Kính
gửi: Cục Hải quan các tỉnh, thành phố.
Thực hiện Quyết định số 824/QĐ-TTg
ngày 04/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý nhà nước về chống
lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ,
Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 31/12/2019 của Chính phủ về một số biện pháp cấp
bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian
lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, Bộ Tài
chính đã ban hành Quyết định số 1662/QĐ-BTC ngày 27/8/2019, Tổng cục Hải quan đã ban hành công văn số 5189/TCHQ-GSQL ngày 13/8/2019 về
việc kiểm tra, xác định xuất xứ, chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng
hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp
pháp, Chỉ thị số 7988/CT-TCHQ ngày 25/12/2019 về việc tăng cường đồng bộ các giải
pháp chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định,
chuyển tải bất hợp pháp, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Kế hoạch số 441/KH-TCHQ ngày 18/10/2019 và triển khai một số chuyên đề điều
tra, xác minh, làm rõ các hành vi vi phạm liên quan đến xuất xứ, ghi nhãn hàng
hóa và xử lý theo quy định của pháp luật.
Quá trình thực hiện các văn bản này,
các đơn vị đã chủ động, tích cực áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh, phòng chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa
không đúng quy định, chuyển tải bất hợp pháp, các hoạt động này đã có tính lan
tỏa trong xã hội và cộng đồng doanh nghiệp góp phần đẩy lùi tình trạng gian lận,
giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Tuy nhiên, qua số liệu các đơn vị báo
cáo định kỳ về Tổng cục Hải quan cho thấy, việc triển khai
công tác chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn không đúng quy định, xâm phạm
quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp có dấu hiệu chững lại trong năm
2020; nhiều đơn vị hải quan địa phương chưa chú trọng đến công tác phân tích dữ
liệu, xác định đối tượng trọng điểm để áp dụng các biện
pháp nghiệp vụ điều tra, xác minh, làm rõ hành vi vi phạm và xử lý theo quy định;
số vụ việc phát hiện, bắt giữ chưa tương xứng với tình
hình thực tế, một số hành vi vi phạm chưa được phát hiện và xử lý nghiêm minh.
Với mục tiêu thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước, bảo vệ các nhà sản xuất Việt Nam trước
nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại; bảo vệ thị phần chính
đáng của các doanh nghiệp trên thị trường thế giới; đồng thời duy trì tăng trưởng
kim ngạch bền vững và tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được trong thời gian
qua của ngành Hải quan, Tổng cục Hải quan yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc
và trực thuộc triển khai có hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát, giám sát, điều tra xác minh làm rõ hành vi vi phạm liên quan đến
xuất xứ, ghi nhãn, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa như sau:
I. Mục đích
1. Áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp
vụ hải quan để kiên quyết đẩy lùi tình trạng gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi
nhãn hàng hóa không đúng quy định, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất
hợp pháp; mọi hành vi vi phạm phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm theo
đúng quy định của pháp luật.
2. Thúc đẩy phát triển sản xuất trong
nước, bảo vệ các nhà sản xuất Việt Nam trước nguy cơ bị áp
dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, bảo vệ uy tín của hàng hóa Việt Nam
trên trường quốc tế.
II. Yêu cầu
1. Tiếp tục triển khai mạnh mẽ, có hiệu
quả nội dung hướng dẫn tại công văn số 5189/TCHQ-GSQL , Chỉ thị số 7988/CT-TCHQ
về việc tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp chống gian lận, giả mạo xuất
xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, chuyển tải bất hợp pháp và xâm phạm
quyền sở hữu trí tuệ và kế hoạch thực hiện trong năm 2021 hướng dẫn tại văn bản
này.
2. Xác định phòng chống gian lận, giả
mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, xâm phạm quyền sở hữu trí
tuệ, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nhằm lẩn tránh các
biện pháp phòng vệ thương mại, lừa dối người tiêu dùng là nhiệm vụ trọng tâm,
ưu tiên hàng đầu của ngành hải quan trong năm 2021.
