Kính gửi: Thủ
tướng Chính phủ
Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 2741/VPCP-QHQT
ngày 21/4/2023, số 3822/VPCP-QHQT ngày 27/5/2023 và số 6653/VPCP-QHQT ngày
28/8/2023 thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang về
việc tháo gỡ khó khăn đối với việc sử dụng ngân sách địa phương để viện trợ cho
Lào, Campuchia: “Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ Ngoại giao, Bộ Tư
pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan rà soát quy định pháp luật
hiện hành, đề xuất phương án phù hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc sử
dụng ngân sách địa phương để viện trợ cho địa phương các nước Bạn (Lào,
Campuchia...), báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 28 tháng 4 năm 2023 ”.
Về vấn đề này, sau khi tổng hợp ý kiến của các cơ quan[1]: Ban Đối ngoại
Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Kiểm toán Nhà
nước, Bộ Tài chính kính trình Thủ tướng Chính phủ:
1. Quy định pháp luật hiện hành:
Hiện nay, một số địa phương (Sơn La, Quảng Ninh, Hải
Dương, Bắc Ninh, Thừa - Thiên Huế,...) đã có các văn bản báo cáo Thủ tướng
Chính phủ và đề nghị các bộ, cơ quan trung ương chấp thuận việc cho phép sử dụng
ngân sách địa phương để viện trợ cho địa phương các nước Bạn (Lào, Campuchia).
Điều 36 Luật Ngân sách nhà nước
quy định nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương, ngân sách trung ương có nhiệm vụ
chi viện trợ. Theo quy định tại Điều 38 Luật Ngân sách nhà nước
về nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương, ngân sách địa phương không có nhiệm vụ
chi viện trợ.
Điều 9 Luật Ngân sách nhà nước
quy định nguyên tắc phân cấp quản lý nguồn thu, nhiệm vụ chi và quan hệ giữa
các cấp ngân sách; theo đó, khoản 4 quy định: “Nhiệm vụ
chi thuộc ngân sách cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm”; khoản
9 quy định: “Không được dùng ngân sách của cấp này để chi cho nhiệm vụ của
cấp khác và không được dùng ngân sách của địa phương này để chi cho nhiệm vụ của
địa phương khác, trừ các trường hợp sau: a) Ngân sách cấp dưới hỗ trợ cho các
đơn vị thuộc cấp trên quản lý đóng trên địa bàn trong trường hợp cần khẩn
trương huy động lực lượng cấp trên khi xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh và
các trường hợp cấp thiết khác để bảo đảm ổn định tình hình kinh tế - xã hội, an
ninh và trật tự, an toàn xã hội của địa phương; b) Các đơn vị cấp trên quản lý
đóng trên địa bàn khi thực hiện chức năng của mình, kết hợp thực hiện một số
nhiệm vụ theo yêu cầu của cấp dưới; c) Sử dụng dự phòng ngân sách địa phương để
hỗ trợ các địa phương khác khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa nghiêm trọng”.
Như vậy, việc các địa phương đề xuất được sử dụng
ngân sách địa phương để viện trợ cho địa phương các nước Bạn (Lào, Campuchia)
là chưa phù hợp với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
2. Thực tế triển khai thực hiện:
a) Đối với việc sử dụng ngân sách địa phương để viện
trợ cho Lào:
Khoản 4 Điều 4 Thỏa thuận ngày 12/12/2011 giữa
Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam và Chính phủ nước Cộng
hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Lào về quy chế tài chính và quản lý sử dụng vốn
viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Việt Nam dành cho Chính phủ Lào đã nêu: “Đối
với các khoản viện trợ hoặc các dự án, chương trình hợp tác giữa các Bộ, ngành
và địa phương của hai Bên nhưng không thuộc nội dung ghi trong Hiệp định hợp
tác giữa hai Chính phủ đã ký kết, không do hai Chính phủ chỉ đạo thì các Bộ,
ngành và địa phương hai Bên chủ động tự cân đối bố trí vốn trong ngân sách của
Bộ, ngành, địa phương theo khả năng”.
