BỘ NỘI VỤ
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 720/BNV-CTTN
V/v giải quyết chế độ đối với thanh
niên xung phong tập trung đã hoàn thành nhiệm vụ trong
kháng chiến
|
Hà
Nội, ngày 01 tháng 03 năm 2013
|
Kính gửi: Ủy
ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thực hiện Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg ngày
27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ đã phối hợp với Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số
08/2012/TTLT-BLĐTBXH-BNV-BTC ngày 16/4/2012 hướng dẫn thực hiện chế độ đối với
thanh niên xung phong (TNXP) đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến. Trong quá trình triển khai thực hiện, một số địa
phương đã có văn bản đề nghị liên bộ giải đáp một số vướng mắc, sau khi trao đổi,
thống nhất với Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ có
ý kiến như sau:
1. Về trường hợp còn hoặc không
còn giấy tờ gốc thì thời gian hưởng trợ cấp được tính như thế nào? Nếu đã tính
thời gian tham gia TNXP để hưởng trợ cấp theo Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg và
Quyết định số 142/2008 thì có được hưởng theo Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg ngày
27/7/2011 nữa không? Trường hợp là liệt sĩ có được hưởng trợ cấp từ trần không?
Các vấn đề trên được thực hiện như sau:
a) Về thời gian tính hưởng trợ cấp:
- Theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư liên tịch số 08/2012/TTLT-BLĐTBXH-BNV-BTC, đối với trường hợp TNXP không còn giấy tờ gốc hoặc giấy tờ gốc không
xác định được cụ thể thời gian tập trung tham gia kháng
chiến thì chỉ thực hiện hưởng trợ cấp một lần với mức bằng 2.500.000 đồng;
- Theo quy định tại Điều
1 Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ, các
trường hợp đã được tính thời gian tham gia TNXP để hưởng chế độ trợ cấp theo
Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 08/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với một số đối tượng trực tiếp
tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Đảng
và Nhà nước và theo Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008 của Thủ tướng
Chính phủ về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu
nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa
phương; theo Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg ngày 06/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ
về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg
ngày 27/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số
53/2010/QĐ-TTg ngày 20/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ đối với
cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân tham gia kháng chiến chống
Mỹ có dưới 20 năm công tác trong Công an nhân dân đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương thì các trường hợp này không thuộc đối tượng áp dụng
Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
b) Trường hợp TNXP đã được công nhận
là liệt sĩ thì không thuộc đối tượng áp dụng Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg ngày
27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Trường hợp TNXP khai ngày,
tháng, năm tham gia TNXP trước năm 1950 thì thời gian tính hưởng chế độ trợ cấp
cho TNXP theo Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính
phủ được tính từ ngày 15/7/1950 cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ trở về địa
phương (ngày 15/7/1950 là ngày thành lập lực lượng TNXP).
3. TNXP tham gia kháng chiến trước
năm 1975 nhưng sau năm 1975 mới xuất ngũ thì tính thời gian hưởng chế độ trợ cấp như thế nào? Có tính thời gian sau năm 1975 để được
hưởng trợ cấp không?
Đối với trường hợp này, được thực hiện
như sau: TNXP tham gia trước ngày 30/4/1975, nếu có thời gian làm nhiệm vụ liên
tục đến sau ngày 30/4/1975 thì thời gian tính hưởng chế độ trợ cấp là thời gian kể từ khi tham gia TNXP cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ TNXP trở về
địa phương (bao gồm cả thời gian liên tục làm nhiệm vụ TNXP sau ngày
30/4/1975).
4. Đối với TNXP không còn giấy tờ
gốc, bản khai để hưởng chế độ chỉ khai được năm tham gia TNXP và năm trở về mà
không nhớ được ngày, tháng, năm tham gia TNXP thì thời gian thực tế tham gia TNXP
tính như thế nào? Trường hợp này, thực hiện như sau: Theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư liên tịch số 08/2012/TTLT-BLĐTBXH-BNV-BTC, nếu TNXP không còn giấy tờ gốc hoặc giấy tờ gốc
không xác định được thời gian tập trung tham gia kháng chiến thì chỉ thực hiện trợ cấp một lần bằng mức 2.500.000 đồng.
5. Thế nào là người nuôi dưỡng hợp
pháp cựu TNXP, cần có quy định cụ thể để làm căn cứ xét hưởng?
Người nuôi dưỡng hợp pháp cựu TNXP là người có trách nhiệm, nghĩa vụ
nuôi dưỡng hoặc cấp dưỡng cựu TNXP theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.
