ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2696/UBND-VX
Về việc thiết lập và bảo vệ “vùng xanh” trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố
|
Thành phố Hồ Chí
Minh, ngày 12 tháng 8 năm 2021
|
Kính
gửi:
|
- Thủ trưởng các sở, ban, ngành
Thành phố;
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện;
|
Xét đề nghị của Công an Thành phố tại
Tờ trình số 3014/TTr-CATP ngày 01 tháng 8 năm 2021 về đề xuất một số nội dung
hướng dẫn bảo vệ “vùng xanh” trong phòng, chống dịch COVID-19, Ủy ban nhân dân
Thành phố đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện
chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện một số nội dung trong việc
thiết lập và bảo vệ “vùng xanh”, cụ thể như sau:
Nguyên tắc thiết lập “vùng xanh” có thể trên phạm vi một hoặc một số xã, phường,
thị trấn hoặc một quận, huyện. Tuy nhiên, trong “vùng
xanh” phải được phân chia thành những khu vực
giới hạn bởi các tuyến đường giao thông có các phương tiện
vận tải, công cộng có thể lưu thông thường xuyên (gọi tắt là khu vực).
Mọi hoạt động, sinh hoạt của người dân phải được đáp ứng để không phải ra những tuyến đường này.
Mỗi khu vực trong “vùng xanh” phải đảm bảo các điều kiện sau đây:
1. Ban
hành, niêm yết nội quy tại mỗi khu vực
- Quy định điều kiện an toàn phòng,
chống dịch ở mức cao nhất;
- Quy định đối tượng ra - vào khu vực;
- Quy định quyền và trách nhiệm của
người dân (phải chấp hành yêu cầu, thông báo của lực lượng thi hành công vụ,
không được chứa chấp, cho lưu trú đối với người từ bên ngoài vào "vùng
xanh” (kể cả người
thân, bạn bè,…);
- Những đối tượng cấm vào khu vực (người
không có trách nhiệm, shipper công nghệ,...);
- Quy định quyền và trách nhiệm của
lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch (nhắc nhở, xử
phạt,…);
Những quy định
khác tùy tình hình từng khu vực (nhưng phải
phù hợp với những quy định cao nhất về phòng, chống dịch của cơ quan có thẩm
quyền) nhằm phát huy tinh thần tự giác, tính tự quản
của mỗi người dân trong khu vực.
Trong mỗi khu vực phải thường xuyên
tổ chức phát loa tuyên truyền, nhắc nhở người dân trong
khu vực tuân thủ nội quy đã ban hành; vận động, kêu gọi
Nhân dân lên án, phản ánh các trường hợp vi phạm quy định
phòng, chống dịch.
2. Thiết
lập các chốt kiểm soát bảo vệ khu vực thuộc “vùng xanh”
- Mỗi khu vực chỉ thiết lập 01
lối đi vào - 01 lối đi ra riêng biệt có lập chốt kiểm soát 24/24 giờ (có thể bố trí camera giám sát), tuy nhiên phải ưu
tiên bố trí phù hợp để xe cấp cứu, cứu hỏa có thể di
chuyển được và đảm bảo thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp.
- Hạn chế bố trí
lối ra - vào ở những nơi giáp ranh khu phong tỏa, cách ly,
khu vực có người nhiễm COVID-19.
- Các đường phụ, lối nhỏ, hẻm ra - vào khu vực thuộc “vùng xanh” đều phải “phong tỏa
cứng”, không cho ra - vào kể cả người và phương tiện.
3. Lực
lượng tham gia bảo vệ “vùng xanh”
Lực lượng huy động: chủ yếu là lực
lượng tại chỗ, gồm:
- Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng
do Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn ra Quyết định thành
lập, có chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng thành viên (mỗi thành viên phụ trách một lĩnh vực theo chuyên môn), được cấp
thẻ công vụ để chỉ đạo, điều hành chung cho toàn bộ địa
bàn phường, xã, thị trấn.
Cơ cấu chủ yếu: lãnh đạo Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn; đại diện Chỉ huy Công an phường,
xã, thị trấn; cán bộ y tế; đại diện Chỉ huy ban Chỉ huy
quân sự phường, xã, thị trấn; Trưởng khu phố, ấp, tổ dân
phố, tổ nhân dân; các đoàn thể (thanh niên, phụ nữ, công
đoàn).
Nhiệm vụ: tổ chức thiết lập, quản lý,
kiểm soát ra vào, đảm bảo an ninh trật tự, tổ chức công tác đảm bảo lương thực,
thực phẩm và cung ứng, phân phối trong khu vực thuộc “vùng
xanh”.
- Tại mỗi khu
vực trong “vùng xanh” cùng thành lập các Tổ công tác có nhiệm vụ tương tự, chịu
sự điều hành chung của Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng.
Lực lượng huy động: Đoàn thể (thanh
niên, phụ nữ, công đoàn, cựu chiến binh, chữ thập đỏ); bảo vệ dân phố; dân quân tự vệ; công an hưu
trí; cán bộ, công chức đang nghỉ...
Nhiệm vụ: tuần tra, kiểm soát, đảm
bảo trật tự, an toàn bên trong các khu vực thuộc “vùng xanh”; phát loa tuyên
truyền, xử lý theo thẩm quyền các trường hợp người dân không chấp hành các quy
định phòng chống dịch.
