Kính
gửi: Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội
Bộ Thông tin và Truyền thông
(TT&TT) nhận được kiến nghị của cử tri Thành phố Hà Nội do Ban Dân nguyện
chuyển đến theo công văn số 487/BDN ngày 14/6/2022, nội dung kiến nghị như sau:
Cử tri phản ánh: Đề nghị tăng cường
công tác quản lý, trách nhiệm quản lý nhà nước trong quảng cáo trên truyền
hình, mạng xã hội không đúng sự thật về chất lượng sản phẩm, dịch vụ làm cử tri
bức xúc; xem xét nội dung quảng cáo, thời lượng quảng cáo trên các đài phát
thanh và truyền hình (nhiều nội dung quảng cáo bán
hàng, đặc biệt là thực phẩm chức năng, gây ngắt quãng và mất nhiều thời gian của
người xem).
Sau khi nghiên cứu, Bộ TT&TT có ý
kiến trả lời như sau:
1. Quy định của pháp
luật về quảng cáo:
- Bộ TT&TT không cấp phép (tiền
kiểm) đối với hoạt động quảng cáo trên báo chí nói chung, trên các đài phát
thanh và truyền hình (Đài PTTH) nói riêng. Bộ TT&TT chỉ thực hiện hoạt động
hậu kiểm, xử lý vi phạm nếu các Đài PTTH phát sóng quảng cáo không đúng quy định.
- Việc quản lý nội dung quảng cáo
trên truyền hình liên quan tới nhiều bộ, ngành khác nhau như sản phẩm thuộc
lĩnh vực y tế (như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm...) do Bộ Y tế quản lý; chất lượng,
sản phẩm hàng hóa thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ
quản lý…
- Các Đài PTTH trước khi đăng phát quảng
cáo phải kiểm tra nội dung quảng cáo; hồ sơ, giấy phép của sản phẩm quảng cáo
(nếu sản phẩm thuộc nhóm hàng phải cấp phép quảng cáo theo luật chuyên ngành)
và tự chịu trách nhiệm về nội dung quảng cáo và tuân thủ quy định pháp luật về
quảng cáo. Tuy nhiên, Luật Quảng cáo hiện hành chưa quy định cụ thể về thời điểm
phát quảng cáo, ngắt quảng cáo, tần suất quảng cáo trong các chương trình trên
kênh; chưa phân loại hình thức, nội dung quảng cáo...
2. Thực trạng hoạt động
quảng cáo:
Theo quy định tại Điều
22, Luật Quảng cáo thì thời lượng quảng cáo trên báo nói, báo hình không vượt
quá 10% trên tổng thời lượng chương trình phát sóng trong một ngày của một tổ
chức phát sóng, thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền không vượt
quá 5% trên tổng thời lượng chương trình phát sóng trong một ngày của một tổ chức
phát sóng.
Qua công tác đo kiểm, chưa phát hiện
Đài PTTH nào vi phạm về thời lượng quảng cáo. Thời lượng quảng cáo của các Đài
PTTH địa phương trung bình khoảng từ 1% đến 4 %, Đài THVN khoảng 8% đối với một
số kênh có nhiều người xem như VTV1, VTV3. Tuy nhiên, do quảng cáo thường được
phát vào những khung giờ vàng, có đông người xem (nhất là trước, trong sau các chương
trình phim, chương trình giải trí) nên có cảm giác các Đài PTTH phát quá nhiều
quảng cáo. Đồng thời, trên hệ thống dịch vụ PTTH trả tiền, có một số kênh truyền
hình trả tiền chuyên biệt về quảng cáo, bán hàng qua truyền hình (TV shopping),
không bị giới hạn về thời lượng theo quy định của Luật Quảng cáo.
