TỔNG CỤC THUẾ
CỤC THUẾ TP HÀ NỘI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3228/CT-TTHT
V/v Trả lời chính sách thuế
|
Hà Nội, ngày 21
tháng 01 năm 2019
|
Kính gửi:
Công ty TNHH Sakata Việt Nam
(Địa chỉ: Lô 45HH05 Khu đô thị mới Việt Hưng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội;
MST: 0108151195)
Trả lời công văn số 18023/CV-SVN ngày 24/12/2018 của
Công ty TNHH Sakata Việt Nam (sau đây gọi là Công ty) đề nghị hướng dẫn về thuế
thu nhập cá nhân cho nhân viên phải cử từ công ty mẹ, Cục Thuế Thành phố Hà Nội
có ý kiến như sau:
- Căn cứ Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013
của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số
65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thuế thu nhập
cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân:
+ Tại Điều 1 (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 2
Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014) quy định về người nộp thuế:
“...Phạm vi xác định thu nhập chịu thuế của người
nộp thuế như sau:
Đối với cá nhân cư trú, thu nhập chịu thuế là
thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi trả
thu nhập;
Đối với cá nhân là công dân của quốc gia, vùng
lãnh thổ đã ký kết Hiệp định với Việt Nam về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa
việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và là cá nhân cư trú
tại Việt Nam thì nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân được tính từ tháng đến Việt Nam
trong trường hợp cá nhân lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam đến tháng kết thúc hợp
đồng lao động và rời Việt Nam (được tính đủ theo tháng) không phải thực hiện
các thủ tục xác nhận lãnh sự để được thực hiện không thu thuế trùng hai lần
theo Hiệp định tránh đánh thuế trùng giữa hai quốc gia
Đối với cá nhân không cư trú, thu nhập chịu thuế
là thu nhập phát sinh tại Việt Nam, không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập...”
+ Tại điểm a, b Khoản 2 Điều 2 quy định thu nhập chịu
thuế từ tiền công tiền lương
“2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công
a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất
tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền.
b) Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ
cấp, trợ cấp sau:
...Riêng trợ cấp chuyển vùng một lần đối với người
nước ngoài đến cư trú tại Việt Nam, người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được
trừ theo mức ghi tại Hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể...”
+ Tại tiết đ1, đ2, điểm đ, khoản 2, Điều 2 (đã được
sửa đổi bổ sung bởi Điều 11 Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 30/07/2015 của Bộ
Tài chính) hướng dẫn các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền
lương, tiền công:
“...đ.1) Tiền nhà ở, điện, nước và các dịch vụ
kèm theo (nếu có), không bao gồm: khoản lợi ích về nhà ở, điện nước và các dịch
vụ kèm theo (nếu có) đối với nhà ở do người sử dụng lao động xây dựng để cung cấp
miễn phí cho người lao động làm việc tại khu công nghiệp; nhà ở do người sử dụng
lao động xây dựng tại khu kinh tế, địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó
khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn cung cấp miễn phí
cho người lao động.
Trường hợp cá nhân ở tại trụ sở làm việc thì thu
nhập chịu thuế căn cứ vào tiền thuê nhà hoặc chi phí khấu hao, tiền điện, nước
và các dịch vụ khác tỉnh theo tỷ lệ giữa diện tích cá nhân sử dụng với diện
tích trụ sở làm việc.
Khoản tiền thuê nhà, điện nước và các dịch vụ
kèm theo (nếu có) đối với nhà ở do đơn vị sử dụng lao động trả hộ tính vào thu
nhập chịu thuế theo số thực tế trả hộ nhưng không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu
thuế phát sinh (chưa bao gồm tiền thuê nhà) tại đơn vị không phân biệt nơi trả
thu nhập.
đ.2) Khoản tiền do người sử dụng lao động mua bảo
hiểm nhân thọ, bảo hiểm không bắt buộc khác có tích lũy về phí bảo hiểm; mua bảo
hiểm hưu trí tự nguyện hoặc đóng góp Quỹ hưu trí tự nguyện cho người lao động...”
