BỘ
THƯƠNG MẠI
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số: 0735/TM-XNK
V/v kết quả đoàn liên ngành khảo sát thị trường
và xúc tiến thương mại tại Trung Quốc
|
Hà
Nội, ngày 10 tháng 5 năm 2002
|
Kính
gửi: Thủ tướng Chính phủ
Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính
phủ tại công văn số 416/VPCP-QHQT ngày 23/01/2002 về việc tổ chức các đoàn liên
ngành đi khảo sát thị trường và xúc tiến thương mại tại các thị trường trọng điểm.
Bộ Thương mại đã tổ chức Đoàn liên ngành đi khảo sát thị trường và xúc tiến
thương mại tại Trung Quốc từ ngày 15/4/2002 đến 28/4/2002. Đoàn do Thứ trưởng Bộ
Thương mại Đỗ Như Đính làm trưởng đoàn; bao gồm đại diện các Bộ Thương mại, Bộ
Công nghiệp, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Hiệp hội dệt may và 12 doanh nghiệp kinh
doanh xuất nhập khẩu các mặt hàng cao su, thủy sản, thực phẩm chế biến, thủ
công mỹ nghệ và xuất nhập khẩu tổng hợp (có danh sách kèm theo).
Thay mặt Đoàn liên ngành, Bộ Thương mại
xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả làm việc của Đoàn tại Trung Quốc như
sau:
I.- HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN TẠI TRUNG
QUỐC:
Được sự phối hợp của Đại sứ quán Việt
Nam tại Trung Quốc, Bộ Kinh mậu Trung Quốc, Hội xúc tiến mậu dịch Trung Quốc;
Đoàn đã làm việc tại 4 tỉnh/thành phố phía tây nam của Trung Quốc là Côn Minh -
Vân Nam, QUý Dương - Quý Châu, Thành Đô - Tứ Xuyên, Trùng Khánh và Bắc Kinh.
Chương trình làm việc của Đoàn tại 4
tỉnh, thành phố tây nam Trung Quốc bao gồm hội đàm với chính quyền tỉnh, thành
phố (có ký kết biên bản hợp tác xút tiến thương mại), cùng với Hội xúc tiến
thương mại Trung Quốc (phân hội địa phương) tổ chức thành công các cuộc hội thảo
giữa các quan chức và doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp Trung Quốc,
trong đó có các cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các đối
tác Trung Quốc (có gần 200 doanh nghiệp Trung Quốc tham gia).
Tại Bắc Kinh, Đoàn đã phối hợp với Đại
sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc tổ chức cuộc hội thảo và tiếp xúc với hơn 100
doanh nghiệp Trung Quốc và hội kiến với Bộ Mậu dịch và hợp tác kinh tế với nước
ngoài của Trung Quốc do Thứ trưởng An Dân dẫn đầu để thông báo kết quả làm việc
của Đoàn với 4 tỉnh, thành phố phía Tây Nam Trung Quốc và trao đổi với Bạn những
vấn đề liên quan đến việc phát triển quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc
trong đó có cuộc đi thăm và làm việc tại Việt Nam của Bộ trưởng Kinh mậu Trung
Quốc Quảng Sinh vào tháng 5/2002.
II.- KẾT QUẢ THU ĐƯỢC:
1. Về Chính trị:
Trong bối cảnh quan hệ chính trị giữa
hai nước liên tục được tăng cường thông qua các cuộc viếng thăm chính thức của
Lãnh đạo cấp cao hai nước, đặc biệt là chuyến thăm Việt Nam rất thành công của
Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc - Chủ tịch nước Cộng hoà Nhân dân Trung
Hoa Giang Trạch Dân; Đoàn khảo sát và xúc tiến thương mại Việt Nam đi các tỉnh
tây nam Trung Quốc lần này đã dành được sự chú ý đặc biệt của phía Trung Quốc.
Các tỉnh tây nam Trung Quốc là địa
bàn có vị trí chiến lược, nơi tập trung nhiều ngành công nghiệp quốc phòng của
Trung Quốc. Với chủ trương chuyển từ phục vụ quốc phòng sang phục vụ kinh tế đặc
biệt là với chính sách “Đại phát triển miền tây” của Chính phủ Trung Quốc, tiềm
lực của các tỉnh tây nam Trung Quốc đang được khơi dậy. Vấn đề tìm kiếm thị trường
tiêu thụ sản phẩm đang trở thành vô cùng bức thiết đối với các doanh nghiệp thuộc
các tỉnh tây nam Trung Quốc, trong đó có thị trường Việt Nam và các nước ASEAN
là vùng trọng điểm quan tâm của họ.
Vì vậy việc Đoàn Việt Nam chủ động
sang bàn bạc hợp tác xúc tiến thương mại đã được chính quyền các tỉnh này hết sức
hoan nghênh, tiếp đón trọng thị và tuyên truyền rộng rãi.
