BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 74/TCT-CS
V/v chính sách thuế
|
Hà Nội, ngày 07
tháng 01 năm 2025
|
Kính gửi: Cục
thuế Thành phố Huế
Tổng cục Thuế nhận được công văn số
2030/CTTTH-TTKT1 ngày 22/11/2024 của Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên Huế về việc nộp
thuế TNDN đối với khoản học phí được cấp bù từ ngân sách nhà nước. Về vấn đề
này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
1. Về việc sử dụng hóa đơn, chứng
từ
- Căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 99;
khoản 1 Điều 101 Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 ngày 14/06/2019:
“Điều 99, Học phí, chi phí của dịch vụ giáo dục,
đào tạo
1. Học phí là khoản tiền người học phải nộp để
chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo. Mức học phí
được xác định theo lộ trình bảo đảm chi phí dịch vụ giáo dục, đào tạo do Chính
phủ quy định; đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học thực
hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và Luật Giáo dục đại học.
2. Chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo gồm
toàn bộ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý, chi phí khấu
hao tài sản cố định phục vụ trực tiếp và gián tiếp hoạt động giáo dục theo
chương trình giáo dục”.
“Điều 101, Chế độ tài chính đối với cơ sở
giáo dục
1. Cơ sở giáo dục công lập thực hiện quản lý các
khoản thu, chi tài chính, quản lý sử dụng tài sản theo quy định của Luật Ngân
sách nhà nước, Luật Quản lý sử dụng tài sản công và quy định khác của pháp luật
có liên quan; thực hiện chế độ kế toán, kiểm toán, thuế và công khai tài chính
theo quy định của pháp luật”.
- Căn cứ khoản 3 Điều 19 Luật Giá số
11/2012/QH13 ngày 20/06/2012:
“Điều 19. Hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định
giá
3. Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định
giá được quy định như sau:
…
c) Định khung giá và mức giá cụ thể đối với:
- Dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và dịch vụ giáo dục,
đào tạo tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở giáo dục, đào tạo của Nhà nước”.
- Căn cứ khoản 1 Điều 21 Nghị định số
81/2021/NĐ-CP ngày 27/08/2021 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với
cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học
phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo:
“Điều 21. Phương thức cấp bù tiền miễn, giảm
học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với các cơ sở giáo dục công lập
1. Phương thức cấp bù tiền miễn, giảm học phí đối
với các cơ sở giáo dục công lập
a) Kinh phí thực hiện cấp bù tiền miễn, giảm học
phí cho cơ sở giáo dục công lập được ngân sách nhà nước cấp hàng năm theo hình
thức giao dự toán. Việc phân bổ dự toán kinh phí thực hiện chính sách cấp bù học
phí cho cơ sở giáo dục công lập được thực hiện đồng thời với thời điểm phân bổ
dự toán ngân sách nhà nước hàng năm. Khi giao dự toán cho các cơ sở giáo dục,
cơ quan chủ quản phải ghi rõ dự toán kinh phí thực hiện chính sách cấp bù học
phí cho người học thuộc đối tượng được miễn, giảm học phí đang theo học tại cơ
sở giáo dục công lập;
b) Cơ sở giáo dục công lập gửi Kho bạc Nhà nước
nơi giao dịch hồ sơ rút dự toán bao gồm: (i) Quyết định giao dự toán của cơ
quan có thẩm quyền giao đối với kinh phí cấp bù tiền miễn, giảm học phí; (ii) Quyết
định phê duyệt danh sách được hưởng chế độ miễn, giảm học phí của cơ sở giáo dục
công lập kèm danh sách tổng hợp đề nghị cấp bù tiền học phí miễn, giảm (gồm các
nội dung: Họ tên, đối tượng, tổng số học sinh thuộc diện được miễn, giảm học
phí hiện đang theo học tại trường, mức thu học phí của nhà trường; mức học phí
miễn, giảm và kinh phí đề nghị cấp bù) và toàn bộ hồ sơ xét duyệt các đối tượng
được miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; (iii) Giấy rút dự toán theo
quy định để rút dự toán kinh phí cấp bù tiền miễn, giảm học phí.
Kho bạc Nhà nước căn cứ Hồ sơ rút dự toán thực
hiện kiểm soát và chuyển tiền vào tài khoản thu học phí của cơ sở giáo dục đảm
bảo trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao và không vượt quá dự toán
do cơ sở giáo dục đề nghị rút.
Kinh phí ngân sách nhà nước cấp bù tiền miễn, giảm
học phí cho cơ sở giáo dục công lập được chuyển và hạch toán vào tài khoản
thu học phí của cơ sở này và được tự chủ sử dụng theo số lượng thực tế đối
tượng được cấp bù và quy định hiện hành về chế độ tự chủ tài chính của đơn vị sự
nghiệp công lập; trường hợp dự toán giao thực hiện cấp bù tiền miễn, giảm học
phí cho cơ sở giáo dục công lập cao hơn số lượng đối tượng thụ hưởng thực tế và
mức cấp bù theo quy định của Nhà nước thì cơ sở giáo dục báo cáo cơ quan chủ quản
để xử lý theo quy định hiện hành”.
