Kính
gửi: Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương
Theo Tổ chức Y tế thế giới, sử dụng
thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm.
Trong đó hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2
triệu người tử vong do hút thuốc lá thụ động. Hút thuốc lá cũng là một yếu tố
làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và làm tăng mức độ
nghiêm trọng của các bệnh về đường hô hấp. Theo đánh giá của hội đồng các chuyên
gia y tế công cộng được WHO triệu tập vào ngày 29 tháng 4 năm 2020 cho thấy những
người hút thuốc có nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe do
COVID-19 cao hơn so với những người không hút thuốc. Bên cạnh tác hại về sức khỏe,
sử dụng thuốc lá còn gây tổn thất về kinh tế đối với các cá nhân, gia đình và
xã hội, các tổn thất này bao gồm chi tiêu cho hút thuốc, chi phí cho khám, điều
trị bệnh liên quan đến hút thuốc, giảm sút/mất khả năng lao động vì ốm đau và tử
vong sớm. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, tổn thất kinh tế toàn cầu do
thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỷ đô la Mỹ.
Sử dụng thuốc lá cũng làm ảnh hưởng
nghiêm trọng đến môi trường sống. Theo Tổ chức Y tế thế giới: hàng năm có khoảng
5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá và lấy gỗ để sấy thuốc lá; Ước
tính mỗi năm cần 18 tỷ cây xanh để làm củi sấy thuốc lá; Việc sử dụng thuốc lá
thải ra môi trường mỗi năm khoảng từ 3.000 đến 6.000 tấn formaldehyde, từ
12.000 đến 47.000 tấn nicotine và từ 300 đến 600 triệu ki-lô-gam chất thải độc
hại của các mẩu thuốc lá.1 Theo WHO, các tác động
môi trường của việc sử dụng thuốc lá gây thêm áp lực không cần thiết đối với
các nguồn tài nguyên vốn đã khan hiếm, đặc biệt đối với các nước đang phát triển
do hơn 80% số người sử dụng thuốc lá là tại các nước này.
Nhằm thông tin tới cộng đồng tác hại
của thuốc lá tới môi trường, Tổ chức Y tế thế giới chọn thông điệp “Thuốc
lá - mối đe dọa tới môi trường của chúng ta” làm chủ đề Ngày Thế giới
không thuốc lá 31/5/2022. Thông qua chủ đề này, Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi các quốc gia thúc đẩy các hoạt động nâng cao nhận thức của
cộng đồng về tác hại của sử dụng thuốc lá tới môi trường, không hút thuốc lá để
hạn chế việc gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe.
Tại Việt Nam, với sự quan tâm, chỉ đạo
của Quốc hội, Chính phủ, thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ ngành,
các tổ chức Chính trị - xã hội, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường
nâng cao nhận thức trong cộng đồng về tác hại của việc hút thuốc, xây dựng môi
trường không khói thuốc, tổ chức công tác tư vấn cai nghiện thuốc lá, kiểm tra
giám sát...công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá đạt được nhiều kết quả
đáng ghi nhận. So với năm 2015, năm 2020 tỷ lệ sử dụng hút thuốc lá chung giảm
từ 22,5% năm 2015 xuống 21,7% năm 2020. Tỷ lệ nam giới hút thuốc giảm từ 45,3%
năm 2015 xuống 42,3% năm 2020. Đặc biệt tỷ lệ hút thuốc thụ động cũng giảm đáng
kể tại các địa điểm như: nơi làm việc, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, trên phương
tiện giao thông công cộng và khu vực trong nhà. Theo kết quả khảo sát hành vi sức
khỏe học sinh Toàn cầu tại Việt Nam do Tổ chức Y tế thế giới thực hiện năm
2019, tỷ lệ hút thuốc trong học sinh độ tuổi 13-17 giảm từ 5,36% năm 2013 xuống
2,78% năm 2019, đây là những kết quả rất đáng khích lệ trong việc ngăn ngừa hút
thuốc lá trong giới trẻ.
Hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc
lá 31/5/2022, Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25/5 đến ngày 31/5, Bộ Y
tế trân trọng đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố cùng phối hợp và tiếp
tục chỉ đạo các cơ quan trên địa bàn tỉnh, thành phố đẩy mạnh các hoạt động, cụ
thể như sau:
1. Chỉ đạo các cơ
quan truyền thông trên địa bàn tỉnh, thành phố tăng cường tuyên truyền tác hại
của việc sử dụng thuốc lá và Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTH thuốc
lá) với các nội dung:
- Tác hại của thuốc lá điếu và các sản
phẩm mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha,...
- Trách nhiệm của người đứng đầu cơ
quan, tổ chức, địa phương, người đứng đầu các địa điểm cấm hút thuốc lá trong
việc tổ chức thực hiện quy định cấm hút thuốc (Điều 6, Điều 11,
Điều 12, Điều 14 Luật PCTH thuốc lá).
