Kính gửi:
|
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương;
- Các cơ sở y tế trên phạm vi toàn quốc.
|
Trong thời gian qua, Bộ Y tế tiếp tục nhận được các
văn bản đề nghị hướng dẫn thực hiện việc mua sắm, đấu thầu thuốc, hóa chất, vật
tư xét nghiệm, thiết bị y tế của một số Sở Y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
(sau đây gọi chung là các cơ quan, đơn vị). Sau khi xem xét, Bộ Y tế có ý kiến
như sau:
1. Bộ Y tế đã ban hành các văn bản
chỉ đạo, hướng dẫn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện mua sắm,
đấu thầu thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế gửi các cơ quan, đơn
vị[1]; đa số nội dung
mà các cơ quan, đơn vị đề nghị hướng dẫn đều đã được quy định trong Luật Đấu thầu
năm 2023, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP và các thông tư hướng dẫn của Bộ Kế hoạch
và Đầu tư, Bộ Y tế. Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế cũng đã tổ chức
nhiều Hội nghị phổ biến rộng rãi Luật Đấu thầu năm 2023, Nghị định số
24/2024/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn trên phạm vi toàn quốc.
Để bảo đảm đủ thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm,
thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế đề nghị:
a) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương, các Bộ, ngành có cơ sở y tế trực thuộc và các bệnh viện trực thuộc
Bộ Y tế chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý chủ động nghiên cứu,
quán triệt các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y
tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và những nội dung đã được Bộ Y tế trao đổi, giải đáp
tại các Hội nghị phổ biến pháp luật về đấu thầu để triển khai thực hiện hiệu quả,
kịp thời việc mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế.
b) Các cơ quan, đơn vị tăng cường giải quyết các vấn
đề trong quá trình lựa chọn nhà thầu theo đúng thẩm quyền, không né tránh trách
nhiệm, gửi văn bản hành chính để đẩy trách nhiệm lên cơ quan cấp trên, các Bộ
hoặc các cơ quan khác, ảnh hưởng đến tiến độ xử lý công việc và quyền lợi của
người dân.
c) Người đứng đầu các cơ sở y tế thực hiện đầy đủ trách
nhiệm của người có thẩm quyền (đối với trường hợp được phân cấp), trách nhiệm của
chủ đầu tư, bên mời thầu trong hoạt động lựa chọn nhà thầu; lưu ý đẩy nhanh tiến
độ tổ chức lựa chọn nhà thầu; đẩy mạnh và quản lý chặt chẽ việc tổ chức mua sắm,
đấu thầu, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, tránh lãng phí, tiêu cực; chịu
trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm,
thiết bị y tế và các dịch vụ liên quan tại các cơ sở y tế thuộc quyền quản lý.
2. Đối với một số nội dung đề nghị
hướng dẫn của các cơ quan, đơn vị gửi đến Bộ Y tế
a) Về việc hướng dẫn nguyên tắc, tiêu chí xây dựng
Danh mục mua sắm tập trung cấp địa phương và xác định, tổng hợp nhu cầu mua sắm
tập trung đối với thuốc:
- Việc xây dựng Danh mục mua sắm tập trung cấp địa
phương thực hiện theo quy định về các điều kiện về mua sắm tập trung tại khoản 1 và khoản 5 Điều 53 Luật Đấu thầu năm 2023. Do vậy, các
địa phương, đơn vị cần nghiên cứu quy định nêu trên để xây dựng, trình cấp có
thẩm quyền ban hành Danh mục mua sắm tập trung thuộc phạm vi quản lý theo đúng
thẩm quyền quy định tại điểm c khoản 2 Điều 53 Luật Đấu thầu năm
2023.
- Việc xác định và tổng hợp nhu cầu mua sắm tập
trung đối với thuốc thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 17,
Điều 22, Điều 23 và Điều 24 Thông tư số 07/2024/TT-BYT. Theo đó, để bảo đảm
việc mua sắm tập trung, điều tiết thuốc được tiết kiệm, hiệu quả, đề nghị các địa
phương, cơ quan, đơn vị căn cứ số lượng thực tế đã sử dụng và dự kiến tình hình
khám bệnh, chữa bệnh trong thời gian tới để xác định, đăng ký nhu cầu cần mua sắm
tập trung cho phù hợp. Trường hợp số lượng đăng ký tăng trên 30% so với số lượng
đã sử dụng của kỳ trước liền kề hoặc của 12 tháng trước liền kề tính đến thời
điểm xác định nhu cầu mua sắm thì phải giải trình, thuyết minh cụ thể (khoản 2 Điều 24 Thông tư số 07/2024/TT-BYT).
