Kính
gửi: Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Ngoại giao, Tư pháp,
Quốc phòng.
Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng
hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và
Chính phủ nước Cộng hòa Ba Lan về hợp tác tài chính (sau đây gọi là Hiệp định hợp
tác tài chính) được ký ngày 28/11/2017 và có hiệu lực kể từ ngày ký. Theo quy định
tại Hiệp định hợp tác tài chính, thời hạn để ký kết các thỏa
thuận vay cụ thể được cam kết trong khuôn khổ Hiệp định hợp tác tài chính là
trong vòng 05 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực, tức là
trước ngày 28/11/2022.
Về vấn đề
này, Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam đã chuyển tiếp Thư ngày 01/12/2022 của Bộ Tài chính Ba Lan. Theo đó, phía Ba
Lan đề nghị thực hiện theo một trong hai phương án: (i) gia hạn thời hạn ký kết
nêu tại Hiệp định hợp tác tài chính hoặc (ii) chấm dứt hiệu lực của Hiệp định hợp
tác tài chính; việc ký Thỏa thuận vay cụ thể theo từng
cam kết tài trợ được thực hiện độc lập (bản sao Thư đính kèm).
Bộ Tài chính nhận thấy việc ký kết
các thỏa thuận vay cụ thể theo từng dự án cam kết tài trợ mà không yêu cầu việc ký kết Hiệp định khung hợp tác tài chính là phương án hợp
lý, thuận lợi và chủ động hơn cho các cơ quan phía Việt Nam trong quá trình triển
khai, thực hiện, không bị phụ thuộc vào thời hạn cụ thể mà theo tiến độ hoàn thành thủ tục trong nước của dự án.
Theo quy định tại Điều 8.3 của Hiệp định
hợp tác tài chính, Hiệp định này có thể chấm dứt thông qua trao đổi công hàm giữa hai Bên. Theo điểm c khoản 2 Điều 55 Luật Điều ước quốc tế 2016,
Chính phủ quyết định chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế mà
Chính phủ quyết định phê duyệt, gia nhập hoặc ký nhưng không phải phê chuẩn,
phê duyệt. Hiệp định hợp tác tài
chính đã ký với Chính phủ Ba Lan là điều ước quốc tế do Chính phủ phê duyệt ký
kết, không phải phê chuẩn nên được thực hiện theo Điều 55 của Luật
Điều ước quốc tế 2016.
Từ tình hình trên, Bộ Tài chính đã
dự thảo Tờ trình Chính phủ theo hướng kiến
nghị chấm dứt hiệu lực của Hiệp định hợp tác tài chính để thực
hiện theo phương thức ký Thỏa thuận vay cụ thể độc lập theo từng dự án cam kết
tài trợ.
Bộ Tài chính đề nghị Quý cơ quan có ý
kiến tham gia bằng văn bản đối với nội dung dự thảo Tờ
trình Chính phủ để Bộ Tài chính có cơ sở tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
Văn bản trả lời xin gửi Bộ Tài chính trước
ngày 31/01/2023. Bộ
Tài chính xin cảm ơn sự phối hợp của Quý cơ quan./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Vụ Pháp chế (để th/gia y/k);
- Lưu: VT, QLN (4b).
|
KT.
BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Võ Thành Hưng
|
BỘ
TÀI CHÍNH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: /TTr-BTC
|
Hà
Nội, ngày tháng năm 2023
|
TỜ TRÌNH
VỀ VIỆC CHẤM DỨT HIỆU LỰC CỦA HIỆP ĐỊNH GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA BA LAN VỀ HỢP TÁC TÀI CHÍNH
Kính gửi:
Chính phủ.
Căn cứ Luật Điều ước quốc tế số
108/2016/QH13;
Căn cứ Luật Quản lý nợ công số
20/2017/QH14;
Căn cứ Thư ngày 01/12/2022 của Bộ Tài
chính Ba Lan;
Trên cơ sở tình hình triển khai và đề
xuất của phía Ba Lan, sau khi lấy ý kiến bằng văn bản của
các cơ quan liên quan (Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Quốc
phòng), Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép chấm dứt hiệu lực của Hiệp định
giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và
Chính phủ nước Cộng hòa Ba Lan về hợp tác tài chính (sau đây gọi là Hiệp định hợp
tác tài chính), cụ thể như sau:
1. Khái quát về
Hiệp định hợp tác tài chính:
- Hiệp định hợp tác tài chính là Hiệp
định khung ký kết ngày 28/11/2017 giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Ba Lan,
nhằm mục đích cung cấp khoản tín dụng có điều kiện ràng buộc với trị giá tối đa
250 triệu EUR của Chính phủ Ba Lan dành cho Chính phủ Việt Nam. Hiệp định khung
có hiệu lực từ ngày 28/11/2017. Hiệp định khung là điều ước quốc tế nhân danh
Chính phủ Việt Nam.
