Kính gửi:
|
- Các Vụ đơn vị thuộc, trực thuộc Tổng cục Thuế;
- Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
|
Tổng cục Thuế nhận được công văn số 207/CLTC-QLKH
ngày 17/4/2023 của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Viện CLTC) về việc
gửi tóm tắt kết quả nghiên cứu của 03 đề tài KHCN cấp cơ sở của Viện CLTC năm
2022 nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý của Tổng cục Thuế, cụ thể:
1. Đề tài Đổi mới cơ cấu thu
ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2030.
Đề tài đã đưa ra một số kiến nghị về đổi mới cơ cấu
thu ngân sách như: tăng dần tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN; Không đưa
các khoản thu có tính chất phát sinh một lần, biến động vào thu thường xuyên;
khai thác và nuôi dưỡng các khoản thu có tính ổn định và bền vững cao. Đồng thời
đưa ra một số phương án kiến nghị cải cách một số sắc thuế GTGT, thuế TNDN, thuế
TTĐB. Đối với thuế GTGT kiến nghị theo lộ trình: giai đoạn 2021-2025, giữ
nguyên các mức thuế suất thuế GTGT như quy định hiện hành, đồng thời thu hẹp dần
các nhóm hàng hóa và dịch vụ không chịu thuế chuyển sang đối tượng chịu thuế
GTGT; giai đoạn 2026-2028, thu gọn các mức thuế suất để đơn giản hóa chính sách
thuế GTGT; giai đoạn 2029-2030, nghiên cứu tăng thuế GTGT theo lộ trình và thực
hiện tăng thuế suất thuế GTGT sau năm 2030. Đối với thuế TNDN đề xuất áp dụng
thuế suất thuế TNDN thấp hơn trong khoảng 3%-5% so với mức thuế suất thuế TNDN
phổ thông đối với loại hình doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ và áp dụng có thời hạn
trong giai đoạn 05 năm. Đối với thuế TTĐB đề xuất tăng thuế suất thuế TTĐB đối
với thuốc lá.
2. Đề tài Hoàn thiện chính sách
thuế trong điều tiết thị trường bất động sản ở Việt Nam.
Đề tài nghiên cứu tổng quan đánh giá thực trạng thị
trường bất động sản và chính sách thuế trong điều tiết thị trường bất động sản
(BĐS), kinh nghiệm áp dụng thuế đối với BĐS và bài học cho Việt Nam. Trên cơ sở
kết quả nghiên cứu, đề tài đề xuất một số kiến nghị như: (i) hoàn thiện cơ sở
pháp lý về thuế đối với BĐS; (ii) mở rộng cơ sở thuế; (iii) áp dụng thuế suất
lũy tiến; (iv) điều chỉnh giá tính thuế trên cơ sở giá chuyển nhượng thực tế;
(v) xây dựng Cơ sở dữ liệu và ứng dụng công nghệ; (vi) một số kiến nghị về quản
lý thuế...
3. Đề tài Chính sách thu ngân
sách nhà nước đối với ô tô điện ở Việt Nam.
Đề tài đã đưa ra một số kiến nghị về chính sách thu
NSNN đối với ô tô điện như: (i) Khi thời hạn chương trình công nghiệp hỗ trợ kết
thúc (năm 2027), xem xét gia hạn thời hạn áp dụng cho doanh nghiệp sản xuất pin
ô tô điện nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ô tô tăng tỷ lệ nội địa hóa,
làm chủ được các công nghệ cốt lõi; (ii) Ưu đãi các khoản phí thu định kỳ trong
quá trình sử dụng ô tô điện; (iii) Nghiên cứu đánh thuế TTĐB đối với ô tô dựa
trên CO2, đánh thuế cao hơn đối với xe có phát thải cao nhằm thúc đẩy
ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển theo hướng thân thiện môi trường, đồng
thời tạo sự công bằng trong chính sách thuế và không ảnh hưởng đến nguồn thu
NSNN; (iv) Đưa ô tô điện vào quy định mua sắm công của Chính phủ; (v) Hồ sơ lắp
đặt các hệ thống sạc điện, ưu đãi tín dụng nhằm hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng
phục vụ cho ô tô điện như trạm sạc xe...
Để có thêm luận cứ khoa học, góp phần nâng cao chất
lượng tham mưu cho Tổng cục tham mưu cho Bộ về những vấn đề liên quan đến lĩnh
vực Thuế, Tổng cục Thuế gửi các Cục Thuế, Vụ/đơn vị tham khảo Bản tóm tắt kết
quả nghiên cứu của các đề tài KHCN nêu trên (Bản tóm tắt kèm theo).
Các đơn vị có nhu cầu tham khảo bản đầy đủ đề nghị
liên hệ: Ban Quản lý Khoa học và Hợp tác quốc tế, Viện CLTC (Điện thoại:
0945.580.999).
Tổng cục Thuế thông báo để các Cục Thuế, Vụ/đơn vị
được biết./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Phó TCTg Đặng Ngọc Minh (để b/c);
- Lưu: VT, CC(2b).
|
TL. TỔNG CỤC
TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG-PHÓ TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC
BAN CẢI CÁCH VÀ HIỆN ĐẠI HÓA
Nguyễn Quang Tiến
|
TÓM
TẮT
KẾT
QUẢ NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI KHCN CẤP VIỆN NĂM 2022
Tên đề tài: Đổi mới cơ cấu thu
ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2030
Đơn vị chủ trì: Ban Chính sách tài chính công,
Viện CLTC
1. Mục tiêu và nhiệm vụ
nghiên cứu:
- Mục tiêu nghiên cứu: đưa ra định hướng đổi mới cơ
cấu thu NSNN đến 2030 và khuyến nghị một số giải pháp để đổi mới cơ cấu thu
NSNN.
- Nhiệm vụ nghiên cứu:
+ Làm rõ lý luận về cơ cấu thu NSNN và đổi mới cơ cấu
thu NSNN.
+ Phân tích kinh nghiệm quốc tế về đổi mới cơ cấu
thu NSNN và bài học cho Việt Nam.
+ Phân tích, đánh giá thực trạng đổi mới cơ cấu thu
NSNN tại Việt Nam giai đoạn 2011-2020; chỉ ra kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế
và nguyên nhân.
+ Đề xuất định hướng đổi mới cơ cấu thu NSNN tại Việt
Nam đến 2030 và khuyến nghị một số giải pháp để thực hiện đổi mới cơ cấu thu
NSNN.
2. Kết quả nghiên cứu chắt lọc:
Nhìn chung các nghiên cứu về cơ cấu thu NSNN của Việt
Nam tương đối đa dạng và toàn diện. Tuy nhiên đổi mới cơ cấu thu NSNN luôn là vấn
đề được quan tâm và chưa bao giờ mất đi tính thời sự, do đó bên cạnh việc kế thừa
các nghiên cứu đi trước, ban chủ nhiệm đề tài tiếp tục thực hiện phân tích đánh
giá thực trạng đổi mới cơ cấu thu NSNN của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2020 để
phát hiện những vấn đề còn tồn tại trong cơ cấu thu, qua đó đưa ra định hướng
và giải pháp đổi mới cơ cấu thu cho Việt Nam đến 2030.
2.1. Về mặt lý luận:
Một là, cơ cấu thu NSNN đề cập đến tỷ
trọng của các khoản thu trong tổng thu NSNN. Đổi mới cơ cấu thu NSNN theo quan
điểm của ban chủ nhiệm đề tài là làm thay đổi một phần hoặc thay đổi hoàn toàn
để tạo nên sự khác biệt của một cơ cấu thu mới so với cơ cấu thu NSNN hiện tại
tuy nhiên phải đi kèm với mục tiêu đổi mới cơ cấu thu NSNN để khắc phục những hạn
chế của cơ cấu cũ và thiết lập cơ cấu mới theo hướng hợp lý, bền vững, công bằng
và hiệu quả hơn.
+ Tính hợp lý của cơ cấu thu NSNN: dựa nhiều hơn
vào các khoản thu xuất phát từ nội lực nền kinh tế (gắn với hoạt động SXKD,
tiêu dùng trong nước) và các khoản thu có tính chất thường xuyên, do đó tỷ trọng
của các khoản thu này trong tổng thu NSNN nên chiếm áp đảo so với các khoản thu
khác. Một số chỉ tiêu được sử dụng để đánh giá tính hợp lý của cơ cấu thu NSNN
là (i) tỷ trọng thu nội địa/tổng thu NSNN; (ii) tỷ trọng thu thường xuyên/tổng
thu NSNN; (iii) Tỷ trọng thu từ thuế/tổng thu NSNN...
+ Tính bền vững của cơ cấu thu NSNN: phụ thuộc rất
lớn vào tính hợp lý của cơ cấu thu NSNN. Nếu thu NSNN dựa nhiều vào nguồn thu từ
khai thác tài nguyên sẽ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên; nếu thu NSNN dựa nhiều
vào nguồn thu từ hoạt động XNK thì mọi biến động kinh tế thế giới cũng như cam
kết hội nhập đều tác động đến khiến nguồn thu không có sự ổn định. Khi cơ cấu
thu NSNN dựa chủ yếu vào thu từ hoạt động SXKD trong nước thì cơ cấu thu NSNN hợp
lý hơn, khi đó tính bền vững của thu NSNN cũng tăng lên. Tính bền vững của cơ cấu
thu NSNN cũng phụ thuộc vào dự địa phát triển và nuôi dưỡng nguồn thu trong
tương lai. Một số chỉ tiêu được sử dụng để đánh giá tính bền vững của cơ cấu
thu NSNN là (i) tỷ trọng thu nội địa/tổng thu NSNN; (ii) tỷ trọng thu cân đối từ
hoạt động XNK/tổng thu NSNN; (iii) tỷ trọng thu từ dầu thô/tổng thu NSNN; (iv)
Tỷ trọng thu từ viện trợ/tổng thu NSNN; (v) tỷ trọng thu từ thuế, phí, lệ phí/tổng
thu NSNN...
+ Tính công bằng và hiệu quả của cơ cấu thu NSNN: dựa
chủ yếu vào đánh giá sự công bằng và hiệu quả trong huy động nguồn lực từ thuế.