- Quyền của mọi người được sống, làm
việc trong môi trường không có khói thuốc lá; quyền, nghĩa vụ yêu cầu người hút
thuốc lá không hút tại địa điểm có quy định cấm (Điều 7 Luật
PCTH thuốc lá).
- Nghĩa vụ của người hút thuốc (Điều 13): không hút thuốc tại địa điểm có quy định cấm, không
hút thuốc trong nhà khi có trẻ em, phụ nữ mang thai, người bệnh, người cao tuổi,
giữ vệ sinh chung, bỏ tàn, mẩu thuốc lá đúng nơi quy định khi hút thuốc lá tại
những địa điểm được phép hút thuốc lá.
- Các hành vi bị nghiêm cấm trong
PCTH thuốc lá (Điều 9 Luật PCTH thuốc lá).
2. Chỉ đạo và tổ
chức thực hiện nghiêm các quy định về PCTH thuốc lá và môi trường không khói thuốc
theo quy định của Luật PCTH thuốc lá:
- Đưa nội dung PCTH thuốc lá vào kế
hoạch hoạt động hằng năm của Ủy ban nhân dân các cấp, đưa quy định cấm hút thuốc
lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của các cơ quan, đơn vị; đưa nội dung
phòng chống tác hại của thuốc lá vào hương ước, quy ước tại thôn, làng, ấp, bản,
tổ dân phố.
- Treo biển báo cấm hút thuốc tại các
địa điểm có quy định cấm hút thuốc như: Khu vực trong nhà tại nơi làm việc của
cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, tổ chức
chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề
nghiệp và nơi làm việc trong nhà khác, nhà hàng, quán cà phê, cơ sở dịch vụ ăn
uống, cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí, nhà ga, bến tàu, bến xe, cơ sở tôn giáo,
tín ngưỡng, trung tâm hội nghị, nhà hát, nhà văn hóa, rạp chiếu phim, rạp xiếc,
câu lạc bộ, nhà thi đấu thể thao, sân vận động có mái che, quán bar, quán
karaoke, vũ trường, trên phương tiện giao thông công cộng và địa điểm công cộng
trong nhà khác; Khách sạn, nhà nghỉ, nhà khách, khu nghỉ dưỡng (resort) và cơ sở
lưu trú du lịch khác.
- Tuyên truyền và thực hiện các biện
pháp ngăn ngừa sử dụng thuốc lá trong các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch
và việc hiếu, hỷ.
- Thực hiện nghiệm quy định cấm quảng
cáo, khuyến mãi, tài trợ của các công ty sản xuất, kinh doanh sản phẩm thuốc
lá.
3. Tăng cường phối
hợp liên ngành trong công tác PCTH thuốc lá
- Thành lập hoặc kiện toàn Ban chỉ đạo
Chương trình PCTH thuốc lá các cấp.
- UBND các tỉnh, thành phố chủ động
ban hành kế hoạch hoạt động PCTH thuốc lá của tỉnh, phân công rõ trách nhiệm của
các Sở, ban, ngành trong việc thực hiện Luật PCTH thuốc lá nhằm tạo cơ sở thuận
lợi thúc đẩy hoạt động phối hợp liên ngành trong PCTH thuốc lá.
- Tăng cường sự phối hợp liên ngành
trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch hoạt động hằng năm của địa phương và
các hoạt động do Quỹ PCTH thuốc lá hỗ trợ các tỉnh, thành phố để đảm bảo việc
triển khai hoạt động PCTH thuốc lá được sâu rộng, hiệu quả. Sử dụng đúng quy định
và có hiệu quả kinh phí do Quỹ PCTH thuốc lá hỗ trợ các tỉnh, thành phố để thực
hiện hoạt động PCTH thuốc lá.
4. Tăng cường hoạt
động kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
- Tổ chức kiểm tra, giám sát thường
xuyên việc thực thi quy định cấm hút thuốc tại các cơ quan, đơn vị, trường học,
nhà máy, xí nghiệp, các cơ sở khách sạn, nhà hàng và các địa điểm có quy định cấm
hút thuốc lá trên địa bàn tỉnh.
- Tổ chức kiểm tra việc thực hiện quản
lý nhà nước về PCTH thuốc lá theo quy định tại Khoản 4 Điều 5 Luật
PCTH thuốc lá.
- Thành lập đoàn kiểm tra liên ngành
hoặc lồng ghép việc kiểm tra thực hiện Luật PCTH thuốc lá vào chương trình, kế
hoạch kiểm tra của các cơ quan, tổ chức theo quy định tại Nghị định số
117/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 9 năm 2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính
trong lĩnh vực y tế.
