BỘ
TÀI CHÍNH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 14233/BTC-CST
V/v đề xuất các chính sách,
biện pháp ưu đãi thuế, phí và lệ phí đối với hoạt động KTBĐ
|
Hà
Nội, ngày 14 tháng 12 năm 2021
|
Kính
gửi:
|
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam;
- Các Hiệp hội: Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội khách sạn Việt Nam.
|
Ngày 27/7/2020, Thủ tướng Chính phủ
đã ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg về Phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban
đêm (KTBĐ) ở Việt Nam, trong đó tại điểm 4a Điều 2 Quyết định số
1129/QĐ-TTg và số thứ tự 4 tại Kế hoạch triển khai thực hiện có giao Bộ Tài
chính “Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu các chính
sách, biện pháp ưu đãi thuế đối với hoạt động KTBĐ”.
Ngày 30/6/2021, Bộ Tài chính đã có
công văn số 7143/BTC-CST báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các chính sách, biện
pháp ưu đãi thuế đối với hoạt động KTBĐ (công văn số 7143/BTC-CST gửi kèm).
Ngày 06/8/2021, Văn phòng Chính phủ
đã có công văn số 5372/VPCP- KTTH thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ
Lê Minh Khái: “Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành, địa phương,
cơ quan liên quan, tham vấn ý kiến chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp, tham khảo
kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt các quốc gia có điều kiện kinh tế, văn hóa tương
đồng với Việt Nam, trên cơ sở đó nghiên cứu các chính sách, biện pháp ưu đãi
thuế đối với hoạt động kinh tế ban đêm, bám sát các mục tiêu, yêu cầu, quan điểm,
giải pháp tại Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ
phê duyệt Đề án phát triển KTBĐ ở Việt Nam; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong
Quý IV năm 2021”.
Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo nêu trên của
Phó Thủ tướng, Bộ Tài chính dự kiến đề xuất các chính sách, biện pháp ưu đãi
thuế, phí và lệ phí đối với hoạt động KTBĐ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ như
sau:
1. Về phạm vi và đối tượng tham
gia hoạt động KTBĐ đề xuất áp dụng các chính sách, biện pháp ưu đãi thuế, phí
và lệ phí
- Về phạm vi: Trên cơ sở quan điểm
phát triển KTBĐ tại Quyết định số 1129/QĐ-TTg nêu trên thì phạm vi áp dụng thí điểm
KTBĐ cần tập trung vào một số thành phố lớn đã phát triển dịch vụ ban đêm phục
vụ khách du lịch như: Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Sapa, Huế, Quảng Ninh,
Hội An, Cần Thơ... hoặc những tỉnh, thành phố có du lịch phát triển như: Đà Lạt,
Phú Quốc, Nha Trang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng... Đồng thời các địa
phương này cũng cần xây dựng kế hoạch, có quy hoạch để xác định rõ ranh giới,
khu vực có địa giới cụ thể cần tập trung phát triển KTBĐ và được cấp có thẩm
quyền phê duyệt.
- Về đối tượng tham gia hoạt động
KTBĐ đề xuất được hưởng các chính sách, biện pháp ưu đãi thuế gồm: các doanh
nghiệp, hộ kinh doanh, người lao động tham gia hoạt động KTBĐ tại địa bàn thí điểm
phát triển KTBĐ.
2. Các chính sách, biện pháp
thuế, phí và lệ phí có thể áp dụng để khuyến khích phát triển hoạt động KTBĐ
Từ kiến nghị của các bộ ngành, địa
phương và kinh nghiệm phát triển nền KTBĐ tại một số quốc gia (như đã báo cáo tại
công văn số 7143/BTC-CST) cũng như nghiên cứu của các học giả, nhà nghiên cứu về
KTBĐ thời gian qua cho thấy:
Xây dựng các cơ chế, chính sách cho
phát triển KTBĐ không nhất thiết phải theo hướng hỗ trợ, ưu đãi về tài chính, đặc
biệt là ưu đãi về thuế, bởi vì các lý do sau:
- Tại Chiến lược phát triển kinh tế -
xã hội 10 năm 2021 - 2030 và tại Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ
phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát
triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 (trong Văn Kiện đại hội đại biểu toàn quốc
lần thứ XIII Đảng cộng sản Việt Nam) đã đưa ra phương hướng, nhiệm vụ, giải
pháp phát triển kinh tế - xã hội về thuế, phí như sau:
+ Sửa đổi, bổ sung các luật về thuế,
phí theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, gắn với cơ cấu lại
nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế
và áp dụng mức thuế suất hợp lý, hướng tới một hệ thống thuế đồng bộ, có cơ cấu
bền vững, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho ngân sách nhà nước, đồng thời
góp phần thiết lập môi trường cạnh tranh phù hợp với quá trình hội nhập, phát
triển của nền kinh tế.