Theo quy định tại Điều 48 Luật này, trong trường hợp không còn cha, mẹ hoặc
cha, mẹ không có điều kiện trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì
anh, chị, em có nghĩa vụ và quyền đùm bọc, nuôi dưỡng nhau.
Như vậy, nếu có căn cứ chứng minh
anh, chị của cựu TNXP là người nuôi dưỡng hợp pháp của cựu
TNXP thì người đó được hưởng chế độ của TNXP từ trần.
6. Đề nghị làm rõ nội dung “Không
còn khả năng lao động và sống cô đơn, không nơi nương tựa”; trường hợp TNXP còn
vợ hoặc chồng hoặc có con nhưng những người đó bị bệnh tật mất khả năng lao động,
không giúp được gì, thực sự không là nơi nương tựa cho cựu TNXP thì giải quyết
thế nào? Các trường hợp này được hiểu thống nhất như sau:
a) Người không còn khả năng lao động
là người được cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp giấy chứng nhận không còn khả năng lao động;
b) Người sống cô đơn không nơi nương
tựa là người không có hoặc không còn người nuôi dưỡng hợp
pháp. Trường hợp TNXP tuy còn người nuôi dưỡng hợp pháp
nhưng người đó cũng thuộc diện phải sống nhờ trợ cấp theo chế độ bảo trợ xã hội thì cũng được vận dụng
để xét hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số
40/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo quy định tại Điều
3 Quyết định 40/2011/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ, TNXP tập
trung tham gia kháng chiến hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương không còn khả năng lao động và sống cô
đơn, không nơi nương tựa thì được xét trợ cấp hàng tháng. Như vậy, TNXP phải đủ
cả 2 điều kiện là không còn khả năng lao động và hiện sống cô đơn không nơi
nương tựa mới thuộc diện được hưởng trợ cấp hàng tháng.
7. Theo quy định ở Tiết c Khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch số
08/2012/TTLT-BLĐTBXH-BNV-BTC, trường hợp không còn một
trong các giấy tờ quy định tại Điểm a và b thì nộp tờ khai có chứng thực của
UBND cấp xã nơi đi TNXP, song thời kỳ này ở miền Nam không có chính quyền thì
giải quyết thế nào?
Trường hợp này cũng tương tự như trường
hợp thay đổi địa danh hành chính. Người đi TNXP ở đâu thì do Ủy ban nhân dân cấp
xã, phường hiện nay ở đó xác nhận vào bản khai.
8. Theo Khoản 3 Điều 4 của Thông tư 08/2012/TTLT-BLĐTBXH-BNV-BTC, người xét hưởng trợ cấp hàng tháng còn “phải có giấy chứng
nhận sức khỏe của cơ sở y tế cấp huyện trở lên”, vậy nội dung chứng nhận cụ thể
của cơ sở y tế cấp huyện là gì? Để được xem xét, giải quyết chế độ thì giấy chứng
nhận sức khỏe của cơ sở y tế cấp huyện trở lên cần ghi rõ tình trạng không còn
khả năng lao động của TNXP.
9. Cựu TNXP từ trần sau ngày
01/6/2012 (Thông tư Liên tịch số 08/2012/TTLT-BLĐTBXH-BNV-BTC có hiệu lực) thì
hưởng mức trợ cấp là bao nhiêu?
Khoản 3 Điều 2 Thông tư này quy định
trường hợp TNXP đã từ trần trước ngày Thông tư này có hiệu
lực (ngày 01/6/2012) mà chưa được hưởng chế độ trợ cấp
theo Quyết định số 104/1999/QĐ-TTg ngày 14/4/1999 hoặc Quyết
định số 40/2011/QĐ-TTg ngày 27/7/2011
của Thủ tướng Chính phủ thì một trong những người sau đây: vợ hoặc chồng, bố đẻ,
mẹ đẻ, con đẻ, con nuôi hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp của người từ trần được
hưởng chế độ trợ cấp một lần bằng 3.600.000 đồng.
Như vậy, TNXP từ
trần sau ngày 01/6/2012 trở đi thì cách tính hưởng trợ cấp một lần thực hiện
theo như quy định đối với TNXP đang còn sống.
10. Cựu TNXP là cán bộ xã khi nghỉ
không được hưởng chế độ hưu trí mà chỉ được hưởng trợ cấp một lần, như vậy có
được hưởng theo Quyết định 40/2011/QĐ-TTg hay không?
Theo quy định tại Điều
1 Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ thì cựu
TNXP là cán bộ xã khi nghỉ không được hưởng chế độ hưu trí mà chỉ được hưởng trợ
cấp một lần vẫn thuộc diện được hưởng trợ cấp theo Quyết định này.