Tại Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác Việt Nam - Lào
năm 2019 ngày 06/01/2019 hai Chính phủ đã thống nhất khuyến khích các Bộ,
ngành, tổ chức, địa phương và các doanh nghiệp hai Bên giúp đỡ lẫn nhau trên
các lĩnh vực mà hai Bên có thế mạnh; phía Việt Nam tiếp tục dành sự hỗ trợ tối
đa trong khả năng của mình cho các Bộ, ngành, tổ chức, địa phương của Lào.
Vì vậy, trên cơ sở các Thỏa thuận nêu trên, để tăng
cường quan hệ đối ngoại, hợp tác với nước CHDCND Lào, thời gian vừa qua một số
địa phương (Thái Nguyên, Thái Bình, Bắc Ninh...) đã được Thủ tướng Chính phủ đồng
ý cho phép bố trí từ nguồn ngân sách địa phương chi hỗ trợ các tỉnh nước Lào để
xây dựng các công trình trường học, bệnh viện,...[2]. Kinh phí hỗ trợ
được tổng hợp quyết toán chi ngân sách địa phương theo quy định của Luật ngân
sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.
Tuy nhiên, Thỏa thuận năm 2011 nêu trên đã được
thay thế bằng Thỏa thuận về quy chế tài chính và quản lý sử dụng vốn viện trợ
không hoàn lại của Chính phủ Việt Nam dành cho Chính phủ Lào ký ngày
06/12/2020. Thỏa thuận ký năm 2020 đã bỏ khoản 4, Điều 4 nêu trên; vì vậy,
không có cơ sở để các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ tăng cường
quan hệ đối ngoại, hợp tác với nước CHDCND Lào.
b) Đối với việc sử dụng ngân sách địa phương để viện
trợ cho Campuchia:
Gần đây các địa phương rất hiếm khi triển khai viện
trợ cho các địa phương Vương quốc Campuchia từ nguồn ngân sách địa phương.
3. Về đề xuất phương án:
Điểm i khoản 11 Điểm 2 Nghị định số
14/2023/NĐ-CP ngày 20/4/2023 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn và cơ cấu của Bộ Tài chính: “Thống nhất quản lý tài chính nhà nước
đối với các nguồn viện trợ nước ngoài cho Việt Nam và cho vay, viện trợ của Việt
Nam cho nước ngoài; thực hiện quản lý tài chính nhà nước đối với các nguồn viện
trợ nước ngoài theo quy định của Chính phủ”. Do đây là vướng mắc về việc sử
dụng ngân sách địa phương để viện trợ, thuộc lĩnh vực quản lý tài chính, nguồn
vốn. Vì vậy, căn cứ quy định trên, Bộ Tài chính có chức năng, nhiệm vụ quản lý
nhà nước về nội dung này.
Từ tình hình trên, căn cứ các quy định của pháp luật
hiện hành, Bộ Tài chính kính trình Thủ tướng Chính phủ các phương án tháo gỡ
khó khăn, vướng mắc trong việc sử dụng ngân sách địa phương để viện trợ cho các
nước Bạn như sau:
a) Giải pháp lâu dài: Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ
giao cho các bộ, ngành, cơ quan liên quan tổng hợp khó khăn, vướng mắc của các
địa phương trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu
tư công, các Thỏa thuận giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ các nước
Bạn về quy chế tài chính và quản lý sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại của
Chính phủ Việt Nam dành cho Chính phủ nước Bạn và các văn bản quy phạm pháp luật,
các điều ước quốc tế liên quan.
b) Giải pháp để có thể triển khai thực hiện ngay
trong thời gian tới:
Điểm b khoản 2 Điều 15 Luật ban hành
văn bản quy phạm pháp luật (hợp nhất) quy định Quốc hội ban hành nghị quyết
để quy định: “Thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định
của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện
hành”.
