BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2747/TCT-CS
V/v: chính sách thuế
|
Hà Nội, ngày
12 tháng 7 năm 2018
|
Kính gửi:
Cục Thuế tỉnh Đồng Nai
Tổng cục Thuế nhận được công văn số 1736/CT-KTI
ngày 28/3/2018 của Cục Thuế tỉnh Đồng Nai nêu vướng mắc về chính sách thuế đối
với hoạt động chuyển nhượng vốn. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như
sau:
1. Đối với trường hợp liên quan tới Công ty TNHH
Syngenta Việt Nam:
- Tại khoản 2 Điều 2 Luật thuế
TNDN 14/2008/QH12 của Quốc hội quy định:
"Điều 2. Người nộp thuế
1. Người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là tổ chức hoạt động sản xuất,
kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật này
(sau đây gọi là doanh nghiệp), bao gồm:
a) Doanh nghiệp
được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam;
b) Doanh nghiệp
được thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài (sau đây gọi là doanh
nghiệp nước ngoài) có cơ sở thường trú hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt
Nam;
c) Tổ chức được
thành lập theo Luật hợp tác xã;
d) Đơn vị sự
nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam;
đ) Tổ chức
khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập.”
- Tại Khoản 1
Điều 1 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/2/2015 của Chính phủ quy định:
“3 Thu nhập
chịu thuế phát sinh tại Việt Nam của các doanh nghiệp nước ngoài quy định tại
các Điểm c, d Khoản 2 Điều 2 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp là
thu nhập nhận được có nguồn gốc từ Việt Nam từ hoạt động cung ứng dịch vụ, cung
cấp và phân phối hàng hóa, cho vay vốn, tiền bản quyền cho tổ chức cá nhân Việt
Nam hoặc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam hoặc từ
chuyển nhượng vốn, dự án đầu tư, quyền góp vốn, quyền tham gia các dự án đầu
tư, quyền thăm dò, khai thác, chế biến tài nguyên khoáng sản tại Việt Nam,
không phụ thuộc vào địa điểm tiến hành kinh doanh."
- Tại Khoản
4, 5, 6, Điều 13 - Lợi tức từ chuyển nhượng tài sản của Hiệp định thuế Việt Nam
- Thụy Sỹ:
"4. Lợi tức do một đối
tượng cư trú của một Nước ký kết thu được từ việc chuyển nhượng cổ phần hay các
quyền lợi tương ứng tại một công ty có tài sản bao gồm toàn bộ hay chủ yếu là bất
động sản nêu tại Điều 6 và bất động sản đó nằm
tại Nước ký kết kia có thể bị đánh thuế tại Nước kia.
5. Lợi tức từ việc chuyển
nhượng cổ phần tại một công ty là đối tượng cư trú của một Nước ký kết trừ công
ty nêu tại khoản 4, và cổ phần đó chiếm tối
thiểu 20 phần trăm vốn của công ty đó có thể bị đánh thuế tại Nước đó, nhưng thuế
áp dụng tại Nước đó sẽ được giảm đi một khoản tiền bằng 50 phần trăm số thuế được
tính.
6. Lợi tức thu được từ việc
chuyển nhượng bất kỳ tài sản nào khác với tài sản nêu tại các khoản
1,2,3, 4 và 5 sẽ chỉ bị đánh thuế tại Nước nơi đối tượng chuyển nhượng
là đối tượng cư trú "
Theo đó, về nguyên tắc, trường
hợp 100% cổ phiếu của Syngenta AG - Thụy Sĩ (sở hữu gián tiếp Công ty TNHH
Syngenta Việt Nam thông qua Syngenta Participation AG) được chuyển nhượng cho
CNAC Saturm B.V (một công ty con của tập đoàn hóa chất Trung Quốc) có phát sinh
thu nhập thì khoản thu nhập phát sinh từ hoạt động chuyển nhượng 100% cổ phiếu
niêm yết của SAG tương ứng với phần góp vốn đầu tư vào Công ty TNHH Syngenta Việt
Nam thuộc đối tượng chịu thuế TNDN tại Việt Nam.
- Về việc xác định số thuế
TNDN phải nộp, tại Khoản 3 Điều 6 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP
quy định về thu nhập chịu thuế:
"a) Đối với thu nhập
từ chuyển nhượng vốn (trừ thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán quy định tại Điểm
b Khoản này) được xác định bằng tổng số tiền thu theo hợp đồng chuyển nhượng trừ
(-) giá mua phần vốn được chuyển nhượng, trừ (-) chi phí liên quan trực tiếp đến
việc chuyển nhượng.
Trường hợp doanh nghiệp
có chuyển nhượng vốn không nhận bằng tiền mà nhận bằng tài sản, lợi ích vật chất
khác (như: cổ phiếu, chứng chỉ quỹ) có phát sinh thu nhập thì phải chịu thuế
thu nhập doanh nghiệp;
b) Đối với thu nhập từ
chuyển nhượng chứng khoán được xác định bằng giá bán trừ (-) giá mua của chứng
khoán được chuyển nhượng, trừ (-) các chi phí liên quan trực tiếp đến việc chuyển
nhượng chứng khoán ".
