Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 2725/BYT-KCB Loại văn bản: Công văn
Nơi ban hành: Bộ Y tế Người ký: Trần Văn Thuấn
Ngày ban hành: 09/05/2023 Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2725/BYT-KCB
V/v tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5. Tuần lễ quốc gia không thuốc lá 25-31/5/2023 và tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá

Hà Nội, ngày 09 tháng 5 năm 2023

Kính gửi: Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Ngày Thế giới không thuốc lá 31 tháng 5 năm 2023 được Tổ chức Y tế thế giới phát động với chủ đề “Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá” nhằm kêu gọi các quốc gia thúc đẩy các hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá tới sức khỏe, kinh tế, môi trường, an ninh lương thực và dinh dưỡng; đề cập đến mối liên hệ giữa sử dụng, trồng cây thuốc lá và đói nghèo; kêu gọi bỏ thuốc lá để tăng chi cho thực phẩm.

Tại Việt Nam, với sự quan tâm, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ ngành, các tổ chức Chính trị - xã hội, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường nâng cao nhận thức trong cộng đồng về tác hại của việc hút thuốc, xây dựng môi trường không khói thuốc,...Công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) đạt được nhiều kết quả, đặc biệt là giảm tỷ lệ hút thuốc lá trong giới trẻ. Cụ thể, tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong thanh niên độ tuổi 15-24 giảm từ 26% xuống 13%. Ở lứa tuổi học sinh 13-15 tuổi, tỷ lệ hút thuốc lá cũng giảm từ 2,5% năm 2014 xuống 1,9% năm 2022. Tuy vậy, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCTHTL cũng đang gặp nhiều các khó khăn, thách thức như sự xuất hiện của các sản phẩm mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha...) nhằm vào thanh thiếu niên; thuốc lá rẻ, được bày bán khắp nơi, ý thức tuân thủ các quy định pháp luật về PCTHTL của một bộ phận người dân còn chưa cao. Nếu chúng ta không tiếp tục thực hiện các biện pháp - phòng chống tác hại thuốc lá mạnh mẽ và kịp thời ngăn chặn các sản phẩm thuốc lá mới tại Việt Nam thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ gia tăng trở lại, đặc biệt là trong nhóm tuổi trẻ và nữ giới.

Để tiếp tục tăng cường công tác PCTHTL và hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá năm 2023, Bộ Y tế trân trọng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp, chỉ đạo tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31 tháng 5, Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25 đến ngày 31 tháng 5 và tiếp tục tăng cường thực thi Luật PCTHTL, cụ thể như sau:

1. Chỉ đạo các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh, thành phố tăng cường tuyên truyền về Luật PCTHTL: chủ đề Ngày thế giới không thuốc lá; tác hại của thuốc lá điếu thông thường, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha.

2. Chỉ đạo các Sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị tăng cường phổ biến thông tin về tác hại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tới công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị, người dân trên địa bàn. Kịp thời ban hành các quy định để ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại các cơ sở giáo dục đào tạo, các cơ quan, đơn vị.

3. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm Luật PCTHTL; đưa nội dung PCTHTL vào kế hoạch hoạt động hằng năm, đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của các cơ quan, đơn vị; treo biển báo cấm hút thuốc tại các địa điểm có quy định cấm hút thuốc.

4. Thành lập và tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành hoặc lồng ghép việc kiểm tra thực hiện Luật PCTHTL vào chương trình, kế hoạch kiểm tra của các cơ quan, tổ chức. Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, sử dụng trái phép thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, shisha trên địa bàn tỉnh, thành phố.

5. Thành lập hoặc kiện toàn Ban chỉ đạo Chương trình PCTHTL; phân công trách nhiệm cụ thể của các Sở, ban, ngành và tổ chức chính trị xã hội trong việc thực hiện Luật PCTHTL; ban hành kế hoạch hoạt động PCTHTL hàng năm của tỉnh.

6. Chỉ đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể ở địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan đầu mối về PCTHTL tại tỉnh, căn cứ điều kiện thực tế để tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá như: treo băng rôn, khẩu hiệu; tổ chức mít tinh, hội nghị, diễu hành và các hình thức truyền thông phù hợp khác.

7. Sử dụng có hiệu quả kinh phí do Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá hỗ trợ để tổ chức thực hiện hoạt động PCTHTL.

Bộ Y tế gửi kèm theo Công văn này các khẩu hiệu, nội dung truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá để Quý cơ quan tham khảo, thực hiện (Tài liệu có thể tải về từ trang web http://vinacosh.gov.vn).

Xin trân trọng cảm ơn.


Nơi nhận:
- Như trên;
- TTgCP (để báo cáo);
- PTTg Trần Hồng Hà (để báo cáo);
- VP TW, các Ban của Đảng;
- VP Quốc hội;
- VP Chính phủ;
- VP Chủ tịch nước;
- Ủy ban Xã hội của Quốc hội;
- Cơ quan TW của các đoàn thể;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện KSND tối cao;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các đồng chí Thứ trưởng Bộ Y tế (để thực hiện);
- Văn phòng; Thanh tra; các Vụ, Cục (Bộ Y tế) (để thực hiện);
- Các cơ quan truyền thông;
- Sở Y tế các tỉnh, Thành phố;
- Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố;
- Lưu: VT, KCB.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Văn Thuấn

MỘT SỐ THÔNG TIN VỀ

CHỦ ĐỀ NGÀY THẾ GIỚI KHÔNG THUỐC LÁ 31 THÁNG 5 NĂM 2023

“Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá”

Năm 2023, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chọn thông điệp “Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá” làm chủ đề cho Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5.

