Kính gửi:
|
- Viện kiểm sát Quân sự Trung ương;
- Các đơn vị Vụ 3, Vụ 5, Vụ 7, Vụ 9, Vụ 10, Vụ 12, Vụ 14, Thanh tra, Văn
phòng VKSND tối cao;
- VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
|
Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 27/12/2021 của
Viện trưởng VKSND tối cao về “Công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2022”;
Kế hoạch số 01/KH-VKSTC ngày 30/12/2021 về “Công tác trọng tâm của Viện kiểm
sát nhân dân tối cao năm 2022”. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác
Kiểm sát thi hành án dân sự nói chung, kiểm sát hoạt động bán đấu giá tài sản
thi hành án nói riêng, Vụ Kiểm sát Thi hành án dân sự (Vụ 11) đã nghiên cứu,
xây dựng Dự thảo Quy định về Quy trình, kỹ năng kiểm sát hoạt động bán đấu giá
tài sản thi hành án.
Vụ 11 kính gửi Dự thảo Quy định về Quy trình, kỹ năng
kiểm sát hoạt động bán đấu giá tài sản thi hành án để các đồng chí chỉ đạo tổ
chức tham gia đóng góp ý kiến tại đơn vị (Dự thảo được đăng tải trên Trang tin
điện tử VKSTC).
Văn bản góp ý của các đơn vị đề nghị gửi về Vụ 11 trước
ngày 10 tháng 6 năm 2022 (đồng thời, gửi bản mềm theo địa chỉ
e-mail: [email protected]) để Vụ 11 tổng hợp, hoàn thiện Dự thảo, trình Viện
trưởng VKSND tối cao ban hành.
Trân trọng cảm ơn sự phối hợp của các đồng chí!
Nơi nhận:
- Như
trên;
- Đ/c Viện trưởng VKSTC (để b/cáo);
- Đ/c Nguyễn Duy Giảng, PVT VKSTC (để b/cáo);
- Trang tin điện tử VKSTC;
- Lưu: VT, V11.
|
TL. VIỆN TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG
VỤ KIỂM SÁT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
Nguyễn Kim Sáu
|
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: /QĐ-VKSTC
|
Hà Nội, ngày
tháng 6 năm 2021
|
QUYẾT
ĐỊNH
Ban
hành Quy định về quy trình, kỹ năng kiểm sát hoạt động bán đấu giá tài sản thi
hành án
VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT
NHÂN DÂN TỐI CAO
Căn cứ Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014;
Căn cứ Luật Thi hành án dân sự (được sửa đổi, bổ sung
năm 2014);
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ kiểm sát thi hành án dân
sự, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và quản lý khoa học.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban
hành kèm theo Quyết định này Quy định về quy trình, kỹ năng kiểm sát hoạt động
bán đấu giá tài sản thi hành án.
Điều 2. Quyết
định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Thủ
trưởng các đơn vị có liên quan thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh,
Viện trưởng VKSND cấp huyện và Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương
trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình chịu trách nhiệm tổ chức thi hành
Quy định này./.
Nơi nhận:
- Như
Điều 3;
- Đ/c Viện trưởng VKSNDTC (để b/cáo);
- Các đ/c PVT VKSNDTC;
- Lưu: VT, V11.
|
KT. VIỆN TRƯỞNG
PHÓ VIỆN TRƯỞNG
Nguyễn Duy Giảng
|
QUY ĐỊNH
Về
quy trình, kỹ năng kiểm sát hoạt động bán đấu giá tài sản thi hành án
(Ban hành kèm theo Quyết định
số /QĐ-VKSTC ngày tháng 6
năm 2022 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao)
Chương
I
NHỮNG
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định về quy trình, kỹ năng kiểm sát
việc tuân theo pháp luật trong hoạt động bán đấu giá tài sản thi hành án (THA)
của Chấp hành viên (CHV), Cơ quan Thi hành án dân sự (THADS), cơ quan, tổ chức
và cá nhân có liên quan trong quá trình bán đấu giá tài sản THA theo quy định của
pháp luật về THADS và pháp luật về đấu giá tài sản.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao, VKSND cấp
tỉnh, VKSND cấp huyện. Viện kiểm sát quân sự các cấp áp dụng quy định này phù hợp
với chức năng, nhiệm vụ của cấp mình.
2. Kiểm sát viên (KSV), Kiểm tra viên (KTV), công chức
khác được giao nhiệm vụ kiểm sát THADS (sau đây gọi chung là KSV).
3. Cơ quan THADS, CHV và cơ quan, tổ chức, cá nhân có
liên quan đến việc bán đấu giá tài sản THA.
Điều 3. Nguyên tắc khi tiến
hành kiểm sát hoạt động bán đấu giá tài sản thi hành án
1. Tuân thủ quy định của pháp luật về THADS, pháp luật
về bán đấu giá tài sản và các quy định pháp luật khác có liên quan; các quy chế,
quy định, hướng dẫn của VKSND tối cao về công tác kiểm sát THADS.
2. Bảo đảm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn; đúng phạm vi và chủ thể được kiểm sát.
3. Bảo đảm sự vô tư, khách quan, toàn diện và đầy đủ khi
tiến hành kiểm sát; bảo đảm sự phối hợp hiệu quả, không làm ảnh hưởng đến hoạt
động chung của chủ thể được kiểm sát.
Chương
II
QUY
TRÌNH, KỸ NĂNG KIỂM SÁT HOẠT ĐỘNG BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN THI HÀNH ÁN
Điều 4. Yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài
liệu có liên quan đến hoạt động bán đấu giá tài sản thi hành án để kiểm sát
1. Căn cứ quy định tại điểm d khoản 6 Điều 28 Luật Tổ
chức VKSND năm 2014 và điểm b khoản 2 Điều 12 Luật THADS năm 2014, VKSND thực
hiện quyền yêu cầu Cơ quan THADS và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan
cung cấp hồ sơ, tài liệu về hoạt động bán đấu giá tài sản THA để tiến hành kiểm
sát. KSV được phân công thực hiện việc tiếp nhận và nghiên cứu hồ sơ, tài liệu
để kiểm sát, làm rõ việc tổ chức THADS có đúng nội dung bản án, quyết định của
Tòa án hay không; việc thực hiện các trình tự, thủ tục theo quy định của pháp
luật về tổ chức THADS và pháp luật về bán đấu giá tài sản1.