3. Trên cơ sở kết quả đối tượng trọng
điểm do các đơn vị tự xác định và chỉ tiêu của Tổng cục Hải quan giao, các Vụ,
Cục thuộc Tổng cục căn cứ chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực được phân công quản
lý theo ngành dọc, chủ động xác định, danh sách doanh nghiệp cụ thể để giao Cục
Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện kiểm tra, điều tra, xác minh làm rõ hành
vi vi phạm và xử lý theo quy định.
Trên cơ sở số lượng các doanh nghiệp
trọng điểm được giao và số lượng doanh nghiệp trọng điểm tự xác định, Cục Hải
quan các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm phân bổ chỉ tiêu
cụ thể cho các đơn vị trực thuộc thực hiện.
III. Nội dung của
Kế hoạch
Các đơn vị thực hiện điều tra, xác
minh làm rõ hành vi vi phạm và xử lý theo quy định đối với các nhóm đối tượng,
mặt hàng sau đây:
1. Nhóm đối tượng trọng điểm:
- Xuất khẩu vào Hoa Kỳ, châu Âu, Ấn Độ với tốc độ kim ngạch tăng trưởng cao, đột biến (tốc độ tăng trưởng
đột biến).
- Chủ yếu sử dụng nguồn nguyên liệu
nhập khẩu, các mặt hàng có khả năng nhập khẩu về Việt Nam chỉ thực hiện công đoạn
gia công, lắp ráp, chế biến đơn giản để xuất khẩu.
- Doanh nghiệp có tần suất xuất khẩu
nhiều, thời gian xuất khẩu giữa các lô hàng ngắn, không tương
thích với quy trình, thời gian sản xuất sản phẩm.
- Doanh nghiệp thành lập từ 2018 trở
lại đây, có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng đột biến.
- Doanh nghiệp xuất khẩu hàng công
nghệ cao tại Việt Nam chưa sản xuất được.
2. Nhóm mặt hàng xuất khẩu trọng điểm:
(1) Nhóm mặt hàng gỗ và các sản phẩm từ gỗ, trong đó trọng tâm là mặt hàng: gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng,
tủ gỗ, ghế sofa có khung gỗ; (2) Nhóm thiết bị: thiết bị thể thao; thiết bị nội
thất; (3) Nhóm mặt hàng thép: khớp nối bằng thép; bánh xe thép; thép tiền chế; ống
đồng; (4) Nhóm mặt hàng điện tử: mạch điện; máy xử lý dữ liệu; sản phẩm điện tử
và linh kiện; (5) Nhóm mặt hàng xe đạp, xe đạp điện và linh kiện; (6) Pin năng
lượng mặt trời; (7) Đệm mút; (8) Đá nhân tạo; (9) Gạch men; (10) Lốp xe tải và
xe khách; (11) Bao và túi nhựa; (12) Nhóm máy móc, thiết bị: máy móc, thiết bị,
dụng cụ, phụ tùng; máy hút bụi; máy cắt cỏ; (13) Ghim đóng thùng; (14) Vỏ bình
ga; (15) giày dép và túi xách.
Ngoài các nhóm mặt hàng nêu trên, các
đơn vị căn cứ tình hình thực tế để lựa chọn bổ sung các nhóm mặt hàng có nguy
cơ cao về gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.
IV. Tổ chức thực
hiện
1. Cục Giám sát quản lý về Hải
quan
a) Tham mưu, đề xuất và báo cáo Lãnh
đạo Tổng cục các nội dung về gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không
đúng quy định, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp; tham
mưu, đề xuất trình Lãnh đạo Tổng cục báo cáo Lãnh đạo Bộ Tài chính, Thủ tướng
Chính phủ kết quả thực hiện công tác phòng chống gian lận, giả mạo xuất xứ,
chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ,
ngành có liên quan triển khai các giải pháp tổng thể, ngoài thẩm quyền của Bộ Tài chính.
b) Chủ trì, đầu mối phối hợp với các
đơn vị: Cục Công nghệ thông tin và thống kê Hải quan, Cục Quản lý rủi ro, Cục
Kiểm tra sau thông quan, Cục Điều tra chống buôn lậu, Vụ Thanh tra-Kiểm tra để
thực hiện:
- Tổng hợp, phân tích số liệu, lập
danh sách mặt hàng, đối tượng trọng điểm cần áp dụng các biện pháp nghiệp vụ;
cung cấp thông tin, số liệu, danh sách doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu tăng
đột biến cho các đơn vị biết, phối hợp thực hiện.
