BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG
THÔN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------
|
Số: 936/BNN-HTQT
V/v: báo cáo hợp
tác với Ba Lan, Bun-ga-ri và Xéc-bi
|
Hà Nội, ngày 08 tháng 04 năm 2011
|
Kính gửi: Bộ Ngoại giao
Phúc đáp công văn số 907/BNG-CÂu
ngày 29 tháng 3 năm 2011 của Quý Bộ về việc chuẩn bị cho Phó Thủ tướng, Bộ
trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm thăm các nước Ba Lan, Bun-ga-ri và Xéc-bi, Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin có ý kiến như sau:
1. Hợp tác với Ba Lan:
1.1. Tình hình hợp tác:
- Hai Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn Việt Nam và Ba Lan đã ký “Thỏa thuận về hợp tác trong lĩnh vực nông
nghiệp, phát triển nông thôn và thị trường nông sản” vào tháng 1 năm 2005.
- Tháng 9/2009, đoàn Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn và một số doanh nghiệp Việt Nam do một Thứ trưởng dẫn
đầu đã sang tham dự Hội chợ quốc tế về Thực phẩm và Đồ uống tại thành phố
Poznan, Ba Lan. Nhân dịp này, Lãnh đạo hai Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn đã ký Biên bản ghi nhớ nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực
nông nghiệp. Cũng trong chuyến thăm này, đoàn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn đã làm việc với Bộ trưởng Kinh tế Ba Lan để thảo luận về các lĩnh vực có
khả năng hợp tác trong đó có đề xuất phía Ba Lan cung cấp nguồn vay tín dụng ưu
đãi để đóng góp một con tàu nghiên cứu nguồn lợi hải sản. Bộ trưởng kinh tế Ba
Lan hoàn toàn ủng hộ đề xuất của phía Việt Nam và nhấn mạnh Ba Lan là nước có
thế mạnh về ngành đóng tàu.
- Tháng 12/2009, Bộ trưởng Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn Ba Lan đã sang thăm và làm việc tại Việt Nam,
trong chuyến thăm hai Bộ trưởng đã trao đổi về các lĩnh vực cụ thể cần thúc đẩy
hợp tác trong thời gian tới.
- Với những nội dung đã được hai bên
thống nhất tại các chuyến thăm của các đoàn Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp hai nước.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã có văn bản trình Thủ tướng
Chính phủ xin phép được sử dụng nguồn vốn vay tín dụng của Ba Lan cho dự án
đóng tàu nghiên cứu hải sản. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành liên
quan của Việt Nam xem xét về khả năng vay nguồn vốn tín dụng này cho dự án. Bộ
Tài chính cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã gửi thư và đề
cương dự án cho Bộ Tài chính Ba Lan để xem xét. Các cơ quan liên quan hai nước
đã tích cực triển khai các bước cần thiết để xây dựng đề cương chi tiết dự án
và bản đề cương dự án này đã được gửi sang Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị xem
xét và trình Chính phủ.
- Sau khi nhận được văn bản và đề
cương chi tiết dự án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và
Đầu tư đã có buổi làm việc với các Bộ, ngành liên quan để trao đổi về khả năng
cung cấp vốn cho dự án tàu nghiên cứu hải sản. Tại cuộc họp, đại diện Văn phòng
Chính phủ và Bộ Tài chính cho biết trong dịp Tổng thống Ba Lan sang thăm Việt
Nam năm 2010 vừa qua, phía Ba Lan đã đề nghị phía Việt Nam cần nhanh chóng xây
dựng các dự án để sử dụng nguồn vốn vay tín dụng của Ba Lan đã cấp cho Việt Nam
từ năm 2005 với tổng số vốn là 260 triệu USD (hiện nay số vốn này do Bộ Quốc phòng
chủ trì), nếu Việt Nam giải ngân được số vốn này, Ba Lan sẽ tiếp tục cấp thêm
nguồn vốn tín dụng cho Việt Nam. Vì vậy để xin thêm nguồn vốn tín dụng mới cho
dự án tàu nghiên cứu hải sản nêu trên sẽ khó khăn.