Thông qua chủ đề này, Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi các quốc gia thúc đẩy các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá tới sức khỏe, kinh tế, môi trường, an ninh lương thực và dinh dưỡng; khuyến khích người nông dân chuyển đổi, thay thế cây thuốc lá bằng cây trồng phù hợp; đề cập đến mối liên hệ giữa thuốc lá và đói nghèo; bên cạnh đó kêu gọi người hút bỏ thuốc lá để dành chi cho thực phẩm. Theo Tổ chức Y tế thế giới, việc trồng, sản xuất và sử dụng thuốc lá có liên quan đến tình trạng mất an ninh lương thực và đói nghèo. Cụ thể:

1. Sử dụng thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây ra nghèo đói

Sử dụng thuốc lá dẫn đến các bệnh mãn tính điều trị tốn kém và tử vong sớm, gây gánh nặng tài chính cho các gia đình; Chi tiêu cho thuốc lá làm ảnh hưởng đến nguồn thu nhập ít ỏi của các hộ gia đình nghèo nhất. Bên cạnh đó, sử dụng thuốc lá gây ra nạn đói và mất an ninh lương thực vì nguồn lực lẽ ra nên chi tiêu cho thực phẩm thì lại bị chuyển sang chi tiêu cho thuốc lá và chi trả việc khám, chữa các căn bệnh do thuốc lá gây ra.

Theo Tổ chức Y tế thế giới1, hút thuốc lá gây ra nhiều bệnh mạn tính và nan y và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu mà có thể phòng tránh được. Trong khói thuốc có khoảng 7.000 chất hóa học, trong đó có 69 chất gây ung thư và là nguyên nhân gây ra 25 nhóm bệnh khác nhau, bao gồm 11 loại ung thư, các bệnh tim mạch, các bệnh về hô hấp và ảnh hưởng sức khỏe sinh sản của cả nam và nữ giới. Ước tính cứ 2 người hút thuốc lá thì có 1 người sẽ chết sớm, trong đó 1/2 số ca tử vong xảy ra ở tuổi trung niên.

Bên cạnh các tác hại về sức khỏe, sử dụng thuốc lá còn gây tổn thất về kinh tế đối với các cá nhân, gia đình và xã hội, bao gồm chi tiêu cho hút thuốc, chi phí cho khám, điều trị bệnh liên quan đến hút thuốc, giảm sút/mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm, và tổn thất do cháy nổ vì hút thuốc lá. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỷ đô la Mỹ.

2. Việc trồng, sản xuất và sử dụng thuốc lá có liên quan đến tình trạng mất an ninh lương thực và đói nghèo.

Việc trồng cây thuốc lá chiếm nhiều diện tích đất mà có thể được sử dụng để trồng cây lương thực. Trên toàn cầu, khoảng 3,5 triệu ha đất được chuyển đổi để trồng cây thuốc lá mỗi năm. 9 trong số 10 quốc gia trồng thuốc lá lớn nhất trên thế giới là các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, trong đó có 4 quốc gia được xác định là bị thiếu lương thực. Nếu đất trồng thuốc lá có thể được sử dụng cho việc trồng cây lương thực sẽ góp phần vào việc thực hiện Mục tiêu thứ 2 của Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc: “Xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững”.

Thuốc lá cũng là nguyên nhân làm cho rừng bị tàn phá và ô nhiễm môi trường. Hàng năm có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá cũng như lấy gỗ để sấy thuốc lá. Ước tính mỗi năm cần 18 tỷ cây xanh để làm củi sấy thuốc lá. Việc sử dụng thuốc lá thải ra môi trường mỗi năm khoảng từ 3.000 đến 6.000 tấn formaldehyde, từ 12.000 đến 47.000 tấn nicotine và từ 300 đến 600 triệu kg chất thải độc hại của các mẩu thuốc lá.2

Trồng thuốc lá đòi hỏi sử dụng nhiều thuốc trừ sâu và phân bón, là một trong những nguyên nhân gây suy thoái đất đai, làm đất mất chất dinh dưỡng nhanh hơn so với các loại cây trồng khác, làm tăng thêm tình trạng mất an ninh lương thực khi đất trở nên không phù hợp hoặc kém hiệu quả hơn cho mục đích trồng cây lương thực. Việc trồng, sản xuất và sử dụng thuốc lá ảnh hưởng đến nguồn nước, đất, bãi biển và đường phố của chúng ta bằng hóa chất, chất thải độc hại, đầu mẩu thuốc lá, bao gồm cả vi hạt nhựa và chất thải từ thuốc lá điện tử.

3. Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi các nước

Xây dựng các chính sách và chiến lược phù hợp nhằm cung cấp sự hỗ trợ cho các hoạt động thay thế khả thi về kinh tế cho người trồng thuốc lá; tăng cường bảo vệ môi trường và sức khỏe của những người trồng cây thuốc lá; nâng cao nhận thức cho người trồng cây thuốc lá về tác hại của trồng cây thuốc lá và lợi ích của việc chuyển đổi cây trồng phù hợp; Hỗ trợ các nỗ lực chống sa mạc hóa và suy thoái môi trường bằng cách giảm trồng cây thuốc lá.

Tăng thuế thuốc lá ở mức cao để khuyến khích người hút thuốc cai thuốc lá và ngăn ngừa thanh niên bắt đầu hút thuốc. Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá ở mức 70-75% giá bán lẻ, giúp làm giảm đáng kể việc sử dụng thuốc lá, bảo vệ sức khỏe người dân.

Kêu gọi những nhà lãnh đạo, nhà nghiên cứu, các nhà hoạt động xã hội và cộng đồng cùng chung tay trong nỗ lực phòng, chống tác hại của thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác..); Ngăn chặn việc bắt đầu sử dụng các sản phẩm thuốc lá nung nóng thuốc lá điện tử; Tăng cường truyền thông về tác hại của thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá mới; Ngăn ngừa việc đưa ra các kết luận thiếu căn cứ về tính an toàn của các sản phẩm này.

Thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả như: thực hiện môi trường không thuốc lá; Thực thi cấm quảng cáo, khuyến mãi các sản phẩm thuốc lá bao gồm quảng cáo trực tiếp và trên nền tảng kỹ thuật số, mạng internet; Tăng thuế thuốc lá; Tăng cường kiểm soát chặt chẽ hoạt động bán buôn, bán lẻ các sản phẩm thuốc lá; Tăng diện tích in cảnh báo sức khoẻ; Lồng ghép và tăng cường các chương trình cai nghiện thuốc lá vào các chương trình y tế quốc gia và các chương trình khác.