Như vậy, về nguyên tắc thu
nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn được xác định bằng giá chuyển nhượng - (giá
mua của phần vốn chuyển nhượng + các chi phí chuyển nhượng có liên
quan).
Tuy nhiên, để có căn cứ xác
định số thuế TNDN phải nộp từ hoạt động chuyển nhượng vốn liên quan đến tài sản
đầu tư tại Công ty TNHH Syngenta Việt.Nam, đề nghị Cục Thuế căn cứ đầy đủ hồ sơ
chuyển nhượng, bao gồm: các số liệu về giá bán, giá mua của phần vốn chuyển nhượng;
cơ cấu cổ phần của SAG trước khi chuyển nhượng; mối quan hệ giữa SAG và các chi
nhánh/công ty con, trong đó có SPARTAG và Syngenta VN về vốn góp, hoạt động sản
xuất kinh doanh, tài sản, nhân sự… để làm rõ phạm vi chuyển nhượng cổ phần của
SAG cho CNAC Saturm B.V. có bao gồm các doanh nghiệp, hay tài sản khác thuộc sở
hữu của SAG, SPARTAG hay không…
2. Đối với trường hợp liên
quan tới Công ty TNHH Hitachi Chimical Việt Nam:
Tại Tiết c Khoản
2 Điều 14 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính hướng
dẫn:
c) Đối với tổ chức nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam
hoặc có thu nhập tại Việt Nam mà tổ chức này không hoạt động theo Luật Đầu tư,
Luật Doanh nghiệp (gọi chung là nhà thầu nước ngoài) có hoạt động chuyển nhượng
vốn thì thực hiện kê khai, nộp thuế như sau:
Tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng vốn có trách nhiệm
xác định, kê khai, khấu trừ và nộp thay tổ chức nước ngoài số thuế thu nhập
doanh nghiệp phải nộp. Trường hợp bên nhận chuyển nhượng vốn cũng là tổ chức nước
ngoài không hoạt động theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp thì doanh nghiệp
thành lập theo pháp luật Việt Nam nơi các tổ chức nước ngoài đầu tư vốn có
trách nhiệm kê khai và nộp thay số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp từ hoạt
động chuyển nhượng vốn của tổ chức nước ngoài.
Việc kê khai thuế, nộp thuế được thực hiện theo quy định
tại các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý thuế.”
Như vậy, về nguyên tắc, trường
hợp các bên chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng trong hoạt động chuyển nhượng vốn
đều là tổ chức nước ngoài không hoạt động theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp
thì Công ty tại Việt Nam (nơi các tổ chức đầu tư vốn) có trách nhiệm kê khai và
nộp thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp từ hoạt động chuyển nhượng vốn của tổ
chức nước ngoài.
Tại công văn số 1736/CT-KTl
ngày 28/3/2018 Cục Thuế có nêu: Cục Thuế đã làm việc với Công ty Hitachi
Chemical Việt Nam nhưng Công ty không cung cấp được các hồ sơ, thông tin liên
quan hoạt động chuyển nhượng vốn giữa Công ty JCI và Công ty Hiatachi do các
giao dịch này thực hiện ở nước ngoài.
Ngoài ra, theo thông tin
trên cơ sở dữ liệu thương mại của Công ty Bureau van Dijk (BVD), là công ty
chuyên thu thập và cung cấp dữ liệu thông tin về các công ty trên toàn thế giới
thì: Từ 31/12/2016 đến nay: Công ty TNHH Hitachi Chimical Việt Nam (công ty sau
khi đổi tên) thuộc sở hữu 100% của Joy& Cheers Intemational Co., Ltd Việt
Nam). Trong đó, Joy& Cheers Intemational Co., Ltd (Việt Nam) thuộc sở hữu
100% của CSB Battery Co. Ltd (Đài Loan), CSB Battery Co. Ltd (Đài Loan) thuộc tập
đoàn có công ty mẹ tối hậu là Hitachi. Ltd (Nhật Bản).
Do đó, để có đầy đủ căn cứ
làm cơ sở áp dụng chính sách thuế phù hợp, đề nghị Cục Thuế tỉnh Đồng Nai phối
hợp với các cơ quan liên quan như cơ quan cấp phép đầu tư (Sở Kế hoạch Đầu tư,
Ban Quản lý các khu công nghiệp), cơ quan tài nguyên môi trường… đồng thời
áp dụng các biện pháp hành chính theo quy định của pháp luật như thanh tra, kiểm
tra hoặc phối hợp với các cơ quan nhà nước khác để làm rõ các thông tin liên
quan và việc có hay không hoạt động chuyển nhượng vốn tại doanh nghiệp.
Tổng cục Thuế trả lời để Cục
Thuế tỉnh Đồng Nai được biết. Đề nghị Cục Thuế tỉnh Đồng Nai căn cứ quy định tại
các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và tình hình thực tế tại doanh nghiệp
để hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện theo đúng quy định./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Phó TCTr Cao Anh Tuấn (để báo cáo);
- Vụ PC, DNL, HTQT, TTtra (TCT);
- Lưu: VT, CS (3b).
|
TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG VỤ CHÍNH SÁCH
Lưu Đức Huy
|