- Tháng 10 năm 2010, Cục Thú y hai
nước đã ký “Biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực Thú y” là cơ sở cho việc
tăng cường hợp tác kỹ thuật và thúc đẩy xuất nhập khẩu các mặt hàng có thế mạnh
của hai nước.
1.2. Đề xuất hợp tác:
Để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế,
thương mại, khoa học công nghệ giữa 2 nước trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn kiến nghị:
Hợp tác khoa học, kỹ thuật và đào
tạo:
- Đề nghị Chính phủ Ba Lan xem xét
và sớm phê duyệt cơ chế tài chính cho dự án đóng con tàu nghiên cứu nguồn lợi
hải sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đề xuất.
- Hai bên tăng cường trao đổi các
đoàn cán bộ cấp quản lý nhà nước và các nhà khoa học sang mỗi nước để trao đổi
học tập kinh nghiệm cũng như tìm kiếm cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực nông,
lâm, thủy sản và thủy lợi.
- Đề nghị phía Ba Lan tiếp nhận các
cán bộ Việt Nam sang học tập, nghiên cứu các chương trình sau đại học tại Ba
Lan về các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghệ sau thu hoạch và chế
biến hàng nông sản, khai thác và đóng tàu cá, quản lý và phát triển nông thôn…
- Đề nghị cơ quan thẩm quyền Ba Lan
chịu trách nhiệm về kiểm soát chất lượng sản phẩm nông lâm thủy sản phối hợp
với Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản Việt Nam triển khai các
hoạt động hợp tác: trao đổi các đoàn công tác để học hỏi kinh nghiệm trong lĩnh
vực kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh sản phẩm nông lâm thủy sản; thanh tra
điều kiện an toàn vệ sinh của các doanh nghiệp chế biến hàng nông lâm thủy sản
xuất khẩu và giải quyết các vướng mắc cho các lô hàng nông lâm thủy sản xuất
khẩu khi có vấn đề xảy ra.
Hợp tác về thương mại, đầu tư:
- Hai bên tăng cường tổ chức các
diễn đàn doanh nghiệp và tổ chức các đoàn doanh nghiệp mỗi nước tham dự hội chợ
về các mặt hàng nông lâm, thủy sản tại mỗi nước. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp
hai nước sang tìm hiểu thị trường về đầu tư, xuất khẩu và tiến tới xây dựng các
xí nghiệp liên doanh tại mỗi nước để sản xuất, chế biến và cung cấp các mặt
hàng có thế mạnh của Việt Nam như cà phê, chè, hoa quả hộp cho thị trường Ba
Lan và các nước lân cận;
- Ba Lan phát triển trong lĩnh vực
sản xuất các máy móc phục vụ cho cơ giới hóa trong nông nghiệp. Đề nghị Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn Ba Lan phối hợp với Bộ NN & PTNT tạo điều
kiện cho các doanh nghiệp của Việt Nam sang học tập, trao đổi kinh nghiệm về
hợp tác trong sản xuất các loại máy, nông cụ. Đồng thời các doanh nghiệp Việt
Nam cùng với doanh nghiệp Ba Lan trao đổi các hợp đồng để mua bán các loại máy,
nông cụ phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.
2. Hợp tác với Bun-ga-ri:
2.1. Tình hình hợp tác:
Từ khi Bun-ga-ri thay đổi thể chế, quan hệ hợp tác
trong lĩnh vực nông
nghiệp giữa hai nước có nhiều hạn chế. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nông
sản của ta sang Bun-ga-ri rất nhỏ, chủ yếu thông qua nước thứ 3.
Về thương mại: các loại hàng hóa nông sản
và hoa quả nhiệt đới Việt Nam vẫn là mặt hàng được Bun-ga-ri ưa chuộng và là
một thế mạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Bun-ga-ri. Việt Nam có thể xuất khẩu
gạo, chè, cà phê, hạt tiêu, cao su, hoa quả… và nhập khẩu từ Bun-ga-ri lúa mì,
giống gà, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phân u rê, máy móc nông nghiệp.