KHẨU HIỆU TUYÊN TRUYỀN

NGÀY THẾ GIỚI KHÔNG THUỐC LÁ 31/5/2023

TUẦN LỄ QUỐC GIA KHÔNG THUỐC LÁ 25-31/5/2023

1. Sử dụng thuốc lá là một nguyên nhân gây ra đói nghèo

2. Hãy dùng tiền mua thuốc lá để mua thực phẩm cho con bạn

3. Hãy chọn thực phẩm, đừng chọn thuốc lá

4. Hút thuốc lá làm bạn tốn tiền và phải trả giá bằng sức khoẻ

5. Hút thuốc thụ động dù ít hay nhiều đều có hại cho sức khoẻ

6. Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng chứa chất gây ung thư và chất Nicotine gây nghiện.

7. Đừng để mình thành nạn nhân của việc nghiện chất nicotine trong thuốc lá điện tử

8. Bỏ thuốc lá để phục hồi lá phổi của bạn

9. Không hút thuốc lá nơi làm việc, nơi công cộng

10. Không hút thuốc lá trong nhà, nơi tập trung đông người

11. Hãy nhắc người khác không hút thuốc lá gần bạn và mọi người

MỘT SỐ NỘI DUNG TRUYỀN THÔNG

I. LUẬT PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ:

- Địa điểm cấm hút thuốc (Điều 11, Điều 12): cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, nơi làm việc, các địa điểm công cộng trong nhà (nhà hàng, quán cà phê, nhà ga, bến tàu, bến xe, trung tâm hội nghị, nhà hát, nhà văn hóa, rạp chiếu phim, rạp xiếc, câu lạc bộ, nhà thi đấu thể thao...), trên các phương tiện giao thông công cộng.

- Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương (Điều 6): Đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm, quy định không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ; Đưa quy định về việc hạn chế hoặc không hút thuốc lá trong các đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư vào hương ước; Gương mẫu thực hiện và vận động cơ quan, tổ chức, địa phương thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

- Trách nhiệm của người đứng đầu các địa điểm cấm hút thuốc lá: Tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc mọi người thực hiện đúng quy định về cấm hút thuốc lá tại địa điểm thuộc quyền quản lý, điều hành; treo biển có chữ hoặc biểu tượng cấm hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc lá.

Treo biển báo cấm hút thuốc tại các địa điểm có quy định cấm hút thuốc như: Khu vực trong nhà tại nơi làm việc của cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và nơi làm việc trong nhà khác, nhà hàng, quán cà phê, cơ sở dịch vụ ăn uống, cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí, nhà ga, bến tàu, bến xe, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, trung tâm hội nghị, nhà hát, nhà văn hóa, rạp chiếu phim, rạp xiếc, câu lạc bộ, nhà thi đấu thể thao, sân vận động có mái che, quán bar, quán karaoke, vũ trường, trên phương tiện giao thông công cộng và địa điểm công cộng trong nhà khác; Khách sạn, nhà nghỉ, nhà khách, khu nghỉ dưỡng (resort) và cơ sở lưu trú du lịch khác.

- Quyền của mọi người được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá; yêu cầu người hút thuốc lá không hút tại địa điểm có quy định cấm (Điều 7 Luật PCTH thuốc lá).

- Nghĩa vụ của người hút thuốc (Điều 13): không hút thuốc tại địa điểm có quy định cấm, không hút thuốc trong nhà khi có trẻ em, phụ nữ mang thai, người bệnh, người cao tuổi, giữ vệ sinh chung, bỏ tàn, mẩu thuốc lá đúng nơi quy định khi hút thuốc lá tại những địa điểm được phép hút thuốc lá.

- Tuyên truyền quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật PCTH thuốc lá:

II. MỘT SỐ THÔNG TIN VỀ TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ

Trong khói thuốc có khoảng 7.000 chất hóa học, trong đó có 69 chất gây ung thư. Một số chất độc hại trong khói thuốc gồm:

Nicotine

Nicotine là một chất gây nghiện có trong thuốc lá, được hấp thụ vào máu và ảnh hưởng đến não bộ trong khoảng 7-10 giây sau khi hút vào. Sau mỗi lần hít một hơi thuốc lá, Nicotine gây tăng nhịp đập của tim, co thắt mạch máu ở tim, tăng mạch và huyết áp. Cơ quan Kiểm soát Dược và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) xếp nicotine vào nhóm các chất có tính chất dược lý gây nghiện mạnh, tương tự Heroin và Cocain. Khi Nicotine trong khói thuốc gắn kết thụ thể Nicotine trên các tế bào thần kinh tại “trung tâm thưởng” ở hệ viền não bộ, các hóa chất trung gian dẫn truyền thần kinh được phóng thích gây ra một loạt các phản ứng hóa học tạo ra nhiều tác động tâm thần kinh như cảm giác sảng khoái, vui vẻ, tăng hoạt động nhận thức. Tuy nhiên cảm giác đó sẽ mau qua đi sau vài phút. Khi nồng độ Nicotine trong cơ thể giảm xuống, người hút thuốc sẽ cảm thấy bứt rứt, căng thẳng; không tập trung được; buồn bã, lo lắng; rối loạn giấc ngủ.. vì vậy để có sự thoải mái, người hút thuốc phải tiếp tục hút thuốc. Ở những người sử dụng thuốc lá, Nicotine được tìm thấy ở tất cả các cơ quan, bộ phận trong cơ thể và trong cả sữa mẹ.

Hắc ín (Tar)

Hắc ín hay còn gọi là nhựa thuốc lá, có màu đen và quánh giống như nhựa đường, chứa rất nhiều chất gây ung thư.

Carbon monoxide (khí CO)

Khí CO trong khói thuốc lá khi hấp thụ vào máu sẽ gắn kết rất chặt với hemoglobine trong hồng cầu, làm giảm khả năng vận chuyển oxy của hồng cầu, giảm nồng độ oxy trong máu, làm máu đặc hơn và làm tăng gánh nặng cho tim.

Khí CO góp phần hình thành các mảng xơ vữa động mạch đồng thời làm suy giảm sự hấp thụ các chất dinh dưỡng thiết yếu và ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và điều chỉnh cơ thể, liên quan đến bệnh tim, đột quỵ và các vấn đề tuần hoàn khác.

Benzene

Là một chất sinh ung thư được tìm thấy trong khói của dầu khí hay trong thuốc trừ sâu bọ. Chất này có nồng độ rất cao trong khói thuốc lá, lượng Benzene tác động đến con người từ khói thuốc lá chiếm một nửa lượng Benzene xâm nhập vào con người từ tất cả các nguồn.