- Do có sự tham gia của quá nhiều các
bộ, ngành vào quản lý nội dung quảng cáo trên truyền hình nên đã tạo ra nhiều kẽ
hở trong việc thẩm định hồ sơ quảng cáo. Các sai phạm trong hoạt động quảng cáo
trên truyền hình một phần là do các doanh nghiệp quảng cáo trên truyền hình lợi
dụng các kẽ hở này để cố tình thực hiện các hành vi vi phạm. Chính sách quản lý
và các văn bản pháp luật về quảng cáo còn nhiều bất cập, chưa bắt kịp với sự vận
động của thực tế.
Cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo
là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong khi đó, hầu hết những phương thức để
quảng cáo (báo, tạp chí, phát thanh, truyền hình, báo điện
tử, trang thông tin điện tử, xuất bản phẩm, mạng viễn thông di động, mạng internet
...) lại do Bộ TT&TT quản lý và cấp phép. Mặt khác, nội dung quảng cáo một
số sản phẩm hàng hóa lại do các cơ quan quản lý chuyên ngành chịu trách nhiệm:
Ví dụ, các sản phẩm thuộc lĩnh vực y tế như thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm...
do Bộ Y tế quản lý (các cơ quan chức năng thuộc Bộ Y tế phê duyệt toàn bộ nội
dung kịch bản, hình ảnh, lời thoại của từng clip quảng cáo cho từng sản phẩm
hàng hóa). Chất lượng sản phẩm hàng hóa quảng cáo bán hàng trên truyền hình
do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý. Hàng giả, hàng nhái liên quan đến các sản
phẩm hàng hóa quảng cáo, bán hàng trên truyền hình lại do lực lượng quản lý thị
trường (Bộ Công thương) quản lý.
- Hiện nay, quảng cáo trên báo chí
suy giảm mạnh, nguồn tiền quảng cáo chuyển dịch sang Internet, trong đó có các
nền tảng số, mạng xã hội của nước ngoài chiếm ưu thế như Facebook, Google. Đồng
thời, đang diễn ra tình trạng cạnh tranh không công bằng giữa các tổ chức,
doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài với lợi thế về tính năng kỹ
thuật, không bị kiểm duyệt nội dung nên các doanh nghiệp này đang có lợi thế áp
đảo để thu hút quảng cáo. Do không bị kiểm duyệt nội dung nên doanh nghiệp cung
cấp nhiều nội dung quảng cáo không chính xác, sai sự thật gây thiệt hại cho người
tiêu dùng. Mặt khác, họ kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam nhưng không chấp hành
quy định về thuế, gây thất thu cho nhà nước.
Thực hiện quy định của Luật Quảng
cáo, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ TT&TT đã có các cuộc thanh tra
việc chấp hành quy định pháp luật lĩnh vực thông tin và truyền thông đối với
các cơ quan báo chí, doanh nghiệp, Bộ TT&TT đã đưa nội dung quảng cáo vào đề
cương thanh tra để tiến hành thanh tra, đồng thời qua công tác thanh tra, kiểm
tra kết hợp công tác phổ biến các quy định của Luật Quảng cáo và các văn bản hướng
dẫn thi hành để các cơ quan báo chí và các doanh nghiệp biết thực hiện.
Trong công tác thanh tra, kiểm tra và
xử lý vi phạm, Bộ TT&TT đã tiến hành thanh tra, kiểm tra hoạt động quảng
cáo đối với cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình, các doanh nghiệp hoạt động
trang thông tin điện tử, mạng xã hội, doanh nghiệp hợp tác cung cấp dịch vụ quảng
cáo xuyên biên giới tại Việt Nam nhằm phát hiện sai phạm, ngăn chặn, xử lý vi
phạm trong lĩnh vực này.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ
TT&TT đã kiểm tra đột xuất 02 doanh nghiệp; tổ chức làm việc 10 doanh nghiệp
có sản phẩm quảng cáo gắn vào các nội dung vi phạm pháp luật; thực hiện xử phạt
hành chính 03 doanh nghiệp quảng cáo với tổng số tiền 45 triệu đồng; nhắc nhở
06 doanh nghiệp.
