BỘ CÔNG THƯƠNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 7059/BCT-TTTN
V/v xác định điều kiện kinh doanh mặt hàng
xăng dầu tạm nhập tái xuất
|
Hà Nội, ngày 13
tháng 9 năm 2024
|
Kính gửi: Tổng
cục Thuế
Trả lời Công văn số 3703/TCT-KTNB ngày 22 tháng 8
năm 2024 của Tổng cục Thuế về việc xác định điều kiện kinh doanh mặt hàng xăng
dầu tạm nhập tái xuất, Bộ Công Thương có ý kiến như sau:
1. Quy định về tạm nhập tái xuất xăng dầu
- Tại khoản 2, khoản 3 khoản 4 và 5 Điều
35 Nghị định 83/2014/NĐ-CP và khoản 5 Điều 1 Nghị định số
95/2021/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu quy định:
“2. Chỉ có thương nhân có Giấy xác nhận đủ điều
kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu được tạm nhập tái xuất,
chuyển khẩu xăng dầu và nguyên liệu.
3. Chỉ có thương nhân sản xuất được gia công xuất
khẩu xăng dầu.
4. Kinh doanh tạm nhập tái xuất xăng dầu gồm những
loại hình sau:
a) Thương nhân làm thủ tục nhập khẩu xăng dầu
vào Việt Nam và làm thủ tục xuất khẩu xăng dầu ra khỏi Việt Nam.
b) Thương nhân làm thủ tục nhập khẩu xăng dầu
vào Việt Nam và bán xăng dầu cho thương nhân thuộc các khu vực hải quan riêng
trên lãnh thổ Việt Nam như khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất, khu báo thuế,
khu thương mại công nghiệp và các khu vực kinh tế khác được thành lập theo Quyết
định của Thủ tướng Chính phủ trong đó quy định quan hệ mua bán, trao đổi hàng
hóa giữa các khu vực này với nội địa là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu, trừ trường
hợp Thủ tướng Chính phủ có quy định khác.
5. Thương nhân làm thủ tục nhập khẩu xăng dầu
vào Việt Nam để bán cho các đối tượng sau đây cũng được áp dụng các quy định
về kinh doanh tạm nhập tái xuất xăng dầu:
a) Máy bay của các hãng hàng không nước ngoài cập
cảng hàng không Việt Nam, máy bay của các hãng hàng không Việt Nam bay trên các
tuyến bay quốc tế xuất cảnh.
b) Tàu biển nước ngoài cập cảng Việt Nam, tàu
biển Việt Nam chạy tuyến quốc tế xuất cảnh.”
- Tại khoản 1, khoản 2 Điều 14 Thông
tư 38/2014/TT-BCT và khoản 1 Điều 2 Thông tư số
17/2021/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định chi tiết một số điều của Nghị định
số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu quy định:
“1. Chỉ thương nhân có Giấy xác nhận đủ điều kiện
làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu được kinh doanh tạm nhập tái xuất,
chuyển khẩu xăng dầu và nguyên liệu
2. Thương nhân bán xăng dầu cho các đối tượng
quy định tại điểm a Khoản 5 Điều 35 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP
phải có đăng ký ngành nghề kinh doanh cung ứng xăng dầu hàng không. Thương
nhân bán xăng dầu cho các đối tượng được quy định tại Điểm b Khoản
5 Điều 35 Nghị định 83/2014/NĐ-CP (Tàu biển nước ngoài cập cảng Việt
Nam, tàu biển Việt Nam chạy tuyến quốc tế xuất cảnh) phải có đăng ký ngành
nghề kinh doanh dịch vụ cung ứng xăng dầu tàu biển hoặc thông qua Công
ty cung ứng tầu biển là đại lý cung ứng để bán xăng dầu.”
