TỔNG CỤC THUẾ
CỤC THUẾ TP HÀ NỘI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 51139/CT-HTr
V/v trả lời chính sách thuế.
|
Hà Nội, ngày 05 tháng 08 năm 2015
|
Kính gửi: Công ty Cổ phần Everpia Việt Nam
Đ/C: Xã Dương Xá,
huyện Gia Lâm, Hà Nội;
MST: 0101402121.
Trả lời công văn số 02072015/KT/EPVN-CV ngày 02/07/2015 của
Công ty Cổ phần Everpia Việt Nam hỏi về chính sách thuế, Cục thuế Thành phố Hà
Nội có ý kiến như sau:
- Căn cứ Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng
dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày
18/12/2013 của Chính phủ.
+ Tại khoản 8, khoản 9, khoản 15, Điều 14 quy định về nguyên
tắc khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào:
“Điều 14. Nguyên tắc khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào
8. Thuế GTGT đầu vào phát sinh trong kỳ
nào được kê khai, khấu trừ khi xác định số thuế phải nộp của kỳ đó, không phân
biệt đã xuất dùng hay còn để trong kho.
Trường hợp cơ sở kinh doanh phát hiện số thuế GTGT đầu vào
khi kê khai, khấu trừ bị sai sót thì được kê
khai, khấu trừ bổ sung trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định kiểm tra thuế thanh tra thuế tại trụ
sở người nộp thuế.
9. Số thuế GTGT đầu vào không được khấu
trừ, cơ sở
kinh doanh được hạch toán vào chi phí để tính thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc
tính vào nguyên giá của tài sản cố định, trừ số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào từng lần có giá trị từ hai mươi triệu đồng
trở lên không có chứng từ thanh toán
không dùng tiền mặt”.
+ Tại Điều 15 quy định về Điều kiện khấu trừ thuế giá trị
gia tăng đầu vào:
“Điều 15. Điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào
1. Có hóa
đơn giá trị gia tăng hợp pháp của hàng hóa,
dịch vụ mua vào hoặc chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng khâu nhập khẩu hoặc chứng
từ nộp thuế GTGT thay cho phía nước ngoài
theo hướng dẫn của Bộ Tài chính áp dụng đối với các tổ
chức nước ngoài không có tư cách
pháp nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam.
2. Có chứng từ thanh toán không dùng tiền
mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào (bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu) từ hai mươi triệu đồng trở lên, trừ trường hợp tổng
giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào từng lần theo hóa đơn dưới hai mươi triệu
đồng theo giá đã có thuế GTGT.
Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt gồm chứng từ thanh
toán qua ngân hàng
và chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt khác hướng dẫn tại khoản 3 và khoản
4 Điều này...”.
- Căn cứ khoản 6, Điều 3 Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/08/2014 của Bộ
Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 156/2013/TT-BTC
ngày 06/11/2013, Thông tư số 111/2013/TT-BTC
ngày 15/8/2013, Thông tư số
219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013, Thông tư số 08/2013/TT-BTC ngày 10/01/2013,
Thông tư số 85/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 và Thông tư số 78/2014/TT-BTC
ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính để cải cách, đơn giản các thủ tục hành chính về
thuế.
“Điều 3. Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn
thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày
18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết
và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng như sau:
6. Sửa đổi, bổ sung Điều 15 Thông tư số 219/2013/TT-BTC
như sau:...”.
- Căn cứ Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp tại Nghị định
số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/2/2015 của Chính phủ quy
định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế
và sửa đổi bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế và sửa đổi, bổ sung một
số điều của Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014, Thông tư số
119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014, Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của
Bộ Tài chính.
“Điều 4. Sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC
(đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC và Điều 1 Thông tư số
151/2014/TT-BTC) như sau:
“Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định
thu nhập chịu thuế
1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều
này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu
đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
b) Khoản chi có đủ hóa
đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
c) Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở
lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh
toán không dùng tiền mặt.
Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá
trị gia tăng”.
- Căn cứ khoản 7, Điều 3 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ
Tài chính hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng và quản lý thuế tại Nghị định số
12/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 2 năm 2015 của Chính phủ
quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về
thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế và sửa đổi, bổ
sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính
về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
“Điều 3. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số
39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày
17 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ như sau:
7. Sửa đổi, bổ sung Điều 16 như sau:
b) Sửa đổi, bổ sung điểm b Khoản 2 Điều 16 như sau:
“b) Tiêu thức “Tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán”,
“tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua”.
Người bán phải ghi đúng tiêu thức “mã số thuế” của người
mua và người bán.
Tiêu thức “tên, địa chỉ” của người bán, người mua phải viết
đầy đủ, trường hợp viết tắt thì phải đảm bảo xác định đúng người mua, người
bán.
…
Trường hợp hóa đơn đã lập có sai sót về tên, địa chỉ người
mua nhưng ghi đúng mã số thuế người mua thì các bên lập biên bản điều chỉnh và không phải lập hóa đơn điều
chỉnh. Các trường hợp hóa đơn đã lập có
sai sót khác thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 20 Thông tư số 39/2014/TT-BTC của
Bộ Tài chính.”
Căn cứ các quy định
nêu trên:
- Trường hợp Công ty phát sinh hóa đơn GTGT đầu vào mang tên của Công ty
cũ (trước thời điểm Công ty đổi tên mới) và chưa thực hiện kê khai, hạch toán
chi phí thì đơn vị được kê khai, khấu trừ trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm
quyền công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế
nếu đáp ứng đủ điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào theo hướng dẫn
tại Điều 15 Thông tư số 219/2013/TT-BTC; khoản 6, Điều 3 Thông tư 119/2014/TT-BTC và được hạch toán vào chi
phí khi xác định thu nhập chịu thuế nếu đáp ứng điều kiện theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC
ngày 22/06/2015 của Bộ Tài chính nêu trên.
- Trường hợp những hóa đơn GTGT đầu vào mang tên Công ty cũ phát sinh sau
thời điểm Công ty đổi tên mới thì các bên lập biên bản điều chỉnh và không phải
lập hóa đơn điều chỉnh theo hướng dẫn tại khoản 7, Điều 3 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài
chính. Công ty được kê khai khấu
trừ thuế GTGT đầu vào nếu đáp ứng các điều kiện quy
định tại Điều 15 Thông tư số 219/2013/TT-BTC, khoản 6, Điều 3 Thông tư 119/2014/TT-BTC và được
hạch toán vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế nếu đáp ứng điều kiện
theo quy định tại Điều 4 Thông tư số
96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 của Bộ Tài chính nêu trên.
Cục thuế Thành phố Hà Nội trả lời để Công ty Cổ phần Everpia
Việt Nam biết và thực hiện./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Phòng Kiểm
tra thuế số 1;
- Phòng Pháp chế;
- Lưu: VT, HTr(2).
|
KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG
Mai Sơn
|