Kính
gửi:
|
- Viện kiểm sát Quân sự trung ương;
- Các đơn vị thuộc VKSND tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân cấp cao 1, 2, 3;
- VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
|
Qua thực tiễn công tác Tiếp công dân;
Giải quyết và Kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư
pháp, thuộc trách nhiệm của ngành Kiểm sát nhân dân; VKSND tối cao (Vụ 12) đã hệ
thống, nghiên cứu và giải đáp cụ thể như sau:
I. NHỮNG NỘI DUNG
LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC TIẾP CÔNG DÂN (02 nội dung)
1. Chưa có quy định về việc giải quyết đối với các trường hợp khiếu nại,
tố cáo của công dân đã có văn bản giải quyết có hiệu lực pháp luật nhưng công
dân không đồng ý vẫn tiếp tục đến trụ sở tiếp công dân yêu cầu giải quyết.
Trả lời:
Đối với đơn không thuộc thẩm quyền giải
quyết, kiểm sát việc giải quyết của ngành kiểm sát thì hướng dẫn người đó đến
đúng cơ quan có thẩm quyền nộp đơn.
Đối với đơn thuộc thẩm quyền của
ngành Kiểm sát thì thực hiện theo Quy trình tiếp công dân của ngành.
2. Chưa quy định về việc tiếp nhận và giải quyết các trường hợp công dân
đến khiếu nại, tố cáo tự thực hiện việc ghi âm, ghi hình và cung cấp tài liệu
điện tử. Cần giải thích sự linh hoạt của Kiểm sát viên nêu tại mục
2 phần I Công văn số 1066/VKSTC-V12 ngày 22/3/2021.
Trả lời:
Đối với việc quy định ghi âm, ghi hình:
Vấn đề này đã được trả lời tại tiểu mục
1 Mục I phần B Công văn số 355/VKSTC ngày 25/01/2019 và tại mục
2 phần I Công văn số 1066/VKSTC-V12 ngày 22/3/2021 về việc giải đáp vướng mắc
về công tác kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư
pháp đã trả lời.
Sự linh hoạt của cán bộ tiếp công dân
nêu trên được hiểu là tùy từng trường hợp cụ thể, cán bộ tiếp công dân báo cáo
xin ý kiến của lãnh đạo Viện trước khi quyết định.
- Đối với việc thực hiện cung cấp tài
liệu điện tử: Vấn đề này đã được trả lời tại mục 3 Phần I Công
văn số 1066/VKSTC-V12 ngày 22/3/2021.
II. NHỮNG NỘI DUNG
LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO (18 nội dung)
1. Quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc
giải quyết khiếu nại, tố cáo (Quy chế 51) chưa quy định cụ thể về trình tự, thủ
tục, thời hạn giải quyết đơn kiến nghị, đề nghị, phản ánh, yêu cầu liên quan đến
hoạt động tư pháp dẫn đến chưa có sự nhận thức thống nhất trong quá trình giải
quyết đối với các loại đơn này.
Trả lời:
Nội dung này đã được giải đáp tại
Công văn số 355/VKSTC-V12 ngày 25/01/2019 của VKSND tối cao1.
2. Quy định tại điểm d khoản 1 Điều 23, Quy định về
quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo không phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 35 của Luật Tố cáo năm 2018 quy định về việc thông
báo kết luận nội dung tố cáo đến người tố cáo (theo quy trình việc gửi thông
báo khi họ yêu cầu nhưng trong Luật Tố cáo là phải thông báo).
Trả lời:
Quy định tại điểm d
khoản 1 Điều 23 Quy trình 546 là quy định chung cho các lĩnh vực trong hoạt
động tư pháp. Khi giải quyết tố cáo trong lĩnh vực này thì cần áp dụng thêm quy
định của luật chuyên ngành (BLTTHS thì quy định bắt buộc gửi thông báo, còn
BLTTDS quy định chỉ gửi khi đương sự yêu cầu…).
3. Người có đơn gửi nhiều nơi, trong đó có cơ quan có thẩm quyền giải quyết,
cơ quan có thẩm quyền kiểm sát việc giải quyết thì xử lý thế nào?