- Các khoản cho vay trong khuôn khổ
Hiệp định hợp tác tài chính có điều kiện ràng buộc như sau:
+ Các hợp đồng cung cấp hàng hóa và dịch
vụ để thực hiện các dự án được tài trợ trong khuôn khổ Hiệp
định hợp tác tài chính cần được ký kết bởi các doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại Cộng hòa Ba Lan và các nhà nhập
khẩu từ Việt Nam.
+ Giá trị hàng hóa và dịch vụ có xuất
xứ Ba Lan trong mỗi hợp đồng được tài trợ trong khuôn khổ
khoản tín dụng của Ba Lan không được thấp hơn 60% giá trị hợp đồng.
- Các khoản vay theo điều kiện ràng
buộc được cung cấp trong khuôn khổ Hiệp định hợp tác tài chính này được Chính
phủ Ba Lan cam kết mức độ ưu đãi đạt tối thiểu 35% theo quy định của OECD.
- Hiệp định hợp tác tài chính quy định
các thỏa thuận vay cụ thể cần được ký kết trong vòng 05 năm kể từ ngày Hiệp định khung có hiệu lực, tức là trước ngày 28/11/2022.
2. Tình hình triển
khai thực hiện Hiệp định hợp tác tài chính:
- Đến nay, trong
khuôn khổ Hiệp định hợp tác tài chính đã ký mới chỉ có 01 dự án là Dự án “Đóng mới 06 tàu tìm kiếm cứu nạn xa bờ (SAR)” của Bộ Quốc phòng đã được
phía Ba Lan chấp thuận tài trợ với trị giá 172,4 triệu EUR. Dự án mới hoàn thiện thủ tục phê duyệt đầu tư vào tháng 12/2022 và đến nay,
Bộ Quốc phòng đã có công văn đề nghị đàm phán Thỏa thuận
vay cụ thể cho Dự án.
- Số vốn cam kết còn lại trị giá 77,6
triệu EUR chưa được cam kết sử dụng cho dự án nào khác.
- Từ năm 2017 đến nay chưa có thỏa thuận
vay cụ thể nào được ký kết. Vì vậy, toàn bộ số vốn đã cam kết tại Hiệp định hợp
tác tài chính chưa được giải ngân đưa vào sử dụng.
3. Mục đích và
yêu cầu chấm dứt hiệu lực Hiệp định hợp tác tài chính:
- Theo quy định tại Điều 1.2 của Hiệp
định hợp tác tài chính, thời hạn ký kết các thỏa thuận vay
cụ thể là trong vòng 05 năm kể ngày Hiệp định có hiệu lực,
có nghĩa là các thỏa thuận vay của các dự án sử dụng vốn vay Ba Lan trong khuôn
khổ Hiệp định hợp tác tài chính này sẽ phải được ký kết trước ngày 28/11/2022.
- Theo ý kiến của
Bộ Tài chính Ba Lan nêu tại thư ngày 01/12/2022, mặc dù thời hạn ký kết Thỏa
thuận vay cụ thể đã hết hạn vào ngày 28/11/2022, các cam kết
tài trợ của Chính phủ Ba Lan theo Hiệp định hợp tác tài chính vẫn có hiệu lực
thực hiện. Do vậy, để các dự án có thể triển khai, Bộ Tài
chính Ba Lan đề nghị có thể thực hiện theo một trong 02 phương án sau: (i) gia
hạn thời hạn ký kết nêu tại Hiệp định hợp tác tài chính hoặc (ii) chấm dứt hiệu
lực của Hiệp định hợp tác tài chính; việc ký Thỏa thuận vay cụ thể theo từng
cam kết tài trợ được thực hiện độc lập.
Bộ Tài chính nhận thấy việc ký kết
các thỏa thuận vay cụ thể theo từng dự án cam kết tài trợ mà không yêu cầu việc
ký kết Hiệp định khung là phương án hợp lý, thuận lợi và chủ động hơn cho các
cơ quan phía Việt Nam trong quá trình triển khai, thực hiện, không bị phụ thuộc
vào thời hạn cụ thể mà theo tiến độ hoàn thành thủ tục
trong nước của dự án. Vì vậy, có thể lựa chọn phương án chấm dứt hiệu lực của
Hiệp định hợp tác tài chính để chuyển sang hình thức ký trực tiếp Thỏa thuận vay
với phía Ba Lan.
4. Về cơ sở pháp
lý và hậu quả pháp lý của việc chấm dứt hiệu lực Hiệp định hợp tác tài chính
a. Cơ sở pháp lý
- Theo quy định
tại Điều 8.3 của Hiệp định hợp tác tài chính, Hiệp định này có thể chấm dứt
thông qua trao đổi công hàm giữa hai Bên. Hiệp định sẽ
chấm dứt vào ngày thứ 60 sau khi Bên ký kết kia nhận được công
hàm thông báo về việc chấm dứt. Việc chấm dứt Hiệp định này không ảnh hưởng tới
các thỏa thuận cụ thể được ký kết trên cơ sở Hiệp định khung.