Các vấn đề cần đánh giá bao gồm: (i) Các khoản thu từ thuế đáp ứng được tính
công bằng ở mức độ nào, có đảm bảo được sự công bằng trong việc phân chia gánh
nặng thuế (ví dụ những người có thu nhập cao hơn thì phải đóng thuế nhiều hơn);
(ii) Hệ thống thuế đã thực sự bao quát đầy đủ các nguồn thu hay không; (iii) Hệ
thống thuế cần tiếp tục cải thiện theo hướng nào; (iv) Hệ thống thuế khi thực
hiện có đạt được mục tiêu đề ra của Đảng và Nhà nước hay không. Tuy nhiên tính
công bằng và hiệu quả đôi khi không thể đồng thời đạt được vì trong nhiều trường
hợp việc đánh thuế gây ra một số tác động “bóp méo” đối với SXKD của doanh nghiệp,
mức tiêu dùng và nỗ lực lao động của các cá nhân (ví dụ đánh thuế thu nhập đối
với người lao động quá cao sẽ không khuyến khích họ gia tăng nỗ lực lao động để
tạo nên của cải cho xã hội). Do đó nếu phải đối mặt với các yêu cầu về củng cố
tài khoá thì chính phủ nên dựa vào các sắc thuế gián thu nhiều hơn là thuế trực
thu do tính trung lập ít bóp méo hoạt động SXKD và mặc dù có tính luỹ thoái (ví
dụ thuế GTGT) nhưng tính hiệu quả trong tạo lập nguồn thu cao hơn. Một số chỉ
tiêu được sử dụng để đánh giá tính công bằng và hiệu quả của cơ cấu thu NSNN
bao gồm (i) tỷ trọng thu từ thuế GTGT/tổng thu NSNN; (ii) tỷ trọng thu từ thuế
TTĐB/tổng thu NSNN; (iii) tỷ trọng thu từ thuế TNDN/tổng thu NSNN; (iv) tỷ trọng
thu từ thuế TNCN/tổng thu NSNN; (v) tỷ trọng thu từ thuế SDĐPNN/tổng thu NSNN;
(vi) tỷ trọng thu từ thuế BVMT/tổng thu NSNN...
Hai là, các yếu tố ảnh hưởng đến đổi
mới cơ cấu thu NSNN bao gồm tăng trưởng kinh tế, cơ cấu nền kinh tế, cơ cấu vốn
đầu tư toàn xã hội, độ mở nền kinh tế, nhu cầu chi tiêu công và nợ công, chính
sách phát triển KTXH và chính sách thu, các yếu tố rủi ro tài khoá như biến đổi
khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, các yếu tố mang tính toàn cầu như cạnh tranh thuế,
mục tiêu tăng trưởng xanh...
Ba là, một trong những giải pháp giúp
thực hiện đổi mới cơ cấu thu NSNN là cải cách chính sách thu, thường tập trung
vào cải cách chính sách thuế do tầm quan trọng của nguồn thu từ thuế trong tổng
thu NSNN. Tùy thuộc vào các mục tiêu, yêu cầu và định hướng về tài khoá thúc đẩy
phát triển KTXH, chính sách thuế sẽ được cải cách theo hướng tạo tiền đề cho
PTBV nguồn thu ngân sách trong dài hạn, đồng thời không làm triệt tiêu các động
lực tăng trưởng và hạn chế được các hoạt động sản xuất và tiêu dùng gây hại cho
môi trường và xã hội.
2.2. Về mặt thực tiễn:
Một là, nghiên cứu KNQT về đổi mới cơ cấu thu
NSNN:
Ở các nước phát triển và đang phát triển, nguồn thu
NSNN dựa chủ yếu vào các khoản thu từ thuế với tỷ trọng áp đảo trên 55% tổng
thu NSNN và thu khác với tỷ trọng trên 10% tổng thu NSNN. Tuy nhiên có sự khác
biệt: ở các nước phát triển, nguồn thu từ viện trợ từ các quốc gia khác gần như
không tồn tại, còn ở các nước đang phát triển, nguồn viện trợ từ các quốc gia
khác gần như chiếm toàn bộ trong cơ cấu thu từ viện trợ.
Hầu hết các quốc gia đều có xu hướng nâng dần tỷ trọng
thu từ thuế trong tổng thu NSNN để tạo nguồn thu ổn định, bền vững xuất phát từ
nội lực nền kinh tế và đồng thời giảm dần các khoản thu không bền vững.
Ở các quốc gia phát triển, tỷ trọng thu từ 02 nhóm
thuế gồm nhóm thuế thu nhập (thuế TNDN, thuế TNCN...) và nhóm thuế tiêu dùng
(thuế GTGT, thuế TTĐB...) trong tổng thu NSNN chiếm cao nhất. Bên cạnh đó, nguồn
thu từ thuế BĐS ở các quốc gia phát triển chiếm tỷ trọng từ 4% trở lên trong tổng
thu NSNN, cao hơn khá nhiều so với các nước đang phát triển (dưới 3%).
Bảng 1: Định hướng đổi mới cơ cấu thu NSNN đến
2030 ở một số quốc gia
Quốc gia
|
Định hướng đổi
mới cơ cấu thu NSNN đến 2030
|
Mục tiêu và các
giải pháp thực hiện
|
Trung Quốc
|
- Tăng cường nguồn thu từ cổ tức của DNNN trong
ngắn hạn
- Tăng cường nguồn thu NSNN từ thuế GTGT, thuế
TNDN, thuế TTĐB, thuế TNCN, thuế tài nguyên, thuế môi trường, thuế BĐS.
|
- Mục tiêu: nhằm huy động đủ nguồn thu NSNN tài
trợ cho chi tiêu thúc đẩy các mục tiêu kinh tế - xã hội - môi trường.
- Giải pháp:
+ Các DNNN phải trả một nửa trong số lợi nhuận của
họ vào NSNN (một tỷ lệ phổ biến ở các nước phát triển) giúp tăng thu.
+ Đánh thuế cao đối với năng lượng, nước, tài
nguyên thiên nhiên và ô nhiễm.
+ Mở rộng áp dụng thuế BĐS đối với nhà ở sẽ khuyến
khích sử dụng tài sản hiệu quả hơn cũng như giảm sự tràn lan của đô thị hóa.
+ Mở rộng cơ sở thuế TNCN bằng cách bao gồm thu
nhập từ tất cả các nguồn (bao gồm cả lãi vốn); thu hẹp lại các khoản miễn giảm
đáng kể của hiện tại và giảm bớt các bậc thuế.
+ Cải cách thuế TNDN tập trung vào sửa quy định DN
có nơi cư trú do làm giảm nguồn thu ngân sách ở các địa phương nghèo vì trụ sở
chính của doanh nghiệp thường được đặt ở các địa phương giàu hơn.
|
Mỹ
|
Tăng cường nguồn thu từ thuế TNCN và thuế TNDN
|
- Mục tiêu đảm bảo công bằng và khuyến khích phân
bổ nguồn lực hiệu quả hơn.
- Giải pháp:
+ Mở rộng cơ sở thuế TNDN: giảm bớt một số ưu đãi
thuế hoặc loại bỏ hoàn toàn các ưu đãi thuế có hại.
+ Mở rộng cơ sở thuế TNCN: Các DN chuyển nhượng,
bao gồm công ty tư nhân, công ty hợp danh (gồm cả công ty trách nhiệm hữu hạn)
và tập đoàn thường chuyển thu nhập kinh doanh cho chủ sở hữu của DN và thu nhập
đó bị đánh thuế theo thuế suất thuế TNCN.
|
Indonesia
|
Tăng cường nguồn thu từ thuế GTGT, thuế các bon
và thuế TTĐB
|
- Mục tiêu cải thiện huy động nguồn thu và nâng
cao lợi ích môi trường.
- Giải pháp:
+ Tăng thuế suất thuế GTGT dần lên từ 11% lên 12%
vào năm 2025; giảm danh mục hàng hóa và dịch vụ được miễn trừ thuế GTGT.
+ Kết hợp thuế các bon với nhiên liệu và thuế
TTĐB đối với xe cộ.
|
Thái Lan
|
Tăng cường nguồn thu từ thuế GTGT, thuế TNCN, thuế
TNDN, thuế BĐS
|
- Mục tiêu tăng cường huy động nguồn lực NSNN
trong trung hạn để xây dựng lại cấu trúc tài khóa.
- Giải pháp:
+ Tăng thuế suất thuế GTGT (hiện đang ở mức 7%).
+ Cải cách thuế TNCN, thuế TNDN và thuế BĐS.
|
Nguồn: Tổng hợp
Hai là, nghiên cứu thực trạng đổi mới cơ cấu
thu NSNN của Việt Nam giai đoạn 2011-2020:
Nhìn chung, cơ cấu thu NSNN có sự chuyển dịch theo
hướng bền vững hơn: tăng tỷ trọng nguồn thu nội địa, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn
thu từ tài nguyên khoáng sản (dầu thô) và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu.
Tỷ trọng thu từ nhóm thuế tiêu dùng chiếm rất cao trong tổng thu NSNN, khẳng định
nguồn thu từ các loại thuế tiêu dùng ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong
huy động nguồn lực cho NSNN. Nguồn thư từ nhóm thuế thu nhập vẫn là một trong
những nguồn thu chính của NSNN. Tỷ trọng các khoản thu từ phí, lệ phí và thu
ngoài thuế ngày càng chiếm vai trò quan trọng trong tổng thu NSNN. Việc đổi mới
cơ cấu thu NSNN được thực hiện tốt nhờ vào quá trình cải cách các chính sách
thu theo hướng đảm bảo đa dạng sắc thuế, bao quát hầu hết cơ sở thuế, thúc đẩy
đầu tư và huy động nguồn lực tài chính bền vững hơn cho NSNN.
Tuy nhiên, hạn chế vẫn còn tồn tại và cần phải có
những giải pháp khắc phục. NSNN vẫn phụ thuộc ít nhiều vào các khoản thu từ dầu
thô và thu cân đối từ hoạt động XNK do sự biến động phức tạp của giá xăng dầu
thế giới cũng như các vấn đề về hội nhập toàn cầu. Tỷ trọng thu NSNN từ khu vực
kinh tế NQD chưa tương xứng với tỷ trọng của loại hình kinh tế này đóng góp
trong GDP có thể do tình trạng trốn thuế hoặc sự phát triển của khu vực kinh tế
phi chính thức cũng khiến cho hiệu quả thu thuế từ khu vực này còn hạn chế. Tỷ
trọng thu từ khu vực DNNN trong thu nội địa có xu hướng giảm thể hiện hiệu quả
vốn đầu tư khu vực nhà nước nói chung và hiệu quả sử dụng vốn hoạt động khối
DNNN nói riêng còn thấp, số thu NSNN từ khu vực DN ĐTNN tuy có sự tăng trưởng
hàng năm (xét theo số tuyệt đối) nhưng tỷ trọng trong thu nội địa lại giảm, thậm
chí chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của khu vực DN ĐTNN do thực tế các
DN ĐTNN thường xuyên báo lỗ, vẫn còn tồn tại hiện tượng chuyển giá, trốn thuế
gây thất thoát, thiệt hại nguồn thu NSNN, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và sự
cạnh tranh lành mạnh. Nguồn thu từ đất đai chủ yếu dựa vào thu từ tiền sử dụng
đất, đây là tín hiệu cần chú ý do tính chất thiếu bền vững. Thu từ thuế sử dụng
đất mới được coi là nguồn động viên ngân sách ổn định thì nhiều năm qua số thu
còn rất thấp, không tương xứng với tiềm năng cũng như dư địa thu còn khá lớn mà
vẫn chưa được khai thác. Tỷ trọng thu về vốn và tỷ trọng thu từ viện trợ tính
toán theo số quyết toán tăng mạnh so với dự toán trong giai đoạn 2011- 2020 khiến
cho cơ cấu thu NSNN chưa thực sự hợp lý khi còn phụ thuộc khá lớn vào nguồn thu
không thường xuyên. Trong cơ cấu thu thường xuyên, thu khác ngân sách là một
trong những khoản thu cũng chiếm tỷ trọng tương đối lớn, thậm chí ngày càng
tăng dần trong giai đoạn 2011-2020, tuy nhiên những khoản thu này không nên được
đưa vào thu thường xuyên vì tính chất phát sinh khó dự đoán. Tỷ trọng thu từ
thuế tài nguyên so với tổng thu NSNN giảm thể hiện một tín hiệu nguồn lực từ
tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt. Tỷ trọng thu từ thuế BVMT hàng
trong nước so với tổng thu NSNN tăng lên thể hiện hàng hóa không xanh vẫn được
tiêu dùng ở mức độ rất lớn. Như vậy cần phải tìm các giải pháp để nuôi dưỡng những
nguồn thu bền vững để giảm dần sự phụ thuộc quá nhiều vào nguồn thu kém bền vững.
