TỔNG CỤC THUẾ
CỤC THUẾ TP HÀ NỘI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 65615/CT-TTHT
V/v giải đáp chính
sách thuế
|
Hà Nội, ngày 03 tháng 10 năm 2017
|
Kính gửi: Công ty cổ phần thanh toán điện tử
VNPT
(Địa chỉ: tầng 3, tòa nhà Viễn Đông, số 36 Hoàng Cầu, P. Ô Chợ Dừa, Q. Đống
Đa, TP Hà Nội, Việt Nam
MST: 0102713659)
Cục thuế TP Hà Nội nhận được công văn số 02/CV/VNPTEPAY ngày
30/8/2017 của Công ty CP Thanh toán điện tử VNPT (sau đây gọi tắt là Công ty) về
hóa đơn điện tử, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:
- Căn cứ Thông tư 32/2011/TT-BTC ngày 14/3/2011 của Bộ Tài
chính hướng dẫn về khởi tạo, phát hành và sử dụng hoá đơn điện tử bán hàng hóa,
cung ứng dịch vụ
+ Tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều 3 quy định về hóa đơn điện tử
“Điều 3. Hóa đơn điện tử
1. Hóa đơn điện tử là tập hợp các thông điệp dữ liệu điện tử
về bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, được khởi tạo, lập, gửi, nhận, lưu trữ và
quản lý bằng phương tiện điện tử. Hóa đơn điện tử phải đáp ứng các nội dung quy
định tại Điều 6 Thông tư này.
...Hóa đơn điện tử đảm bảo nguyên tắc: xác định được số hóa
đơn theo nguyên tắc liên tục và trình tự thời gian, mỗi số hóa đơn đảm bảo chỉ
được lập và sử dụng một lần duy nhất.
...3. Hóa đơn điện tử có giá trị pháp lý nếu thỏa mãn đồng
thời các điều kiện sau:
a) Có sự đảm bảo đủ tin cậy về tính toàn vẹn của thông tin
chứa trong hóa đơn điện tử từ khi thông tin được tạo ra ở dạng cuối cùng là hóa
đơn điện tử.
Tiêu chí đánh giá tính toàn vẹn là thông tin còn đầy đủ và
chưa bị thay đổi, ngoài những thay đổi về hình thức phát sinh trong quá trình
trao đổi, lưu trữ hoặc hiển thị hóa đơn điện tử.
b) Thông tin chứa trong hóa đơn điện tử có thể truy cập, sử
dụng được dưới dạng hoàn chỉnh khi cần thiết.”
+ Tại Điều 6 quy định nội dung của hóa đơn điện tử:
Hóa đơn điện tử phải có các nội dung sau:
a) Tên hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, ký hiệu mẫu, số thứ tự hóa
đơn;
Ký hiệu hóa đơn, ký hiệu mẫu, số thứ tự trên hóa đơn thực
hiện theo quy định tại Phụ lục số 1 Thông tư số 153/2010/TT-BTC của Bộ Tài
chính.
b) Tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán;
c) Tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua;
d) Tên hàng hóa, dịch vụ; đơn vị tính, số lượng, đơn giá
hàng hóa, dịch vụ; thành tiền ghi bằng số và bằng chữ.
Đối với hóa đơn giá trị gia tăng, ngoài dòng đơn giá là giá
chưa có thuế giá trị gia tăng, phải có dòng thuế suất thuế giá trị gia tăng,
tiền thuế giá trị gia tăng, tổng số tiền phải thanh toán ghi bằng số và bằng
chữ.
e) Chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật của người bán;
ngày, tháng năm lập và gửi hóa đơn. Chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật
của người mua trong trường hợp người mua là đơn vị kế toán.
…”
+ Tại Điều 12 quy định về chuyển từ hóa đơn điện tử sang hóa
đơn giấy:
“Điều 12. Chuyển từ hóa đơn điện tử sang hoá đơn giấy
1. Nguyên tắc chuyển đổi
Người bán hàng hóa được chuyển đổi hóa đơn điện tử sang hóa
đơn giấy để chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hoá hữu hình trong quá trình lưu
thông và chỉ được chuyển đổi một (01) lần. Hóa đơn điện tử chuyển đổi sang hóa
đơn giấy để chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa phải đáp ứng các quy định nêu
tại Khoản 2, 3, 4 Điều này và phải có chữ ký người đại diện theo pháp luật của
người bán, dấu của người bán.
