BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU
TƯ
********
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số: 236/BKH/TH
V/v triển khai thực hiện chỉ thị số
29/2003/ct-ttg ngày 23/12/2003 của thủ tướng chính phủ về chấn chỉnh quản lý
đầu tư và xây dựng bằng nguồn vốn nhà nước
|
Hà Nội, ngày 12
tháng 1 năm 2004
|
CÔNG VĂN
CỦA BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ SỐ 236 BKH/TH NGÀY 12 THÁNG 1 NĂM
2004 VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 29/2003/CT-TTG NGÀY 23/12/2003 CỦA
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ CHẤN CHỈNH QUẢN LÝ ĐẦU TƯ VÀ XÂY DỰNG BẰNG NGUỒN VỐN NHÀ
NƯỚC
Kính gửi:
|
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
cơ quan thuộc Chính phủ;
- Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương;
- Các Tổng công ty 91;
|
Ngày 23 tháng 12 năm 2003, Thủ
tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 29/2003/CT-TTg về chấn chỉnh quản lý đầu tư và
xây dựng bằng nguồn vốn nhà nước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các Bộ ngành,
các tỉnh, thành phố, các Tổng công ty 91 triển khai thực hiện ngay nội dung Chỉ
thị của Thủ tướng Chính phủ, trong đó cần tập trung thực hiện một số vấn đề cụ
thể sau:
1. Về rà soát lại
thủ tục đầu tư, cơ cấu và mục tiêu kế hoạch vốn đầu tư năm 2004
Các Bộ ngành và các tỉnh, thành
phố cần khẩn trương phân bổ vốn đầu tư cho các dự án cụ thể giao cho các đơn vị
cơ sở thực hiện.
(1) Các dự án được ghi vốn đầu
tư trong kế hoạch năm 2004 phải tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành về quản
lý đầu tư và xây dựng theo các Nghị định số 52/1999/NĐ-CP; số 12/2000/NĐ-CP; số
07/2003/NĐ-CP về quản lý đầu tư xây dựng; Nghị định số 88/1999/NĐ-CP; số
14/2000/NĐ-CP; số 66/2003/NĐ-CP về Quy chế đấu thầu và các văn bản pháp quy
liên quan theo các yêu cầu cụ thể sau:
- Đối với các dự án chuyển tiếp:
Cắt giảm hoặc loại bỏ các công
trình, dự án không phù hợp với quy hoạch phát triển được duyệt, các công trình,
dự án không cấp thiết của ngành, các địa phương, của thị trường.
Chưa bố trí và giao vốn cho các
dự án chuyển tiếp nhưng chưa đủ thủ tục về đầu tư và xây dựng theo quy định; các
dự án chưa xác định rõ hiệu quả. Không triển khai đối với các dự án đã có quyết
định đầu tư, nhưng vẫn chưa đầy đủ thủ tục về đầu tư và xây dựng hoặc không có
khả năng cân đối vốn theo tiến độ được duyệt.
- Đối với dự án khởi công mới:
Phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch
được duyệt; có quyết định đầu tư trước thời điểm 31 tháng 10 năm trước; có thiết
kế kỹ thuật, tổng dự toán được duyệt theo đúng quy định của Quy chế quản lý đầu
tư và xây dựng.
Đối với dự án nhóm A, nếu chưa
có thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán được duyệt, phải có thiết kế kỹ thuật và dự
toán hạng mục khởi công được người có thẩm quyền phê duyệt và có hợp đồng giao
nhận thầu hợp pháp. Chậm nhất sau khi thực hiện được 30% tổng mức đầu tư, phải
có thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán được người có thẩm quyền phê duyệt.
(2) Bố trí vốn đầu tư tập trung,
có trọng điểm, phù hợp với khả năng cân đối vốn năm 2004 và những năm tiếp
theo. Đối với các Bộ ngành, các địa phương còn tồn nợ vốn đầu tư xây dựng cơ bản,
khi phân bổ dự toán vốn đầu tư năm 2004, phải dành một phần vốn được giao để
thanh toán số nợ vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn ngân sách nhà nước từ
năm 2003 trở về trước.
