TỔNG CỤC THUẾ
CỤC THUẾ TP HÀ NỘI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2962/CT-TTHT
V/v chính sách ưu đãi thuế TNDN và thuế GTGT
đối với hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm.
|
Hà Nội, ngày 18
tháng 01 năm 2019
|
Kính gửi: Công
ty TNHH Sekisho Việt Nam
Địa chỉ: P1901, tầng 19, tòa tháp VCCI, số 09 đường Đào Duy Anh, P. Phương Mai,
Q. Đống Đa, TP Hà Nội; MST: 0107961782
Cục Thuế TP Hà Nội nhận được công văn số 01/CV/ABC
ngày 30/11/2018 và công văn giải trình, bổ sung tài liệu số CV01/2019 ngày 04/01/2019
của Công ty TNHH Sekisho Việt Nam (sau đây gọi là Công ty) hỏi về chính sách ưu
đãi thuế TNDN và thuế GTGT đối với hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm, Cục
Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:
- Căn cứ Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015
sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của
Bộ Tài chính.
+ Tại Khoản 3, Điều 10 sửa đổi, bổ sung Khoản 5
Điều 18 Thông tư số 78/2014/TT-BTC như sau:
“5. Về dự án đầu tư mới:
a) Dự án đầu tư mới được hưởng ưu đãi thuế thu
nhập doanh nghiệp quy định tại Điều 15, Điều 16 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP là:
- Dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu
từ ngày 01/01/2014 và phát sinh doanh thu của dự án đó sau khi được cấp Giấy
chứng nhận đầu tư.
- Dự án đầu tư trong nước gắn với việc thành lập
doanh nghiệp mới có vốn đầu tư dưới 15 tỷ đồng Việt Nam và không thuộc Danh mục
lĩnh vực đầu tư có điều kiện được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp từ
ngày 01/01/2014.
- Dự án đầu tư độc lập với dự án doanh nghiệp đang
hoạt động (kể cả trường hợp dự án có vốn đầu tư dưới 15 tỷ đồng Việt Nam và
không thuộc Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện) có Giấy chứng nhận đầu tư từ
ngày 01/01/2014 để thực hiện dự án đầu tư độc lập này.
- Văn phòng công chứng thành lập tại các địa bàn
có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Dự án đầu tư mới được hưởng ưu đãi thuế thu nhập
doanh nghiệp theo quy định phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy
phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc được phép đầu tư theo quy định của
pháp luật về đầu tư.”
+ Tại Khoản 1, Điều 11 quy định:
“1. Sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 19 Thông tư số
như sau:
“1 Thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn mười lăm
năm (15 năm) áp dụng đối với:
a) Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án
đầu tư mới tại: địa bàn điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn
b) Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự
án đầu tư mới thuộc các lĩnh vực: nghiên cứu khoa học và phát triển công
nghệ;... sản xuất sản phẩm phần mềm:...”
+ Tại Điều 12 quy định:
“1. Sửa đổi, bổ sung điểm a Khoản 1 Điều 20
Thông tư số 78/2014/TT-BTC như sau:
“1. Miễn thuế bốn năm, giảm 50% số thuế phải nộp
trong chín năm tiếp theo đối với:
a) Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án
đầu tư quy định tại khoản 1 Điều 19 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (được sửa đổi,
bổ sung tại Khoản 1 Điều 11 Thông tư này)”.
2. Sửa đổi, bổ sung Khoản 4 Điều 20 Thông tư số
78/2014/TT-BTC như sau:
“4. Thời gian miễn thuế, giảm thuế quy định tại
Điều này được tính liên tục từ năm đầu tiên doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế
từ dự án đầu tư mới được hưởng ưu đãi thuế. Trường hợp doanh nghiệp không có
thu nhập chịu thuế trong ba năm đầu, kể từ năm đầu tiên có doanh thu từ dự án
đầu tư mới thì thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính từ năm thứ tư dự án đầu
tư mới phát sinh doanh thu.”
- Căn cứ Điều 18, Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày
18/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày
26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập
doanh nghiệp, quy định điều kiện áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp:
“1. Các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ
áp dụng đối với doanh nghiệp thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ và nộp
thuế thu nhập doanh nghiệp theo kê khai.
