TỔNG CỤC THUẾ
CỤC THUẾ TP HÀ NỘI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 85119/CT-TTHT
V/v áp dụng hiệp định
tránh đánh thuế 2 lần giữa Việt Nam - Đài Loan
|
Hà Nội, ngày 22 tháng 9 năm 2020
|
Kính gửi: Công ty TNHH Savills (Việt Nam)
Địa chỉ: Số 41A Lý Thái Tổ, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội
MST: 0100777512
Trả lời công văn không số đề ngày 10/8/2020 của Công ty TNHH
Savills (Việt Nam) theo Phiếu chuyển số 800/PC-TCT ngày 17/8/2020 của Tổng cục
Thuế (sau đây gọi là Công ty) về áp dụng hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa
Việt Nam - Đài Loan, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:
- Căn cứ Điều 1 Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 06/8/2014 của
Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân
nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam quy định đối
tượng áp dụng:
“Hướng dẫn tại Thông tư này áp dụng đối với các đối tượng
sau (trừ trường hợp nêu tại Điều 2 Chương I):
1. Tổ chức nước ngoài kinh doanh có cơ sở thường trú tại Việt
Nam hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam; cá nhân nước ngoài kinh doanh là đối tượng
cư trú tại Việt Nam hoặc không là đối tượng cư trú tại Việt Nam (sau đây gọi
chung là Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài) kinh doanh tại Việt Nam
hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng, thỏa thuận, hoặc cam kết giữa
Nhà thầu nước ngoài với tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc giữa Nhà thầu nước ngoài
với Nhà thầu phụ nước ngoài để thực hiện một phần công việc của Hợp đồng nhà thầu...
”
- Căn cứ Thông tư số 205/2013/TT-BTC ngày 24/12/2013 của Bộ
Tài chính hướng dẫn thực hiện các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa
việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và tài sản giữa Việt
Nam với các nước và vùng lãnh thổ có hiệu lực thi hành tại Việt Nam.
+ Tại Điều 2 hướng dẫn các loại thuế áp dụng như sau:
“Điều 2. Các loại thuế áp dụng
Các loại thuế áp dụng trong các Hiệp định là các loại thuế
đánh vào thu nhập và tài sản được quy định cụ thể tại từng Hiệp định.
1. Trong trường hợp của Việt Nam, các loại thuế thuộc phạm
vi áp dụng Hiệp định là:
a) Thuế thu nhập doanh nghiệp; và
b) Thuế thu nhập cá nhân.
2. Trong trường hợp của các Nước ký kết Hiệp định với Việt
Nam, các loại thuế áp dụng Hiệp định được quy định cụ thể tại Điều 2 của Hiệp định
(thường là Khoản 3 của Điều 2).
…”
+ Tại Điều 6 hướng dẫn một số trường hợp từ chối áp dụng Hiệp
định trên cơ sở nguyên tắc hưởng lợi Hiệp định:
“Trừ khi được quy định khác tại Hiệp định về giới hạn hưởng
lợi Hiệp định, Cơ quan thuế Việt Nam sẽ từ chối đề nghị áp dụng Hiệp định trong
các trường hợp sau:
1. Người đề nghị đề nghị áp dụng Hiệp định đối với số thuế
đã phát sinh quá ba năm trước thời điểm đề nghị áp dụng Hiệp định.
…”
+ Tại Điều 11 hướng dẫn xác định nghĩa vụ thuế đối với thu
nhập từ hoạt động kinh doanh như sau:
“Điều 11. Xác định nghĩa vụ thuế đối với thu nhập từ hoạt động
kinh doanh
1. Trường hợp doanh nghiệp nước ngoài tiến hành hoạt động sản
xuất, kinh doanh tại Việt Nam nhưng không thành lập pháp nhân tại Việt Nam..
1.1. Nghĩa vụ thuế
Theo quy định tại Hiệp định, thu nhập từ hoạt động kinh
doanh của doanh nghiệp nước ngoài chỉ bị đánh thuế tại Việt Nam nếu doanh nghiệp
đó có một cơ sở thường trú tại Việt
Nam và thu nhập đó liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến cơ sở thường trú đó.
Trong trường hợp này doanh nghiệp đó chỉ bị đánh thuế tại Việt Nam trên phần
thu nhập phân bổ cho cơ sở thường trú đó.
1.2. Định nghĩa cơ sở thường trú
…
1.2.4. Trường hợp một công ty là đối tượng cư trú của Nước
ký kết Hiệp định với Việt Nam kiểm soát hoặc chịu sự kiểm soát bởi một công ty
là đối tượng cư trú của Việt Nam, hoặc đang tiến hành hoạt động kinh doanh tại
Việt Nam (có thể thông qua cơ sở thường trú hoặc dưới hình thức khác) sẽ không làm cho bất
kỳ công ty nào trở thành cơ sở thường trú của công ty kia.