+ Sửa đổi hệ thống luật và chính
sách thuế, phí, lệ phí theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế,
nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư. Mở rộng cơ sở thu, bảo đảm tính
công bằng, trung lập của chính sách thuế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông
tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ các thủ tục nộp thuế,
phí của người dân và doanh nghiệp
Tại Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày
18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà
nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững đã
đưa ra mục tiêu cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng bảo đảm nền tài chính
quốc gia an toàn, bền vững, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời đưa
ra một trong các giải pháp thực hiện mục tiêu nêu trên là tập trung cơ cấu lại
nguồn thu; hoàn thiện chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước
theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn
thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế; tăng tỷ trọng thu nội địa, bảo đảm tỷ trọng
hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu, khai thác tốt thuế thu từ tài sản,
tài nguyên, bảo vệ môi trường, hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội
trong các sắc thuế và chính sách miễn, giảm, giãn thuế, đảm bảo tính trung lập
của thuế, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến
khích đầu tư, điều tiết thu nhập hợp lý.
- Chính sách về thuế, phí và lệ phí
áp dụng bình đẳng cho các thành phần kinh tế. Về cơ bản, các cơ chế, chính sách
cho phát triển KTBĐ đã dược thể hiện trên khung pháp lý chung, không phân biệt
giữa chính sách cho kinh tế ban ngày hay KTBĐ. Do đó, tất cả các đối tượng tham
gia hoạt động KTBĐ đáp ứng đủ điều kiện đều được hưởng các cơ chế, chính sách
ưu đãi, trong đó có chính sách ưu đãi về thuế để phát triển.
- Nghiên cứu kinh nghiệm các nước cho
thấy một số nước có chính sách hỗ trợ tài chính cho phát triển KTBĐ nhưng không
thấy có quốc gia nào có chính sách hỗ trợ, ưu đãi về thuế. Một số chính sách hỗ
trợ tài chính bao gồm: trợ cấp bằng tiền cho các hộ kinh doanh ban đêm, hỗ trợ
kinh phí nâng cấp, cải tạo cửa hàng tại các khu thương mại ban đêm, hỗ trợ vé đối
với các hoạt động biểu diễn nghệ thuật (Trung Quốc); đảm bảo ngân sách duy trì
lực lượng cảnh sát phục vụ phát triển KTBĐ (London, Anh); hỗ trợ đầu tư các địa
điểm biểu diễn âm nhạc (Paris, Pháp); hỗ trợ kinh phí mở rộng các tuyến xe buýt
phục vụ đêm (Úc)...
- Để phát triển KTBĐ, cần thực hiện
nhiều giải pháp đồng bộ (5 nhóm giải pháp theo Quyết định số 1129/QĐ-TTg),
trong đó, trước hết các địa phương thực hiện thí điểm KTBĐ cần xây dựng khung
pháp lý cho hoạt động KTBĐ nằm trong khung pháp lý tổng thể của nền kinh tế
nhưng cũng phải phù hợp với đặc thù của từng địa phương, đảm bảo an ninh trên địa
bàn, đảm bảo khuyến khích đúng đối tượng tham gia cung cấp sản phẩm, dịch vụ
cho KTBĐ tại địa phương, chính sách hỗ trợ (nếu có) của địa phương; có giải
pháp về phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho KTBĐ; giải pháp về tuyên truyền
quảng bá du lịch để thu hút khách du lịch; thông tin, tuyên truyền để nâng cao
nhận thức của người dân,...
Như vậy, về bản chất, việc tách bạch
chính sách ưu đãi về thuế đối với hoạt động kinh tế ban ngày và KTBĐ không phải
là giải pháp thực sự góp phần khuyến khích các chủ thể tham gia vào hoạt động
KTBĐ, trong khi đó lại gây khó khăn, phức tạp trong công tác quản lý thuế vì đa
phần người lao động, tài sản của doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong khu vực có
hoạt động KTBĐ đều tham gia vào hoạt động kinh tế ban ngày và KTBĐ nên khó tách
bạch thu nhập giữa kinh tế ban ngày và KTBĐ để áp dụng chính sách ưu đãi thuế.
Ngoài ra, trong năm 2020 và 2021 do ảnh
hưởng của dịch Covid-19, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính
đã ban hành nhiều giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất nhằm tháo gỡ
khó khăn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, trong đó có các ngành, nghề liên
quan đến hoạt động KTBĐ như: (i) Thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế (thuế giá
trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân
(TNCN)) và tiền thuê đất cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch
Covid- 19 năm 2020, 2021, trong đó có các ngành, nghề liên quan đến hoạt động
KTBĐ như: dịch vụ lưu trú và ăn uống; hoạt động của các đại lý du lịch, kinh
doanh tua du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tua
du lịch; hoạt động của bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; hoạt động thể
thao, vui chơi giải trí,...; (ii) Giảm thuế TNDN phải nộp của năm 2020, 2021 đối
với doanh nghiệp, tổ chức có doanh thu năm không quá 200 tỷ đồng; (iii) Nâng mức
giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN qua đó giảm nghĩa vụ thuế của cá nhân; (iv) Giảm
tiền thuê đất phải nộp của năm 2020, 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi
dịch Covid-19; (v) Giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay năm
2020, 2021 để tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không; (vi) Miễn thuế (thuế TNCN,
thuế GTGT và các loại thuế khác) trong quý III và quý IV của năm 2021 đối với hộ
kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa
bàn cấp huyện chịu tác động của dịch Covid-19 trong năm 2021; (vii) giảm mức
thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ trong nhiều ngành nghề, trong đó có các
ngành, nghề liên quan đến hoạt động KTBĐ như: dịch vụ vận tải (vận tải đường sắt,
vận tải đường thủy, vận tải hàng không, vận tải đường bộ khác); dịch vụ lưu
trú; dịch vụ ăn uống; dịch vụ của các đại lý du lịch, kinh doanh tua du lịch và
các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tua du lịch; dịch vụ của
bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; dịch vụ thể thao, vui chơi và giải
trí,...; (viii) giảm mức thu hơn 30 khoản phí, lệ phí với mức giảm cao;...