Người mua, người bán được chuyển đổi hóa đơn điện tử sang
hóa đơn giấy để phục vụ việc lưu trữ chứng từ kế toán theo quy định của Luật Kế
toán. Hóa đơn điện tử chuyển đổi sang hóa đơn giấy phục vụ lưu trữ chứng từ kế
toán phải đáp ứng các quy định nêu tại Khoản 2, 3, 4 Điều này.
2. Điều kiện
Hóa đơn điện tử chuyển sang hóa đơn giấy phải đáp ứng đủ các
điều kiện sau:
a) Phản ánh toàn vẹn nội dung của hóa đơn điện tử gốc;
b) Có ký hiệu riêng xác nhận đã được chuyển đổi từ hóa đơn
điện tử sang hóa đơn giấy;
c) Có chữ ký và họ tên của người thực hiện chuyển từ hóa đơn
điện tử sang hóa đơn giấy.
3. Giá trị pháp lý của các hóa đơn điện tử chuyển đổi
Hóa đơn điện tử chuyển đổi có giá trị pháp lý khi bảo đảm
các yêu cầu về tính toàn vẹn của thông tin trên hóa đơn nguồn, ký hiệu riêng
xác nhận đã được chuyển đổi và chữ ký, họ tên của người thực hiện chuyển đổi
được thực hiện theo quy định của pháp luật về chuyển đổi chứng từ điện tử.
4. Ký hiệu riêng trên hóa đơn chuyển đổi
Ký hiệu riêng trên hóa đơn chuyển đổi từ hóa đơn điện tử
sang hóa đơn dạng giấy bao gồm đầy đủ các thông tin sau: dòng chữ phân biệt
giữa hóa đơn chuyển đổi và hóa đơn điện tử gốc — hóa đơn nguồn (ghi rõ “HÓA ĐƠN
CHUYỂN ĐỔI TỪ HOÁ ĐƠN ĐIỆN TỬ”); họ và tên, chữ ký của người được thực hiện
chuyển đổi; thời gian thực hiện chuyển đổi.”
- Căn cứ điểm 3a Điều 4 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày
31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày
14/5/2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ quy định
một số trường hợp hóa đơn không nhất thiết có đầy đủ các nội dung bắt buộc:
“a) Tổ chức kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ có thể tạo,
phát hành và sử dụng hóa đơn không nhất thiết phải có chữ ký người mua, dấu của
người bán trong trường hợp sau: hóa đơn điện; hóa đơn nước; hóa đơn dịch vụ
viễn thông; hóa đơn dịch vụ ngân hàng đáp ứng đủ điều kiện tự in theo hướng dẫn
tại Thông tư này”
Căn cứ các quy định trên, Cục thuế TP Hà Nội có ý kiến như
sau:
+ Trường hợp Công ty (Bên mua) khi mua hàng hóa, dịch vụ của
Công ty A, Công ty A có sử dụng hóa đơn điện tử thì trên hóa đơn điện tử phải
có chữ ký điện tử của Công ty (Bên mua) trừ trường hợp có các hồ sơ, chứng từ
chứng minh việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ giữa người bán với người mua như:
hợp đồng kinh tế, phiếu xuất kho, biên bản giao nhận hàng hóa, bên nhận thanh
toán, phiếu thu...
+ Trường hợp Công ty có nhu cầu chuyển đổi hóa đơn điện tử
của sang hóa đơn giấy thì Hóa đơn điện tử chuyển đổi sang hóa đơn giấy này chỉ
có giá trị pháp lý khi đảm bảo các yêu cầu về tính toàn vẹn của thông tin trên
hóa đơn nguồn, ký hiệu riêng xác nhận đã được chuyển đổi và chữ ký, họ tên của
người thực hiện chuyển đổi, trên hóa đơn ghi rõ “HÓA ĐƠN CHUYỂN ĐỔI TỪ
HOÁ ĐƠN ĐIỆN TỬ” theo quy định Điều 12 Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày
14/3/2011 của Bộ Tài chính.
+ Trường hợp Công ty có mua hàng hóa, dịch vụ của Công ty là
nhà mạng viễn thông, nếu hóa đơn điện tử của Công ty viễn thông là hóa đơn dịch
vụ viễn thông thì hóa đơn này không nhất thiết phải có chữ ký của người mua và
dấu của người bán theo hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư số 39/2014/TT-BTC nêu trên.
Trường hợp trong quá trình thực hiện còn vướng mắc, đề nghị
Công ty liên hệ với Phòng Kiểm tra thuế số 1 để được hướng dẫn chi tiết.
Cục thuế TP Hà Nội thông báo để Công ty được biết và thực
hiện./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Phòng KT1;
- Phòng Pháp Chế;
- Lưu: VT, TTHT (2).
|
KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG
Mai Sơn
|