Trả lời:
Không cần chuyển vì đơn đã được chuyển
đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, cơ quan có thẩm quyền kiểm sát việc giải
quyết (áp dụng tương tự điểm b khoản 2 Điều 6 Thông tư 05 ngày
01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ). Tuy nhiên cần lưu ý:
- Đối với đơn ưu tiên thực hiện chuyển
toàn bộ.
- Đối với đơn đề nghị kháng nghị Giám
đốc thẩm, tái thẩm thực hiện theo Quy định 201 của Viện kiểm sát nhân dân tối
cao.
4. Đơn đề nghị, kiến nghị, phản ánh... trong TTHS tại Thông tư liên tịch
02/2018 không quy định trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết. Đề nghị liên
ngành đưa vào sửa đổi và VKSTC để cập trong Quy chế 51.
Trả lời:
Vướng mắc này đã được giải đáp tại điểm 2.1 Mục II Giải đáp thắc mắc số
3830/VKSTC-V12 ngày 21/9/2016, và Công văn 355/VKSTC-V12 ngày 25/01/2019). Khi
giải quyết cần lưu ý:
- Trả lời bằng Công văn, không bằng
Quyết định hoặc Kết luận;
- Có thể vận dụng quy trình giải quyết
khiếu nại, tố cáo để thực hiện;
- Thời hạn giải quyết do Viện trưởng
quyết định;
- Đơn thuộc các loại này rất đa dạng
nên cần vận dụng linh hoạt trong xử lý và giải quyết.
5. Chưa có hướng dẫn cụ thể giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan pháp
nhân thương mại, trong khi BLHS đã quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân
thương mại.
Trả lời: Điều 75 BLDS quy định, Pháp nhân thương mại trước hết phải là
Pháp nhân, mà Điều 74 BLDS lại quy định Pháp nhân thì trước
hết phải là một Tổ chức. Theo Điều 469 BLTTHS quy định cơ
quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại. Do vậy, Pháp nhân thương mại khi thực
hiện quyền khiếu nại trong tố tụng hình sự với tư cách chủ thể là một tổ chức,
tùy từng trường hợp cụ thể để xác định tư cách tham gia tố tụng hình sự là: Người
bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan; bị can, bị cáo, nguyên đơn, bị
đơn. Chương XXXIII của BLTTHS đã quy định rõ quyền, nghĩa vụ,
trình tự, thủ tục, thẩm quyền... giải quyết khiếu nại của cơ quan, tổ chức, cá
nhân là như nhau nên không cần có quy định riêng về giải quyết khiếu nại đối với
pháp nhân.
6. Trong trường hợp bất khả kháng thì có được gia hạn hoặc tạm đình chỉ
việc giải quyết khiếu nại, tố cáo không? Hướng dẫn thế nào là lý do bất khả
kháng và trở ngại khách quan.
Trả lời:
Hiện nay chưa có quy định này nên cần được tiếp thu để tổng hợp, đề xuất khi sửa
đổi luật. (Tuy nhiên cần lưu ý: mới đây nhất ngày 12/11/2021, Quốc hội thông
qua Luật sửa đổi một số điều của Bộ luật TTHS chỉ quy định tạm đình chỉ vì lý
do bất khả kháng và trở ngại khách quan cho một số trường hợp, nhưng không quy
định cho giải quyết khiếu nại, tố cáo).
7. Cần hướng dẫn quyền của người khiếu nại được thông qua người đại diện
để khiếu nại. Sự khác nhau về quyền này giữa quy định tại Điều
469, 472 BLTTHS và điểm a khoản 1 Điều 5 Thông tư liên tịch
02/2018 với khoản 1 Điều 12 Luật khiếu nại. Giải thích
rõ lý do khách quan khác là gì? Đề nghị hướng dẫn cụ thể?
Trả lời:
Thủ tục ủy quyền, kiểm tra thủ tục ủy quyền đã được quy định rõ tại Điều 7, 8, 9 Quy trình 249 về Tiếp công dân do Viện kiểm sát
tối cao ban hành (đề nghị các đ/c nghiên cứu). Lưu ý: Trong TTHS, đối với cá
nhân có năng lực pháp luật, năng lực hành vi đầy đủ khi thực hiện việc ủy quyền
thì phải có tài liệu xác định nội dung khiếu nại thể hiện ý chí của bị can, bị
cáo.