Nitrosamines

Là một chất gây ung thư rất mạnh có nhiều trong khói thuốc và cả trong các sản phẩm thuốc lá không khói.

Ammonia

Là một chất được sử dụng trong thuốc kích thích tăng trưởng và trong các sản phẩm tẩy rửa. Trong sản xuất thuốc lá, chất này được sử dụng tăng cường khả năng hấp thụ Nicotine của niêm mạc đường hô hấp, vì thế cùng một lượng khói thuốc hít vào, lượng Nicotine được hấp thụ tăng lên.

Formaldehyde

Dung dịch dùng trong ướp xác, và nó cũng có nhiều trong khói thuốc. Chất này gây kích thích mũi, họng và mắt của người hút thuốc khi hít phải khói thuốc lá.

Polycyclic aromatic hydrocarbon (PAH):

Là một chất gây ung thư tìm thấy trong dầu đi ê zen và sản phẩm đốt cháy khác.

Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân của khoảng 25 căn bệnh, trong đó có nhiều bệnh nguy hiểm như ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tim mạch, đột quỵ, tiểu đường...Tại Việt Nam, ước tính mỗi năm sử dụng thuốc lá gây ra hàng trăm nghìn ca bệnh mãn tính và cướp đi sinh mạng của hơn 40.000 người. Con số tử vong do thuốc lá ước tính sẽ tăng lên thành 70.000 ca mỗi năm vào năm 2030 nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện.3 Tổn thất kinh tế do 5 nhóm bệnh chính liên quan tới thuốc lá (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa - hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) ước tính đã gây ra con số tổn thất lên tới 1% GDP của nước ta.4

III. MỘT SỐ THÔNG TIN VỀ TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ ĐIỆN TỬ, THUỐC LÁ NUNG NÓNG

1. Đặc tính sản phẩm:

Những năm gần đây, bên cạnh các sản phẩm thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi (thuốc lào) đang được quản lý theo quy định của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, trên thị trường đã đang xuất hiện các sản phẩm mới, phổ biến nhất là thuốc lá điện tử (Electronic Nicotine Delivery - ENDs) và thuốc lá nung nóng (Heated Tobacco Product - HTPs). Hiện nay Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá không quy định về các sản phẩm “thuốc lá điện tử”, “thuốc lá nung nóng” vì vậy các sản phẩm này chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành hợp pháp tại Việt Nam.

Thuốc lá điện tử là thiết bị sử dụng pin làm nóng dung dịch điện tử (e-liquid) để tạo ra sol khí/khói cho người dùng hít vào, chứa chất tạo mùi, hòa tan trong Propylene Glycol hoặc/và Glycerin. Thành phần chính của dung dịch điện tử, bên cạnh nicotin, còn có propylene glycol và các chất tạo hương vị.

Có ít nhất 60 hợp chất hóa học đã được tìm thấy trong dung dịch thuốc lá điện tử (còn gọi là tinh dầu) và nhiều hợp chất khác có trong sol khí/khói tạo ra từ thuốc lá điện tử5. Nicotine là một chất gây nghiện cao, gây tăng nhịp tim, co thắt mạch máu ở tim, tăng mạch và huyết áp. Nicotin còn ảnh hưởng đến sự phát triển và di căn của khối u và có khả năng thúc đẩy, hình thành các khối u6.

Thành phần của dung dịch thuốc lá điện tử còn có glycerin, propylene glycol. Propylene glycol có thể tạo thành propylene oxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng và hóa hơi. Glycerin khi được đun nóng và hóa hơi tạo thành acrolein, gây kích ứng đường hô hấp trên. Các chất độc hại được tìm thấy trong sol khí của thuốc lá điện tử như Ethylene Glycol, Diethylene Glycol, aldehydes, hydrocacbon thơm đa vòng (PAHs), hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs) như toluene, nitrosamine, hydrocarbon thơm đa vòng, chất đặc biệt gây ung thư nitrosamines, acrolein, Formaldehyde, Hydrooxycarbonyls, Acetaldehyde, Polycyclic Aromatic Hydrocarbons, phân tử Ultrafine,... Một số kim loại như chì, bạc, crom, nikel, formaldehyde có hàm lượng tương đương hoặc cao hơn so với thuốc lá thông thường7.

Để tạo mùi vị hấp dẫn, thu hút người sử dụng, đặc biệt là giới trẻ, các nhà sản xuất còn sử dụng rất nhiều loại hương liệu có mùi vị như: bạc hà, táo, cam, chanh....trong thuốc lá điện tử. Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện khoảng 20,000 loại hương liệu, trong đó có nhiều loại chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại với sức khỏe. Những hương vị này có thể che giấu độ gắt của nicotin làm cho sản phẩm dễ chịu hơn, dễ hít vào hơn. Một số hương liệu được sử dụng trong ENDS đã được chứng minh là làm tăng độc tính của sản phẩm8. Ngoài ra, việc làm nóng các cuộn dây kim loại trong ENDS sẽ tạo ra nhiều kim loại nặng trong sol khí ENDS như cadmium, chì, niken, thiếc, mangan, selen, kẽm và đồng9.

Thuốc lá nung nóng (HTPs): là sản phẩm sử dụng thiết bị điện tử để nung nóng điếu thuốc đến nhiệt độ đủ để tạo ra sol khí có thể hít vào, có chứa nicotin - chất gây nghiện cao và các hóa chất khác, các chất phụ gia không phải thuốc lá và thường có nhiều hương vị10.

Tổ chức Y tế thế giới đã có khuyến cáo: Thuốc lá nung nóng tạo ra chất khí độc hại, có nhiều chất độc giống như trong khói thuốc lá điếu thông thường. Dù được nung ở nhiệt độ thấp hơn, nhưng vẫn tạo ra những hóa chất tương tự như trong khói thuốc lá như: Acrolein (chất gây kích ứng đường hô hấp mạnh), glycidol, formaldehyde và acetaldehyde (chất gây ung thư), carbon monoxide, hydrocarbon thơm đa vòng và các kim loại (nhôm, titan, stronti, molypden, thiếc và antimon).