+ Tại Điều 7 quy định căn cứ tính thuế đối với thu
nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công
“Điều 7. Căn cứ tính thuế đối với thu nhập chịu
thuế từ tiền lương, tiền công
Căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ tiền lương,
tiền công là thu nhập tính thuế và thuế suất, cụ thể như sau:
1. Thu nhập tính thuế được xác định bằng thu nhập
chịu thuế theo hướng dẫn tại Điều 8 Thông tư này trừ (-) các khoản giảm trừ
sau:
a) Các khoản giảm trừ gia cảnh theo hướng dẫn tại
khoản 1, Điều 9 Thông tư này.
b) Các khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện
theo hướng dẫn tại khoản 2, Điều 9 Thông tư này...”
+ Tại Khoản 2, Điều 8 quy định xác định thu nhập chịu
thuế từ tiền lương, tiền công
“2. Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công
a) Thu nhập chịu thuế từ tiền lương tiền công được
xác định bằng tổng số tiền lương, tiền công, tiền thù lao, các khoản thu nhập
khác có tính chất tiền lương, tiền công mà người nộp thuế nhận được trong kỳ
tính thuế theo hướng dẫn tại khoản 2, Điều 2 Thông tư này.
b) Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế.
Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế đối với
thu nhập từ tiền lương, tiền công là thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập
cho người nộp thuế.
Riêng thời điểm xác định thu nhập chịu thuế đối
với khoản tiền phí mua sản phẩm bảo hiểm có tích lũy theo hướng dẫn tại điểm
đ.2, khoản 2, Điều 2 Thông tư này là thời điểm doanh nghiệp bảo hiểm, công ty
quản lý quỹ hưu trí tự nguyện trả tiền bảo hiểm...”.
+ Tại điểm a, Khoản 2, Điều 9 quy định các khoản
đóng bảo hiểm
“a) Các khoản đóng bảo hiểm bao gồm: bảo hiểm xã
hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối
với một số ngành nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc”.
+ Tại điểm b, Khoản 2, Điều 9 quy định (đã được sửa
đổi bổ sung bởi Điều 15, Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 30/07/2015 của Bộ Tài
chính) hướng dẫn các khoản đóng vào quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí
tự nguyện:
“b) Các khoản đóng vào Quỹ hưu trí tự nguyện,
mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện
Mức đóng vào quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm
hưu trí tự nguyện được trừ ra khỏi thu nhập chịu thuế theo thực tế phát sinh
nhưng tối đa không quá một (01) triệu đồng/tháng đối với người lao động tham
gia các sản phẩm hưu trí tự nguyện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính bao gồm cả số
tiền do người sử dụng lao động đóng cho người lao động và cả số tiền do người
lao động tự đóng (nếu có), kể cả trường hợp tham gia nhiều quỹ. Căn cứ xác định
thu nhập được trừ là bản chụp chứng từ nộp tiền (hoặc nộp phí) do quỹ hưu trí tự
nguyện, doanh nghiệp bảo hiểm cấp...”
+ Tại điểm c, d, đ, Khoản 2, Điều 9 quy định về các
khoản giảm trừ
“ Điều 9. Các khoản giảm trừ
...2. Giảm trừ đối với các khoản đóng bảo hiểm,
Quỹ hưu trí tự nguyện
...c) Người nước ngoài là cá nhân cư trú tại Việt
Nam, người Việt Nam là cá nhân cư trú nhưng làm việc tại nước ngoài có thu nhập
từ tiền lương, tiền công ở nước ngoài đã tham gia đóng các khoản bảo hiểm bắt
buộc theo quy định của quốc gia nơi cá nhân cư trú mang quốc tịch hoặc làm việc
tương tự quy định của pháp luật Việt Nam như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo
hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp bắt buộc và các khoản bảo hiểm
bắt buộc khác (nếu có) thì được trừ các khoản phí bảo hiểm đó vào thu nhập chịu
thuế từ tiền lương, tiền công khi tính thuế thu nhập cá nhân.