…
Tuy nhiên, trường hợp công ty là đối tượng cư trú của Nước
ký kết Hiệp định với Việt Nam góp vốn thành lập một doanh nghiệp liên doanh hoặc
một doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam (bao gồm cả doanh nghiệp chế
xuất) thì công ty đó sẽ được coi như có một cơ sở thường trú tại Việt Nam nếu:
- Doanh nghiệp liên doanh hoặc doanh nghiệp 100% vốn nước
ngoài thường xuyên thương lượng, ký kết hợp đồng đứng tên công ty đó; hoặc ký các hợp đồng đứng
tên doanh nghiệp liên doanh hoặc doanh
nghiệp 100% vốn nước ngoài nhưng ràng buộc nghĩa vụ hoặc trách nhiệm của công
ty nước ngoài; hoặc
- Doanh nghiệp liên doanh hoặc doanh nghiệp 100% vốn nước
ngoài thường xuyên đại diện cho công ty nước ngoài giao hàng hóa tại Việt Nam;
hoặc
- Công ty nước ngoài đó có quyền định đoạt đối với cơ sở vật
chất - kỹ thuật của doanh nghiệp liên doanh hoặc doanh nghiệp 100% vốn nước
ngoài đó trong quá trình sản xuất kinh doanh (nghĩa là, việc công ty nước ngoài
sử dụng các cơ sở vật chất - kỹ thuật của doanh nghiệp liên doanh hoặc doanh
nghiệp 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam (nếu có) trong quá trình sản xuất kinh doanh không phải
trên cơ sở nguyên tắc giá thị trường). ”
- Căn cứ Thỏa thuận giữa Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc
tại Hà Nội và Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc về tránh đánh
thuế hai lần và chống trốn thuế thu nhập ngày 06/04/1998:
+ Tại Điều 5 quy định về cơ sở thường trú:
“1. Trong Hiệp định này, cơ sở thường trú là một nơi kinh
doanh cố định mà qua đó doanh nghiệp điều hành một phần hoặc toàn bộ việc kinh
doanh của mình.
…”
+ Tại Khoản 1, Điều 7 quy định về lợi tức doanh nghiệp:
“Lợi tức của một xí nghiệp của một Bên ký kết sẽ chỉ bị đánh
thuế tại Bên ký kết đó, trừ trường hợp xí nghiệp có tiến hành hoạt động tại Bên ký kết kia thông qua một cơ sở thường
trú tại Bên kia. Nếu xí nghiệp có hoạt động kinh doanh theo cách trên, thì các
khoản lợi tức của xí nghiệp có thể bị đánh thuế tại Bên đó, nhưng chỉ trên phần
lợi tức phân bổ cho cơ sở thường trú đó. ”
+ Tại Điều 23 quy định về tránh đánh thuế hai lần:
“1. Trong trường hợp của một đối tượng cư trú của quốc gia
do Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc đại diện, thuế đôi sẽ được
tránh như sau:
Khi một đối tượng cư trú của quốc gia do Văn phòng Kinh tế
và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc đại diện có thu nhập từ quốc gia đó Văn phòng Kinh
tế và Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội đại diện, thuế phải trả tại quốc gia do Văn
phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội đối với khoản thu nhập đó theo quy
định tại Hiệp định này có thể được khấu trừ vào số thuế mà đối tượng cư trú đó
phải trả tại quốc gia do Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc đại
diện. Tuy nhiên, số khấu trừ không được vượt qua số thuế tại quốc gia do Văn
phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc đại diện đối với thu nhập được tính
theo pháp luật về thuế của quốc gia đó.
2. Theo khoản khấu trừ nêu tại khoản 1, cụm từ “thuế phải trả tại quốc gia
do Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội đại diện” bao gồm các thu nhập
từ các nguồn trong quốc gia do Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội
đại diện mà thu nhập đó không áp dụng thuế suất ưu đãi hoặc được miễn thuế tại
quốc gia do Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội, phù hợp với:
(a) quy định tại Điều 6, 7, 8, hoặc 8-1 của Luật cải tiến
công nghiệp và các Điều 28, 29, hoặc 33 của Luật Khuyến khích xã hội hóa trong
xây dựng công trình giao thông tại quốc gia do Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài
Bắc tại Hà Nội đại diện, đã được sửa đổi theo thời gian và quy định liên quan,
có hiệu lực từ ngày ký Hiệp định này, khi nó được sửa đổi sau ngày ký của Hiệp định này.