2. Quy định của pháp luật liên quan đến hoạt
động cung ứng tàu biển
- Tại Điều 235 Bộ luật hàng hải Việt
Nam quy định:
“Đại lý tàu biển là dịch vụ mà người đại lý tàu
biển nhân danh chủ tàu hoặc người khai thác tàu tiến hành các dịch vụ liên quan
đến tàu biển hoạt động tại cảng, bao gồm: việc thực hiện các thủ tục tàu biển đến,
rời cảng; ký kết hợp đồng vận chuyển hợp đồng bảo hiểm hàng hải, hợp đồng bốc dỡ
hàng hóa, hợp đồng thuê tàu, hợp đồng thuê thuyền viên; ký phát vận đơn hoặc chứng
từ vận chuyển tương đương; cung ứng vật tư, nhiên liệu, thực phẩm, nước sinh
hoạt cho tàu biển; trình kháng nghị hàng hải; thông tin liên lạc với chủ
tàu hoặc người khai thác tàu; dịch vụ liên quan đến thuyền viên; thu, chi các khoản
tiền liên quan đến hoạt động khai thác tàu; giải quyết tranh chấp về hợp đồng vận
chuyển hoặc về tai nạn hàng hải và dịch vụ khác liên quan đến tàu biển.”
- Tại Điều 242 Bộ luật hàng hải Việt
Nam quy định:
“Điều kiện kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển
1. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển
tại Việt Nam phải được thành lập theo quy định của pháp luật; trường hợp là
doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải bảo đảm phần vốn góp theo quy định.
2. Có người chuyên trách thực hiện khai thác dịch
vụ đại lý tàu biển và người chuyên trách công tác pháp chế.
3. Nhân viên đại lý tàu biển phải là công dân Việt
Nam và có chứng chỉ chuyên môn về đại lý tàu biển.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”
3. Quy định về thù lao đại lý
Tại Điều 171 Luật thương mại năm
2005 quy định:
“Thù lao đại lý
1. Trừ trường hợp có thoả thuận khác, thù lao đại
lý được trả cho bên đại lý dưới hình thức hoa hồng hoặc chênh lệch giá.
2. Trường hợp bên giao đại lý an định giá mua,
giá bán hàng hóa hoặc giá cung ứng dịch vụ cho khách hàng thì bên đại lý được
hưởng hoa hồng tính theo tỷ lệ phần trăm trên giá mua, giá bán hàng hóa hoặc
giá cung ứng dịch vụ.
3. Trường hợp bên giao đại lý không ấn định giá
mua, giá bán hàng hóa hoặc giá cung ứng dịch vụ cho khách hàng mà chỉ ấn định
giá giao đại lý cho bên đại lý thì bên đại lý được hưởng chênh lệch giá.
Mức chênh lệch giá được xác định là mức chênh lệch giữa giá mua, giá bán, giá
cung ứng dịch vụ cho khách hàng so với giá do bên giao đại lý ấn định cho bên đại
lý.
4. Trường hợp các bên không có thoả thuận về mức
thù lao đại lý thì mức thù lao được tính như sau:
a) Mức thù lao thực tế mà các bên đã được trả
trước đó;
b) Trường hợp không áp dụng được điểm a khoản
này thì mức thù lao đại lý là mức thù lao trung bình được áp dụng cho cùng loại
hàng hóa, dịch vụ mà bên giao đại lý đã trả cho các đại lý khác;
c) Trường hợp không áp dụng dược điểm a và điểm
b khoản này thì mức thù lao đại lý là mức thù lao thông thường được áp dụng cho
cùng loại hàng hóa, dịch vụ trên thị trường.”
Trên đây là ý kiến về quy định pháp luật đối với hoạt
động tạm nhập tái xuất xăng dầu, Bộ Công Thương gửi Quý Tổng cục để nghiên cứu,
áp dụng./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- TTr. Nguyễn Sinh Nhật Tân (để b/c);
- Vụ trưởng (để b/c);
- Lưu: VT, TTTN (Hieudt).
|
TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC
PHÓ VỤ TRƯỞNG
Nguyễn Thúy Hiền
|