2. Một số ảnh hưởng tới sức khoẻ của việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng

Thuốc lá điện tử, Thuốc lá nung nóng là những sản phẩm mới xuất hiện trong khoảng 10 năm trở lại, bằng chứng khoa học về độc tính và ảnh hưởng sức khỏe lâu dài của các sản phẩm này vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu. Tuy nhiên, rất nhiều các nghiên cứu bước đầu đã chỉ ra hậu quả đối với sức khoẻ của việc sử dụng và tiếp xúc thụ động với “sol khí”/khói của các sản phẩm này.

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc sử dụng ENDS ảnh hưởng đến hệ hô hấp, tim mạch và tăng nguy cơ ung thư, tăng nguy cơ mắc bệnh răng miệng và các vấn đề sức khỏe khác bao gồm các triệu chứng tiêu hóa, phổ biến nhất là đau vùng thượng vị, buồn nôn và nôn, tiêu chảy và xuất huyết tiêu hoá. Hậu quả nổi bật nhất của ENDS là Hội chứng tổn thương phổi cấp do thuốc lá điện tử, viết tắt là theo tiếng anh là EVALI. Tại Mỹ, ít nhất 2.807 trường hợp nhập viện và 68 trường hợp tử vong đã được xác nhận do EVALI cho đến tháng 2 năm 2020. Một số ảnh hưởng cụ thể của Thuốc lá điện tử, Thuốc lá nung nóng đối với sức khoẻ đã được ghi nhận qua các báo cáo, cụ thể:

2.1. Tác hại đến hệ hô hấp

Tác động của ENDS đối với chức năng phổi đã được báo cáo. Chức năng phổi giảm và sức cản hô hấp tăng ở người sử dụng thuốc lá điện tử so với những người không sử dụng11 12. Một nghiên cứu cắt ngang khác trên 44.817 người trưởng thành ở Canada cho thấy việc sử dụng thuốc lá điện tử có liên quan đến tỷ lệ suy giảm chức năng phổi do tắc nghẽn. Tỷ lệ này cao hơn gấp đôi ở người dùng ENDS so với những người không hút thuốc và không sử dụng thuốc lá điện tử13

Sử dụng thuốc lá điện tử được phát hiện liên quan đến hội chứng tổn thương phổi cấp (EVALI). Năm 2019 tại Mỹ, một loạt trường hợp tổn thương phổi nghiêm trọng ở những người sử dụng thuốc lá điện tử không có tiền sử bệnh phổi đã được ghi nhận14. Số ca bệnh tiếp tục tăng và đạt đỉnh 2.807 ca nhập viện vào tháng 2 năm 2020, trong đó có đến 68 ca tử vong. Ngoài EVALI, các nghiên cứu cho thấy ENDS có khả năng liên quan đến sự gia tăng mức độ nghiêm trọng của các rối loạn hô hấp như hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), đặc biệt ở những người hút đồng thời cả thuốc lá điếu và thuốc lá điện tử.

Giống như người lớn, trẻ em và thanh thiếu niên có nguy cơ mắc bệnh hô hấp có liên quan đến thuốc lá điện tử. Một nghiên cứu dựa trên 5 cuộc khảo sát lớn trên học sinh trung học ở Hàn Quốc, Hồng Kông và Mỹ báo cáo rằng tỷ lệ mắc bệnh hen suyễn, ho mãn tính hoặc viêm phế quản mãn tính ở những học sinh từng sử dụng thuốc lá điện tử cao hơn so với học sinh chưa từng sử dụng15

2.2. Tác hại đối với tim mạch

Do mới xuất hiện trong khoảng 10 năm trở lại nên các tác động lâu dài của thuốc lá điện tử đối với sức khoẻ chưa được đánh giá đầy đủ, tuy nhiên ngày càng có nhiều bằng chứng chứng minh rằng sử dụng thuốc lá điện tử ảnh hưởng đến chức năng tim mạch. Thuốc lá điện tử có thể dẫn đến rối loạn chức năng mạch máu, thậm chí là các rối loạn xảy ra trong thời gian ngắn sau khi sử dụng các sản phẩm này. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc sử dụng ENDS có liên quan đến việc tăng nguy cơ xơ cứng mạch máu, huyết khối, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, bệnh động mạch vành, tăng huyết áp và tiền sử đột quỵ.

2.3. Nguy cơ ung thư

Những bằng chứng gần đây chỉ ra rằng thuốc lá điện tử có nguy cơ gây ung thư. Sol khí sinh ra từ thuốc lá điện tử có thể tăng cường hoạt động các enzym gây ung thư, dẫn đến tổn thương DNA và ung thư sau khi hút trong thời gian dài16. Không chỉ có sol khí, mà cả việc tiếp xúc với kim loại trong dung dịch thuốc lá điện tử cũng làm tăng nguy cơ ung thư17.

Bằng chứng gần đây đã chỉ ra rằng END gây tổn thương DNA, làm tăng nguy cơ ung thư. Ngoài ra, việc sử dụng ENDS có thể làm tăng khả năng kháng hóa trị, tăng khả năng sống sót của tế bào ung thư và yêu cầu liều hóa trị cao hơn.

2.4. Bệnh về răng miệng

Đối với sức khỏe răng miệng, các nghiên cứu gần đây cho thấy những người sử dụng thuốc lá điện tử có nguy cơ mắc bệnh nướu răng, sâu răng, mất xương quanh răng, các bệnh nha chu khác, tổn thương niêm mạc miệng, nhiễm trùng cao hơn nhiều so với những người không bao giờ sử dụng.

2.5. Các nguy cơ sức khỏe khác

Thuốc lá điện tử có thể gây ra các triệu chứng tiêu hóa, phổ biến nhất là đau vùng thượng vị, buồn nôn và nôn, sau đó là tiêu chảy và xuất huyết tiêu hoá. Một số trường hợp viêm loét đại tràng đã được ghi nhận18. Thiết bị điện tử có thể hỏng, lỗi và gây cháy nổ, thương tích, mất an toàn cho người sử dụng. Các chấn thương nghiêm trọng đã được ghi nhận như miệng, mặt, cổ mắt, mũi, xương hàm...

Rác thải của bộ phận thiết bị điện tử, ống chứa dung dịch gây ảnh hưởng đến môi trường vì lượng chất thải rắn thải ra ngoài môi trường sau khi sử dụng, đặc biệt là với thiết bị sử dụng một lần.

