Kính trình:
Thủ tướng chính phủ
Tiếp công văn số 1614 TM/VP, ngày 02 tháng 5 năm
2001, về cuộc gặp giữa hai Bộ trưởng Thương mại Việt Nam và Thái Lan để bàn về vấn
đề xuất khẩu gạo; Bộ Thương mại xin được báo cáo một số nội dung liên quan đến
việc hợp tác xuất khẩu gạo giữa ta và Thái Lan như sau:
I. Thực trạng hợp tác:
Cho đến nay, các thoả thuận về sự hợp tác chưa có
kết quả: Bản ghi nhớ ký giữa hai Bộ Thương mại về hợp tác trao đổi thông tin (26.4.1994)
đến MOU về việc thành lập một quỹ đạo bán trung ký ngày 19/9/2000.
Duy chỉ có bản ghi nhớ giữa Hiệp hội Lương thực Việt
nam và Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan 10/5/2000 về trao đổi thông tin
đang được hai phía thực hiện, nhưng cũng chỉ trong phạm vi: trao đổi thông tin
về tình hình thị trường lúa gạo, tình hình xuất khẩu gạo của mỗi nước, những
chủ trương chính sách của Nhà nước mỗi bên có liên quan đến mặt hàng này, trao
đổi kinh nghiệm về tổ chức và hoạt động của Hiệp hội cũng như hợp tác trong
việc đánh giá tình hình và xu hướng diễn biến của Thị trường gạo thế giới nhằm
bảo vệ lợi ích của các thành viên Hiệp hội là chính.
Một vài cuộc thăm viếng của các Đoàn thuộc hai Hiệp
hội cũng đã được thực hiện từ sau khi ký Bản ghi nhớ này đến tháng 12/2000 vừa
qua.
II. Về mục đích hợp tác của Thái Lan:
1. Thái Lan hiện nay cũng đã rất khó khăn trong việc
tiêu thụ lúa gạo. Chính phủ Thái vừa can thiệp để mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo
trắng tồn kho (loại 5-25% tấm là loại gạo đang có phẩm chất tương tự, cạnh tranh
với Việt Nam) thì từ nay đến hết năm Thái Lan cần tiêu thụ trên 2 triệu tấn gạo
loại này.
Thêm vào đó, các chương trình đưa ra trước bầu cử
như việc giãn nợ hỗ trợ khu vực sản xuất nông nghiệp, trợ giúp cho từng làng xã...
nay trở thành một gánh nặng mà Chính phủ mới của Thái Lan phải đối đầu.
2. Những lý lẽ mà phía Thái Lan đưa ra khi đề cập
tới sự hợp tác giữa hai nước như: quyền lợi người sản xuất ở hai nước chưa được
bảo đảm, hai nước chiếm thị phần lớn nhưng nay đang bị các nước nhập khẩu định
giá và Thoả thuận (MOU) về hợp tác bán gạo chưa đi vào cuộc sống... nên cần tìm
cách hợp tác là ý tưởng tích. Việc hợp tác với Thái Lan có thể sẽ làm giảm phần
nào sức ép của người nhập khẩu đối với giá xuất khẩu của ta hiện nay.
3. Tuy nhiên, Thái Lan còn có những mục đích khác
trong việc hợp tác với ta.
Nhìn lại Pool Rice (ký 19/9/2000) có thể thấy rõ
Thái Lan có hai mục tiêu:
- Một là, trước bầu cử, muốn tuyên truyền để tranh
thủ sự ủng hộ của nông dân Thái.
- Hai là, muốn giành lại thị trường tiêu thụ hàng
trắng, đặc biệt là loại 25% tấm. Đoàn Bộ Thương mại và Hiệp hội xuất khẩu gạo
Thái Lan khi sang làm việc với ta vào đầu tháng 7/2000 đã không ngần ngại đề
nghị các thị trường hai bên lập quỹ gạo bán chung vào là Philippines,
Indonnesia, Cuba.
