ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3304/UBND-VX
Về việc
triển khai thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09 tháng 5 năm 2016 của Thủ
tướng Chính phủ
|
Thành phố Hồ Chí Minh,
ngày 29 tháng 6 năm 2016
|
Kính gửi:
|
- Sở Y tế;
- Sở Công Thương;
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Sở Tài chính;
- Sở Nội vụ;
- Sở Thông tin và Truyền thông;
- Công an Thành phố;
- Ủy ban nhân dân các quận - huyện.
|
Thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09 tháng 5 năm
2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về
an toàn thực phẩm.
Nhằm đề cao trách nhiệm, tăng cường hiệu lực quản lý
nhà nước, tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, bảo đảm an toàn
thực phẩm trên địa bàn thành phố; Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu Thủ trưởng
các Sở - ngành liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện tập trung
chỉ đạo quản lý tốt công tác an toàn thực phẩm trong năm 2016 theo đúng chỉ đạo
của Thủ tướng Chính phủ như sau:
1. Sở Y tế (Cơ quan thường trực Ban
Chỉ đạo liên ngành về Vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố)
- Chủ trì phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Sở Công Thương rà soát văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, kịp
thời tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố đề xuất, kiến nghị Chính phủ, các Bộ
liên quan sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành, đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo
đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.
- Chủ trì phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Sở Công Thương thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, đặc biệt
là thanh tra, kiểm tra đột xuất về an toàn thực phẩm đối với ngành hàng được
phân công, quản lý chặt chẽ các vật tư liên quan đến an toàn thực phẩm (sản xuất,
kinh doanh và sử dụng các chất phụ gia thực phẩm, hương liệu và các chất hỗ trợ
chế biến thực phẩm), giải quyết kịp thời các sự cố mất an toàn thực phẩm trên địa
bàn thành phố; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị Ủy ban nhân dân Thành phố xử
lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm và các cơ quan, công chức thiếu trách
nhiệm, buông lỏng quản lý an toàn thực phẩm.
- Phối hợp với các Sở - ngành liên quan tổ chức tốt
đường dây nóng qua điện thoại, tin nhắn, hộp thư điện tử, trang thông tin điện
tử để tiếp nhận kịp thời các phản ảnh của nhân dân, báo chí về vi phạm an toàn
thực phẩm và xử lý nghiêm, phản hồi kịp thời về các tổ chức, cá nhân có vi phạm;
có hình thức tôn vinh, khen thưởng đối với cá nhân phát hiện và cung cấp thông
tin về sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn.
- Phối hợp với các Sở - ngành liên quan và Ủy ban
nhân dân các quận - huyện tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh
dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể, nhất là tại các Khu Chế xuất
- Khu Công nghiệp, trường học, khu du lịch, lễ hội....
- Phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu trình Ủy ban nhân
dân Thành phố kiện toàn Ban Chỉ đạo liên ngành về Vệ sinh an toàn thực phẩm
thành phố do Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố làm Trưởng ban Chỉ đạo, trong
tháng 7 năm 2016.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn
- Phối hợp Sở Y tế, Sở Công Thương rà soát văn bản
quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trong lĩnh vực phân công quản lý để kịp
thời tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành, đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo
đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.
- Ngăn chặn, xử lý dứt điểm việc lưu thông, buôn bán,
sử dụng chất cấm, lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi và chất cấm, kháng sinh
trong nuôi trồng, bảo quản, chế biến thủy sản.
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận - huyện hướng
dẫn, triển khai các mô hình sản xuất an toàn; thúc đẩy và nhân rộng các mô hình
sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
- Tập trung tuyên truyền, vận động tới từng hộ dân,
chủ trang trại, doanh nghiệp thực hiện các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm,
ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực
phẩm phải công bố quy trình sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn thực phẩm. Xác
định việc đảm bảo an toàn thực phẩm là một tiêu chí xây dựng nông thôn mới, khu
dân cư văn hóa.
- Phối hợp Sở Công Thương phát triển hệ thống phân phối
thực phẩm an toàn.
- Phối hợp Sở Y tế, Sở Công Thương tham mưu Ủy ban
nhân dân Thành phố phổ biến, hướng dẫn trang thiết bị đo kiểm di động hoặc cố định
tại các trung tâm thương mại, chợ đầu mối nông sản thực phẩm; hướng dẫn và giúp
người dân nhận biết thực phẩm an toàn, thực phẩm không an toàn; phát huy năng lực
của các trung tâm đo kiểm trên địa bàn.
3. Sở Công Thương
- Phối hợp Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn rà soát văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trong lĩnh vực được
phân công quản lý để kịp thời tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố đề xuất,
kiến nghị Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành, đáp ứng yêu cầu
quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.
- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn, xử lý
nghiêm việc nhập lậu, lưu thông, kinh doanh các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc;
xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm
và các cơ quan, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý an toàn thực phẩm.
- Tăng cường quản lý, ngăn chặn rượu, nước giải khát
giả, kém chất lượng, nhập lậu, gian lận thương mại trong lưu thông, kinh doanh;
bảo đảm an toàn thực phẩm tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Phát triển
hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn, thực phẩm quản lý theo chuỗi thực phẩm
an toàn, mô hình chợ an toàn thực phẩm.