- Đề xuất lãnh đạo Tổng cục giao chỉ
tiêu cụ thể cho các đơn vị thuộc Tổng cục và Cục Hải quan các tỉnh, thành phố
áp dụng các biện pháp điều tra, xác minh làm rõ hành vi vi phạm đối với các đối
tượng trọng điểm.
c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Công
Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành liên quan thực hiện rà soát
cơ sở pháp lý, kiến nghị sửa đổi, bổ
sung các văn bản pháp quy liên quan đến xuất xứ, ghi nhãn để khắc phục sơ hở của hệ thống pháp luật, làm cơ sở pháp lý để thống nhất
thực hiện.
d) Chủ trì, phối hợp với Phòng Thương
mại và Công nghiệp Việt Nam rà soát các trường hợp cấp Giấy chứng nhận xuất xứ
hàng hóa chưa đúng quy định; kiến nghị, đề xuất VCCI chấm dứt việc cấp Giấy chứng
nhận về quy trình sản xuất hoặc nguồn nguyên liệu, công đoạn sản xuất (gọi là
Form X) nhằm hạn chế doanh nghiệp lợi dụng giấy chứng nhận này để gian lận xuất xứ.
đ) Chủ trì, phối hợp, đề nghị các Hiệp
hội ngành hàng xác định đối tượng doanh nghiệp có rủi ro cao, có dấu hiệu gian
lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, xâm phạm quyền sở
hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp chuyển danh sách cụ thể cho cơ quan hải
quan; thực hiện tuyên truyền, khuyến cáo các doanh nghiệp đầu tư thực chất, lâu
dài, chuyển giao công nghệ, thực hiện gia công chế biến
sâu; khuyến khích phát triển công nghiệp phụ trợ; khuyến cáo các doanh nghiệp cải
thiện cơ chế theo dõi, giám sát quá trình sản xuất tại doanh nghiệp; nâng cao
nhận thức về gian lận, giả mạo xuất xứ, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương
mại.
e) Thực hiện kiểm tra, đánh giá việc
tổ chức, thực hiện kế hoạch này tại Cục Hải quan các tỉnh,
thành phố, đồng thời có trách nhiệm hướng dẫn, xử lý các vướng mắc, kiến nghị
do Cục Hải quan các tỉnh, thành phố, các đơn vị liên quan đề nghị; tổ chức sơ kết
06 tháng thực hiện kế hoạch này trước ngày 15/7/2021 và tổng
kết triển khai kế hoạch trước ngày 15/12/2021, báo cáo lãnh đạo Tổng cục kết quả
thực hiện và đề xuất xây dựng kế hoạch cho các năm tiếp theo.
g) Đầu mối triển khai và điều phối
các nhiệm vụ của ngành có liên quan khác về nội dung chống gian lận, giả mạo xuất
xứ, chuyển tải bất hợp pháp.
2. Cục Công nghệ thông tin và thống
kê Hải quan
a) Cung cấp danh sách mặt hàng, doanh
nghiệp có kim ngạch xuất khẩu tăng đột biến (> 10%) vào các thị trường Hoa Kỳ,
EU và Ấn Độ; nhập khẩu tăng đột biến
(>10%) từ thị trường trọng điểm định kỳ hàng quý (trước ngày 15 tháng đầu của
quý tiếp theo) cho Cục Giám sát quản lý để tổng hợp, báo
cáo Lãnh đạo Tổng cục tại cuộc họp
giao ban hàng quý. Cung cấp các số liệu liên quan khác khi Lãnh đạo Tổng cục có
yêu cầu.
b) Chủ trì làm việc với Bộ Công Thương,
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để thực hiện kết nối hệ thống trao đổi
dữ liệu về việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ qua Cổng thông
tin một cửa quốc gia.