Đối với các hồ sơ chưa đầy đủ các tài liệu về trình tự,
thủ tục tổ chức THADS nói chung và các tài liệu về trình tự, thủ tục cưỡng chế
kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản THA nói riêng thì yêu cầu CHV, Cơ
quan THADS cung cấp đầy đủ, kịp thời các tài liệu còn thiếu. Việc yêu cầu phải
bằng văn bản theo mẫu quy định, do lãnh đạo Viện (hoặc lãnh đạo Vụ) ký; nội
dung văn bản nêu rõ lý do cần yêu cầu, tên cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu,
nội dung cần yêu cầu, thời gian thực hiện và trả lời cho VKSND2.
Nếu CHV, Cơ quan THADS không cung cấp được các tài liệu còn thiếu thì phải có
có văn bản nêu rõ lý do.
2. Tiến hành trực tiếp xác minh vụ việc bán đấu giá
tài sản THA hoặc những vấn đề cần thiết phục vụ cho việc kiểm sát.
Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, tài liệu về hoạt động
bán đấu giá tài sản THA, nếu thấy cần thiết, KSV báo cáo đề xuất việc trực tiếp
xác minh vụ việc bán đấu giá tài sản THA hoặc những vấn đề cần thiết phục vụ
cho việc kiểm sát. Khi đề xuất xác minh, KSV cần báo cáo, nêu rõ nội dung cần
xác minh, thời gian và các thành viên tham gia. CHV thụ lý vụ việc THA có thể
được mời tham gia xác minh nếu thấy cần thiết. Việc xác minh phải lập biên bản,
ghi rõ thời gian, địa điểm, thành phần, nội dung và kết quả xác minh. Biên bản
xác minh phải có đủ chữ ký của các thành viên tham gia và có xác nhận của đại
diện chính quyền nơi tiến hành xác minh.
3. Qua nghiên cứu, kiểm sát hồ sơ, tài liệu có liên
quan đến hoạt động bán đấu giá tài sản THA, nếu phát hiện vi phạm trong quá
trình tổ chức THADS nói chung, vi phạm trong việc bán đấu giá tài sản THA nói
riêng thì KSV báo cáo đề xuất lãnh đạo có văn bản yêu cầu, kiến nghị hoặc kháng
nghị kịp thời.
KSV có thể báo cáo đề xuất ban hành văn bản yêu cầu,
kiến nghị với Thủ trưởng Cơ quan THADS được kiểm sát, cơ quan, tổ chức cá nhân
có liên quan đến hoạt động bán đấu giá tài sản THA xem xét, khắc phục vi phạm
ít nghiêm trọng và xử lý người vi phạm hoặc áp dụng biện pháp phòng ngừa chung
theo quy định tại khoản 7 Điều 28 Luật Tổ chức VKSND năm 2014, điểm đ khoản 2
Điều 12 Luật THADS năm 2014 và Điều 35 Quy chế 810.
Trường hợp phát hiện quyết định hoặc hành vi của CHV
hoặc Thủ trưởng Cơ quan THADS được kiểm sát có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, ảnh
hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hoặc của người có quyền lợi,
nghĩa vụ liên quan trong hoạt động bán đấu giá tài sản THA thì phải báo cáo đề
xuất thực hiện quyền kháng nghị để yêu cầu thu hồi, sửa đổi, bổ sung, hủy quyết
định có vi phạm pháp luật trong việc THA, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật
theo quy định khoản 8 Điều 28 Luật Tổ chức VKSND năm 2014, điểm e khoản 2 Điều
12, Điều 160 Luật THADS năm 2014 và Điều 34 Quy chế 810.
Trường hợp phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì báo cáo
đề xuất ban hành văn bản chuyển hồ sơ, tài liệu đến Cơ quan điều tra VKSND tối
cao để xem xét xử lý theo thẩm quyền.
Trường hợp phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực
pháp luật của Tòa án có dấu hiệu oan, sai, tuyên không rõ, khó thi hành thì
chuyển đến VKSND cấp cao 1, 2, 3 hoặc các đơn vị nghiệp vụ thuộc VKSND tối cao
(Vụ 7, Vụ 9, Vụ 10) để xem xét kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm.
Qua kiểm sát hoạt động bán đấu giá tài sản THA, VKSND
cấp trên cần tổng hợp, ban hành thông báo rút kinh nghiệm chung về nghiệp vụ kiểm
sát hoặc về các dạng vi phạm pháp luật trong hoạt động bán đấu giá tài sản THA.
Điều 5. Kiểm sát việc tuân theo pháp
luật của Chấp hành viên, Cơ quan Thi hành án dân sự trong việc bán đấu giá tài
sản thi hành án
Khi kiểm sát việc tuân theo pháp luật của CHV, Cơ
quan THADS trong việc thực hiện các trình tự, thủ tục về bán đấu giá tài sản
THA, KSV chú ý kiểm sát việc thực hiện các thủ tục về gửi, thông báo, niêm yết
các văn bản, quyết định về THA liên quan đến việc bán đấu giá tài sản THA, cụ
thể như sau:
1. Đối với việc bán đấu giá tài sản THA là động sản
có giá trị từ trên 10 triệu đồng và bất động sản do Tổ chức bán đấu giá thực hiện.
KSV thực hiện kiểm sát việc CHV tổ chức cho các đương
sự thực hiện quyền thỏa thuận về Tổ chức bán đấu giá tài sản THA theo quy định
tại khoản 2 Điều 101 Luật THADS năm 2014. Theo đó, cần xem xét các tài liệu thể
hiện việc CHV thực hiện việc thông báo cho các đương sự quyền thỏa thuận về Tổ
chức bán đấu giá trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày định giá
và việc CHV ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản THA với Tổ chức bán đấu giá
do đương sự thỏa thuận.
Trong trường hợp các đương sự không thỏa thuận được về
Tổ chức bán đấu giá tài sản THA thì KSV cần kiểm sát việc CHV lựa chọn tổ chức
bán đấu giá có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 56 Luật Đấu giá tài sản năm
2016; kiểm sát về thời hạn ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản THA theo quy
định tại khoản 2 Điều 101 Luật THADS năm 2014 (trong thời hạn 10 ngày kể từ
ngày định giá), cần xem xét đến hiệu lực của Chứng thư thẩm định giá tại thời
điểm ký hợp đồng dịch vụ đấu giá; kiểm sát về nội dung của Hợp đồng dịch vụ bán
đấu giá tài sản THA theo quy định tại Điều 33 Luật Đấu giá tài sản năm 2016, cần
lưu ý một số nội dung trong Hợp đồng như: Giá khởi điểm; Bước giá, hình thức đấu
giá, phương thức đấu giá; Khoản tiền nộp trước để tham gia đấu giá; Các trường
hợp không được nhận lại khoản tiền đặt trước; Thời hạn thanh toán tiền trúng đấu
giá; Thời hạn ký Hợp đồng mua tài sản trúng đấu giá; Thời hạn giao tài sản
trúng đấu giá; Thù lao dịch vụ đấu giá tài sản; Các trường hợp bị hủy kết quả đấu
giá và bồi thường thiệt hại; Xử lý tranh chấp khi một trong các bên vi phạm Hợp
đồng dịch vụ đấu giá tài sản.