3. Đề xuất kiến nghị:
3.1. Kiến nghị 1: Ban chủ nhiệm đề tài đưa
ra quan điểm định hướng đổi mới cơ cấu thu NSNN của Việt Nam đến 2030 như sau:
(1) Tiếp tục tăng dần tỷ trọng thu nội địa trong tổng
thu NSNN để làm giảm sự phụ thuộc vào các khoản thu kém bền vững;
(2) Không đưa các khoản thu có tính chất phát sinh
một lần, biến động vào thu thường xuyên để đánh giá được tính bền vững của cơ cấu
thu NSNN;
(3) Các khoản thu có tính ổn định và bền vững cao cần
được khai thác và nuôi dưỡng, đặc biệt là khoản thu từ thuế đánh vào BĐS cần được
xây dựng và ban hành nhằm tạo lập nguồn thu lớn cho NSNN nói chung và ngân sách
địa phương nói riêng để các địa phương có thêm nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ
chỉ theo phân cấp, giảm bớt áp lực cho ngân sách trung ương; và
(4) Tăng cường các khoản thu từ hoạt động SXKD
trong nước, từ các khu vực kinh tế có sự đóng góp lớn vào GDP...
3.2. Kiến nghị 2: cải cách một số sắc thuế để
thực hiện đổi mới cơ cấu thu NSNN của Việt Nam đến 2030.
3.2.1. Cải cách thuế GTGT:
a) Phương án 1: Trong giai đoạn
2021-2025: Giữ nguyên các mức thuế suất thuế GTGT như quy định hiện hành, đồng
thời thu hẹp dần các nhóm hàng hóa và dịch vụ không chịu thuế chuyển sang đối
tượng chịu thuế GTGT (ngoại trừ các hàng hóa thiết yếu).
- Luận cứ đề xuất phương án:
+ Phù hợp với định hướng trong Chiến lược cải cách
hệ thống thuế đến 2030 “trong giai đoạn đầu tập trung hỗ trợ doanh nghiệp,
người dân khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng tiêu cực
của dịch bệnh Covid-19”, đồng thời đạt được mục tiêu mở rộng cơ sở thuế
theo định hướng của Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030 trong Văn Kiện
đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII.
+ Đối với vấn đề mở rộng cơ sở thuế: Ban chủ nhiệm
đề tài thấy rằng số lượng hàng hóa và dịch vụ không chịu thuế GTGT đang khá nhiều
và chưa thực sự phù hợp với thực tiễn phát sinh hiện nay, nguyên nhân do thuế
GTGT ở Việt Nam được xây dựng trong thời gian qua để thực hiện rất nhiều các mục
tiêu khác nhau: một mặt vẫn phải đảm bảo được nguồn thu cho NSNN, một mặt lồng
ghép các chính sách xã hội và chính sách thúc đẩy/ưu tiên một số ngành sản xuất
dẫn tới chính sách thuế GTGT phức tạp, tính trung lập của thuế GTGT bị giảm đi.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thời đại công nghệ phát triển và hoạt động của khu vực
tư nhân đang ngày càng năng động, nhờ đó nhiều hàng hóa và dịch vụ mới phát
sinh phục vụ cho nhiều đối tượng khác nhau với các mục đích khác nhau, vì vậy
việc xem xét lại đối tượng nào cần phải được đưa ra khỏi đối tượng chịu thuế
GTGT là rất cần thiết để mở rộng cơ sở thuế.
+ Xuất phát từ thực tiễn có phát sinh vướng mắc
liên quan đến khấu trừ thuế GTGT của các DN sản xuất trong nước cũng như nhập
khẩu nên cần chuyển một số hàng hóa và dịch vụ không chịu thuế GTGT sang đối tượng
chịu thuế suất 5%, bao gồm phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho
sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; dịch vụ bưu chính, viễn thông công
ích và Internet phổ cập; dịch vụ duy trì vườn thú, vườn hoa, công viên, cây
xanh đường phố, chiếu sáng công cộng...
Bên cạnh đó cân nhắc đưa dịch vụ y tế bao gồm dịch
vụ khám bệnh, chữa bệnh, phòng bệnh cho người; dịch vụ chăm sóc người cao tuổi,
người khuyết tật và dịch vụ thú y; sản phẩm nhân tạo dùng để thay thế cho bộ phận
cơ thể của người bệnh; nạng, xe lăn và dụng cụ chuyên dùng khác cho người tàn tật...ra
khỏi đối tượng chịu thuế GTGT để phù hợp với thực tiễn của Việt Nam (không chỉ
có khu vực công cung cấp các dịch vụ trên mà khu vực tư nhân cũng tham gia vào
thị trường cung cấp các dịch vụ y tế cho người bệnh) và để phù hợp với thông lệ
quốc tế (thực tế ở các quốc gia Châu Âu, dịch vụ y tế do bệnh viện công cung cấp
được miễn thuế GTGT nhưng luật pháp của từng quốc gia thành viên có thể quy định
các dịch vụ y tế tương tự do khu vực tư nhân cung cấp (hay còn gọi là “bệnh viện
thương mại”) phải chịu thuế GTGT ở mức thuế suất tiêu chuẩn hoặc một số dịch vụ
y tế phải chịu thuế GTGT ở mức thuế suất thấp hơn mức thuế tiêu chuẩn, chẳng hạn
như dịch vụ chăm sóc y tế; Trung Quốc cũng đã xem xét đưa dịch vụ y tế do bệnh
viện tư nhân cung cấp vào đối tượng chịu thuế GTGT do nếu không áp dụng thì sẽ
tác động đến cơ cấu chi phí, các bệnh viện tư nhân không thể yêu cầu các khoản
khấu trừ thuế GTGT đầu vào và khi nhiều hàng hóa và dịch vụ cung cấp cho hoạt động
của bệnh viện chịu thuế GTGT thì trong ngắn hạn sẽ rất khó phân biệt dịch vụ y
tế nào được miễn thuế, do đó trong dài hạn thuế GTGT có thể áp dụng cho dịch vụ
y tế tư nhân vì khả năng các bệnh viện tư nhân tối đa hóa được các khoản khấu
trừ thuế GTGT đầu vào và cải thiện hệ thống quản lý để giảm rủi ro thuế GTGT.
- Tác động của phương án:
+ Nếu vẫn giữ nguyên các mức thuế suất thuế GTGT
như quy định hiện nay thì số thu từ thuế GTGT vẫn sẽ tăng lên do nhu cầu tiêu
dùng tăng lên (vì quy mô dân số tiếp tục tăng trong nhiều năm tới), mặt khác vẫn
đảm bảo được tính ổn định của chính sách thuế GTGT trong thập kỷ tới. Quy mô
dân số tăng kéo theo nhu cầu vật phẩm tiêu dùng và dịch vụ cũng tăng lên. Dân số
phát triển tạo ra một thị trường tiêu thụ rộng lớn, hấp dẫn đầu tư, kích thích
sản xuất, phát triển kinh tế. Điều đó không chỉ tạo điều kiện mở rộng về số lượng
vật phẩm tiêu dùng và dịch vụ, mà còn đa dạng hóa về chủng loại hình thức, kích
thích các nhà kinh doanh mở rộng hoạt động sang nhiều ngành nghề lĩnh vực, nâng
cao đổi mới chất lượng sản phẩm, tận dụng được tối đa lợi thế của thị trường.
Do đó thay vì điều chỉnh các mức thuế suất thuế GTGT, nên tập trung vào cải
cách các loại thuế có tính chất định hướng tiêu dùng nhiều hơn như thuế TTĐB,
thuế BVMT hoặc xem xét xây dựng sắc thuế mới mà nhiều nước đã áp dụng như thuế
các bon.
+ Nếu thực hiện mở rộng cơ sở thuế theo như phân
tích ở trên:
(1) Khi chuyển một số hàng hóa và dịch vụ không chịu
thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế suất 5% như phân bón, máy móc, thiết bị
chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; dịch vụ bưu
chính, viễn thông công ích và Internet phổ cập; dịch vụ duy trì vườn thú, vườn
hoa, công viên, cây xanh đường phố, chiếu sáng công cộng... thì số thu từ thuế
GTGT có thể giảm vì DN được khấu trừ số thuế GTGT phải nộp.
(2) Nếu đưa dịch vụ y tế bao gồm dịch vụ khám bệnh,
chữa bệnh, phòng bệnh cho người; dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, người khuyết
tật và dịch vụ thú y; sản phẩm nhân tạo dùng để thay thế cho bộ phận cơ thể của
người bệnh; nạng, xe lăn và dụng cụ chuyên dùng khác cho người tàn tật...ra khỏi
đối tượng chịu thuế GTGT thì số thu từ thuế GTGT sẽ tăng lên.
b) Phương án 2: Trong giai đoạn 2026-2028:
thu gọn các mức thuế suất để đơn giản hóa chính sách thuế GTGT.
- Luận cứ đề xuất phương án:
+ Thực hiện theo định hướng trong Chiến lược cải
cách hệ thống thuế đến 2030, đối với thuế GTGT sẽ tiến tới cơ bản áp dụng một mức
thuế suất.
+ Kinh nghiệm các nước cho thấy: Thuế GTGT đang được
áp dụng trên 150 quốc gia. Cho đến thời điểm hiện tại, khá nhiều quốc gia đã áp
dụng cơ bản một mức thuế suất thuế GTGT đối với hàng hóa và dịch vụ (ngoại trừ
các hàng hóa thiết yếu) như Armenia (20%), Úc (10%), Azerbaijan (10%), Chile
(19%), UAE (5%), Ecuador (12%), Ai Cập (14%), Indonesia (11%), Israel (17%),
Hàn Quốc (10%), New Zealand (15%), Nigeria (7,5%), Peru (18%), Philippines
(12%), Singapore (7%), Đài Loan (5%), Tanzania (18%), Thái Lan (7%) ... với mục
tiêu tăng thu NSNN để đảm bảo nguồn lực phát triển kinh tế, cải thiện việc tuân
thủ thuế và tạo thuận lợi trong thực hiện và quản lý.