2. Về kinh tế:
Do thời gian tiếp xúc bàn bạc quá ngắn
nên các doanh nghiệp hai bên chưa đi đến thoả thuận ký kết hợp đồng mua bán.
Tuy nhiên việc tiếp xúc với gần 300 doanh nghiệp của Trung Quốc trong đó phần lớn
là các doanh nghiệp lớn, có thực lực, đã được Bộ Kinh mậu Trung Quốc cấp giấy
phép kinh doanh xuất nhập khẩu đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tìm
được dối tác để xuất khẩu hàng hóa của ta cũng như tìm kiếm những nguồn cung cấp
đáng tin cậy. Đây thực sự là một kết quả có ý nghĩa trong tình hình các doanh
nghiệp Việt Nam từ trước đến nay vẫn chủ yếu giao dịch mua bán thông qua các
thương nhân buôn bán biên mậu của các tỉnh Vân Nam - Quảng Tây.
Việc ký kết biên bản thoả thuận hợp
tác xúc tiến thương mại với 4 tỉnh tây nam Trung Quốc đã tạo cơ sở pháp lý cho
hoạt động xúc tiến thương mại của ta ở 4 tỉnh này thời gian tới có sự hỗ trợ của
chính quyền các tỉnh này. Ngoài Vân Nam đã thoả thuận miễn phí cho ta 30 gian
hàng tại hội chợ Côn Minh tháng 6/2002, các tỉnh khác cũng hứa xem xét hỗ trợ
các doanh nghiệp Việt Nam tham gia triển lãm tại tỉnh của họ.
Ngoài ra chính quyền nhiều tỉnh như
Quý Châu, Tứ Xuyên, Trùng Khánh còn tỏ ý muốn đổi hàng với Việt Nam (ví dụ Quý
Châu muốn đổi phân lân lấy cao su Việt Nam). Đây là cơ sở để tiến tới một mối
quan hệ thương mại vững chắc, lành mạnh, cân bằng xuất nhập.
Nhìn chung, theo đánh giá của Đại sứ
Bùi Hồng Phúc: Đoàn khảo sát thị trường và xúc tiến thương mại lần này đã đạt
được kết quả và thành công về nhiều mặt, thành công của đoàn còn mở ra một mô
hình xúc tiến thương mại mới có hiệu quả, được các doanh nghiệp tham gia đoàn hết
sức hoan nghênh.
III.- KIẾN NGHỊ CỦA ĐOÀN:
1. Để phát triển thương mại giữa Việt
Nam và Trung Quốc, ngoài việc đẩy mạnh buôn bán biên mậu với các tỉnh có chung
biên giới với Việt Nam là Quảng Tây, Vân Nam, cần hết sức chú ý phát triển quan
hệ buôn bán với các tỉnh phía sau của Trung Quốc.
Buôn bán biên mậu với Trung Quốc có lợi
thế là được Chính phủ Trung Quốc cho hưởng các ưu đãi về thuế, về thủ tục xuất
nhập khẩu đơn giản vì vậy có lợi thế cạnh tranh hơn so với buôn bán chính ngạch.
Chúng ta cần có chính sách thích hợp để tranh thủ lợi thế này của buôn bán biên
mậu, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của ta sang Trung Quốc đặc biệt là những mặt
hàng rau quả tươi, hàng nông sản... Mặt khác chúng ta cũng cần có chính sách
thích hợp để hạn chế các mặt tiêu cực của buôn bán biên mậu như lậu thuế, không
kiểm soát được chất lượng hàng hóa... để tạo điều kiện cho buôn bán chính ngạch
phát triển.
2. Để đẩy mạnh buôn bán chính ngạch với
các tỉnh phía sau của Trung Quốc cần tăng cường các biện pháp hỗ trợ của Chính
phủ, đặc biệt là công tác xúc tiến thương mại. Muốn vậy cần sửa đổi cơ chế chi
hỗ trợ hoạt động phát triển thị trường, đẩy mạnh xúc tiến thương mại theo tinh
thần Nghị quyết 05/2002/NQ-CP ngày 24/4/2002 của Chính phủ: dành toàn bộ nguồn
ngân sách hỗ trợ phát triển thị trường và xúc tiến thương mại cho các chương
trình trọng điểm nhất là chương trình khuyếch trương mặt hàng mới, chương trình
thâm nhập thị trường mới, chú ý hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
3. Các Bộ, ngành và các tỉnh, nhất là
các tỉnh có chung biên giới, cần thường xuyên cử đoàn (cấp Bộ, cấp Vụ, cấp tỉnh,
cấp Sở...) sang làm việc với các Bộ, ngành và các tỉnh tương ứng của Trung Quốc
để tăng cường quan hệ hợp tác. Bộ Thương mại tăng cường quan hệ với chính quyền
các tỉnh Trung Quốc, Cục Xúc tiến Thương mại chủ động thiết lập quan hệ hợp tác
với Hội xúc tiến mậu dịch Trung Quốc để tranh thủ sự hỗ trợ cao nhất của Bạn
cho hoạt động xúc tiến thương mại của các doanh nghiệp Việt Nam.