8. Có được dùng Phiếu chuyển đơn gửi cho đương sự thay Thông báo chuyển
đơn không? (thấy Vụ 12 ghi phần nơi nhận có đương sự thay thông báo?)
Trả lời:
Có thể sử dụng thay Giấy báo tin mẫu
số 08, không thể sử dụng mẫu 04 vì mẫu này là Thông báo cho các đơn ưu tiên.
9. Điều 6 Thông tư liên tịch số 02 ngày 05/9/2018 quy
định khiếu nại chưa đủ thông tin, tài liệu về điều kiện thụ lý thì yêu cầu người
khiếu nại bổ sung để thụ lý nhưng có trường hợp người khiếu nại không thực hiện
(mời không đến, không bổ sung) thì giải quyết như thế nào, có được ra quyết định
đình chỉ việc giải quyết khiếu nại không? Thực tế trường hợp này đơn vị đã xử
lý bằng cách cho vào mục đơn không đủ điều kiện thụ lý và lưu đơn.
Trả lời:
Người khiếu nại không thực hiện bổ sung tài liệu để thụ lý nên việc “Không thụ
lý đơn” là đúng. Nội dung này đã được nêu rõ tại điểm b khoản 1
Điều 10 Quyết định 249/QĐ-VKSTC ngày 09/7/2020 Quy định về quy trình tiếp
công dân trong ngành Kiểm sát nhân dân và khoản 1 Điều 5
Quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo; kiểm tra quyết định giải quyết khiếu nại
đã có hiệu lực pháp luật và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt
động tư pháp ban hành kèm theo QĐ 546/VKSTC-V12 ngày 03/12/2018.
10. Tại điểm 4 mục phần II Công văn số 1066/VKSTC-V12 ngày
22/3/2021 giải đáp "Đối thoại không phải là thủ tục bắt buộc".
Trong quá trình giải quyết khiếu nại, người khiếu nại có nhược điểm về thể chất
(câm, điếc), nhưng người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp hoặc người giám hộ
không tham gia buổi đối thoại theo quy định tại điểm d khoản
3 Điều 13 Quy chế số 51 ngày 02/02/2016 của Viện kiểm sát tối cao thì có bắt
buộc tiến hành thủ tục đối thoại không, việc không tổ chức đối thoại có vi phạm
Quy chế số 51 không?
Trả lời:
Trường hợp này, người có quyền khiếu nại thực hiện qua người đại diện theo pháp
luật. Nếu người đại diện không tham gia buổi đối thoại được coi là trường hợp
công dân tự từ bỏ quyền được đối thoại của mình. (Nội dung này đã được giải đáp
tại điểm 2.6 phần II CV 3830/VKSTC-V12 ngày 21/9/2016 của Viện kiểm sát tối
cao).
11. Chưa quy định rõ về thời hạn để xử lý đối với đơn đủ điều kiện hoặc
không đủ điều kiện thụ lý.
Trả lời: Điều 28 Luật Tiếp công dân về Thông báo kết quả xử lý khiếu nại,
tố cáo, kiến nghị, phản ánh quy định: “Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ
ngày tiếp nhận nội dung...người tiếp công dân có trách nhiệm trả lời, thông
báo...” (thụ lý, kéo dài để xác minh, từ chối thụ lý, không đủ điều kiện thụ
lý; chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết).
Như vậy, quy định chung của luật về
thời hạn để xử lý đơn tối đa là 10 ngày. Còn từng lĩnh vực cần tuân theo quy định
của Luật chuyên ngành để xử lý cho phù hợp và đúng thời hạn.
12. Cần hướng dẫn thẩm quyền giải quyết đơn khiếu nại thông báo không thụ
lý giải quyết đơn khiếu nại (điểm 8 mục III, CV 1066 mới hướng
dẫn theo quy định của Thanh tra chưa hướng dẫn đối với KN không thụ lý giải quyết
của CQĐT, Thi hành án...)