Điều đó còn được thể hiện rõ hơn tại lần hai nước
dự thầu lô gạo 300 ngàn tấn mà Philipines mở thầu đầu tháng 3 vừa qua. Nếu như
trước đây Philipines tiêu thụ một khối lượng khá lớn gạo Thái Lan thì năm 2000
gạo Ấn Độ, Việt Nam, Trung Quốc đã chiếm phần lớn thị phần. Vì vậy, sau khi bỏ
giá cực thấp (so với giá BOT công bố cùng thời điểm, cùng thời hạn và điều kiện
giao hàng mà các công ty Thái Lan đang bán sang thị trường khác, Thái Lan phải
bù lỗ 17-18USD/tấn), thấp hơn lô gạo Việt Nam trúng thầu tới hơn 3USD/tấn, thì
ngay chiều 9/3 Đoàn Thái Lan gặp NFA tỏ ý sắn sàng cung cấp nốt 150 ngàn tấn
còn lại với giá thấp hơn giá đã trúng thầu.
Vì những lẽ trên, việc hợp tác giữa hai nước trong
lĩnh vực này còn có nhiều trở ngại do liên quan trực tiếp đến lợi ích của mỗi
quốc gia.
III. Dự kiến về những đề nghị của Thái Lan có
thể sẽ đưa ra và thái độ của ta:
Mặc dầu nhận thức như vậy về những tính toán của
Thái Lan và sự hạn chế của hợp tác, ta vẫn nên hưởng ứng sự hợp tác này vì chí ít
cũng có tác động tâm lý và qua đó hiểu được ý tứ của Thái Lan.
Từ nhận định trên, Bộ Thương mại đề nghị:
1- Giảm sản lượng lúa của mỗi nước
Có thể Thái nêu ý tưởng giảm sản lượng. Về mặt này
tình hình như sau: Sản lượng lúa của ta từ 29,1 triệu tấn năm 1998 đã tăng lên
32,5 triệu tấn vào năm 2000; Thái Lan cũng tăng từ 22,5 triệu tấn lên 24,5 triệu
tấn. Như vậy nếu xét theo giá trị tuyệt đối thì ta có mức tăng trung bình ba
năm cao hơn Thái Lan, nếu tính mức xuất khẩu (cùng trong thời gian 1998 -2000)
thì bình quân mỗi năm Thái Lan xuất 6,55 triệu tấn, ta chỉ xuất khẩu 3,91 triệu
tấn, bằng khoảng 60% Thái Lan, trong khi tổng sản lượng hàng năm của Việt Nam
luôn gần gấp 1,5 lần so với Thái Lan.
Tuy nhiên, ta có thể xem xét khả năng hai nước thông
tin cho nhau về kế hoạch sản xuất, duy trì sản lượng hợp lí để hạn chế bớt
“cung” trên thị trường. Ví dụ ta duy trì ở mức 33 triệu tấn/năm; Thái Lan giữ ở
mức vụ 1997-1998 (22,5 triệu tấn). Đồng thời cũng có thể tính đến việc hai bên
ấn định số lượng gạo xuất khẩu tối đa hàng năm, ví dụ Việt Nam trên dưới 4
triệu tấn/năm, và Thái Lan dưới 6 triệu tấn/năm. Điều này cũng có thể cải thiện
được giá thị trường gạo.
2- Thống nhất giá xuất khẩu
Điều này sẽ có lợi cho phía Thái Lan, vì những
lý do sau:
- Chất lượng gạo xuất khẩu hai nước khác nhau, nếu
so cùng độ gãy thì gạo Thái có chất lượng cao hơn gạo ta nên khách hàng sẽ lựa
chọn mua gạo Thái;
- Các điều kiện liên quan khác: tốc độ xếp dỡ, điều
kiện bảo quản, kho hàng, chi phí liên quan đến giao hàng... Thái Lan luôn thuận
lợi hơn nên sẽ hấp dẫn khách hàng hơn;
- Quan hệ về thị trường, bạn hàng quen biết và thường
xuyên thì Thái Lan hiện đang có lợi hơn ta;
- Giá thành gạo nước ta khác nhau (giá thành gạo
Việt Nam thấp hơn, chất lượng thấp nếu bán theo giá thống nhất với giá của Thái
chắc chắn ta không bán được và phải chờ đợi);
- Từ năm 2001 này Việt Nam đã thực hiện chính sách
tự do hoá đối với mặt hàng gạo, việc định một giá chuẩn là khó thực hiện. Việc
Nhà nước can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp sẽ khó được chấp nhận.