Kiểm sát về thời hạn thực hiện việc bán đấu giá theo
quy định tại khoản 2 Điều 101 Luật THADS năm 2014 (đối với động sản trong thời
hạn 30 ngày, đối với bất động sản là 45 ngày, kể từ ngày ký hợp đồng).
2. Đối với trường hợp CHV bán đấu giá tài sản THA.
KSV cần xem xét các tài liệu trong hồ sơ để xác định
tài sản THA thuộc các trường hợp CHV được quyền bán đấu giá theo quy định tại
khoản 3 Điều 101 Luật THADS năm 2014, cụ thể:
- Tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có
tài sản chưa có Tổ chức bán đấu giá hoặc có nhưng Tổ chức bán đấu giá từ chối
ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản;
- Động sản có giá trị từ 02 triệu đồng đến 10 triệu đồng.
Đồng thời, kiểm sát việc CHV thực hiện quy định về thời
hạn tổ chức bán đấu giá tài sản THA, cụ thể: Đối với tài sản là động sản phải
thực hiện trong thời hạn 30 ngày và đối với bất động sản là 45 ngày, kể từ ngày
định giá hoặc từ ngày nhận được văn bản của Tổ chức bán đấu giá từ chối bán đấu
giá.
3. Đối với trường hợp người phải THA nhận lại tài sản
THA.
KSV cần kiểm sát chặt chẽ việc CHV thực hiện thông
báo cho người phải THA quyền được nhận lại tài sản THA theo quy định tại khoản
5 Điều 101 Luật THADS năm 2014; xác định rõ người phải THA nộp đủ tiền THA và
thanh toán các chi phí thực tế, hợp lý đã phát sinh từ việc cưỡng chế THA, tổ
chức bán đấu giá trước khi mở cuộc bán đấu giá 01 ngày làm việc để được nhận lại
tài sản THA.
4. Đối với việc bán đấu giá tài sản THA thuộc sở hữu
chung.
KSV cần kiểm sát việc CHV thực hiện trình tự, thủ tục
theo quy định tại khoản 3 Điều 74 Luật THADS năm 2014 và khoản 12 Điều 1 Nghị định
số 33/2020/NĐ-CP cụ thể:
- Trước khi bán đấu giá tài sản lần đầu đối với tài sản
thuộc sở hữu chung, KSV cần xem xét CHV có hay không thực hiện việc thông báo
và định thời hạn cho chủ sở hữu chung được quyền ưu tiên mua phần tài sản của
người phải THA trong thời hạn 03 tháng đối với bất động sản, 01 tháng đối với động
sản; những lần bán tiếp theo thì thời hạn là 15 ngày kể từ ngày nhận được thông
báo hợp lệ. Trường hợp trước khi bán đấu giá tài sản lần đầu mà có nhiều chủ sở
hữu chung đề nghị mua phần tài sản của người phải THA theo giá đã định, cần xem
xét việc CHV thực hiện việc thông báo cho các sở hữu chung đó thỏa thuận người
được quyền mua; nếu không thỏa thuận được thì CHV tổ chức bốc thăm để chọn ra
người được mua tài sản.
- Trường hợp chủ sở hữu chung không mua phần tài sản
của người phải THA thì KSV cần xem xét trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ
ngày hết hạn ưu tiên nêu trên, CHV có thực hiện bán hoặc ký hợp đồng dịch vụ
bán đấu giá tài sản thuộc sở hữu chung của người phải THA theo quy định tại Điều
101 Luật THADS năm 2014 hay không.
5. Đối với trường hợp bán đấu giá thành tài sản THA.
- Kiểm sát việc CHV thực hiện việc ký Hợp đồng mua
bán tài sản đấu giá với người trúng đấu giá theo quy định tại Điều 46 Luật Đấu
giá tài sản năm 2016; cần chú ý xem xét nội dung Hợp đồng quy định về thời hạn
và phương thức nộp tiền mua tài sản trúng đấu giá, quy định về việc người trúng
đấu giá không thực hiện đầy đủ hoặc không đúng hạn nghĩa vụ thanh toán tiền mua
tài sản đấu giá... theo quy định tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP .
- Kiểm sát việc CHV thực hiện giao tài sản THA cho
người trúng đấu giá. Theo quy định của pháp luật về THADS và pháp luật về đấu
giá tài sản hiện hành, thì thời hạn, phương thức, địa điểm giao tài sản bán đấu
giá cho người mua được tài sản bán đấu giá do CHV và Tổ chức bán đấu giá thỏa
thuận trong điều khoản của hợp đồng; người có tài sản bị bán đấu giá trong thời
hạn nhất định phải giao tài sản bán đấu giá cho người mua được tài sản đấu giá.
Đối với tài sản bán đấu giá để THA thì không phải vụ việc nào người có tài sản
bị bán đấu giá (người phải THA) cũng tự nguyện giao tài sản cho người mua được
tài sản đấu giá. Do vậy, để bảo vệ quyền lợi của người mua được tài sản bán đấu
giá, người nhận tài sản để THA, tại khoản 3 Điều 103 Luật THADS năm 2014 đã quy
định việc cưỡng chế giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá, người
nhận tài sản để THA thực hiện quy định tại các điều 114, 115, 116 và Điều 117
Luật này. Cụ thể các trường hợp cưỡng chế sau: Thủ tục cưỡng chế trả vật (Điều
114); Cưỡng chế trả nhà, giao nhà (Điều 115); Cưỡng chế giao, trả giấy tờ (Điều
116); Thủ tục cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất (Điều 117).
Việc giao tài sản bán đấu giá và cưỡng chế giao tài sản
bán đấu giá cho người mua được tài sản đấu giá do Cơ quan THADS thực hiện theo
pháp luật về THADS và mọi chi phí về việc cưỡng chế này do người phải THA chịu
theo quy định tại Điều 73 Luật THADS năm 2014. Tổ chức bán đấu giá là người chứng
kiến việc giao, nhận tài sản bán đấu giá. Trường hợp tài sản bán đấu giá đã được
giao trên thực tế cho người mua trúng đấu giá và người đó đã ký nhận vào Biên bản
giao, nhận tài sản, nhưng sau đó tài sản bị chiếm lại thì căn cứ quy định tại
khoản 4 Điều 13 Nghị định 62/2015/NĐ-CP , Cơ quan THADS không có trách nhiệm cưỡng
chế giao lại tài sản.