Trả lời: Điểm 8 mục III Công văn 1066 đã nêu và xác định rõ “Thông
báo về việc không thụ lý giải quyết đơn khiếu nại là văn bản thể hiện hoạt động
trong giai đoạn phân loại, xử lý đơn của cơ quan nhà nước nói chung, VKS nói
riêng, đây không phải là hoạt động tư pháp”. Do đó, nếu có khiếu nại thì thực
hiện theo Luật Khiếu nại chứ không thụ lý, giải quyết theo luật chuyên ngành về
tư pháp.
13. Bị hại khiếu nại Kết luận điều tra trong khi bị hại chỉ được nhận
thông báo về kết quả điều tra. Vậy, CQĐT có giải quyết khiếu nại này không? Thời
hiệu khiếu nại tính thế nào? Viện kiểm sát có phải giải quyết khiếu nại lần 2 nếu
có khiếu nại tiếp đối lần 1?
Trả lời:
Bị hại khiếu nại Thông báo kết quả điều tra cũng được coi là khiếu nại Bản Kết
luận điều tra và phải được giải quyết theo quy định Chương
XXXIII Bộ luật TTHS.
14. Khiếu nại Cáo trạng cho rằng Kiểm sát viên làm sai lệch hồ sơ để giảm
nhẹ hoặc tăng nặng trách nhiệm hình sự cho bị can thì giải quyết thế nào? Hướng
dẫn cụ thể?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 469 BLTTHS thì việc khiếu nại
cáo trạng không được giải quyết theo trình tự giải quyết khiếu nại quy định tại
Chương XXXIII BLTTHS. Đối với trường hợp trên, người khiếu nại
cho rằng Kiểm sát viên làm sai lệch hồ sơ để giảm nhẹ hoặc tăng nặng trách nhiệm
hình sự cho bị cáo là thuộc trường hợp đơn có nội dung tố cáo vì cho rằng Kiểm
sát viên vi phạm điều cấm. Do đó, khi nhận được đơn, người được phân công cần
nghiên cứu kỹ chứng cứ mà người khiếu nại đưa ra để xem xét có thụ lý hay không
thụ lý theo quy định của pháp luật.
15. Bộ luật TTHS không quy định nhưng Thông tư liên tịch 02/2018 có quy định
khi đang giải quyết khiếu nại mà người có đơn rút thì ra quyết định đình chỉ giải
quyết khiếu nại nhưng không quy định bao nhiêu ngày phải ra quyết định. Còn
trong TTDS không quy định nên phải áp dụng Điều 34 Luật Tố cáo,
Điều 11 Luật Khiếu nại để ban hành. Như vậy, có đúng không?
thời hạn bao lâu kể từ ngày nhận đơn rút khiếu nại, tố cáo thì phải ban hành
quyết định?
Trả lời:
Quyết định đình chỉ phải được ban hành trong thời hạn giải quyết khiếu nại theo
quy định của luật tương ứng.
16. Điều 194 BLTTDS quy định khiếu nại và giải quyết
khiếu nại về trả lại đơn khởi kiện nhưng chưa có quy định rút trước phiên họp
và sau phiên họp giải quyết thế nào?
Trả lời:
Đây là trường hợp cụ thể thuộc nội
dung nghiệp vụ tố tụng, Vụ 12 sẽ đề nghị Vụ 14 phối hợp Vụ 9 cho ý kiến.
17. Người khiếu nại, tố cáo nhưng khi được mời đến làm việc không đến, không
ký biên bản, không cung cấp tài liệu thì giải quyết thế nào?
Trả lời:
Về nguyên tắc:
- Nếu chưa đủ điều kiện thụ lý hoặc
không đủ điều kiện thụ lý thì không thụ lý giải quyết đơn;
- Nếu đã thụ lý thì tiếp tục giải quyết
trên cơ sở tài liệu và đơn đã nhận. Trường hợp này được coi là người khiếu nại,
tố cáo từ bỏ quyền cung cấp tài liệu của mình theo các điều luật tương ứng từng
lĩnh vực. Không thuộc trường hợp đình chỉ giải quyết khiếu nại, tố cáo.