- Về việc tổng hợp nhu cầu của cơ sở y tế trực thuộc
các Bộ, ngành, doanh nghiệp đóng trên địa bàn vào gói thầu mua sắm tập trung
thuốc cấp địa phương: Bộ Y tế đã ban hành văn bản số 4060/BYT-KH-TC ngày
16/7/2024 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc
bảo đảm thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh.
Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
chỉ đạo Sở Y tế, đơn vị mua sắm tập trung cấp địa phương tổng hợp nhu cầu mua sắm
thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế thuộc danh mục mua sắm tập trung cấp địa
phương của các cơ sở y tế trực thuộc các Bộ, ngành, doanh nghiệp đóng trên địa
bàn khi các cơ sở y tế này có nhu cầu theo quy định.
Trường hợp các cơ sở y tế thuộc Bộ, ngành, doanh
nghiệp có nhu cầu mua sắm thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế không thuộc
danh mục mua sắm tập trung cấp địa phương thì có thể thỏa thuận để đơn vị mua sắm
tập trung cấp địa phương tổng hợp nhu cầu và thực hiện việc mua sắm theo quy định
tại khoản 5 Điều 53 Luật Đấu thầu năm 2023 và điểm
a khoản 3 Điều 3 Thông tư số 07/2024/TT-BYT.
b) Về việc xác định đơn vị thẩm định trong mua sắm
tập trung đối với thuốc:
Khoản 1 Điều 87 Nghị định số
24/2024/NĐ-CP quy định việc mua sắm tập trung được thực hiện thông qua đơn
vị mua sắm tập trung thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ
quan khác ở trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, doanh nghiệp, trừ trường hợp
quy định tại khoản 5 Điều 53 của Luật Đấu thầu năm 2023. Trường
hợp đơn vị mua sắm tập trung không đủ năng lực thì thuê tư vấn đấu thầu thực hiện
việc lựa chọn nhà thầu. Điểm b khoản 4 Điều 126 Nghị định số
24/2024/NĐ-CP quy định đối với gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư xét
nghiệm, thiết bị y tế do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là người có thẩm quyền
thì Sở Y tế chủ trì thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp gói thầu mua sắm
tập trung thuốc do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh là người có thẩm quyền và giao
Sở Y tế là đơn vị mua sắm tập trung thì Sở Y tế là chủ đầu tư, đồng thời là cơ
quan thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Trong trường hợp này, Sở Y tế cần bảo
đảm tính khách quan, độc lập giữa các phòng, ban, cá nhân được giao lập, trình
kế hoạch lựa chọn nhà thầu với các phòng, ban, cá nhân được giao thẩm định kế
hoạch lựa chọn nhà thầu; trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho cơ
quan, đơn vị khác (không phải Sở Y tế) là đơn vị mua sắm tập trung thì Sở Y tế
chịu trách nhiệm chủ trì thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo quy định đã
nêu bên trên. Việc giao cơ quan, đơn vị nào làm chủ đầu tư do Chủ tịch Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh quyết định.
c) Liên quan đến các nội dung về việc trình, thẩm định
phê duyệt quyết định mua sắm; mua thuốc bán lẻ trong khuôn viên bệnh viện;
trách nhiệm của đơn vị mua sắm tập trung thuốc cấp địa phương; thẩm quyền mua sắm
tập trung: Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã có các văn bản hướng
dẫn số: 1763/QLĐT-CS ngày 14/8/2024 gửi Bộ Y tế; 1700/QLĐT-CS ngày 06/8/2024 gửi
Sở Y tế tỉnh Sơn La; 1255/QLĐT-CS ngày 07/6/2024 gửi Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp;
1232/QLĐT-CS ngày 06/6/2024 gửi Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên. Bộ Y tế xin gửi kèm
theo các văn bản nêu trên của Cục Quản lý đấu thầu để các cơ quan, đơn vị
nghiên cứu, thực hiện.
