BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 525/TCT-PC
V/v xác định tư cách tham gia tố tụng hình sự.
|
Hà Nội, ngày 23
tháng 02 năm 2023
|
Kính gửi: Cục
Thuế tỉnh An Giang
Tổng cục Thuế nhận được Công văn số 2693/CT-TCCB
ngày 29/12/2022 của Cục Thuế tỉnh An Giang báo cáo vướng mắc về việc cử người đại
diện tham gia tố tụng với tư cách là bị hại để bảo vệ quyền lợi của Nhà nước. Về
vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
- Khoản 1; điểm a khoản 5 Điều 68 Bộ
luật Tố tụng hình sự ngày 27 tháng 11 năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung
ngày 12 tháng 11 năm 2021) quy định:
“Điều 68. Người giám định
1. Người giám định là người có kiến thức chuyên
môn về lĩnh vực cần giám định, được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng
trưng cầu, người tham gia tố tụng yêu cầu giám định theo quy định của pháp luật.
5. Người giám định phải từ chối tham gia tố tụng
hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại
diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo:...”
- Khoản 2 Điều 19; điểm đ khoản 2 Điều
24; khoản 2 Điều 32 và khoản 2 Điều 34 Văn bản hợp nhất số 01/VBHN-VPQH
ngày 15 tháng 7 năm 2020 của Văn phòng Quốc hội hợp nhất Luật Giám định tư pháp
quy định:
“Điều 19. Tổ chức giám định tư pháp theo vụ
việc
2. Tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc thực
hiện giám định theo trưng cầu, yêu cầu giám định theo quy định của Luật này.
Người đứng đầu tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận và phân công người thực hiện
giám định tư pháp”.
“Điều 24. Quyền, nghĩa vụ của tổ chức được
trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp
2. Tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định tư
pháp có nghĩa vụ:
đ) Chịu trách nhiệm về kết luận giám định tư pháp
do mình đưa ra.
“Điều 32. Kết luận giám định tư pháp
2. Trong trường hợp trưng cầu, yêu cầu cá nhân
thực hiện giám định tư pháp thì ban kết luận giám định tư pháp phải có chữ ký
và ghi rõ họ, tên của người giám định tư pháp. Trường hợp yêu cầu tổ chức cử
người giám định thì bản kết luận giám định tư pháp phải có đầy đủ chữ ký, ghi
rõ họ, tên của người giám định tư pháp và có xác nhận chữ ký của tổ chức cử người
giám định.
Trường hợp trưng cầu, yêu cầu tổ chức thực hiện
giám định tư pháp thì ngoài chữ ký, họ, tên của người giám định, người đứng đầu
tổ chức còn phải ký tên, đóng dấu vào bản kết luận giám định tư pháp và tổ chức
được trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp phải chịu trách nhiệm về kết luận
giám định tư pháp.
Trường hợp Hội đồng giám định quy định tại khoản
1 Điều 30 của Luật này thực hiện giám định thì người có thẩm quyền quyết định
thành lập Hội đồng phải ký tên, đóng dấu vào bản kết luận giám định tư pháp và
chịu trách nhiệm về tư cách pháp lý của Hội đồng giám định.”
“Điều 34. Các trường hợp không được thực hiện
giám định tư pháp
2. Tổ chức thuộc một trong các trường hợp sau
đây thì không được thực hiện giám định tư pháp:
a) Có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, vụ
việc theo quy định của pháp luật về tố tụng;
b) Có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng tổ chức
này có thể không khách quan, vô tư trong khi thực hiện giám định.”
- Điểm c khoản 4; khoản 5 Điều 16
Thông tư số 40/2022/TT-BTC ngày 29 tháng 6 năm 2022 của Bộ Tài chính quy định:
“Điều 16. Kết luận giám định tư pháp
4. Trường hợp người trưng cầu giám định trưng cầu
tổ chức cử người giám định thì bản kết luận giám định phải có đầy đủ chữ ký,
ghi rõ họ và tên của người giám định tư pháp và có xác nhận chữ ký của tổ chức
cử người giám định theo quy định tại khoản 18 Điều 1 Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Thông tư này hướng dẫn một
số nội dung cụ thể trong việc ký và xác nhận chữ ký do Bộ Tài chính, các đơn vị
thuộc Bộ Tài chính cử người giám định như sau:
…
c) Trường hợp văn bản trưng cầu giám định tư
pháp gửi các đơn vị cấp Cục thuộc Tổng cục (hoặc tương đương) đóng tại địa
phương để cử người giám định thì bản kết luận giám định phải có chữ ký, ghi rõ
họ và tên của giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc và
có xác nhận chữ ký của Lãnh đạo đơn vị.