18. Đơn trình bày yêu cầu Viện kiểm sát cân nhắc, xem xét áp dụng một số
tình tiết giảm nhẹ... trước khi ra cáo trạng thì có phải trả lời người gửi đơn
không? Hướng dẫn phân loại đơn này?
Trả lời:
Đây là dạng đơn yêu cầu, đề nghị cần được giải quyết theo quy định của Điều 175 BLTTHS nên chuyển đơn vị Thực hành quyền công tố xem
xét, xử lý theo quy định chung.
III. NHỮNG NỘI
DUNG LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC KIỂM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO (19 nội
dung)
1. Chưa có quy định thời hạn Tòa án gửi quyết định giải quyết khiếu nại
cho Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính?
Trả lời:
Vụ 12 sẽ tiếp thu nghiên cứu, tổng hợp, đề xuất khi sửa đổi các luật này.
2. Thông tư liên tịch về tố tụng DS, tố tụng HC quy định Viện kiểm sát có
3 biện pháp kiểm sát khi kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo nhưng Điều 18 Quy chế 51 có 2 biện pháp, thiếu biện pháp Yêu cầu
cung cấp hồ sơ, tài liệu, cần bổ sung?
Trả lời:
Vụ 12 đã tiếp thu và bổ sung trong Quy chế sửa đổi, bổ sung Quy chế 51.
3. Khoản 4 Điều 18 Quy chế 51 quy định "Sau
khi kết thúc các biện pháp kiểm sát... và có căn cứ kết luận vi phạm... thì ban
hành Kiến nghị”. Như vậy có cần phải ra kết luận trước khi Kiến nghị không?
Trả lời:
Đối với hai biện pháp Kiểm sát trực tiếp và Yêu cầu cung cấp hồ sơ thì phải có
Kết luận trước khi ban hành Kiến nghị vì đã thực hiện Biện pháp kiểm sát và đối
tượng bị Kiểm sát đã thực hiện Yêu cầu. Còn 2 biện pháp khác thì thực hiện kiến
nghị khi phát hiện vi phạm.
4. Khó khăn trong việc yêu cầu Thủ trưởng CQĐT giải trình khi có khiếu nại
tiếp vì Viện kiểm sát đã có văn bản đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại
của họ theo quy định Khoản 2 Điều 8 Thông tư liên tịch 02.
Trả lời:
Điểm a khoản 2 Điều
473 BLTTHS quy định nghĩa vụ của người bị khiếu nại phải
giải trình về quyết định, hành vi tố tụng bị khiếu nại nên cần thực hiện đúng
quy định.
5. Người bị tố cáo là Thẩm phán đang giải quyết vụ án dân sự nhưng là Phó
Chánh án cấp huyện thì thẩm quyền thuộc Chánh án cấp tỉnh hay Chánh án cấp huyện
giải quyết.
Trả lời: Điều 512 Bộ luật tố tụng dân sự quy định: “1 ...Trường hợp người
bị tố cáo là Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện
kiểm sát thì Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp, Viện trưởng Viện kiểm sát
cấp trên trực tiếp có trách nhiệm giải quyết.”
Quy định trên xác định thẩm quyền giải
quyết tố cáo theo chức danh tố tụng của người bị tố cáo trong hoạt động tố tụng
dân sự, chứ không xác định theo nhiệm vụ cụ thể của người tiến hành tố tụng
đang thực hiện. Do vậy, tố cáo hành vi của Phó Chánh án cấp huyện đang giải quyết
vụ án dân sự cụ thể vẫn thuộc thẩm quyền của Chánh án cấp tỉnh giải quyết.
6. Các luật hiện hành không quy định Tòa án, Cơ quan thi hành án hình sự,
Cơ quan thi hành án dân sự khi tiếp nhận khiếu nại, tố cáo phải thông báo cho
Viện kiểm sát nên gây khó khăn khi thực hiện kiểm sát đối với các cơ quan này.