- Kiểm sát việc Cơ quan THADS thu tiền và xử lý tiền
bán đấu giá tài sản THA theo quy định tại khoản 4 Điều 27 Nghị định số
62/2015/NĐ-CP , khoản 12 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP và Hợp đồng bán đấu
giá tài sản THA; việc CHV lưu trữ hồ sơ, tài liệu về bán đấu giá tài sản THA.
- Kiểm sát việc CHV thực hiện quyền khởi kiện yêu cầu
Tòa án giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản THA và việc Cơ quan
THADS xử lý hậu quả và bồi thường thiệt hại do kết quả bán đấu giá tài sản bị hủy.
- Kiểm sát việc thực hiện trách nhiệm của Cơ quan
THADS và các cơ quan có thẩm quyền đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng cho
người mua tài sản bán đấu giá, người nhận tài sản để trừ vào tiền được THA theo
quy định Điều 106 Luật THADS năm 2014, cụ thể: KSV cần kiểm sát việc Cơ quan
THADS thực hiện trách nhiệm cung cấp đầy đủ những văn bản, giấy tờ cho người
mua trúng đấu giá tài sản THA, người nhận tài sản để trừ vào số tiền được THA,
gồm những loại giấy tờ sau: Văn bản đề nghị của Cơ quan THADS; bản sao bản án,
quyết định của Tòa án; Quyết định THA, Quyết định kê biên tài sản; văn bản bán
đấu giá thành hoặc biên bản giao nhận tài sản để THA; giấy tờ khác có liên quan
đến tài sản, nếu có (như Giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng về tài sản kê
biên). Trường hợp tài sản là quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền
với đất mà không có hoặc không thu hồi được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,
quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì cơ quan có thẩm quyền
có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận theo quy định của Chính phủ. Đối với tài sản
không thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 106 Luật THADS năm 2014 mà
không có giấy tờ đăng ký hoặc không thu hồi được giấy tờ đăng ký thì cơ quan có
thẩm quyền đăng ký có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền sở hữu, sử
dụng tài sản.
6. Đối với trường hợp không có người tham gia đấu
giá, bán đấu giá không thành, KSV cần kiểm sát chặt chẽ việc CHV thực hiện quy
định tại Điều 104 Luật THADS về các nội dung sau:
- Kiểm sát việc CHV thực hiện thông báo và yêu cầu
đương sự thỏa thuận về mức giảm giá tài sản trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể
từ ngày nhận được thông báo của Tổ chức bán đấu giá về việc tài sản đưa ra bán
đấu giá lần đầu nhưng không có người tham gia đấu giá, trả giá hoặc bán đấu giá
không thành. Trường hợp đương sự không thỏa thuận hoặc thỏa thuận không được về
mức giảm giá tài sản thì cần xem xét việc CHV quyết định giảm giá để tiếp tục
bán đấu giá tài sản trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo.
- Kiểm sát việc CHV thực hiện quy định tại khoản 2 Điều
104 Luật THADS năm 2014 về việc thông báo cho người được THA có quyền nhận tài
sản để trừ vào số tiền được THA trong trường hợp từ sau lần giảm giá thứ hai trở
đi mà không có người tham gia đấu giá, trả giá hoặc bán đấu giá không thành.
Trường hợp người được THA đồng ý nhận tài sản để trừ vào số tiền được THA thì
CHV thông báo cho người phải THA biết trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận
được thông báo về việc không có người tham gia đấu giá, trả giá hoặc bán đấu
giá không thành. Trường hợp người phải THA không nộp đủ số tiền THA và chi phí
THA để lấy lại tài sản đưa ra bán đấu giá, người được THA đồng ý nhận tài sản để
trừ vào số tiền được THA thì CHV thực hiện giao tài sản cho người được THA
trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày người phải THA nhận được thông báo về việc
người được THA đồng ý nhận tài sản để THA. Đối với tài sản là bất động sản, động
sản phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng thì CHV có kịp thời ra quyết định giao
tài sản cho người được THA để làm thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sở
hữu, sử dụng tài sản đó không. Trường hợp người phải THA, người đang quản lý, sử
dụng tài sản không tự nguyện giao tài sản cho người được THA thì CHV có kịp thời
tổ chức thực hiện việc cưỡng chế THA không.
- Kiểm sát việc CHV thực hiện quy định tại khoản 3 Điều
104 Luật THADS năm 2014 về việc ra quyết định giảm giá tài sản để tiếp tục bán
đấu giá trong trường hợp người được THA không đồng ý nhận tài sản để THA. Nếu
giá trị tài sản đã giảm bằng hoặc thấp hơn chi phí cưỡng chế mà người được THA
vẫn không nhận để trừ vào số tiền được THA thì CHV có thực hiện việc giao lại
tài sản cho người phải THA quản lý, sử dụng không; có yêu cầu người phải THA
không được đưa tài sản này tham gia các giao dịch dân sự cho đến khi họ thực hiện
xong nghĩa vụ THA không.
- Đối với tài sản bán đấu giá để thi hành các khoản nộp
ngân sách nhà nước, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo về
việc tài sản đưa ra bán đấu giá nhưng không có người tham gia đấu giá, trả giá
hoặc bán đấu giá không thành thì CHV có kịp thời quyết định giảm giá để tiếp tục
bán đấu giá tài sản không. Mỗi lần giảm giá có thực hiện theo quy định tại các
khoản 1, 3, 4 Điều 104 Luật THADS năm 2014 không và mức giảm giá có vượt quá
10% giá khởi điểm của lần bán đấu giá liền kề trước đó không. KSV cần chú trọng
kiểm sát việc CHV thực hiện thủ tục thông báo cho các đương sự về các lần giảm
giá bán đấu giá tài sản THA, về thời gian ký lại Hợp đồng bán đấu giá tài sản
THA...
7. Khi có phát sinh khiếu nại, tố cáo liên quan đến
hoạt động bán đấu giá tài sản THA, KSV cần kiểm sát chặt chẽ việc thụ lý, giải
quyết khiếu nại, tố cáo của Cơ quan THADS. Trường hợp tài sản đang trong quá
trình thực hiện thủ tục bán đấu giá nhưng đương sự khiếu nại về việc kê biên
sai đối tượng (kê biên thiếu hoặc thừa tài sản để THA) thì cần kịp thời kiểm
sát lại thủ tục kê biên tài sản nhằm xác định đúng tài sản để THA, tránh tình
trạng tài sản đã bán đấu giá thành phát sinh tranh chấp về quyền sở hữu tài sản,
khó khắc phục hậu quả và kéo dài thời gian tổ chức THA.