2.6. Ảnh hưởng của việc tiếp xúc thụ động với sol khí/khói toả ra của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng

Hệ thống cung cấp dung dịch điện tử làm nóng và hóa hơi dung dịch tạo nên sol khí/khói,19 vẫn thải ra môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng không khí, đặc biệt tại các nơi trong nhà20. Các nghiên cứu cho thấy nồng độ nicotin, hoá chất, và các chất gây ung thư trong sol khí thuốc lá điện tử thụ động vượt quá mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới 21 22 23

Theo Tổ chức Y tế thế giới, phơi nhiễm nicotine tác động bất lợi cho sức khỏe bà mẹ và bào thai trong thời kì thai nghén, gây ra đẻ non, thai chết lưu, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, gây hậu quả nghiêm trọng kéo dài đối với sự phát triển não bộ bào thai, trẻ em và vị thành niên. Nicotine có thể đi qua nhau thai và tác động lên sự phát triển của thai nhi và trẻ nhỏ. Do đó, phơi nhiễm với nicotin ở phụ nữ có thai có thể dẫn đến nhiều hậu quả, bao gồm hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh hay những dị tật thính giác và béo phì24 Ngoài ra, việc thuốc lá điện tử không có mùi thuốc lá đặc trưng có thể làm người tiếp xúc thụ động chủ quan, giảm nhận thức về tác hại và làm tăng khả năng chịu đựng với sol khí này25.

2.7. Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của thanh thiếu niên

Nicotin ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thanh thiếu niên như: làm suy yếu sự trưởng thành não bộ của thanh thiếu niên với những hậu quả ngắn hạn và hậu quả lâu dài nghiêm trọng đó là nghiện, rối loạn nhận thức và cảm xúc, giảm khả năng học tập và rối loạn tâm thần.26,27,28. Những thay đổi do nicotine gây ra trong hệ thần kinh khiến người dùng ở nhóm tuổi này dễ bị nghiện nicotine hơn và vì thế ảnh hưởng đến sức khỏe sẽ đến sớm và trầm trọng hơn trong tương lai.

2.8. Các sản phẩm thuốc lá mới có nguy cơ cao tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện đồng thời với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, ảnh hưởng đến sức khỏe, an ninh trật tự xã hội

Thuốc lá điện tử sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy thông qua việc phối trộn. Người sử dụng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine quá mức hoặc thêm ma túy và các chất gây nghiện khác vào để sử dụng mà khó bị phát hiện. Tại Mỹ khảo sát cho thấy khoảng 1/3 trong số các bạn trẻ hiện sử dụng thuốc lá điện tử có sử dụng đồng thời các chất ma túy khác như Cannabis và Marijuana.

Một số khảo sát trong cộng đồng sử dụng thuốc lá điện tử cho thấy rõ ràng về mối liên quan giữa sử dụng thuốc lá điện tử với các tệ nạn xã hội khác như ma túy, hút shisha và các chất gây nghiện khác. Pha trộn ma túy (gồm cả Cannabis, Marijuana và các chất ma túy mới khác) vào dung dịch điện tử đã được ghi nhận ở Trung tâm Chống độc Bệnh Viện Bạch Mai và Trung tâm giám định ma túy Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. Những hệ lụy này ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, môi trường, lối sống, hành vi của giới trẻ.

Thời gian gần đây, số trường hợp ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử đã được ghi nhận ở nhiều tỉnh, thành phố. Đáng chú ý, hầu hết các trường hợp xảy ra ở lứa tuổi học sinh, trong đó có cả nữ giới. Một số trường hợp điển hình theo phản ánh của các cơ quan báo chí như:

- Ngày 26/7/2022, một nữ bệnh nhân 20 tuổi ở Hà Nội được đưa vào viện trong tình trạng hôn mê sâu, tụt huyết áp, tổn thương não lan tỏa các vị trí, tổn thương gan... Nguyên nhân được xác định là do bệnh nhân bị ngộ độc với một loại ma túy thế hệ mới được tìm thấy trong thuốc lá điện tử29

- Ngày 17/8/2022, Bệnh viện 199 - Bộ Công an (đóng tại quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho biết, Khoa cấp cứu của bệnh viện vừa tiếp nhận và điều trị một bệnh nhân nghi ngộ độc khi hút thuốc lá điện tử bơm tinh dầu. Bệnh nhân được đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng choáng váng, hồi hộp, tay chân run, sau đó rơi vào hôn mê30

- Ngày 22/8/2022, bảy học sinh trường THPT Dân lập Yên Hưng, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh chia nhau một điếu thuốc lá điện tử rồi cùng nhau hút sau đó cảm thấy chóng mặt và nôn trong lớp. Cả nhóm được đưa đi cấp cứu Trung tâm Y tế TX Quảng Yên31

- Ngày 31/8/2022, 2 nam sinh lớp 12 của Cao Đẳng Tiếng Việt Hà Tĩnh- Đức Công nghệ có biểu hiện trợn mắt, la hét và có những hành động mất kiểm soát ngay trong lớp học. Sau đó, các em nói rằng đã sử dụng thuốc lá điện tử32

- Ngày 01/10/2022, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Saint Paul tiếp nhận bệnh nhân sinh năm 2006 ở Thạch Thất, Hà Nội trong tình trạng hôn mê, đồng tử giãn tối đa, bệnh nhân đã được đặt nội khí quản. Sau khi tỉnh, bệnh nhân đã nói là hút thuốc lá điện tử được bơm tinh dầu mua trên thị trường33

- Vào ngày 9 tháng 11 năm 2022, một nam sinh 12 tuổi hút thuốc lá điện tử đã được đưa đến bệnh viện. Sau khi hút, xuất hiện các cơn run, chóng mặt, khó thở và co giật. Các bác sĩ đã lấy mẫu thuốc lá điện tử sử dụng, gửi Viện pháp y quốc gia để xét nghiệm độc tố. Kết quả, trong thuốc có thành phần của một số chất gây nghiện và đây chính là nguyên nhân khiến bệnh nhân bị ngộ độc34

