TỔNG CỤC THUẾ
CỤC THUẾ TP HÀ NỘI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1176/CT-HTr
V/v trả lời chính sách thuế
|
Hà Nội, ngày 11 tháng 01 năm 2016
|
Kính gửi: Ngân hàng The Bank of Tokyo -
Mitsubishi UFJ Chi nhánh Hà Nội
(Địa chỉ: Tầng
6 & tầng 7, tòa nhà Pacific Place, số 83 B Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; MST: 0106304897)
Trả lời công văn số 21122015/BTMU ngày 21/12/2015 của Ngân hàng The
Bank of Tokyo - Mitsubishi UFJ Chi
nhánh Hà Nội hỏi về chính sách thuế, Cục thuế Thành phố Hà Nội có ý kiến như
sau:
- Căn cứ khoản 4, Điều 2 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng và quản lý
thuế tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ quy định chi
tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi,
bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của
Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính về hóa đơn bán hàng
hóa, cung ứng dịch vụ, cụ thể:
“4. Sửa đổi, bổ sung Điều 27 như sau:
“Điều 27. Đồng tiền nộp thuế và xác định doanh thu,
chi phí, giá tính thuế và các
khoản nộp ngân sách nhà nước.
...3. Trường hợp phát sinh doanh thu, chi phí, giá tính thuế bằng ngoại tệ
thì phải quy đổi ngoại tệ ra đồng Việt Nam
theo tỷ giá giao dịch thực tế theo hướng dẫn
của Bộ Tài chính tại Thông tư số
200/2014/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2014 hướng dẫn về chế độ kế toán doanh nghiệp như
sau:
- Tỷ giá giao dịch thực tế để hạch toán doanh thu là
tỷ giá mua vào của Ngân hàng thương mại nơi người nộp thuế mở tài khoản.
- Tỷ giá giao dịch thực tế để hạch toán chi phí là tỷ giá bán ra của Ngân hàng
thương mại nơi người nộp thuế mở tài khoản tại thời điểm phát sinh giao dịch
thanh toán ngoại tệ.
- Các trường hợp cụ thể khác thực hiện theo hướng dẫn
của Bộ Tài chính tại Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2014”.
- Căn cứ Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014
của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp:
+ Tại Điều 3 quy định về đơn vị tiền tệ trong kế
toán, như sau:
“Điều 3. Đơn vị tiền tệ trong kế toán
“Đơn vị tiền tệ trong kế toán” là Đồng Việt Nam (ký hiện quốc gia là “đ”; ký hiệu quốc tế là “VND”) được dùng để
ghi sổ kế toán, lập và trình bày Báo cáo tài chính của
doanh nghiệp. Trường hợp đơn vị kế toán chủ yếu thu, chi bằng ngoại tệ, đáp ứng được các tiêu
chuẩn quy định tại Điều
4 Thông tư này thì được chọn một loại ngoại tệ làm đơn vị tiền tệ để ghi sổ kế toán”
+ Tại Điều 4 quy định về lựa chọn đơn vị tiền tệ
trong kế toán:
“Điều 4. Lựa chọn
đơn vị tiền tệ trong kế toán
1. Doanh nghiệp có nghiệp vụ thu, chi chủ yếu bằng
ngoại tệ căn cứ vào quy định của Luật Kế toán, để xem xét, quyết định lựa chọn đơn vị tiền tệ trong kế toán và chịu trách nhiệm về quyết định
đó trước pháp luật. Khi lựa chọn đơn vị tiền tệ
trong kế toán, doanh nghiệp phải thông báo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
2. Đơn vị tiền tệ trong kế toán là đơn vị tiền tệ:
a) Được sử dụng chủ yếu trong các giao dịch bán hàng,
cung cấp dịch vụ của đơn vị, có ảnh hưởng lớn đến giá bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ và thường chính là đơn vị tiền tệ dùng để niêm yết giá bán và
được thanh toán; và
b) Được sử dụng chủ yếu trong việc mua hàng hóa, dịch
vụ, có ảnh hưởng lớn đến chi phí nhân công, nguyên vật liệu và các chi phí sản xuất, kinh
doanh khác, thông thường chính là đơn vị
tiền tệ dùng để thanh toán cho các chi phí đó...”