4. Để đẩy mạnh buôn bán chính ngạch với
Trung Quốc cần chú ý khai thác hình thức hợp đồng Chính phủ (G to G) hoặc các
thoả thuận giữa Bộ Thương mại với Chính phủ các tỉnh Trung Quốc để tiến hành
các hợp đồng đổi hàng đối với những mặt hàng ta và bạn có nhu cầu xuất khẩu (ví
dụ đổi cao su, gạo, thủy sản của ta lấy phân lân, ô tô các loại của Trung Quốc).
5. Cần chỉ đạo các doanh nghiệp Việt
Nam gắn kết giữa nhập khẩu từ Trung Quốc với xuất khẩu của Việt Nam để giảm dần
chênh lệch cán cân thương mại giữa hai nước.
6. Cần chú ý thu hút đầu tư của Trung
Quốc đặc biệt là đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu, đầu tư vào lĩnh vực chế biến
nông sản thực phẩm, hoặc cung cấp sản phẩm trả lại Trung Quốc.
Thị trường Trung Quốc trước mắt cũng
như lâu dài là một thị trường rất quan trọng của ta.
Phát triển quan hệ thương mại với
Trung Quốc không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn góp phần củng cố quan hệ
hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai nhà nước, củng cố độc lập tự chủ của ta,
xây dựng mối quan hệ hữu nghị ổn định lâu dài.
Trước mắt cần thực hiện cho được thoả
thuận giữa 2 Thủ tướng đưa kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 5 tỷ USD
vào năm 2005.
Bộ Thương mại kính trình Thủ tướng xem
xét và cho chỉ thị.
|
K/T
BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI
THỨ TRƯỞNG
Đỗ Như Đính
|
DANH SÁCH
ĐOÀN
CÔNG TÁC TRUNG QUỐC
Danh sách đoàn quan chức
1. Đ/c Đỗ Như Đính - Thứ trưởng Bộ
Thương mại - Trưởng đoàn
2. Đ/c Ngô Văn Thoan, Cục trưởng Cục
Xúc tiến thương mại
3. Đ/c Đào Ngọc Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ
Châu á - Thái Bình Dương
4. Đ/c Trương Đức Quang, Phó Vụ trưởng
Vụ Xuất nhập khẩu
5. Đ/c Phan Trọng Tiềm, Phó Vụ trưởng,
Vụ QHQT - Bộ Công nghiệp
6. Đ/c Lê Văn Hiên, chuyên viên Vụ Kế
hoạch - Bộ NN - PTNT
7. Đ/c Đào Ngọc Chương, Chuyên viên Vụ
XNK
8. Đ/c Đặng Văn Mỹ, chuyên viên Vụ
XNK
9. Đ/c Nguyễn Văn Phú, chuyên viên Vụ
CA - TBD
10. Đ/c Nguyễn Xuân Hoà, Phó Tổng thư
ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam
11. Đ/c Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên viên
Cục Xúc tiến thương mại
Danh sách đoàn doanh nghiệp:
1. Đinh Vạn Tiến - Trưởng ban XNK - Tổng
công ty Cao su
2. Nguyễn Bá Tòng - Giám đốc Cao su Bảo
Lộc
3. Bùi Thế Hoàng - XNK - Tổng công ty
Cao su
4. Đinh Gia Hậu - Phó Giám đốc Công
ty Thực phẩm Miền Bắc
5. Đặng Thị Trần Thu - Tổng công ty
XNK Thủy sản
6. Võ Thị Thu Ba - Giám đốc Công ty
Thái Vân
7. Vũ Thiên Hựu - Giám đốc Công ty
Bánh đậu xanh Quê Hương
8. Bùi Quang Tâm - Cty Bánh đậu xanh
Quê Hương
9. Ngô Nguyên Uy - Cty Bánh đậu xanh
Quên Hương
10. Vũ Văn Phúc - Phó Giám đốc
Artexport
11. Nguyễn Thị Phương - chuyên viên
MACHINO
12. Phạm Tuấn Anh - Giám đốc chi
nhánh PETEC
13. Dương Thị Tuyến Hằng - Trưởng
phòng Cty Thuận Phước
14. Tạ Văn Thanh - Phó giám đốc
Prosimex
15. Phạm Đình Toản - Kế toán trưởng
Prosimex
16. Phạm Văn Hóa - Công ty Vinexad