+ Trong quá trình thực hiện, việc có nhiều mức thuế
suất làm cho công tác quản lý thu thuế còn gặp nhiều khó khăn bởi một số tiêu
thức phân loại còn chưa rõ ràng, khó phân biệt hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất
5% hay 10%, từ đó dễ gây ra tình trạng trốn thuế. Ví dụ, đối với sách các loại
(trừ sách thuộc đối tượng không chịu thuế) áp dụng thuế suất thuế GTGT 5%,
trong khi đó hoạt động in, kể cả in sách, áp dụng thuế suất 10%, nên thực tế
phát sinh nhiều trường hợp không thể phân biệt được sách chịu thuế 5%, hay ấn
phẩm in, hoạt động in chịu thuế 10%. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải tăng
chi phí cho việc theo dõi và hạch toán.
Để phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như định hướng
cải cách thuế GTGT, Việt Nam cần hướng tới cơ bản áp dụng một mức thuế suất duy
nhất ngoài mức 0%.
Để Việt Nam hướng dẫn tới áp dụng một mức thuế suất
thuế GTGT duy nhất ngoài mức 0% thì có thể thực hiện đưa một số dịch vụ đang chịu
thuế suất 5% chuyển sang diện chịu thuế suất 10% gồm: Hoạt động văn hóa, triển
lãm, thể dục, thể thao; biểu diễn nghệ thuật; sản xuất phim; nhập khẩu, phát
hành và chiếu phim.
- Tác động của phương án:
+ Góp phần mở rộng cơ sở thuế, gia tăng nguồn thu
cho NSNN. Biện pháp này cũng sẽ tạo tiền đề cho việc tăng thuế suất thuế GTGT về
sau.
c) Phương án 3: nghiên cứu tăng thuế
suất thuế GTGT trong giai đoạn 2029-2030 theo lộ trình và thực hiện tăng thuế
suất thuế GTGT sau năm 2030.
- Luận cứ đề xuất phương án:
+ Thực hiện theo định hướng trong Chiến lược cải
cách hệ thống thuế đến 2030 là nghiên cứu tăng thuế suất thuế GTGT theo lộ
trình. Khi thực hiện tăng thuế suất thuế GTGT cần cân nhắc mức tăng sao cho hợp
lý và giãn lộ trình tăng thuế để doanh nghiệp và người dân có thời gian chủ động
thích ứng.
+ Một số quốc gia áp dụng mức thuế suất thuế GTGT
> 10% (ngoại trừ Thái Lan đang trong giai đoạn giảm thuế suất để hỗ trợ phục
hồi nền kinh tế). Khoảng cách về dân số và thu nhập bình quân đầu người giữa
Philippines, Ai Cập và Việt Nam chênh lệch không quá nhiều, mức thuế suất thuế
GTGT mà Philippines hiện nay đang áp dụng là 12% còn Ai Cập đang là 14%. Do đó,
khi nền kinh tế phục hồi hoàn toàn và theo đà tăng trưởng kinh tế thì việc tăng
thuế suất thuế GTGT của Việt Nam là một biện pháp có tính khả thi, tuy nhiên
trong giai đoạn từ nay đến 2030 việc tăng thuế suất cần phải được xem xét thận
trọng.
- Tác động của phương án:
+ Tăng thu từ thuế GTGT cho NSNN cho giai đoạn sau
2030.
3.2.2. Cải cách thuế TNDN
Phương án đề xuất: khẩn trương áp dụng thuế
suất thuế TNDN thấp hơn trong khoảng 3%-5% so với mức thuế suất thuế TNDN phổ
thông đối với loại hình DN nhỏ và siêu nhỏ và áp dụng có thời hạn trong giai đoạn
05 năm.
- Luận cứ đề xuất phương án:
+ Về mức thuế suất ưu đãi, Điều 10
Luật Hỗ trợ DNNVV quy định: Doanh nghiệp nhỏ và vừa được áp dụng có thời
hạn mức thuế suất thuế TNDN thấp hơn mức thuế suất phổ thông áp dụng cho doanh
nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế TNDN.
+ Vai trò của DNNVV ngày càng quan trọng trong sự
phát triển KT-XH ở tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Thực tế cho thấy,
DNNVV chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng số doanh nghiệp ở nhiều quốc gia (90-98%)
và ở Việt Nam, hiện số lượng DNNVV chiếm hơn 90% tổng số DN đang hoạt động và
97% nếu xét theo tiêu chí lao động. Do đó, DNNVV là loại hình DN chiếm đa số,
góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giúp huy động các nguồn
lực xã hội cho đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo.
+ Kinh nghiệm các nước cho thấy mức thuế suất thuế
TNDN dành cho loại hình DNNVV phổ biến ở mức 10%, 15%, 17%, 19%. Do đó nên áp dụng
thuế suất thuế TNDN thấp hơn trong khoảng 3%-5% so với mức thuế suất thuế TNDN
phổ thông (20%) đối với loại hình DN nhỏ và siêu nhỏ trong giai đoạn 05 năm.
- Tác động của phương án:
(1) Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động SXKD của
loại hình DNNVV và phù hợp với mục tiêu hỗ trợ của Luật Hỗ trợ DNNVV.
(2) Việc áp dụng mức thuế suất ưu đãi này mặc dù
làm giảm thu NSNN nhưng sẽ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính để mở
rộng SXKD, giảm sự phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, tiết kiệm được chi phí, từ
đó giảm giá thành, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút vốn đầu tư.
3.2.3. Cải cách thuế TTĐB: Tăng thuế suất
thuế TTĐB đối với thuốc lá
- Luận cứ đề xuất phương án:
+ Thực hiện theo định hướng trong Chiến lược cải
cách hệ thống thuế đến 2030.
+ Theo WHO, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra
hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm. Trong đó hơn 7 triệu người tử
vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và hơn 1 triệu người tử vong do hút thuốc lá
thụ động. Hút thuốc lá cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm
trùng hô hấp và làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh về hô hấp.
Sử dụng thuốc lá còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến
môi trường sống của con người. Theo WHO, hàng năm có khoảng 5% diện tích rừng bị
phá để trồng cây thuốc lá và lấy gỗ để sấy thuốc lá; ước tính mỗi năm cần 18 tỷ
cây xanh để làm củi sấy thuốc lá; việc sử dụng thuốc lá thải ra môi trường mỗi
năm khoảng từ 3.000 đến 6.000 tấn formaldehyde, từ 12.000 đến 47.000 tấn
nicotine và từ 300 đến 600 triệu kg chất thải độc hại của các mẫu thuốc lá. Các
tác động môi trường của việc sử dụng thuốc lá gây thêm áp lực không cần thiết đối
với các nguồn tài nguyên vốn đã khan hiếm, đặc biệt đối với các nước đang phát
triển (do có hơn 80% số người sử dụng thuốc lá).
Theo đánh giá của WHO, Việt Nam hiện nay vẫn là một
trong 15 quốc gia có số người sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới. Theo Bộ Y tế,
số người đang hút thuốc lá tại Việt Nam ước tính khoảng 15,4 triệu người, trong
đó có 14,8 triệu người là nam và 603 người là nữ. Tình trạng tiếp xúc thụ động
với khói thuốc vẫn còn cao, khoảng 30,9% người lao động bị phơi nhiễm thụ động
với khói thuốc lá tại nơi làm việc và 56% người từ 15 tuổi trở lên bị tiếp xúc
thụ động với khói thuốc lá tại nhà... Mỗi năm người Việt bỏ ra 31 nghìn tỷ đồng
để mua thuốc lá. Hàng năm có trên 40.000 người Việt tử vong do các bệnh liên
quan đến thuốc lá và con số này sẽ tăng lên 50.000 ca tử vong vào năm 2023. Tỷ
lệ người hút thuốc được tư vấn bỏ thuốc khi đến cơ sở y tế tăng từ 40,5% năm
2015 lên 72,2% năm 2020. Tỷ lệ hút thuốc lá cao khiến Việt Nam đang phải đối mặt
với gánh nặng lớn về sức khỏe con người và kinh tế, mỗi năm chi phí điều trị do
thuốc lá gây ra ước tính lên tới 1 tỷ USD/năm. Do đó, theo Bộ Y tế và WHO, việc
tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá được khẳng định là biện pháp vừa ít tốn kém vừa
đạt được hiệu quả cao nhất nhằm làm giảm tỷ lệ tiêu thụ thuốc lá, từ đó, giúp bảo
vệ sức khỏe và tăng nguồn thu từ thuế thuốc lá cho NSNN.
+ Do tỷ lệ thuế TTĐB đối với thuốc lá trong giá bán
lẻ thuốc lá ở Việt Nam hiện nay còn quá thấp khiến cho tình hình sử dụng thuốc
lá vẫn ở mức cao, thậm chí còn có xu hướng gia tăng đối với nhiều loại thuốc lá
phát sinh. Thực tế cho thấy tỷ lệ thuế TTĐB đối với thuốc lá (thuộc các thương
hiệu bán chạy nhất) trong giá bán lẻ thuốc lá (thuộc các thương hiệu bán chạy
nhất) ở Việt Nam hiện đang ở mức 30,35%, đây là mức thấp hơn nhiều so với các
quốc gia trong khu vực ASEAN (Indonesia (48,33%), Myanmar (49,9%), Thái Lan
(58,69%), Malaysia (45,98%), Philippines (45%) và thậm chí còn đang cách khá xa
so với khuyến cáo của WHO (khoảng 70%). Do đó việc áp thuế TTĐB đối với thuốc
lá của Việt Nam chưa thực sự hiệu quả trong việc giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá
do giá thuốc lá vẫn còn quá rẻ, chưa hạn chế được khả năng tiếp cận thuốc lá ở
thanh thiếu niên.
+ Tại Quyết định số 155/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính
phủ ngày 29/1/2022 phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm
và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022-2025 có yêu cầu nghiên cứu đề xuất
mức thuế phù hợp để hạn chế sử dụng các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe, do
đó giải pháp tăng thuế suất thuế TTĐB thật cao đối với thuốc lá trong thời gian
tới được coi là có tính khả thi vì tác động làm tăng giá thuốc lá, triệt tiêu sản
phẩm thuốc lá giá rẻ, Tuy nhiên vấn đề tăng thuế suất thuế TTĐB cũng cần phải
có một lộ trình phù hợp.
- Tác động của phương án:
+ Tăng thuế suất thuế TTĐB đối với thuốc lá sẽ làm
tăng nguồn thu từ thuế TTĐB, đồng thời cũng làm tăng số thu thuế GTGT.
4. Đề xuất hướng phát triển
nghiên cứu tiếp theo của Đề tài:
Việc đổi mới cơ cấu thu NSNN không phải là vấn đề
đơn giản do cơ cấu thu NSNN phụ thuộc vào các yếu tố vĩ mô (tình hình kinh tế
thế giới cũng như trong nước), các yếu tố vi mô (các yếu tố tác động đến hoạt động
kinh doanh, các yếu tố thuộc về thị trường, sản xuất...) và các quy định cải
cách về chính sách thu cũng như hiệu quả của công tác hành thu.
Mặc dù đề tài cũng đã đưa ra những quan điểm, định
hướng, kiến nghị giải pháp và dự kiến tác động của các giải pháp đến thu NSNN.