Do đó, ta không nên chấp nhận mà chỉ nên giao Hiệp
hội hai nước tiếp tục hợp tác trao đổi thông tin, cùng công bố giá cho các loại
gạo từng nước trong từng thời điểm để các nhà kinh doanh xuất khẩu gạo tham
khảo. Thực tế đây cũng là một trong 4 nội dung mà phía Việt Nam đưa ra và được
phía Thái Lan hưởng ứng trong buổi làm việc ngày 06/7/2000 tại Hà Nội giữa Bộ
Thương mại Việt Nam và Bộ Thương mại Thái (do Ngài Krirk-Krai Jirapaet- lúc ấy
là Vụ trưởng Vụ Ngoại thương làm đại diện).
3- Thành lập lại quỹ gạo để bán vào một số thị trường
tiêu thụ lớn:
Thực tế đây là một cách phân chia lại thị phần ở
một số nước tiêu thụ nhiều gạo mà cả hai bên đang có lợi thế khác nhau. Có điều,
thị trường mà phía Thái Lan có thể đồng ý “phân chia” thì gạo ta không đáp ứng
được về chất lượng còn ở các thị trường Philipines - Indonesia - Cuba thì Thái
Lan lại muốn kiềm chế ta; còn một số thị trường Châu Phi có mua gạo trắng hàng
năm ngót 2 triệu tấn của Thái Lan thì họ không nhắc tới.
Việc lập Quỹ gạo bán chung là cần thiết và hai nước
nên bàn lại, ký lại một Thoả thuận mới (điều này phù hợp với một ý muốn của các
quan chức của Chính phủ mới - đặc biệt là ở Bộ Thương mại Thái Lan), số lượng
có thể đưa lên cao hơn (500 ngàn tấn từ hai bên), chứ không hẳn 200 ngàn tấn
như Pool cũ.
Các thị trường trong khối ASEAN nên được loại ra
vì mục đích lập Quỹ gạo là để giữ giá, bảo vệ quyền lợi người sản xuất và xuất khẩu,
nếu mục đích này lại nhằm vào các nước ASEAN gần gũi nhất chắc sẽ không được
các nước tiêu thụ trong khối ủng hộ; và thực ra, trong khu vực này Philipines
nhập khẩu nhiều nhất năm nay đã được đáp ứng nhu cầu do Việt Nam đã bán vào
Philipines trên 500 ngàn tấn; Thái Lan và các nước khác trên 200 ngàn tấn.
Các khu vực thị trường mà Pool gạo hướng tới nên
khu vực châu Phi, các nước Mỹ-Latin, hoặc Bắc á... vì hiện nay Bắc Triều Tiên đang
hỏi mua của Việt Nam và cả Thái Lan. Chủng loại gạo và những nội dung cụ thể
khác nên giao các Bộ phận kỹ thuật của hai Bộ Thương mại bàn trực tiếp.
IV- Một số đề nghị khác với phía Thái Lan
Ngoài ra ta có thể gợi ý để việc hợp tác này có hiệu
quả, trước mắt cần tiếp tục làm những việc cụ thể như sau:
1. Hai Bộ Thương mại Việt Nam - Thái Lan thường xuyên
cung cấp thông tin cần thiết, tin cậy liên quan đến sản xuất và xuất khẩu gạo
của mỗi nước cũng như tình hình về thị trường tiêu thụ.
2. Giao hai Bộ Thương mại phối hợp nghiên cứu để
thành lập một Hiệp Hội xuất khẩu gạo, trước hết là trong khối ASEAN mà cụ thể là
ba nước Việt Nam - Thái Lan - Miến Điện.
3. Về ý tưởng hợp tác với Trung Quốc, ấn Độ, Pakistan...
thì ta không phản đối về ý tưởng song đề nghị thăm dò ý các nước đó và cho
chuyên viên thảo luận.
Bộ Thương mại xin kính trình Thủ tướng và đề nghị
sớm cho ý kiến chỉ đạo để kịp chuẩn bị./.