Điều 6. Kiểm sát việc tuân theo pháp
luật của Tổ chức bán đấu giá và Đấu giá viên trong việc bán đấu giá tài sản thi
hành án
Kiểm sát viên kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tổ
chức bán đấu giá và của Đấu giá viên theo quy định của pháp luật về đấu giá tài
sản nói chung, về bán đấu giá tài sản THA nói riêng, cần lưu ý kiểm sát chặt chẽ
một số nội dung sau:
1. Kiểm sát về chức năng hoạt động bán đấu giá tài sản
THA của Tổ chức bán đấu giá và Đấu giá viên.
Thông qua việc nghiên cứu các tài liệu trong hồ sơ
THADS hoặc yêu cầu Tổ chức bán đấu giá tài sản THA cung cấp để thực hiện kiểm
sát về hồ sơ pháp lý của Tổ chức bán đấu giá và của Đấu giá viên thực hiện việc
bán đấu giá tài sản THA, xác định điều kiện về chức năng hoạt động bán đấu giá
tài sản THA của Tổ chức bán đấu giá và Đấu giá viên theo quy định tại các Điều
22, Điều 23, Điều 25, Điều 26, Điều 28, Điều 29, Điều 30, Điều 56 Luật Đấu giá
tài sản năm 2016.
2. Kiểm sát việc Tổ chức bán đấu giá tài sản THA thực
hiện ký Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản THA theo quy định tại Điều 33 Luật Đấu
giá tài sản năm 2016; chú ý xem xét việc Tổ chức bán đấu giá thực hiện việc kiểm
tra thông tin về quyền được bán tài sản THA do CHV, Cơ quan THADS cung cấp.
3. Kiểm sát việc Tổ chức bán đấu giá ban hành Quy chế
cuộc đấu giá tài sản THA theo quy định tại Điều 34 Luật Đấu giá tài sản năm
2016.
Theo quy định của pháp luật thì Tổ chức bán đấu giá
tài sản phải ban hành Quy chế cuộc đấu giá áp dụng cho từng cuộc đấu giá và được
ban hành trước ngày niêm yết việc đấu giá tài sản THA. Tổ chức bán đấu giá tài
sản THA có trách nhiệm thông báo công khai Quy chế cuộc đấu giá. Khi tiến hành
kiểm sát, nếu phát hiện Quy chế cuộc đấu giá được ban hành cùng với ngày niêm yết
việc đấu giá thì xác định đó là vi phạm của Tổ chức bán đấu giá. Về nội dung
Quy chế cuộc đấu giá, KSV cần chú ý kiểm sát chặt chẽ các vấn đề sau:
- Nội dung Quy chế cuộc đấu giá có thể hiện đầy đủ
các thông tin về tài sản THA được đưa ra đấu giá không, để xác định Tổ chức bán
đấu giá có hành vi bưng bít thông tin về tài sản đấu giá nhằm hạn chế người
tham gia đấu giá hay không. Theo quy định, nội dung Quy chế cuộc như: Tên tài sản
hoặc danh mục tài sản, số lượng, chất lượng của tài sản đấu giá; nơi có tài sản
đấu giá; giấy tờ về quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản đấu giá.
- Việc quy định thời gian, địa điểm xem tài sản đấu
giá trong Quy chế cuộc đấu giá có đảm bảo quy định tại Điều 36 Luật Đấu giá tài
sản năm 2016 không.
- Việc quy định thời gian, địa điểm bán hồ sơ tham
gia đấu giá và thời gian, địa điểm, điều kiện, cách thức đăng ký tham gia đấu
giá trong Quy chế cuộc đấu giá có đảm bảo quy định tại Điều 38 Luật Đấu giá tài
sản năm 2016 không.
- Việc quy định về tiền đặt trước và xử lý tiền đặt
trước trong Quy chế cuộc đấu giá có đảm bảo quy định tại Điều 39 Luật Đấu giá
tài sản năm 2016 không.
4. Kiểm sát việc Tổ chức bán đấu giá thực hiện niêm yết
việc đấu giá tài sản THA theo quy định tại Điều 35 Luật Đấu giá tài sản năm
2016.
Khi tiến hành kiểm sát việc niêm yết, KSV cần lưu ý
những vấn đề sau:
- Xem xét các tài liệu chứng minh việc thực hiện niêm
yết là hình ảnh hoặc Biên bản niêm yết (đối với việc niêm yết tại UBND cấp xã
nơi có tài sản phải có xác nhận của UBND cấp xã).
- Xem xét các tài liệu thể hiện về địa điểm niêm yết
và thời gian gian niêm yết (việc niêm yết phải trước ngày mở cuộc đấu giá), cụ
thể:
+ Đối với tài sản đấu giá là động sản, cần xem xét việc
Tổ chức bán đấu giá thực hiện niêm yết tại trụ sở của Tổ chức đấu giá, nơi
trưng bày tài sản (nếu có), nơi tổ chức cuộc đấu giá ít nhất là 07 ngày làm việc.
+ Đối với tài sản đấu giá là bất động sản, cần xem
xét việc Tổ chức bán đấu giá thực hiện niêm yết tại trụ sở của Tổ chức đấu giá,
nơi tổ chức cuộc đấu giá và UBND cấp xã nơi có bất động sản ít nhất là 15 ngày
làm việc.
+ Đối với trường hợp đấu giá theo thủ tục rút gọn
theo quy định Điều 53 Luật Đấu giá tài sản năm 2016, thì thời gian niêm yết được
rút ngắn lại trước ngày mở cuộc đấu giá là 03 ngày làm việc đối với động sản,
05 ngày làm việc đối với bất động sản.
KSV có thể xác minh, kiểm tra tại nơi niêm yết việc đấu
giá để xác định Tổ chức bán đấu giá tài sản THA có thực hiện đúng quy định về
thủ tục niêm yết việc đấu giá hay không.
5. Kiểm sát việc Tổ chức bán đấu giá tài sản THA thực
hiện thông báo công khai việc đấu giá tài sản theo quy định tại Điều 57 Luật Đấu
giá tài sản năm 2016.