Tuy nhiên ban chủ nhiệm đề tài mong muốn tiếp tục mở rộng phát triển đề tài này
theo hướng đề xuất cụ thể hơn các giải pháp về thuế và các giải pháp đó sẽ làm
thay đổi cơ cấu thu NSNN ra sao. Để có thể đánh giá và dự báo được sự thay đổi
của cơ cấu thu NSNN, ban chủ nhiệm đề tài dự định sử dụng mô hình kinh tế lượng
vĩ mô để thực hiện dự báo diện mạo mới của cơ cấu thu NSNN dựa trên tác động của
các kiến nghị giải pháp về thuế.
5. Thông tin lưu trữ:
Trên đây là một số kết quả nghiên cứu tóm tắt của đề
tài. Bản đầy đủ của đề tài được lưu trữ tại Thư viện Viện Chiến lược và Chính
sách tài chính.
TÓM
TẮT
KẾT
QUẢ NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI KHCN CẤP VIỆN NĂM 2022
Tên đề tài: Hoàn thiện chính
sách thuế trong điều tiết thị trường bất động sản ở Việt Nam
Đơn vị chủ trì: Ban Chính sách tài chính công, Viện
CLTC
1. Mục tiêu và nhiệm vụ
nghiên cứu:
Mục tiêu nghiên cứu: Hoàn thiện chính sách thuế
trong điều tiết thị trường bất động sản ở Việt Nam.
Nhiệm vụ nghiên cứu:
+ Nghiên cứu tổng quan về thị trường bất động sản
và chính sách thuế trong điều tiết thị trường bất động sản (bao gồm tổng quan về
thị trường bất động sản; tổng quan về chính sách thuế trong điều tiết thị trường
bất động sản; Kinh nghiệm một số nước về chính sách thuế đối với thị trường bất
động sản);
+ Đánh giá thực trạng chính sách thuế trong điều tiết
thị trường bất động sản ở Việt Nam (bao gồm thực trạng thị trường bất động sản ở
Việt Nam; thực trạng chính sách thuế trong điều tiết thị trường bất động sản ở
Việt Nam; nhận diện các vấn đề đặt ra);
+ Đề xuất một số khuyến nghị hoàn thiện chính sách
thuế trong điều tiết thị trường bất động sản ở Việt Nam.
2. Kết quả nghiên cứu chắt lọc:
Những vấn đề của thị trường bất động sản hiện
nay
Một là, thiếu nguồn cung
Thị trường bất động sản (BĐS) phát triển thiếu kiểm
soát, quy hoạch dẫn đến cơ cấu sản phẩm BĐS không phù hợp. Nguồn cung nhà ở
trên thị trường còn thiếu và yếu về chất, chủ yếu thuộc phân khúc trung, cao cấp
với giá trị lớn, chưa phù hợp với đa số người dân, dẫn đến dư thừa BĐS cao cấp,
thiếu BĐS đáp ứng nhu cầu sử dụng thực tế. Số lượng dự án, cũng như số căn hộ
nhà ở xã hội tăng mạnh trong năm 2020 so với năm 2019, tuy nhiên lại có xu hướng
giảm trong năm 2021, dẫn đến rất thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là nhà ở bình
dân, nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân.
Thiếu nguồn cung đất đai cùng là cản trở lớn đối với
khả năng xây dựng nhà ở giá hợp lý. Nhu cầu đất đô thị ngày càng cao, trong khi
nguồn cung đất đai là hữu hạn, và việc triển khai đất có hạ tầng phù hợp gặp
nhiều thách thức như khó khăn của Chính phủ trong việc huy động đất trống và đất
chưa xây dựng ở các thành phố; tình trạng thu hồi và đền bù đất của Nhà nước;
thiếu các công; cụ xác định giá trị đất để khấu trừ giá trị cho các dự án mới;
và thiếu quy hoạch tổng thể về sử dụng đất và sự phối kết hợp giữa các bộ ngành
quan trọng[1]. Trong khi đó, giai đoạn 2016-2021, tình trạng
nhà, đất chưa sử dụng, để lãng phí, vẫn tồn tại ở địa phương. Tại Hà Nội còn
1.947 căn hộ trống/17.863 căn nhà tái định cư chưa có quyết định bán nhà; 489
căn hộ chưa có phương án bố trí; tại thành phố Hồ Chí Minh, nhiều căn hộ tái định
cư ở các dự án đang bỏ hoang, thưa người ở, 1.274 căn hộ và 1.303 nền đất dùng
làm quỹ dự phòng, có gần 5.000 căn hộ và nên đất đang làm thủ tục bán đấu giá.
Tình trạng quy hoạch treo, dự án treo khá phổ biến, đã có 1.739 công trình, dự
án được UBND cấp tỉnh phê duyệt nhưng không triển khai phải hủy bỏ, với tổng diện
tích 12.015ha[2].
Hai là, giá bất động sản biến động phức tạp
Giá nhà ở, giá BĐS đặc biệt là tại khu vực đô thị
còn cao so với mặt bằng thu nhập chung của người dân cũng như tốc độ phát triển
của nền kinh tế. Nguyên nhân làm tăng giá BĐS bao gồm các yếu tố liên quan đến
chính sách vĩ mô của Nhà nước (quy hoạch sân bay, bến cảng, các dự án lớn...),
cơ sở hạ tầng hoàn thiện hơn nhờ giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh vào
các dự án ở nhiều lĩnh vực như hạ tầng, giáo dục, y tế..., đồng thời quỹ đất
ngày càng khan hiếm, ảnh hưởng đến nguồn cung.
Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ yếu khiến giá BĐS tăng
nhanh là tình trạng đầu cơ BĐS vẫn còn diễn ra khá phổ biến, trung bình mỗi dự
án có khoảng 80% là các nhà đầu cơ đều với mục tiêu nắm giữ để chờ tăng giá
sinh lời, đặc biệt là tại các khu đô thị lớn. Thực tiễn cho thấy, tuy đã có hơn
300.000 người môi giới BĐS, nhưng chỉ có khoảng 30.000 người môi giới có chứng
chỉ hành nghề và đã được đào tạo (chiếm khoảng 10%) với khoảng 2.000 văn phòng
môi giới, sàn giao dịch BĐS, nên phần lớn người môi giới đang hoạt động tự do,
thiếu sự quản lý. Thực trạng này cũng góp phần gây ra tình trạng thổi giá, đẩy
giá, giao dịch ảo, tạo khan hiếm giả tạo trên thị trường BĐS. Về cơ bản, tình
trạng đầu cơ đất đai nhằm mang lại lợi nhuận cao, sự giảm sút nguồn cung đất
đai và sự tăng giá nhanh chóng của đất đã ảnh hưởng xấu tới dân cư có thu nhập
trung bình, các doanh nghiệp và cả các địa phương. Chính quyền địa phương và
người dân mất đất chỉ thu được lợi ích nhỏ trong quá trình đô thị hoá trong khi
giá trị của đất thực ra lại tăng lên rất nhiều nhờ quá trình đô thị hoá[3].
Khi giá BĐS không phản ánh đúng giá trị BĐS, dẫn đến
hoạt động của thị trường BĐS thiếu tính bền vững, ổn định và gây nhiều hệ lụy
cho nền kinh tế. Dòng tiền không được luân chuyển vào đầu tư, sản xuất, kinh
doanh để tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế; và có thể làm ảnh hưởng đến
chủ trương cổ phần hóa, huy động; vốn trên thị trường cổ phiếu, thị trường trái
phiếu của Nhà nước để tập trung vốn cho đầu tư xã hội. Khi giới đầu cơ không
bán được BĐS dẫn đến có nhiều BĐS bị hoang hóa, xuống cấp do không được đưa vào
sử dụng đúng mục đích, cũng không được sử dụng cho mục đích an sinh xã hội,
không thúc đẩy lợi ích cộng đồng và không tạo ra nguồn thu cho ngân sách nhà nước,
trong khi đó những người dân có nhu cầu sử dụng gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận
nhà ở, nhất là với nhóm người có thu nhập thấp, trung bình. Ngoài ra, giá đất
quá cao khiến cho chi phí giải phóng mặt bằng cho các dự án của Nhà nước cũng
phải tăng kinh phí đầu tư, gây tốn kém cho ngân sách nhà nước hoặc làm chậm trễ
quá trình đền bù.
Ngoài ra, thị trường BĐS còn thiếu hệ thống cơ sở dữ
liệu đất đai, nên các thành phần tham gia trong thị trường gặp khó khăn khi tiếp
cận các chỉ số của thị trường, các thông tin xác thực về cung, cầu, giá BĐS,
tình hình sở hữu... do đó dẫn đến tình trạng thiếu minh bạch trong thị trường.
Ba là, huy động vốn gặp nhiều khó khăn và tiềm ẩn
rủi ro
Thị trường tín dụng, phát hành trái phiếu, cổ phiếu
ngày càng được kiểm soát chặt chẽ nên các doanh nghiệp kinh doanh BĐS gặp khó
khăn trong tiếp cận nguồn vốn. Đồng thời, trong thời gian qua, lãi suất cho
vay, giá xăng dầu, vật liệu xây dựng tăng dẫn đến chi phí của doanh nghiệp
tăng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp BĐS phát
hành trái phiếu rất lớn, chiếm từ gần 30% đến gần 40% tổng giá trị phát hành
trong giai đoạn 2019- 2021, riêng trong năm 2021, tổng giá trị phát hành của
nhóm doanh nghiệp BĐS chiếm 36% tổng giá trị phát hành TPDN, trong đó, có khoảng
29% giá trị trái phiếu phát hành không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo bằng cổ
phiếu[4].
Thống kê của Tổ chức đánh giá xếp hạng tín nhiệm FiinRatings (thuộc FiinGroup)
cho thấy, trong 5 năm qua, các doanh nghiệp BĐS phát hành trái phiếu doanh nghiệp
mới rất lớn, tỷ trọng dư nợ trái phiếu chiếm khoảng 46% trong tổng nợ vay của
các doanh nghiệp BĐS. Trong các tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp BĐS khó tiếp cận
nguồn vốn tín dụng, khó phát hành trái phiếu doanh nghiệp hơn trước (trong Quý
I/2022 doanh nghiệp BĐS không phát hành được trái phiếu; tháng 7, 8/2022 chỉ có
02 doanh nghiệp BĐS phát hành được trái phiếu). Đồng thời, nhiều doanh nghiệp
kinh doanh BĐS thực hiện huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, với lãi
suất cao, không có tài sản bảo đảm sẽ tiềm ẩn rủi ro cho thị trường.
Kinh nghiệm áp dụng thuế đối với BĐS và một số
bài học có thể áp dụng ở Việt Nam
Về cơ bản, để hạn chế tình trạng đầu cơ BĐS trong nền
kinh tế, một số quốc gia chủ yếu sử dụng công cụ thuế.
Một là, tăng thuế đối với BĐS
Tại Pháp, theo dự thảo kế hoạch ngân sách năm 2023,
đối với những ngôi nhà bỏ trống (empty homes) thuế suất dự kiến sẽ tăng từ
12,5% lên 17% trong năm đầu tiên, và các năm tiếp theo lần lượt là 25% và 34%.