(b) các biện pháp ưu đãi đặc biệt khác nhằm thúc đẩy phát
triển kinh tế tại quốc gia do Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội
đại diện có để được
ban hành sau này để sửa đổi hoặc bổ sung pháp luật hiện hành do cơ quan có thẩm
quyền của hai nước ký kết thỏa thuận.
3. Trong trường hợp của một đối tượng cư trú của quốc gia do
Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội đại diện, thuế đôi sẽ được tránh
như sau:
Khi một đối tượng cư trú của một quốc gia do Văn phòng Kinh tế và Văn Hóa
Đài Bắc tại Hà Nội có thu nhập từ quốc gia
do Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc đại diện, thì thuế phải trả
tại quốc gia do Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc đại
diện trên khoản thu nhập đó theo Hiệp định này có thể được khấu trừ vào số thuế mà đối tượng cư trú tại quốc
gia do Văn phòng Kinh tế và Văn Hóa Đài Bắc tại Hà Nội đại diện. Tuy nhiên, số
khấu trừ không được vượt quá số thuế
trên khoản thu nhập đó tại quốc gia do Văn
phòng Kinh tế và Văn Hóa Đài Bắc tại Hà Nội đại diện theo quy định pháp luật của
quốc gia đó.
4. Đối với khoản khấu trừ nêu tại Khoản 3, cụm từ "thuế
phải chịu tại quốc gia do Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc đại
diện bao gồm mọi thu nhập có được tại quốc gia do Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam
tại Đài Bắc đại diện mà được hưởng thuế suất ưu đãi hoặc được miễn phần thuế tại quốc gia do Văn phòng Kinh tế
và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc theo quy định tại:
(a) Điều 26, 27, 28, 32, hoặc 33 của Luật Đầu tư nước ngoài
1987 của quốc gia do Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc đại diện,
đã được được sửa đổi bổ sung, và các quy định liên quan có hiệu lực vào ngày ký của Hiệp định này được sửa đổi một
số nội dung sau ngày ký của Hiệp định này; hoặc
(b) bất kỳ biện pháp ưu đãi đặc biệt nào nhằm thúc đẩy phát
triển kinh tế tại quốc gia do Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc
đại diện, được ban hành để sửa đổi hoặc bổ sung pháp luật hiện hành, được cơ
quan có thẩm quyền
của các nước ký kết thỏa thuận.
5. Quy định tại Khoản 2 và 4 áp dụng đối với khoản thời gian
bảy năm rưỡi kể từ ngày Hiệp định này có hiệu lực. Các quy định này áp dụng đối với đối
tượng cư trú của quốc gia do Văn phòng Kinh tế và Văn Hóa Đài Bắc tại Hà Nội
đại diện được Ủy ban đầu tư chấp thuận, và đối tượng cư trú của quốc gia do Văn
phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc đại diện. Thời gian áp dụng có thể được kéo dài theo thỏa thuận song phương giữa cơ
quan có thẩm quyền của các nước ký kết. ”
- Căn cứ Điểm b2 Khoản 3 Điều 20 Thông tư số 156/2013/TT-BTC
ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn hồ sơ Thông báo miễn, giảm thuế theo
Hiệp định đối với trường hợp nộp thuế GTGT tính trực tiếp trên GTGT, nộp thuế
TNDN theo tỷ lệ % tính trên doanh thu:
“b.2) Hồ sơ Thông báo miễn, giảm thuế theo Hiệp định:
Trường hợp Nhà thầu nước ngoài thuộc diện được miễn thuế, giảm
thuế do áp dụng Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và nước, vùng
lãnh thổ khác thì thực hiện thêm các thủ tục sau:
Mười lăm ngày trước thời hạn khai thuế, bên Việt Nam ký kết
hợp đồng hoặc chi trả thu nhập cho Nhà thầu nước ngoài gửi Cơ quan thuế quản lý
trực tiếp của bên Việt Nam hồ sơ thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp
định Hồ sơ gồm:
- Thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp định mẫu số
01/HTQT ban hành kèm theo Thông tư này;
- Bản gốc (hoặc bản chụp đã được chứng thực) Giấy chứng nhận
cư trú do cơ quan thuế của nước cư trú cấp ngay trước năm thông báo thuộc diện
miễn, giảm thuế theo Hiệp định đã được hợp pháp hóa lãnh sự;
- Bản chụp hợp đồng ký kết với các tổ chức, cá nhân tại Việt
Nam có xác nhận của người nộp thuế.
…
- Giấy ủy quyền trong trường hợp người nộp thuế ủy quyền cho
đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục áp dụng Hiệp định.