Cá nhân người nước ngoài và người Việt Nam có
tham gia đóng các khoản bảo hiểm nêu trên ở nước ngoài sẽ được tạm giảm trừ
ngay vào thu nhập để khấu trừ thuế trong năm (nếu có chứng từ) và tính theo số
chính thức nếu cá nhân thực hiện quyết toán thuế theo quy định. Trường hợp
không có chứng từ để tạm giảm trừ trong năm thì sẽ giảm trừ một lần khi quyết
toán thuế.
d) Khoản đóng góp bảo hiểm, đóng góp vào Quỹ hưu
trí tự nguyện của năm nào được trừ vào thu nhập chịu thuế của năm đó.
đ) Chứng từ chứng minh đối với các khoản bảo hiểm
được trừ nêu trên là bản chụp chứng từ thu tiền của tổ chức bảo hiểm hoặc xác
nhận của tổ chức trả thu nhập về số tiền bảo hiểm đã khấu trừ, đã nộp (trường hợp
tổ chức trả thu nhập nộp thay).”
+ Tại Điều 25 quy định về khai thuế và chứng từ khấu
trừ thuế:
“1. Khấu trừ thuế
...b) Thu nhập từ tiền lương, tiền công
...b.3) Đối với cá nhân là người nước ngoài vào
làm việc tại Việt Nam thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập căn cứ vào thời gian
làm việc tại Việt Nam của người nộp thuế ghi trên Hợp đồng hoặc văn bản cử sang
làm việc tại Việt Nam để tạm khấu trừ thuế theo Biểu lũy tiến từng phần (đối với
cá nhân có thời gian làm việc tại Việt Nam từ 183 ngày trong năm tính thuế) hoặc
theo Biểu thuế toàn phần (đối với cá nhân có thời gian làm việc tại Việt Nam dưới
183 ngày trong năm tính thuế)....
b.5) Số thuế phải khấu trừ đối với thu nhập từ
tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú được xác định theo hướng dẫn tại Điều
7 Thông tư này; của cá nhân không cư trú được xác định theo Điều 18 Thông tư
này...”
+ Tại Khoản 2, Điều 26 quy định về khai thuế, quyết
toán thuế:
“2. Khai thuế đối với cá nhân cư trú có thu nhập
từ tiền lương, tiền công.
a) Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền
công khai thuế trực tiếp với cơ quan thuế bao gồm:
a.1) Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương,
tiền công do các tổ chức quốc tế, Đại sứ quán, Lãnh sự quán tại Việt Nam trả
nhưng chưa thực hiện khấu trừ thuế thực hiện khai thuế trực tiếp với cơ quan
thuế theo quý.
a.2) Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương,
tiền công do các tổ chức, cá nhân trả từ nước ngoài thực hiện khai thuế trực tiếp
với cơ quan thuế theo quý..”
+ Tại điểm c, Khoản 2, Điều 26 (đã được sửa đổi bởi
Điều 12 Thông tư số 151/2014/TT-BTC) hướng dẫn về quyết toán thuế:
“c) Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền
công có trách nhiệm khai quyết toán thuế nếu có số thuế phải nộp thêm hoặc có số
thuế nộp thừa đề nghị hoàn thuế hoặc bù trừ thuế vào kỳ khai thuế tiếp theo, trừ
các trường hợp sau:
c.1) Cá nhân có số thuế phải nộp nhỏ hơn số thuế
đã tạm nộp mà không có yêu cầu hoàn thuế hoặc bù trừ thuế vào kỳ sau...”
+ Tại điểm d, đ, Khoản 2, Điều 26 quy định về ủy
quyền quyết toán:
“d) Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công
ủy quyền cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập quyết toán thuế thay trong các trường
hợp sau:
d.1) Cá nhân chỉ có thu nhập từ tiền lương, tiền
công ký hợp đồng lao động từ ba (03) tháng trở lên tại một đơn vị và thực tế
đang làm việc ở đơn vị tại thời điểm ủy quyền quyết toán, kể cả trường hợp
không làm việc đủ 12 tháng trong năm.