Vì vậy, trường hợp đặt vấn đề có cơ
chế chính sách, biện pháp ưu đãi về thuế, phí và lệ phí để thúc đẩy các doanh
nghiệp, các hộ kinh doanh tham gia hoạt động KTBĐ tại các khu vực thí điểm phát
triển KTBĐ ở các địa phương, Bộ Tài chính thấy rằng có thể xem xét, áp dụng một
số chính sách, biện pháp ưu đãi về phí và lệ phí sau:
- Miễn lệ phí môn bài đối với hộ gia
đình, cá nhân, nhóm cá nhân, tổ chức đăng ký kinh doanh tại địa bàn thí điểm
KTBĐ.
- Miễn phí thẩm định cấp giấy phép
kinh doanh karaoke, vũ trường tại địa bàn thí điểm KTBĐ.
- Giảm 50% mức phí thăm quan các bảo
tàng, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa nằm trong địa
bàn thí điểm phát triển KTBĐ.
- Giảm 50% phí thẩm định chương trình
nghệ thuật biểu diễn tại địa bàn thí điểm KTBĐ.
* Về thẩm quyền ban hành các chính
sách, biện pháp ưu đãi về phí và lệ phí:
Theo quy định tại Điều
5 Luật Phí và lệ phí thì Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Hội đồng nhân
dân cấp tỉnh quy định cụ thể đối tượng được miễn, giảm đối với từng khoản phí,
lệ phí thuộc thẩm quyền.
+ Lệ phí môn bài thuộc thẩm quyền của
Chính phủ và đang thực hiện theo quy định tại Nghị định số 139/2016/NĐ-CP và
Nghị định số 22/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Trường hợp miễn, giảm lệ phí môn bài
đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân kinh doanh cho địa bàn
thí điểm phát triển KTBĐ thì cần nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định
của Chính phủ.
+ Phí thăm quan bảo tàng, danh lam thắng
cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa...: Bộ Tài chính quy định thu phí đối
với công trình do Trung ương quản lý, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định thu
phí đối với công trình do địa phương quản lý. Trường hợp quy định miễn, giảm đối
với khoản phí này, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư thu
phí, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nghiên cứu, sửa đổi Nghị quyết của Hội đồng
nhân dân theo thẩm quyền.
Ngoài ra, nghiên cứu về chính sách miễn,
giảm tiền thuê đất, Bộ Tài chính thấy rằng: Theo quy định tại Luật Đất đai năm
2013 (Điều 110) việc miễn, giảm tiền thuê đất được thực hiện
trong trường hợp sử dụng đất vào mục đích sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực
ưu đãi đầu tư hoặc địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Các mức miễn, giảm tiền thuê đất được
quy định cụ thể tại Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014, Nghị định số 135/2016/NĐ-CP
ngày 09/9/2016, Nghị định số 123/2017/NĐ-CP ngày 14/11/2017 của Chính phủ và
các Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành.
Do đó, trường hợp cần thiết phải có
quy định miễn, giảm tiền thuê đất đối với hoạt động KTBĐ, Bộ Tài chính trình Thủ
tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khảo sát, đánh giá đối với hoạt động
KTBĐ này; trên cơ sở đó nghiên cứu bổ sung vào Danh mục lĩnh vực, ngành nghề ưu
đãi đầu tư, đặc biệt ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư đối với
các hoạt động KTBĐ để được hưởng các mức ưu đãi tiền thuê đất theo quy định của
pháp luật đất đai.
Đề nghị Quý Cơ quan có ý kiến tham
gia về nội dung để xuất nêu trên của Bộ Tài chính và đề xuất các giải pháp
chính sách ưu đãi cụ thể (nếu có). Ý kiến tham gia đề nghị gửi về Bộ Tài chính
(Vụ Chính sách thuế) trước ngày 22 tháng 12 năm 2021, đồng thời gửi file word về
địa chỉ email: [email protected].
Xin cảm ơn sự phối hợp công tác của
Quý Cơ quan./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các đơn vị: TCT, Viện CL&CSTC, Cục QCLS, Cục TCDN, Vụ PC;
- Lưu: VT, Vụ CST (TN).
|
KT.
BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Vũ Thị Mai
|