4. Sở Tài chính
Sở Tài chính dựa trên dự toán kinh phí của các Sở -
ngành liên quan để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân Thành phố phương án kinh phí
thực hiện nhiệm vụ công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố
hàng năm.
5. Sở Thông tin và Truyền thông
Chỉ đạo các cơ quan Báo chí thuộc thành phố, Đài Truyền
hình Thành phố và Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế,
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương tăng cường tin bài,
chuyên mục, chuyên trang, chương trình về an toàn thực phẩm; thông tin, tuyên
truyền khách quan, trung thực, kịp thời về an toàn thực phẩm, nhất là các điển
hình sản xuất, chế biến, lưu thông thực phẩm an toàn và các vụ việc vi phạm an
toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.
6. Công an Thành phố
- Chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, phối hợp
chặt chẽ với các cơ quan chức năng thực hiện công tác phòng ngừa, đấu tranh đối
với các hành vi vận chuyển, buôn bán, kinh doanh thực phẩm, các loại gia súc, gia
cầm, thực phẩm chức năng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ; sử dụng các chất
cấm để chế biến, bảo quản thực phẩm...
- Phối hợp các Sở - ngành liên quan tăng cường lực lượng
và gia tăng kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn, xử lý nghiêm việc nhập lậu, lưu
thông, kinh doanh các loại thực phẩm tươi sống không an toàn, không rõ nguồn gốc.
- Chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ, công an các quận -
huyện nắm chắc tình hình các tuyên, địa bàn trọng điểm về vi phạm an toàn thực
phẩm; điều tra, xử lý hình sự các vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực an toàn
thực phẩm theo quy định của pháp luật.
7. Ủy ban nhân dân các quận - huyện
- Chịu trách nhiệm về bảo đảm an toàn thực phẩm trên
địa bàn; xác định việc bảo đảm an toàn thực phẩm là nhiệm vụ cấp thiết cần tập
trung chỉ đạo, điều hành; ưu tiên bố trí đủ kinh phí, nguồn lực cho công tác quản
lý, bảo đảm an toàn thực phẩm, trước mắt chủ động bố trí kinh phí tương ứng với
số thu tiền xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm thuộc ngân sách địa
phương theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước để đầu tư trang thiết bị kỹ
thuật và công tác kiểm tra, kiểm nghiệm, xử lý tiêu hủy thực phẩm không an
toàn.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện trực tiếp
làm nhiệm vụ Trưởng ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm của địa phương; chủ
động tổ chức lực lượng, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm an
toàn thực phẩm trên địa bàn; chỉ đạo và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc chấp
hành pháp luật về an toàn thực phẩm của Ủy ban nhân dân các phường, xã, thị trấn
và các đơn vị trực thuộc; kiên quyết xử lý cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm,
buông lỏng quản lý. Lãnh đạo các cấp từ phường, xã - thị trấn đến quận - huyện
phải chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân Thành phố nếu để xảy ra vi phạm
pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn.
- Chỉ đạo các phòng, ban chức năng tổ chức tuyên truyền,
vận động tới từng hộ nông dân, chủ trang trại, doanh nghiệp thực hiện các quy định
bảo đảm an toàn thực phẩm, ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm. Yêu cầu tổ chức,
cá nhân sản xuất, kinh doanh phải công bố quy trình sản xuất, kinh doanh bảo đảm
an toàn thực phẩm. Xác định việc bảo đảm an toàn thực phẩm là một tiêu chí xây
dựng nông thôn mới, khu dân cư văn hóa.
- Tập trung chỉ đạo xây dựng và phát triển các vùng
nguyên liệu sản xuất nông sản thực phẩm an toàn; thúc đẩy áp dụng rộng rãi mô
hình VietGAP, các mô hình sản xuất an toàn khác theo quy hoạch của địa phương.
Các sở - ngành, Ủy ban nhân dân các quận - huyện phối
hợp và tạo điều kiện thuận lợi để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thực
hiện hiệu quả Chương trình phối hợp vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm
giữa Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; phối
hợp với Hội Nông dân Thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố tổ chức tuyên
truyền, vận động các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, hộ gia đình thực hiện đúng các
quy định trong sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm.
Định kỳ hàng quý, các Sở - ngành và Ủy ban nhân dân
các quận - huyện; các hội, đoàn thể có báo cáo về tình hình thực hiện quản lý
an toàn thực phẩm của đơn vị gửi về Sở Y tế (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo
liên ngành về Vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố) tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân
dân Thành phố, để báo cáo cho Văn phòng Chính phủ theo đúng quy định./.
Nơi nhận:
- Như
trên;
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- Thường trực Thành ủy;
- TTUB: CT, các PCT;
- Ban Tuyên giáo Thành ủy;
- UB MTTQVN và các đoàn thể TP;
- VPUB: CPVP;
- Phòng VX, THKH, CNN;
- Lưu: VT (VX/P) XP.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thị Thu
|