d) Việc mua sắm thuốc đối với trường hợp quy định tại
khoản 5 Điều 53 của Luật Đấu thầu năm 2023:
Theo quy định tại khoản 3 Điều 3
Thông tư số 07/2024/TT-BYT, trường hợp các cơ quan, đơn vị tại địa phương
không có thỏa thuận và không thể tự tổ chức lựa chọn nhà thầu hoặc đã tổ chức lựa
chọn nhà thầu nhưng không thành công thì gửi nhu cầu mua sắm về Sở Y tế. Sau
khi nhận được văn bản đề nghị của cơ quan, đơn vị, trong thời gian 10 ngày, Sở
Y tế có trách nhiệm chỉ định đơn vị để thực hiện việc mua sắm. Trường hợp không
chỉ định phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
đ) Về việc phê duyệt quyết định mua sắm trong quy
trình lựa chọn nhà thầu và xác định tài sản công trong mua sắm:
Ngày 16/8/2024, Bộ Tài chính có văn bản số
8645/BTC-QLCS gửi Bộ Y tế về công tác đấu thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư xét
nghiệm, thiết bị y tế (xin gửi kèm theo), trong đó nêu rõ: “Thuốc, hóa chất,
vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế tại các đơn vị sự nghiệp công lập y tế là tài
sản công. Tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ đã quy
định chi tiết chế độ quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức đơn vị;
trong đó quy định việc tổ chức thực hiện mua sắm tài sản được thực hiện theo
quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật có liên quan”.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 91
và khoản 1 Điều 92 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP thì thẩm quyền quyết định việc
mua sắm tài sản công tại cơ quan, đơn vị thực hiện theo quy định của pháp luật
về quản lý, sử dụng tài sản công; việc lựa chọn nhà thầu thuộc dự toán mua sắm
thực hiện theo quy trình quy định tại các Chương I, II, III, IV, V, VI và VII Nghị định số
24/2024/NĐ-CP, không phải trình, phê duyệt quyết định mua sắm.
Theo đó, căn cứ quy định của pháp luật về quản lý,
sử dụng tài sản công và pháp luật về đấu thầu thì thẩm quyền quyết định việc
mua sắm thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công;
quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu
năm 2023, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP , các thông tư hướng dẫn Bộ Kế hoạch và Đầu
tư, Bộ Y tế và không phải trình, phê duyệt quyết định mua sắm.
e) Về việc mua sắm tại cơ sở y tế công lập:
Việc tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc, hóa
chất, vật tư xét nghiệm và các hàng hóa, dịch vụ khác tại cơ sở y tế công lập
thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2023, Nghị định 24/2024/NĐ-CP ,
các thông tư hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế và pháp luật khác có
liên quan. Theo đó:
- Trường hợp thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, vật tư
xét nghiệm thuộc danh mục mua sắm tập trung trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu được
cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng chưa có kết quả lựa chọn nhà thầu hoặc không
lựa chọn được nhà thầu trúng thầu hoặc khi thỏa thuận khung của gói thầu mua sắm
tập trung hết hiệu lực thì căn cứ thông báo của đơn vị được giao nhiệm vụ mua sắm
tập trung, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được tự mua sắm theo quy định tại khoản 2 Điều 94 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP. Trong trường hợp
này, việc xác định nhu cầu mua sắm do cơ sở khám, chữa bệnh tư thực hiện và chịu
trách nhiệm về số lượng mua sắm.