2. Trong thời gian đang được hưởng ưu đãi thuế
thu nhập doanh nghiệp nếu doanh nghiệp thực hiện nhiều hoạt động sản xuất, kinh
doanh thì doanh nghiệp phải tính riêng thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh
doanh được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (bao gồm mức thuế suất ưu
đãi, mức miễn thuế, giảm thuế) và thu nhập từ hoạt động kinh doanh không được
hưởng ưu đãi thuế để kê khai nộp thuế riêng.”
- Căn cứ Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày
31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật thuế giá trị gia tăng và
Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và
hướng dẫn thi hành một số điều Luật thuế giá trị gia tăng:
+ Tại Khoản 21, Điều 4 quy định về đối tượng không
chịu thuế GTGT:
“Điều 4. Đối tượng không chịu thuế GTGT
…
21. Chuyển giao công nghệ theo quy định của Luật
chuyển giao công nghệ; chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của
Luật sở hữu trí tuệ. Trường hợp hợp đồng chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng
quyền sở hữu trí tuệ có kèm theo chuyển giao máy móc, thiết bị thì đối tượng
không chịu thuế GTGT tính trên phần giá trị công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ
chuyển giao, chuyển nhượng; trường hợp không tách riêng được thì thuế GTGT được
tính trên cả phần giá trị công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ chuyển giao, chuyển
nhượng cùng với máy móc, thiết bị.
Phần mềm máy tính bao gồm sản phẩm phần mềm
và dịch vụ phần mềm theo quy định của pháp luật...”
- Căn cứ Nghị Định số 71/2007/NĐ-CP ngày 03/05/2007
của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật
công nghệ thông tin về công nghiệp công nghệ thông tin:
+ Tại Khoản 1, Điều 3 quy định:
“1. Sản phẩm phần mềm là phần mềm và tài
liệu kèm theo được sản xuất và được thể hiện hay lưu trữ ở bất kỳ một dạng vật
thể nào, có thể được mua bán hoặc chuyển giao cho đối tượng khác khai thác, sử
dụng.”
+ Tại Điều 9 quy định về hoạt động công nghiệp phần
mềm:
“Điều 9. Hoạt động công nghiệp phần mềm
1. Hoạt động công nghiệp phần mềm là hoạt động
thiết kế, sản xuất và cung cấp sản phẩm và dịch vụ phần mềm, bao gồm sản xuất
phần mềm đóng gói; sản xuất phần mềm theo đơn đặt hàng; sản xuất phần mềm
nhúng; hoạt động gia công phần mềm và hoạt động cung cấp, thực hiện các dịch vụ
phần mềm.
2. Các loại sản phẩm phần mềm bao gồm:
a) Phần mềm hệ thống;
b) Phần mềm ứng dụng;
c) Phần mềm tiện ích;
d) Phần mềm công cụ,
đ) Các phần mềm khác.
3. Các loại dịch vụ phần mềm bao gồm:
a) Dịch vụ quản trị, bảo hành, bảo trì hoạt động
của phần mềm và hệ thống thông tin;
b) Dịch vụ tư vấn, đánh giá, thẩm định chất
lượng phần mềm;
e) Dịch vụ tư vấn, xây dựng dự án phần mềm;
d) Dịch vụ tư vấn định giá phần mềm;
đ) Dịch vụ chuyển giao công nghệ phần mềm;
e) Dịch vụ tích hợp hệ thống;
g) Dịch vụ bảo đảm an toàn, an ninh cho sản phẩm
phần mềm, hệ thống thông tin;
h) Dịch vụ phân phối, cung ứng sản phẩm phần mềm;
i) Các dịch vụ phần mềm khác.”
- Căn cứ Thông tư số 16/2014/TT-BTTTT ngày
18/11/2014 của Bộ Thông tin và truyền thông quy định việc xác định hoạt động
sản xuất sản phẩm phần mềm.