- Căn cứ khoản 13 Điều 5 Luật thuế
GTGT số 13/2008/QH12 ngày 03/06/2008 của Quốc hội:
“Điều 5. Đối tượng không chịu thuế
13. Dạy học, dạy nghề theo quy định của pháp luật”.
- Căn cứ khoản 13 Điều 4 Chương I
Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 hướng dẫn thi hành Luật thuế
giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng lẫn
thi hành một số điều của Luật Thuế GTGT:
“Điều 4. Đối tượng không chịu thuế GTGT:
13. Dạy học, dạy nghề theo quy định của pháp luật
bao gồm cả dạy ngoại ngữ, tin học; dạy múa, hát, hội họa, nhạc, kịch, xiếc, thể
dục, thể thao; nuôi dạy trẻ và dạy các nghề khác nhằm đào tạo, bồi dưỡng nâng
cao trình độ văn hóa, kiến thức chuyên môn nghề nghiệp.”
- Căn cứ khoản 1 Điều 4, khoản 2 Điều
9 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định về nguyên tắc lập,
quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ:
“Điều 4. Nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa
đơn, chứng từ
1. Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán
phải lập hóa đơn để giao cho người mua...”
Điều 9. Thời điểm lập hóa đơn
2. Thời điểm lập hóa đơn đối với cung cấp dịch vụ
là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ không phân biệt đã thu được tiền
hay chưa thu được tiền. Trường hợp người cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc
trong khi cung cấp dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu tiền
(không bao gồm trường hợp thu tiền đặt cọc hoặc tạm ứng để đảm bảo thực hiện hợp
đồng cung cấp các dịch vụ: kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, thuế; thẩm định
giá; khảo sát, thiết kế kỹ thuật; tư vấn giám sát; lập dự án đầu tư xây dựng)”.
Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp Học viện
Âm nhạc Huế là đơn vị sự nghiệp công lập có nhận kinh phí thực hiện cấp bù tiền
miễn, giảm học phí từ Kho bạc nhà nước để hạch toán vào tài khoản thu học phí của
cơ sở và được tự chủ sử dụng theo số lượng thực tế đối tượng được cấp bù và quy
định hiện hành về chế độ tự chủ tài chính thì căn cứ vào hồ sơ rút dự toán đã
được Kho bạc nhà nước phê duyệt theo quy định tại tiết b Điều 21
Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/ 8/2021 làm chứng từ để hạch toán kế
toán, ghi nhận doanh thu theo quy định.
Khoản cấp bù tiền miễn giảm học phí thực chất là
khoản hỗ trợ học phí của nhà nước nộp thay cho học sinh, sinh viên nên không
thuộc đối tượng chịu thuế GTGT theo quy định tại Khoản 13 Điều 4
Chương I Thông tư số 219/2013/TT-BTC nêu trên.
2. Về chính sách thuế TNDN
Ngày 28/11/2017, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số
551/TB-VPCP thông báo ý kiến kết luận của Lãnh đạo Chính phủ về chính sách thuế
đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo: “(1).
Thuế đối với đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện đúng quy định của pháp luật về
thuế.”
Căn cứ quy định pháp luật về thuế TNDN, về nguyên tắc,
đơn vị sự nghiệp có hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế
TNDN xác định được doanh thu, chi phí, thu nhập thì số thuế thu nhập doanh nghiệp
phải nộp trong kỳ tính thuế bằng thu nhập tính thuế nhân (x) với thuế suất; trường
hợp các đơn vị này hạch toán được doanh thu nhưng không xác định được chi phí,
thu nhập của hoạt động kinh doanh thì kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp
tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính
phủ.
Căn cứ quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật
về thuế và thực hiện ý kiến của Lãnh đạo Chính phủ tại văn bản số 551/TB-VPCP
ngày 28/11/2017 của Văn phòng Chính phủ, về chính sách thuế đối với đơn vị sự
nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Bộ Tài chính đã có các công
văn hướng dẫn: công văn số 11391/BTC-TCT ngày 18/09/2020 gửi Kiểm toán Nhà nước
và Bộ Giáo dục và Đào tạo, công văn số 7616/BTC-TCT ngày 12/07/2021 gửi Ủy ban
nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, công văn số 13387/BTC-CST ngày 04/12/2023 gửi Học
viện Nông nghiệp Việt Nam. Tổng cục Thuế đã có công văn số 3002/TCT-CS ngày
28/07/2020 gửi Cục Thuế tỉnh Bình Phước và gửi Cục Thuế các Tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương về chính sách thuế TNDN đối với đơn vị sự nghiệp công lập
trong lĩnh vực y tế, giáo dục (bản sao công văn đính kèm).
Đề nghị Cục thuế Thành phố Huế hướng dẫn Học viện
Âm nhạc Huế thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật thuế hiện
hành./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Phó TCTr Đặng Ngọc Minh (để b/c);
- Vụ Pháp chế (TCT);
- Website TCT;
- Lưu VT, CS (3b).
|
TL. TỔNG CỤC
TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ CHÍNH SÁCH
PHÓ VỤ TRƯỞNG
Mạnh Thị Tuyết Mai
|