Theo quy định tại Điều 57 Luật Đấu giá tài sản năm
2016, đối với tài sản đấu giá là động sản có giá khởi điểm từ năm mươi triệu đồng
trở lên và bất động sản thì Tổ chức bán đấu giá tài sản phải thông báo công
khai ít nhất hai lần trên báo in hoặc báo hình của trung ương hoặc tỉnh, thành
phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản đấu giá và trang thông tin điện tử
chuyên ngành về đấu giá tài sản; mỗi lần thông báo công khai cách nhau ít nhất
02 ngày làm việc. Do vậy, khi kiểm sát việc Tổ chức bán đấu giá tài sản thực hiện
thông báo công khai việc đấu giá tài sản THA, KSV cần lưu ý:
- Việc thông báo trên trang thông tin điện tử chuyên
ngành về đấu giá tài sản, thời điểm áp dụng chính thức bắt buộc kể từ ngày
01/9/2020 tại địa chỉ http://dgts.moj.gov.vn theo Công văn số 1032/BTP-BTTP
ngày 23/3/2020 của Bộ Tư pháp về việc triển khai chính thức Cổng thông tin quốc
gia về đấu giá tài sản và Công văn số 1566/BTP-BTTP ngày 29/4/2020 của Bộ Tư
pháp về việc thi hành Luật Đấu giá tài sản.
- Trường hợp đấu giá theo thủ tục rút gọn quy định tại
điểm b khoản 1 Điều 53 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 (đấu giá lại trong trường
hợp đã đấu giá lần thứ hai trở đi nhưng vẫn không thành) thì thông báo công
khai 01 (một) lần việc đấu giá tài sản trên báo in hoặc báo hình của Trung ương
hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản đấu giá và trên trang
thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản.
- Trường hợp Tổ chức bán đấu giá thực hiện thông báo
việc đấu giá tài sản THA trên các Tờ, Bản tin không phải là báo in, báo hình do
Cơ quan quản lý báo chí có thẩm quyền cấp phép hoạt động (như: Tờ Thông tin thị
trường- giá cả vật tư của Bộ Công thương; Bản tin hàng ngày “Thị trường” của Học
viện Tài chính- Bộ Tài chính, ...), được xác định là vi phạm quy định tại khoản
1 Điều 57 Luật Đấu giá tài sản năm 2016.
6. Kiểm sát việc Tổ chức bán đấu giá tổ chức cho người
tham gia đấu giá được trực tiếp xem tài sản theo quy định tại Điều 36 Luật Đấu
giá tài sản năm 2016.
Khi kiểm sát về vấn đề này, KSV cần tập trung kiểm
sát các nội dung sau:
- Kiểm sát các tài liệu thể hiện việc Tổ chức bán đấu
giá đã tổ chức cho người tham gia đấu giá được trực tiếp xem tài sản hoặc mẫu
tài sản trong khoảng thời gian liên tục ít nhất là 02 ngày kể từ ngày niêm yết
việc đấu giá tài sản cho đến ngày mở cuộc đấu giá.
- Đối với tài sản đấu giá là quyền tài sản hoặc tài sản
phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì cần xem xét các tài liệu thể hiện
việc Tổ chức bán đấu giá cho người tham gia đấu giá được xem giấy tờ về quyền sở
hữu, quyền sử dụng tài sản và tài liệu liên quan.
- Trường hợp Tổ chức đấu giá cho rằng, đã tổ chức cho
người tham gia đấu giá xem tài sản, nhưng người tham gia đấu giá không có nhu cầu
xem, thì kiểm sát các tài liệu chứng minh người tham gia đấu giá không có nhu cầu
xem tài sản.
7. Kiểm sát về địa điểm tổ chức cuộc đấu giá theo quy
định tại Điều 37 Luật Đấu giá tài sản năm 2016.
Theo quy định của pháp luật, địa điểm cuộc đấu giá được
tổ chức tại trụ sở của Tổ chức bán đấu giá tài sản, nơi có tài sản đấu giá hoặc
địa điểm khác theo thỏa thuận của người có tài sản đấu giá (CHV) và Tổ chức bán
đấu giá tài sản đã được ký kết tại Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản THA, trừ
trường hợp pháp luật có quy định khác.
Khi kiểm sát về nội dung này, KSV cần lưu ý: Trường hợp
thay đổi địa điểm tổ chức cuộc đấu giá thì phải có sự thỏa thuận giữa Tổ chức
bán đấu giá tài sản với CHV và phải được niêm yết công khai trước khi mở cuộc đấu
giá theo quy định tại Điều 35 Luật Đấu giá tài sản năm 2016.
8. Kiểm sát việc bán và tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham
gia đấu giá theo quy định tại khoản 2 Điều 38 Luật Đấu giá tài sản năm 2016.
Khi kiểm sát vấn đề này, KSV cần tập trung kiểm sát
các nội dung sau:
- Theo quy định, Tổ chức bán đấu giá tài sản bán hồ
sơ tham gia đấu giá, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá phải được thực hiện trong
giờ hành chính, liên tục kể từ ngày niêm yết việc đấu giá cho đến trước ngày mở
cuộc đấu giá 02 ngày. Do vậy, trường hợp Tổ chức bán đấu giá tài sản THA không
bố trí người bán hồ sơ, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá theo quy định được xác
định là hành vi cản trở, gây khó khăn cho người tham gia đấu giá theo quy định
tại điểm c khoản 2 Điều 9 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 và thuộc trường hợp phải
hủy Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản THA theo quy định tại điểm c khoản 6 Điều
33 Luật Đấu giá tài sản năm 2014.
- Kiểm sát về việc Tổ chức bán đấu giá tài sản tiếp
nhận hồ sơ tham gia đấu giá của những người không đủ điều kiện đăng ký tham gia
đấu giá theo quy định tại khoản 4 Điều 38 Luật Đấu giá tài sản năm 2016. Trường
hợp phát hiện Tổ chức bán đấu giá tài sản THA cố tình cho phép người không đủ
điều kiện tham gia đấu giá theo quy định của pháp luật tham gia đấu giá và
trúng đấu giá là căn cứ để kháng nghị hoặc kiến nghị, yêu cầu CHV phải hủy Hợp
đồng dịch vụ đấu giá tài sản THA theo quy định tại điểm b khoản 6 Điều 33 Luật
Đấu giá tài sản năm 2016.
9. Kiểm sát việc Tổ chức bán đấu giá tài sản THA thu
tiền đặt trước của người tham gia đấu giá, trả lại tiền đặt trước của người
không trúng đấu giá và chuyển tiền đặt trước của người trúng đấu giá cho Cơ
quan THADS theo quy định tại Điều 39 Luật Đấu giá tài sản năm 2016.
Khi kiểm sát nội dung này, KSV cần lưu ý một số vấn đề
sau:
- Kiểm sát việc gửi tiền đặt trước vào một tài khoản
thanh toán riêng của Tổ chức bán đấu giá tài sản mở tại ngân hàng thương mại hoặc
chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Trường hợp khoản tiền đặt trước có
giá trị dưới năm trăm triệu đồng thì người tham gia đấu giá có thể nộp trực tiếp
cho Tổ chức bán đấu giá tài sản. Người tham gia đấu giá và Tổ chức bán đấu giá
tài sản có thể thỏa thuận thay thế tiền đặt trước bằng bảo lãnh ngân hàng.
