Kính gửi: Ủy
ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ
tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp
chất thải rắn (CTR) đến năm 2025, tầm nhìn tới năm 2050, mục tiêu Chiến lược hướng
đến là tăng cường năng lực quản lý tổng hợp CTR, tiến hành đồng thời các giải
pháp nhằm đẩy mạnh công tác lưu giữ, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế,
xử lý CTR; mở rộng mạng lưới thu gom CTR; thúc đẩy phân loại CTR tại nguồn với
phòng ngừa và giảm thiểu phát sinh CTR trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh và
dịch vụ.
Ngày 22/02/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành
Quyết định số 263/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông
thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Theo nội dung thành phần số 07, mục
III - Các nội dung thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông
thôn mới giai đoạn 2021-2025 kèm theo Quyết định số 263/QĐ-TTg, Bộ Tài
nguyên và Môi trường được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì, hướng dẫn thực hiện
nội dung: “Xây dựng và tổ chức hướng dẫn thực hiện các Đề án/Kế hoạch tổ chức
phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn trên địa bàn huyện đảm bảo theo
quy định; phát triển, nhân rộng các mô hình phân loại chất thải tại nguồn phát
sinh”.
Để thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tài nguyên và
Môi trường đã xây dựng khung hướng dẫn thực hiện Đề án/Kế hoạch nêu trên tại Phụ
lục kèm theo Công văn này. Khung hướng dẫn là tài liệu thiết thực hỗ trợ Ủy ban
nhân dân cấp huyện xây dựng Kế hoạch quản lý CTR sinh hoạt trên địa bàn theo
quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 63 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP
ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi
trường. Kết quả của việc triển khai Kế hoạch quản lý CTR sinh hoạt sẽ góp phần
hỗ trợ các địa phương thực hiện các chỉ tiêu của các tiêu chí về quản lý CTR được
Thủ tướng Chính phủ quy định tại Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 về việc
ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã
nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 và Quyết định số 320/QĐ-TTg ngày
08/3/2022 về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; quy định
thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới
và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vấn đề
vướng mắc, phát sinh, đề nghị quý Ủy ban gửi văn bản về Bộ Tài nguyên và Môi
trường (thông qua Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, địa chỉ: số 10 Tôn Thất
Thuyết, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) để xem xét, nghiên cứu và hoàn thiện hướng dẫn
đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Trân trọng./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Lưu: VT, KSONMT, N.Tr.66.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Lê Công Thành
|
PHỤ LỤC
KHUNG HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG ĐỀ ÁN/KẾ HOẠCH TỔ CHỨC PHÂN LOẠI,
THU GOM, VẬN CHUYỂN CHẤT THẢI RẮN TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN[1]
(Kèm theo Công văn số 8315/BTNMT-KSONMT ngày 26 tháng 11 năm 2024 của Bộ Tài
nguyên và Môi trường)
1. Sự cần thiết xây dựng Đề
án/Kế hoạch
1.1. Khái quát chung về điều kiện tự nhiên, kinh tế
xã hội, tình hình thực hiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH)
trên địa bàn huyện.
1.2. Các căn cứ pháp lý xây dự Đề án/Kế hoạch
- Theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của
Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng
hợp chất thải rắn (CTR) đến năm 2025, tầm nhìn tới năm 2050, mục tiêu hướng đến
là tăng cường năng lực quản lý tổng hợp CTR, tiến hành đồng thời các giải pháp
nhằm đẩy mạnh công tác lưu giữ, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử
lý CTR; mở rộng mạng lưới thu gom CTR; thúc đẩy phân loại CTR tại nguồn với
phòng ngừa và giảm thiểu phát sinh CTR trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh và
dịch vụ. Trên cơ sở đó, các nội dung về quản lý tổng hợp CTR đã được cụ thể hóa
trong các quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (điểm a Khoản 1 Điều 72,
Điều 75, Điều 76, Điều 77 và Điều 78), Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày
10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường
(Điều 60 và Điều 63) và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ trưởng
Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo
vệ môi trường (Điều 26, Điều 27, Điều 28, Điều 29, Điều 30 và Điều 31).
- Căn cứ quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 63 Nghị định
số 08/2022/NĐ-CP nêu trên và các quy định pháp luật hiện hành về bảo vệ môi trường,
Đề án/Kế hoạch tổ chức phân loại, thu gom, vận chuyển CTR trên địa bàn huyện đã
được xây dựng.
2. Mục tiêu: xác định
các mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể (theo giai đoạn) để quản lý CTRSH
theo quy định của pháp luật hiện hành và đáp ứng các chỉ tiêu cụ thể về quản lý
CTR của huyện đạt chuẩn nông thôn mới (nếu có) theo Quyết định của Thủ tướng
Chính phủ.
3. Hiện trạng quản lý CTRSH
trên địa bàn huyện
3.1. Cơ chế, chính sách về quản lý CTR: liệt kê và
đánh giá văn bản của các sở, ban, ngành địa phương trong việc hướng dẫn, triển
khai các cơ chế hỗ trợ đối với hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH.