+ Tại Khoản 1, Điều 4 quy định:
“Điều 4. Nguyên tắc và mục đích áp dụng Thông tư
1. Thông tư này quy định thống nhất quy trình
sản xuất sản phẩm phần mềm và nguyên tắc xác định hoạt động sản xuất sản phẩm
phần mềm đáp ứng đúng quy trình để phục vụ cho việc quản lý nhà nước về công
nghiệp phần mềm, và làm căn cứ để cơ quan có thẩm quyền xem xét việc áp dụng
các chính sách thuế và các chính sách ưu đãi khác.”
+ Tại Điều 5 quy định về quy trình sản xuất sản
phẩm phần mềm:
“Điều 5. Quy trình sản xuất sản phẩm phần mềm
Quy trình sản xuất sản phẩm phần mềm bao gồm 07
công đoạn sau:
1. Xác định yêu cầu, bao gồm một trong những tác
nghiệp như: khảo sát yêu cầu của khách hàng, phân tích nghiệp vụ; thu thập, xây
dựng yêu cầu; tư vấn điều chỉnh quy trình; thống nhất yêu cầu, xét duyệt yêu
cầu.
2. Phân tích và thiết kế, bao gồm một trong
những tác nghiệp như: đặc tả yêu cầu; thiết lập bài toán phát triển; mô hình
hóa dữ liệu; mô hình hóa chức năng; mô hình hóa luồng thông tin; xác định giải
pháp phần mềm; thiết kế hệ thống phần mềm; thiết kế các đơn vị, mô đun phần mềm.
3. Lập trình, viết mã lệnh, bao gồm một trong
những tác nghiệp như: viết chương trình phần mềm; lập trình các đơn vị, mô đun
phần mềm; chỉnh sửa, tùy biến, tinh chỉnh phần mềm; tích hợp các đơn vị phần
mềm; tích hợp hệ thống phần mềm.
4. Kiểm tra, thử nghiệm phần mềm, bao gồm một
trong những tác nghiệp như: xây dựng các kịch bản kiểm tra, thử nghiệm các đơn
vị, mô đun phần mềm; thử nghiệm phần mềm; kiểm thử hệ thống phần mềm; kiểm thử
chức năng phần mềm; thẩm định chất lượng phần mềm; đánh giá khả năng gây lỗi;
xác định thỏa mãn yêu cầu khách hàng; nghiệm thu phần mềm.
5. Hoàn thiện, đóng gói phần mềm, bao gồm một
trong những tác nghiệp như: xây dựng tài liệu mô tả phần mềm, tài liệu hướng
dẫn cài đặt, sử dụng phần mềm; đóng gói phần mềm; đăng ký mẫu mã; đăng ký quyền
sở hữu trí tuệ.
6. Cài đặt, chuyển giao, hướng dẫn sử dụng, bảo
trì, bảo hành phần mềm, bao gồm một trong những tác nghiệp như: hướng dẫn cài
đặt phần mềm; triển khai cài đặt phần mềm; đào tạo, hướng dẫn người sử dụng;
kiểm tra phần mềm sau khi bàn giao; sửa lỗi phần mềm sau bàn giao; hỗ trợ sau
bàn giao, bảo hành phần mềm; bảo trì phần mềm.
7. Phát hành, phân phối sản phẩm phần mềm, bao
gồm một trong những tác nghiệp như: tiếp thị, quảng bá, bán, phân phối sản phẩm
phần mềm; phát hành sản phẩm phần mềm.”
+ Tại Điều 6 quy định về xác định hoạt động sản
xuất sản phẩm phần mềm:
“Điều 6. Xác định hoạt động sản xuất sản phẩm
phần mềm
1. Yêu cầu chung đối với tổ chức, doanh nghiệp,
cá nhân sản xuất sản phẩm phần mềm:
a) Đối với tổ chức, doanh nghiệp: có giấy chứng
nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đầu tư, hoặc văn bản quy định về
chức năng nhiệm vụ do người có thẩm quyền cấp. Đối với cá nhân: có mã số thuế
cá nhân; có kê khai thuế trong đó ghi rõ phần thu nhập từ hoạt động sản xuất
phần mềm;
b) Sản phẩm phần mềm do cá nhân, tổ chức, doanh
nghiệp sản xuất thuộc một trong các loại sản phẩm phần mềm được quy định
trong Danh mục sản phẩm phần mềm ban hành theo Thông tư số 09/2013/TT-BTTTT
ngày 08 tháng 4 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
2. Hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân
được xác định là hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm và đáp ứng quy trình khi
tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đáp ứng được yêu cầu ở Khoản 1 Điều này, và hoạt
động đó thuộc một hoặc nhiều trường hợp trong số các trường hợp sau:
a) Hoạt động thuộc một hoặc nhiều công đoạn
trong các công đoạn từ 2 đến 4 của quy trình sản xuất sản phẩm phần mềm quy
định tại các Khoản 2, 3, 4 Điều 5 Thông tư này đối với sản phẩm phần mềm nêu
tại Điểm b, Khoản 1 Điều này.