- Kiểm sát việc Tổ chức bán đấu giá tài sản THA thực
hiện việc thu tiền đặt trước của người tham gia đấu giá trong thời hạn 03 ngày
làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá, trừ trường hợp người tham gia đấu giá và Tổ
chức bán đấu giá tài sản có thỏa thuận khác nhưng phải trước ngày mở cuộc đấu
giá. Tổ chức bán đấu giá tài sản không được sử dụng tiền đặt trước của người
tham gia đấu giá vào bất kỳ mục đích nào khác.
- Kiểm sát việc Tổ chức bán đấu giá tài sản trả lại
tiền đặt trước cho người tham gia đấu giá. Theo quy định, người tham gia đấu
giá có quyền từ chối tham gia đấu giá và được nhận lại tiền đặt trước trong trường
hợp có thay đổi về giá khởi điểm, số lượng, chất lượng tài sản đã niêm yết,
thông báo công khai. KSV cần chú ý kiểm sát các trường hợp người tham gia đấu
giá không được nhận lại tiền đặt trước theo quy định tại khoản 6 Điều 39 Luật Đấu
giá tài sản năm 2016.
- Kiểm sát việc Tổ chức bán đấu giá tài sản chuyển tiền
đặt trước của người trúng đấu giá cho Cơ quan THADS. Theo quy định tại khoản 5
Điều 39 Luật Đấu giá tài sản năm 2016, tiền đặt trước của người trúng đấu giá
được chuyển thành tiền đặt cọc để bảo đảm thực hiện Hợp đồng mua bán tài sản
trúng đấu giá. Việc Tổ chức bán đấu giá tài sản chuyển tiền đặt trước của người
mua trúng đấu giá tài sản THA cho Cơ quan THADS phải bao gồm cả khoản tiền lãi
phát sinh (nếu có). Luật Đấu giá tài sản năm 2016 không quy định cụ thể thời hạn
Tổ chức bán đấu giá tài sản phải chuyển khoản tiền đặt trước của người trúng đấu
giá cho Cơ quan THADS. Khi kiểm sát, nếu trong Quy chế cuộc đấu giá, Hợp đồng dịch
vụ đấu giá đã quy định cụ thể về thời hạn chuyển tiền đặt trước, thì KSV cần đối
chiếu thời điểm Tổ chức bán đấu giá tài sản chuyển tiền đặt trước cho Cơ quan
THADS với thời hạn đã được quy định trong Quy chế và Hợp đồng dịch vụ đấu giá
tài sản THA để xác định vi phạm.
10. Kiểm sát việc thực hiện trình tự, thủ tục tổ chức
cuộc đấu giá của Tổ chức bán đấu giá tài sản THA và của Đấu giá viên theo quy định
tại các Điều 41, 42, 43, 44 Luật Đấu giá tài sản năm 2016.
Khi kiểm sát về nội dung này, KSV cần chú ý kiểm sát
việc Đấu giá viên thực hiện quy trình về đăng ký, trả giá và tuyên bố người mua
trúng tài sản đấu giá THA; kiểm sát việc Đấu giá viên thực hiện Quy chế đấu
giá, giải quyết các khiếu nại, thắc mắc, ra vào trong cuộc đấu giá, việc sử dụng
điện thoại, người đi theo người tham gia đấu giá để tránh việc thông đồng, dìm
giá dẫn đến phải hủy kết quả bán đấu giá.
Trường hợp KSV được mời tham gia cuộc đấu giá tài sản
THA, KSV cần nhạy bén, linh hoạt trong việc quan sát để kiểm sát được toàn bộ
diễn biến xảy ra tại cuộc đấu giá; xem xét việc Đấu giá viên và Tổ chức bán đấu
giá xử lý tình huống phát sinh ngoài có đúng quy định của pháp luật không, mỗi
việc phát sinh đều phải có sự cân nhắc, đối chiếu với quy định của pháp luật để
xác định thao tác nghiệp vụ của Đấu giá viên và các thành viên cơ quan chuyên
môn phối hợp tại cuộc đấu giá. Kiểm sát việc tổng hợp các nội dung đưa vào Biên
bản đấu giá theo quy định tại Điều 44 Luật Đấu giá tài sản năm 2016, nội dung
Biên bản phải phản ánh đúng và đầy đủ diễn biến cuộc đấu giá; nếu thấy Biên bản
thể hiện chưa đúng, chưa đầy đủ các nội dung theo quy định thì KSV phải có ý kiến,
yêu cầu bổ sung cho đầy đủ. Sau khi Biên bản được thông qua, những người tham
gia không ai có ý kiến gì thì chốt biên bản; khi ký Biên bản, KSV phải ký nháy
vào từng trang của Biên bản.
11. Kiểm sát việc bán đấu giá tài sản THA trong trường
hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người trả giá theo quy định
tại Điều 49 Luật Đấu giá tài sản năm 2016.
Theo quy định, việc đấu giá tài sản trong trường hợp
chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người
trả giá, một người chấp nhận giá chỉ được tiến hành sau khi đã tổ chức cuộc đấu
giá lần đầu nhưng không thành. Trong trường hợp này, KSV cần lưu ý kiểm sát về
các nội dung sau:
- Trường hợp đấu giá tài sản theo phương thức trả giá
lên, khi đã hết thời hạn đăng ký tham gia mà chỉ có một người đăng ký tham gia
đấu giá hoặc có nhiều người đăng ký tham gia đấu giá nhưng chỉ có một người
tham gia cuộc đấu giá, hoặc có nhiều người tham gia cuộc đấu giá nhưng chỉ có một
người trả giá, hoặc có nhiều người trả giá nhưng chỉ có một người trả giá cao
nhất và ít nhất bằng giá khởi điểm thì tài sản được bán cho người đó nếu người
có tài sản đấu giá (CHV) đồng ý bằng văn bản.
- Trường hợp đấu giá theo phương thức đặt giá xuống
mà chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá hoặc có nhiều người đăng ký tham
gia đấu giá nhưng chỉ có một người tham gia cuộc đấu giá và chấp nhận giá khởi
điểm hoặc chấp nhận mức giá sau khi đã giảm thì tài sản được bán cho người đó nếu
người có tài sản đấu giá (CHV) đồng ý bằng văn bản.
- Việc đấu giá tài sản trong những trường này chỉ được
tiến hành sau khi đã thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục đấu giá tài sản theo
quy định của Luật Đấu giá tài sản năm 2016 và không có khiếu nại liên quan đến
trình tự, thủ tục cho đến ngày tổ chức cuộc đấu giá.