3. Cục Quản lý rủi ro
a) Thực hiện phân tích số liệu, xác định
danh sách mặt hàng, doanh nghiệp có kim ngạch xuất nhập khẩu gia tăng đột biến,
có rủi ro cao về gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định,
xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp và chuyển danh sách
doanh nghiệp, mặt hàng đã xác định được cho Cục Giám sát quản lý về Hải quan để
tổng hợp, trình lãnh đạo Tổng cục phân công cho các đơn vị thuộc Tổng cục và Cục
Hải quan tỉnh, thành phố áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để điều tra, xác minh
làm rõ hành vi vi phạm.
Các tiêu chí xác định như sau: Tên
doanh nghiệp, quốc tịch doanh nghiệp, mã số doanh nghiệp, năm thành lập, loại
hình doanh nghiệp, địa chỉ hoạt động; loại hình XNK; mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu, dấu hiệu gian lận, xếp hạng rủi ro.
b) Áp dụng phân luồng kiểm tra thực tế
100% đối với hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu xác định có dấu hiệu rủi ro cao về gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi
nhãn hàng hóa không đúng quy định, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất
hợp pháp.
c) Cung cấp thông tin liên quan cho
các đơn vị nghiệp vụ khi có đề nghị.
d) Giao Cục Quản lý rủi ro thực hiện
kiểm tra 10 doanh nghiệp có rủi ro cao về gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải
bất hợp pháp hàng hóa.
Chuyển kết quả kiểm tra theo biểu mẫu
đính kèm Chỉ thị số 7988/CT-TCHQ ngày 25/12/2020 về Cục Giám sát quản lý về Hải
quan trước ngày 15/12/2021 để tổng hợp.
4. Cục Kiểm tra sau thông quan
4.1. Tiến hành kiểm tra sau thông quan tại trụ sở người khai hải quan để làm rõ hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng
quy định, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp và xử lý theo
quy định đối với các nhóm mặt hàng nêu tại điểm 2 mục III dẫn trên, trong đó tập
trung kiểm tra theo chuyên đề đối với nhóm mặt hàng cụ thể sau:
a) Nhóm mặt hàng:
(1) Nhóm mặt hàng thép: khớp nối bằng
thép; bánh xe thép; thép tiền chế; ống đồng;
(2) Nhóm mặt hàng điện tử: mạch điện;
máy xử lý dữ liệu; sản phẩm điện tử và linh kiện;
(3) Nhóm máy móc, thiết bị: máy móc,
thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; máy hút bụi; máy cắt cỏ;
(4) Nhóm mặt hàng giày dép và túi
xách.
b) Số lượng doanh nghiệp:
b.1) Cục Kiểm tra sau thông quan thực
hiện kiểm tra từ 30-50 doanh nghiệp.
b.2) Đơn vị kiểm tra sau thông quan tại
Cục Hải quan các tỉnh, thành phố: kiểm tra từ 1-3 doanh nghiệp.
c) Trình tự thủ tục kiểm tra: thực hiện
theo quy trình kiểm tra sau thông quan và hướng dẫn tại điểm 2.4
mục IV công văn số 5189/TCHQ-GSQL.
d) Chuyển kết quả kiểm tra theo biểu
mẫu đính kèm Chỉ thị số 7988/CT-TCHQ ngày 25/12/2020 về Cục Giám sát quản lý về
Hải quan trước ngày 15/12/2021 để tổng hợp.
4.2. Phối hợp với Cục Giám sát quản
lý về Hải quan để phân tích số liệu, xác định đối tượng có rủi ro cao về gian lận,
giả mạo xuất xứ, ghi nhãn không đúng quy định, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ,
chuyển tải bất hợp pháp; chịu trách nhiệm cung cấp các vụ việc vi phạm cụ thể
cho Cục Giám sát quản lý về hải quan khi có đề nghị để báo cáo lãnh đạo Tổng cục.
4.3. Cung cấp thông tin liên quan cho
các đơn vị nghiệp vụ khi có đề nghị.
