BỘ THƯƠNG MẠI ******** |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ******** |
Số: 2112/TM-KV3 V/v Báo cáo nội dung chuẩn bị cho khoá họp lần thứ 3 của UBHH Việt Nam - Hoa Kỳ
|
Hà Nội, ngày 10 tháng 5 năm 2004 |
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Để chuẩn bị phiên họp lần thứ 3 Uỷ ban Hỗn hợp Việt Nam Hoa Kỳ, Bộ Thương mại xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ nội dung và chủ trương của ta liên quan đến chương trình nghị sự của khoá họp như sau:
I- NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ
1. Kiểm điểm việc thực thi Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ
Hai bên sẽ thông báo cho nhau việc thực thi các cam kết trong Hiệp định thương mại song phương, thảo luận các vấn đề còn vướng mắc và mới nảy sinh trong khi thực thi Hiệp định.
Phía ta khẳng định sự nghiêm túc và nỗ lực thực thi Hiệp định của Việt Nam trong điều kiện còn khó khăn. Đồng thời, ta sẽ nhấn mạnh việc thực thi Hiệp định đem lại lợi ích cho cả 2 bên, trong đó có lợi ích của phía Hoa Kỳ:
- Tạo việc làm mới với thu nhập cao trong các ngành có giá trị gia tăng lớn.
- Đem lại nhiều lựa chọn về hàng hoá với giá rẻ cho người dân Hoa Kỳ.
- Giảm chi phí cho các công ty Hoa Kỳ khi đầu tư và làm ăn ở Việt Nam.
- Mở thêm thị trường mới cho hàng hoá và dịch vụ của Hoa Kỳ.
Phía ta sẽ yêu cầu Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật giúp Việt Nam nâng cao năng lực thực thi Hiệp định của mình.
2. Vấn đề Việt Nam gia nhập WTO
Phía Việt Nam sẽ thông báo cho phía Hoa Kỳ về kết quả 7 phiên đàm phán đa phương và những nội dung chính trong bản chào mới của Việt Nam trong phiên đàm phán đa phương gia nhập WTO sắp tới (phiên 8).
Đoàn sẽ vận động phía Hoa Kỳ có thái độ thiện chí, ủng hộ ta trong phiên 8 và đề nghị phía Hoa Kỳ sớm xác định thời điểm cụ thể để đàm phàn song phương với ta về việc Việt Nam gia nhập WTO.
3. Vấn đề Hiệp định dệt may
Đoàn ta sẽ đề nghị phía Hoa Kỳ bỏ chế độ hạn ngạch với hàng dệt may Việt Nam theo lộ trình loại bỏ hạn ngạch hàng dệt may (theo ATC) như đối với các nước thành viên của WTO, vì Việt Nam đang quyết tâm gia nhập WTO vào năm 2005.
Về việc xử lý vấn đề thiếu hạn ngạch vào cuối năm 2004, Đoàn sẽ đề nghị Hoa Kỳ cho vay hạn ngạch (carry forward) của năm 2005 trên cơ sở đảm bảo quyền lợi của Việt Nam đàm phán lại Hiệp định hàng dệt may nếu Hoa Kỳ không đồng ý bỏ hạn ngạch cho Việt Nam.
Đoàn sẽ đề nghị Hoa Kỳ giải quyết đúng mực vấn đề hàng chuyển tải vì việc chuyển tải xảy ra trước khi thực thi Hiệp định dệt may, nằm ngoài khả năng kiểm soát của cả Việt Nam và Hoa Kỳ và số lượng chuyển tải trên không lớn.
4. Liên quan đến vụ kiện tôm
Đoàn sẽ khẳng định với phía Hoa Kỳ ngành nuôi tôm và chế biến tôm xuất khẩu Việt Nam là một ngành phát triển theo cơ chế thị trường và không có việc bán phá giá tôm Việt Nam vào Hoa Kỳ. Ta sẽ đề nghị Hoa Kỳ xem xét và giải quyết vụ kiện một cách minh bạch, công bằng, đúng mực.
II- NỘI DUNG CỦA BIÊN BẢN KHOÁ HỌP VÀ THÔNG CÁO BÁO CHÍ
Dự kiến ta sẽ đưa vào biên bản khoá họp và thông cáo báo chí các nội dung sau:
Khẳng định tính nghiêm túc của việc Việt Nam thực hiện các cam kết của Hiệp định Thương mại và Hiệp định Thương mại mang lại lợi ích cả hai bên.
Nhấn mạnh Việt Nam đã tiến hành các biện pháp thiết lập trật tự trong lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và đã được những kết quả nhất định.
Tiếp tục đề nghị Hoa Kỳ ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO; giải quyết hợp tình hợp lý vụ kiện Việt Nam bán phá giá tôm.
Yêu cầu Hoa Kỳ giảm bớt các thủ tục phức tạp trong việc cho phép lập văn phòng đại diện, chi nhánh ở Hoa Kỳ, cấp thị thực và gia hạn thị thực, hỗ trợ xúc tiến thương mại với các Bang của Hoa Kỳ, khuyến khích đầu tư của các công ty Hoa Kỳ vào Việt Nam.
III. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ
Đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành nghiên cứu hình thức phù hợp để giải quyết vấn đề đầu mối cung cấp các Thông tư, Chỉ thị, Quyết định, công văn của các Bộ, ngành liên quan đến việc thực hiện các cam kết trong Hiệp định thương mại.
Để tạo Liên minh ủng hộ Việt Nam trong các vấn đề tranh chấp thương mại và các vấn đề chính trị khác thông qua việc khuyến khích động viên đúng lúc, đúng chỗ các công ty, tổ chức tích cực ủng hộ Việt Nam trên cơ sở vẫn đảm bảo được lợi ích quốc gia, đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, ngành liên quan cân nhắc kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện sớm hơn lộ trình đã cam kết trong các lĩnh vực có thể thực hiện được.
Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Chủ tịch Phân ban Việt Nam kết hợp làm việc với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Quốc hội Hoa Kỳ để vận động sự tài trợ của Quỹ thách thức thiên niên kỷ (MCA) và các Chương trình tài trợ khác.
IV. THÀNH PHẦN THAM DỰ VÀ THỜI GIAN
1. Thành phần tham dự sẽ gồm đại diện các Bộ, ngành:
Bộ Thương mại, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hoá - Thông tin, Bộ Công an, Bộ Thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Bưu chính Viễn thông, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng cục Hải quan, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
2. Thời gian họp:
- Ngày 15/5/2004: Đoàn rời Hà Nội.
- Ngày 17 - 18/5/2004: họp ở cấp chuyên viên.
- Ngày 21/5/2004: họp phiên toàn thể dưới sự chủ toạ của Thứ trưởng Thương mại Việt Nam Lương Văn Tự và Phó Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, bà Josette Shiner.
- Ngày 22/5/2004: Đoàn trở về nước.
Trên đây là nội dung chuẩn bị cho khoá họp lần thứ 3 của Uỷ ban hỗn hợp Việt Nam - Hoa Kỳ và thành phần tham dự. Bộ Thương mại kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiến hành Khoá họp trên.
Bộ Thương mại xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến để thực hiện./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI THỨ TRƯỞNG CHỦ TỊCH PHÂN BAN VIỆT NAM
Lương Văn Tự |