...đ) Tổ chức, cá nhân trả thu nhập chỉ thực hiện
quyết toán thuế thay cho cá nhân đối với phần thu nhập từ tiền lương; tiền công
mà cá nhân nhận được từ tổ chức, cá nhân trả thu nhập”.
- Căn cứ Khoản 2, Điều 16 Thông tư số
156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều
của Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế
và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ hướng dẫn khai thuế
đối với cá nhân không cư trú có thu nhập phát sinh tại Việt Nam nhưng nhận thu
nhập ở nước ngoài như sau:
“2. Khai thuế đối với cá nhân cư trú có thu nhập
từ tiền lương, tiền công trực tiếp khai thuế với cơ quan thuế
a) Nguyên tắc khai thuế
a.1) Cá nhân khai thuế trực tiếp với cơ quan thuế
là cá nhân sau đây:
- Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền
công do các tổ chức Quốc tế, Đại sứ quán, Lãnh sự quán tại Việt Nam trả nhưng tổ
chức này chưa thực hiện khấu trừ thuế;
- Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền
công do các tổ chức, cá nhân trả từ nước ngoài...”
- Căn cứ Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 30/07/2015
của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện thuế GTGT và thuế TNCN đối với cá nhân cư
trú có hoạt động kinh doanh; hướng dẫn thực hiện một số nội dung sửa đổi, bổ
sung về thuế TNCN quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về
thuế số 71/2014/QH13 và Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ
quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về
thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về thuế:
+ Tại Khoản 3 Điều 21 sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều
16 như sau:
“3. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 16
“2. Khai thuế đối với cá nhân cư trú có thu nhập
từ tiền lương, tiền công trực tiếp khai thuế với cơ quan thuế
a) Nguyên tắc khai thuế
a.1) Cá nhân khai thuế trực tiếp với cơ quan thuế
là cá nhân sau đây:
...- Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương,
tiền công do các tổ chức, cá nhân trả từ nước ngoài...
b) Hồ sơ khai thuế
b.1) Hồ sơ khai thuế quý
Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương; tiền
công khai thuế quý trực tiếp với cơ quan thuế theo Tờ khai mẫu số 02/KK-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số
92/2015/TT-BTC .
b.2) Hồ sơ khai quyết toán
b.2.1) Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền
công không thuộc trường hợp được ủy quyền cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập quyết
toán thuế thay thì khai quyết toán thuế trực tiếp với cơ quan thuế theo mẫu
sau:
- Tờ khai quyết toán thuế mẫu số 02/QTT-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số
92/2025/TT-BTC
- Phụ lục mẫu số
02-1/BK-QTT-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC nếu có đăng
ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc.
- Bản chụp các chứng từ chứng minh số thuế đã khấu
trừ; đã tạm nộp trong năm, số thuế đã nộp ở nước ngoài (nếu có). Cá nhân cam kết
chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin trên bản chụp đó. Trường hợp
tổ chức trả thu nhập không cấp chứng từ khấu trừ thuế cho cá nhân do tổ chức trả
thu nhập đã chấm dứt hoạt động thì cơ quan thuế căn cứ cơ sở dữ liệu của ngành
thuế để xem xét xử lý hồ sơ quyết toán thuế cho cá nhân mà không bắt buộc phải
có chứng từ khấu trừ thuế.
Trường hợp, theo quy định của luật pháp nước
ngoài, cơ quan thuế nước ngoài không cấp giấy xác nhận số thuế đã nộp, người nộp
thuế có thể nộp bản chụp Giấy chứng nhận khấu trừ thuế (ghi rõ đã nộp thuế theo
tờ khai thuế thu nhập nào) do cơ quan trả thu nhập cấp hoặc bản chụp chứng từ
ngân hàng đối với số thuế đã nộp ở nước ngoài có xác nhận của người nộp thuế.