Quy định này dự kiến được áp dụng đối với các BĐS đã bỏ trống từ 1 năm trở lên,
trong các khu vực đông đúc có xu hướng thiếu nhà ở (được quy định là khu vực đô
thị có hơn 50.000 người khó tiếp cận nhà ở, tuy nhiên các yếu tố khác cũng được
xem xét như mức độ cân bằng cung cầu của thị trường nhà ở, tỷ lệ người sở hữu
ngôi nhà thứ hai trong khu vực...). Quy định này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy chủ sở
hữu các BĐS bỏ trống bán tài sản, giảm căng thẳng cho thị trường BĐS. Thuế cư
trú tại Pháp (Taxe d’habitation[5]) áp dụng đối với những người sống trong một
căn nhà/căn hộ, đang trong lộ trình miễn thuế vào năm 2023 đối với căn nhà/căn
hộ thứ nhất. Tuy nhiên, thuế vẫn được áp dụng cho tất cả các ngôi nhà thứ hai
và một khoản bổ sung từ 5% đến 60% trong các khu vực đông đúc, do hội đồng địa
phương quyết định.
Ở Chile, một khoản phụ phí lũy tiến mới, cộng vào
thuế BĐS thông thường phải nộp hàng quý, áp dụng cho người nộp thuế có tổng giá
trị tài sản BĐS (real estate fiscal value) ở Chile vượt quá 485 nghìn USD, với
cách tính như sau: 0,075% cho phần giá trị BĐS nằm trong khoảng từ 485 nghìn
USD đến 846 nghìn USD; 0,15% cho phần giá trị BĐS từ khoảng 846 nghìn USD đến
1,088 triệu USD; và 0,275% đối với phần giá trị BĐS trên 1,088 triệu USD, áp dụng
từ ngày 01/4/2020. Bồ Đào Nha áp dụng phụ phí mới đối với thuế BĐS lần lượt là
0,7%, 1% và 1,5% đối với BĐS có tổng giá trị chịu thuế lần lượt trên 600 nghìn
euros, 1 triệu euros và 2 triệu euros. Thổ Nhĩ Kỳ đã cải cách hai yếu tố của hệ
thống thuế BĐS định kỳ, bao gồm (i) áp dụng một khoản thuế bổ sung đối với nhà ở
có giá trị trên 5 triệu Lira Thổ Nhĩ Kỳ (gần 270 nghìn USD), với thuế suất lũy
tiến từ 0,3% đến 1%, tùy thuộc vào giá trị BĐS; và (ii) áp dụng chính sách miễn
thuế BĐS trong 5 năm đối với các tòa nhà được xây dựng trong phạm vi ưu đãi đầu
tư. Hàn Quốc đã tăng thuế BĐS toàn diện (comprehensive real estate tax), là loại
thuế quốc gia áp dụng cho chủ sở hữu nhiều BĐS và BĐS có giá trị cao, nhằm kiềm
chế giá nhà đất tăng nhanh[6].
Tại Anh, thuế trước bạ (stamp duty land tax - SDLT)
đối với tài sản không phải là nhà ở được quy định lũy tiến, thuế suất ở mức 2%
của giá mua trên 150.000 bảng Anh và tăng lên 5% nếu giá mua vượt quá 250.000 bảng
Anh. Ngoài ra, việc mua lại một tài sản có thể phải chịu thuế GTGT ở mức 20%. Tại
Latvia[7],
để giảm đầu cơ và các tiêu chuẩn cho vay được nới lỏng, Chính phủ thực hiện
tăng phí đăng ký và thế chấp đất đai (land and mortgage registration fees), áp
dụng các loại thuế bổ sung đối với các giao dịch đầu cơ và các yêu cầu về chứng
minh thu nhập. Năm 2021, Singapore đã tăng thuế trước bạ bổ sung (Additional
stamp duties) đối với người mua nhà thứ hai và người nước ngoài, cũng như thắt
chặt giới hạn cho vay đối với các căn hộ nhà ở, góp phần nhằm hạ nhiệt tình trạng
giá nhà tăng đột biến và tăng nguồn cung nhà ở. Nguyên nhân của tình trạng tăng
giá nhà ở Singapore thời gian qua là do người mua nhà đã tận dụng lãi suất thấp
và kỳ vọng rằng giá sẽ tăng cao hơn nữa khi nền kinh tế phục hồi. Giá nhà tư
nhân dã tăng khoảng 9% kể từ quý I/2020, thị trường thứ cấp cho nhà ở xã hội
cũng đang phục hồi mạnh mẽ sau 6 năm sụt giảm, tăng khoảng 15%, doanh thu bán
hàng đạt 32,9 tỷ đô la Singapore (24 tỷ đô la Mỹ) trong nửa đầu năm 2021. Theo
các quy định về tăng thuế, đối với công dân, thuế trước bạ bổ sung (Additional
stamp duties) cho việc mua ngôi nhà thứ hai của họ tăng từ 12% lên 17%; đối với
tài sản thứ ba và tiếp theo, thuế tăng từ 15% lên 25%. Đối với thường trú nhân
(permanent residents), thuế suất khi mua căn nhà thứ hai của họ tăng từ 15% lên
25% và đối với tài sản thứ ba trở đi, thuế trước bạ được tăng từ 15% lên 30%. Đối
với người nước ngoài, thuế trước bạ tăng từ 20% lên 30%. Đối với các tổ chức,
thuế trước bạ tăng từ 25% lên 35%. Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ thắt chặt tổng
ngưỡng tỷ lệ trả nợ từ 60% xuống 55%, khi đó tổng số tiền thanh toán khoản vay
hàng tháng của một người (bao gồm cả các khoản thế chấp), không được vượt quá
55% tổng thu nhập của cá nhân đó. Các biện pháp này được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy
thị trường BĐS ổn định và bền vững.
Hai là, áp dụng thuế đối với đất chưa sử dụng và
giá trị tăng thêm của tài sản
Thuế đối với đất chưa sử dụng tại Campuchia được
ban hành vào năm 1995, cơ sở tính thuế là đất chưa sử dụng, bao gồm đất chưa sử
dụng với các tòa nhà ở trạng thái bỏ hoang, với thuế suất 2% trên giá trị thị
trường được đánh giá của đất trên mỗi mét vuông[8]. Tại
Phillipines có áp dụng thuế đất nhàn rỗi (Idle Land Tax).
Thuế trên thặng dư vốn (capital gains tax) áp dụng
đối với việc bán BĐS nói chung, trong đó phần chênh lệch giữa giá bán và giá
mua sẽ bị đánh thuế, được áp dụng ở hầu hết các quốc gia thành viên EU. Đồng thời,
đối với nơi ở chính thức của chủ sở hữu, có thể nhận được ưu đãi miễn thuế, phụ
thuộc vào thời gian sở hữu tối thiểu (2-5 năm) hoặc với điều kiện là các khoản
lãi thu được thì bán BĐS cũ được tái đầu tư vào việc mua lại BĐS mới làm nơi ở
chính thức (áp dụng tại Tây Ban Nha[9]). Tại Anh, các khoản lãi từ
việc chuyển nhượng trực tiếp và gián tiếp BĐS ở Anh đều phải chịu thuế, thuế suất
đối với các nhà đầu tư là cư dân hay người không cư trú tại Anh là như nhau, ở
mức 19% đối với doanh nghiệp và mức cao nhất là 20% đối với cá nhân, tính trên
giá tham khảo giá trị thị trường (reference to the market value).
Ba là, thuế suất giảm theo thời gian nắm giữ
Tại Pháp, lãi vốn bằng chênh lệch giữa giá bán và
giá mua hoặc giá trị khai báo khi tài sản được nhận thông qua cho tặng hoặc thừa
kế, được áp dụng thuế suất 19%, tuy nhiên thuế suất này sẽ giảm theo thời gian
nắm giữ trước khi thực hiện giao dịch. Cụ thể, thời gian nắm giữ dưới 6 năm,
thuế suất không được giảm, thời gian nắm giữa từ 6 đến 21 năm, thuế suất giảm 6
điểm %; thời gian nắm giữ là 22 năm thuế suất giảm tiếp 4 điểm %, thời gian nắm
giữa trên 22 năm thì được miễn thuế hoàn toàn. Tại Singapore, người bán phải trả
thuế trước bạ của người bán (Seller’s stamp duty - SSD - thuế trước bạ) khi họ
bán tài sản nhà ở của mình trong vòng 3 năm, được áp dụng từ năm 2010. Thuế trước
bạ của người bán dao động từ 12%, 8%, 4% và không phải nộp tùy thuộc vào thời
gian nắm giữ tương ứng là đến 1 năm, hơn 1 năm đến 2 năm, hơn 2 năm đến 3 năm
và hơn 3 năm; và tính trên giá thực tế (actual price) hoặc giá trị thị trường (market
value) của tài sản, tùy theo mức nào cao hơn. Tỷ lệ phần trăm SSD phải trả phụ
thuộc vào độ dài của thời gian nắm giữ, thời gian nắm giữ càng lâu, số thuế SSD
phải trả càng thấp.
Bốn là, giá tính thuế
Tại các nước EU, định giá tài sản là BĐS là khá quan
trọng, đặc biệt trong tính toán thuế tài sản định kỳ và thuế thừa kế, cho tặng.
Giá trị theo định giá thường bằng khoảng 70-75% giá trị thị trường, nhưng riêng
đối với Ý và Hy Lạp, do kinh tế khủng hoảng nên giá trị theo định giá trong nhiều
trường hợp có thể cao hơn nhiều so với giá trị thị trường... Trường hợp của Đan
Mạch đặt mục tiêu xác định giá trị ước tính thấp hơn khoảng 5% so với giá thị
trường thực tế vào ngày định giá, cách xác định này có thể chấp nhận được vì
khi người nộp thuế tin rằng giá trị thị trường thực của tài sản cao hơn một
chút so với đánh giá của họ, họ sẽ thực hiện các nghĩa vụ thuế trên giá trị thấp
đó mà không có nhiều băn khoăn. Ở Canada và Hoa Kỳ, một số tiểu bang có quy định
yêu cầu định giá phải trong phạm vi cộng hoặc trừ 10% so với giá trị thực tế. Ở
Thụy Điển, các tài sản đánh thuế được định giá bằng 75% giá trị thị trường ước
tính. Ở Campuchia, tài sản chịu thuế BĐS được đánh thuế dựa trên 80% giá trị thị
trường được đánh giá do Ủy ban thẩm định và định giá tài sản BĐS quy định,
trong thực tế, giá trị thị trường được đánh giá thường thấp hơn nhiều so với
giá trị thị trường thực tế.