Về hợp tác nghiên cứu: các Viện nghiên cứu
Bun-ga-ri có rất nhiều đề tài nghiên cứu về nông nghiệp (hoa, quả), lĩnh vực
nghiên cứu về công nghệ sinh học và an toàn vệ sinh thực phẩm có thể áp dụng
được ở Việt Nam. Các nhà khoa học Bun-ga-ri có trình độ chuyên môn cao, rất
nhiệt tình tham gia các đề tài hợp tác với Việt Nam, tuy nhiên do nguồn kinh
phí của bạn rất hạn chế nên việc thực hiện các đề tài có nhiều khó khăn.
Về hợp tác đào tạo: trong những năm qua, Bun-ga-ri đã
giúp đào tạo nhiều sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam.
2.2. Đề xuất hợp tác:
Để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế,
thương mại, khoa học công nghệ giữa 2 nước, cần tập trung vào các lĩnh vực sau:
- Đầu tư xây dựng các xí nghiệp liên
doanh tại Bun-ga-ri hoặc Việt Nam để sản xuất, chế biến và cung cấp cà phê,
chè, hoa quả hộp cho thị trường Bun-ga-ri và các nước lân cận.
- Xây dựng một cơ chế hợp tác linh
hoạt nhằm tận dụng chất xám từ các nhà khoa học Bun-ga-ri và các Viện Nghiên
cứu của bạn cho mục tiêu phát triển của Việt Nam trong đó có việc mời các nhà
khoa học Bun-ga-ri sang công tác, trao đổi nghiệp vụ tại Việt Nam sẽ đem lại
lợi ích rất lớn cho hai bên với nguồn kinh phí không quá lớn, vì vậy Nhà nước
nên có nguồn kinh phí hỗ trợ cho các đoàn bạn vào làm việc, hợp tác nghiên cứu
tại Việt Nam. Đề nghị phía Bun-ga-ri tạo điều kiện tiếp nhận các sinh viên Việt
Nam trong lĩnh vực công nghệ sinh học và chế biến thực phẩm về nông nghiệp, lâm
nghiệp và thủy sản sang nghiên cứu, học tập tại Bun-ga-ri trong thời gian tới.
- Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực
bảo vệ và quản lý rừng; chăn nuôi thú rừng; chế biến gỗ và xây dựng các khu du
lịch sinh thái kết hợp đi săn.
- Hiện nay các nước trên thế giới
đang quan tâm đến sự biến đổi khí hậu, Việt Nam là một trong 5 nước chịu ảnh
hưởng lớn nhất trên thế giới nên rất cần sự hợp tác và hỗ trợ của các nước về
lĩnh vực này. Bun-ga-ri đã và đang xây dựng hệ thống cảnh báo lũ lụt toàn quốc,
thiết lập đường dây nóng để người dân có thể liên lạc nhanh, trực tiếp với cơ
quan phòng chống bão lụt. Vì vậy đề nghị Bun-ga-ri tăng cường hợp tác và trao
đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực này với Việt Nam.
3. Hợp tác với Xéc-bi:
3.1. Tình hình hợp tác:
- Trong thời gian qua, Việt Nam và Xéc-bi
chưa có hợp tác cụ thể nào trong lĩnh vực nông nghiệp.
3.2. Đề xuất hợp tác:
- Tăng cường trao đổi các đoàn thuộc
cơ quan quản lý nhà nước và các Viện nghiên cứu về nông, lâm nghiệp của hai
nước.
- Tăng cường hợp tác về đào tạo, đề
nghị Xéc-bi tiếp nhận các sinh viên Việt Nam sang học tập và nghiên cứu về lĩnh
vực cơ giới hóa trong nông, lâm nghiệp.
- Thúc đẩy hợp tác thương mại hai
chiều để xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh của mỗi nước.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn đề nghị Quý Bộ tổng hợp./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu: VT, HTQT (tdl - 4).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Diệp Kỉnh Tần
|