3.2. Quy hoạch quản lý CTR: rà soát quy hoạch của tỉnh
đã phê duyệt để nêu các địa điểm tập kết/trạm trung chuyển CTR, khu xử lý CTRSH
đã được quy hoạch trên địa bàn huyện (nếu có); đánh giá các nội dung của quy hoạch
đã triển khai trên địa bàn huyện và các nội dung sẽ triển khai trong thời gian
tới.
3.3. Thực trạng phát sinh, phân loại, thu gom, vận
chuyển, xử lý CTRSH: điều tra, thống kê, đánh giá tình hình phát sinh CTR, phân
loại CTR tại nguồn, công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH trên địa bàn huyện.
4. Thực trạng nguồn đầu tư tài
chính, việc thu và sử dụng giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH:
Nêu các nguồn lực tài chính cung cấp, đánh giá việc sử dụng, chi trả kinh phí
cho dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH; phân tích những tồn tại, hạn chế
trong việc huy động các nguồn lực tại chính và chi trả dịch vụ.
5. Giải pháp cải thiện công tác
quản lý CTRSH trên địa bàn huyện
5.1. Giải pháp về cơ chế, chính sách và hoàn thiện
quy định pháp luật
5.2. Giải pháp về kỹ thuật và công nghệ
6. Xây dựng Kế hoạch thực hiện
quản lý CTRSH trên địa bàn huyện
6.1. Kế hoạch quản lý CTRSH trên địa bàn huyện
a) Phân loại CTRSH: Xác định nhóm chất thải
chính, bao bì đựng chất thải sau phân loại (Tham khảo hướng dẫn kỹ thuật về
phân loại CTRSH của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số
9368/BTNMT-KSONMT ngày 02/11/2023 hoặc tài liệu hướng dẫn của địa phương).
b) Thu gom, vận chuyển CTRSH: căn cứ vào khối
lượng phát sinh CTRSH gia tăng hàng năm, tình hình phát triển kinh tế xã hội của
thị trấn và các xã thuộc khu vực nông thôn để lập kế hoạch thu gom, vận chuyển
CTRSH cho giai đoạn 2025-2030, bao gồm các nội dung chính sau:
- Năng lực thu gom, vận chuyển (số lượng công nhân,
các trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho việc thu gom, vận chuyển như xe đẩy
tay, xe cải tiến hoặc xe tự chế có gắn động cơ, xe tải cỡ nhỏ, xe ép rác,...);
- Tần suất thu gom (theo thành phần CTRSH phát
sinh);
- Các điểm tập kết/trạm trung chuyển CTR (bao gồm cả
số lượng các điểm dự kiến đầu tư xây dựng mới);
- Lộ trình/tuyến thu gom, vận chuyển: tối ưu hóa lộ
trình thu gom, vận chuyển đến cơ sở xử lý tập trung.
c) Xử lý CTRSH
- Căn cứ quy hoạch được phê duyệt, xác định địa điểm,
dự án đầu tư xây dựng cơ sở xử lý CTRSH tập trung trên địa bàn huyện (nếu có),
đánh giá năng lực xử lý, tái chế CTR của các cơ sở xử lý;
- Xây dựng phương án tái chế, tái sử dụng chất thải
trên địa bàn;
- Xây dựng kế hoạch xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường
tại các bãi chôn lấp cũ trên địa bàn (nếu có).
6.2. Kinh phí thực hiện: dự kiến kinh phí thực hiện
cho năm 2025 và giai đoạn 2026-2030
Căn cứ hiện trạng phát triển kinh tế-xã hội và mục tiêu
quản lý CTR, địa phương cần xác định cụ thể nhu cầu kinh phí cho hoạt động đầu
tư, xây dựng công trình hạ tầng về quản lý chất thải (điểm tập kết/trạm trung
chuyển CTR, công trình xử lý CTR sinh hoạt tập trung; cải tạo bãi chôn lấp
CTRSH; ...). Bên cạnh chi phí đầu tư, cần xác định cụ thể nhu cầu kinh phí cho
các hoạt động quản lý CTRSH như hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về
phân loại, xử lý CTR tại nguồn, hỗ trợ triển khai xây dựng mô hình thu gom, xử
lý CTRSH, đầu tư trang thiết bị,...
6.3. Phân công tổ chức thực hiện: giao trách nhiệm
cho các phòng, ban trong huyện, ủy ban nhân dân các xã, thị trấn và các tổ chức
đoàn thể/chính trị xã hội tổ chức thực hiện.
[1]
Chi tiết tham khảo tài liệu hướng dẫn thực hiện tại đường dẫn:
https://docs.google.com/document/d/1OJM4V1AKG2RmzI9I-lelab96r51DiUxE/edit?usp=sharing&ouid=100641785718610333636&rtpof=true&sd=true