Khi phân bổ vốn đầu tư, các địa
phương phải đảm bảo cơ cấu đầu tư hợp lý giữa các cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội;
riêng hai lĩnh vực giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ, phải đảm bảo bố trí
mức vốn tối thiểu được giao tại Quyết định số 242/2003/QĐ-TTg ngày 17 tháng 11
năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ.
(3) Bố trí đủ vốn đối ứng cho
các dự án ODA theo tiến độ thực hiện và theo Hiệp định đã ký kết với nước
ngoài. Sau khi bố trí đủ vốn thực hiện những nhiệm vụ nêu trên mới bố trí vốn
cho những dự án khởi công mới.
(4) Bố trí vốn đầu tư yêu cầu phải
đảm bảo các dự án được phê duyệt đầu tư có thể hoàn thành đúng thời hạn quy định
(các dự án nhóm C phải được cân đối vốn đầu tư để đảm bảo thời gian thực hiện từ
khi khởi công đến khi hoàn thành không quá 2 năm; các dự án nhóm B tối đa là 04
năm).
Vốn hỗ trợ có mục tiêu của ngân
sách Trung ương phải bố trí đúng theo các mục tiêu hỗ trợ ghi trong kế hoạch.
Các tỉnh, thành phố được quyền điều chỉnh mức vốn giữa các nhiệm vụ trong mục
tiêu được hỗ trợ, nhưng không được điều chuyển vốn của mục tiêu này cho mục
tiêu khác. Ngân sách Trung ương chỉ hỗ trợ một phần vốn cho các dự án, các tỉnh,
thành phố có trách nhiệm bố trí thêm vốn đầu tư từ nguồn ngân sách địa phương
nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng sớm đưa công trình vào sử dụng.
2. Chỉ đạo thực
hiện kế hoạch đầu tư năm 2004
- Các Bộ, các tỉnh, thành phố chỉ
đạo và giám sát việc thực hiện khối lượng vốn đầu tư không vượt mức vốn giao kế
hoạch năm 2004. Từ năm 2004, ngân sách Trung ương không dành vốn để thành toán
nợ vốn xây dựng cơ bản vượt kế hoạch.
- Các chủ đầu tư phối hợp chặt
chẽ với chính quyền các địa phương có công trình xây dựng để triển khai công
tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư ngay từ tháng đầu năm 2004, bảo đảm
tiến độ thi công, tránh tình trạng "vốn chờ công trình".
- Các cơ quan quản lý Chương
trình mục tiêu quốc gia tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ, đôn đốc, kiểm tra, giám
sát tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia của các Bộ và các tỉnh.
Các Bộ ngành, các tỉnh, thành phố
chịu trách nhiệm về việc sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả vốn đầu tư của các
dự án được giao, không để thất thoát, lãng phí.
Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có
trách nhiệm tổ chức lồng ghép và phối hợp các nguồn lực để thực hiện các mục
tiêu nhiệm vụ của các chương trình mục tiêu quốc gia. Căn cứ đặc điểm, tính chất
và nội dung hoạt động của từng chương trình, đặc điểm cụ thể của địa phương, Uỷ
ban nhân dân cấp tỉnh, tổ chức lồng ghép các mục tiêu và nguồn vốn của các
chương trình, dự án do địa phương quản lý ngay từ khâu phân bổ nguồn vốn để
tránh trùng lắp, giảm bớt đầu mối và tập trung nguồn lực cho mục tiêu cần ưu
tiên.
Tổ chức kiểm tra, giám sát việc
thực hiện các chương trình tại cơ sở. Kịp thời uốn nắn các hiện trượng mất dân
chủ, không công khai trong việc thực hiện chương trình và xử lý nghiêm các trường
hợp để thất thoát kinh phí do thiếu trách nhiệm hoặc tham nhũng.