+ Tại điểm 1.3a, điểm 1.5, khoản 1, Điều 69 hướng dẫn về tỷ giá hối đoái
và chênh lệch tỷ giá hối đoái.
“1.3. Nguyên tắc xác định tỷ giá giao dịch thực tế:
a) Tỷ giá giao dịch thực tế đối với các giao dịch bằng ngoại tệ
phát sinh trong kỳ:
….
+ Tỷ giá giao dịch thực tế khi ghi nhận nợ phải thu: Là tỷ giá mua
của ngân hàng thương mại
nơi doanh nghiệp chỉ định khách hàng thanh toán tại thời điểm giao dịch phát
sinh;
+ Tỷ giá giao dịch thực tế khi ghi nhận nợ phải trả: Là tỷ giá bán
của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp dự kiến giao dịch tại thời điểm giao dịch phát
sinh
……
1.5. Nguyên tắc áp dụng tỷ giá trong kế toán
a) Khi phát sinh các giao dịch bằng ngoại tệ, tỷ giá
giao dịch thực tế tại thời điểm giao dịch phát sinh được sử dụng để quy đổi ra đồng tiền ghi sổ kế toán đối với:
- Các tài khoản phản ánh doanh thu, thu nhập khác.
Riêng trường hợp bán hàng hóa, cung cấp dịch
vụ hoặc thu nhập có liên quan đến doanh thu nhận trước hoặc giao dịch nhận trước tiền của người mua thì doanh thu, thu nhập tương ứng
với số tiền nhận trước được áp dụng tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm nhận
trước của người mua (không áp dụng theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm
ghi nhận doanh thu, thu nhập).
- Các tài khoản phản ánh chi phí sản xuất, kinh
doanh, chi phí khác. Riêng trường hợp phân bổ khoản chi phí trả trước vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ thì chi phí được ghi nhận theo tỷ
giá giao dịch thực tế tại thời điểm trả trước (không áp dụng theo tỷ giá giao dịch
thực tế tại thời điểm ghi nhận chi phí)...”
Căn cứ quy định trên, trường hợp Công ty được phép sử
dụng đồng ngoại tệ USD làm đồng tiền hạch toán kế toán thì khi phát sinh các
giao dịch bằng VNĐ và ngoại tệ khác USD, Công ty phải quy đổi ra đồng USD để hạch
toán doanh thu, chi phí thì:
+ Đối với các khoản nợ phải thu, doanh thu nhận bằng
VNĐ thì tỷ giá giao dịch thực tế để hạch toán doanh thu bằng USD là tỷ giá mua
vào của VNĐ hoặc ngoại tệ khác (tức là tỷ giá bán USD) của Ngân hàng thương mại
nơi Công ty mở tài khoản tại thời điểm phát sinh giao dịch.
+ Đối với các khoản nợ phải trả, các khoản chi phí bằng
VNĐ thì tỷ giá để hạch toán chi phí là tỷ giá giao dịch thực tế bán ra của VNĐ
hoặc ngoại tệ khác (tức là tỷ giá mua vào USD) của Ngân hàng thương mại nơi
Công ty mở tài khoản tại thời điểm phát sinh giao dịch.
Các trường hợp cụ thể khác thực hiện theo hướng dẫn tại
Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày
22/12/2014 của Bộ Tài chính.
Cục Thuế TP Hà Nội trả lời để Ngân hàng The Bank of
Tokyo - Mitsubishi UFJ Chi nhánh Hà Nội biết và thực hiện.
Nơi nhận:
- Như
trên;
- Phòng Pháp chế;
- Phòng KT1;
- Lưu: VT, HTr(2).
|
KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG
Mai Sơn
|