục II phần B Thông tư 01 và tại điểm b mục 9
Thông tư 02, thì người nào tàng trữ trái phép hoặc vận chuyển trái phép chất
ma túy có trọng lượng thuốc phiện dưới một gam (1g) hoặc heroin dưới không phẩy
một gam (0,1g)… chỉ bị truy cứu TNHS khi họ đã bị kết án về một trong các tội
phạm về ma túy được quy định trong bộ luật hình sự, nhưng chưa được xóa án. Nếu
trước đó họ chỉ bị kết án một hoặc nhiều lần về tội phạm khác (trong phần các tội
phạm) mà không phải về một trong các tội phạm về ma túy, thì họ vẫn không bị
truy cứu TNHS về tội tàng trữ trái phép hoặc vận chuyển trái phép chất ma túy.
Trong trường hợp họ bị truy cứu
trách nhiệm hình sự, thì việc xác định họ có thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm
hay không để truy tố họ theo khoản 1 hay theo khoản 2 Điều 185
(c) hoặc theo khoản 1 hay khoản 2 Điều 185 (d) không phải
căn cứ vào số lần họ đã bị kết án, nhưng chưa được xóa án mà phải căn cứ vào Điều 40 BLHS để xem xét cụ thể.
Ví dụ 1: Một người đã bị kết án một
năm tù theo khoản 1 Điều 185 (l) về tội “sử dụng trái phép
chất ma túy” và chưa được xóa án, nay lại tàng trữ 0,5 kg thuốc
phiện, thì trong trường hợp này theo quy định tại khoản 1 Điều
40 BLHS họ chỉ là tái phạm. Do đó họ chỉ bị truy tố theo khoản
1 Điều 185 (c). Tình tiết tái phạm chỉ là tình tiết tăng nặng trách nhiệm
hình sự đối với họ quy định tại điểm i khoản 1 Điều 39 BLHS.
Ví dụ 2: Một người đã bị kết án ba
năm tù theo khoản 1 Điều 185 (đ) về tội “mua bán trái phép
chất ma túy” và chưa được xóa án, nay tàng trữ trái phép 0,5
kg thuốc phiện, thì trong trường hợp này theo quy định tại điểm
a khoản 2 Điều 40 BLHS họ là tái phạm nguy hiểm. Do đó, họ phải bị kết án
theo điểm n khoản 2 Điều 185 (c).
Ví dụ 3: Một người đã bị kết án một
năm tù theo khoản 1 Điều 109 về tội “cố ý gây thương tích”
và chưa được xóa án, thì lại bị kết án một năm tù theo khoản 1 Điều
185 (l) về tội “sử dụng trái phép chất ma túy” và cũng chưa được xóa án,
nay lại tàng trữ trái phép 0,5gam thuốc phiện, thì trường hợp này theo quy định
tại điểm b khoản 2 Điều 40 BLHS họ là tái phạm nguy hiểm.
Do đó họ phải bị truy tố theo điểm n khoản 2 Điều 185 (c).
Ngoài những vấn đề đã được hướng dẫn
cụ thể trên đây, còn một số vấn đề khác mà các địa phương, đơn vị phản ánh chưa
được giải quyết, Viện kiểm sát nhân dân tối cao sẽ tiếp tục nghiên cứu để hướng
dẫn hoặc có kiến nghị với các ngành hữu quan để thống nhất hướng dẫn hoặc tập hợp
để kiến nghị sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch; sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình
sự.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Đ/c Viện trưởng (thay b/c);
- Bộ Công an, TANDTC (để biết);
- Lưu VP, Vụ 2C, HS
|
KT.
VIỆN TRƯỞNG
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ VIỆN TRƯỞNG
Phạm Sỹ Chiến
|