5. Trường hợp người trưng cầu giám định trưng cầu
tổ chức thực hiện giám định tư pháp thì ngoài chữ ký, họ và tên của người giám
định, người đứng đầu tổ chức phải ký tên, đóng dấu vào bản kết luận giám định
tư pháp và tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp phải chịu trách
nhiệm về kết luận giám định tư pháp theo quy định tại khoản 18 Điều
1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.”
- Khoản 1; điểm g khoản 2 Điều 62 Bộ
luật Tố tụng hình sự ngày 27 tháng 11 năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung
ngày 12 tháng 11 năm 2021) quy định:
“Điều 62. Bị hại
1. Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về
thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản,
uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra.
2. Bị hại hoặc người đại diện của họ có quyền:
g) Đề nghị hình phạt, mức bồi thường thiệt hại,
biện pháp bảo đảm bồi thường:”
- Khoản 1 Điều 1; khoản 19 Điều 2
Quyết định số 1836/QĐ-BTC ngày 08 tháng 10 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài
chính quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Thuế trực
thuộc Tổng cục Thuế quy định:
“Điều 1. Vị trí và chức năng
1. Cục Thuế ở các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương (sau đây gọi chung là Cục Thuế) là tổ chức trực thuộc Tổng cục Thuế,
có chức năng tổ chức thực hiện công tác quản lý thuế, phí, lệ phí và các khoản
thu khác của ngân sách nhà nước (sau đây gọi chung là thuế) thuộc phạm vi nhiệm
vụ của cơ quan thuế quản lý trên địa bàn theo quy định của pháp luật.”
“Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn
Cục Thuế thực hiện nhiệm vụ quyền hạn trách nhiệm
theo quy định của Luật Quản lý thuế, các luật thuế, các quy định pháp luật có
liên quan khác và các nhiệm vụ quyền hạn cụ thể sau đây:
19. Giám định để xác định số thuế phải nộp của
người nộp thuế theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”
Căn cứ các quy định nêu trên:
Cục Thuế là cơ quan thuế địa phương, được giao quyền
tổ chức thực hiện công tác quản lý thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác của
ngân sách nhà nước trên địa bàn quản lý. Do đó, trong các vụ án trốn thuế mà
người nộp thuế thuộc đối tượng quản lý của Cục Thuế thì Cục Thuế tham gia tố tụng
hình sự với tư cách là bị hại để bảo vệ quyền lợi của nhà nước, yêu cầu cơ quan
tiến hành tố tụng hình sự truy thu số tiền thuế trốn là đúng chức năng, nhiệm vụ
của Cục Thuế. Đồng thời, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Cục Thuế có thể thực
hiện nhiệm vụ giám định để xác định số thuế phải nộp của người nộp thuế theo
yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trường hợp Cục Thuế cử giám định viên thực hiện
giám định theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự và Người giám định
là công chức thuộc Cục Thuế tham gia tố tụng hình sự với tư cách cá nhân và chịu
trách nhiệm cá nhân về kết luận giám định: Cục Thuế hoàn toàn có thể tham gia tố
tụng hình sự với tư cách bị hại thông qua người đại diện theo pháp luật của Cục
Thuế hoặc thông qua người đại diện theo ủy quyền của người đại diện theo pháp
luật của Cục Thuế trong các vụ án trốn thuế phát sinh trên địa bàn quản lý của
mình.
Trường hợp Cục Thuế đã thực hiện giám định tư pháp
thông qua giám định viên là các công chức thuộc quyền quản lý, Cục Thuế phải chịu
trách nhiệm về kết luận giám định tư pháp: Cục Thuế đã tham gia tố tụng hình sự
với tư cách là Người giám định nên khi được cơ quan tiến hành tố tụng đề nghị,
yêu cầu tham gia tố tụng với tư cách là bị hại thì Cục Thuế phải thông báo lại
để đề nghị thay đổi Người giám định và đề nghị được tham gia tố tụng hình sự với
tư cách là bị hại để bảo vệ quyền lợi của Nhà nước.
Căn cứ các quy định nêu trên và tình hình thực tế,
đề nghị Cục Thuế thực hiện theo đúng quy định./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Phó TCTr Phi Vân Tuấn (để báo cáo);
- Lưu: VT, PC(2b).
|
TL. TỔNG CỤC
TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ PHÁP CHẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG
Thành Xuân Lý
|