Trường hợp năm trước đó đã thông báo thuộc diện miễn, giảm
thuế theo Hiệp định thì các năm tiếp theo chỉ cần thông báo các bản chụp hợp đồng
kinh tế mới ký kết với các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam và nước ngoài (nếu có)
có xác nhận của người nộp thuế.
15 (mười lăm) ngày trước khi kết thúc hợp đồng làm việc tại
Việt Nam hoặc kết thúc năm tính thuế (tuỳ theo thời điểm nào diễn ra trước) Nhà
thầu nước ngoài gửi bản gốc (hoặc bản chụp đã được chứng thực) Giấy chứng nhận
cư trú đã được hợp pháp hóa lãnh sự của năm tính thuế đó cho bên Việt Nam ký kết
hợp đồng hoặc chi trả thu nhập. Trong phạm vi 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận
được Giấy chứng nhận cư trú, bên Việt Nam ký kết hợp đồng hoặc chi trả thu nhập có trách nhiệm nộp cho
Cơ quan thuế bản gốc (hoặc bản chụp đã được chứng thực) Giấy chứng nhận cư trú
này.
Trường hợp vào thời điểm trên vẫn chưa có được Giấy chứng nhận
cư trú thì nhà thầu nước ngoài có nghĩa vụ cam kết gửi bản gốc (hoặc bản chụp
đã được chứng thực) Giấy chứng nhận cư trú đã được hợp pháp hóa lãnh sự trong quý
ngay sau ngày kết thúc năm tính thuế.
Trường hợp người nộp thuế không thể cung cấp đủ các thông tin hoặc các
tài liệu theo yêu cầu của Hồ sơ thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp
định, đề nghị giải trình cụ thể tại Thông báo mẫu số 01/HTQT nêu trên để cơ
quan thuế xem xét, quyết định. ”
- Căn cứ Điều 151 Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày
13/6/2019 quy định về hiệu lực thi hành.
“1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm
2020, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của Luật này có hiệu
lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2022; khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân áp dụng quy định về hóa đơn,
chứng từ điện tử của Luật này trước ngày 01 tháng 7 năm 2022.
3. Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ
sung một số điều
theo Luật số
21/2012/QH13, Luật số 71/2014/QH13 và Luật số 106/2016/QH13 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi
hành, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 152 của Luật này...”
Căn cứ các quy định trên, trường hợp Savills Taiwan là nhà
thầu nước ngoài có phát sinh thu nhập tại Việt Nam từ hoạt động cung cấp dịch vụ
thì thu nhập của nhà thầu nước ngoài thuộc đối tượng chịu thuế nhà thầu theo
quy định tại Điều 1 Thông tư số 103/2014/TT-BTC .
Trường hợp Savills Taiwan có cơ sở thường trú tại Việt Nam
theo quy định tại Điều 5 Thỏa thuận tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và
Đài Loan và Điều 11 Thông tư số 205/2013/TT-BTC thì không được miễn thuế theo
Thỏa thuận tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Đài Loan.
Trường hợp
Savills Taiwan đáp ứng điều kiện được miễn thuế, giảm thuế do áp dụng Thỏa thuận
tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Đài Loan thì hồ sơ Thông báo miễn, giảm
thuế theo Hiệp định thực hiện theo hướng dẫn tại Điểm b2 Khoản 3 Điều 20 Thông
tư số 156/2013/TT-BTC , thời gian xem xét miễn, giảm thuế đối với số thuế đã
phát sinh không quá ba năm trước thời điểm đề nghị áp dụng Hiệp định và sắc thuế
được miễn, giảm theo Hiệp định là thuế thu nhập doanh nghiệp.
Từ ngày 01/7/2020, Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày
13/6/2019 của Quốc hội có hiệu lực thi hành thì đơn vị thực hiện theo quy định
của Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo các văn bản quy
phạm pháp luật hướng dẫn Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14. Cục Thuế TP Hà Nội
sẽ đăng tải nội dung trên trang web http://hanoi.gdt.gov.vn hướng dẫn người nộp thuế khi các
văn bản được ban hành. Đề nghị đơn vị căn cứ tình hình thực tế tại đơn vị và
các văn bản quy phạm pháp luật để kê khai và nộp thuế theo đúng quy định.
Trong quá trình thực hiện chính sách thuế, trường hợp còn vướng
mắc, đơn vị có thể tham khảo các văn bản hướng dẫn của Cục Thuế TP Hà Nội được
đăng tải trên website http://hanoi.gdt.gov.vn hoặc liên hệ với Phòng
Thanh tra - Kiểm tra số 2 để được hỗ trợ giải quyết.