- Đối với việc mua sữa, đồ dùng sinh hoạt, thực phẩm
chức năng, mỹ phẩm, vật tư y tế ... để bán lẻ (bao gồm cả bán trong nhà thuốc của
bệnh viện): trường hợp sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn từ nguồn thu hợp
pháp của cơ sở y tế công lập thì việc mua các hàng hóa nêu trên của cơ sở y tế
công lập để bán lẻ phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
- Thặng số bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám
bệnh, chữa bệnh thực hiện theo quy định tại Điều 136 Nghị định
số 54/2017/NĐ-CP. Việc kê khai giá thuốc[2], mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế...
thực hiện theo quy định tại Luật Giá năm 2023, Nghị định số 85/2024/NĐ-CP và
pháp luật khác có liên quan.
g) Về việc mua sắm tại cơ sở y tế tư nhân:
Theo quy định tại khoản 1 khoản 2
Điều 95 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được
tổng hợp, gửi nhu cầu mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế của
cơ sở đó cho đơn vị mua sắm tập trung ở địa phương nơi cơ sở đó đặt trụ sở để
mua sắm tập trung (cấp quốc gia, cấp địa phương), đàm phán giá. Trường hợp cơ sở
khám bệnh, chữa bệnh tư nhân có nhu cầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư xét
nghiệm, thiết bị y tế thông qua đơn vị mua sắm tập trung thì phải ký kết hợp đồng
với đơn vị mua sắm tập trung.
Trường hợp các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân
không tổng hợp nhu cầu để mua sắm tập trung, đàm phán giá thì tự tổ chức mua sắm
thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế; trong trường hợp này, việc
thanh toán thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế thuộc danh mục do
quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho cơ sở y tế tư nhân được thực hiện theo quy định tại
các khoản 3, 4, 5 và 6 Điều 95 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP.
h) Về việc xác định ưu đãi, xếp hạng nhà thầu đối với
gói thầu mua thuốc áp dụng phương pháp giá thấp nhất:
Điểm c khoản 4 Điều 24 Nghị định số
24/2024/NĐ-CP quy định việc xác định giá thấp nhất (đối với trường hợp áp dụng
phương pháp giá thấp nhất) đối với gói thầu mua sắm hàng hóa (trong đó có thuốc)
như sau: xác định giá dự thầu; sửa lỗi; hiệu chỉnh sai lệch; trừ giá trị giảm
giá (nếu có); chuyển đổi giá dự thầu sang một loại đồng tiền chung (nếu có);
xác định giá trị ưu đãi (nếu có); so sánh giữa các hồ sơ dự thầu để xác định
giá thấp nhất.
Khoản 4.1 Mục 4 - Tiêu chuẩn đánh
giá về tài chính Chương III Mẫu HSMT mua thuốc qua mạng áp dụng phương thức 1
giai đoạn 1 túi hồ sơ ban hành kèm theo Thông tư số 07/2024/TT-BYT quy định
E-HSMT có giá dự thầu sau khi trừ đi giảm giá (nếu có) và cộng giá trị ưu đãi
(nếu có) thấp nhất được xếp hạng thứ nhất.
Theo đó, đối với gói thầu mua thuốc áp dụng phương
pháp giá thấp nhất, việc xác định giá thấp nhất để so sánh, xếp hạng nhà thầu
thực hiện theo quy định nêu trên, trong đó bao gồm cả việc xác định giá trị ưu
đãi (nếu có) khi so sánh, xếp hạng nhà thầu.
j) Về việc xin ý kiến Bảo hiểm xã hội Việt Nam
trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu:
Theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều
94 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm tham
gia vào quá trình thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với mua sắm tập
trung, đàm phán giá. Đơn vị mua sắm tập trung cấp địa phương có trách nhiệm xin
ý kiến bằng văn bản đối với cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố về nhu cầu
mua sắm theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 23 Thông tư số
07/2024/TT-BYT; đơn vị thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu gói thầu mua sắm
tập trung cấp địa phương có trách nhiệm xin ý kiến bằng văn bản cơ quan Bảo hiểm
xã hội tỉnh, thành phố theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 25
Thông tư số 07/2024/TT-BYT.
Trong quá trình thẩm định, việc cơ quan Bảo hiểm xã
hội tỉnh, thành phố cử cán bộ tham gia các cuộc họp với đơn vị thẩm định để cho
ý kiến về kế hoạch lựa chọn nhà thầu là phù hợp với quy định tại điểm
a khoản 4 Điều 94 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP; ý kiến của người được cơ quan
Bảo hiểm xã hội cử tham dự họp thẩm định là ý kiến chính thức của cơ quan Bảo
hiểm xã hội.
k) Về quy định chuyển tiếp thực hiện Luật Đấu thầu
năm 2013:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 96
Luật Đấu thầu năm 2023, đối với các gói thầu đã phê duyệt và phát hành hồ
sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu trước ngày 01/01/2024 thì tiếp tục tổ chức lựa chọn
danh sách ngắn, lựa chọn nhà thầu, ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng theo
quy định của Luật Đấu thầu năm 2013 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn
thi hành.