5. Cục Điều tra chống buôn lậu
a) Triển khai đồng bộ các biện pháp
kiểm soát hải quan để kịp thời phát hiện, điều tra, xác minh làm rõ đối với các
đối tượng được xác định có dấu hiệu rủi ro cao về gian lận, giả mạo xuất xứ,
ghi nhãn không đúng quy định, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp
pháp; trong đó chú trọng tập trung kiểm tra theo chuyên đề
đối với nhóm mặt hàng cụ thể sau:
- Nhóm mặt hàng: (1) Nhóm mặt hàng gỗ
và các sản phẩm từ gỗ, trong đó trọng tâm là mặt hàng gỗ dán từ nguyên liệu gỗ
cứng, tủ gỗ, ghế sofa có khung gỗ; (2) Đệm mút; (3) Đá nhân tạo; (4) Gạch men;
(5) Lốp xe tải và xe khách; (6) Nhóm máy móc, thiết bị: máy móc, thiết bị, dụng
cụ, phụ tùng; máy hút bụi; máy cắt cỏ.
- Chuyển kết quả kiểm tra theo biểu mẫu
đính kèm Chỉ thị số 7988/CT-TCHQ ngày 25/12/2020 về Cục Giám sát quản lý về Hải
quan trước ngày 15/12/2021 để tổng hợp.
b) Đề xuất lãnh đạo Tổng cục kế hoạch,
nội dung trao đổi với các Tổ chức nước ngoài, đặc biệt với Hoa Kỳ liên quan đến
công tác điều tra, xác minh, làm rõ các dấu hiệu nghi ngờ về gian lận, giả mạo
xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.
c) Phối hợp, cung cấp các thông tin
liên quan cho các đơn vị nghiệp vụ khác khi có đề nghị.
6. Vụ
Thanh tra - Kiểm tra
a) Thực hiện điều tra, xác minh làm
rõ đối với các đối tượng được xác định có dấu hiệu rủi ro cao về gian lận, giả
mạo xuất xứ, ghi nhãn không đúng quy định, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển
tải bất hợp pháp; trong đó chú trọng vào các nhóm mặt hàng sau:
- Nhóm mặt hàng điện tử: mạch điện;
máy xử lý dữ liệu; sản phẩm điện tử và linh kiện; (2) Nhóm mặt hàng xe đạp, xe
đạp điện và linh kiện; (3) Pin năng lượng mặt trời; (4) Bao và túi nhựa; (5)
Ghim đóng thùng; (6) Vỏ bình ga.
- Chuyển kết quả kiểm tra theo biểu mẫu
đính kèm Chỉ thị số 7988/CT-TCHQ ngày 25/12/2020 về Cục Giám sát quản lý về Hải
quan trước ngày 15/12/2021 để tổng hợp.
b) Phối hợp, cung cấp các thông tin
liên quan cho Cục Giám sát quản lý về Hải quan và các đơn vị nghiệp vụ khác khi
có đề nghị.
7. Vụ Hợp tác quốc tế
a) Thu thập số liệu thống kê về xuất nhập
khẩu giữa Việt Nam với các đối tác thương mại có kim ngạch lớn như Hoa Kỳ, EU, Ấn Độ, Trung Quốc (theo công bố của các nước này) và các mặt hàng xuất
nhập khẩu chủ yếu theo định kỳ hàng quý, gửi Cục Giám sát quản lý về Hải quan
trước ngày 15 của tháng đầu quý tiếp theo.
b) Chủ trì làm việc với Hải quan Hoa
Kỳ để thành lập Nhóm làm việc về chống gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất
hợp pháp trong khuôn khổ Hiệp định hợp tác về các vấn đề Hải quan.
c) Theo dõi và tổng hợp các vụ việc về
gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp có liên quan đến Hoa Kỳ, EU, Ấn Độ,
Trung Quốc để cung cấp cho các đơn vị có liên quan khi cần thiết và khi có yêu
cầu.
d) Phối hợp chặt chẽ với Cục Giám sát
quản lý về Hải quan và các đơn vị có liên quan để đánh giá, nhận định tình hình
thế giới và trong nước để kịp thời đề xuất, kiến nghị các biện pháp thực hiện.
Trao đổi, cung cấp
các thông tin khi các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục có đề nghị.
8. Văn phòng Tổng cục
a) Phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ,
Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thường xuyên đưa tin, bài về công tác phòng chống
gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn không đúng quy định, xâm phạm quyền sở hữu
trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp của ngành Hải quan.
b) Tổ chức họp
báo theo Chuyên đề về chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn không đúng quy
định, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp trong năm 2021.