- Ngày 5/12/2022, 7 học sinh lớp 3 trường Tiểu học Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội được đưa vào khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu trong tình trạng buồn nôn, đau đầu. Nguyên nhân là do các em đã thử hoặc hít phải thuốc lá điện tử35

- Ngày 7/12/2022, bé trai 5 tuổi ở Hà Nội uống khoảng 5ml dung dịch màu vàng của thuốc lá điện tử, 15 phút sau có biểu hiện co giật, nôn ói rồi hôn mê được đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu. Kết quả xét nghiệm cho thấy cháu bé dương tính với ADB-BUTINACA, một loại ma túy tổng hợp mới. Sau vài ngày điều trị, cậu bé đã xuất viện nhưng vẫn phải được theo dõi sát sao để tránh biến chứng36

- Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) vừa tiếp nhận 4 học sinh (sinh năm 2008) nhập viện cấp cứu do sử dụng thuốc lá điện tử. Thông tin ban đầu được biết trước khi vào viện khoảng một giờ, các nam sinh có sử dụng thuốc lá điện tử, nhưng chưa rõ chủng loại và chưa rõ nguồn gốc. Sau đó, bệnh nhân xuất hiện cảm giác choáng váng, khó chịu toàn thân, bủn rủn, run tay chân, tức ngực, khó thở, buồn nôn, nôn số lượng nhiều37.

2.9. Thuốc lá điện tử không phải là sản phẩm giúp cai nghiện thuốc lá điếu thông thường.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới chưa có bằng chứng về việc thuốc lá điện tử giúp cai nghiện thuốc lá thông thường. WHO cũng không xác nhận thuốc lá điện tử là một biện pháp hỗ trợ cai nghiện”.38

Mặt khác thì bằng chứng cho thấy người sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng lại bị tăng nguy cơ bắt đầu sử dụng thuốc lá thông thường. Hơn nữa, nhiều người sử dụng đồng thời cả thuốc lá điện tử và thuốc lá thông thường. Như vậy, thuốc lá điện tử không những không giúp cai thuốc lá mà còn khiến người chưa hút thuốc trở thành nghiện nicotin39. Những người trẻ chưa từng hút thuốc lá điếu thông thường nhưng sử dụng Thuốc lá điện tử có nguy cơ nghiện thuốc lá điếu thông thường cao gấp 2-3 lần so với những người chưa từng sử dụng thuốc lá điện tử40 41

2.10. Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng không phải là sản phẩm ít hại hơn thuốc lá điếu thông thường

Theo Tổ chức Y tế thế giới, không có sản phẩm thuốc lá nào là an toàn cho sức khỏe. Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có chứa nicotine, vẫn là sản phẩm gây nghiện. Theo bảng phân loại bệnh tật quốc tế thì lệ thuộc nicotine được phân loại mã bệnh 6C4A.2 là một bệnh thuộc loại rối loạn do sử dụng chất kích thích hoặc các hành vi gây nghiện. Nicotine còn là chất độc hại, gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa...

Trong báo cáo tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung lần thứ 6 và 7 (COP7) đã nêu: “tất cả các sản phẩm thuốc lá đều gây hại đối với sức khỏe Việc tuyên truyền thuốc lá nung nóng ít hóa chất độc hại hơn so với thuốc lá truyền thống sẽ gây hiểu nhầm cho người sử dụng về tác hại của thuốc lá nung nóng. WHO kêu gọi các quốc gia cần ngăn ngừa việc đưa ra các kết luận thiếu căn cứ về tính an toàn của các sản phẩm này, đồng thời thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả được quy định trong Công ước khung thay vì sử dụng các sản phẩm mới được quảng cáo là ít có hại.

Tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Tổ chức Y tế Thế giới về kiểm soát thuốc lá lần thứ 8 (COP 8), WHO đã khuyến cáo: Việc cho phép các sản phẩm mới sẽ làm tăng nhanh tỷ lệ sử dụng các sản phẩm này, dẫn tới nghiện nicotine và sử dụng thuốc lá điếu thông thường ở giới trẻ. Các bên tham gia cần cân nhắc ưu tiên áp dụng các biện pháp để ngăn chặn sự bắt đầu sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới, bao gồm ở cấp độ cao nhất là ban hành quy định cấm.



1 https://apps.who.int/iris/rest/bitstreams/1359088/retrieve

2 https://apps.who.int/iris/bitstream/handle/10665/255574/9789241512497-eng.pdf

3 Lyvy DT, Bales s, Lam NT, Nikolayev L. The role of public policies in reducing smoking and deaths caused by smoking in Vietnam: results from the Vietnam tobacco policy simulation model. Soc Sci Med. 2006;62(7):1819-1830.10.1016/j.socscimed.2005.08.043

4 Hoang Anh PT, Thu LT, Ross H, et al Direct and indirect costs of smoking in Vietnam Tobacco Control 2016;25:96-100.

5 National Academies of Sciences E, Medicine. Public Health Consequences of E-Cigarettes. Washington, DC: The National Academies Press; 2018

6 Báo cáo của Tổ chức y tế thế giới về Hệ thống cung cấp nicôtin điện tử (Thuốc lá điện tử)

7 https://www.who.int/fctc/cop/cop7/FCTC_COP_7_11_EN.pdf

8 Krishnan-Sarin S. O'Malley SS, Green BG. Jordt S-E. The science of flavour in tobacco products. In: Report on the scientific basis of tobacco product regulation: Seventh report of the WHO study group on tobacco product regulation. Geneva: World Health Organization: 2019:125-142.

9 Mishra VK, Kim K-H, Samaddar P, Kumar S, Aggarwal M, Chacko KJEER. Review on metallic components released due to the use of electronic cigarettes. 2017;22(2):131-140

10 https://untobaccocontrol.org/impldb/wp-content/uploads/Info-Note_Novel-Classification_EN.pdf

11 Meo SA Ansary MA, Barayan FR, Almusallam AS, Almehaid AM, Alarifi NS et al. Electronic cigarettes: Impact on lung function and fractional exhaled nitric oxide among healthy adults. Am J Mens Health. 2019;13(1):1557988318806073

12 Stockley J, Sapey E, Gompertz S, Edgar R, Cooper B. Pilot data of the short-term effects of e-cigarette vaping on lung function. Eur Respir J. 2018;52(Suppl 62):PA2420

13 Joshi D, Duong M, Kirkland S, Raina P. Impact of electronic cigarette ever use on lung function in adults aged 45-85: a cross-sectional analysis from the Canadian Longitudinal Study on Aging. BMJ Open. 2021 Oct 27;11(10):e051519

14 Layden JE Ghinai I, Pray I, Kimball A, Layer M, Tenforde MW et al. Pulmonary illness related to e-cigarette use in Illinois and Wisconsin - Preliminary report. N Engl J Med. 2020;382(10):903-16

15 Di Cicco M, Sepich M, Ragazzo V, Peroni DG, Comberiati P. Potential effects of E-cigarettes and vaping on pediatric asthma. Minerva Pediatr. 2020 Oct;72(5):372-382.