3. Công khai
hoá hoạt động đầu tư
Thực hiện công khai, minh bạch
trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Tăng cường thanh
tra, kiểm tra chặt chẽ theo quy định, chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực
trong hoạt động đầu tư. Người ký trình dự án phải chịu trách nhiệm về các thông
tin, số liệu nêu trong hồ sơ dự án. Người có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm
khi ra quyết định đầu tư.
Cơ cấu đầu tư và các dự án đầu
tư quan trọng hoặc có tổng mức đầu tư lớn thuộc thẩm quyền quyết định của chính
quyền địa phương phải được Uỷ ban nhân dân trình ra Hội đồng nhân dân thảo luận,
quyết định và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.
Chủ các chương trình, dự án đầu
tư phải công bố công khai nội dung quyết định đầu tư, chương trình kế hoạch đầu
tư (tên dự án, quy mô xây dựng, phạm vi chiếm đất, vốn đầu tư, nguồn vốn, chủ đầu
tư, tiến độ thực hiện...) tại địa điểm thực hiện dự án đầu tư và tại trụ sở Hội
đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân địa phương nơi có dự án để nhân dân biết, tham
gia giám sát, kiểm tra.
4. Giám sát và
đánh giá đầu tư
Các Bộ ngành, các tỉnh, thành phố
phải thực hiện nghiêm túc công tác giám sát, đánh giá đầu tư trong phạm vi
ngành, lĩnh vực và địa bàn do mình quản lý theo quy định tại Nghị định số
07/2003/NĐ-CP và Thông tư số 03/TT-BKH ngày 19 tháng 5 năm 2003 của Bộ Kế hoạch
và Đầu tư.
Năm 2004, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện chức năng được giao về giám sát và
đánh giá đầu tư, tổ chức kiểm tra thường xuyên, phát hiện những thiếu sót và
sai phạm; yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp xử lý hoặc kiến nghị
Thủ tướng Chính phủ có biện pháp xử lý kịp thời.
5. Công tác
thanh tra ngành
Các tỉnh, thành phố khẩn trương
thành lập Thanh tra Sở tại Sở Kế hoạch và Đầu tư theo Pháp lệnh Thanh tra ban
hành năm 1990. Các Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động đề xuất Uỷ ban nhân dân tỉnh,
thành phố về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức phù hợp với điều kiện của từng
địa phương. Triển khai thực hiện kế hoạch số 05-KH/TW ngày 10 tháng 9 năm 2003
của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về kiểm tra thực hiện kết luận của Bộ Chính
trị về đầu tư xây dựng và quản lý sử dụng đất đai.
Các Bộ ngành, địa phương chủ động
phát hiện và phản ánh kịp thời những vấn đề có liên quan đến lĩnh vực kế hoạch
và đầu tư cần được thanh tra, kiểm tra.
6. Về báo cáo kế
hoạch
Các Bộ ngành, địa phương thực hiện
nghiêm quy định báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư hàng quý, 6 tháng,
cả năm về các mặt: huy động các nguồn vốn, khối lượng xây dựng, chất lượng và sự
cố công trình (nếu có), cấp phát, thanh toán, dự án hoàn thành, năng lực tăng
thêm. Đối với các dự án nhóm A và các dự án quan trọng quốc gia, Chủ đầu tư phải
báo cáo riêng về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư chậm nhất vào ngày 20 hàng
tháng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Chính phủ và kiến nghị các
biện pháp tổ chức thực hiện theo đúng tiến độ. Đề nghị các Bộ ngành và các địa
phương báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch vốn đầu tư (như mẫu biểu kèm theo).
Đề nghị các Bộ ngành, các tỉnh,
thành phố khẩn trương triển khai thực hiện.