Như vậy, trường hợp các gói thầu mua thuốc đã ký kết
hợp đồng trước ngày 01/01/2024 thì việc quản lý thực hiện hợp đồng (bao gồm cả
việc mua bổ sung số lượng (nếu có)) thực hiện theo các thỏa thuận nêu trong hợp
đồng đã ký trên cơ sở tuân thủ quy định của Luật Đấu thầu năm 2013 và các văn bản
quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu năm 2013.
l) Về việc phân nhóm thiết bị y tế theo tiêu chuẩn
kỹ thuật, chất lượng:
Bộ Y tế đang tổng hợp, rà soát ý kiến đề xuất của
các cơ quan, đơn vị để có căn cứ nghiên cứu, hướng dẫn về phân nhóm thiết bị y
tế theo tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng bảo đảm phù hợp với thực tiễn và các
quy định của pháp luật hiện hành. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại
Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 29/7/2024 về đẩy mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả
thi hành Luật Đấu thầu, Bộ Y tế sẽ khẩn trương nghiên cứu để ban hành hướng dẫn
về phân nhóm thiết bị y tế theo tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng trong Quý III
năm 2025.
Việc lập hồ sơ mời thầu đối với gói thầu mua sắm
thiết bị y tế thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT ngày
26/4/2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và không phụ thuộc vào việc bắt buộc phải
có quy định về phân nhóm thiết bị y tế theo tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng.
Theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều
16 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP, đối với gói thầu mua thuốc; hóa chất, vật tư
xét nghiệm, thiết bị y tế; linh kiện, phụ kiện, vật tư thay thế sử dụng cho thiết
bị y tế: trên cơ sở yêu cầu chuyên môn, chủ đầu tư quyết định các tiêu chí kỹ
thuật và tổ chức lấy báo giá. Trường hợp có từ 02 báo giá trở lên, chủ đầu tư
được lựa chọn báo giá cao nhất phù hợp với khả năng tài chính và yêu cầu chuyên
môn. Trường hợp cần thiết, trong hồ sơ mời thầu có thể quy định về xuất xứ của
thiết bị y tế theo nhóm nước, vùng lãnh thổ (khoản 2 Điều 44 Luật
Đấu thầu năm 2023). Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 7
Điều 24 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP, trường hợp gói thầu cần xem xét trên cơ
sở chú trọng tới các yếu tố kỹ thuật và giá, chủ đầu tư có thể quy định mức điểm
yêu cầu tối thiểu về kỹ thuật không thấp hơn 80% tổng số điểm tối đa về kỹ thuật
(thay cho mức 70% như các gói thầu thông thường).
Theo đó, căn cứ quy định nêu trên, chủ đầu tư chịu
trách nhiệm xác định nhu cầu mua sắm, giá gói thầu, xây dựng các tiêu chí đánh
giá trong hồ sơ mời thầu cho phù hợp để bảo đảm mua sắm được hàng hóa đáp ứng
yêu cầu sử dụng.
Ngoài ra, theo quy định tại điểm đ
khoản 1 Điều 23 Luật Đấu thầu năm 2023, trường hợp gói thầu cung cấp dịch vụ
tư vấn phải mua từ nhà thầu đã thực hiện trước đó do cần bảo đảm tính tương
thích về công nghệ, bản quyền mà không thể mua được từ nhà thầu khác; gói thầu mua
sắm hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn phải mua từ nhà thầu đã thực hiện trước đó hoặc
từ hãng sản xuất, đại lý của hãng sản xuất do cần bảo đảm tính tương thích về
công nghệ, bản quyền với các thiết bị, máy móc, phần mềm, dịch vụ sẵn có hoặc
do các điều kiện bảo hành của nhà thầu, hãng sản xuất mà không thể mua được từ
nhà thầu khác, hãng sản xuất khác thì chủ đầu tư được áp dụng chỉ định thầu mà
không phụ thuộc vào giá gói thầu. Trong trường hợp này, việc chỉ định thầu phải
đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 23 Luật Đấu
thầu năm 2023.