16 Stiles, B and Alperin, S. (2019). We ignored the evidence linking cigarettes to cancer. Let's not do that with vaping.[online]. The Guardian. Available at: https://www.theguardian.com/commentisfree/2019/feb/16/we-ignored-the- evidence-linking-cigarettes-to-cancer-lets-not-do-that-with-vaping

17 Moon-Shong Tang et al., Electronic-cigarette Smoke Induces Lung Adenocarcinoma and Bladder Urothelial Hyperplasia in Mice, 116 Proc Natl Acad Sci 21727-21731 (2019).

18 Gaur S. Agnihotri R. Health effects of trace metals in electronic cigarette aerosols-a systematic review. Biol Trace Elem Res. 2019;188(2):295-315.

19 Theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức Kiểm soát thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA) về tác hại của thuốc lá điện tử, bà Tan Yen Liam - Giám đốc Thông tin và Quản trị tri thức SEATCA.

20 Kuga K., Ito K., Chen W., Wang P., Kumagai K. A numerical investigation of the potential effects of e-cigarette smoking on local tissue dosimetry and the deterioration of indoor air quality. Indoor Air. 2020

21 Guidelines for implementation of Article 8: protection from exposure to tobacco smoke. World Health Organization Framework Convention on Tobacco Control. Geneva: World Health Organization; 2007.

22 Borgini A. Veronese C, De Marco C, Boffi R, Tittarelli A, Bertoldi M et al. Particulate matter in aerosols produced by two last generation electronic cigarettes: a comparison in a real-world environment. Pulmonology. 2021

23 Exposure to aerosols from smoking-proxy electronic inhaling systems: a systematic review. Barcelona: Tobacco Control Unit, Institut Català d'Oncologia; 2016.

24 U.S. Department of Health and Human Services. E-Cigarette Use Among Youth and Young Adults: A report of the Surgeon General. 2016

25 Strombotne K, Buckell J, Sindelar JL. 2021. Do JUUL and e-cigarette flavours change risk perceptions of adolescents? Evidence from a national survey. Tob. Control 30:199-205

26 Kutlu MGould T. Nicotine modulation of fear memories and anxiety: Implications for learning and anxiety disorders. Biochemical Pharmacology. 2015;97(4):498-511

27 Yuan M, Cross S, Loughlin S, Leslie F. Nicotine and the adolescent brain. J Physiol. 2015;593(16):3397-3412.

28 Hall F, Der-Avakian A, Gould T, Markou A, Shoaib M, Young J. Negative affective states and cognitive impairments in nicotine dependence. Neuroscience & Biobehavioral Reviews. 2015;58:168-185.

29 https://suckhoedoisong.vn/su-that-dang-sau-hang-loat-vu-ngo-doc-co-giat-khi-hut-thuoc-la-dien-tu- 16922091822152337.htm

30 https://cand.com.vn/y-te/nam-thanh-nien-nhap-vien-cap-cuu-sau-khi-hut-thuoc-la-dien-tu-co-bom-chat-la-i664383/

31 https://laodong.vn/xa-hoi/7-hoc-sinh-quang-ninh-nhap-vien-vi-hut-thuoc-la-dien-tu-1083599.ldo

32 https://thanhnien.vn/xon-xao-clip-2-nam-sinh-lop-12-tron-mat-la-het-nhu-ngao-da-trong-lop-post1500884.html

33 https://tienphong.vn/hang-chuc-ca-cap-cuu-vi-thuoc-la-dien-tu-co-nguoi-hon-me-phai-tho-may-post1383186.tpo

34 https://vnexpress.net/nam-sinh-12-tuoi-ngo-doc-thuoc-la-dien-tu-4533898.html

35 https://vtc.gov.vn/doi-song/hut-thuoc-la-dien-tu-7-hoc-sinh-tieu-hoc-o-ha-noi-nhap-vien

36 https://vtc.gov.vn/doi-song/hut-thuoc-la-dien-tu-7-hoc-sinh-tieu-hoc-o-ha-noi-nhap-vien772466?gidzl=Yv4w8yFuO3UBZ3manUPbDugEEo7TxMCmneTh8eRkPJ38qJ0iXRCxRSwACtZLvczapjvaSpXvMcqbm_baCG

37 https://nhandan.vn/4-hoc-sinh-nhap-vien-do-ngo-doc-thuoc-la-dien-tu-post747656.html

38 WHO, Báo cáo về Đại dịch thuốc lá toàn cầu năm 2019)

39 McAlinden KD, Eapen MS, Lu W, Sharma P, Sohal SS. The rise of electronic nicotine delivery systems and the emergence of electronic-cigarette-driven disease. Am J Physiol Lung Cell Mol Physiol. 2020 Oct 1;319(4):L585-L595.

40 Berry KM, Fetterman JL, Benjamin EJ. Bhatnagar A, Barrington-Trimis JL, Leventhal AM et al. Association of electronic cigarette use with subsequent initiation of tobacco cigarettes in US youths. JAMA Open Network. 2019:2(2):e187794

41 Owotomo O, Stritzel H, McCabe SE, Boyd CJ, Maslowsky J. Smoking Intention and Progression From E-Cigarette Use to Cigarette Smoking. Pediatrics. 2020 Dec;146(6):e2020002881.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Công văn 2725/BYT-KCB ngày 09/05/2023 về tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5, Tuần lễ quốc gia không thuốc lá 25-31/5/2023 và tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá do Bộ Y tế ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


675

DMCA.com Protection Status
IP: 3.143.24.92
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!