Trả lời:
Đây là bất cập của luật, sẽ được tập hợp để kiến nghị khi sửa đổi luật. Vấn đề
quan trọng hiện nay là khi kiểm sát quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo, Viện
kiểm sát phát hiện ra được sai phạm gì để kiến nghị, kháng nghị... (cần thực hiện
tốt 3 quyền yêu cầu, riêng thi hành án hình sự còn có quyền trực tiếp kiểm
sát). Ngoài việc kiểm sát quyết định theo vụ việc thì Viện kiểm sát cần làm tốt
công tác quản lý đem khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp để kịp thời áp dụng
biện pháp kiểm sát theo luật định nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát giải
quyết khiếu nại, tố cáo trong các lĩnh vực này.
7. Điều 481 BLTTHS quy định Thủ trưởng Cơ quan điều
tra cấp trên trực tiếp có quyền giải quyết tố cáo tiếp theo nhưng mẫu 09 theo
Thông tư liên tịch số 02/2018 không có phần hướng dẫn quyền tố cáo tiếp theo
nên khi phát hiện vi phạm Viện kiểm sát khó kiến nghị để giải quyết.
Trả lời:
Hiểu như nội dung câu hỏi trên là không đúng, vì trong Tố tụng hình sự quy định
tố cáo chỉ giải quyết 01 lần, không có quy định giải quyết lần 2 nên mẫu 09
không có phần hướng dẫn quyền tố cáo tiếp theo.
8. Trường hợp qua kiểm tra lại phát hiện thấy sai, Viện kiểm sát cấp trên
hủy quyết định giải quyết khiếu nại của Viện kiểm sát cấp dưới đã có hiệu lực,
nhưng theo quy định khoản 5 Điều 157 BLTTHS thì đã hết thời
hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì cấp dưới làm thế nào?
Trả lời:
Xử lý theo quy định của BLTTHS; xem xét trách nhiệm của người đã giải quyết nếu
để xảy ra sai phạm.
9. Trong trường hợp lưu đơn đề nghị kiểm tra lại quyết định giải quyết
khiếu nại chưa đáp ứng đủ điều kiện quy định tại điểm b khoản
1 Điều 14 Quy chế 51 thì có phải thông báo cho người gửi đơn không?
Trả lời:
Kiểm tra lại là trình tự không bắt buộc đối với mọi trường hợp nên việc xem xét
và trả lời khi nhận đơn cũng không bắt buộc. Nội dung này đã được giải đáp tại điểm 10 mục II và điểm 1 mục III Công văn 1066/VKSTC-V12 ngày
29/3/2021.
10. Chưa có hướng dẫn cụ thể về tính chất mức độ vi phạm (vi phạm ít nghiêm
trọng, vi phạm nghiêm trọng) trong đánh giá dẫn đến việc nhận thức còn chưa thống
nhất để làm căn cứ kháng nghị, kiến nghị theo Thông tư liên tịch 02/2018.
Trả lời:
Đã có hướng dẫn tại điểm 16 mục III Công văn 1066/VKSTC-V12
ngày 22/3/2021.
11. Hướng dẫn xử lý trường hợp công dân xin rút đơn đề nghị kiểm tra Quyết
định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực.
Trả lời:
Kiểm tra quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật không phải là
thủ tục bắt buộc phải giải quyết nhưng lại là trách nhiệm kiểm tra nghiệp vụ của
Viện kiểm sát cấp trên nên việc rút đề nghị kiểm tra không phải là căn cứ để
quyết định kiểm tra hay đình chỉ hoạt động kiểm tra. Vì vậy, đơn xin rút đề nghị
kiểm tra chỉ là một kênh thông tin để Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, cân nhắc.
12. Đề nghị hướng dẫn xử lý đối với đơn kiến nghị, phản ánh không thuộc thẩm
quyền của Viện kiểm sát, công dân đã gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết
mặc dù qua tiếp công dân đã được giải thích và hướng dẫn nhưng công dân vẫn
mong muốn Viện kiểm sát tiếp nhận đơn.
Trả lời:
Tại khoản 2 Điều 29 Quy trình 249 hướng dẫn xử lý loại
đơn này như xử lý đơn khiếu nại quy định tại khoản 3 Điều 14
Quy trình 249 đó là nhận, chuyển và thông báo cho người gửi đơn biết.