m) Về việc xác định hàng hóa là vật tư xét nghiệm,
thiết bị y tế:
Khái niệm “Vật tư xét nghiệm”, “Thiết bị y tế” đã
được quy định cụ thể tại khoản 12 Điều 2 Nghị định số
96/2023/NĐ-CP, khoản 1 Điều 2 Nghị định số 98/2021/NĐ-CP
và khoản 7 Điều 147 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP. Theo đó,
khi tổ chức lựa chọn nhà thầu, các cơ quan, đơn vị căn cứ quy định nêu trên để
xác định hàng hóa thuộc gói thầu là vật tư xét nghiệm hay thiết bị y tế cho phù
hợp.
n) Việc tra cứu thông tin giá trúng thầu để phục vụ
lập giá gói thầu:
Hiện nay, thông tin về kết quả lựa chọn nhà thầu của
tất cả các gói thầu cung cấp thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế
đã được công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia. Hiện nay, Hệ thống mạng
đấu thầu quốc gia đã triển khai 06 chức năng, gồm: (1) Chức năng Lập giá
gói thầu dành cho Chủ đầu tư/Bên mời thầu/Cơ quan có thẩm quyền; (2) Chức
năng Hỗ trợ lập giá dự thầu dành cho Nhà thầu; (3) Chức năng Thống kê,
giám sát hoạt động đấu thầu dành cho Chủ đầu tư/Bên mời thầu/Đơn vị quản lý đấu
thầu; (4) Chức năng Thống kê, giám sát hoạt động đấu thầu trên Trang chủ
dành cho tất cả người dùng; (5) Chức năng Phân tích Chủ đầu tư/Bên mời
thầu dành cho Nhà thầu; (6) Chức năng Tìm kiếm theo: danh mục hàng hóa,
mã HS đối với gói thầu mua sắm hàng hóa; tên hoạt chất, tên dược liệu, tên khoa
học, tên vị thuốc cổ truyền đối với các gói thầu thuốc khi tìm kiếm Kết quả lựa
chọn nhà thầu trong chức năng “Tìm kiếm nâng cao”.
Theo đó, trường hợp cần tra cứu thông tin về giá
trúng thầu (bao gồm các thông tin: tên thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết
bị y tế; xuất xứ; số lượng; đơn giá trúng thầu; tên nhà thầu trúng thầu; tên chủ
đầu tư...) làm cơ sở lập giá gói thầu và các thông tin liên quan khác, các cơ
quan, đơn vị có thể truy cập vào Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia (https://muasamcong.mpi.gov.vn/)
để tra cứu. Trường hợp có vướng mắc, khó khăn trong việc tra cứu, đề nghị gửi
văn bản về Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cục Quản lý đấu thầu) hoặc liên hệ số điện
thoại Hotline 1900.6126 để được hướng dẫn.
Trên đây là ý kiến của Bộ Y tế, đề nghị các cơ
quan, đơn vị nghiên cứu để khẩn trương, chủ động triển khai công tác mua sắm
thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế phục vụ nhân dân và tuân thủ
đúng quy định của pháp luật./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Thứ trưởng;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính;
- Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
- Các Bộ, ngành, DN có cơ sở y tế trực thuộc;
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố;
- Các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế;
- Cổng TTĐT Bộ Y tế (để đăng tải);
- Lưu: VT, KH-TC.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Lê Đức Luận
|
[1]
Gửi kèm theo: Văn bản số 3314/BYT-KH-TC ngày 17/6/2024, Văn bản số
4060/BYT-KH-TC ngày 16/7/2024 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW, các Bộ,
ngành có cơ sở y tế trực thuộc, các Sở Y tế, các bệnh viện; các văn bản hướng dẫn
tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong mua sắm thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y
tế của Bộ Y tế gửi đến các Sở Y tế, các bệnh viện.
[2]
Gửi kèm theo: Văn bản số 4448/BYT-QLD ngày 01/8/2024 của Bộ Y tế về việc thực
hiện quy định về kê khai giá thuốc theo Luật Giá năm 2023