9. Báo Hải quan
Thực hiện các bài viết tuyên truyền kế
hoạch, các chỉ đạo phòng chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa
không đúng quy định, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp của
ngành hải quan; đưa tin các vụ việc bắt giữ, xử lý (nếu có).
10. Cục Hải quan các tỉnh, thành
phố
a) Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tổ
chức thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống gian lận, giả mạo xuất
xứ, ghi nhãn không đúng quy định, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất
hợp pháp trong năm 2021 của đơn vị theo hướng dẫn tại công văn này và các văn bản
hướng dẫn có liên quan khác.
Áp dụng đồng bộ, chặt chẽ các biện
pháp nghiệp vụ hải quan từ khâu làm thủ tục hải quan cho đến các biện pháp nghiệp
vụ khác như quản lý rủi ro, sau thông quan, kiểm soát hải quan để ngăn chặn tình trạng gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp
pháp.
Tổ chức thực hiện việc kiểm tra, điều
tra, xác minh tại trụ sở doanh nghiệp để xác định hành vi vi phạm và xử lý theo
quy định.
b) Thường xuyên rà soát, xác định các
giao dịch, công ty có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng đột biến so với năng lực,
quy mô sản xuất.
Thực hiện kiểm tra sau thông quan tại
trụ sở người khai hải quan đối với doanh nghiệp xác định có dấu hiệu rủi ro cao
về gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ,
chuyển tải bất hợp pháp do đơn vị tự xác định hoặc do Tổng cục Hải quan chỉ đạo
thực hiện và xử lý theo quy định.
c) Phối hợp với các lực lượng chức
năng tại địa bàn quản lý xác định mặt hàng, doanh nghiệp trọng điểm có dấu hiệu
rủi ro cao về gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, hàng hóa có dấu hiệu
xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp như các doanh nghiệp mới
hoạt động xuất nhập khẩu, doanh nghiệp FDI thường xuyên nhập
khẩu các mặt hàng có nguồn gốc từ các nước đang bị áp dụng các biện pháp phòng
vệ thương mại, xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn; doanh nghiệp đã bị xử
lý vi phạm về hành vi khai sai số lượng, tên hàng, mã số, HS, trị giá, xuất xứ
hàng hóa xuất nhập khẩu...
d) Chủ động phối hợp, cung cấp thông
tin về dấu hiệu nghi ngờ gian lận xuất xứ đối với các lô hàng xuất khẩu cho
Phòng cấp chứng từ chứng nhận xuất xứ tại địa bàn hoạt động để cơ quan này lưu
ý kiểm tra khi thực hiện cấp C/O hoặc không thực hiện/dừng cấp C/O đối với các
lô hàng xuất khẩu có vi phạm.
đ) Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ
theo hướng dẫn tại điểm 12, mục II Chỉ thị số 7988/CT-TCHQ.
e) Giao Cục Hải quan các tỉnh, thành
phố phát hiện, kiểm tra, xử lý vụ việc gian lận, giả mạo
xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ,
chuyển tải bất hợp pháp trong năm 2021 như sau:
- Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh: 10 vụ việc;
- Cục Hải quan TP.Hà Nội: 10 vụ việc;
- Cục Hải quan TP.Hải Phòng: 10 vụ việc;
- Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai, Bình
Dương, Bắc Ninh, Hà Nam Ninh, Long An: từ 05 - 10 vụ việc;
- Cục Hải quan các tỉnh, thành phố
còn lại: từ 01 - 05 vụ việc.
Báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý tại điểm
e điểm 10 này về Tổng cục Hải quan (Cục Giám sát quản lý về Hải quan) trước
ngày 15/12/2021.
Nhận được văn bản này, yêu cầu Thủ
trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố quán triệt
thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc phát sinh thì báo cáo, đề xuất gửi Tổng cục Hải quan (Cục Giám sát quản
lý về Hải quan) để có chỉ đạo và điều chỉnh phù hợp./
Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng;
- Thứ trưởng Vũ Thị Mai;
- Lãnh đạo Tổng cục;
- Các đơn vị thuộc và trực thuộc TCHQ;
- Lưu: VT, GSQL (10 bản).
|
KT.
TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG
Mai Xuân Thành
|