Thuế tài sản công bằng và hiệu quả đòi hỏi cả đánh
giá ban đầu tốt và đánh giá lại thường xuyên. Việc sử dụng các giá trị thị trường
thường gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến xây dựng chính sách, quá
trình cập nhật định kỳ các giá trị... Trên thực tế, việc đánh giá, cập nhật lại
có thể diễn ra hàng năm (Hồng Kông, Trung Quốc và Singapore) hoặc 3 năm một lần
(Indonesia, Philippines). Tại Thái Lan Bộ Ngân khố/Kho bạc (the Treasury
Department) thực hiện sau mỗi 4 năm; Bộ kinh tế tài chính Campuchia cập nhật
hàng năm đối với đất chưa sử dụng và mỗi 5 năm đối với BĐS[10]. Đan Mạch thực
hiện định giá 02 năm một lần kết hợp các ước tính thống kê dựa trên giá bán BĐS
và đặc điểm nhà ở riêng lẻ với các đánh giá tùy ý cá nhân kể từ năm 2024. Ở Hà
Lan, đánh giá hàng năm của các thành phố dựa trên giá bán BĐS và đặc điểm nhà ở
sẽ diễn ra[11].
Một số bài học kinh nghiệm
Để điều tiết thị trường BĐS có thể tăng thuế BĐS
(Hàn Quốc, Đan Mạch...), áp dụng các khoản thu bổ sung đối với chủ sở hữu BĐS
có giá trị cao, có nhiều BĐS nhằm kiềm chế giá nhà đất tăng nhanh (Chile, Bồ
Đào Nha, Thổ Nhĩ Kỳ...).
Cải cách thuế tài sản nên bắt nguồn từ một khung
chính sách hợp lý và phải được thực hiện thông qua các luật được soạn thảo tốt,
đặc biệt là về các nội dung như xác định tài sản, lựa chọn cơ sở thuế, định
giá, đánh giá, xác định thuế suất, thanh toán, thu thuế, thực thi...
Việc lựa chọn phương pháp định giá dựa trên nhiều yếu
tố, bao gồm sự phát triển của thị trường BĐS, sự sẵn có và khả năng truy cập
vào dữ liệu đáng tin cậy (thông tin về quyền sở hữu, đặc điểm tài sản, giá bán
tài sản...), năng lực thể chế và khả năng đánh giá khách quan về định giá.
Thường xuyên cập nhật giá trị địa chính làm cơ sở
cho việc áp dụng thuế định kỳ đối với BĐS, trong đó, quá trình thu thập dữ liệu
để đánh giá là rất quan trọng.
3. Đề xuất kiến nghị:
Từ các kết quả nghiên cứu, đề tài có đề xuất một số
khuyến nghị nhằm hoàn thiện chính sách thuế trong điều tiết thị trường bất động
sản ở Việt Nam, cụ thể:
Một là, về hoàn thiện cơ sở pháp lý về thuế đối
với BĐS: Xây dựng chính sách, pháp luật về thuế sử dụng đất theo thông lệ
quốc tế, phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam và có lộ trình hợp lý; Xây dựng chính
sách thuế theo hướng đơn giản, dễ hiểu, xác định rõ được đối tượng chịu thuế, số
thuế phải nộp; Đảm bảo tính trung lập của thuế.
Hai là, về mở rộng cơ sở thuế: Xem xét mở rộng
nguồn thu đối với nhà ở, các tài sản gắn liền với đất, đối với giá trị tăng
thêm của BĐS trong quá trình sở hữu.
Ba là, về thuế suất: Áp dụng thuế suất lũy
tiến đối với diện tích đất vượt quá một mức trần nhất định để đảm bảo công bằng
xã hội, tránh đầu cơ đất đai; Xem xét ban hành một loại thuế mới/các khoản thu
bổ sung đối với chủ sở hữu BĐS và BĐS có giá trị cao, nhằm đạt được những mục
tiêu về điều tiết thị trường BĐS, về kiềm chế giá BĐS, về mục tiêu tăng thu
NSNN...; Thuế chuyển nhượng BĐS nên tính lũy tiến theo thời gian sở hữu, theo
nguyên tắc sở hữu càng lâu thì thuế càng thấp; Việc tăng thuế suất phải được tiến
hành theo lộ trình và được tính toán hợp lý.
Bốn là, về giá tính thuế: Giá tính thuế đối
với chuyển nhượng BĐS cần phải sửa đổi phù hợp, trên cơ sở giá chuyển nhượng thực
tế. Khung giá nhà đất cần được điều chỉnh tiệm cận về giá thị trường, có thể
thông qua việc thường xuyên định giá lại hoặc thay đổi cách thức định giá. Giá
tính thuế BĐS cần điều chỉnh, cập nhật liên tục thường xuyên.
Năm là, về xây dựng CSDL và ứng dụng công nghệ:
Xây dựng hệ thống thông tin thị trường BĐS gắn với thông tin đất đai, công
khai, minh bạch để tạo dựng được một thị trường phát triển lành mạnh. Hoàn thiện
kho CSDL của cơ quan thuế cũng như các cơ quan khác, dữ liệu về giá BĐS được
công khai, dễ kết nối tra cứu... để hướng tới quy định nguyên tắc giá giao dịch
theo giá thị trường để tính thuế, không chỉ phụ thuộc vào giá trên hợp đồng mua
bán hoặc giá do UBND tỉnh thành công bố, nhằm khắc phục tình trạng thất thu thuế.
Sự phối hợp chặt chẽ, chia sẻ thông tin dữ liệu của các cơ quan, ban ngành liên
quan.
Sáu là, về quản lý thuế: Hướng dẫn người
dân, doanh nghiệp kê khai đúng giá chuyển nhượng; Cơ quan thuế tăng cường phối
hợp với các cơ quan, ban ngành, địa phương trong quản lý thuế đối với hoạt động
chuyển nhượng BĐS, tăng cường biện pháp thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực
hiện các chính sách thuế đối với BĐS; Có cách quản lý thống nhất, nhất quán ở
các địa phương.
Bảy là, một số khuyến nghị khác: Đẩy mạnh
công tác tuyên truyền để người dân nhận thức đầy đủ về chính sách pháp luật thuế
và pháp luật có liên quan; Đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên
quan, để quản lý thuế có hiệu quả đối với hoạt động chuyển nhượng như NHTM, các
tổ chức trung gian thanh toán, Hiệp hội...; Đồng bộ hóa các chính sách khác có
liên quan để lành mạnh hóa thị trường BĐS (Luật Nhà ở, Luật kinh doanh BĐS...);
Tập trung phát triển hạ tầng chiến lược để tạo không gian phát triển mới, tạo động
lực phát triển mới cho nền kinh tế và thị trường BĐS.
4. Thông tin lưu trữ:
Trên đây là một số kết quả nghiên cứu tóm tắt của đề
tài. Bản đầy đủ của đề tài được lưu trữ tại Thư viện Viện Chiến lược và Chính
sách tài chính.
TÓM
TẮT
KẾT
QUẢ NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI KHCN CẤP VIỆN NĂM 2022
Tên đề tài: Chính sách thu ngân
sách nhà nước đối với ô tô điện ở Việt Nam
Đơn vị chủ trì: Ban Chính sách tài chính công,
Viện CLTC
1. Mục tiêu và nhiệm vụ
nghiên cứu:
- Mục tiêu nghiên cứu: Đánh giá chính sách thu ngân
sách nhà nước (NSNN) hiện nay đối với ô tô điện và đề xuất kiến nghị cho Việt
Nam.
- Nhiệm vụ nghiên cứu:
+ Làm rõ một số vấn đề lý luận cơ bản về chính sách
thu NSNN đối với ô tô điện;
+ Nghiên cứu kinh nghiệm các nước về chính sách thu
NSNN khuyến khích phát triển ô tô điện và rút ra bài học cho Việt Nam;
+ Phân tích, đánh giá chính sách thu NSNN đối với ô
tô điện ở Việt Nam, thực trạng phát triển ô tô điện ở Việt Nam và nhận diện các
vấn đề đặt ra;
+ Đề xuất khuyến nghị chính sách thu NSNN đối với ô
tô điện tại Việt Nam trong thời gian tới.
2. Kết quả nghiên cứu chắt lọc:
Thứ nhất: Đề tài đã hệ thống hóa một số vấn
đề lý luận về chính sách thu NSNN đối với ô tô điện như: chính sách thuế nhập
khẩu; chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt; chính sách thuế giá trị gia tăng;
chính sách lệ phí trước bạ.
Thứ hai: Đề tài đưa ra bức tranh chung về thực
trạng phát triển ô tô điện trên thế giới, theo đó, phát triển ô tô điện là xu
hướng chung của thế giới với số lượng bán ra trong năm 2021 đạt mức cao kỷ lục
là 6,6 triệu chiếc, cao hơn 2 lần so với năm 2020 (3 triệu chiếc), chiếm khoảng
9% doanh số bán ô tô trên toàn cầu. Theo báo cáo Viễn cảnh chuyển đổi kinh tế của
BloombergNEF, doanh số bán ô tô điện dự kiến sẽ tăng lên 66 triệu xe vào năm
2040, trong bối cảnh nhiều quốc gia đặt mục tiêu 100% ô tô mới bán ra phải là
xe không phát thải (Na Uy là 2025; Áo, Đan Mạch, Hà Lan là 2030...).
Để khuyến khích phát triển ô tô điện, nhiều quốc
gia đã ban hành các chính sách ưu đãi thuế, tập trung vào một số sắc thuế sau:
(i) miễn giảm thuế nhập khẩu đối với xe nhập khẩu nguyên chiếc và linh kiện
cũng như quặng sản xuất pin xe điện (Thái Lan, Ấn Độ, Colombia, Nam Phi,
Peru...); (ii) miễn giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan,
Malaysia, Philippines, Indonesia...); (iii) miễn, giảm thuế GTGT/thuế hàng hóa (Na
Uy, Trung Quốc, Ấn Độ...); (iv) LPTB tại nhiều quốc gia phát triển được đánh dựa
trên tiêu chí về lượng khí thải, do đó các dòng ô tô điện được hưởng lợi từ quy
định này, đồng thời nhiều quốc gia thực hiện chính sách miễn, giảm LPTB đối với
ô tô điện (Đức, Hà Lan, Đan Mạch, Na Uy, Philippines...); (v) ngoài ra các nước
cũng thực hiện một số ưu đãi khác như giảm thuế BVMT, thuế khí thải đối với ô
tô điện (Anh, Chi-lê, Nhật Bản), miễn giảm các khoản phí thu định kỳ trong quá
trình sử dụng xe như phí đường bộ, phí đỗ xe (Na Uy, Ấn Độ...).
Từ đó, đề tài rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt
Nam như sau: (i) Các chính sách ưu đãi thuế khuyến khích sản xuất và tiêu dùng
ô tô điện thường tập trung vào các sắc thuế nhập khẩu, TTĐB và LPTB; (ii) Các
ưu đãi thường tập trung vào dòng ô tô chạy bằng năng lượng điện thuần túy như
xe BEV và xe FCEV do các dòng xe này không xả thải các bon ra môi trường; (iii)
Các quốc gia có mức thuế cao hơn đối với ô tô động cơ đốt trong có thể giảm chi
phí sở hữu của người tiêu dùng đối với ô tô điện hiệu quả hơn; (iv) Ưu đãi thuế
hướng tới việc nâng cao năng lực sản xuất, lắp ráp ô tô điện trong nước.