13. Thế nào là đơn bức xúc, kéo dài khi xem xét điều kiện kiểm tra lại?
Trả lời:
Đã được giải thích tại điểm 2.7 Mục 2 Công văn giải đáp 3830/VKSTC-V12 ngày
21/9/2016 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Cần lưu ý: không được coi đây là
lý do làm phát sinh thêm một cấp giải quyết mới.
14. Trong Luật thi hành án hình sự (THAHS), Tòa án có thẩm quyền ra một số
quyết định (Điều 21), Điều 176 quy định
có quyền khiếu nại, nhưng Điều 178 không quy định khiếu nại
Quyết định, hành vi của TA trong THAHS?
Trả lời:
Tòa án là cơ quan tư pháp, thực hiện chức năng xét xử. Việc Tòa án ra một số
quyết định trong THAHS là thể hiện sự phối hợp kiểm soát quyền lực, bảo đảm cho
bản án được thi hành, Tòa án không ra quyết định vấn đề cụ thể và không trực tiếp
thi hành bản án. Còn quyết định, hành vi của cơ quan thi hành án hình sự, người
có thẩm quyền trong thi hành án hình sự mới trực tiếp thi hành án và có thể là
đối tượng bị khiếu nại trong thi hành án hình sự. Việc khiếu nại các quyết định,
hành vi của Tòa án, người có thẩm quyền của Tòa án trong việc ra quyết định thi
hành án hình sự được giải quyết theo quy định của khoản 2 Điều
469 Bộ luật Tố tụng hình sự.
15. Đơn yêu cầu thay đổi thẩm phán cho rằng không khách quan, vô tư trong
quá trình giải quyết vụ án có phải đơn khiếu nại trong hoạt động tư pháp không?
Viện kiểm sát có thực hiện kiểm sát không?
Trả lời:
Người tham gia tố tụng có quyền đề nghị thay đổi thẩm phán, Chánh án tòa án nơi
đang thụ lý vụ, việc có trách nhiệm xem xét, giải quyết. Nếu người tham gia tố
tụng không đồng ý trả lời của Chánh án thì có quyền khiếu nại. Đơn khiếu nại
này, được giải quyết theo quy định về khiếu nại, tố cáo của luật tố tụng chuyên
ngành. Như vậy, đơn yêu cầu thay đổi thẩm phán là đơn đề nghị nhưng vẫn thuộc
đơn trong hoạt động tư pháp nên Viện kiểm sát phải kiểm sát loại đơn này theo
quy định của luật tương ứng.
16. Khiếu nại quyết định, hành vi của người có thẩm quyền của Cơ quan điều
tra cấp dưới sau khi vụ án đã chuyển lên Cơ quan điều tra cấp trên thì ai sẽ giải
quyết? (cấp dưới không còn hồ sơ).
Trả lời:
Tại thời điểm quyết định (có hiệu lực), hành vi được thực hiện mà bị khiếu nại
thuộc cấp nào quản lý theo quy định của BLTTHS thì cấp đó có trách nhiệm giải
quyết.
17. Đơn yêu cầu sớm đưa vụ án dân sự, hành chính ra xét xử hoặc khiếu nại
chậm đưa ra xét xử có được coi là khiếu nại trong TTDS, TTHC không? đề nghị hướng
dẫn?
Trả lời:
Việc thụ lý, giải quyết vụ, việc dân sự, hành chính thuộc trách nhiệm của người
có thẩm quyền tiến hành tố tụng theo thời hạn quy định của pháp luật. Đơn yêu cầu
sớm đưa vụ án dân sự, hành chính ra xét xử là đơn đề nghị theo nguyện vọng của
cá nhân, tổ chức là người tham gia tố tụng. Đơn đề nghị có nội dung phản ánh vi
phạm thời hạn tố tụng thì được coi là đơn khiếu nại.
18. Khiếu nại Văn bản của cơ quan điều tra gửi Văn phòng đăng ký quyền sử
dụng đất phối hợp tạm ngừng giao dịch có phải khiếu nại trong tố tụng hình sự
không? Theo đó Viện kiểm sát có kiểm sát khiếu nại này không?