- Biên bản đấu giá ngoài nội dung quy định tại khoản
2 và khoản 4 Điều 44 của Luật Đấu giá tài sản năm 2016, còn phải thể hiện quá
trình đấu giá chỉ có một người tham gia đấu giá hoặc chỉ có một người trả giá,
chấp nhận giá hợp lệ; ý kiến đồng ý của người có tài sản đấu giá (CHV).
12. Kiểm sát việc Tổ chức bán đấu giá tài sản THA
chuyển hồ sơ đấu giá cho Cơ quan THADS theo quy định tại Điều 45 Luật Đấu giá
tài sản năm 2016.
Chú ý kiểm sát về thời hạn thông báo bằng văn bản về
kết quả cuộc đấu giá (01 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc cuộc đấu giá) và thời
hạn chuyển hồ sơ cuộc đấu giá (03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc cuộc đấu
giá); kiểm sát các tài liệu có trong hồ sơ cuộc đấu giá do Tổ chức bán đấu giá
tài sản THA chuyển cho Cơ quan THADS (phải có các tài liệu: Kết quả đấu giá tài
sản, Biên bản đấu giá, Danh sách người trúng đấu giá).
Điều 7. Kiểm sát việc tuân theo pháp
luật của người tham gia đấu giá
Khi kiểm sát việc tuân theo pháp luật của người tham
gia đấu giá tài sản THA, KSV cần lưu ý một số nội dung sau:
- Kiểm sát hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá của những
người tham gia đấu giá, KSV cần chú ý xem xét các tài liệu thể hiện những người
tham gia đấu giá có đủ điều kiện tham gia đấu giá tài sản THA theo quy định tại
khoản 4 Điều 38 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 và yêu cầu trong Quy chế cuộc đấu
giá, nhất là trong trường hợp pháp luật có liên quan quy định về điều kiện bắt
buộc của người tham gia đấu giá, ví dụ như: Pháp luật về đất đai quy định những
người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất nông nghiệp hoặc đất dự án, khu công
nghiệp phải là người có đủ điều kiện nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông
nghiệp hoặc đất dự án, khu công nghiệp.... Xem xét về thời hạn những người tham
gia đấu giá tài sản THA nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá có đảm bảo quy định
trước ngày mở cuộc đấu giá 02 ngày không.
- Kiểm sát việc người tham gia đấu giá nộp tiền đặt
trước, KSV cần xem xét việc người tham gia đấu giá nộp tiền đặt trước có đảm bảo
đủ số tiền theo quy định trong Quy chế cuộc đấu giá và thông báo bán đấu giá
tài sản THA không; xem xét việc người tham gia đấu giá nộp tiền đặt trước bằng
tiền mặt hay chuyển khoản hay thông qua bảo lãnh của Ngân hàng; cần chú ý việc
nộp tiền đặt trước bằng tiền mặt chỉ trong trường hợp khoản tiền đặt trước có
giá trị dưới 05 triệu đồng; xem xét việc người tham gia đấu giá nộp tiền đặt
trước có đảm bảo trong thời hạn 03 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá
theo quy định tại khoản 2 Điều 39 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 không...
- Kiểm sát việc người tham gia đấu giá tài sản THA trả
giá tại cuộc đấu giá theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 41, khoản 2, 3 Điều 42
và Điều 43 Luật Đấu giá tài sản năm 2016.
- Kiểm sát việc người mua trúng đấu giá tài sản THA
thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 48 Luật Đấu giá tài sản. KSV
cần kiểm sát chặt chẽ việc người trúng đấu giá thực hiện việc nộp tiền mua tài
sản đấu giá theo quy định tại điểm 3 khoản 12 Điều 1 Nghị định số
33/2020/NĐ-CP , Quy chế cuộc đấu giá và Hợp đồng mua tài sản trúng đấu giá: Người
mua được tài sản bán đấu giá phải nộp tiền vào tài khoản của Cơ quan THADS
trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày đấu giá thành và không được gia hạn
thêm.
Chương
III
TỔ
CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8. Hiệu lực thi hành
Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký, những quy định
trước đây trái với quy định này bị bãi bỏ.
Điều 9. Tổ chức thực hiện
1. Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc VKSND tối
cao, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh, Viện trưởng VKSND cấp huyện và Viện trưởng Viện
kiểm sát quân sự Trung ương trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình chịu
trách nhiệm tổ chức thi hành Quy định này.
2. Giao Vụ Kiểm sát thi hành án dân sự (Vụ 11) chủ
trì, phối hợp với Văn phòng VKSND tối cao theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm
tra việc thực hiện Quy định này.
Điều 10. Sửa đổi, bổ sung quy định
1. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc
hoặc những vấn đề mới cần phải sửa đổi, bổ sung thì các đơn vị liên quan thuộc
VKSND tối cao, VKSND cấp dưới báo cáo VKSND tối cao (qua Vụ 11) để đề xuất hướng
dẫn, sửa đổi, bổ sung kịp thời.
2. Việc sửa đổi, bổ sung Quy định này do Viện trưởng
VKSND tối cao quyết định./.
1 Khi nghiên cứu hồ sơ
tổ chức THADS có thực hiện cưỡng chế kê biên, bán đấu giá tài sản THA, Kiểm sát
viên cần kiểm sát chặt chẽ việc tuân theo pháp luật của CHV, Cơ quan THADS
trong việc thực hiện trình tự,
thủ tục về bán đấu giá tài sản THA theo quy định từ Điều 101 đến Điều 106 Luật
THADS năm 2014; việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của CHV với vai trò là người
có tài sản đấu giá theo quy định tại Điều 33, Điều 44, Điều 46, Điều 47, Điều
53, Điều 54, Điều 56, Điều 58, Điều 66, Điều 69, Điều 71, Điều 72, ... Luật Đấu
giá tài sản năm 2016; việc thực hiện quy định tại Điều 27, Điều 28, Điều 31 Nghị
định số 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của
Luật THADS (Nghị định số 62/2015/NĐ-CP) và khoản 12 Điều 1 Nghị định số
33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
62/2015/NĐ-CP (Nghị định số 33/2020/NĐ-CP); Thông tư liên tịch số
11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 01/8/2016 và Thông tư số 02/2022/TT-BTP
ngày 08/02/2022 của Bộ Tư pháp.
2 Thực hiện theo Điều
33 Quy chế công tác kiểm sát THADS, THAHC ban hành theo Quyết định số
810/QĐ-VKSTC-V11 ngày 20/12/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao (Quy chế số 810)