- Theo điểm c
khoản 2 Điều 55 Luật Điều ước quốc tế 2016, Chính phủ quyết định
chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế mà Chính phủ quyết định phê duyệt, gia nhập
hoặc ký nhưng không phải phê chuẩn, phê duyệt. Hiệp định hợp
tác tài chính đã ký với Chính phủ Ba Lan là điều ước quốc tế do Chính phủ phê
duyệt ký kết, không phải phê chuẩn nên được thực hiện theo
Điều 55 của Luật Điều ước quốc tế 2016.
b. Hậu quả pháp
lý
- Việc chấm dứt hiệu lực của Hiệp định
hợp tác tài chính nhằm tạo điều kiện cho hai bên có thể tiến tới đàm phán, ký kết
trực tiếp các Thỏa thuận vay cụ thể, không phụ thuộc vào
quy định của Hiệp định khung.
- Việc chấm dứt hiệu lực của Hiệp định
hợp tác tài chính không tạo thêm nghĩa vụ nào cho phía Việt Nam.
- Việc chấm dứt hiệu lực của Hiệp định
khung không ảnh hưởng tới cam kết của Chính phủ Ba Lan cam kết tài trợ cho các
dự án. Phía Ba Lan đã thống nhất hai bên sẽ ký kết Thỏa
thuận vay cụ thể cho Dự án đóng tàu của
Bộ Quốc phòng một cách độc lập và tiếp tục khẳng định mong
muốn thực hiện thành công Dự án này.
5. Ý kiến của
phía Ba Lan đối với việc chấm dứt hiệu lực Hiệp định hợp tác tài chính:
Như đã báo cáo tại
mục 3 Tờ trình này, tại thư ngày 01/12/2022, Bộ Tài chính Ba Lan đã chấp thuận phương án chấm dứt hiệu lực của Hiệp định hợp tác tài chính để
thực hiện theo phương thức ký Thỏa thuận vay cụ thể độc lập theo từng dự án cam kết tài trợ.
6. Hình thức chấm
dứt hiệu lực Hiệp định hợp tác tài chính:
Theo Điều 7 và Điều 8.3 của Hiệp định
hợp tác tài chính, việc chấm dứt hiệu lực của Hiệp định hợp tác tài chính được thực hiện thông qua việc trao đổi công hàm bằng tiếng Anh, không phải ký kết điều ước quốc tế mới. Trong trường hợp này, Hiệp định hợp tác tài chính sẽ
chấm dứt vào ngày thứ 60 sau khi Bên ký kết kia nhận được
công hàm thông báo về việc chấm dứt.
7. Ý kiến của các
cơ quan liên quan và giải trình của Bộ Tài chính:
a. Các nội dung đã
thực hiện
Do theo quy định của Hiệp định hợp
tác tài chính, thời hạn để ký kết các thỏa thuận vay cụ thể là trước ngày
28/11/2022 nên tháng 3/2022, Bộ Tài chính đã chủ động trao đổi với phía Ba Lan về khả năng gia hạn hoặc chấm dứt
hiệu lực của Hiệp định hợp tác tài chính. Sau nhiều lần đề
nghị, đến ngày 01/12/2022, phía Ba Lan đã có Thư đồng ý
phương án chấm dứt hiệu lực của Hiệp định hợp tác tài
chính để thực hiện theo phương thức ký kết Thỏa thuận vay
cụ thể một cách độc lập. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã
xin ý kiến các cơ quan (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc
phòng).
b. Ý kiến của các cơ quan về việc chấm dứt hiệu lực Hiệp định hợp tác tài chính:
Bổ sung sau khi có ý kiến của các
cơ quan
8. Kiến nghị của
Bộ Tài chính
Từ tình hình trên, Bộ Tài chính xin
kiến nghị Chính phủ:
- Phê duyệt việc chấm dứt hiệu lực của
Hiệp định hợp tác tài chính ký ngày 28/11/2017 giữa Chính
phủ Việt Nam và Chính phủ Ba Lan;
- Giao Bộ Tài chính thực hiện thủ tục
đối ngoại với phía Ba Lan về việc chấm dứt hiệu lực của Hiệp định hợp tác tài chính.
- Giao Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng
Chính phủ về chủ trương đàm phán các thỏa thuận vay cụ thể cho các dự án được
phía Ba Lan cam kết tài trợ và tổ chức đàm phán theo quy định.
Bộ Tài chính kính trình Chính phủ xem
xét, quyết định./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Bộ trưởng (để b/c);
- VPCP;
- Các Bộ: TP; NG; KHĐT; QP;
- Lưu: VT, QLN (6b).
|
KT.
BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Võ Thành Hưng
|