- Bản chụp các hóa đơn chứng từ chứng minh khoản
đóng góp vào quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học (nếu có).
- Trường hợp cá nhân nhận thu nhập từ các tổ chức
Quốc tế, Đại sứ quán, Lãnh sự quán và nhận thu nhập từ nước ngoài phải có tài
liệu chứng minh về số tiền đã trả của đơn vị, tổ chức trả thu nhập ở nước
ngoài.”
Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp cá nhân
người nước ngoài sang Việt Nam làm việc, đáp ứng điều kiện là cá nhân cư trú
theo Luật Thuế TNCN thì:
- Về xác định thu nhập chịu thuế TNCN: Các khoản
thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú bao gồm tiền
lương, tiền công, tiền thưởng và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công;
phụ cấp, trợ cấp, các khoản lợi ích bằng tiền và không bằng tiền (bao gồm cả phụ
cấp gia đình) phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam theo quy định tại khoản
2, Điều 2, Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính.
- Về các khoản giảm trừ: Đối với khoản bảo hiểm xã
hội và các khoản đóng góp bảo hiểm bắt buộc theo quy định của Nhật Bản: Thực hiện
theo hướng dẫn tại khoản 2, Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của
Bộ Tài chính.
- Về khấu trừ và kê khai thuế TNCN:
+ Trường hợp cá nhân cư trú phát sinh thu nhập từ
tiền công, tiền lương do Công ty TNHH Sakata Việt Nam chi trả thì Công ty TNHH
Sakata Việt Nam có trách nhiệm khấu trừ thuế TNCN, tổng hợp, kê khai nộp thuế
TNCN vào Tờ khai tháng/ quý của Công ty theo mẫu
05/KK-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của
Bộ Tài chính.
+ Trường hợp cá nhân cư trú có thu nhập tại Nhật Bản
do Công ty mẹ tại Nhật Bản chi trả thì cá nhân cư trú có trách nhiệm kê khai phần
thu nhập nhận được từ Nhật Bản theo quý trực tiếp với cơ quan thuế vào Tờ khai mẫu số 02/KK-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số
92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính.
- Về Quyết toán thuế TNCN:
+ Trường hợp cá nhân cư trú chỉ có thu nhập từ tiền
công, tiền lương do Công ty TNHH Sakata Việt Nam chi trả thì được ủy quyền cho
Công ty TNHH Sakata Việt Nam quyết toán thay theo mẫu
02/UQ-QTT-TNCN ban hành kèm theo Thông tư 92/2015/TT-BTC nếu thuộc trường hợp
phải quyết toán thuế TNCN.
+ Trường hợp cá nhân cư trú vừa có thu nhập từ tiền
lương, tiền công do Công ty Việt Nam chi trả, vừa có thu nhập từ tiền lương, tiền
công do Công ty mẹ tại Nhật Bản chi trả thì phải trực tiếp quyết toán thuế TNCN
với Cục Thuế theo hướng dẫn tại Khoản 3 Điều 21 Thông tư số 92/2015/TT-BTC .
Về nội dung Công ty hỏi đối với trường hợp công ty
mẹ tại Nhật Bản thay mặt Công ty TNHH Sakata Việt Nam chi trả cho người lao động
sau đó Công ty TNHH Sakata Việt Nam hoàn trả lại Công ty mẹ, do tại Hợp đồng
phái cử Công ty gửi kèm công văn hỏi không quy định nội dung này, đề nghị Công
ty nghiên cứu quy định tại Luật thuế TNCN và các văn bản hướng dẫn để thực hiện.
Cục thuế TP Hà Nội thông báo để doanh nghiệp được
biết và thực hiện./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Phòng Kiểm tra thuế số 1;
- Phòng Pháp chế;
- Lưu: VT, TTHT(2).
|
KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG
Mai Sơn
|