Kính gửi:
|
Chánh án Tòa án nhân dân các tỉnh, thành phố:
Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc,
Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đồng Nai,
Bình Dương và Long An
|
Thực hiện kết
luận của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương tại Thông báo số 121a-TB/BNCTW
ngày 20-9-2018; để thực hiện Kế hoạch số 301/KH-TANDTC ngày 01-10-2018, Quyết định
số 184/QĐ-TANDTC ngày 04-10-2018 của Tòa án nhân dân tối cao về tiếp tục và mở
rộng thực hiện thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải
quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án nhân dân, Tòa án
nhân dân tối cao yêu cầu Chánh án Tòa án nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội,
Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng
Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Dương
và Long An khẩn trương triển khai thực hiện một số nội dung sau đây:
I. VỀ VIỆC LỰA CHỌN TÒA ÁN THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM VÀ THÀNH LẬP TRUNG TÂM
HÒA GIẢI, ĐỐI THOẠI TẠI TÒA ÁN
1. Về việc lựa chọn các Tòa án nhân dân thực hiện thí điểm
a) Chánh án
Tòa án nhân dân cấp tỉnh rà soát, lựa chọn và lập danh sách các Tòa án nhân dân
thực hiện thí điểm của địa phương mình.
b) Việc lựa chọn
Tòa án thực hiện thí điểm căn cứ vào: (i) số lượng các vụ án dân sự, kinh
doanh, thương mại, hôn nhân và gia đình, lao động, vụ án hành chính phải giải
quyết; (ii) điều kiện cơ sở vật chất để bố trí phòng làm việc, phòng tiến hành
hòa giải, đối thoại, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, bảo đảm tiết
kiệm, hiệu quả.
Số lượng Tòa
án được lựa chọn thí điểm tại mỗi tỉnh/thành phố tối thiểu là 06 Tòa án nhân
dân thực hiện thí điểm (bao gồm 01 Tòa án nhân dân cấp tỉnh và 05 Tòa án nhân
dân cấp huyện). Riêng đối với Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng, việc thí điểm
được thực hiện tại Tòa án nhân dân Thành phố và tất cả các Tòa án nhân dân cấp
huyện (trừ huyện Cát Hải và Bạch Long Vỹ).
c) Trên cơ sở
đề xuất của các Tòa án thực hiện thí điểm, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh
quyết định thành lập Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh
và các Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhân dân cấp huyện được lựa chọn
thực hiện thí điểm.
2. Về việc thành lập Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án
Mỗi Tòa án
nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện nơi thực hiện thí điểm thành lập
01 Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
a) Tên của
Trung tâm: “TRUNG TÂM HÒA GIẢI, ĐỐI THOẠI TẠI TÒA ÁN…”.
Ví dụ 1: TRUNG
TÂM HÒA GIẢI, ĐỐI THOẠI TẠI TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Ví dụ 2: TRUNG
TÂM HÒA GIẢI, ĐỐI THOẠI TẠI TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN THANH TRÌ
b) Thành phần
của Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án (sau đây gọi tắt là Trung tâm) gồm:
Giám đốc Trung tâm là Phó Chánh án Tòa án thực hiện thí điểm, Phó Giám đốc
Trung tâm (trong trường hợp cần thiết) là Thẩm phán Tòa án thực hiện thí điểm
và các Hòa giải viên, Đối thoại viên, thư ký hỗ trợ công tác hành chính, tư
pháp (nếu có).
c) Số lượng
Hòa giải viên, Đối thoại viên của Trung tâm tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh là từ
05 người đến 10 người; số lượng Hòa giải viên, Đối thoại viên của Trung tâm tại
Tòa án nhân dân cấp huyện là từ 03 đến 07 người.
Căn cứ vào số
lượng các vụ án dân sự, vụ án hành chính phải giải quyết và tình hình thực tế tại
địa phương, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi thực hiện thí điểm có thể xem
xét, quyết định điều chỉnh số lượng Hòa giải viên, Đối thoại viên của Trung tâm
tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh và các Trung tâm tại Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc
phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ nhưng phải bảo đảm hoạt động cho các Trung
tâm.
3. Nhiệm vụ của Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án
Hòa giải các
tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại, hôn nhân và gia đình, lao động (sau
đây gọi chung là tranh chấp dân sự), đối thoại các khiếu kiện hành chính theo
yêu cầu của đương sự và các vụ việc trước khi Tòa án thụ lý, giải quyết, trừ những
tranh chấp, khiếu kiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng
hành chính không được hòa giải, đối thoại.
4. Nhiệm vụ của Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm hòa giải, đối thoại tại
Tòa án:
a) Giám đốc Trung
tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án có nhiệm vụ sau đây:
- Yêu cầu cá
nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ theo đề nghị của Hòa giải
viên, Đối thoại viên trong trường hợp cần thiết;
- Mời người khởi
kiện, người bị kiện, người khác tham gia hòa giải, đối thoại theo đề nghị của
Hòa giải viên, Đối thoại viên;
- Các nhiệm vụ
khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, hướng dẫn
của Tòa án nhân dân tối cao trong quá trình thực hiện thí điểm và theo sự phân
công của Chánh án Tòa án thực hiện thí điểm.
b) Phó Giám đốc
Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân
công của Giám đốc Trung tâm.
5. Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án hoạt động theo phương thức tự
quản, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chế độ bồi dưỡng cho Hòa giải viên,
Đối thoại viên và các cán bộ khác được thực hiện theo Quy chế chi tiêu trong hoạt
động triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải
quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính áp dụng cho các tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương thực hiện thí điểm được ban hành kèm theo Quyết định
số 185/QĐ-TANDTC ngày 04-10-2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
II. VỀ HÒA GIẢI VIÊN, ĐỐI THOẠI VIÊN
Hòa giải viên,
Đối thoại viên được ưu tiên lựa chọn từ những Thẩm phán đã về hưu; những người
đã từng là Kiểm sát viên, Điều tra viên, chuyên viên pháp lý trong các cơ quan
Tòa án, Viện kiểm sát, Công an, Thi hành án, các cơ quan Đảng và nhà nước khác
thuộc khối nội chính; luật sư, luật gia, Hội thẩm nhân dân hoặc những người
khác có kiến thức pháp luật, có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực,
kinh nghiệm trong hòa giải, đối thoại, có uy tín trong cộng đồng.
III. VỀ VIỆC BỐ TRÍ CƠ SỞ VẬT CHẤT PHỤC VỤ HOẠT ĐỘNG CỦA TRUNG TÂM HÒA GIẢI,
ĐỐI THOẠI TẠI TÒA ÁN
1. Phòng làm việc của Trung tâm hòa giải, đối thoại được đặt tại trụ sở của
Tòa án nhân dân nơi thực hiện thí điểm với số lượng ít nhất 02 phòng (bao gồm
01 phòng hòa giải, đối thoại và 01 phòng làm việc cho Hòa giải viên, Đối thoại
viên); trong trường hợp không bố trí được phòng làm việc tại trụ sở của Tòa án
thì có thể thuê trụ sở cho Trung tâm.
2. Phòng làm việc phải lắp đặt Biển hiệu theo quy định tại mục 2 phần I của
Công văn này.
3. Phòng hòa giải, đối thoại được bố trí trên cùng một mặt phẳng; bàn, ghế
trong phòng được sắp xếp theo hình thức bàn tròn tạo sự thân thiện, gần gũi.
IV. VỀ CHUẨN BỊ TỔ CHỨC TẬP HUẤN
Việc tập huấn
về công tác thí điểm hòa giải, đối thoại được tổ chức thành 2 đợt, cụ thể như
sau:
Đợt 1: Từ ngày 22 đến ngày 24 tháng 10 năm 2018, tại Hà Nội, cho các Tòa án thực
hiện thí điểm, Hòa giải viên, Đối thoại viên của Trung tâm hòa giải, đối thoại
tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh,
Thái Bình, Thanh Hóa và Nghệ An.
Đợt 2: Từ ngày 25 đến ngày 27 tháng 10 năm 2018, tại Thành phố Hồ Chí Minh cho
các Tòa án thực hiện thí điểm, Hòa giải viên, Đối thoại viên của Trung tâm hòa
giải, đối thoại tại các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần
Thơ, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Dương và Long An.
V. DỰ TOÁN KINH PHÍ TRIỂN KHAI THÍ ĐIỂM
Đề nghị Tòa án
nhân dân cấp tỉnh nơi triển khai thí điểm căn cứ vào số lượng Trung tâm dự kiến
thành lập (cấp tỉnh và cấp huyện), số lượng Hòa giải viên, Đối thoại viên được
lựa chọn để lập dự toán kinh phí cho việc triển khai thí điểm trên cơ sở các
tiêu chuẩn, định mức quy định tại Quy chế chi tiêu trong hoạt động triển khai
thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh
chấp dân sự, khiếu kiện hành chính áp dụng cho các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương thực hiện thí điểm ban hành kèm theo Quyết định số 185/QĐ-TANDTC
ngày 04-10-2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (xin gửi kèm theo Dự
toán của TAND TP. Hải Phòng để tham khảo).
Căn cứ vào dự
toán dự kiến chi cho việc thực hiện thí điểm, các Toà án nhân dân cấp tỉnh làm
việc với Thường trực Tỉnh uỷ, Thường trực UBND tỉnh và Sở Tài chính để đề nghị
cấp kinh phí phục vụ cho các hoạt động thí điểm.
Do thời gian gấp,
đề nghị các Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thực hiện
thí điểm gửi Danh sách các Tòa án nhân dân thực hiện thí điểm, Danh sách Giám đốc
Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án và Danh sách Hòa giải viên, Đối thoại
viên của địa phương mình về Tòa án nhân dân tối cao (thông qua Vụ Pháp chế và
Quản lý khoa học, số 262, Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội và file Word theo địa chỉ
thư điện tử: [email protected], số điện thoại liên hệ: 0902028949 - đ/c Phan
Thị Thu Hà) trước ngày 17-10-2018.
Việc chuẩn bị
cơ sở vật chất, kinh phí phải hoàn thành trước ngày 25-10-2018 (nếu
cần hướng dẫn, đề nghị liên hệ đồng chí Trần Thị Hồng Nhạn, Trưởng phòng Phòng
Quản lý ngân sách, Cục Kế hoạch - Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Số điện
thoại: 0904420998).
Tòa án nhân
dân tối cao yêu cầu Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương thực hiện thí điểm coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng và khẩn trương
triển khai thực hiện các công việc nêu trên, bảo đảm điều kiện để hoạt động thí
điểm được thực hiện hiệu quả, đúng tiến độ./.
Nơi nhận:
- Như kính gửi;
- Chánh án TANDTC (để báo cáo);
- Các Đ/c Phó Chánh án TANDTC (để biết và phối hợp chỉ đạo);
- Các Đ/c Thẩm phán TANDTC;
- Thủ trưởng các đơn vị thuộc TANDTC;
- Cổng TTĐT TANDTC (để đăng tải);
- Lưu: VT, Vụ PC&QLKH (TANDTC).
|
KT. CHÁNH ÁN
PHÓ CHÁNH ÁN
Nguyễn Thúy Hiền
|