Trả lời:
Trong luật TTHS không có quy định loại văn bản này mà chỉ có biện pháp kê biên
tài sản (phải có Lệnh kê biên). Đối với văn bản loại trên, nếu người ký với tư
cách người tiến hành tố tụng hình sự thì giải quyết theo chương
XXXIII Bộ luật TTHS; nếu ký với chức vụ quản lý trong Công an thì giải quyết
khiếu nại theo quy định hành chính trong Công an nhân dân. Trên cơ sở định hướng
trên để Viện kiểm sát xác định có thực hiện kiểm sát hay không.
19. Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn xử lý đối với đơn tố
cáo có nhiều nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan tư pháp
nhưng không có nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát.
Trả lời:
Hướng dẫn người dân viết tách nội dung tố cáo để gửi đến từng cơ quan có thẩm
quyền giải quyết.
Trên đây là nội dung giải đáp một số
khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác tiếp công dân, giải quyết và kiểm
sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, thuộc trách nhiệm
của ngành Kiểm sát nhân dân. Quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc
cần trao đổi, đề nghị phản ánh về VKSND tối cao (qua Vụ 12) để có hướng dẫn kịp
thời./
Nơi nhận:
- Như trên;
- Đ/c Viện trưởng VKSNDTC (để báo cáo);
- Các Đ/c Phó Viện trưởng VKSNDTC (để b/c);
- Các Đ/c Kiểm sát viên VKSNDTC (để b/c);
- Lưu: VT, V12, HS.
|
TL.
VIỆN TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG VỤ KIỂM SÁT VÀ GIẢI QUYẾT
ĐƠN KHIẾU NẠI TỐ CÁO
TRONG HOẠT ĐỘNG TƯ PHÁP
Trần Hưng Bình
|
1
“Loại đơn này chưa được quy định cụ thể về thủ tục, thẩm quyền, thời hạn giải quyết trong các văn bản luật, trừ loại đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đã
được quy định rõ trong các đạo luật tương ứng với mỗi lĩnh vực của hoạt động tư pháp. Tuy nhiên, vấn đề này đã đề cập trong
các đợt tập huấn trước, trên tinh thần: nếu những đơn đề nghị, kiến nghị, phản
ánh, yêu cầu có liên quan đến quyết định, hành vi, chủ trương, chính sách, chức
năng, nhiệm vụ của Ngành thì VKS có liên quan phải tiếp nhận, xem xét, giải quyết
và được xác định là đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của VKS đó. Đối với việc giải
quyết, cần có sự linh hoạt trong quá trình thực hiện, tùy thuộc vào tính chất của
từng loại đơn, ưu tiên những loại đơn nhạy cảm (ví dụ: đơn bức xúc, kéo dài, vượt
cấp, liên quan đến nhiệm vụ chính trị, có sự chỉ đạo của cơ quan, người có thẩm
quyền hoặc được dư luận, báo chí quan tâm...), cụ thể:
- Về thẩm quyền giải quyết: nếu nội
dung đơn liên quan trực tiếp đến hoạt động của VKS nào thì VKS đó xem xét, giải
quyết; nếu thấy nội dung đơn phức tạp hoặc chưa rõ về thẩm quyền giải quyết thì
báo cáo xin ý kiến VKS cấp trên hoặc cấp ủy cùng cấp.
- Về thủ tục giải quyết: nếu vụ việc
đơn giản thì Viện trưởng VKS giao một đơn vị có nhiệm vụ tương ứng với nội dung
đơn để tham mưu giải quyết; nếu vụ việc nhạy cảm, phức tạp thì có thể vận dụng
quy trình trong thủ tục giải quyết khiếu nại hoặc tố cáo để giải quyết đảm bảo
tính thận trọng, khách quan, có cơ sở vững chắc (việc vận dụng này là linh hoạt,
không phải là bắt buộc và không bị giới hạn bởi luật).
- Về thời hạn giải quyết: tùy tính
chất vụ việc mà Viện trưởng quyết định về tiến độ và thời gian giải quyết cho
phù hợp”.