Trường hợp cựu TNXP đã được hưởng chế
độ hưu trí thì không thuộc diện được áp dụng chế độ trợ cấp
theo Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg.
11. Theo quy định tại Khoản 4 Điều 3 Thông tư liên tịch số
08/2012/TTLT-BLĐTBXH-BNV-BTC, đối
tượng đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 104/1999/QĐ-TTg
ngày 14/4/1999 của Thủ tướng Chính phủ được điều chỉnh để hưởng chế độ trợ cấp
hàng tháng theo quy định tại Khoản 2 Điều này kể từ ngày 01/10/2011 (không phải
làm lại hồ sơ xét hưởng chế độ trợ cấp). Tuy nhiên, đến ngày 01/10/2012 mới làm
thủ tục chuyển thực hiện trợ cấp thì quyết định ghi thời điểm hưởng trợ cấp như
thế nào, có được truy lĩnh thời gian từ ngày 01/10/2011 không?
Trong trường hợp
này, Quyết định điều chỉnh trợ cấp cần ghi rõ thời điểm điều
chỉnh trợ cấp kể từ ngày 01/10/2011 và thực hiện việc truy lĩnh chênh lệch kể từ
ngày 01/10/2011.
12. Trong biểu mẫu 02 yêu cầu xác nhận
của đại diện Ban liên lạc TNXP. Tuy nhiên, một số địa phương chưa có Ban liên lạc
TNXP thì thay thế bằng thành phần nào? Trường hợp TNXP về nơi cư trú trước khi
đi TNXP xin xác nhận nhưng xã đó đã tái định cư nơi mới không còn địa danh như
trước khi đi TNXP thì TNXP phải xin xác nhận ở đâu? Các trường hợp này, được thực
hiện như sau:
a) Trường hợp địa phương cấp xã chưa có Ban liên lạc TNXP hoặc Hội cựu TNXP thì UBND cấp xã sau khi lập biên bản xác nhận hồ sơ xét hưởng chế độ trợ cấp
cần tổng hợp, chuyển danh sách số đối tượng này kèm biểu mẫu
02 đến Hội cựu TNXP cấp huyện (hoặc Ban Liên lạc TNXP cấp huyện nếu chưa có Hội)
đề nghị kiểm tra, xác nhận trước khi tổng hợp hồ sơ báo cáo Ủy ban nhân dân cấp
huyện (qua Phòng Nội vụ);
b) Trường hợp TNXP về nơi cư trú trước
khi đi TNXP xin xác nhận nhưng xã đó đã tái định cư nơi mới,
không còn địa danh như trước khi đi TNXP thì TNXP cần lấy xác nhận của Ủy ban
nhân cấp xã nơi tái định cư hiện nay.
13. Đối với cựu TNXP đã từ trần khi lập
danh sách đề nghị trợ cấp thì lập danh sách cựu TNXP đã từ trần hay thân nhân cựu TNXP?
Theo quy định tại Thông tư liên tịch
số 08/2012/TTLT-BLĐTBXH-BNV-BTC, trường hợp cựu TNXP đã từ trần thì danh sách đề nghị trợ cấp được lập theo mẫu số 4B (danh sách thân nhân
cựu TNXP đã từ trần).
14. TNXP làm nhiệm vụ khắc phục hậu
quả chiến tranh ở miền Bắc thời kỳ 1955-1964 có được hưởng chính sách theo Quyết
định số 40/2011/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ không?
Điều 1 Quyết định số
40/2011/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ
đã quy định rõ đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách là TNXP tập trung
tham gia kháng chiến trong thời gian từ ngày 15/7/1950 đến ngày 30/4/1975 đã
hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương, trong đó bao gồm cả TNXP làm nhiệm vụ khắc
phục hậu quả chiến tranh ở miền Bắc thời kỳ 1955 - 1964.
15. Trường hợp cựu TNXP đang được hưởng
trợ cấp hàng tháng theo Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày
13/7/2007 về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội thì có tiếp tục
được hưởng trợ cấp theo quy định tại Quyết định số
40/2011/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ không?