- Tại mỗi “vùng xanh” phường, xã, thị trấn thành lập ít nhất 01 Tổ phản ứng nhanh
để cơ động nhanh, giải quyết kịp thời những trường hợp liên quan đến trợ giúp y
tế, xử lý người chống đối, gây rối khi người dân hoặc tổ công tác ở các khu vực
yêu cầu. Thành viên phải có lực lượng Công an, y tế và dân
quân tự vệ, trật tự đô thị,...
- Mỗi “vùng xanh” thiết lập dường dây
nóng gồm số điện thoại của thành viên Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng và
thông báo rộng rãi để người dân biết và gọi khi cần.
4. Kiểm
soát ra - vào “vùng xanh”
- Kiểm soát “vùng xanh” theo nguyên
tắc “giữ chặt, kiểm soát nghiêm”, thực hiện đúng nội quy “vùng
xanh”.
- Cư dân trong các khu vực thuộc
“vùng xanh” phải được kiểm danh, kiểm
diện hàng ngày (do Tổ công tác thực hiện thông qua các hình thức
phù hợp như: phát loa gọi tên, gọi điện thoại, các hình thức liên lạc OTT như
zalo...).
- Nhân viên giao hàng, cung cấp thực
phẩm, hàng hóa từ các đầu mối do Sở Công Thương điều phối, khi vào “vùng xanh”
phải mặc trang phục bảo hộ y tế cấp 3.
- Cán bộ, công nhân viên chức, lực
lượng vũ trang, phóng viên có nơi cư trú trong “vùng xanh” được đi làm bình
thường, khi về đến “vùng xanh” phải khai báo y tế và áp dụng các biện pháp cách
ly như trường hợp F1 cách ly tại nhà; quá trình sinh hoạt, hạn chế tiếp xúc
người thân trong gia đình và người xung quanh, bố trí
phòng sinh hoạt riêng.
- Các trường hợp làm việc tại khu vực
phong tỏa, khu cách ly phải có kết quả xét nghiệm âm tính và có thời gian cách ly tập trung bên
ngoài theo quy định của cơ quan y tế trước khi vào “vùng xanh”.
5. Hoạt
động cung ứng thực phẩm
- Điểm cung ứng thực phẩm thuộc khu
vực nào trong “vùng xanh” nào thì cung ứng cho cư dân,
người dân ở khu vực đó. Bố trí các điểm cung ứng bên trong
các khu vực thuộc “vùng xanh”, hạn chế tối đa việc bố trí ở các mặt tiền đường
phố giáp ranh giữa các khu vực để người dân không phải ra
đường và tránh việc người vãng lai ghé mua hàng làm tăng nguy cơ lây nhiễm.
- Hàng tuần, chính quyền địa phương
tổ chức phát thẻ, phiếu đi mua thực phẩm theo hộ gia đình (01 tuần/01 hộ gia
đình sẽ có 01 thẻ, phiếu đi chợ) ghi rõ cụ thể: địa điểm cung ứng thực phẩm gần nhất, ngày giờ cụ thể được đi mua thực phẩm.
- Ủy ban nhân
dân phường, xã, thị trấn rà soát và đăng ký ít nhất 01
điểm cung ứng thực phẩm cho người dân tại các khu vực thuộc “vùng xanh”.
- Người dân ở khu vực có điểm cung
ứng thực phẩm thì chỉ được đi đến điểm cung ứng đó để mua hàng.
Trường hợp trong các khu vực thuộc
“vùng xanh” không thể thiết lập điểm cung ứng thực phẩm
hoặc điểm cung ứng nằm xa “vùng xanh”, không đảm bảo an toàn y tế thì thực hiện mô hình đi chợ thuê, phát phiếu đi chợ cho nhóm hộ gia đình, hoặc tổ chức phân phối thực phẩm đến tận tay người dân.
- Giao lãnh đạo Ủy ban nhân dân
phường, xã, thị trấn chỉ đạo, điều phối việc cung ứng hàng hóa thực phẩm cho
người dân tại các khu vực vùng xanh; làm đầu mối liên hệ
Sở Công Thương để điều phối, cung cấp đầy đủ hàng hóa cho
các điểm cung cấp thực phẩm, nhu yếu phẩm trong các khu vực thuộc “vùng xanh”.
Đối với những hàng hóa cần
thiết liên quan đến gia dụng, vệ sinh, dược phẩm...
người dân phải đăng ký để Ủy ban nhân dân
phường, xã, thị trấn tổ chức mua, cung ứng
theo nhu cầu.
6. Hoạt
động y tế tại “vùng xanh”
- Tổ chức ưu tiên tiêm vaccine ngừa
COVID-19 cho cư dân “vùng xanh” theo quy định.
- Các cư dân “vùng xanh” phải được xét
nghiệm định kỳ theo quy định của y tế hoặc khi có yếu tố dịch tễ.
- Trường hợp có người
nghi nhiễm trong khu vực “vùng xanh” phải nhanh chóng khoanh vùng, cô lập và đưa người nghi nhiễm và những người tiếp xúc đi
cách ly bên ngoài “vùng xanh”.
Yêu cầu Chủ tịch
Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện, Thủ trưởng các đơn vị có
liên quan, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương
thực hiện các nội dung trên, trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng
mắc, kịp thời phản ánh về Công an Thành phố để tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân
dân Thành phố chỉ đạo, giải quyết./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Thường trực Thành ủy;
- TTUB: CT, các PCT;
- Văn phòng Thành ủy;
- Sở
Y tế, Công an Thành phố;
- VPUB: CPVP;
- Phòng VX, TH;
- Lưu VT (VX-MĐ).
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Ngô Minh Châu
|