b) Hoạt động nêu tại công đoạn 1, công đoạn 5
của quy trình sản xuất sản phẩm phần mềm quy định tại Khoản 1 và Khoản 5 Điều 5
Thông tư này, khi tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đó có hoạt động thỏa mãn quy
định tại Điểm a, Khoản này đối với cùng một sản phẩm phần mềm.
c) Hoạt động thuộc công đoạn 6 của quy trình sản
xuất sản phẩm phần mềm quy định tại Khoản 6 Điều 5 Thông tư này, khi tổ chức,
doanh nghiệp, cá nhân đó có các hoạt động thuộc đầy đủ cả 5 công đoạn từ 1 đến
5 của quy trình sản xuất sản phẩm phần mềm quy định từ Khoản 1 đến Khoản 5 Điều
5 Thông tư này đối với cùng một sản phẩm phần mềm.”
- Căn cứ Danh mục sản phẩm phần mềm ban hành theo
Thông tư số 09/2013/TT-BTTTT ngày 08/04/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Căn cứ các quy định trên và hồ sơ giải trình bổ
sung thông tin của Công ty cung cấp, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:
1. Xác định hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm:
Căn cứ các quy định trên, hoạt động của Công ty
được xác định là hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm nếu sản phẩm của Công ty
sản xuất thuộc Danh mục sản phẩm phần mềm ban hành theo Thông tư số
09/2013/TT-BTTTT và Công ty đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại Điều 6, Thông
tư 16/2014/TT-BTTTT nêu trên.
2. Về thuế TNDN:
Trường hợp Công ty được cấp phép thực hiện dự án
đầu tư mới đáp ứng điều kiện là dự án đầu tư mới theo quy định tại Khoản 3,
Điều 10, Thông tư 96/2015/TT-BTC và dự án đầu tư mới này hoạt động trong lĩnh
vực sản xuất sản phẩm phần mềm thì thu nhập từ hoạt động này được hưởng ưu đãi
thuế:
+ Thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm, kể từ
năm đầu tiên có doanh thu từ dự án đầu tư mới; và
+ Miễn thuế 04 năm kể từ năm đầu tiên doanh nghiệp
có thu nhập chịu thuế từ dự án đầu tư mới được hưởng ưu đãi thuế và giảm 50% số
thuế phải nộp trong 09 năm tiếp theo. Trường hợp doanh nghiệp không có thu nhập
chịu thuế trong ba năm đầu, kể từ năm đầu tiên có doanh thu từ dự án đầu tư mới
thì thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính từ năm thứ tư dự án đầu tư mới
phát sinh doanh thu.
Công ty thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ
và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo kê khai để được áp dụng ưu đãi.
3. Về thuế GTGT:
Hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm và dịch vụ
phần mềm thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo quy định tại Khoản 21, Điều
4, Thông tư 219/2013/TT-BTC.
Trường hợp Công ty sản xuất sản phẩm phần mềm cho
tổ chức, cá nhân nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam; cung ứng cho tổ
chức, cá nhân trong khu phi thuế quan và tiêu dùng trong khu phi thuế quan theo
quy định của pháp luật thì thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT là 0%
nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 9, Thông tư 219/2013/TT-BTC.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị
Công ty liên hệ với Cục Thuế TP Hà Nội (phòng Kiểm tra thuế số 1) để được hướng
dẫn cụ thể.
Cục Thuế TP Hà Nội trả lời để Công ty TNHH Sekisho
Việt Nam được biết và thực hiện./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Phòng: PC, KT1;
- Lưu: VT, TTHT(2).
|
KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG
Mai Sơn
|