Thứ ba: Đề tài tổng quan chính sách thu NSNN
đối với ô tô điện ở Việt Nam và chính sách ưu đãi thuế, phí khuyến khích phát
triển ô tô điện ở Việt Nam. Để đánh giá thực trạng thực hiện chính sách thu
NSNN đối với ô tô điện ở Việt Nam, đề tài kết hợp nghiên cứu các tài liệu thứ cấp
và khảo sát tình hình thực tế hiện nay. Việc khảo sát bao gồm 02 hình thức: (i)
Phỏng vấn trực tiếp: đối tượng là cán bộ thuộc cơ quan thuế Hải Phòng - một
trong 03 tỉnh, thành phố có tỷ lệ người tiêu dùng mua ô tô cao nhất cả nước
trong năm 2021 và Thái Nguyên - một trong 03 tỉnh, thành phố có tỷ lệ sở hữu ô
tô cao nhất cả nước trong năm 2021 (Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam); và chuyên gia
phụ trách phát triển thị trường ô tô điện Vinfast tại Pháp; (ii) Phỏng vấn qua
bảng hỏi online (google form): đối tượng là người dân Việt Nam từ 18 tuổi trở
lên nhằm đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến ý định mua ô tô điện của người dân.
Để phân tích kết quả khảo sát, nghiên cứu dùng phương pháp phân tích phương sai
(Anova) và phân tích hồi quy đa biến. Theo kết quả khảo sát, người tiêu dùng
quan tâm nhiều nhất đến yếu tố công nghệ, thứ hai là tính hữu ích của ô tô điện
trong bảo vệ môi trường, thứ ba là các yếu tố về ưu đãi thuế, phí và cuối cùng
là giá cả. Do đó, để phát triển thị trường ô tô, ngoài yếu tố ưu đãi thuế phí
thì cần quan tâm nhiều hơn đến các yếu tố về công nghệ và truyền thông.
Thứ tư: Đề tài đưa ra định hướng phát triển
ngành công nghiệp ô tô điện ở Việt Nam và quan điểm xây dựng chính sách thu
NSNN đối với ô tô điện ở Việt Nam trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, đề tài
đưa ra một số khuyến nghị về chính sách thu NSNN đối với ô tô điện ở Việt Nam
và một số chính sách khác trên cơ sở học tập kinh nghiệm của một số nước trên
thế giới.
3. Đề xuất kiến nghị:
Về chính sách thu NSNN đối với ô tô điện
Kiến nghị 1: Khi thời hạn
chương trình công nghiệp hỗ trợ kết thúc (năm 2027), xem xét gia hạn thời hạn
áp dụng cho doanh nghiệp sản xuất pin ô tô điện nhằm tạo điều kiện cho các
doanh nghiệp ô tô tăng tỷ lệ nội địa hóa, làm chủ được các công nghệ cốt lõi.
Pin là thành phần chính của ô tô điện, chiếm khoảng
30-35% chi phí sản xuất ô tô điện, tuy nhiên Việt Nam hiện nay chưa sản xuất được
pin ô tô điện mà phải nhập khẩu. Việc nhập khẩu pin vừa tác động làm tăng giá
thành xe, vừa giảm sự chủ động trong sản xuất, lắp ráp, đồng thời làm giảm tỷ lệ
nội địa hóa của xe. Việc không đảm bảo tỷ lệ nội địa hóa cũng ảnh hưởng đến thuế
nhập khẩu ô tô điện của Việt Nam vào thị trường thế giới. Theo khảo sát của của
nhóm nghiên cứu, hiện nay thuế nhập khẩu của ô tô điện VinFast vào thị trường
EU là 10%, tuy nhiên nếu thay vì sử dụng pin nhập khẩu từ Trung Quốc như hiện
nay thành pin sản xuất trong nước thì thuế xuất nhập khẩu sẽ giảm xuống còn 6%.
Do đó, Việt Nam cần có những chính sách ưu đãi, khuyến khích sản xuất pin trong
nước để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa ô tô điện của quốc gia, đồng thời tạo điều
kiện giảm giá thành xe. Hiện nay Việt Nam đang thực hiện chính sách miễn thuế
nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện để sản xuất, gia công (lắp
ráp) các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp
ráp ô tô đến 2027 nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô trong nước. Một số quốc
gia đã thực hiện chính sách ưu đãi đối với sản xuất pin như Chính phủ Ấn Độ giảm
thuế hải quan đối với các loại quặng là những thành phần quan trọng của pin sử
dụng trong xe điện.
Kiến nghị 2: Ưu đãi các khoản
phí thu định kỳ trong quá trình sử dụng ô tô điện.
Tại nhiều nước trên thế giới, ngoài các chính sách
ưu đãi thuế, phí thu một lần còn có các ưu đãi về phí thu định kỳ cho người sử
dụng ô tô điện nhằm khuyến khích người tiêu dùng chuyển sang sử dụng phương tiện
này. Các chính sách như miễn thu phí đường bộ (Na Uy, Ấn Độ), miễn phí đỗ xe có
thời hạn (Na Uy, Pháp), ưu đãi phí xe lưu hành nội đô (Anh). Việt Nam có thể
nghiên cứu áp dụng các ưu đãi trên nhằm tạo ra các tiện ích trong sử dụng ô tô
điện. Đặc biệt trong bối cảnh 05 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội,
thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ đang nghiên cứu, hoàn thiện
đề án thu phí ô tô, xe máy vào một số khu vực nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm, cần
nghiên cứu đưa vào các chính sách ưu đãi phí đối với ô tô điện, do so với ô tô
động cơ đốt trong thông thường thì mức độ gây ô nhiễm của ô tô điện thấp hơn rất
nhiều. Việc ưu đãi này cũng phù hợp với tiêu chí thu phí là nhằm giảm ô nhiễm
cho các khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao do lưu lượng di chuyển của ô tô, xe máy.
Kiến nghị 3: Nghiên cứu
đánh thuế TTĐB đối với ô tô dựa trên CO2, đánh thuế cao hơn đối với
xe có phát thải cao nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển
theo hướng thân thiện môi trường, đằng thời tạo sự công bằng trong chính sách
thuế và không ảnh hưởng đến nguồn thu NSNN.
Kinh nghiệm các nước cho thấy, việc đánh thuế dựa
trên CO2 có thể giúp các quốc gia thực hiện cải cách thuế mà không
làm giảm tổng doanh thu thu được từ việc đánh thuế phương tiện giao thông. Hiện
nay, một số quốc gia trên thế giới và trong khu vực đã áp dụng việc tính thuế
TTĐB đối với ô tô theo CO2. Cụ thể:
Thái Lan bắt đầu áp dụng chính sách này kể từ năm
2016, theo đó, các phương tiện có phát thải CO2 thấp sẽ chịu mức thuế
suất thấp hơn. Ô tô điện (bao gồm cả 04 loại xe) có thuế suất thấp hơn xe chạy
hoàn toàn bằng động cơ đốt trong. Riêng ô tô BEV được miễn thuế TTĐB từ
01/61/2020 đến 31/12/2022 và từ 2023 chỉ áp dụng thuế suất thuế TTĐB ở mức thấp
là 2%.
Tại Indonesia, từ tháng 10/2021, thuế TTĐB dựa trên
khí thải đối với ô tô bắt đầu có hiệu lực. Theo đó áp dụng mức thuế cao hơn đối
với xe ô tô có công suất động cơ cao và lượng khí thải CO2 từ ống xả
lớn. Các phương tiện không phát thải như ô tô điện chạy bằng pin vẫn chịu thuế
0% theo quy định mới, trong khi các phương tiện hybrid phải chịu thuế suất từ
2% đến 12% dựa trên mức phát thải.
Về chính sách khác
Kiến nghị 4: Đưa ô tô điện vào quy
định mua sắm công của Chính phủ
Học tập Trung Quốc hay Malaysia, Việt Nam có thể
đưa ô tô điện vào quy định mua sắm công của Chính phủ. Chính phủ có thể yêu cầu
một tỷ lệ nhất định về mua sắm xe công hàng năm hoặc thuê xe sử dụng thuộc các
dòng xe ô tô điện để tăng cầu cho thị trường ô tô. Tại Trung Quốc, một nửa số
xe ô tô mua mới của chính quyền trung ương phải thuộc dòng xe năng lượng mới
thân thiện môi trường.
Đồng thời mở rộng triển khai thí điểm vận hành xe
buýt điện tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời có
chính sách ưu đãi đặc biệt cho xe buýt điện như có làn xe riêng nhằm giảm ô nhiễm
môi trường tại các thành phố này.
Kiến nghị 5: Hỗ trợ lắp đặt
các hệ thống sạc điện, ưu đãi tín dụng nhằm hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng phục
vụ cho ô tô điện như trạm sạc xe...
Cần tăng tính tiện ích của việc sử dụng ô tô điện,
tháo gỡ những quan ngại của người tiêu dùng thông qua lắp đặt các hệ thống sạc
điện công do Chính phủ đầu tư. Kinh nghiệm của Anh, Chính phủ đầu tư vào cơ sở
hạ tầng các trạm sạc công cộng, tài trợ một số chương trình như trạm sạc tại
nơi làm việc, tại khu nhà ở... Ngoài ra các Chính phủ Pháp, Đức, Trung Quốc, Ấn
Độ... đều chú trọng cơ sở hạ tầng cho ô tô điện và tài trợ đầu tư vào những hạng
mục này.
4. Thông tin lưu trữ:
Trên đây là một số kết quả nghiên cứu tóm tắt của đề
tài. Bản đầy đủ của đề tài được lưu trữ tại Thư viện Viện Chiến lược và Chính
sách tài chính.
[1] WorldBank (2015). Nhà ở giá hợp lý ở Việt
Nam: Con đường phía trước
[2] Kết quả tại 7/15 địa phương của Giám sát
chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống
lãng phí giai đoạn 2016-2021”
[3] WorldBank (2015), Nhà ở giá hợp lý ở Việt
Nam: Con đường phía trước
[4] Theo Báo cáo của Bộ Xây dựng (2022)
[5] Là loại thuế của địa phương, để chi trả dịch
vụ liên quan đến địa phương như: vệ sinh đường phố, sửa chữa đường trong thành
phố, trợ cấp bữa ăn trong trường học, trợ cấp xã hội...
[6] https://www.oecd-ilibrary.org
[7] Crowe et al (2013), How to deal with real
estate booms: Lessons from country experiences.
[8]
https://www.adb.org/sites/default/files/publication/666901/mapping-property-tax-reform-southeast-asia.pdf
[9] Doris Prammer (2021). Immovable property:
where, why and how should it be taxed? A review of the literature and its
implementation in Europe. Public Sector Economics, 44(4). 483-504.
[10] https://www.adb.org/siles/defauIt/files/publication/666901/mapping-property-tax-reform-southeast-asia.pdf
[11] Alexander Leodolter, Savina Princen and
Aleksander Rutkowski (2022), Immovable Property Taxation for Sustainable &
Inclusive Growth.