5. Tổ chức thực
hiện các hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ Quốc
gia không thuốc lá 25-31/5/2022
- Chỉ đạo các Ban ngành, Đoàn thể ở địa
phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan đầu mối về PCTH thuốc lá tại tỉnh, tùy
theo tình hình dịch bệnh COVID-19 tại địa phương tổ chức các hoạt động hưởng ứng
Ngày Thế giới không thuốc lá và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá như: tổ chức
mít tinh, hội nghị, diễu hành, treo băng zôn khẩu hiệu hưởng ứng Ngày Thế giới
không thuốc lá và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá (xin gửi kèm theo thông điệp truyền thông để Quý Cơ quan tham khảo thực hiện).
- Chỉ đạo cơ quan thông tin đại chúng
tại địa phương thường xuyên đăng tải các thông tin về lợi ích của môi trường
không khói thuốc, tác hại của thuốc lá điếu thông thường, thuốc lào, thuốc lá
điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha; các thông tin về tư vấn cai nghiện thuốc
lá trên đài phát thanh, truyền hình, báo chí, loa phát thanh xã, phường, trang
thông tin điện tử và trên các trang mạng facebook, fanpage
(nếu có) của các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị.
Đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh,
thành phố phối hợp với Bộ Y tế thực hiện các hoạt động nêu trên và gửi báo cáo
kết quả thực hiện về Bộ Y tế để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Báo cáo
gửi về địa chỉ: Quỹ PCTH thuốc lá, Bộ Y tế, Tầng 5, toà nhà Toserco, 273 Kim Mã
- Ba Đình - Hà Nội trước ngày 15/6/2022. Các thông tin về Luật PCTH thuốc
lá, tài liệu truyền thông PCTH thuốc lá, Quý cơ quan có thể tìm hiểu và tải về
từ trang thông tin điện tử: www.vinacosh.gov.vn
Xin trân trọng cảm ơn.
Nơi nhận:
- Như trên;
- TTgCP (để báo cáo);
- PTT Vũ Đức Đam (để báo cáo);
- VP TW, các Ban của Đảng;
- VP Quốc hội;
- VP Chính phủ:
- VP Chủ tịch nước;
- Ủy ban Xã hội của Quốc hội;
- Cơ quan TW của các đoàn thể;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện KSND tối cao;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các đồng chí Thứ trưởng Bộ Y tế (để thực hiện);
- Văn phòng; Thanh tra; các Vụ, Cục (Bộ Y tế) (để thực hiện);
- Các cơ quan truyền thông;
- Sở Y tế các Tỉnh, Thành phố;
- Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố;
- Lưu: VT, KCB.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Trường Sơn
|
THÔNG ĐIỆP
HƯỞNG ỨNG NGÀY THẾ GIỚI KHÔNG THUỐC LÁ 31/5 VÀ TUẦN LỄ QUỐC GIA KHÔNG
THUỐC LÁ 25-31/5/2022
CHỦ ĐỀ : THUỐC LÁ - MỐI ĐE DỌA TỚI MÔI TRƯỜNG CỦA
CHÚNG TA
1. Thuốc lá gây ô nhiễm trái đất và đe dọa sức khỏe con người.
2. Mọi người có quyền được Sống và
làm việc trong môi trường không khói thuốc lá.
3. Không hút thuốc lá vì môi trường
trong lành
4. Không hút thuốc lá là khỏe mạnh,
văn minh, lịch sự
5. Không hút thuốc trong nhà khi có
trẻ em, phụ nữ mang thai, người bệnh, người cao tuổi
6. Không hút thuốc lá gần người khác
7. Mọi sản phẩm thuốc lá đều có hại
cho sức khỏe
8. Thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử và
thuốc lá nung nóng đều gây hại cho sức khỏe của bạn
9. Không có sản phẩm thuốc lá nào là
an toàn cho sức khỏe
10. Hãy bỏ thuốc lá ngay hôm nay để
giảm nguy cơ tử vong do ung thư phổi.
11. Hãy bỏ thuốc lá ngay hôm nay để
giảm nguy cơ tử vong do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
12. Hãy bỏ thuốc lá ngay hôm nay để
giảm nguy cơ đột quỵ
13. Hút thuốc lá là tự hại mình và đầu
độc những người xung quanh.
14. Thanh niên Việt Nam nói không với
thuốc lá, thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.
15. Hãy gọi 18006606 để được tư vấn
cai thuốc lá miễn phí.
16. Cấm hút thuốc lá tại cơ sở y tế,
trường học và nơi làm việc (Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá).
17. Cấm hút thuốc lá trên phương tiện
giao thông công cộng (Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá).
18. Cấm hút thuốc lá trong khách sạn,
nhà hàng (Luật phòng, chống tác hại của
thuốc lá).
19. Công chức, viên chức, người lao động
thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc (Luật Phòng, chống
tác hại của thuốc lá
1 https://apps.who.int/iris/bitstream/handle/10665/255574/9789241512497-eng.pdf