Do việc sử dụng ngân sách địa phương để viện trợ
cho địa phương các nước Bạn là chưa phù hợp với quy định tại Luật Ngân sách nhà
nước và các văn bản hướng dẫn Luật. Việc ban hành thí điểm một số chính sách mới
khác với quy định của luật hiện hành thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Vì vậy, Bộ
Tài chính kính trình Thủ tướng Chính phủ:
Phương án 1: Trường hợp các địa phương hỗ trợ các
nước Bạn từ ngân sách địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chính phủ
trình Quốc hội cho phép các địa phương: (i) chuyển phần ngân sách địa phương hỗ
trợ vào ngân sách trung ương để bố trí cân đối viện trợ chung hoặc theo chương
trình viện trợ chung của Chính phủ, (ii) hoặc cho phép các địa phương sử dụng
ngân sách địa phương trực tiếp hỗ trợ cho các địa phương của nước Bạn. Giao Bộ Tài
chính xây dựng hồ sơ đề xuất xây dựng nghị quyết của Quốc hội.
Phương án 2: Chưa cho phép các địa phương sử dụng
ngân sách địa phương để viện trợ các nước Bạn cho đến khi sửa đổi Luật Ngân
sách nhà nước.
4. Tổng hợp ý kiến tham gia của
các bộ, ngành:
a) Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
đề xuất chọn phương án 1 để trước mắt tạo điều kiện cho các địa phương có cơ sở
pháp lý sử dụng ngân sách địa phương để viện trợ các nước Bạn. Về lâu dài, đề
nghị Bộ Tài chính sớm nghiên cứu đề xuất cấp thẩm quyền xem xét sửa đổi Luật
Ngân sách nhà nước.
b) Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Tài chính đề xuất giải
pháp ngắn hạn trước mắt, trong đó làm rõ các giải pháp Bộ Tài chính đề xuất tại
dự thảo văn bản có thể được coi là giải pháp ngắn hạn không và thuyết minh rõ hơn
về sự phù hợp với pháp luật, tính khả thi của các phương án.
c) Kiểm toán Nhà nước đề xuất: Nếu từ nay đến năm
2025 có kế hoạch sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách nhà nước thì thực hiện theo
phương án 2. Trong trường hợp chưa có kế hoạch sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước
thì sẽ áp dụng theo Phương án 1, đồng thời Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ có Kế
hoạch sửa Luật Ngân sách nhà nước trong thời gian thích hợp.
d) Bộ Ngoại giao không lựa chọn phương án.
5. Ý kiến của Bộ Tài chính:
Tổng hợp ý kiến tham gia của các bộ, cơ quan, để
các địa phương có cơ sở thực hiện nhiệm vụ tăng cường quan hệ đối ngoại, hợp
tác với các nước Bạn, Bộ Tài chính kính trình Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài
chính xây dựng hồ sơ đề xuất xây dựng nghị quyết của Quốc hội để trình Chính phủ
trình Quốc hội cho phép các địa phương chuyên phân ngân sách địa phương hỗ trợ
vào ngân sách trung ương để bố trí cân đối viện trợ chung hoặc theo chương
trình viện trợ chung của Chính phủ hoặc cho phép các địa phương sử dụng ngân
sách địa phương trực tiếp hỗ trợ cho các địa phương của nước Bạn.
Kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Phó TTgCP Trần Lưu Quang (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ (để p/h);
- Bộ trưởng (để b/c);
- Ban Đối ngoại Trung ương;
- KTNN;
- Các Bộ: NG, P, KH&ĐT;
- Lưu: VT, NSNN (9b).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Võ Thành Hưng
|
[1] Văn bản số 8125-CV/BĐNTW ngày 28/6/2023 của
Ban Đối ngoại Trung ương, Văn bản số 2675/BTP-PTQT ngày 28/6/2023 của Bộ Tư
pháp, Văn bản số 3242/BNG-ĐNA ngày 10/7/2023 của Bộ Ngoại giao, Văn bản số
5553/BKHĐT-KTĐN ngày 14/7/2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn bản số
657/KTNN-CN11 ngày 29/6/2023 của Kiểm toán Nhà nước.
[2] Văn phòng Chính phủ có Văn bản số
4891/VPCP-QHQT ngày 05/6/2019 về việc Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ tỉnh
Luông-pra-băng, Lào; Văn bản số 5695/VPCP-QHQT ngày 13/7/2020 về việc Ủy ban
nhân dân tỉnh Thái Bình hỗ trợ tỉnh Xay-nha-bu-ly, Lào; Văn bản số
8843/VPCP-QHQT ngày 30/9/2019 về việc Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh hỗ trợ tỉnh
Hủa Phăn, Lào.