3. Các giải pháp:
Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước
lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, để tăng
cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động quảng cáo, trong thời gian tới,
Bộ TT&TT đã và đang tiếp tục triển khai như sau:
- Giải pháp về tăng cường thanh, kiểm
tra:
Bộ TT&TT tiếp tục tăng cường hơn
nữa công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong
lĩnh vực quảng cáo trên phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, trong đó
có sự phối hợp, tham gia của các Sở TT&TT. Nếu phát hiện
có sai phạm liên quan đến công tác quản lý báo chí, Bộ TT&TT sẽ xử lý
nghiêm trong thẩm quyền của mình.
- Giải pháp tăng cường định hướng, chỉ
đạo thông tin:
Bộ TT&TT sẽ tiếp tục tăng cường định
hướng trong các cuộc giao ban báo chí định kỳ hàng tuần về vấn đề quảng cáo; kịp
thời có các văn bản chỉ đạo các cơ quan báo chí, trong đó có các đài phát
thanh, truyền hình trong việc phát sóng các chương trình quảng cáo.
Bộ TT&TT đã yêu cầu các đài PTTH
chủ động rà soát chặt chẽ những chương trình quảng cáo bán hàng trên hệ thống
truyền hình trả tiền, loại bỏ những nội dung quảng cáo có thông tin gây hiểu nhầm
cho người xem về tính năng, tác dụng của sản phẩm hàng hóa theo quy định của
pháp luật về quảng cáo và báo chí.
- Giải pháp về xây dựng chính sách, văn
bản quy phạm pháp luật:
Quản lý nhà nước về quảng cáo thuộc
chức năng, nhiệm vụ của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Tuy nhiên, với trách
nhiệm của mình, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề
xuất, xây dựng văn bản hướng dẫn về quảng cáo phù hợp với thực tế để hạn chế tối
đa các sai phạm trong hoạt động quảng cáo.
- Các giải pháp khác:
+ Đẩy mạnh việc triển khai Nghị định
70/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP về
quản lý quảng cáo xuyên biên giới như: Tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn cho
các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo; tăng cường thanh, kiểm tra nhằm
phát hiện, xử lý vi phạm.
+ Tiếp tục yêu cầu các nền tảng xuyên
biên giới rà quét, gỡ bỏ thông tin vi phạm. Hiện nay, trên mạng xã hội Youtube
đang có tình trạng các quảng cáo có nội dung vi phạm đã bị gỡ bỏ nhưng sau đó
xuất hiện lại, nguyên nhân là do thuật toán của Youtube chưa lọc được các nội
dung vi phạm để không cho phép đăng tải nên việc gỡ bỏ các nội dung này còn khó
khăn.
+ Yêu cầu nền tảng quảng cáo xuyên
biên giới cung cấp giải pháp kỹ thuật để nhà phát hành quảng cáo trong nước chủ
động gỡ bỏ thông tin vi phạm.
+ Xây dựng Quy chế phối hợp với các Bộ
quản lý chuyên ngành để phối hợp rà quét, phát hiện và xử lý quảng cáo vi phạm
thuộc lĩnh vực chuyên ngành;
+ Chỉ đạo các Sở TT&TT phối hợp với
các cơ quan có liên quan tại địa phương để rà quét, truy vết, xác định đối tượng
vi phạm để xử lý nghiêm;
+ Đẩy mạnh tuyên truyền về các dấu hiệu
nhận biết để người dân cảnh giác khi tiếp cận với các quảng cáo liên quan thuốc,
thực phẩm bảo vệ sức khỏe, hoạt động khám chữa bệnh.
Trên đây là nội dung trả lời của Bộ
TT&TT đối với kiến nghị của cử tri Thành phố Hà Nội, trân trọng gửi tới
Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội để trả lời cử tri./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện - Ủy ban TVQH;
- Ủy ban TWMTTQVN;
- Vụ QHĐP (VPCP);
- Vụ Dân nguyện (VPQH);
- Tổng Thư ký Quốc hội;
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng;
- Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn;
- Trung tâm Thông tin (để đăng lên Cổng TTĐT của Bộ);
- Lưu: VT, VP, TKTH.
|
BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Mạnh Hùng
|