Theo quy định tại Điều
1 Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ thì
TNXP tập trung tham gia kháng chiến trong thời gian từ ngày 15/7/1950 đến ngày
30/4/1975 đã hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương mà
không thuộc diện hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động, chế độ bệnh binh, chế độ thương binh, người hưởng chính sách như
thương binh, chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học thì
thuộc diện được áp dụng chế độ trợ cấp quy định tại Quyết định này. Như vậy,
trường hợp cựu TNXP đang được hưởng trợ cấp hàng tháng
theo Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày
13/7/2007 về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội thì vẫn được hưởng
chế độ trợ cấp đối với cựu TNXP quy định tại Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg ngày
27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
16. Về nội dung “Chi xét duyệt,
thẩm định hồ sơ mức chi 10.000 đồng/hồ sơ. Theo mức chi này thì chia đều tất cả
các đơn vị xét duyệt hồ sơ từ cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh hay là kinh phí cấp
nào thì cấp đó bảo đảm? Số tiền này được tính riêng hay vẫn nằm trong số kinh
phí 1,7% ?
Theo quy định tại Điều
5 Thông tư liên tịch số 08/2012/TTLT-BLĐTBXH-BNV-BTC ngày 16/4/2012 của
liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn
thực hiện chế độ trợ cấp đối với TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến
theo Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ thì việc
xét duyệt, thẩm định hồ sơ thuộc trách nhiệm của cấp tỉnh (Sở Nội vụ và Sở Lao
động - Thương binh và Xã hội phối hợp thực hiện), do đó nội dung chi xét duyệt,
thẩm định hồ sơ chỉ áp dụng đối với cấp tỉnh. Kinh phí chi cho nội dung này được
sử dụng từ nguồn kinh phí được trích chi cho công tác quản lý 1,7% theo quy định
tại Điểm a Khoản 2 Điều 6 Thông tư liên tịch số
08/2012/TTLT-BLĐTBXH-BNV-BTC.
17. Về đề nghị có hướng
dẫn cụ thể trình tự, thủ tục, cách thức thực hiện, trách nhiệm của các cơ quan
trong việc hướng dẫn, tổ chức thực hiện để cựu TNXP được vay vốn Quỹ quốc gia
giải quyết việc làm.
Các quy định về đối tượng cho vay; điều
kiện được vay vốn; mức vốn, thời hạn và lãi suất vay; xây
dựng dự án, lập hồ sơ vay vốn; thẩm định dự án và quyết định cho vay; cho vay, thu nợ;
trách nhiệm của các cơ quan trong việc hướng dẫn, tổ chức thực hiện vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm được quy định
cụ thể tại các văn bản sau đây:
- Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg ngày
05/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý, điều hành vốn cho vay của
Quỹ quốc gia về việc làm;
- Quyết định số 15/2008/QĐ-TTg ngày
23/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định
số 71/2005/QĐ-TTg ngày 05/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý, điều
hành vốn cho vay của Quỹ quốc gia về
việc làm;
- Thông tư liên
tịch số 34/2005/TTLT-BLĐTBXH-BKHĐT-BTC ngày 09/12/2005 của Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của
Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg ngày 05/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý, điều hành vốn cho vay của Quỹ quốc gia về việc làm;
- Thông tư liên tịch số
14/2008/TTLT-BLĐTBXH-BKHĐT-BTC ngày 29/7/2008 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số
điều của Thông tư liên tịch số 34/2008/TTLT-BLĐTBXH-BKHĐT-BTC
ngày 09/12/2005 hướng dẫn một số điều của Quyết định số
71/2005/QĐ-TTg ngày 05/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý, điều
hành vốn cho vay của Quỹ quốc gia về việc làm.
Theo quy định tại các văn bản nêu
trên, TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến theo Quyết định số
40/2011/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ nếu có nhu cầu vay vốn Quỹ
quốc gia về việc làm có thể đứng tên lập dự án vay vốn hoặc tham gia vay vốn
theo dự án nhóm hộ gia đình do Ủy ban nhân dân xã hoặc các tổ chức hội, đoàn thể
tại địa phương (Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Liên
đoàn Lao động...) làm chủ dự án. Hội cựu TNXP tại địa phương cũng có thể lập dự
án vay vốn chung cho các hội viên của mình. Đề nghị Hội cựu TNXP liên hệ với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và Chi nhánh
Ngân hàng Chính sách xã hội tại các huyện, quận để được hướng dẫn lập hồ sơ, thẩm
định đề nghị xét duyệt vay vốn.
Trên đây là ý kiến của liên bộ, Bộ Nội
vụ thống nhất trả lời về một số vướng mắc trong quá trình thực hiện Thông tư
liên tịch số 08/2012/TTLT-BLĐTBXH-BNV-BTC ngày 16/4/2012 hướng dẫn thực hiện
Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ, đề nghị các địa phương khẩn
trương thực hiện bảo đảm tiến độ và chính sách chi trả trợ
cấp cho cựu TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Bộ Tài chính;
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Hội Cựu TNXP Việt Nam;
- Lưu: VT, CTTN.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Tiến Dĩnh
|